Cách tạo nội dung thường xanh hữu ích ưu tiên con người bằng ChatGPT (đã test)

Evergreen Content là gì? 4 bước tối ưu content evergreen để lên Top Google

Cách hiệu quả để viết content evergreen (nội dung thường xanh) hữu ích, ưu tiên con người bằng ChatGPT giúp website tăng traffic bền vững, dễ lên Top Google.

Lưu ý: Nội dung này do tôi sáng tạo ra, không có sự hỗ trợ của bất kỳ công cụ hỗ trợ viết content bằng AI nào, và đã được đăng ký bảo hộ nội dung trên DMCA (Xem chi tiết tại đây), vui lòng trích dẫn nguồn kèm link bài viết nếu muốn đăng tải lại bài viết trên website khác.

Evergreen content là gì?

Evergreen content (hay evergreen topic, nội dung thường xanh…) là một khái niệm Content Marketing ám chỉ những nội dung được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của khách hàng mục tiêu về một khía cạnh nhất định trong thời gian dài.

Nói cách khác, nội dung của bạn sẽ bao quát những câu hỏi, thắc mắc hoặc vấn đề mà khách hàng thường quan tâm trong khoảng thời gian một vài năm trở lên khi nói về một chủ đề nhất định nào đó, và các thông tin trong bài viết sẽ không cần thiết phải được cập nhật một cách thường xuyên, liên tục để duy trì sự phù hợp.

Ví dụ, nội dung hướng dẫn cách viết content sẽ được liệt kê vào nhóm content evergreen bởi vì nhu cầu tìm kiếm của người dùng về chủ đề “viết content” vẫn đang tăng trưởng ổn định trong vòng 5 năm vừa qua, theo báo cáo của công cụ Google Trends từ 2018 – 2023.

Nhu cầu tìm kiếm của người dùng tại Việt Nam đối với chủ đề "viết content" từ năm 2018 - 2023 (Nguồn: Google Trends, báo cáo ngày 24/10/2023)
Nhu cầu tìm kiếm của người dùng tại Việt Nam đối với chủ đề “viết content” từ năm 2018 – 2023 (Nguồn: Google Trends, báo cáo ngày 24/10/2023)

Trong khi đó, bài viết về chủ đề xu hướng Marketing 2023 không thuộc loại nội dung evergreen content, bởi vì kể từ năm 2024 trở đi, độc giả sẽ quan tâm đến các xu hướng đang diễn ra ở thời điểm hiện tại thay vì các xu hướng trong quá khứ.

Vì sao evergreen content quan trọng đối với chiến lược Content Marketing?

Bất kể bạn đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nào, nội dung evergreen sẽ luôn đóng vai trò quan trọng nhất trong chiến lược Content Marketing dài hạn của bạn, bởi vì nó không chỉ mang lại giá trị liên tục theo thời gian mà còn giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực quý giá khác.

Dưới đây là một số lợi ích chính của việc sử dụng nội dung evergreen trong chiến lược Content Marketing:

Evergreen content giúp tăng traffic bền vững cho website của bạn

Để tăng doanh thu bán hàng, bạn cần gia tăng số lượng khách hàng mục tiêu nhìn thấy thông tin về sản phẩm, dịch vụ của mình, và tăng traffic truy cập vào website là bước đầu tiên để bạn kích hoạt quy trình này.

Nội dung thường xanh – Evergreen Content – giúp bạn gia tăng lưu lượng khách hàng truy cập vào website bởi vì nó phù hợp với phần đông đối tượng độc giả, mặc dù vẫn có một bộ phận nhỏ khách hàng tìm kiếm những sản phẩm cũ hoặc các thông tin đã lỗi thời.

Bên cạnh đó, vì nhu cầu tìm kiếm về loại nội dung này duy trì ổn định theo thời gian, do đó, nếu website của bạn nằm ở những vị trí dễ nhìn thấy khi khách hàng tìm kiếm thông tin, bạn gần như sẽ đảm bảo được lượng khách hàng truy cập vào website mỗi ngày.

Chẳng hạn, bài viết của tôi về chủ đề báo cáo nghiên cứu thị trường của Nielsen vẫn đang đều đặn nhận được khoảng 50 lượt truy cập mỗi tháng trong suốt một năm vừa qua mà chưa cần phải cập nhật nội dung mới cho nó.

Con số này không nhiều do yếu tố ngách của thị trường, nhưng hãy tưởng tượng nếu bạn có hàng chục bài viết tương tự như trên nhắm đến các chủ đề evergreen với hàng ngàn lượt tìm kiếm mỗi tháng cho mỗi chủ đề, như vậy bạn đã có một website với hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lượt truy cập mỗi tháng, con số rất đáng mơ ước đúng không?

Nội dung evergreen giúp xây dựng uy tín, sự tin cậy trong phạm vi lĩnh vực mà bạn đang hoạt động

Mọi người xem bài viết của bạn vì họ tin rằng nó sẽ cung cấp những thông tin hữu ích mà họ đang cần, và nếu nội dung của bạn hoạt động tốt, nó sẽ giúp bạn trở thành một chuyên gia uy tín trong mắt của độc giả, bất kể bạn có phải là đơn vị lớn nhất hoặc thành công nhất trong lĩnh vực đó hay không.

Nói cách khác, evergreen content giúp khách hàng hiểu rõ hơn về trình độ chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm làm việc của bạn, và họ sẽ tin tưởng vào mọi thứ mà bạn đang cung cấp trong nội dung ngay cả khi bạn đang nói về những chủ đề rất cơ bản mà không cần giải thích nhiều như SEO là gì hoặc cách viết nội dung hấp dẫn đối với độc giả.

Đây cũng là thứ mà tất cả các website đang nhắm đến trong cuộc chiến cạnh tranh thứ hạng trang web trên Google, bởi yếu tố tin cậy (Trust) là yếu tố quan trọng hàng đầu trong bộ tiêu chuẩn EEAT giúp Google đánh giá chất lượng của một nội dung trước khi xếp hạng nó trên công cụ tìm kiếm của mình.

Các chủ đề evergreen giúp thu hút khách hàng tiềm năng và gia tăng tỷ lệ chuyển đổi

Xếp hạng cao trên các công cụ tìm kiếm như Google với các nội dung evergreen phản ánh niềm tin của Google vào thông tin trên website của bạn, từ đó giúp khách hàng tin tưởng hơn vào các sản phẩm và dịch vụ mà bạn đang cung cấp, và họ sẽ ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp của bạn khi có nhu cầu mua hàng.

Lưu ý rằng, vì evergreen content thường đề cập đến những chủ đề chung chung, do đó bạn vẫn còn rất nhiều công việc cần làm nếu muốn thực sự thuyết phục khách hàng tiềm năng và chuyển đổi họ thành khách hàng thực sự, chẳng hạn như mô tả thông tin chi tiết về sản phẩm dịch vụ, hoặc cung cấp thêm các ưu đãi thực sự hấp dẫn cho khách hàng.

Evergreen content giúp tiết kiệm thời gian, công sức và nhiều nguồn lực khác của doanh nghiệp

Nếu chiến lược Content Marketing của bạn không nhắm đến evergreen content, theo thời gian, bạn sẽ phải thường xuyên sáng tạo nội dung mới với tần suất ngày càng dày đặc hơn nếu muốn gia tăng lưu lượng truy cập vào website.

Điều này có thể dễ dàng trong giai đoạn đầu sau khi tạo website mới vì số lượng bài viết không nhiều, nhưng sau một khoảng thời gian tiếp theo, bạn sẽ thấy áp lực đến từ việc phải liên tục viết nội dung mới cho website vì lý do nội dung cũ đã bị lỗi thời quá nhanh chóng.

Kết quả là, bạn sẽ tốn ngày càng nhiều thời gian và nỗ lực cho việc duy trì lưu lượng truy cập ở mức cũ, và ngay khi bạn quyết định duy trì tần suất viết bài mới như cũ hoặc tạm dừng bổ sung thêm nội dung mới, biểu đồ lưu lượng truy cập vào website sẽ có xu hướng giảm dần tương tự như hình minh họa dưới đây.

Biểu đồ trên Google Search Console cho thấy traffic website giảm dần theo thời gian
Biểu đồ trên Google Search Console cho thấy traffic website giảm dần theo thời gian

Sự khác biệt giữa nội dung theo mùa và evergreen content

Nhiều người bị bối rối khi phân biệt evergreen content với nội dung theo mùa, bởi chúng giống nhau ở chỗ khách hàng luôn có nhu cầu tìm kiếm về chủ đề qua nhiều năm, và nội dung có thể không cần phải cập nhật một cách thường xuyên.

Tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản giữa evergreen content và nội dung theo mùa chính là việc nhu cầu tìm kiếm các nội dung theo mùa chỉ gia tăng đột biến trong một khoảng thời gian nhất định của năm, chứ không diễn ra đều đặn quanh năm giống như evergreen content.

Ví dụ, mọi người có thể tìm kiếm về chủ đề cách diệt chuột ở mọi thời điểm trong năm, từ Tháng Một đến Tháng Mười Hai, từ năm này qua năm khác, và đây là một trong những nội dung evergreen điển hình nhất.

Nhu cầu tìm kiếm về chủ đề diệt chuột trên Google Trends trong vòng 5 năm (Nguồn: Google Trends, báo cáo ngày 24/10/2023)
Nhu cầu tìm kiếm về chủ đề diệt chuột trên Google Trends trong vòng 5 năm (Nguồn: Google Trends, báo cáo ngày 24/10/2023)

Trong khi đó, nhu cầu tìm kiếm về chủ đề quà Valentine chỉ bắt đầu gia tăng đột biến vào thời điểm 1 tháng trước ngày 14/2 hàng năm, và sau đó nhu cầu tìm kiếm gần như biến mất hoàn toàn trước khi đến gần thời điểm ngày Valentine của năm tiếp theo.

Nhu cầu tìm kiếm về chủ đề quà Valentine trong vòng 5 năm (Nguồn: Google Trends, báo cáo ngày 24/10/2023)
Nhu cầu tìm kiếm về chủ đề quà Valentine trong vòng 5 năm (Nguồn: Google Trends, báo cáo ngày 24/10/2023)

Chính vì thế, “quà Valentine” được xếp vào nhóm nội dung theo mùa, chứ không phải evergreen content.

Nói chung, evergreen content – hay nội dung thường xanh – thường không phải là một trong những loại nội dung như sau:

  • Thông cáo báo chí.
  • Tin tức hoặc bài viết về một sự kiện đang diễn ra.
  • Báo cáo nghiên cứu về các chủ đề dễ bị lỗi thời.
  • Nội dung liên quan đến một sự kiện cụ thể.

Cấu trúc của một bài viết về evergreen content

Theo thống kê của BacklinkO, các nội dung evergreen thường được trình bày nhiều nhất dưới dạng bài viết hướng dẫn và danh sách liệt kê, và những bài viết thuộc loại hướng dẫn, top list, báo cáo ngành và nghiên cứu thị trường cũng là những loại nội dung thường xanh phổ biến nhất.

Dưới đây, tôi sẽ trình bày chi tiết 5 loại cấu trúc được sử dụng nhiều nhất đối với loại nội dung này, bao gồm:

Cùng đi sâu vào từng loại nhé.

Evergreen content dưới dạng hướng dẫn từng bước

Đây là loại bài viết mô tả chi tiết các bước thực hiện theo thứ tự nhất định nhằm giúp độc giả nắm bắt cách thức triển khai để đạt được một kết quả cụ thể nhất định, có thể là kỹ năng, sản phẩm hoặc hoàn thành một công việc nào đó.

Ví dụ, khi nói về chủ đề cách giặt ghế sofa, bạn cần làm rõ các bước mà người xem cần thực hiện để làm sạch ghế sofa bị bẩn, bao gồm các công đoạn trước, trong và sau khi giặt sạch ghế, thậm chí, bạn có thể nêu rõ về nguyên nhân làm ghế bị bám bẩn, cách bảo quản ghế không bị bẩn cũng như cách thực hiện nhiều phương pháp khác nhau để vệ sinh ghế.

Đây cũng là loại cấu trúc mà website Cleanipedia của Unilever thường xuyên sử dụng trong quá trình phát triển các nội dung evergreen liên quan đến mẹo hay trong đời sống hàng ngày.

Bài viết hướng dẫn giặt ghế sofa tại nhà trên website của Cleanipedia
Bài viết hướng dẫn giặt ghế sofa tại nhà trên website của Cleanipedia

Evergreen content dưới dạng bài viết trụ cột

Đây là loại bài viết bao gồm rất nhiều các thông tin tổng quan về một chủ đề nào đó, từ định nghĩa, khái niệm, phân loại, nguyên lý hoạt động, cách sử dụng, cách triển khai… và còn rất nhiều khía cạnh nội dung khác, kèm theo đó là các đường liên kết dẫn đến các bài viết chi tiết về từng chủ đề nhỏ có liên quan.

Bài viết What is Content Marketing của Content Marketing Institue là một ví dụ điển hình về nội dung evergreen dưới dạng bài viết trụ cột, trong đó các khía cạnh quan trọng về Content Marketing được đề cập đến bao gồm:

  • Định nghĩa của Content Marketing.
  • Vì sao cần sử dụng Content Marketing.
  • Ví dụ về các thương hiệu sử dụng Content Marketing.
  • Làm thế nào Content Marketing hỗ trợ doanh số và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
  • Tương lai của Content Marketing.

Ngoài ra, tác giả cũng kèm theo một số link dẫn đến các bài viết phân tích về Email Marketing, Social Media Marketing, SEO, PR, PPC… để giúp độc giả hiểu rõ hơn nội dung chính của bài viết ban đầu.

Evergreen content dưới dạng danh sách liệt kê

Danh sách liệt kê (hay thường gọi là Top List) là một trong những hình thức trình bày phổ biến của evergreen content, trong đó, bài viết sẽ liệt kê các phương án khác nhau để giải quyết cùng một vấn đề mà độc giả đang quan tâm.

Ví dụ, bài viết hướng dẫn cách diệt chuột của Bách Hóa Xanh liệt kê ra 12 phương pháp khác nhau, và tùy khả năng của từng khách hàng, họ có thể lựa chọn cách diệt chuột phù hợp nhất với điều kiện của riêng mình.

Một bài viết về nội dung thường xanh dạng Top List trên website Bách Hóa Xanh
Một bài viết loại evergreen content dạng Top List trên website Bách Hóa Xanh

Evergreen content dưới dạng báo cáo nghiên cứu

Báo cáo nghiên cứu, phân tích chuyên sâu về các case study điển hình là một dạng cấu trúc khác thường được sử dụng của nội dung evergreen, trong đó, bài viết tập trung đề cập đến kết quả nghiên cứu, tổng hợp số liệu thống kê hoặc kết luận được rút ra từ việc phân tích một vấn đề phổ biên mà độc giả thường quan tâm.

Ví dụ, bài viết về mô hình SWOT của Samsung trên website của tôi được liệt vào nhóm này, trong đó tôi tập trung phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của Samsung trong bối cảnh cố định sẵn của năm 2023.

Chính vì thế, nội dung này sẽ vẫn phù hợp với những người có nhu cầu tìm kiếm về chủ đề phân tích SWOT cho Samsung ngay cả khi họ đang ở thời điểm từ năm 2024 trở đi.

Evergreen content dưới dạng danh sách tài nguyên trực tuyến

Các trang web cung cấp danh sách tài nguyên trực tuyến được sử dụng rất nhiều trên thế giới, và bài viết “The 42 best marketing resources we recommend in 2023” của Sprout Social là một ví dụ cơ bản để bạn tham khảo.

Nghe rất giống với hình thức Top List mà tôi đã đề cập bên trên, tuy nhiên, sự khác nhau ở đây chính là thay vì chỉ liệt kê danh sách các thực thể có cùng vai trò và chức năng, các bài viết dạng danh sách tài nguyên trực tuyến thường tổng hợp đa dạng các loại công cụ, tài liệu online có vai trò khác nhau nhằm giúp độc giả giải quyết triệt để vấn đề của họ.

Vì sao evergreen content cần phải hữu ích và ưu tiên con người?

Bây giờ, bạn đã nắm được một số kiến thức cơ bản về evergreen content, tuy nhiên, điều đó là không đủ nếu bạn đang muốn sử dụng loại nội dung này để đẩy mạnh hiệu quả SEO cho website của mình.

Lý do là vì ngày nay, có quá nhiều trang web nhắm đến việc lên Top công cụ tìm kiếm với các nội dung evergreen, do đó nếu muốn thu hút nhiều traffic vào website của mình, bạn cần tạo ra những nội dung evergreen thực sự hữu ích và ưu tiên người dùng.

Evergreen content hữu ích, ưu tiên con người là một khái niệm mới trong SEO và Content Marketing, ám chỉ các nội dung evergreen tuân thủ tốt các nguyên tắc sáng tạo nội dung chất lượng mà Google đặt ra trong các bản cập nhật Nội dung Hữu ích và bộ nguyên tắc EEAT.

Nói cách khác, nội dung evergreen mà bạn tạo ra sẽ phải:

  • Cung cấp đầy đủ thông tin về chủ đề mà đối tượng độc giả mục tiêu trên website của bạn đang cần tìm hiểu, bao gồm cả những nội dung có liên quan mà độc giả có thể quan tâm.
  • Cung cấp những khía cạnh, góc nhìn, quan điểm mới lạ, độc đáo, chưa từng ở bất kỳ trang web nào khác, và góp phần giúp giải quyết triệt để hơn vấn đề mà độc giả đang cần tìm hiểu.
  • Nêu rõ thông tin về tác giả (hoặc chính bản thân bạn) và chứng minh được mức độ liên quan chặt chẽ giữa kiến thức, trình độ chuyên môn của tác giả đối với chủ đề đang được nói đến.
  • Làm rõ phương pháp được bạn sử dụng trong quá trình tạo ra nội dung evergreen, bao gồm cả việc sử dụng các công cụ AI hỗ trợ viết nội dung (nếu có) cũng như các bằng chứng thực tế về quá trình sáng tạo nội dung như ảnh chụp, video thực tế hoặc podcast ghi âm.
  • Nêu rõ được tầm quan trọng của nội dung evergreen đối với khán giả mục tiêu trên website, và liệu khán giả của bạn có thực sự quan tâm đến những nội dung như vậy hay không.

Nếu bạn tạo ra được những bài viết thực sự hữu ích ưu tiên con người, trang web của bạn sẽ có cơ hội được xếp hạng cao hơn trên trang kết quả tìm kiếm của Google, và đây là mục tiêu rất quan trọng mà tất cả những người làm SEO và Content Marketing hiện nay đang nỗ lực để đạt được.

Cách viết content evergreen hữu ích ưu tiên con người

Bài viết Evergreen Content: What It Is & How to Create It của SEMRush có đề cập đến 4 bước cơ bản giúp bạn tạo nội dung evergreen, và phương pháp này vẫn đang được nhiều chuyên gia Content Marketing sử dụng.

Tuy nhiên, ngày nay, sự phổ biến của các công cụ viết content bằng AI đã khiến những người làm content tập trung tìm kiếm những phương pháp mới để tạo nội dung bằng các công cụ AI Writing mà không bị Google phạt.

Chính vì thế, dưới đây, tôi sẽ hướng dẫn bạn một phương pháp để viết content evergreen chuẩn SEO bằng công cụ ChatGPT mà vẫn đảm bảo chất lượng nội dung hữu ích, ưu tiên con người, bao gồm 5 bước như sau:

Bước 1: Khám phá các ý tưởng nội dung có nhu cầu tìm kiếm ổn định

Để tìm kiếm các ý tưởng nội dung evergreen mang lại giá trị bền vững cho trang web của mình, bạn cần lập bản đồ nội dung tổng thể dựa trên sản phẩm hoặc dịch vụ mà mình đang cung cấp, và việc áp dụng đồng thời 3 cách sau đây sẽ giúp bạn dễ dàng làm được điều này:

  • Cách #1: Sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa (miễn phí hoặc trả phí) như Google Keyword Planner, Ubersuggest, Ahrefs, SEMRush…
  • Cách #2: Đặt ra hàng loạt các câu hỏi về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn dựa trên nguyên tắc 5W + 1H.
  • Cách #3: Sử dụng công cụ ChatGPT để được hệ thống AI tạo sinh gợi ý các chủ đề có liên quan.

Tôi đã có một bài viết hướng dẫn cơ bản cách nghiên cứu từ khóa bằng công cụ Ubersuggest, bạn có thể tham khảo để tìm hiểu từng bước của quy trình nghiên cứu chủ đề với bất kỳ công cụ SEO nào, do đó, dưới đây tôi sẽ tập trung hướng dẫn bạn tìm ý tưởng chủ đề bằng hai phương pháp tiếp theo.

Phương pháp tìm ý tưởng nội dung evergreen bằng hệ thống câu hỏi 5W + 1H

Bạn sẽ liên tục đặt ra các câu hỏi thuộc loại What (Cái gì), Why (Vì sao), Who (Ai), When (Khi nào), Where (Ở đâu) và How (Làm thế nào) cho sản phẩm dịch vụ của mình để tìm kiếm các khía cạnh có liên quan.

Ví dụ với sự kết hợp giữa câu hỏi What và chủ đề chế biến cà phê, tôi đã tìm thấy một vài khía cạnh nội dung cần khai thác như “Chế biến cà phê là gì“, “chế biến ướt cà phê là gì“, “chế biến cà phê natural là gì” và “chế biến cà phê bán ướt là gì“.

Hoặc nếu ghép chủ đề này với câu hỏi Why, tôi sẽ có được một vài khía cạnh nội dung mới như “Vì sao cà phê cần được chế biến trước khi sử dụng“, “Vì sao phương pháp chế biến cà phê robusta khác với arabica“, “Vì sao nên áp dụng phương pháp chế biến ướt cà phê“…

Tương tự, với câu hỏi How, tôi sẽ tìm thấy một vài khía cạnh khác như “Làm thế nào để chế biến cà phê tiết kiệm nguyên liệu nhất“, “Cách chế biến cà phê tiết kiệm chi phí nhất”, “Cách chế biến cà phê robusta“, “Cách chế biến cà phê arabica“…

Nói chung, phương pháp này sẽ giúp bạn tìm được rất nhiều ý tưởng khác nhau liên quan đến chủ đề của mình, thậm chí có những ý tưởng chưa từng được khai thác hoặc công bố trên Internet, và kết quả mà bạn nhận được sẽ tương tự như hình dưới đây:

Bản đồ ý tưởng nội dung thường xanh theo phương pháp 5W + 1H
Bản đồ ý tưởng nội dung evergreen theo phương pháp 5W + 1H

Cách tìm nội dung evergreen bằng công cụ AI ChatGPT

Để áp dụng phương pháp này, bạn nên sở hữu một tài khoản ChatGPT cho riêng mình bằng cách tham khảo bài viết hướng dẫn cách tạo tài khoản ChatGPT thành công 100% mà tôi đã đăng trên website Ychoc.com.

Tiếp theo bạn sẽ yêu cầu hệ thống liệt kê các khía cạnh có liên quan đến chủ đề cần tìm hiểu thông qua các câu lệnh, và nhiệm vụ của bạn chỉ là ghi nhận các câu trả lời và sắp xếp chúng theo thứ tự phù hợp trong bản đồ chủ đề của mình, bởi gần như 100% các chủ đề do ChatGPT gợi ý đều thuộc loại evergreen content.

Ví dụ, nếu muốn tìm nội dung evergreen cho chủ đề B2B Digital Marketing, tôi sẽ gửi sử dụng câu lệnh “Give me 20 relevant aspects that a newbie needs to explore to understand about Digital Marketing for B2B” để yêu cầu ChatGPT gợi ý 20 chủ đề có liên quan, và dưới đây là kết quả mà tôi đã nhận được từ công cụ này:

Tìm ý tưởng nội dung thường xanh bằng công cụ ChatGPT cho chủ đề B2B Digital Marketing
Tìm kiếm evergreen content bằng công cụ ChatGPT cho chủ đề B2B Digital Marketing

Thậm chí, như bạn có thể thấy trong hình, ChatGPT còn đưa ra một số gợi ý câu hỏi khác mà tôi có thể sử dụng để khám phá sâu hơn về chủ đề B2B Digital Marketing như “How does B2B SEO differ from B2C SEO” (Dịch: B2B SEO có gì khác với B2C SEO).

Nói chung, sử dụng các công cụ AI Writing như ChatGPT sẽ giúp bạn nhanh chóng thu thập được rất nhiều ý tưởng nội dung evergreen có liên quan đến chủ đề mà không cần tốn nhiều công sức.

Bên cạnh ChatGPT, bạn cũng có thể sử dụng Google Bard để mở rộng thêm các ý tưởng, tương tự như cách mà tôi đã làm trong hình dưới đây:

Mở rộng ý tưởng nội dung thường xanh bằng cách kết hợp thêm các công cụ AI Writing khác như Google Bard
Mở rộng ý tưởng nội dung evergreen bằng cách kết hợp thêm các công cụ AI Writing khác như Google Bard

Bằng cách sử dụng thêm Google Bard, tôi đã tìm thấy thêm một vài ý tưởng khác mà ChatGPT chưa đề cập đến như Lead Nurturing (chăm sóc khách hàng tiềm năng), Marketing Technology (công nghệ Marketing), Webinar (Hội thảo trực tuyến)…

Càng đào sâu vào từng khía cạnh, bạn sẽ càng tìm thấy nhiều chủ đề chi tiết có thể trở thành nội dung evergreen lý tưởng mang lại giá trị cho website của mình.

Bước 2: Chọn content evergreen mục tiêu & phân tích các trang web hàng đầu trên Google Search

Sau khi lập bản đồ ý tưởng nội dung liên quan đến chủ đề mục tiêu, bạn sẽ cần chọn ra các conten evergreen thích hợp để tiến hành phân tích nội dung đã được xuất bản trên các trang web hàng đầu.

Ví dụ, nếu content evergreen mà tôi muốn xây dựng là “Sự khác biệt giữa B2B Content Marketing và B2C Content Marketing“, tôi sẽ thử tìm kiếm các trang web đang xếp hạng đầu trên Google Search với từ khóa “so sánh B2B Content Marketing và B2C Content Marketing“, và đây là kết quả tôi đã nhận được từ Google:

Các trang web xếp hạng đầu trên Google với từ khóa "so sánh B2B Content Marketing và B2C Content Marketing"
Các trang web xếp hạng đầu trên Google với từ khóa “so sánh B2B Content Marketing và B2C Content Marketing

Không nhiều trang web viết về chủ đề so sánh content giữa B2B và B2C (hơn 13 ngàn kết quả), và ngay cả những trang web được xếp hạng đầu cũng có nội dung khá sơ sài, thiếu tính chuyên sâu, do đó, đây rõ ràng là một chủ đề evergreen có thể giúp tôi dễ dàng lên Top Google nếu bài viết được đầu tư chỉnh chu về mặt chất lượng nội dung.

Bước 3: Lập dàn ý bài viết

Sau khi chọn được chủ đề mục tiêu, bước tiếp theo bạn sẽ bắt đầu lập dàn ý cho bài viết.

Việc lập dàn ý cho bài viết sẽ trải qua 3 giai đoạn cơ bản như sau:

  • Giai đoạn #1: Liệt kê và đưa vào dàn ý bài viết các khía cạnh nội dung mà các đối thủ hàng đầu trên Google Search đã thực hiện.
  • Giai đoạn #2: Sử dụng ChatGPT để tìm thêm các khía cạnh nội dung mới có liên quan đến chủ đề.
  • Giai đoạn #3: Dựa vào bản đồ ý tưởng nội dung để bổ sung thêm các khía cạnh chưa từng được khai thác.

Điều quan trọng ở bước này chính là bạn cần sắp xếp các khía cạnh nội dung theo thứ tự hợp lý, có sự phân cấp rõ ràng giữa các khía cạnh lớn và các khía cạnh nhỏ, từ đó dàn ý của bạn sẽ trở nên chi tiết và chuyên sâu hơn so với bất kỳ đối thủ cạnh tranh hàng đầu nào.

Lưu ý rằng, các thông tin được tạo ra từ ChatGPT hay bất kỳ công cụ hỗ trợ viết content bằng AI nào cũng cần được kiểm tra và lọc một cách kỹ lưỡng, vì rất có thể chúng chứa các thông tin sai lệch hoặc không phù hợp với nội dung chính của bài viết.

Bước 4: Viết và xuất bản nội dung

Sau khi có dàn ý chi tiết, giờ là lúc bắt tay vào viết nội dung theo bố cục có sẵn.

Rất khó để tôi đi chi tiết vào việc làm thế nào bạn có thể viết một bài sao cho hay và hấp dẫn, nhưng có một số nguyên tắc mà tôi có thể gợi ý để bạn đi đúng hướng trên con đường trở thành một Content Writer xuất sắc như sau:

  • Luôn cá nhân hóa nội dung. Các công cụ tìm kiếm như Google đang ưu tiên nội dung được cá nhân hóa trải nghiệm thực tế, do đó, bạn nên sử dụng lối văn nói vào bài viết, sử dụng thêm các ví dụ minh họa của riêng mình, đồng thời tạo ra các bằng chứng cho thấy bạn thực sự có kinh nghiệm về chủ đề đang được nói đến.
  • Viết dài vì tính chuyên sâu của nội dung, chứ không phải vì lan man. Nguyên tắc EEAT của Google thúc đẩy tính chuyên sâu của nội dung, do đó, nó tự động khiến nội dung của bạn trở nên dài hơn so với thông thường. Tuy nhiên, đừng đề cập đến những thứ không thực sự liên quan đến chủ đề mà bạn đang nói đến.
  • Lưu ý các lỗi chính tả, ngữ pháp. Điểm trừ lớn nhất trong quá trình viết content evergreen vẫn là các lỗi chính tả và ngữ pháp. Những người viết content thiếu kinh nghiệm thường viết sai chính tả, sử dụng dấu câu vô tội vạ và viết các câu tối nghĩa.
  • Trích dẫn nội dung khi cần thiết, từ những nguồn uy tín. Rất thường xuyên, bạn cần phải trích dẫn các nguồn thông tin để chứng minh tính chính xác, tin cậy của nội dung. Tuy nhiên, phần lớn những người viết content lo sợ việc đặt liên kết dẫn đến website khác sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả SEO lẫn mất uy tín nếu có sự cố, do đó, bạn chỉ nên trích dẫn nội dung từ những nguồn thông tin uy tín.

Bây giờ, bạn đã có các bài viết hoàn hảo về chủ đề evergreen, bạn sẽ cần làm một số hoạt động để quảng bá chúng đến càng nhiều đối tượng mục tiêu càng tốt.

Quảng bá content evergreen đến đối tượng mục tiêu

Có rất nhiều cách để giúp nội dung evergreen của bạn tiếp cận đúng nhóm đối tượng độc giả của mình, và dưới đây là 4 cách tốt nhất để bạn làm được điều này:

#1: Gửi yêu cầu lập chỉ mục trên Google Search Console

Bạn không thể chỉ tạo nội dung, xuất bản nó trên website và đợi người khác tìm đến nó, thay vào đó, hãy gửi yêu cầu lập chỉ mục trên Google Search Console để nội dung đó được Google lập chỉ mục và xếp hạng trên trang kết quả tìm kiếm.

Nếu nội dung của bạn thực sự đáp ứng tốt các nguyên tắc EEAT và tuân thủ chính sách trong bản cập nhật Nội dung Hữu ích, rất có thể nó sẽ được xếp hạng cao trên Google Search mà không cần bạn làm thêm bất kỳ công việc nào khác.

Đó cũng là cách mà tôi đã áp dụng cho chủ đề “Chiến lược Marketing cho công ty luật“, và nội dung này đã được xếp hạng ở Top Google trong một khoảng thời gian rất dài với các từ khóa như “Digital Marketing cho công ty luật“, “Marketing ngành luật” hay “Marketing công ty luật“.

#2: Truyền thông mạng xã hội

Nếu bạn đang sở hữu một trang fanpage có lượng tương tác cao và follower đông đảo, hoặc đang tham gia vào các hội nhóm có đông thành viên, vậy thì còn chờ gì mà không chia sẻ những khía cạnh hấp dẫn nhất trong nội dung mà bạn vừa tạo để gây ấn tượng với cộng đồng?

Ngày nay, truyền thông mạng xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược Digital Marketing nói chung và Content Marketing nói riêng, đến nỗi hầu như bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đầu tư nhân sự phụ trách việc truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất như Facebook, Instagram, Tiktok, Youtube hay Linkedin.

Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào nhóm đối tượng mục tiêu của nội dung là ai, bạn cần cân nhắc các kênh phù hợp để thông điệp dễ dàng chạm tới nhu cầu của khách hàng và không bị cộng đồng đánh giá là spam.

#3: Quảng cáo trực tuyến

Truyền thông mạng xã hội chỉ hiệu quả nếu bài đăng của bạn tiếp cận được với nhiều người, nhưng bạn sẽ làm gì nếu fanpage doanh nghiệp có quá ít tương tác, không có người theo dõi, hay thậm chí bạn cảm thấy ngại giao tiếp trên mạng xã hội đến nỗi không đăng ký tham gia bất kỳ hội nhóm nào trên Facebook?

Cách tốt nhất cho bạn trong trường hợp này chính là: Quảng cáo trực tuyến.

Quảng cáo trực tuyến là giải pháp nhanh gọn lẹ nhất để nội dung của bạn nhanh chóng xuất hiện trước mắt của đối tượng mục tiêu, và đương nhiên, với một khoản chi phí nhất định.

Nếu bạn lo lắng liệu chiến lược này có thực sự hiệu quả với evergreen content hay không, hãy nhìn cách mà Vietnix đang áp dụng chiến lược này như dưới đây:

Quảng cáo Google Ads hướng dẫn tìm hiểu cách khắc phục lỗi HTTP Error 500 của một nhà cung cấp hosting tại Việt Nam
Quảng cáo Google Ads hướng dẫn tìm hiểu cách khắc phục lỗi HTTP Error 500 của Vietnix tại Việt Nam

Một ví dụ khác, bạn sẽ nhìn thấy quảng cáo Google Ads của Mailchimp cho bài viết hướng dẫn cách triển khai truyền thông hiệu quả trên mạng xã hội nếu thử tìm kiếm với cụm từ khóa “best social media marketing tool” như hình dưới đây:

Mailchimp đang quảng cáo cho bài viết "How to Market on Social Media Effectively" trên Google Ads ngày 28/10/2023
Mailchimp đang quảng cáo cho bài viết “How to Market on Social Media Effectively” trên Google Ads ngày 28/10/2023

Tất nhiên, bạn có thể sử dụng bất kỳ nền tảng quảng cáo trực tuyến nào để quảng bá cho content evergreen của mình, từ Google Ads, Facebook Ads, Linkedin Ads, hay thậm chí là quảng cáo trên các mạng xã hội về video như Youtube, Tiktok, miễn sao khách hàng mục tiêu của bạn đang tập trung hoạt động trên những nền tảng đó.

#4: Email Marketing

Nếu bạn đã thu thập được kha khá địa chỉ email của độc giả một cách hợp lệ, chiến lược Email Marketing sẽ giúp các nội dung evergreen của bạn nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của đối tượng mục tiêu.

Chẳng hạn, tôi thường xuyên nhận được các Email Marketing của SEMRush chia sẻ thông tin hữu ích liên quan đến SEO và Content Marketing như hình dưới đây, và vì nó đánh trúng tâm lý tìm hiểu kiến thức mới về Digital Marketing của tôi, do đó, tôi chắn chắn sẽ không bỏ qua bất kỳ email nào từ SEMRush.

Email Marketing thường được SEMRush sử dụng để quảng bá cho các nội dung thường xanh
Email Marketing thường được SEMRush sử dụng để quảng bá cho evergreen content

Khi nào nên cập nhật thông tin cho evergreen content?

Evergreen content hiếm khi cần được cập nhật, nhưng chắc chắn sẽ đến lúc bạn cần biên tập lại thông tin cho nó, vì mục đích cung cấp những giá trị mới lạ cho độc giả cũng như để xếp hạng cao hơn trên Google.

Dưới đây là những thời điểm mà bạn nên cân nhắc việc update lại các bài viết của mình:

  • Rớt thứ hạng trên Google Search. Khi trang web của bạn đang nằm ở Top 1 nhưng bị rơi xuống các vị trí thấp hơn hoặc thậm chí bị de-index, đó là lúc bạn nên cập nhật nội dung.
  • Muốn được xếp hạng cao hơn trên Google Search. Nếu nội dung của bạn ngừng thăng hạng sau một quãng thời gian tăng trưởng thứ hạng, điều đó nghĩa là nội dung của bạn chưa đủ chất lượng để vượt trội hơn các trang web hàng đầu, vì thế, hãy tiến hành bổ sung thêm giá trị cho nó.
  • Có những thông tin mới vừa được xuất bản. Khi bạn thấy rằng một số yếu tố trong ngành đã thay đổi, những nội dung trong bài viết đã bị lỗi thời, hoặc vừa có thêm những thông tin mới có thể giải thích rõ ràng hơn cho những nội dung đã có, hãy tiến hành biên tập và chỉnh sửa lại bài viết sao cho phù hợp với tình hình mới.

Cách đo lường hiệu suất của evergreen content

Sau khi xuất bản một nội dung nào đó trên website, bạn sẽ cần đo lường hiệu suất hoạt động của chúng dựa trên các KPI đã đặt ra.

Một số KPI được sử dụng phổ biến nhất để đo lường hiệu quả của evergreen content:

Lưu lượng truy cập từ các kết quả tìm kiếm không phải trả tiền

Lưu lượng truy cập từ các kết quả tìm kiếm không phải trả tiền (hay Organic search traffic) là lưu lượng truy cập vào website thông qua các kết quả tìm kiếm organic trên công cụ tìm kiếm.

Chỉ số này càng cao phản ánh việc nội dung của bạn đang được xếp hạng cao trên các công cụ tìm kiếm, và bạn có thể đo lường nó bằng cách sử dụng báo cáo hiệu suất trong công cụ Google Search Console.

Nói cách khác, bạn cần cập nhật các content evergreen có lưu lượng organic search traffic thấp hoặc đang bị suy giảm mạnh, và dấu hiệu giúp bạn nhận biết những nội dung có lưu lượng thấp hoặc bị giảm chính là so sánh hiệu suất của nó ở thời điểm hiện tại với một khoảng thời gian nào đó trong quá khứ.

Đo lường hiệu suất nội dung trong Google Search Console
Đo lường hiệu suất nội dung trong Google Search Console

Ví dụ, nếu bạn thấy rằng lưu lượng truy cập vào một trang web trong vòng 28 ngày vừa qua giảm mạnh so với 28 ngày trước đó hoặc so với cùng kỳ năm trước (xem ở cột Lượt nhấp chênh lệch), điều đó nói lên rằng có điều gì đó đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến nội dung của bạn.

Khi đó, bạn sẽ cần tiến hành áp dụng các kỹ thuật phân tích đối thủ cạnh tranh và khoảng trống nội dung (tức Content Gap Analysis) để khám phá lý do thực sự khiến nội dung của bạn không mang lại lưu lượng tốt như trong quá khứ.

Tuy nhiên, nhược điểm của việc sử dụng chỉ số này chính là việc nó rất dễ bị thao túng bằng thủ thuật traffic user, khiến cho việc kiểm tra lưu lượng truy cập thực sự vào website trở nên thiếu chính xác hoặc thậm chí không thể đo lường được.

Thời gian tương tác trung bình

Thời gian tương tác trung bình (Average Engagement Time) là khoảng thời gian người dùng dành ra để tập trung vào nội dung trên trang web của bạn.

Về cơ bản, bạn sẽ muốn chỉ số này ở mức càng cao càng tốt, vì nó phản ánh việc độc giả thực sự quan tâm đến những thông tin mà bạn đang cung cấp trên trang.

Bạn có thể kiểm tra chỉ số này một cách dễ dàng trong báo cáo Google Analytics 4 (GA4) ở cột Thời gian tương tác trung bình.

Kiểm tra Thời gian tương tác trung bình của một trang web trong Google Analytics 4
Kiểm tra Thời gian tương tác trung bình của một trang web trong Google Analytics 4

Có nhiều nguyên nhân khiến cho thời gian tương tác trung bình của trang web ở mức thấp, nhưng phổ biến nhất là 3 nguyên nhân sau:

  • Nội dung không phù hợp với mục đích tìm kiếm của độc giả. Trong trường hợp này, bạn cần tham khảo lại hướng dẫn của tôi về cách phân tích mục đích tìm kiếm của người dùng trong quá trình nghiên cứu từ khóa SEO.
  • Tốc độ tải trang chậm. Đánh giá lại hiệu suất hoạt động của trang web ở góc độ kỹ thuật bằng cách sử dụng công cụ PageSpeed Insight do Google cung cấp miễn phí và cải thiện lại các yếu tố khiến trang web tải chậm (VD: hosting cấu hình thấp, file hình ảnh nặng, sử dụng nhiều đoạn mã Javascript…).
  • Bài viết khó hiểu hoặc trình bày kém. Hãy điều chỉnh lại cách viết bài chuẩn SEO thông qua việc luyện tập kỹ năng Content Writing thường xuyên, đọc nhiều tài liệu có liên quan và nhờ ý kiến đóng góp của người khác.

Lưu ý, thủ thuật mua traffic user có thể khiến chỉ số này phản ánh không chính xác tình hình thực tế.

Số lượng backlink

Một bài viết được trích dẫn nhiều (tức nhận được nhiều backlink) một cách tự nhiên phản ánh việc độc giả thực sự quan tâm đến những nội dung mà bạn đang viết, và họ nghĩ rằng đối tượng mục tiêu của mình có thể cũng sẽ quan tâm đến nội dung trên trang web của bạn.

Bạn có thể sử dụng tiện ích mở rộng Ubersuggest cho trình duyệt Chrome, Opera và Microsoft Edge để nhanh chóng kiểm tra số lượng backlink của một bài viết ngay trên trang kết quả tìm kiếm của Google.

Mặc dù vậy, chỉ số này cũng có thể bị thao túng dễ dàng bằng các hoạt động mua backlink, do đó, bạn cần có kinh nghiệm nhận biết đâu là website đang bán dịch vụ backlink nếu muốn đánh giá mức độ quan tâm của độc giả một cách thực chất.

Thứ hạng của từ khóa

Khi xuất bản một nội dung trên website, bạn sẽ kỳ vọng nó sẽ được xếp hạng cao trên công cụ tìm kiếm với những từ khóa được mọi người quan tâm.

Ví dụ, nếu bạn vừa hoàn thành bài viết về cách tăng traffic cho fanpage Facebook, bạn sẽ muốn nó lên Top Google với các cụm từ như  “tăng traffic cho fanpage Facebook” hay “cách tăng traffic cho fanpage mới tạo“.

Để kiểm tra một trang web đang được xếp hạng với những từ khóa nào, tôi thường truy cập vào tab “Cụm từ tìm kiếm” trong báo cáo hiệu suất của Google Search Console và lựa chọn thời điểm “Ngày gần đây nhất“, trong đó có liệt kê các từ khóa mà người dùng đã tìm kiếm cũng như thứ hạng trung bình của từ khóa đó.

Tóm lại về evergreen content

Như vậy, tôi đã hướng dẫn rất chi tiết cách tạo evergreen content hữu ích, ưu tiên con người và có khả năng được xếp hạng cao trên Google, tuy nhiên, điều quan trọng nhất giúp nội dung của bạn hoạt động hiệu quả chính là việc thường xuyên kiểm tra, đánh giá và cập nhật những thông tin bổ ích mà đối tượng độc giả của bạn thực sự quan tâm.

Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về evergreen content, hãy dành chút thời gian để tham khảo một số câu hỏi thường gặp dưới đây hoặc để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.

Câu hỏi thường gặp

Các lĩnh vực nào có content evergreen hoạt động hiệu quả nhất?

Sức khỏe, gia đình, tài chính, nghề nghiệp và Digital Marketing là những lĩnh vực mà evergreen content hoạt động hiệu quả nhất, bởi đó là những chủ đề liên quan đến hoạt động hàng ngày và chứa nhiều thông tin hữu ích mà mọi người thường quan tâm.

Sự khác biệt cơ bản giữa evergreen content và nội dung xu hướng là gì?

Evergreen content cần được tối ưu và cập nhật theo thời gian để luôn đáp ứng tốt nhu cầu của độc giả, trong khi đó, nội dung xu hướng chỉ nhắm đến việc thu hút khách hàng trong một khoảng thời gian ngắn và không cần phải cập nhật vì độc giả không còn quan tâm đến chủ đề đó trong tương lai.

Những thách thức chính trong việc tạo ra evergreen content là gì?

Những khó khăn lớn nhất của việc tạo ra evergreen content chính là việc làm thế nào để chọn đúng chủ đề, viết nội dung nguyên bản không bị trùng lặp hoặc đạo văn, cung cấp đầy đủ thông tin giá trị, hữu ích, duy trì tính độc đáo, mới lạ và nhất quán của thông tin cho độc giả.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *