Chiến lược Digital Marketing cho cá nhân & doanh nghiệp trong ngành bất động sản

Chiến lược Digital Marketing bất động sản hiệu quả

Chiến lược Digital Marketing ngành bất động sản dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng thu hút sự quan tâm của mọi khách hàng cần mua bán, cho thuê nhà đất ở địa phương.

Lưu ý: Bài viết này do tôi tự tạo ra 100%, không sao chép từ bất kỳ nguồn thông tin nào khác và đã được đăng ký bảo hộ nội dung nguyên gốc trên DMCA (Xem chi tiết tại đây), cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trong vô số các chiến lược Marketing đã và đang được áp dụng, các doanh nghiệp bất động sản đang có xu hướng chuyển dịch sang việc tăng cường triển khai các chiến lược Digital Marketing nhằm mục đích tiết kiệm chi phí cũng như tiếp cận nhanh chóng khách hàng tiềm năng.

Chiến lược Digital Marketing bất động sản là gì?

Digital Marketing là một hình thức Marketing trong đó doanh nghiệp triển khai các hoạt động quảng bá, truyền thông đến khách hàng mục tiêu thông qua các kênh kỹ thuật số.

Nói cách khác, chiến lược Digital Marketing bất động sản là một bản kế hoạch dài hạn giúp các cá nhân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản dần dần đạt đến các mục tiêu kinh doanh thông qua sử dụng các kênh kỹ thuật số để tìm hiểu nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng mục tiêu, nắm bắt cơ hội thị trường và vượt qua đối thủ cạnh tranh.

Khi nói về chiến lược Digital Marketing cho ngành bất động sản, bạn thường nghe những người làm Marketing đề cập đến các cụm từ chuyên ngành như Content Marketing, SEO, Online Ads hay thậm chí là các thuật ngữ khá khó hiểu như Paid Media, Own Media, Earn Media.

Vậy làm thế nào một người chưa từng học về Marketing hoặc chưa có kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực truyền thông tiếp thị như bạn có thể tự mình tiếp cận khách hàng mục tiêu mà không cần tốn tiền thuê các đại lý Marketing bên ngoài?

Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng trình bày mọi thứ dưới góc độ đơn giản và dễ hiểu nhất để giúp các nhân viên kinh doanh bất động sản hoặc chủ doanh nghiệp bất động sản cũng có thể nắm bắt các ý tưởng và phương pháp hiệu quả để tìm kiếm khách hàng tiềm năng bằng các kênh Digital Marketing.

Bây giờ, để bắt đầu xây dựng chiến lược Digital Marketing bất động sản, bạn sẽ cần tìm hiểu về hành trình của khách hàng, tức quá trình khách hàng tương tác với thương hiệu của bạn từ khi họ mới phát sinh nhu cầu mua bán nhà đất hoặc cho thuê bất động sản đến khi họ hoàn thành giao dịch với bạn.

Hành trình khách hàng trong ngành bất động sản

Rất nhiều người làm Digital Marketing cho ngành bất động sản vẫn chưa hiểu được khái niệm hành trình khách hàng, hoặc chưa thể vẽ ra một bản đồ hoàn chỉnh về những gì khách hàng đã thực hiện trước khi tiến hành ký hợp đồng giao dịch bất động sản.

Tuy nhiên, có một cách rất đơn giản để giúp bạn nhanh chóng tạo ra một bản đồ hành trình khách hàng trong lĩnh vực bất động sản, đó chính là: Tự đặt mình vào vị trí của một khách hàng thực sự và liệt kê những gì mà bạn sẽ thực hiện để tìm ra bất động sản ưng ý và phù hợp nhất.

Như vậy, nếu tôi là khách hàng thực sự có nhu cầu cần mua một căn nhà tại Nha Trang hoặc bất kỳ địa phương nào khác, dưới đây là hành trình khách hàng của tôi:

  • Bước 1: Lên Google và sử dụng các từ khóa địa phương để tìm kiếm những trang web bất động sản cung cấp thông tin về các căn nhà đang được rao bán tại khu vực mà tôi đang quan tâm, chẳng hạn như “bán nhà Nha Trang”.
  • Bước 2: Truy cập vào trang web đầu tiên được liệt kê trong Top Google Search (bất kể đó có phải là quảng cáo hay không).
  • Bước 3: Đọc nội dung bên trong trang web và tìm kiếm những thông tin đáp ứng đúng nhu cầu mua nhà của tôi, bao gồm địa chỉ nhà, diện tích đất, diện tích sử dụng, số điện thoại đăng bán, hình ảnh bên trong và bên ngoài của căn nhà…
  • Bước 4: Ghi chú các thông tin phù hợp, sau đó chuyển sang trang web tiếp theo trong danh sách của Google.
  • Bước 5: Lặp lại bước 3 và bước 4 đến khi tôi nắm trong tay một danh sách khá dài các căn nhà đang bán, và bắt đầu liên hệ với từng chủ nhà để sắp xếp lịch xem nhà.
  • Bước 6: Bắt đầu đi xem nhà theo lịch trình và thu thập các thông tin thực tế về các căn nhà.
  • Bước 7: Thương lượng giá cả, lựa chọn căn nhà phù hợp với nhu cầu và ký hợp đồng mua nhà.

Bây giờ, nếu bạn cảm thấy quy trình mua nhà nói trên không giống lắm với những gì khách hàng của bạn đang thực hiện, đừng lo lắng, vì đó là hành trình khách hàng chuẩn cho phần lớn (không phải tất cả) khách hàng trong ngành bất động sản, và bạn cần nhắm mục tiêu đến phần đông khách hàng chứ không phải một nhóm khách hàng thiểu số.

Việc nắm bắt hành trình khách hàng của ngành bất động sản là điều rất quan trọng, bởi bạn sẽ dễ dàng xác định được đâu là kênh Digital Marketing hiệu quả để tiếp cận khách hàng, và đâu là kênh mà bạn nên tránh xa nếu không muốn ngân sách Marketing của mình bị cạn kiệt trước khi có được hợp đồng đầu tiên.

Tiếp theo, tôi sẽ hướng dẫn bạn thực hiện một chiến lược Digital Marketing thực tế mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí để tiếp cận được hầu hết mọi loại đối tượng khách hàng trong ngành bất động sản dựa trên hành trình khách hàng tiêu chuẩn nói trên.

Quy trình xây dựng chiến lược Digital Marketing bất động sản trên các kênh kỹ thuật số

Dưới đây là quy trình 6 bước cơ bản giúp bạn xây dựng và triển khai chiến lược Marketing cho ngành bất động sản trên các kênh Digital:

Việc triển khai các bước trong quy trình này có thể sẽ khiến bạn mất khá nhiều thời gian tùy thuộc vào kinh nghiệm làm việc của bạn đối với thị trường bất động sản, tuy nhiên, bạn cần thực sự nỗ lực và nghiêm túc trong từng bước xây dựng chiến lược Marketing nếu không muốn lãng phí công sức và ngân sách của mình.

Bây giờ, hãy cùng đào sâu từng bước trong quy trình này cùng với các ví dụ cụ thể nhé.

Bước 1: Xác định mục đích Marketing và các mục tiêu SMART

Mục đích Marketing phản ánh tầm nhìn chiến lược của bạn trong giai đoạn đó, còn mục tiêu SMART là thứ giúp cho mục đích Marketing của bạn được định hình một cách rõ ràng và cũng là tiêu chuẩn dùng để đánh giá hiệu quả của chiến lược Digital Marketing.

Làm rõ mục đích Marketing

Trước khi bắt đầu lập kế hoạch Digital Marketing, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng vì sao doanh nghiệp bất động sản cần triển khai Digital Marketing trong giai đoạn này, tức mục đích Marketing của bạn là gì.

Thông thường, một chiến lược Digital Marketing cho công ty bất động sản thường tập trung vào hai mục đích, hoặc là xây dựng thương hiệu, hoặc là thúc đẩy doanh số bán sản phẩm.

Tuy nhiên, các cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản hoặc doanh nghiệp bất động sản quy mô từ nhỏ đến siêu nhỏ hầu như chỉ quan tâm đến mục tiêu doanh số, bởi vì họ thường không có đủ tài chính để chạy đua vào cuộc chiến thương hiệu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản quy mô cỡ vừa trở lên có thể lựa chọn một trong các mục đích Marketing nói trên để áp dụng cho chiến lược Digital Marketing tùy theo từng giai đoạn cụ thể.

Lưu ý: Trong mỗi giai đoạn chỉ nên tập trung vào một mục đích Marketing duy nhất để không bị lệch khỏi định hướng ban đầu.

Thiết lập mục tiêu SMART

Đối với ngành bất động sản, mục tiêu của chiến lược Digital Marketing cần đáp ứng tiêu chuẩn SMART, tức là:

  • Mục tiêu phải được mô tả một cách cụ thể (Specific). Ví dụ, mục tiêu chung chung như “Đạt số lượng lớn khách đăng ký tham gia vào sự kiện” sẽ không tuân thủ nguyên tắc SMART, vì lớn hay nhỏ sẽ tùy thuộc vào cảm giác của mỗi người. Thay vào đó, bạn cần nêu rõ số lượng bao nhiêu được gọi là lớn, và mục tiêu của bạn lúc này sẽ đại loại như “Đạt 500 lượt khách đăng ký tham gia vào hội thảo“.
  • Mục tiêu phải đo lường được (Measurable). Bạn có thể muốn thị phần thương hiệu tăng lên sau khi kết thúc chiến dịch, nhưng sẽ tốn rất nhiều thời gian và ngân sách Marketing để đo lường được chính xác thị phần của bạn. Do đó, trừ khi bạn có nguồn lực dồi dào, tôi khuyên bạn chỉ nên lựa chọn các mục tiêu có thể đo lường nhanh chóng và đơn giản như “số lượng khách liên hệ môi giới bất động sản qua điện thoại“, vì bạn có thể dễ dàng đếm số lượng này trong lịch sử cuộc gọi.
  • Mục tiêu phải có khả năng đạt được (Attainable). Nếu bạn là một doanh nghiệp bất động sản nhỏ hoặc mới thành lập, đừng vội đặt các mục tiêu như “công ty bất động sản lớn nhất tại địa phương“, hoặc trong thời điểm thị trường bất động sản đang đóng băng, rất khó để bạn đưa ra các mục tiêu như “ký được 100 hợp đồng giao dịch mỗi tháng“.
  • Mục tiêu phải có liên quan (Relevant) đến tình hình thực tế của doanh nghiệp. Mục tiêu Marketing mà bạn đặt ra cần liên quan chặt chẽ đến hoạt động kinh doanh bất động sản của mình trong thời điểm hiện tại. Ví dụ, bạn có thể cân nhắc việc thu hút khách hàng tham dự sự kiện mở bán đất nền tại địa phương, nhưng rất khó để bạn tổ chức sự kiện này nếu nguồn tài chính hoặc nhân lực của doanh nghiệp không đáp ứng được.
  • Mục tiêu phải có giới hạn thời gian (Time-bound). Mọi người thường không muốn thực hiện một công việc không có deadline, vì vậy các mục tiêu Marketing đều cần có một giới hạn hợp lý về thời gian, có thể là theo tuần, tháng, quý hoặc năm. Tuy nhiên, thị trường bất động sản có thể biến động rất nhanh trên quy mô lớn, do đó bạn không nên đặt thời hạn dài hơn 1 năm để hạn chế bớt sự tác động của các yếu tố không kiểm soát được.

Nói chung, mục tiêu Marketing của bạn cần được thiết lập càng rõ ràng càng tốt, và bạn nên bổ sung thêm một số tiêu chí để giúp mục tiêu đáp ứng tốt hơn nguyên tắc SMART, chẳng hạn như:

  • Bạn sẽ đạt được tổng cộng bao nhiêu khách hàng bất động sản tiềm năng mỗi tháng sau khi kết thúc chiến dịch?
  • Mục tiêu đạt được bao nhiêu % hoặc đạt doanh số bán sản phẩm bất động sản là bao nhiêu thì được xem là thành công?
  • Ngược lại, kết quả đạt dưới mức bao nhiêu thì được xem là thất bại?

Ví dụ, dưới đây là một mục tiêu Marketing hướng về doanh số dành cho một công ty bất động sản mới thành lập:

“Trong vòng 30 ngày, công ty thu thập được thông tin của 30 khách hàng cần mua nhà tại khu vực Vĩnh Điềm Trung (Nha Trang) thông qua quảng cáo Google Ads. Trong số này, nếu có ít nhất 20 khách hàng sẵn sàng đi xem nhà trong vòng 30 ngày tiếp theo thì được xem là thành công, ngược lại nếu ít hơn 10 khách hàng muốn đi xem nhà thì chiến dịch Google Ads bị đánh giá là thất bại”.

Bước 2: Phân khúc thị trường mục tiêu và xác định chân dung khách hàng tiềm năng trong thị trường đó

Bạn cần hiểu rõ thị trường mình muốn nhắm đến ở đâu, và ai đủ điều kiện để ký hợp đồng mua bán nhà đất với bạn.

Thông thường, phần đông khách hàng bất động sản là những người từ 30 tuổi trở lên, vì họ đã tích lũy được một số vốn cần thiết (từ vài trăm triệu trở lên) đủ để đầu tư vào bất động sản sau một thời gian đi làm.

Bên cạnh đó, họ cũng thường sử dụng Google Search để tìm kiếm thông tin nhà đất, chung cư, mặt bằng kinh doanh đang bán hoặc cho thuê tại địa phương.

Nói chung, bạn cần liệt kê ra các thông tin cơ bản giúp hình dung về ngoại hình, tính cách, sở thích, nghề nghiệp, hành vi… của khách hàng để làm cơ sở cho việc lựa chọn kênh phù hợp sau này.

Bước 3: Phân tích Gap của đối thủ cạnh tranh

Gap Analysis (phân tích khoảng trống, hay gọi tắt là phân tích Gap) là một kỹ thuật dùng để tìm ra sự chênh lệch về hiệu suất hoạt động thực tế so với hiệu suất tiềm năng hoặc kỳ vọng.

Nói cách khác, bạn đang tìm kiếm những điểm yếu hoặc sự thiếu hụt về mặt hiệu quả Marketing trong các hoạt động truyền thông tiếp thị của đối thủ cạnh tranh, từ đó triển khai những hoạt động thích hợp để khai thác chúng và thu hút khách hàng mục tiêu trên thị trường.

Ví dụ, nếu đối thủ cạnh tranh không triển khai bất kỳ chiến dịch quảng cáo bất động sản nào trên Google, bạn có thể nhanh tay thực hiện điều này để hiển thị thông tin ở các vị trí nổi bật nhất.

Phân tích Gap không khó, đặc biệt nếu bạn đã phân khúc rõ ràng thị trường mục tiêu và khách hàng tiềm năng ở bước 2, tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ về cách sử dụng một số công cụ Digital Marketing đặc biệt để phân tích hoạt động của một đối thủ bất kỳ.

Dưới đây là một số công cụ Digital Marketing mà bạn có thể cân nhắc sử dụng:

  • Meta Ads Library: Giúp xác định thông tin các nhà quảng cáo và chiến dịch quảng cáo đang được triển khai trên các nền tảng của Meta như Facebook, Whatsapp hay Instagram.
  • Google Search: Thử tìm kiếm với một vài cụm từ khóa địa phương như “bán nhà Vĩnh Điềm Trung” để xem liệu có đối thủ nào đang chạy quảng cáo hay không.
  • SEMRush: Chức năng Domain Overview của công cụ SEMRush rất hữu ích để kiểm tra lịch sử chạy quảng cáo của một trang web bất kỳ.

Bước 4: Dự kiến ngân sách Digital Marketing

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, mục tiêu hàng đầu cần có chính là danh sách khách hàng tiềm năng (lead), và người làm Marketing cần ước tính chi phí trung bình doanh nghiệp cần trả để có được thông tin của một khách hàng tiềm năng (Cost Per Lead, viết tắt là CPL).

Trong trường hợp bạn mới tham gia vào lĩnh vực bất động sản hoặc doanh nghiệp chưa bao giờ thu thập loại thông tin này, hai cách tốt nhất để bạn có mức CPL dự kiến là tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong ngành, hoặc tự mình triển khai một chiến dịch Digital Marketing thực tế.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, chủ doanh nghiệp có thể đưa ra sẵn mức ngân sách có thể chi trả cho các hoạt động Digital Marketing dựa trên mức doanh thu hàng tháng hoặc kỳ vọng chủ quan của chính họ.

Bước 5: Lựa chọn các phương pháp và kênh Digital Marketing phù hợp

Ở bước này, bạn sẽ cần lựa chọn cho mình một vài phương thức Digital Marketing dựa trên dữ liệu đã có từ bước 1 đến bước 4.

Các phương thức Digital Marketing phổ biến nhất đối với ngành bất động sản gồm có:

  • Video Marketing
  • SEO
  • Quảng cáo trực tuyến
  • Social Media Marketing
  • PR báo chí
  • Email Marketing
  • Content Marrketing

Tuy nhiên, không phải mọi phương thức nói trên đều phù hợp với tất cả các doanh nghiệp bất động sản, mà nó còn tùy thuộc vào quy mô, nguồn lực và sản phẩm dịch vụ của mỗi công ty.

Ví dụ, đối với các cá nhân và doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ môi giới bất động sản, họ sẽ không đủ tài chính và nhân lực để triển khai hoạt động PR báo chí, Email Marketing hay Video Marketing.

Ngược lại, đối với các chủ đầu tư dự án, hoạt động quảng cáo trực tuyến và truyền thông báo chí lại là những hoạt động cốt lõi giúp khách hàng có niềm tin vào tính sự uy tín cho doanh nghiệp.

Vì thế, bạn cần có sự phân tích đánh giá chính xác về những ưu nhược điểm của doanh nghiệp, khách hàng và thị trường ở những bước phía trên trước khi lựa chọn phương thức Digital Marketing phù hợp với mình.

Sau khi lực chọn được phương thức Digital Marketing cần triển khai, bạn sẽ bắt đầu cân nhắc đến các kênh phù hợp với từng phương thức.

Chẳng hạn, nếu bạn lựa chọn hình thức quảng cáo trực tuyến, vậy thì Facebook Ads và Google Ads gần như là những nền tảng quảng cáo phù hợp nhất với bạn.

Trong khi đó, nếu bạn lựa chọn PR báo chí, vậy thì các tờ báo chính thống uy tín như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VNExpress sẽ là lựa chọn hàng đầu, bên cạnh các tờ báo uy tín tại địa phương như Báo Khánh Hòa.

Nói chung, với mỗi phương thức truyền thông tiếp thị kỹ thuật số, bạn hãy liệt kê ra tất cả các kênh Digital Marketing tương ứng với từng phương thức, từ đó bắt đầu lựa chọn kênh phù hợp nhất với sản phẩm, dịch vụ và nguồn lực của bạn.

Bước 6: Chuẩn bị công cụ đo lường thích hợp để đánh giá hiệu quả

Ưu điểm lớn nhất của Digital Marketing chính là việc kiểm soát, đo lường hiệu quả của chiến dịch có thể được thực hiện rất dễ dàng nhờ vào sự trợ giúp của các công cụ theo dõi hiệu suất.

Tùy thuộc vào phương thức và kênh Digital Marketing mà bạn lựa chọn ở bước 5, bạn sẽ có các công cụ tương ứng để theo dõi hiệu quả của chiến dịch, và đương nhiên, bạn sẽ cần thiết lập các công cụ này để chúng theo dõi chính xác những mục tiêu mà bạn đang quan tâm.

Dưới đây là một số công cụ phổ biến giúp bạn đo lường hiệu quả của chiến lược Digital Marketing:

  • Google Search Console: giúp theo dõi tình trạng lập chỉ mục của các liên kết trên website, đồng thời cho biết mức độ tiếp cận và tương tác với khách hàng thông qua Google.
  • Google Analytics: giúp theo dõi lưu lượng và tình hình tương tác của khách truy cập đối với các nội dung trên website của bạn.
  • Google Ads: giúp theo dõi tình hình các chiến dịch quảng cáo trên nền tảng Google của bạn với các thông tin cực kỳ hữu ích như số lượt click vào quảng cáo, số lần hiển thị, chi phí quảng cáo… Ngoài ra, nếu được thiết lập tốt, bạn còn có thể theo dõi tỉ lệ khách hàng nhấp vào quảng cáo chuyển đổi thành khách hàng thực sự.
  • Meta Ads: tương tự như Google Ads nhưng dành cho các chiến dịch quảng cáo trên nền tảng của Meta như Facebook Ads, Instagram Ads hay Whatsapp Ads.
  • Các công cụ SEO như Ahrefs, SEMRush, Ubersuggest: giúp bạn theo dõi thứ hạng trang web trên Google Search và phân tích sơ bộ về tình hình hoạt động của bất kỳ website nào trên Google.
  • Campaign URL Builder: giúp bạn theo dõi chính xác lưu lượng truy cập vào website đến từ các trang web khác của bên thứ ba.
  • Các công cụ gửi Email Marketing như SurveyMonkey, MailChimp: giúp bạn theo dõi số lượng email đã gửi cho khách hàng và tình hình tương tác của khách hàng đối với các email đó như chưa xem, đã xem, đã click vào link…

Chiến lược Digital Marketing nào phù hợp với cá nhân và doanh nghiệp bất động sản quy mô nhỏ tại địa phương?

Đặc điểm của các cá nhân và doanh nghiệp bất động sản quy mô nhỏ tại địa phương

Các cá nhân và doanh nghiệp tại địa phương đang kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản thường có đặc điểm chung như sau:

  • Tài chính yếu: Các cá nhân, doanh nghiệp này thường có doanh thu hàng năm ở mức rất thấp, do đó, họ cũng không có nhiều ngân sách để đầu tư cho các hoạt động truyền thông tiếp thị.
  • Thiếu nhân sự Marketing: Hầu hết các cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại địa phương không có hoặc có đội ngũ nhân sự Marketing rất hạn chế, và những hoạt động Marketing do các nhân sự này thực hiện cũng rất hạn chế, xoay quanh một số công việc như thiết kế đồ họa, chăm sóc fanpage, spam thông tin trên mạng xã hội…
  • Dịch vụ chủ yếu là môi giới bất động sản: Hầu hết họ không có khả năng để trở thành chủ đầu tư của một dự án bất động sản, thay vào đó, họ lựa chọn trở thành nhà môi giới trung gian để kết nối những người có nhu cầu mua bán, thuê hoặc cho thuê bất động sản và nhận tiền hoa hồng từ việc giới thiệu.

Các hoạt động Digital Marketing phù hợp với cá nhân và doanh nghiệp nhỏ trong ngành bất động sản

Local SEO và quảng cáo trực tuyến là hai phương pháp Digital Marketing mà tôi khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại địa phương nên tập trung thực hiện nếu muốn nhanh chóng tiếp cận khách hàng và tiết kiệm chi phí.

Đặc biệt, quảng cáo trực tuyến sẽ rất phù hợp với những người vừa bước chân vào ngành bất động sản bởi vì nó giúp tiếp cận khách hàng tiềm năng ngay lập tức, bất kể uy tín và quy mô của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Local SEO chắc chắn là giải pháp hợp lý, hiệu quả và bền vững về mặt lâu dài, giúp doanh nghiệp xây dựng uy tín và thu hút được sự quan tâm của khách hàng mà không cần chi trả bất kỳ chi phí nào cho các công cụ tìm kiếm để lên Top.

Tóm lại

Như vậy, tôi đã hướng dẫn cho bạn chi tiết cách triển khai chiến lược Marketing bất động sản thực sự mang lại hiệu quả về doanh số, và chiến lược này có thể áp dụng được ngay cả khi bạn là một cá nhân hoặc doanh nghiệp mới bước chân và lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, tôi biết chắc chắn bạn sẽ còn rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp xung quanh vấn đề xây dựng chiến lược Digital Marketing cho doanh nghiệp bất động sản của mình, do đó, hãy dành thêm chút thời gian để xem qua một số câu hỏi dưới đây hoặc để lại ý kiến của bạn trong phần bình luận bên dưới bài viết này nhé.

Câu hỏi thường gặp về chiến lược Digital Marketing bất động sản

Ngân sách cho chiến dịch Digital Marketing ngành bất động sản là bao nhiêu?

Câu trả lời là: Thông thường, các doanh nghiệp bất động sản thường dành ra khoảng 50% tổng ngân sách Marketing của doanh nghiệp để đầu tư cho các hoạt động Digital Marketing.

Lưu ý rằng, không có mức ngân sách cố định, mà nó còn tùy thuộc vào loại sản phẩm dịch vụ và mục tiêu mà bạn đang nhắm đến là gì.

Mục tiêu Digital Marketing thường liên quan đến những khía cạnh nào?

Chiến lược Digital Marketing thường nhắm đến hai mục đích là doanh số hoặc thương hiệu, và chúng thường liên quan đến 4 khía cạnh sau đây:

  • Mở rộng danh sách khách hàng tiềm năng;
  • Gia tăng khả năng được giới thiệu hoặc truyền miệng;
  • Nâng cao tỷ lệ chuyển đổi;
  • Mở rộng mức độ nhận diện thương hiệu trên mạng xã hội.
0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *