Viết content và tối ưu nội dung như thế nào để xếp hạng cao trên Google? Dưới đây là hướng dẫn 11+ bước cơ bản để bạn dễ dàng viết và tối ưu hóa content chuẩn SEO đáp ứng tốt nhất yêu cầu trong bản update Google Helpful Content vừa ra mắt.
Tính đến thời điểm bản cập nhật Google Helpful Content được ra mắt ngày 25/8 vừa qua, rất nhiều website Việt Nam vẫn đang áp dụng các phương pháp viết content và tối ưu nội dung ưu tiên cho công cụ tìm kiếm thay vì ưu tiên cho người dùng.
Vì thế, bạn có thể ngay lập tức nhận thấy sự sụt giảm thứ hạng của hàng loạt trang web tiếng Anh, dẫn đến việc suy giảm đáng kể lượng truy cập vào website.
Tuy nhiên, các website bằng tiếng Việt của bạn vẫn còn cơ hội để thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của bản update Helpful Content này nếu như bạn dành một chút thời gian để tham khảo thêm một trong những cách sáng tạo và tối ưu content hiệu quả nhất dưới đây.
Sáng tạo nội dung (viết content) là gì?
Sáng tạo nội dung (hay hiểu theo nghĩa hẹp là viết content) ám chỉ việc tạo ra những nội dung ở dạng bài viết thường được dùng để đăng trên website.
Trong quá trình viết content, bạn sẽ tập trung vào việc phân tích nhu cầu tìm kiếm của người dùng và khả năng cạnh tranh so với các đối thủ nhằm tạo ra những content chất lượng cao hơn, hữu ích hơn với người dùng cũng như có khả năng xếp hạng cao trên các công cụ tìm kiếm như Google, Bing…
Thế nào là content chất lượng hơn đối thủ?
Khi nói về một content “chất lượng hơn”, mọi người thường so sánh content đó với các đối thủ khác dựa trên quan điểm cá nhân.
Theo quan điểm SEO cũ, một content chất lượng hơn đối thủ cạnh tranh phải đạt các yêu cầu:
- Dài hơn đối thủ (và ít nhất 2000 chữ);
- Rải từ khóa chính và từ khóa liên quan đảm bảo đúng tiêu chuẩn mật độ từ khóa (keyword density);
- Nhận được nhiều backlink từ các website có độ tin cậy ở mức cao;
- …
Tuy nhiên, việc áp dụng những cái được gọi là “tiêu chuẩn” như trên sẽ khiến bạn gặp rắc rối lớn trong việc xếp hạng Google, đặc biệt là khi bản update Google Helpful Content có hiệu lực.
Do đó, tôi cần những phương pháp tối ưu hóa content tốt hơn nhằm tạo ra những nội dung thực sự vượt trội so với đối thủ cạnh tranh, đồng thời có được một số lợi ích khác.
Vậy tối ưu hóa content là gì?
Tối ưu content (còn gọi là tối ưu hóa nội dung, tiếng Anh gọi là Content Optimization) là quá trình cập nhật và chỉnh sửa nội dung nhằm cải thiện thứ hạng trang web trên các công cụ tìm kiếm như Google hay Bing.
Trong một số trường hợp khác, tối ưu content còn nhằm mục đích gia tăng tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng hoặc tạo ra các backlink tự nhiên giúp xây dựng độ tin cậy cho website.
Vì sao tối ưu hóa content quan trọng đối với website?
Đối với người dùng, tối ưu hóa content sẽ cung cấp những giá trị thực sự hữu ích giúp họ tìm ra câu trả lời cho vấn đề mà mình đang quan tâm.
Bên cạnh đó, các trang web có nội dung được tối ưu cũng mang lại những trải nghiệm mới lạ, độc đáo, tạo ra sự hấp dẫn đối với người đọc, so với những trải nghiệm mà họ có được từ việc truy cập vào các trang web khác trước đó.
Đối với SEO, việc tối ưu hóa content giúp cải thiện xếp hạng của một trang web trên Google, từ đó giúp cải thiện lưu lượng truy cập không phải trả tiền từ công cụ tìm kiếm.
Ngoài ra, một số lợi ích khác của việc tối ưu hóa nội dung trang web gồm có:
- Thu hút backlink tự nhiên;
- Tăng lượng khách hàng tiềm năng;
- Xây dựng niềm tin cho khách hàng.
Bây giờ, bạn cần biết rằng theo yêu cầu của Google Helpful Content Update, nội dung của bạn cần tuân thủ theo các Nguyên tắc quản trị trang web của Google và được tạo ra ưu tiên cho người dùng, thay vì ưu tiên cho người dùng.
Vậy làm thế nào để biết nội dung do bạn tạo ra đã được tối ưu cho người dùng hay chưa?
Hãy xem qua một số lời khuyên của Google như sau.
Lời khuyên của Google về việc sáng tạo & tối ưu nội dung ưu tiên người dùng?
Theo hướng dẫn của Google, để sáng tạo & tối ưu nội dung trang web đảm bảo việc ưu tiên người dùng thay vì ưu tiên công cụ tìm kiếm, bạn cần giải quyết các câu hỏi dưới đây:
- Những người dùng hiện có hoặc khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp mà bạn đang nhắm đến có cảm thấy các nội dung trên trang web là hữu ích khi họ truy cập vào đó hay không?
- Nội dung của bạn có thể hiện rõ ràng kiến thức chuyên môn (VD: bạn trực tiếp trải nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ hoặc đến tham quan địa điểm) và kiến thức chuyên sâu hay không?
- Website của bạn có mục đích hoặc trọng tâm chính không?
- Sau khi đọc nội dung của bạn, người xem có cảm thấy họ đã đủ kiến thức về một chủ đề để giúp họ đạt được mục tiêu hay không?
- Người xem có cảm giác hài lòng với nội dung mà bạn cung cấp hay không?
- Bạn có áp dụng hướng dẫn của Google về các bản cập nhật cốt lõi và cũng như cách review đánh giá sản phẩm hay không?
Nếu trang web đáp ứng được các câu hỏi nói trên, tức là bạn đã thành công trong việc tạo ra và tối ưu nội dung ưu tiên người dùng.
Bên cạnh đó, có một số loại nội dung mà bạn nên tránh trong quá trình viết content để không bị bản cập nhật Nội dung Hữu ích của Google gây tác động tiêu cực.
Google cảnh báo: Tránh tạo ra các loại nội dung ưu tiên công cụ tìm kiếm
Bạn cần tránh các loại nội dung ưu tiên công cụ tìm kiếm trong quá trình tối ưu content.
Nếu bắt gặp các nội dung này trên website, bạn cần loại bỏ chúng ngay lập tức để không lọt vào tầm ngắm của Google.
Để xác định các loại nội dung ưu tiên công cụ tìm kiếm, bạn cần trả lời các câu hỏi sau:
- Có phải nội dung của bạn được tạo ra chủ yếu chỉ để thu hút lưu lượng truy cập từ các công cụ tìm kiếm, thay vì nhắm đến các khách hàng mục tiêu của mình hay không?
- Có phải bạn đang tạo nhiều content về các chủ đề khác nhau với hy vọng một vài nội dung trong số đó có thể xếp hạng cao trong Google SERP (trang kết quả tìm kiếm của Google) không?
- Có phải bạn đang sử dụng các công cụ tự động viết content để tạo nội dung hàng loạt về nhiều chủ đề không?
- Có phải bạn chủ yếu tóm tắt thông tin từ những nơi khác mà không bổ sung thêm các giá trị mới hữu ích hay không?
- Có phải bạn viết về nội dung này chỉ vì nó có vẻ là xu hướng thịnh hành chứ không phải vì người dùng hiện tại của bạn cần nó hay không?
- Có phải người dùng cần phải xem tiếp các website khác để có được thông tin tốt hơn sau khi đọc nội dung của bạn hay không?
- Có phải bạn đang áp dụng Word Count (đếm số lượng chữ) cho bài viết của mình, vì nghe đồn rằng Google đang sử dụng Word Count để xếp hạng website hay không?
- Có phải bạn viết về chủ đề này vì bạn nghĩ rằng nó sẽ thu hút một lượng traffic từ Google chứ không vì bạn là người có chuyên môn thực sự về nó hay không?
- Có phải nội dung của bạn đang trả lời cho một câu hỏi thực sự không có (hoặc chưa có) câu trả lời được xác nhận chính thức hay không?
Nếu bạn mắc phải các trường hợp nói trên, có khả năng nội dung của bạn đang ưu tiên công cụ tìm kiếm thay vì ưu tiên người dùng.
Năm tiêu chí đối với một content chất lượng ưu tiên người dùng
Về cơ bản, một content được đánh giá là chất lượng và ưu tiên người dùng nếu nó thỏa mãn các điều kiện sau:
Content đáp ứng đúng mục đích tìm kiếm của người dùng (User’s search intent)
Một content được xem là hữu ích cho người đọc khi nó giải quyết được lý do mà người dùng truy cập vào trang web của bạn, hay nói cách khác, bạn cần viết content đáp ứng được mục đích tìm kiếm của người dùng.
Cách tốt nhất để tôi hiểu được mục đích tìm kiếm của người dùng chính là áp dụng công thức 3C để đánh giá đâu là loại thông tin mà họ đang cần, cách trình bày nội dung phù hợp nhất đối với người đọc, cũng như yếu tố nào khiến cho họ quan tâm nhất.
Ngoài ra, trong tài liệu Search Quality Evaluator Guidelines của mình, Google đã đưa ra nguyên tắc EEAT để giúp những người đánh giá chất lượng tìm kiếm xác định đâu là một content chất lượng cao, dựa trên 4 yếu tố gồm có: Experience, Expertise, Authoritativeness và Trust.
Content cho thấy trải nghiệm trực tiếp của tác giả (Experience)
Trải nghiệm là yếu tố mới được bổ sung vào nguyên tắc EAT trước đây để nâng cấp nó thành Double-EAT, trong đó, nó yêu cầu một số loại nội dung phải thể hiện được rằng tác giả đã trực tiếp trải nghiệm những gì họ đã trình bày.
Đặc biệt, với những nội dung thuộc chủ đề YMYL (Your Money or Your Life), những nội dung đó phải cho thấy độ tin cậy cao, tính an toàn, phù hợp với lời khuyên của các chuyên gia nếu muốn được xem là có chất lượng cao.
Ví dụ, nếu tôi cần lời khuyên về việc đánh giá chất lượng của một ứng dụng di động, thì những trang web chia sẻ trải nghiệm trực tiếp của người dùng trong quá trình sử dụng ứng dụng đó sẽ là thứ mà tôi đang cần.
Content có tính chuyên sâu (Expertise)
Bên cạnh việc thỏa mãn mục đích tìm kiếm của người đọc, bạn cũng cần đảm bảo rằng bài viết của mình sẽ phân tích sâu vào chủ đề đang được nói đến, cũng như trả lời được tất cả mọi câu hỏi mà người đọc có thể đặt ra.
Ví dụ, khi khách hàng đang tìm hiểu về chiến lược Content Marketing, họ có khả năng tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi như:
- Các dạng Content Marketing?
- Làm Content Marketing học ngành gì?
- Xu hướng Content Marketing năm 2023 là gì?
- Các khóa học Content Marketing cho người mới bắt đầu?
- ……
Do đó, bạn nên đưa các thông tin trả lời những vấn đề này vào trong bài viết của mình, có thể dưới dạng câu hỏi thường gặp hoặc là một phần trong nội dung chính của bài viết.
Tác giả bài viết là người có trình độ chuyên môn (Authoritativeness)
Theo lời khuyên của Google, các bài viết do những người thực sự có trình độ chuyên môn về chủ đề đang được nói đến sẽ mang lại độ tin cậy cao cho người đọc, do đó, nó là một dấu hiệu báo cho Google biết rằng đó có thể là một content chất lượng.
Đặc biệt, đối với các chủ đề chịu sự chi phối của thuật toán Google Medic, thì yếu tố Tác giả – hay Authoritativeness – càng được nhấn mạnh hơn rất nhiều, và là một trong các yếu tố chính để đánh giá chất lượng của một content.
Chính vì thế, bài viết đăng trên website nên có phần thể hiện tiểu sử của tác giả bài viết, hoặc có một liên kết đến trang mô tả thông tin của tác giả.
Bên cạnh đó, tác giả cần phải là người có trình độ trong lĩnh vực đang được đề cập, do đó, nếu bạn không phải là một người có chuyên môn, bạn có thể thuê một chuyên gia trong ngành để sáng tạo nội dung cho mình nhằm đảm bảo yếu tố chuyên môn của một content.
Content có độ tin cậy cao (Trustworthiness)
Độ tin cậy của một content được thể hiện qua việc nó sử dụng các nguồn thông tin đã được kiểm chứng, có trích dẫn và mô tả rõ ràng thêm bằng số liệu thống kê, hình ảnh, video, hoặc bất kỳ loại nội dung nào chứng mình các thông tin mà bạn đưa ra trong bài viết là chính xác.
Do đó, bài viết của bạn chắc chắn cần được liên kết đến những trang web nổi tiếng trong ngành nhằm minh chứng cho các thông tin mà bạn đã tuyên bố.
Content được tối ưu theo các tiêu chuẩn SEO Onpage mới nhất
Nội dung chất lượng là chưa đủ, điều quan trọng là bạn cần tạo ra sự hứng thú cho người đọc, cũng như giúp họ dễ dàng tìm thấy thông tin mà mình đang tìm.
Đó là lý do mà content của bạn cần áp dụng các tiêu chuẩn tối ưu SEO Onpage mới nhất nhằm gia tăng mức độ dễ đọc, dễ hiểu của nội dung trong trang web.
Tôi cũng đã có một bài viết chi tiết về các tiêu chuẩn SEO Onpage này, trong đó giải thích rõ về 7 nhóm tiêu chuẩn tối ưu SEO Onpage mới nhất mà bạn nên cân nhắc, bao gồm:
- Tối ưu tiêu đề (title), thẻ (tag) và URL;
- Tối ưu khu vực phía trên màn hình đầu tiên (Above the fold);
- Tối ưu nội dung chính của bài viết;
- Tối ưu văn bản trên trang;
- Tối ưu hình ảnh;
- Tối ưu chiều rộng & kích thước trang web;
- Tối ưu tốc độ & liên kết.
Như vậy, bạn đã tìm hiểu xong thế nào là một content chất lượng theo tiêu chuẩn mới nhất của bản cập nhật Google Helpful Content, bây giờ là lúc bạn bắt đầu tìm hiểu về những cách tạo content hay, cũng như phương pháp tốt nhất để tối ưu hóa content.
Cách viết content tốt hơn đối thủ: 10 bước để sáng tạo & tối ưu hóa nội dung
#1: Rà soát, loại bỏ hoặc cập nhật lại tất cả nội dung đã có trên website
Khác với các phương pháp tối ưu nội dung trước đây, trước khi bắt đầu tạo ra và tối ưu các nội dung mới, bạn luôn luôn cần kiểm tra lại chất lượng tất cả các nội dung có sẵn, và loại bỏ (hoặc chỉnh sửa) toàn bộ các nội dung không đáp ứng được các yêu cầu như sau:
- Nội dung không phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu mà website đang nhắm đến;
- Nội dung không phù hợp với mục đích tìm kiếm của người dùng;
- Nội dung không cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về một chủ đề nào đó cho người dùng;
- Nội dung bị trùng lặp hoặc không cung cấp thêm các giá trị bổ sung cho người dùng;
- Nội dung được trình bày kém về mặt UI/UX, không rõ ràng hoặc gây khó khăn cho quá trình tìm hiểu thông tin của người dùng;
- Nội dung thiếu kiến thức chuyên sâu hoặc được viết bởi những người thiếu trình độ chuyên môn về chủ đề đang được nói đến;
Bước này cực kỳ quan trọng trong quá trình tối ưu nội dung, đặc biệt đối với các thể loại trang web chuyên về:
- Review đánh giá sản phẩm;
- Tiếp thị liên kết;
- Tổng hợp tin tức.
Sau khi hoàn tất rà soát các nội dung sẵn có, bây giờ là lúc bạn bắt đầu sáng tạo và tối ưu hóa các nội dung mới, mà bước đầu tiên là tìm ra các chủ đề và từ khóa phù hợp nhất.
#2: Tìm đúng chủ đề và từ khóa phù hợp
Để tìm ra được chủ đề và từ khóa phù hợp cho trang web, bạn cần sử dụng các công cụ hỗ trợ nghiên cứu từ khóa.
Một trong số các công cụ SEO tốt nhất để bạn nghiên cứu chủ đề chính là Ubersuggest, và các bước tiếp theo, tôi sẽ dựa trên công cụ này để hướng dẫn từng bước cho bạn.
Tìm ý tưởng về chủ đề
Trước hết, hãy truy cập vào đây, nhập chủ đề gốc của website hoặc chủ đề ngách mà bạn muốn viết content cho nó.
Ví dụ, tôi muốn viết một nội dung nào đó về chủ đề dịch vụ kế toán, tôi sẽ nhập các từ khóa đại loại như “kế toán doanh nghiệp”, “kế toán thuế” hoặc “báo cáo thuế” vào khung tìm kiếm, chọn ngôn ngữ là Vietnamese và địa điểm là Vietnam, sau đó nhấn nút Search.
Bạn sẽ thấy giao diện kết quả tương tự như sau:
Trong trường hợp chưa có ý tưởng về chủ đề gốc, bạn có thể tham khảo các chủ đề tương tự từ đối thủ cạnh tranh SEO hàng đầu trong ngành thông qua 3 chức năng:
- Search by website;
- Keyword by Traffic;
- Top pages by Traffic.
Các công cụ này sẽ đưa ra các gợi ý về từ khóa và chủ đề mà bạn có thể nhắm tới, và dựa vào đó, bạn có thể chọn ra cho mình một vài chủ đề mà mình có thể thực hiện.
Tuy nhiên, việc tìm ý tưởng cho chủ đề không dừng lại ở đây, mà bạn còn phải xác định mục đích tìm kiếm của người dùng là gì, và liệu mình có khả năng cạnh tranh với những đối thủ hiện tại trong việc thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm của người dùng hay không.
Xác định mục đích tìm kiếm của người dùng đối với một chủ đề
Ở đây, bạn cần tìm hiểu người dùng mong muốn những thông tin nào khi họ tìm kiếm về một chủ đề nào đó.
Cách tốt nhất để khám phá mục đích của người dùng chính là dựa vào công thức 3C mà tôi đã đề cập ở phần trên và tham khảo các nội dung được xếp hạng hàng đầu trong Top 10 Google Organic Search đối với chủ đề mà bạn muốn tìm hiểu.
Ví dụ, để biết mục đích tìm kiếm của người dùng về chủ đề ngách “Báo cáo thuế theo quý“, tôi sẽ tìm kiếm từ khóa đó trên Google và xem những trang web hàng đầu đang cung cấp những thông tin gì.
Dựa trên những thông tin đó, tôi sẽ tổng hợp lại các thông tin mà người dùng muốn xem nhất, đại loại như sau:
- Các loại báo cáo thuế cần nộp theo tháng và theo quý;
- Các bước chuẩn bị hồ sơ để làm thủ tục báo cáo thuế;
- Cách điền mẫu hồ sơ báo cáo thuế
- Thời hạn nộp báo cáo thuế
Phân tích đối thủ cạnh tranh về một chủ đề
Để phân tích đối thủ cạnh tranh, 4 yếu tố quan trọng nhất bạn cần xem xét gồm có:
- Các đối thủ hiện tại có cung cấp được các thông tin thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm của người dùng hay không;
- Mức độ tin cậy của trang web là bao nhiêu (Website authority);
- Số lượng backlink mà các trang web đó đang sở hữu là bao nhiêu;
- Lưu lượng tìm kiếm cho từ khóa đó là bao nhiêu;
Các chỉ số nói trên có thể xem trực tiếp trên công cụ Ubersuggest như sau:
Như bạn thấy, có rất nhiều chủ đề có tính cạnh tranh cao, do đó, nếu bạn cảm thấy mình không thể đối đầu với các đối thủ cạnh tranh khi nói về một chủ đề nào đó, hãy lựa chọn những chủ đề khác phù hợp hơn với quy mô và giá trị thương hiệu của bạn.
#3: Tìm kiếm các từ khóa có liên quan
Để gia tăng cơ hội được xếp hạng cao trên Google, bạn cần tìm kiếm thêm các từ khóa có liên quan mật thiết về mặt ngữ nghĩa đến chủ đề mà bạn đang chuẩn bị tạo nội dung.
Thông thường các từ khóa có liên quan về mặt ngữ nghĩa được chia thành 2 loại, bao gồm các biến thể của từ khóa gốc và các từ khóa LSI (Latent Semantic Indexing Keyword, còn gọi là từ khóa ngữ cảnh).
Có nhiều cách để bạn tạo ra danh sách các từ khóa có liên quan này, và tôi khuyến khích bạn sử dụng các công cụ sau:
- Keywordtool.io
- Google Autocomplete
- Ubersuggest
- Ahrefs
- SEMRush
- Chức năng Mọi người cũng hỏi trên Google Search
- TextRazor
Khi bạn đã có được chủ đề, từ khóa và các thông tin về mục đích tìm kiếm của người dùng, giờ là lúc bạn cần thiết lập cấu trúc cho nội dung bài viết.
#4: Lập dàn ý và cấu trúc bài viết
Về mặt kỹ thuật, việc lập dàn ý và cấu trúc nội dung của bài viết đồng nghĩa với việc bạn đang vạch ra cấu trúc của các thẻ Heading trong bài viết đó, và một nghiên cứu năm 2022 cho biết, 47% các bài viết sử dụng các thẻ Heading nâng cao được đánh giá là những bài viết mang lại hiệu suất tốt nhất cho website.
Vì sao nó quan trọng đối với hoạt động tối ưu content?
Dưới đây là 2 lý do khiến cho việc xây dựng cấu trúc thẻ Heading quan trọng đối với việc tối ưu hóa content:
- Trước hết, gia tăng tính dễ đọc, dễ hiểu của nội dung. Người dùng sẽ dễ dàng nắm được nội dung cốt lõi của từng đoạn văn bản, cũng như nhanh chóng đánh giá được mức độ phù hợp của thông tin với những gì mà họ đang tìm kiếm.
- Thứ hai, các thẻ Heading được cấu trúc hợp lý giúp các công cụ tìm kiếm hiểu được những nội dung quan trọng trong bài viết, từ đó, cải thiện khả năng thu thập dữ liệu và xếp hạng trang web.
Các công cụ hỗ trợ lập dàn ý tự động
Các công cụ AI Writer như Ubersuggest, SEMRush hay Simplified có thể hỗ trợ gợi ý cấu trúc cho một bài viết bằng tiếng Anh, tuy nhiên, chưa có công cụ nào hỗ trợ tiếng Việt hiệu quả như ChatGPT vừa được ra mắt cuối năm 2022.
Xem thêm: Cách sử dụng ChatGPT để lập dàn ý viết content chất lượng cao
Tuy nhiên, một giải pháp dành cho những bạn mới bắt đầu tập tối ưu content chính là xây dựng một dàn ý sử dụng tiếng Anh, sau đó tiến hành dịch thuật dàn ý đó thành tiếng Việt.
Nếu bạn muốn sử dụng công cụ Simplified để lập dàn ý bài viết, dưới đây là các bước thực hiện:
- Bước 1: Truy cập vào https://app.simplified.com/ai-writer, sau đó đăng ký tài khoản mới hoặc đăng nhập để bắt đầu.
- Bước 2: Nhấp vào Explore Templates trong phần Use a writing template.
- Bước 3: Lựa chọn mẫu Blog Outline để sử dụng chức năng tự động tạo cấu trúc nâng cao với thẻ Heading cho content.
- Bước 4: Lựa chọn kiểu văn phong mà bạn mong muốn trong số 12 loại văn phong được đề xuất, loại ngôn ngữ để mặc định là English, và điền blog topic là chủ đề mà bạn muốn xây dựng dàn ý cho nó (viết bằng tiếng Anh). Ví dụ, tôi muốn lập dàn ý về chủ đề chiến lược Marketing cho công ty luật, tôi sẽ điền là “Marketing strategies for law firms” hoặc “Law firm Marketing strategy”.
- Bước 5: Nhận kết quả bằng tiếng Anh.
- Bước 6: Dịch kết quả ra tiếng Việt.
Trong trường hợp bạn là một người Content Creator có nhiều kinh nghiệm viết bài chuẩn SEO, thì việc sử dụng các công cụ này không còn cần thiết nữa, bởi vì bạn sẽ tự động hình thành cấu trúc bài viết dựa trên kinh nghiệm tối ưu hóa nội dung của các bài viết khác.
#5: Quản lý mật độ từ khóa
Khi nói về việc quản lý mật độ từ khóa, tôi không muốn bạn nhầm lẫn rằng tôi đang đề xuất một con số lý tưởng cho mật độ từ khóa, bởi vì Google hoàn toàn không dựa vào mật độ từ khóa để đánh giá chất lượng của một content.
Tuy nhiên, mật độ từ khóa lại có ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của người dùng, và thường gây ra các cảm giác khó chịu nếu từ khóa xuất hiện quá thường xuyên, kể cả ở những vị trí mà đáng ra nó không nên xuất hiện.
#6: Xác định và khắc phục lỗi Keyword Cannibalization (Tự hủy từ khóa)
Tự hủy từ khóa là việc bạn tối ưu hóa nhiều nội dung hoặc URL khác nhau cho cùng một từ khóa.
Đối với các công cụ tìm kiếm, điều này làm cho nội dung của bạn tự cạnh tranh với chính nó, và thứ hạng và lưu lượng truy cập vào website có thể bị ảnh hưởng.
Do đó, hãy đảm bảo mỗi trang trên website của bạn chỉ đang nhắm mục tiêu một từ khóa duy nhất và không cạnh tranh với nội dung khác.
Mẹo: Cách dễ nhất để tìm hiểu xem bạn đã xếp hạng cho một từ khóa nhất định hay chưa là truy cập Google và sử dụng công thức sau trong khung tìm kiếm:
Site: (tên trang web của bạn) “từ khóa”
Ví dụ, tôi muốn kiểm tra liệu mình đã được xếp hạng cho từ khóa “tối ưu content” hay chưa, tôi sẽ điền vào Google như sau:
#7: Thêm hình ảnh hoặc video vào content
Một thống kê cho thấy các trang web có từ 7 hình ảnh trở lên nhận được nhiều lưu lượng truy cập hơn 1.16 lần so với những trang web không sử dụng hình ảnh.
Ở đây, tôi không muốn nói rằng số lượng hình ảnh càng nhiều, bạn sẽ càng thu hút thêm nhiều lưu lượng truy cập, tuy nhiên, nếu bạn không sử dụng hình ảnh trong content của mình, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến lượng traffic.
Do đó, hãy xem xét bổ sung thêm hình ảnh vào trong bài viết của mình, và làm đa dạng chúng (nếu có thể) để tạo những trải nghiệm mới lại cho người đọc, chẳng hạn như:
- Thêm infographic.
- Thêm video minh họa.
- Thêm các biểu đồ thống kê về ngành.
#8: Thêm dữ liệu có cấu trúc (Schema Markup) vào bài viết
Dữ liệu có cấu trúc (Structured Data), hay còn gọi là Schema Markup (Đánh dấu lược đồ), là một trong những kỹ thuật SEO nâng cao giúp cải thiện đáng kể chất lượng nội dung trên một trang web.
Về cơ bản, dữ liệu có cấu trúc là các đoạn mã HTML được tiêu chuẩn hóa và chèn vào mã nguồn trang web nhằm đánh dấu những thông tin quan trọng trên trang web đó, giúp các công cụ tìm kiếm như Google hiểu rõ hơn nội dung trên trang, thu thập dữ liệu nhanh hơn, cũng như có thể hiển thị các thông tin nổi bật dưới dạng tính năng nâng cao trên SERP.
Vì sao dữ liệu có cấu trúc giúp chất lượng trang web của bạn nổi bật hơn đối thủ cạnh tranh?
Bên cạnh những lợi ích mà dữ liệu cấu trúc (hay Schema Markup) mang lại, thì nó cũng khá khó khăn để tích hợp vào trang web nếu bạn không phải là một người có kinh nghiệm SEO lâu năm.
Vì thế, nếu vượt qua được trở ngại này, bạn đã thành công hơn các đối thủ của mình trong việc cải thiện khả năng thu hút người dùng truy cập vào trang web, cũng như tạo sự thân thiện hơn với các công cụ tìm kiếm.
Để tạo Schema Markup chuẩn xác cho trang web, tôi khuyến khích bạn sử dụng các Schema plugin đối với những website WordPress, hoặc sử dụng các công cụ hỗ trợ tạo Schema online (VD: JSON-LD Schema Generator của Nustart Solution).
Sau đó, bạn cần sử dụng công cụ Kiểm tra kết quả nhiều định dạng của Google hoặc công cụ Schema Markup Validator của Schema.org để xác thực tính hợp lệ của các dữ liệu có cấu trúc vào được chèn vào trang web của mình.
#9: Xây dựng liên kết nội bộ
Xây dựng liên kết nội bộ là một trong những cách tốt nhất và dễ thực hiện nhất để tạo ra một content chất lượng cho website.
Lợi ích của các liên kết nội bộ chính là:
- Cho phép Google Bot dễ dàng tìm kiếm và xếp hạng các trang web nội bộ được liên kết;
- Cho phép chuyển sức mạnh sang những trang web khác;
- Giúp người dùng điều hướng một cách hiệu quả;
- Gia tăng mức độ tương tác và trải nghiệm của người dùng.
Chính vì thế, hãy tạo một danh sách các content liên quan mà bạn đã tạo ra trước đây trong nội dung mới, đừng quên cập nhật các trang hiện có của bạn khi xuất bản các bài viết mới.
#10: Cải thiện các yếu tố SEO kỹ thuật
Nội dung của bạn có thể được viết hoàn hảo, nhưng nếu trang web đó mất quá nhiều thời gian để tải thì bạn sẽ gặp khó khăn trong việc cải thiện xếp hạng nội dung đó trên Google.
Các khía cạnh quan trọng nhất của SEO kỹ thuật mà bạn cần xem xét bao gồm:
- Các yếu tố trên trang như UX và tốc độ trang (những yếu tố này được Google gọi là Core Web Vitals)
- Các liên kết bị hỏng đã được xử lý
- Các thẻ alt của hình ảnh được đặt chính xác
#11: Cập nhật content thường xuyên
Đừng bỏ quên các content mà bạn đã tạo trong quá khứ.
Bạn sử dụng các đối thủ cạnh tranh để phân tích và tìm cách xây dựng các content chất lượng hơn họ, thì ở phía ngược lại, các đối thủ cũng có thể sử dụng content của bạn để làm điều tương tự.
Do đó, bạn cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các nội dung quan trọng nhất nhằm duy trì và cải thiện thứ hạng trang web của mình.
Điều này đặc biệt đúng với các lĩnh vực có sự cạnh tranh cao về SEO như bất động sản, kế toán, luật…
Tóm lại
Như vậy, có thể thấy rõ rằng, bản cập nhật Google Helpful Content đã thay đổi rõ rệt cách làm việc của những người làm nghề viết content như tôi hoặc bạn.
Chính vì thế, ngay từ bây giờ, bạn cần nhanh chóng làm quen với những phương pháp mới nhất để tạo content chất lượng hơn đối thủ cạnh tranh nhưng vẫn đáp ứng tốt yêu cầu ưu tiên cho người dùng.
Ngoài ra, bạn cũng phải nắm rõ các yếu tố quan trọng nhất giúp đánh giá chất lượng của một content nhằm có phương án cải thiện và tối ưu hóa chúng khi website bị mắc kẹt trong việc cải thiện thứ hạng và thu hút người dùng tiềm năng.
Nếu bạn có thêm bất kỳ thắc mắc nào, hãy xem tiếp một số câu hỏi thường gặp trong quá trình viết content, hoặc để lại bình luận ngay bên dưới bài viết này nhé.
Câu hỏi thường gặp về viết content
Thế nào là một content chất lượng?
Một content chất lượng cần đảm bảo 5 yếu tố:
- Thỏa mãn mục đích tìm kiếm của khách hàng;
- Có tính chuyên sâu;
- Do người có trình độ chuyên môn viết ra;
- Có độ tin cậy cao;
- Được tối ưu theo các tiêu chuẩn SEO Onpage mới nhất.
Cách tạo content hay như thế nào?
Để tạo một content hay và hấp dẫn, bạn có thể áp dụng một số (hoặc tất cả) các phương pháp dưới đây:
- Cá nhân hóa content.
- Sử dụng văn nói thay vì văn viết.
- Sử dụng từ ngữ đơn giản.
- Sử dụng luân phiên các câu dài và ngắn.
- Sử dụng các độ văn ngắn.
- Sử dụng nhất quán tông điệu trong toàn bộ văn bản.
Sau khi tối ưu hóa nội dung, bước tiếp theo cần làm gì?
Bạn đã hoàn thành việc tối ưu hóa content, bước tiếp theo chính là chia sẻ và quảng bá chúng cho những đối tượng tiềm năng có thể quan tâm.
Các hoạt động mà bạn có thể sử dụng ở giai đoạn này bao gồm:
- Quảng cáo trực tuyến (VD: Google Ads, Facebook Ads…);
- Chia sẻ trên mạng xã hội;
- Gửi Email Marketing;
Ngoài ra, đừng quên xây dựng thương hiệu cá nhân của bạn trên mạng xã hội cũng như cập nhật kiến thức thường xuyên, thu thập các chứng chỉ chuyên môn nhằm đáp ứng tối đa tiêu chuẩn EAT của Google.