Pay Per Lead Marketing là một trong những hình thức tiếp thị trả tiền dựa trên kết quả được rất nhiều Marketer tại Việt Nam quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh một số ưu điểm, loại hình Marketing này vẫn có nhược điểm “chí mạng” mà bạn cần lưu ý khi tính toán hiệu quả hoạt động của nó.
Pay Per Lead trong Marketing là gì?
Nói đơn giản, Pay Per Lead là một hình thức Marketing, trong đó doanh nghiệp của bạn chỉ phải trả phí mỗi khi nhận được thông tin của một khách hàng.
Nói cách khác, Pay Per Lead (viết tắt là PPL) là một hình thức nhỏ thuộc loại hình quảng cáo CPA (viết tắt của Cost Per Acquisition) nghĩa là thanh toán cho mỗi lượt chuyển đổi thành hành động (một số người còn gọi là Cost Per Action, tức trả tiền cho mỗi hành động).
Nhìn chung Pay Per Lead không xa lạ với những người làm Marketing tại Việt Nam, và nó được xem là một hình thức hợp tác Win-Win (đôi bên cùng có lợi) giữa doanh nghiệp của bạn – tức người cần quảng cáo – và các nền tảng quảng cáo.
Vì sao?
Vì cả hai đều đạt được chính xác mục tiêu mà mình mong muốn: Thông tin khách hàng tiềm năng (đối với bạn) và Tiền quảng cáo (đối với kênh quảng cáo).
Tại Việt Nam, hình thức Pay Per Lead Marketing phổ biến nhất mà bạn có thể bắt gặp chính là quảng cáo Lead Ads (còn gọi là quảng cáo Form hay Quảng cáo biểu mẫu).
Cách tính PPL – Chi phí cho mỗi khách hàng tiềm năng
Công thức tính PPL – hay CPL (Cost Per Lead) – cũng rất đơn giản.
PPL được định nghĩa là chi phí trung bình trên mỗi khách hàng tiềm năng, được tính bằng tổng số tiền đã chi cho hoạt động Pay Per Lead Marketing chia cho tổng số lượng khách hàng tiềm năng mà bạn đã thu thập thông tin trong suốt chiến dịch.
Nói cách khác: PPL = (Tổng chi phí cho chiến dịch PPL Marketing) / (Tổng số lead thu được)
Ví dụ, bạn đã tốn 10 triệu đồng cho chiến dịch quảng cáo trực tuyến để có thông tin của 80 khách hàng tiềm năng, như vậy, chi phí PPL cho chiến dịch này là: PPL = 10.000.000 / 80 = 125.000 đồng/lead.
Khách hàng tiềm năng quan trọng như thế nào đối với Marketing?
Từ góc độ Marketing, thuật ngữ “khách hàng tiềm năng” có thể được sử dụng để chỉ bất kỳ ai quan tâm đến những gì một thương hiệu cụ thể cung cấp.
Những người làm Marketing sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau để lọc khách hàng tiềm năng, chẳng hạn như thông tin nhân khẩu học hoặc thông qua sở thích, thói quen, quan điểm sống của họ.
Bây giờ, bạn cần biết rằng: chất lượng của khách hàng tiềm năng quan trọng hơn số lượng khách hàng tiềm năng nói chung.
Ví dụ: Quảng cáo của một thương hiệu mới ra mắt có thể xuất hiện trên các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau, nhưng chỉ một phần rất nhỏ trong số những người nhìn thấy quảng cáo có thể sẽ đặt hàng.
Như vậy, những người đã xem quảng cáo nhưng chưa mua hàng có được tính là “khách hàng tiềm năng” hay không?
Đây là lúc mà bạn thấy rõ tầm quan trọng của việc tìm kiếm các khách hàng tiềm năng chất lượng, vì có thể một nhóm những người đã xem quảng cáo và chưa mua hàng ở thời điểm hiện tại những sẽ quyết định đặt mua vào một dịp nào đó trong tương lai.
Nói cách khác, họ chính là những khách hàng tiềm năng có giá trị đối với doanh nghiệp.
Đối với mỗi thương hiệu khác nhau sẽ có một nhóm khách hàng lý tưởng khác nhau, chẳng hạn, một công ty vàng bạc có thể sẽ muốn tiếp thị những phụ nữ trẻ quan tâm đến thời trang, trong khi một công ty bán phụ tùng ô tô sẽ muốn thu hút những người đang sử dụng ô tô.
Hình thức Pay Per Lead Marketing hoạt động như thế nào?
Khi sử dụng mô hình kinh doanh dạng PPL, bạn chỉ trả tiền cho nền tảng quảng cáo nếu có khách hàng tiềm năng bày tỏ sự quan tâm thực sự đến dịch vụ của mình.
Điều này nghĩa là trước khi chiến dịch Marketing trả tiền cho mỗi khách hàng tiềm năng bắt đầu chạy, bạn sẽ thỏa thuận với các kênh quảng cáo hoặc các công ty cung cấp dịch vụ Marketing để quyết định giá của mỗi khách hàng tiềm năng sẽ là bao nhiêu.
Ngoài ra, bạn cũng sẽ đưa ra định mức số lượng khách hàng tiềm năng mà các nền tảng này sẽ cung cấp hàng tháng, cũng như thống nhất về loại thông tin khách hàng tiềm năng sẽ thu thập là gì.
Cuối cùng, bạn có thể lựa chọn hình thức Marketing mà mình mong muốn nhằm đạt được mục tiêu thu thập thông tin khách hàng.
Với tất cả các thông tin trên, các công ty dịch vụ Marketing hoặc các nền tảng quảng cáo trực tuyến sẽ triển khai dịch vụ và gửi kết quả cho bạn theo định kỳ.
Ưu nhược điểm của hình thức PPL – Tiếp thị trả tiền cho mỗi khách hàng tiềm năng
Ưu điểm, lợi ích của PPL Marketing
Bạn chỉ trả tiền khi nhận được thông tin của khách hàng tiềm năng
Lợi ích lớn nhất của việc sử dụng dịch vụ Pay Per Lead chính là bạn không lãng phí tiền vào các hình thức quảng cáo hoặc tiếp thị có thể không hiệu quả.
Lợi thế này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp địa phương quy mô nhỏ hoặc đang phát triển và không thể lãng phí bất kỳ một khoản tiền nào.
Bằng cách sử dụng dịch vụ PPL, bạn chỉ phải trả tiền cho những khách hàng tiềm năng đủ điều kiện theo tiêu chuẩn mà bạn đã đặt ra, và do đó bạn có quyền kiểm soát tốt hơn đối với việc phân bổ ngân sách Marketing.
Nhờ đó, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các hoạt động khác, thay vì suốt ngày phải đắn đo “chuyện gì sẽ xảy ra nếu đó không phải là khách hàng tiềm năng”.
Thúc đẩy các bên tập trung vào hiệu quả đạt được, không phải vào quá trình diễn ra như thế nào
Bạn chỉ trả tiền cho các dịch vụ Lead Generation đối với số lượng khách hàng tiềm năng mà bạn nhận được, chứ không phải cho việc những kênh đó đã “cố gắng, nỗ lực, vất vả” như thế nào trong suốt quá trình triển khai.
Nhờ vậy, hình thức này khuyến khích các kênh hoạt động hiệu quả nhất có thể nhằm thu thập số lượng lướn những khách hàng tiềm năng chất lượng tốt, vì bất kỳ sự lãng phí nào trong quá trình triển khai đều là chi phí do họ tự chi trả, chứ không phải bạn.
Tập trung vào mục tiêu nâng cao doanh số, cải thiện tỷ suất sinh lợi ROI
Một trong những ưu điểm lớn nhất của PPL chính là việc nó nhắm đến mục tiêu bán hàng, cải thiện doanh số, khác với phần lớn các loại hình Marketing hiện nay ưu tiên hoạt động quảng bá thương hiệu là chính.
Nói cách khác, với mỗi đồng chi cho hoạt động Pay Per Lead, bạn được quyền kỳ vọng cao rằng nó sẽ mang lại những đơn hàng thực sự, tạo ra nguồn thu nhập cho doanh nghiệp, chứ không phải thu được những kết quả đại loại như “độ phủ thương hiệu trên thị trường được tăng cao”, hay “gia tăng lượng người theo dõi kênh”.
Nhược điểm của Pay Per Lead
Khó kiểm soát chất lượng dữ liệu
Đối với hình thức Pay Per Lead, chất lượng thông tin khách hàng tiềm năng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của công ty dịch vụ Marketing hoặc nền tảng quảng cáo.
Điều này nghĩa là nếu các công ty nghiên cứu thị trường, các đại lý Marketing hoặc các nền tảng quảng cáo không có kinh nghiệm triển khai hoặc sử dụng các công cụ thu thập dữ liệu không phù hợp, rất có khả năng các dữ liệu khách hàng mà bạn nhận được chỉ là rác rưởi.
Bên cạnh đó, hình thức trả tiền cho dữ liệu khách hàng có khả năng khiến các bên cung cấp dịch vụ chạy theo số lượng thay vì chất lượng nhằm kiếm được nhiều lợi nhuận nhất.
Vì sao như vậy?
Bởi vì đơn giá cho mỗi khách hàng tiềm năng đã được ước định sẵn, do đó các đơn vị cung cấp dịch vụ hoàn toàn không được đền bù cho những nỗ lực của họ khi tạo ra các khách hàng tiềm năng chất lượng tốt cho khách hàng, trong khi việc tìm kiếm các khách hàng tiềm năng chất lượng thực sự rất khó khăn.
Vì thế, đối với các bên bán dữ liệu khách hàng tiềm năng, thì việc tập trung vào số lượng dữ liệu khách hàng tiềm năng vừa đơn giản, vừa thu được tiền và tiết kiệm chi phí nhất.
Khó độc quyền về dữ liệu khách hàng
Bạn có chắc chắn rằng dữ liệu khách hàng mà bạn nhận được chỉ có duy nhất một mình bạn sử dụng được?
Câu trả lời là: Không, vì còn có vô số các doanh nghiệp khác cũng đang hoạt động y hệt như bạn trên thị trường, hay nói thẳng ra đó là các đối thủ cạnh tranh của bạn.
Do đó, có khả năng bạn sẽ đánh mất một lượng khách hàng tiềm năng vào tay các đối thủ cạnh tranh trực tiếp khác nếu trong hợp đồng giữa bạn và các bên quảng cáo không có điều khoản bảo mật thông tin phù hợp.
Điều này rất khác biệt so với việc bạn đưa khách hàng tiềm năng đến trang web của mình thông qua các hoạt động quảng cáo hay SEO, vì đó là toàn bộ dữ liệu về khách hàng đó do bạn kiểm soát 100%.
Giá trị của mỗi khách hàng tiềm năng bị pha loãng
Điều này xảy ra khi một danh sách khách hàng tiềm năng được gửi cho nhiều bên khác nhau, trong đó có bạn.
Khi đó, có thể bạn đang bỏ tiền ra chỉ để mua những “dữ liệu khách hàng tiềm năng” đã quyết định đặt mua sản phẩm dịch vụ từ các đối thủ cạnh tranh khác.
Nghe có vẻ không công bằng, nhưng hầu như bạn không thể làm gì được trong tình huống này.
Vì vậy, cách tốt nhất là thay vì mua các dữ liệu khách hàng tiềm năng có sẵn, bạn chỉ nên sử dụng các dịch vụ Pay Per Lead Marketing uy tín không chia sẻ dữ liệu với các bên khác.
Có quá ít đơn vị cung cấp dịch vụ PPL uy tín tại Việt Nam
Như đã nói ở trên, vì việc thu thập dữ liệu khách hàng tiềm năng quá khó khăn, do đó hiện nay hầu như không có đơn vị nào tại Việt Nam cung cấp dịch vụ Pay Per Lead chất lượng cho doanh nghiệp, dù thị trường có nhu cầu rất lớn về việc này.
Top5+ dịch vụ Pay Per Lead Advertising hiệu quả nhất tại Việt Nam hiện nay
Hiện nay, có rất ít (hoặc phải nói là không có) nền tảng cung cấp dịch vụ Pay Per Lead Advertising tại Việt Nam, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không có bất kỳ sự lựa chọn nào tốt và hiệu quả để thu thập thông tin khách hàng tiềm năng.
Dưới đây, tôi sẽ giới thiệu cho bạn các giải pháp tốt nhất và hiệu quả nhất để thay thế cho dịch vụ PPL Marketing.
Đặc điểm chung của các giải pháp này chính là việc tính phí dịch vụ theo hình thức CPC – trả tiền cho mỗi click – nhưng chúng hỗ trợ biểu mẫu đăng ký thông tin một cách nhanh gọn, giúp người dùng nhanh chóng hoàn thành biểu mẫu trong thời gian ngắn nhất và ít thao tác nhất có thẻ.
#1: Linkedin Lead Ads – Giải pháp hiệu quả cho các ngành B2B
Có thể nói Linkedin Lead Ads là hình thức quảng cáo biểu mẫu hiệu quả nhất hiện nay.
Vì sao?
Bạn sẽ dễ dàng có được thông tin liên hệ của các đối tác tiềm năng đang giữ các chức vụ cao trong các doanh nghiệp, cũng như có được thông tin về các nhân sự tài năng và chuyên nghiệp nhất trên khắp thế giới.
Đặc biệt, khả năng cho phép tự điền thông tin vào biểu mẫu giúp khách hàng không cảm thấy phiền phức nếu muốn để lại thông tin liên hệ.
Ưu điểm của Linkedin Lead Ads
- Tập khách hàng tiềm năng đa ngành nghề, đa cấp bậc ở nhiều quy mô từ nhỏ đến lớn.
- Cho phép lọc khách hàng tiềm năng thông qua chức danh, nghề nghiệp, công ty, lĩnh vực kinh doanh,…
- Tự động điền thông tin đăng ký biểu mẫu giúp tiết kiệm thời gian cho người dùng.
- Nhiều định dạng quảng cáo khác nhau, thậm chí có cả loại tin nhắn riêng, nhằm tối đa hóa khả năng tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu.
- Dễ dàng đánh giá tỷ suất sinh lợi ROI thông qua việc theo dõi khả năng chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng thực sự (nhờ vào Linkedin Insight Tag).
Nhược điểm của Linkedin Lead Ads
- Khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng Việt Nam không cao do tỉ lệ người dùng Linkedin tại Việt Nam không nhiều.
- Khó tiếp cận những khách hàng trẻ tuổi hoặc chưa có việc làm.
- Chi phí khá đắt với những lĩnh vực kinh doanh có giá trị hợp đồng thấp.
Ai nên sử dụng quảng cáo Linkedin Lead Ads?
Nền tảng quảng cáo của Linkedin thích hợp với những người làm trong lĩnh vực B2B đang tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác, tìm kiếm nhân sự hoặc xây dựng quan hệ với các đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực.
Chi phí sử dụng Linkedin Lead Ads là bao nhiêu?
Tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh, bộ lọc quảng cáo và quốc gia, chi phí cho mỗi khách hàng tiềm năng có sự dao động khá lớn.
Mặc dù vậy, theo thống kê, chi phí CPL cho mỗi khách hàng tiềm năng từ Linkedin có thể từ dưới 1$ đến hơn 100$.
#2: Youtube TrueView Ads – Thu thập thông tin khách hàng tiềm năng với Lead Ads
Youtube TrueView Ads cho phép thu thập thông tin khách hàng tiềm năng với tính năng tích hợp biểu mẫu đăng ký vào quảng cáo.
Nói cách khác, thay vì chuyển tới một trang landing page nào đó, người dùng sẽ được phép đăng ký thông tin của mình cho nhà quảng cáo dịch vụ thông qua một biểu mẫu ngay trên Youtube.
Điều này tạo ra sự tiện lợi cho người dùng vì tốc độ load biểu mẫu trên Youtube rất nhanh, và họ cũng không bị gián đoạn trải nghiệm xem video sau khi hoàn tất biểu mẫu.
Đối với các nhà quảng cáo, Youtube Lead Ads cho phép họ tiếp cận một khối lượng khổng lồ khách hàng tiềm năng từ Youtube (khoảng 62.5 triệu người dùng trong năm 2022), đa phần là giới trẻ trên 18 tuổi.
Để xem chi tiết cách thiết lập quảng cáo Youtube Lead Ads, bạn có thể xem hướng dẫn chi tiết của Youtube tại đây.
Ưu điểm của Youtube Lead Ads
- Tự động điền thông tin cá nhân vào form.
- Tiếp cận với lượng khách hàng tiềm năng lớn (đa phần là giới trẻ).
- Sử dụng chung tài khoản với các quảng cáo Google Ads khác.
- Cơ chế tự động điều chỉnh giá thầu quảng cáo để tối đa hóa hiệu quả quảng cáo.
Nhược điểm của Youtube Lead Gen Ads
- Cơ chế tính chi phí quảng cáo PPC – trả tiền cho mỗi click – thay vì PPL – trả tiền cho mỗi khách hàng tiềm năng.
- Một số quảng cáo có thể bị bỏ qua bằng cách nhấn vào nút “Bỏ qua quảng cáo”, cũng như có thể bị chặn bởi các tiện ích chặn quảng cáo như Adblock Plus.
Vì sao bạn nên sử dụng Youtube Lead Form Ads?
- Hiệu quả về chi phí
- Cho phép nhắm mục tiêu hiệu quả dựa trên nhiều yếu tố như: Nhân khẩu học, chủ đề video, đối sánh khách hàng, khách hàng tương tự, re-marketing, đối tượng chung sở thích,…
- Dễ theo dõi và đo lường với Google Analytics.
- Quảng bá thương hiệu nhanh chóng.
Chi phí sử dụng Youtube Lead Generation Ads là bao nhiêu?
Tương tự với các quảng cáo Google Ads khác, chiến dịch quảng cáo Youtube Lead Generation Ads hoạt động trên cơ chế đấu thầu, do đó, trong một số trường hợp, bạn có thể hiển thị quảng cáo của mình với chi phí dưới 100đ/click.
#3: Tiktok Lead Generation Ads – Giải pháp thay thế cho Youtube Trueview Ads
Cũng là một nền tảng chia sẻ video tương tự Youtube, do đó các quảng cáo Tiktok Lead Generation Ads sẽ là một phương án Marketing không thể bỏ qua nếu bạn muốn thu thập dữ liệu khách hàng tiềm năng từ một tập khách hàng quy mô khổng lồ.
Ưu điểm của Tiktok Lead Ads
- Tự động điền thông tin cá nhân vào biểu mẫu (tên, email, số điện thoại).
- Tập khách hàng tiềm năng cao (đa phần là giới trẻ).
- Có thể triển khai song song hoặc thay thế cho Youtube Lead Ads.
Nhược điểm của Tiktok Lead Gen Ads
- Khó tiếp cận nhóm đối tượng lớn tuổi.
- Khách hàng có thể bỏ qua mà không cần đợi thời gian chờ quảng cáo.
- Hiệu quả thấp hơn vì tính phí theo hình thức CPM – trả tiền cho mỗi 1000 lượt xem – thay vì CPL hoặc CPC.
Đối tượng nên sử dụng Tiktok Lead Ads?
- Các doanh nghiệp cần quảng bá thương hiệu nhanh chóng tới giới trẻ tại Việt Nam.
- Các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mà giới trẻ quan tâm (Vd: game, giải trí, phim ảnh,…).
Chi phí triển khai Tiktok Lead Generation Campaign?
Hiện nay, chi phí quảng cáo trên Tiktok khá đắt, CPM tối thiểu là 10$ cho mỗi 1000 lượt xem.
Ngoài ra, theo báo cáo của AdAge năm 2019, tổng chi phí cho mỗi chiến dịch quảng cáo Tiktok rơi vào khoảng 50 ngàn đến 120 ngàn USD tùy thuộc vào định dạng và độ dài quảng cáo.
#4: Facebook Lead Ads – Quảng cáo Pay Per Lead Advertising cho mạng xã hội lớn nhất Việt Nam
Facebook là mạng xã hội lớn nhất Việt Nam hiện nay, bao gồm nhiều phân khúc độ tuổi khác nhau từ già đến trẻ, vì vậy, nó mang lại cơ hội lớn cho bất kỳ doanh nghiệp nào có nhu cầu thu thập thông tin khách hàng tiềm năng.
Ưu điểm của Facebook Lead Generation Ads
- Điền form trực tiếp trên Facebook, không cần chuyển sang một trang web hoặc ứng dụng khác.
- Tương thích với thiết bị di động.
- Dễ dàng thu thập thông tin khách hàng.
- Bộ lọc khách hàng chi tiết theo nhân khẩu học, sở thích,…
Nhược điểm của Facebook Lead Gen Ads
- Tính phí theo CPC thay vì CPL.
- Chất lượng lead không cao, dễ gặp lead ảo.
- Ngày càng khó quảng cáo vì kiểm duyệt nội dung.
Facebook Lead Form Ads phù hợp với đối tượng nào nhất?
Nhìn chung, Facebook Lead Ads phù hợp với tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu thu thập thông tin khách hàng ở mọi quy mô, mọi ngành nghề và mọi ngân sách quảng cáo.
Chi phí sử dụng Facebook Lead Ads?
Chi phí chạy quảng cáo Facebook Lead Ads tùy thuộc vào nhiều yếu tố như giá thầu, lĩnh vực kinh doanh, quốc gia, nhưng trên lý thuyết, bạn có thể triển khai quảng cáo Facebook Lead Ads với bất kỳ ngân sách nào.
Theo thống kê của Wordstream năm 2019, chi phí CPL trung bình của một chiến dịch quảng cáo đối với tất cả các ngành nghề là 19.68$, trong đó thấp nhất là lĩnh vực thực phẩm ăn uống với 12.91$, và cao nhất là lĩnh vực tin tức với 56.89$.
Dưới đây là bảng tổng hợp chi tiết để giúp bạn nhìn rõ hơn chi phí CPL dự kiến cho một chiến dịch quảng cáo Facebook:
Lĩnh vực | Chi phí CPL trung bình |
---|---|
Gym & Làm đẹp | 38.33$ |
Doanh nghiệp & Công nghiệp | 23.8$ |
Tài chính | 41.28$ |
Ăn uống | 12.91$ |
Nhà & Vườn | 44.23$ |
Sở thích & Thời gian rảnh | 21.99$ |
Internet & Viễn thông | 29.95$ |
Việc làm & Giáo dục | 18.36$ |
Tin tức | 56.89$ |
Con người & Xã hội | 33.21$ |
Thú cưng | 15.29$ |
Bất động sản | 16.52$ |
Khoa học | 12.67$ |
#5: Zalo Lead Ads – Giải pháp thay thế Pay Per Lead hiệu quả
Theo thống kê, Zalo hiện là nền tảng truyền thông xã hội lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau Facebook.
Mặc dù chưa rõ số lượng người sử dụng Zalo sẽ biến động như thế nào sau khi nền tảng này tuyên bố bắt đầu thu phí dịch vụ của người dùng từ ngày 01/08/2022, tuy nhiên, tôi có thể nhận định rằng việc thay thế nền tảng này sẽ rất khó diễn ra nhanh chóng (ít nhất là trong vòng 1-2 năm sắp tới).
Do đó, dịch vụ Zalo Lead Ads vẫn là một trong những dịch vụ quảng cáo CPC gần giống với hình thức PPL nhất mang lại hiệu quả cao mà bạn có thể sử dụng cho đến thời điểm này.
Ưu điểm nổi bật của Zalo Lead Ads
- Công cụ chat trên di động có lượng người dùng đông nhất tại VN
- Biểu mẫu trực quan, thân thiện.
- Tốc độ tải form nhanh, thao tác ngay trên Zalo
- Cho phép tự điền thông tin nhanh chóng dựa trên thông tin tài khoản Zalo đã đăng ký.
Nhược điểm của Zalo Lead Form Ads
- Không áp dụng cho tất cả các ngành nghề kinh doanh (Xem chi tiết tại đây).
- Hình ảnh chứa nhiều nội dung sẽ khó nhìn do bị hạn chế khi hoạt động trên Zalo
- Dễ phát sinh “khách hàng tiềm năng” ảo do bấm nhầm khi thao tác trên Zalo
- Tính phí dạng CPC (chỉ cần người dùng nhấp vào quảng cáo là đã bị tính phí).
Zalo Lead Ads phù hợp nhất với nhóm đối tượng nào?
Những lĩnh vực dưới đây được xem là phù hợp nhất để sử dụng hình thức quảng cáo Zalo Lead Ads:
- Kinh doanh Bất động sản;
- Tuyển dụng việc làm & Giáo dục;
- Kinh doanh Ô tô & xe cộ;
- Dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng;
- Dịch vụ làm đẹp thẩm mỹ, chăm sóc cá nhân;
- Kinh doanh các sản phẩm sữa;
- Tư vấn thiết kế kiến trúc căn hộ, chung cư, đồ nội thất;
- Dịch vụ Gym & Fitness;
- Dịch vụ du lịch, lữ hành;
- Phòng khám, trung tâm y tế, bệnh viện;
- Công ty Digital Marketing, đại lý quảng cáo, dịch vụ tiếp thị truyền thông đa phương tiện;
- Kinh doanh nhà hàng tiệc cưới;
- Kinh doanh nhượng quyền thương mại
Chi phí sử dụng Zalo Lead Ads là bao nhiêu?
Về bản chất Zalo Lead Ads thuộc hình thức quảng cáo CPC – trả tiền trên mỗi tương tác – nên chi phí chạy quảng cáo Zalo Lead Ads tùy thuộc vào mục tiêu tương tác mà bạn nhắm đến.
Google Local Service Ads – Dịch vụ quảng cáo PPL đúng nghĩa sắp ra mắt tại Việt Nam
Như tôi đã nói ở trên, hiện nay tại Việt Nam hầu như không có bất kỳ dịch vụ Marketing hiệu quả nào giúp thu thập thông tin khách hàng tiềm năng theo hình thức PPL.
Mặc dù vậy, điều này có thể sẽ thay đổi trong một tương lai gần với dịch vụ Google Local Service Ads (hay Google LSA).
Trong trường hợp bạn chưa từng nghe nói về dịch vụ này, thì Google LSA – còn gọi là Quảng cáo Dịch vụ Địa phương của Google – là một công cụ quảng cáo trực tuyến dạng Pay Per Lead do Google cung cấp.
Đúng theo bản chất của nó, bạn chỉ phải thanh toán khi thu thập được thông tin từ khách hàng tiềm năng thông qua các cuộc gọi được kết nối với tổng đài do Google quản lý.
Do đó, bạn sẽ có được những dữ liệu khách hàng tiềm năng chất lượng tốt nhất, và đặc biệt, các khách hàng này ở rất gần địa điểm doanh nghiệp của bạn.
Nhờ đó, bạn sẽ gia tăng được tỷ lệ chuyển đổi thành các đơn hàng thực sự, cũng như cải thiện tỷ suất sinh lợi ROI của mình.
Để hiểu rõ hơn về Local Service Ads của Google, bạn có thể theo dõi video dưới đây:
Hiện tại, dịch vụ quảng cáo Local Service Ads chỉ mới được triển khai thử nghiệm tại 11+ quốc gia phương Tây dù đã được chính thức ra mắt từ năm 2015 với tên gọi cũ là Google Home Service Ads.
Vì thế, những người làm Digital Marketing tại Việt Nam như tôi và bạn vẫn chưa có điều kiện để tiếp cận công cụ này và tìm hiểu kỹ hơn tính hiệu quả của nó.
Mặc dù vậy, tôi tin rằng trong một tương lai không xa, Việt Nam sẽ nằm trong danh sách các quốc gia được sử dụng dịch vụ Google LSA.
Còn bạn, bạn nghĩ khi nào Việt Nam sẽ được Google cho phép sử dụng công cụ Pay Per Lead Marketing này?
Hãy cho tôi biết bằng cách để lại comment ngay bên dưới bài viết này nhé.<