Google LSA (tên gọi cũ là Google Home Service Ads) là một trong những hình thức quảng cáo mới nhất của Google. Dưới đây, hãy xem qua Top5+ lợi ích nổi bật của dịch vụ Google LSA cũng như so sánh hiệu quả của hình thức Pay Per Lead Marketing này với dịch vụ quảng cáo Google Ads truyền thống nhé.
Google LSA là gì?
Google LSA (Local Service Ads, hay Quảng cáo Dịch vụ Địa phương, gọi tắt là GLSA hoặc LSA) là dịch vụ quảng cáo theo hình thức Pay Per Lead Marketing của Google dành cho các doanh nghiệp địa phương, trong đó quảng cáo được hiển thị ở vị trí cao nhất trên trang kết quả tìm kiếm của Google.
Một điểm đáng chú ý của Google LSA – hay Dịch vụ Quảng cáo Địa phương của Google – chính là bạn không cần tạo mẫu quảng cáo hoặc bất kỳ thẻ meta hay lược đồ (schema) nào để hiển thị nó.
Thay vào đó, Google sẽ tự động tạo ra quảng cáo từ hồ sơ doanh nghiệp của bạn trên Google Business Profile (GBP).
Cách hoạt động của Google LSA
Trong phần Câu hỏi thường gặp về dịch vụ LSA, Google đã mô tả rằng loại quảng cáo này sẽ được hiển thị dành riêng cho những khách hàng ở gần địa điểm doanh nghiệp của bạn và đang tìm kiếm thông tin về các dịch vụ tương đồng với những thứ mà bạn đang cung cấp.
Để liên hệ với bạn, khách hàng chỉ cần bấm vào quảng cáo, một cuộc gọi được thiết lập để bạn và khách hàng trao đổi thông tin với nhau.
Khi khách hàng đó thuê dịch vụ của bạn và công việc đã hoàn tất, họ sẽ được khuyến khích để lại đánh giá review chất lượng dịch vụ.
Để làm rõ hơn về cách hoạt động dịch vụ Google Local Service Ads, hãy giả sử rằng ở thời điểm mùa hè nóng nực một chiếc máy lạnh cũ trong nhà bạn đột ngột bị hư hỏng, và bạn đang ở khu vực Tampa của bang Florida, Mỹ.
Bây giờ, nếu bạn không quen biết ai sửa máy lạnh uy tín, thì giải pháp tốt nhất là lên Google và tìm kiếm một đơn vị cung cấp dịch vụ sửa chữa máy lạnh uy tín và có thể xử lý sự cố nhanh chóng nhất cho bạn.
Sau khi nhập từ khóa tìm kiếm cho dịch vụ sửa máy lạnh, đại loại như “air conditioner repair”, bạn sẽ nhìn thấy trang kết quả tìm kiếm được hiển thị na ná như sau:
Nếu bạn có cảm giác ấn tượng trước đơn vị cung cấp dịch vụ nào, chỉ cần nhấn vào quảng cáo, thông tin chi tiết của doanh nghiệp sẽ được hiển thị trước mắt bạn, kèm theo số điện thoại để bạn có thể dễ dàng liên hệ.
Một khi bạn liên hệ công ty sửa chữa máy lạnh thông qua quảng cáo Google LSA, công ty đó sẽ phải trả chi phí quảng cáo cho Google.
Đó chính là cách hoạt động của quảng cáo GLSA, và bạn có thể xem thêm video dưới đây để xem mô tả của Google về dịch vụ GLSA này:
Điều kiện để sử dụng Quảng cáo Dịch vụ Địa phương của Google
Không phải tất cả doanh nghiệp đều sử dụng được Quảng cáo Dịch vụ Địa phương của Google; ít nhất, ở thời điểm hiện tại, chỉ có các doanh nghiệp tại các quốc gia đang được cung cấp dịch vụ mới đạt điều kiện cần tối thiểu để được xét duyệt, gồm có:
- Hoa Kỳ
- Canada
- Vương quốc Anh
- Ireland
- Tây Ban Nha
- Pháp
- Ý
- Đức
- Áo
- Bỉ
- Thụy Sĩ
Ngoài ra, hiện nay chỉ có một số ngành công nghiệp dịch vụ được hỗ trợ quảng cáo LSA theo hướng dẫn của Google, chẳng hạn như dịch vụ luật sư, môi giới bất động sản, dịch vụ giáo dục, dịch vụ tài chính ngân hàng…
Bên cạnh đó, Google sẽ kiểm tra thêm một số chứng chỉ, hồ sơ cần thiết khác trước khi xác nhận bạn đủ điều kiện để được hiển thị quảng cáo Google Guaranteed hay Google Screened.
Một số loại hồ sơ cần Google xét duyệt gồm có (nhưng không giới hạn): kiểm tra lý lịch, giấy phép đăng ký kinh doanh, hồ sơ bảo hiểm, chứng chỉ hành nghề cũng như các yêu cầu xem xét tối thiểu.
Để biết chính xác bạn có đủ điều kiện để sử dụng Quảng cáo Dịch vụ Địa phương hay không, hãy truy cập vào đây, và điền đầy đủ chính xác các nội dung mà Google yêu cầu như Quốc gia, Bang, Mã ZIP, ngành nghề,… hệ thống sẽ kiểm tra và phản hồi kết quả cho bạn.
Ưu nhược điểm của Quảng cáo Dịch vụ Địa phương trên Google Search?
Ưu điểm của LSA
- Vị trí hiển thị cao nhất trên trang kết quả tìm kiếm của Google (cao hơn cả quảng cáo Google Ads).
- Chỉ những doanh nghiệp ở gần khách hàng mới được phép hiển thị, giúp loại bỏ bớt các đối thủ cạnh tranh từ khu vực khác.
- Hình thức Pay Per Lead – chỉ tính phí khi khách hàng thực sự liên hệ thông qua quảng cáo LSA.
- Cải thiện tỉ lệ nhấp chuột (CTR) và số lượng truy cập website (traffic).
- Hiệu quả trong việc thu thập thông tin khách hàng tiềm năng với tỉ lệ chuyển đổi CVR cao.
- Hiệu quả về mặt chi phí Marketing đối với các ngành công nghiệp có giá trị đơn hàng cao.
- Có thể chạy song song với các hình thức quảng cáo Google Ads truyền thống.
- Được nhận huy hiệu Google Guarantee hoặc Google Screened, mang ý nghĩa doanh nghiệp đáng tin cậy và được Google xác nhận.
Nhược điểm của LSA
- Chi phí PPL cao đối với một số ngành có giá trị đơn hàng quá thấp.
- Xét duyệt hồ sơ phức tạp, chỉ những doanh nghiệp có hồ sơ hợp lệ mới có khả năng vượt qua bài xác minh tính hợp lệ.
Các hình thức quảng cáo Google LSA?
Hiện nay, có 2 hình thức quảng cáo Google LSA, đó là Google Screened và Google Guaranteed.
- Google Screened: dành cho các ngành công nghiệp thuộc nhóm cổ cồn trắng (white collar), chẳng hạn như luật, kế toán, Marketing, tài chính, ngân hàng, kinh doanh bất động sản…
- Google Guaranteed: dành cho các ngành công nghiệp cổ điển thuộc nhóm cổ cồn xanh (blue collar), chẳng hạn như dịch vụ điện nước, sửa chữa máy móc thiết bị, vệ sinh công nghiệp hay sửa khóa.
Các yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng quảng cáo Google LSA
Trong phần Local Services Help, Google đã đưa ra các yếu tố nằm trong thuật toán xếp hạng quảng cáo LSA như sau:
Các thông tin trong Hồ sơ doanh nghiệp
Bao gồm:
- Trạng thái xác minh của bạn và việc bạn có nhận được huy hiệu tin cậy của Google, như Google Screened hay Google Guaranteed hay không.
- Chiến lược đặt giá thầu của bạn.
- Giờ làm việc của bạn (Chỉ các doanh nghiệp đang hoạt động mới được phép hiển thị quảng cáo).
- Khả năng phản hồi của bạn (qua cuộc gọi điện thoại hoặc nhắn tin) đối với các thắc mắc và yêu cầu của khách hàng.
Các đánh giá và báo cáo về doanh nghiệp của bạn
Bao gồm:
- Điểm đánh giá của bạn và số lượng đánh giá bạn nhận được.
- Google có nhận được khiếu nại nghiêm trọng hoặc nhiều lần về doanh nghiệp của bạn hay không.
Thông tin mà khách hàng đang tìm kiếm
Bao gồm:
- Bối cảnh tìm kiếm của khách hàng (VD: cụm từ tìm kiếm, thời gian tìm kiếm, các tín hiệu và thuộc tính người dùng khác).
- Khoảng cách của bạn với vị trí của khách hàng tiềm năng (dựa theo vị trí địa lý hoặc vị trí địa chỉ IP).
Lưu ý : Nếu doanh nghiệp của bạn có nhiều chi nhánh trong cùng một khu vực địa lý, thì quảng cáo Google LSA sẽ chỉ hiển thị quảng cáo xếp hạng cao nhất theo yêu cầu của người dùng.
Vậy Google Local Service Ads có gì khác với Google Ads?
Trong phần FAQ trên website giới thiệu, Google đã xác nhận dịch vụ Local Service Ads là một hình thức quảng cáo dạng Pay Per Lead Marketing, trong đó, doanh nghiệp của bạn chỉ phải trả phí nếu như có khách hàng thực sự liên hệ với bạn thông qua quảng cáo.
Như vậy, khác với dịch vụ quảng cáo Google Ads tính phí cho mỗi lượt tương tác với quảng cáo (PPC), dịch vụ Local Service Ads – hay Quảng cáo Dịch vụ Địa phương – áp dụng cách tính phí PPL.
Bên cạnh đó, với Quảng cáo Dịch vụ Địa phương của Google, bạn cũng không phải thực hiện các công việc khó khăn trong việc nghiên cứu hoặc thử nghiệm từ khóa để tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Thay vào đó, Google sẽ tự động tạo một quảng cáo theo vị trí, giờ làm việc, dịch vụ được cung cấp và các tính năng nổi bật được nêu trong Hồ sơ doanh nghiệp của bạn, sau đó sẽ hiển thị cho những khách hàng tiềm năng đang tìm kiếm các từ khóa có liên quan trong khu vực của bạn.
Tóm lại, việc hiểu rõ được sự khác biệt giữa hình thức LSA và Google Ads rất quan trọng, vì mặc dù có nhiều điểm tương đồng, nhưng đây là hai dịch vụ quảng cáo Google khác nhau, do đó chúng hoàn toàn có thể bổ trợ cho nhau và mang lại hiệu quả tích cực cho chiến dịch Digital Marketing của bạn.
Hãy tưởng tượng, khách hàng sẽ đánh giá về bạn như thế nào nếu trên trang kết quả tìm kiếm Google, thông tin của bạn vừa xuất hiện ở khu vực quảng cáo LSA, vừa được hiển thị trong phần Google Ads, rồi có mặt trong Google Map, và ngay cả Top 10 kết quả tìm kiếm tự nhiên cũng có một trang web của bạn được xếp hạn?
Một tương lai vô cùng sáng lạng đối với những doanh nghiệp địa phương như bạn phải không nào?
Để giúp bạn dễ hình dung sự khác biệt giữa Google Ads và Google LSA, hãy cùng xem bảng tóm tắt dưới đây:
Google LSA | Google Ads |
---|---|
Tính phí theo hình thức Pay Per Lead | Tính phí dạng CPC hoặc CPM |
Hiển thị ở vị trí cao nhất trên Google SERP | Hiển thị bên dưới Google LSA |
Chỉ hiển thị các doanh nghiệp địa phương gần địa điểm của người tìm kiếm | Có thể hiển thị cả các doanh nghiệp cách xa vị trí của người tìm kiếm |
Tạo quảng cáo dựa trên thông tin trong Hồ sơ doanh nghiệp trên Google Business Profile | Tạo quảng cáo bằng cách tùy chỉnh các nội dung theo mong muốn của doanh nghiệp |
Nhận được Huy hiệu của Google trên mẫu quảng cáo | Không có huy hiệu chứng nhận từ Google |
Chỉ có các doanh nghiệp vượt qua khâu sàng lọc hồ sơ của Google mới được phép chạy quảng cáo | Hầu hết các doanh nghiệp đều có thể chạy quảng cáo mà không cần Google xét duyệt |
Chỉ áp dụng đối với một số ngành dịch vụ nhất định | Hầu hết các ngành kinh doanh sản phẩm và dịch vụ đều có thể chạy quảng cáo. |
Google Local Service Ads vs. Google Ads: Cái nào hiệu quả hơn?
Tùy thuộc vào mục đích mà bạn đang nhắm đến, yếu tố hiệu quả của Google Local Service Ads và Google Ads sẽ khác nhau, ví dụ:
- Nếu xét về tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng, Google LSA có hiệu quả cao hơn vượt trội so với Google Ads.
- Nếu đánh giá dựa trên chi phí quảng cáo, Google Ads có nhiều lợi thế hơn so với quảng cáo Google LSA.
- Nếu tính về khả năng tối ưu hóa quảng cáo, Google Ads mang lại sự linh động nhiều hơn so với quảng cáo LSA.
- Đối với khả năng tạo sự tin cậy cho khách hàng, chắc chắn quảng cáo LSA sẽ làm tốt hơn so với Google Ads.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng một chiến dịch quảng cáo Google hoàn toàn có thể sử dụng đồng thời cả 2 hình thức Google Local Service Ads và Google Ads, do đó, nếu nhắm đến việc tối ưu hóa doanh số bán hàng, bạn nên cân nhắc kết hợp cả 2 loại quảng cáo này (nếu có thể).
Chi phí sử dụng Quảng cáo Dịch vụ Địa phương của Google là bao nhiêu?
Vì đây là lần đầu tiên bạn tiếp xúc với công cụ này của Google, do đó bạn có thể sẽ tự hỏi: Giá dịch vụ LSA là bao nhiêu?
Hiện nay, chưa có ước tính chi phí sử dụng Quảng cáo Dịch vụ Địa phương của Google tại Việt Nam vì nó chưa được triển khai, nhưng theo Tom Waddington, chuyên gia Local Search của Google, mức phí PPL dự kiến khi sử dụng LSA dao động từ 5 – 130$ cho mỗi khách hàng tiềm năng, với chi phí trung bình khoảng 23$ tại các thị trường nước ngoài đã áp dụng hình thức quảng cáo này.
Không giống như quảng cáo PPC, dịch vụ LSA của Google được tính phí dựa vào các khách hàng tiềm năng liên quan đến doanh nghiệp hoặc dịch vụ của bạn, chứ không chỉ bằng lượt nhấp chuột.
Khi thiết lập ngân sách, bạn sẽ được hỏi số lượng khách hàng tiềm năng trung bình mà bạn muốn mỗi tuần, cũng như mức chi tiêu hàng tuần của bạn.
Nếu bạn mới sử dụng Quảng cáo dịch vụ địa phương của Google, tốt nhất nên bắt đầu với ít nhất 10 – 20 khách hàng tiềm năng mỗi tuần để đảm bảo bạn thấy kết quả.
Ngoài ra, bạn nên nhớ rằng ngân sách Quảng cáo Dịch vụ Địa phương tách biệt hoàn toàn với ngân sách Google Ads, do đó nếu bạn có cả hai loại quảng cáo này được hiển thị, điều đó có nghĩa là bạn có thể sẽ bị tính phí cho bất kỳ dịch vụ nào.
Google sử dụng ngân sách quảng cáo LSA của tôi như thế nào?
Ngân sách tối đa hàng tháng được tính bằng công thức ngân sách hàng tuần trung bình của bạn nhân với số tuần trung bình trong một tháng.
Về lý thuyết, bạn có thể vượt quá ngân sách hàng tuần một chút trong vài tuần nếu số lượng tìm kiếm gia tăng đột biến trong khu vực của bạn.
Mặc dù vậy, Google sẽ đảm bảo bạn không vượt quá mức tối đa hàng tháng của mình bằng cách điều chỉnh lại số lượng khách hàng tiềm năng mà hệ thống gửi cho bạn trong những tuần tiếp theo.
Nếu bạn tiếp tục nhận được khách hàng tiềm năng sau khi đạt đến mức tối đa hàng tháng, thì khách hàng tiềm năng sẽ được ghi có vào tài khoản quảng cáo của bạn, đồng nghĩa với việc bạn nợ Google một khoản chưa thanh toán.
Google cũng cung cấp một số thông tin về cách thức và thời điểm bạn sẽ bị tính phí cho quảng cáo của mình tại đây.
Có nên đầu tư cho hình thức Quảng cáo Dịch vụ Địa phương của Google hay không?
Từ góc độ chất lượng data khách hàng tiềm năng, loại hình Quảng cáo Dịch vụ Địa phương của Google chắc chắn đáng giá để bạn đầu tư ngân sách Marketing cho nó.
Lý do là vì hình thức quảng cáo này giúp loại bỏ đáng kể những người dùng không phải đối tượng mục tiêu (VD: khách hàng nằm ngoài khu vực, click ảo từ đối thủ cạnh tranh…), đồng thời, nó cho phép doanh nghiệp thực hiện những cuộc gọi tư vấn có thời lượng dài (có thể lên đến 2 phút), thay vì tự mình thực hiện các cuộc gọi cold-calling với tỉ lệ thất bại lên đến 99%.
Còn nếu xét từ góc độ chi phí, thì việc quyết định đầu tư cho Google LSA còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Rõ ràng, bạn bắt buộc phải chấp nhận trả một khoản phí cố định cao hơn rất nhiều cho mỗi cuộc gọi điện thoại đến từ LSA, so với những cuộc gọi đến từ các quảng cáo Google Ads thông thường.
Mặc dù bạn có thể bù đắp được phần nào nhược điểm này bằng việc cải thiện tỷ lệ chuyển đổi thành đơn hàng, tuy nhiên nhìn chung, bạn sẽ thấy rằng chi phí trung bình cho mỗi cuộc gọi từ Local Service Ads vô cùng đắt đỏ ngay cả khi bạn có tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn, cũng như có khả năng tùy chỉnh số lượng cuộc gọi giảm xuống vào những thời điểm không phù hợp.
Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của một số chuyên gia Marketing khác về tiềm năng ứng dụng của Google LSA như dưới đây:
Chạy quảng cáo Google Local Service Ads có lãng phí tiền không – Đánh giá của Chevie, chủ kênh Youtube Chevie Publicover
Local Service Ads và Google Ads, cái nào tốt hơn theo ý kiến của Chevie
Nhận xét về Google Home Service Ads (tên gọi cũ của Google Local Service Ads) theo chuyên gia JB từ Marketing 360
Mẹo tối ưu hóa quảng cáo Google LSA hiệu quả nhất
Khuyến khích khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ đánh giá doanh nghiệp của bạn trên Google
Để cải thiện khả năng xếp hạng trên Google LSA, bạn nên tìm cách nâng cao số điểm đánh giá (tối đa 5 sao) cũng như số lượng đánh giá cho hồ sơ doanh nghiệp trên Google Business Profile.
Mở rộng các loại công việc và lĩnh vực dịch vụ của bạn
Chọn tất cả các dịch vụ mà bạn đang thực hiện cũng như mở rộng tối đa phạm vi cung cấp dịch vụ của bạn. Ví dụ, thay vì chọn theo từng mã bưu chính cụ thể, bạn có thể chọn toàn bộ khu vực tỉnh thành mà bạn đang cung cấp dịch vụ.
Ưu tiên chiến lược Tối đa hóa khách hàng tiềm năng với đặt giá thầu
Chọn “Maximize Leads” thay vì chiến lược đặt giá thầu “Max Per Lead” để tự động tối ưu hóa ngân sách của bạn.
Sử dụng hình ảnh kích thước chuẩn và chất lượng cao
Hình ảnh đăng lên quảng cáo Google LSA cần đảm bảo các yêu cầu như dưới đây.
Đối với ảnh doanh nghiệp
Định dạng file ảnh | JPEG, PNG, TIFF, BMP, ICO, hoặc WEBP |
---|---|
Độ phân giải | 640 x 640 trở lên |
Dung lượng file | Tối đa 10 MB |
Bản quyền | Hình do doanh nghiệp của bạn sở hữu bản quyền |
Nội dung ảnh | Phải liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp |
Tỷ lệ khung hình | Ảnh cover có độ phân giải tối thiểu là 1440 x 810 và tỷ lệ khung hình 16:9. |
Đối với ảnh chân dung
Những ngành nghề như dịch vụ pháp lý, môi giới bất động sản, dịch vụ tài chính ngân hàng có thể đăng ảnh chân dung của các chuyên gia.
Ảnh chân dung của chuyên gia cần tuân thủ các nguyên tắc trong bảng dưới đây:
Định dạng file ảnh | JPEG hoặc PNG |
---|---|
Độ phân giải | Từ 500 x 500 trở lên |
Dung lượng file | Tối đa 10 MB |
Bản quyền hình ảnh | Sở hữu bản quyền với tất cả hình ảnh |
Nội dung ảnh | Người làm việc trên tại doanh nghiệp của bạn |
Tỷ lệ khung hình | 1:1 (ảnh vuông) |
Sử dụng các tính năng mới
- Kết nối với khách hàng tiềm năng qua tin nhắn để giảm 50% chi phí so với một kết nối thông qua cuộc gọi điện thoại.
- Nếu bạn sử dụng các nền tảng CRM tích hợp tương thích với Google LSA (VD: Housecall Pro, Jobber, Scorpion, ServiceTitan hoặc Workiz), hãy chọn tham gia tính năng đặt trước để cho phép khách hàng đặt dịch vụ trực tiếp thông qua quảng cáo Dịch vụ địa phương của bạn.
Một số câu hỏi thường gặp khác về dịch vụ quảng cáo Google Local Service Ads
Các chế độ đấu giá trong Google LSA
Hai chế độ đấu giá quảng cáo trong Google LSA bao gồm:
- Tối đa hóa khách hàng tiềm năng (Maximize Leads)
- Giá thầu tối đa cho mỗi khách hàng tiềm năng (Max Per Lead).
Làm thế nào để nhận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn với Google LSA?
Một trong những cách đơn giản nhất để nhận được nhiều cuộc gọi lead từ Google LSA chính là gia tăng số lượng hồ sơ các nhân viên được Google duyệt trong quá trình xác thực hồ sơ cho tài khoản LSA của doanh nghiệp bạn.
Làm thế nào để cải thiện thứ hạng quảng cáo Google LSA?
3 cách cơ bản giúp bạn cải thiện thứ hạng quảng cáo Google LSA (thậm chí lọt vào Top 3 xếp hạng đầu) như sau:
- Đầu tiên, hãy xử lý tốt tất cả các cuộc gọi. Bạn sẽ không muốn Google hạ thấp mức độ uy tín về dịch vụ của mình chỉ vì các lỗi cơ bản như không nghe điện thoại, ngắt điện thoại giữa chừng, hay những sai sót tương tự như vậy.
- Thứ hai, hãy khuyến khích khách hàng đánh giá tốt cho chất lượng dịch vụ của bạn. Mặc dù tất cả các đánh giá về dịch vụ của bạn trên tài khoản LSA đều bị xóa một khi bạn ngừng quảng cáo, nhưng chỉ cần duy trì đều đặn quảng cáo LSA, bạn sẽ thấy rằng càng nhiều đánh giá tích cực, quảng cáo của bạn sẽ càng được lên xếp hạng cao.
- Thứ ba, không ngại vấn đề chi phí quảng cáo Google Local Service Ads. Chắc chắn rằng chi phí Pay Per Lead của LSA sẽ khá cao, nhưng nếu bạn có thể thu hồi vốn bằng việc bán sản phẩm dịch vụ cho khách hàng, vậy thì không có gì phải đắn đo trong việc gia tăng ngân sách quảng cáo và chạy quảng cáo thường xuyên hơn.
Các loại ảnh doanh nghiệp không được chấp nhận đối với quảng cáo Google LSA
- Hình ảnh chứa văn bản hoặc lớp phủ văn bản.
- Hình ảnh vi phạm bản quyền.
- Hình ảnh có nội dung không phù hợp (Vd: nội dung khiêu dâm, bạo lực, lời nói căm thù, ngôn từ tục tĩu,…).
- Hình ảnh chứa thông tin của doanh nghiệp khác.
- Hình ảnh chứa thông tin cá nhân (VD: Email, số điện thoại, địa chỉ nhà,…).
- Hình ảnh chất lượng thấp (VD: mất nét, mờ, ánh sáng kém, không thể nhận dạng, ảnh chụp màn hình…)
- Hình ảnh có khung, viền hoặc ảnh ghép.
- Hình ảnh có nền trong suốt.
- Đối với dịch vụ pháp lý: Hình ảnh chứa hình ảnh của khách hàng hoặc đối tác.
Các loại ảnh chân dung bị đánh giá xấu đối với quảng cáo Google LSA
- Ảnh chân dung hiển thị phần thân hoặc dưới thân.
- Khuôn mặt không được canh giữa.
- Người trong ảnh không nhìn trực diện vào máy ảnh.
- Có nhiều hơn 1 người trong ảnh.
- Không phải ảnh người (VD: ảnh chụp tòa nhà, biển hiệu…).
- Ảnh chất lượng thấp.
- Ảnh chứa văn bản hoặc lớp phủ văn bản.
- Ảnh có phần nền không trung tính.
- Ảnh đen trắng hoặc sử dụng bộ lọc màu.
Kết luận về dịch vụ quảng cáo Google Local Service Ads
Trên đây là những thông tin bạn cần biết về dịch vụ quảng cáo Google Local Service Ads nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất một khi dịch vụ này ra mắt thị trường Việt Nam.
Vậy khi dịch vụ này chính thức ra mắt tại Việt Nam, các ngành nghề kinh doanh nào sẽ phù hợp nhất để chạy quảng cáo loại này?
Theo quan điểm của tôi, những lĩnh vực kinh doanh phù hợp nhất để sử dụng dịch vụ quảng cáo Local Service Ads tại Việt Nam gồm có:
- Dịch vụ luật và tư vấn luật
- Dịch vụ thuế, kế toán, kiểm toán
- Dịch vụ sửa điện nước
- Dịch vụ chăm sóc trẻ, trường mẫu giáo
- Dịch vụ bảo hiểm, tài chính, ngân hàng
- Dịch vụ tư vấn chiến lược
- Dịch vụ tư vấn du học và xuất khẩu lao động
- Dịch vụ môi giới, kinh doanh nhà đất
- ……
Còn theo bạn, hình thức Quảng cáo Dịch vụ Địa phương – Google LSA – phù hợp với những ngành nghề nào nhất?
Hãy cho tôi biết quan điểm của bạn bằng cách bình luận dưới bài viết này nhé.