ChatGPT, Rytr, WriAI, công cụ viết content bằng AI nào tốt nhất? Dưới đây là đánh giá về khả năng tạo nội dung tự động của chúng qua 3 khía cạnh khác nhau.
Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bảo hộ nội dung trên DMCA (Xem chi tiết tại đây), vui lòng trích dẫn nguồn kèm link bài viết nếu muốn đăng tải lại trên website khác.
Giới thiệu ChatGPT, Rytr và WriAI
ChatGPT – Công cụ tạo content tự động bằng AI của OpenAI
ChatGPT là một chatbot tích hợp công nghệ AI do OpenAI phát triển dựa trên mô hình ngôn ngữ GPT-3.5 cùng các công nghệ mới nhất như NLP (Natural Language Processing) hay Deep Learning nhằm nhanh chóng đưa ra phản hồi dưới dạng văn bản hoàn chỉnh dựa trên yêu cầu của người dùng.
Ngay từ khi ChatGPT được ra mắt, tôi đã ứng dụng nó vào nhiều hoạt động khác nhau như hỏi đáp kiến thức cơ bản, tư vấn thông tin, và đặc biệt, bao gồm cả việc viết content tự động.
Nói cách khác, ChatGPT có thể được sử dụng như một công cụ AI Writing Tool, nhưng khác với những văn bản mà bạn thường thấy khi sử dụng WriAI, Jasper, Zyro hay Rytr, kết quả mà ChatGPT đưa ra hoàn toàn ăn đứt các công cụ khác về mặt trình bày lẫn chất lượng nội dung mà tôi sẽ trình bày rõ hơn ở các phần tiếp theo.
Giá bán: Miễn phí vì đang trong giai đoạn thử nghiệm và phát triển.
Đánh giá từ cộng đồng: Vô cùng tích cực.
Rytr – AI Writing Tool nổi tiếng trên thế giới
Rytr là công cụ tạo content tự động bằng AI dựa trên nền tảng GPT-3, được xây dựng API nhằm hỗ trợ cho các công cụ viết nội dung khác cũng như tích hợp thêm trình phân tích SEO nhằm tạo ra những nội dung chuẩn SEO.
Giá bán: Miễn phí (tối đa 5000 ký tự/tháng) hoặc trả phí từ 9 – 29 USD/tháng.
Đánh giá từ cộng đồng: 4.9 / 5 sao (Trustpilot), 4.7 / 5 sao (G2).
WriAI – AI Content Generator của Việt Nam
WriAI là công cụ giúp tạo content tự động bằng AI do một công ty của Việt Nam vận hành, bao gồm các tính năng tương tự (nhưng ít hơn) Rytr.
Tôi chọn WriAI để đánh giá bởi vì website của nó nằm trong Top tìm kiếm với từ khóa “viết content bằng AI” tại Việt Nam, hỗ trợ nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, đồng thời nó cũng là một công cụ có giao diện bằng tiếng Việt, thân thiện với người dùng tại địa phương.
Giá bán: Gói rẻ nhất có giá 199 ngàn/tháng.
Đánh giá từ cộng đồng: Chưa có.
So sánh ChatGPT với Rytr và WriAI
Là một chatbot đang trong giai đoạn thử nghiệm, ChatGPT chỉ có một chức năng duy nhất là nhận và phản hồi yêu cầu của người dùng bằng văn bản.
Tuy nhiên, nhờ lượng dữ liệu đầu vào khổng lồ mà các chuyên gia AI Training cung cấp cùng các công nghệ AI tiên tiến nhất, ChatGPT có khả năng dự đoán những từ ngữ tiếp theo mà nó nên sử dụng trong văn bản phản hồi của mình sao cho giống với cách con người trả lời câu hỏi nhất.
Chính vì thế, chỉ tính riêng lĩnh vực viết content bằng AI, ChatGPT đã có vô số ứng dụng mà các “công cụ AI nửa mùa” không thể nào làm được, cụ thể như sau:
#1: Về khả năng tạo văn bản chất lượng cao
Đây là ứng dụng được những người làm Content trông đợi nhất khi sử dụng các công cụ AI Writing, và “tân binh” ChatGPT đã bỏ xa các đối thủ hiện tại.
Ví dụ, khi tôi đưa ra yêu cầu “20 relevant topics about how to marketing for a law firm“, dưới đây là những gì mà tôi nhận được từ ChatGPT và một số công cụ khác.
#1.1: Rytr (1.5 / 5 điểm)
Công cụ Rytr tạo ra một văn bải với độ dài 308 chữ rất nhanh, tuy nhiên, chất lượng nội dung mà nó tạo ra chỉ đáng nhận 1.5 / 5 điểm.
Cụ thể, công cụ không đưa ra câu trả lời chi tiết cho yêu cầu của tôi (tức liệt kê 20 chủ đề có liên quan), mà thay vào đó, nó chỉ viết ba đoạn mở đầu dùng để tóm tắt cho chủ đề mà tôi muốn nói đến như hình dưới đây.
Nói cách khác, công cụ Rytr này không thực sự giúp ích cho hoạt động viết content (nếu không muốn nói là ăn hại), vì nó không thể đi sâu vào chủ đề mà người dùng quan tâm.
Bên cạnh đó, tôi không thể test được chức năng Tiếng Việt vì nó chỉ dành cho tài khoản trả phí, và đương nhiên tôi thì không muốn mất tiền cho công cụ này, khi mà Rytr thậm chí còn không thể làm tốt công việc của nó ở ngôn ngữ sở trường của mình là Tiếng Anh.
Đánh giá về chất lượng nội dung của Rytr: 1.5/5 điểm.
#1.2: WriAI (2 / 5 điểm)
Nếu so với Rytr, thì giao diện của công cụ WriAI hầu như không có bất kỳ sự khác biệt nào.
Nó cũng tạo ra một văn bản theo yêu cầu của tôi rất nhanh, nhưng chất lượng thì không như tôi mong muốn.
Cụ thể, WriAI đã viết cho tôi một đoạn mở đầu ngắn cho chủ đề, kèm theo đó là 8 ý tưởng mà tôi có thể sử dụng cho bài viết của mình như hình dưới đây.
Nếu so sánh với Rytr, công cụ WriAI giải quyết tốt hơn yêu cầu mà tôi đưa ra, đó là liệt kê những chủ đề có liên quan (mặc dù không đủ số lượng mà tôi yêu cầu) và thậm chí còn viết cho tôi một đoạn mở đầu.
Tôi cũng thử nghiệm WriAI thêm một lần nữa bằng tiếng Việt, và kết quả cũng gần như tương tự, tức công cụ cũng viết một đoạn intro và liệt kê một vài chủ đề để tham khảo.
Tuy nhiên, nội dung tiếng Việt mà nó đưa ra khiến tôi có cảm giác rất hời hợt (nếu không muốn nói là tệ hại) bởi có quá ít thông tin trong văn bản mà tôi nhận được.
Điều này khiến tôi cực kỳ thất vọng, bởi WriAI được giới thiệu là do một công ty Việt Nam tạo ra, nhưng có cảm giác như nó được xây dựng bởi một đội ngũ nước ngoài đang sử dụng công cụ Google Translate để tạo ra văn bản theo ngôn ngữ mà bạn yêu cầu.
Đánh giá về chất lượng nội dung của WriAI: 2/5 điểm.
#1.3: ChatGPT (5 / 5 điểm)
Tôi đã thử nghiệm ChatGPT rất nhiều lần, và hiển nhiên, lần này ChatGPT cũng không làm tôi quá bất ngờ khi nó thực hiện chính xác thứ mà tôi yêu cầu (liệt kê 20 chủ đề).
Một điều bạn cần lưu ý rằng, vì yêu cầu của tôi đòi hỏi ChatGPT cung cấp khá nhiều thông tin, do đó, công cụ này đã bỏ qua việc tự động viết đoạn mở đầu cho chủ đề.
Tuy nhiên, đó không phải là điều quan trọng, vì mục đích của tôi là nhận được những ý tưởng về cách Marketing cho công ty luật, ngoài ra tôi hoàn toàn có thể yêu cầu nó viết một đoạn giới thiệu cho chủ đề này bằng một yêu cầu khác như dưới đây.
Bạn nghĩ thế nào về chất lượng đoạn intro mà ChatGPT đã tạo ra so với Rytr và WriAI?
Theo góc nhìn của tôi, thì Rytr và WriAI chỉ đáng xách dép cho ChatGPT.
Bây giờ, để có sự đánh giá công bằng hơn với WriAI, tôi cũng đã thử nghiệm ChatGPT với yêu cầu tương tự nhưng bằng tiếng Việt, và dưới đây là kết quả mà tôi đã nhận được từ ChatGPT.
Như bạn có thể thấy, ChatGPT có thể “hiểu” được yêu cầu bằng tiếng Việt của tôi, và nó cũng đưa ra câu trả lời bằng tiếng Việt rất chi tiết.
Một điều lưu ý ở đây là khác với tiếng Anh, việc tạo nội dung bằng tiếng Việt tốn nhiều công sức để xử lý hơn, do đó, ChatGPT thường gặp sự cố gián đoạn trong quá trình tạo văn bản (như bạn có thể thấy trong ví dụ của tôi).
Tuy nhiên, điều này có thể khắc phục dễ dàng bằng cách yêu cầu ChatGPT tạo lại câu trả lời tại vị trí mà nó bị gián đoạn, và ngay lập tức, nó đã tiếp tục tạo văn bản đến khi hoàn thành yêu cầu của tôi.
Đánh giá về chất lượng nội dung: 5/5 điểm.
Tóm lại, về chất lượng nội dung của văn bản, ChatGPT vượt trội hơn đáng kể so với 2 công cụ còn lại.
#2: Về khả năng tạo tiêu đề hấp dẫn cho bài viết
Một trong những vấn đề quan trọng khi viết content chính là làm thế nào để tạo tiêu đề thu hút và hấp dẫn cho bài viết.
Theo tiêu chuẩn SEO Onpage, một tiêu đề bài viết hấp dẫn thường được giới hạn trong 60 ký tự, do đó, tôi
Tôi cũng đã thử nghiệm ChatGPT, Rytr và WriAI cho hạng mục đánh giá này, và để đảm bảo tạo ra tiêu đề hấp dẫn, tôi có một số quy ước như sau:
- Một tiêu đề bài viết hấp dẫn thường được giới hạn trong 60 ký tự.
- Có sử dụng những từ gợi cảm xúc tích cực trong tiêu đề.
- Có liên quan chặt chẽ đến nội dung của chủ đề.
Do hạn chế về chức năng của từng loại công cụ, tôi đã tùy chỉnh yêu cầu của mình sao cho phù hợp nhất với từng loại công cụ, nhưng về cơ bản, nội dung yêu cầu vẫn là: Viết tiêu đề hấp dẫn (tối đa 60 ký tự mỗi cái) về cách marketing cho công ty luật.
Dưới đây là kết quả mà tôi nhận được:
#2.1: Rytr (4 / 5 điểm)
Để nhận gợi ý cho headline, bạn cần nhập một đoạn mô tả dài khoảng 250 ký tự để hệ thống xác định nội dung.
Rytr có khả năng đưa ra tối đa 3 biến thể khác nhau cho câu trả lời, do đó ba tiêu đề mà tôi nhận được gồm có:
- “Unlock Legal Success – Marketing Your Law Firm Now!“
- “Get Results: Law Firm Marketing Strategies for Success“
- “Unlock Your Law Firm’s Potential: Marketing Smarter.“
Cả ba tiêu đề này đều có sử dụng những từ gợi cảm xúc tích cực như “success“, “unlock” hay “smarter“, các dấu hiệu cho thấy đây có khả năng là một tiêu đề hấp dẫn.
Ngoài ra, dường như công cụ này tự động giới hạn độ dài của các tiêu đề được gợi ý dưới 60 ký tự, vì dù tôi có yêu cầu độ dài tối đa của tiêu đề là bao nhiêu thì kết quả mà tôi nhận được đều giới hạn trong khoảng từ 30 – 60 ký tự.
Bên cạnh đó, về mức độ liên quan đến nội dung của chủ đề, chỉ tiêu đề thứ 2 và 3 mới thực sự có liên quan đến yêu cầu mà tôi đã đặt ra, trong khi tiêu đề 1 nghe giống như đang quảng bá cho một dịch vụ Marketing nào đó.
Không hoàn hảo lắm, nhưng vẫn có giá trị, do đó Rytr xứng đáng với 4/5 điểm về khả năng viết tiêu đề hấp dẫn.
#2.2: WriAI (2 / 5 điểm)
Dưới đây là những tiêu đề mà công cụ này đã gợi ý cho tôi:
- “A Law Firm’s Marketing in a Downturn: An Expert Perspective“
- “Prospects for 2019: A Lawyer’s Perspective“
- “Marketing for Accountants & Lawyers in the Digital Era“
- “The Most Important Things to Consider when Selecting a Law Firm Marketing Agency“
Khác với Rytr, các tiêu đề được gợi ý bởi WriAI dường như không bị giới hạn bởi số lượng ký tự, do đó, mặc dù tôi yêu cầu tiêu đề không vượt quá 60 ký tự như vẫn có một tiêu đề dài đến 80 ký tự.
Ngoài ra, hầu hết tiêu đề đều có những từ gợi cảm xúc tích cực như “Prospects“, “Digital Era” hay “Most Important“, nhưng vẫn có một tiêu đề sử dụng từ tiêu cực “Downturn“.
Mặt khác, sự liên quan giữa nội dung của tiêu đề với chủ đề mà tôi muốn nhắm đến vẫn còn thấp, chẳng hạn như tiêu đề đầu tiên nghe giống như tiêu đề câu khách của một bản tin báo chí thay vì một bài viết hướng dẫn cách Marketing, trong khi tiêu đề thứ ba đề cập đến cả Marketing cho lĩnh vực kế toán.
Tóm lại, tôi không hài lòng với kết quả mà WriAI đã gợi ý, và dựa trên những tiêu chí đã đặt ra, công cụ này chỉ đáng nhận mức 2/5 điểm.
#2.3: ChatGPT (5 / 5 điểm)
Khác với Rytr và WriAI, ChatGPT không giới hạn số lượng kết quả mà nó tạo ra, do đó, tôi đã thử yêu cầu hệ thống tạo ra 5 tiêu đề hấp dẫn, và dưới đây là kết quả:
- “Law firm marketing 101: Proven strategies for success“
- “Attract more clients: Law firm marketing made easy“
- “Grow your law firm with these powerful marketing tactics“
- “Stand out in the legal industry: Law firm marketing secrets“
- “Maximize your law firm’s potential with these marketing hacks“
Ngoại trừ tiêu đề thứ năm có độ dài vượt quá yêu cầu một chút (61 ký tự), các tiêu đề còn lại đều nằm trong giới hạn cho phép, rất tốt.
Không những thế, tất cả các tiêu đề đều có sử dụng những từ ngữ tích cực như “Proven”, “Success”, “Easy”, “Powerful”, “Secrets”, “Maximize” hay “Hacks”, tốt lắm.
Cuối cùng, tất cả các tiêu đề đều có nội dung liên quan chặt chẽ đến cách thức để Marketing cho công ty luật, quá tuyệt vời luôn.
Không cần phải bàn thêm nữa, ChatGPT hoàn toàn xứng đáng nhận điểm tối đa 5/5, và cũng là kẻ chiến thắng ở hạng mục về khả năng viết tiêu đề thu hút và hấp dẫn.
#3: Khả năng viết meta description thu hút
Đã nói đến viết content, chúng ta phải nói đến meta description, hay còn gọi là thẻ mô tả của bài viết.
Nội dung của thẻ mô tả thường là tóm tắt nội dung chính của bài viết, đồng thời nêu rõ yếu tố nổi bật và sự khác biệt mà bài viết mang lại so với những content khác.
Do đó, đây cũng là một hạng mục quan trọng mà tôi sử dụng để đánh giá khả năng viết content của các công cụ AI Writing.
Một số tiêu chí đánh giá meta description chuẩn SEO cho bài viết gồm có:
- Nội dung chính quan trọng nằm trong 160 ký tự.
- Có liên quan chặt chẽ với nội dung bài viết.
- Chứa thông tin nổi bật để thúc đẩy độc giả.
Dưới đây là trải nghiệm của tôi khi sử dụng Rytr, WriAI và ChatGPT để tạo meta description cho bài viết.
#3.1: Rytr (2 / 5 điểm)
Điểm trừ lớn như khi sử dụng Rytr để nhận các đề xuất meta description chính là việc bạn cần phải nhập tiêu đề bài viết (tối đa 75 ký tự).
Nói cách khác, công cụ này không quan tâm đến nội dung chính mà bạn viết trong bài là gì, mà nó chỉ căn cứ vào một số từ khóa quan trọng trong tiêu đề bài viết và đối chiếu với cơ sở dữ liệu có sẵn, từ đó đưa ra những gợi ý cho phần thẻ mô tả.
OK, tạm chấp nhận như vậy, tôi đã sử dụng tiêu đề “Attract more clients: Law firm marketing made easy” vừa được tạo bởi ChatGPT để xem gợi ý thẻ mô tả cho nó, và dưới đây là các kết quả mà tôi nhận được từ Rytr:
- “Attract more clients and increase your law firm’s visibility with our easy-to-use, comprehensive marketing solutions. Get access to the latest marketing tools and strategies to make sure you stay ahead of the competition and reach your target audience.“
- “With our law firm marketing services, you can easily reach out to potential clients and bring more business to your law firm. We provide tools and resources that will help you create tailored content, develop a digital presence, and increase awareness of your law practice.“
- “Attract more clients and grow your law firm with our easy-to-use marketing tools. From SEO optimization to website design, our services will help you stand out from the competition and get noticed. Get started today and see results in no time.“
Nhận xét đầu tiên về các nội dung mà Rytr đề xuất cho meta description là chúng quá dài (trên 250 ký tự).
Nói cách khác, mặc dù tính năng này của Rytr được đặt tên là SEO Meta Description, nhưng có vẻ như các kết quả đưa ra phù hợp để làm phần intro cho bài viết hơn là dùng để làm thẻ mô tả.
Ngoài ra, chỉ có kết quả đầu tiên là phù hợp với nội dung mà tôi muốn nói đến, mặc dù nó mang tính chung chung và đại trà.
Tóm lại, chỉ đạt 2/5 điểm thôi nhé Rytr.
#3.2: WriAI (1 / 5 điểm)
Không giống với Rytr, WriAI không có sẵn chức năng viết meta description chuẩn SEO mà chỉ có chức năng Viết đoạn văn blog đã được tôi sử dụng để tạo nội dung cho bài viết ở phần đầu tiên.
Chính vì thế, tôi sẽ không nói sâu hơn về chất lượng nội dung của thẻ mô tả được tạo ra bởi chức năng này.
Đánh giá: 1/5 điểm.
#3.3: ChatGPT (5 / 5 điểm)
ChatGPT không có tùy chọn viết SEO Meta Description giống với Rytr, do đó, bạn cần nêu rõ trong yêu cầu rằng mình cần tạo nội dung cho thẻ mô tả của bài viết.
Điểm cộng lớn nhất của ChatGPT chính là nó có thể căn cứ vào nội dung của những đoạn hội thoại trong quá khứ để đưa ra câu trả lời phù hợp nhất dành cho bạn.
Nói cách khác, vì tôi đã yêu cầu ChatGPT tạo văn bản về các chủ đề liên quan đến việc marketing cho công ty luật, cũng như nhận các đề xuất về tiêu đề của bài viết, do đó, ChatGPT hoàn toàn có thể căn cứ vào những thông tin này để tạo ra thẻ meta description phù hợp nhất.
Cụ thể, dưới đây là 3 thẻ mô tả gợi ý mà tôi đã nhận được từ ChatGPT:
- “Get the clients you want with our easy law firm marketing tips. Learn how to create a strong brand, improve your website, and use social media effectively.“
- “Maximize your law firm’s potential with our user-friendly guide to marketing. From SEO to networking, we’ll show you how to attract more clients.“
- “Attracting new clients doesn’t have to be hard. Learn how to market your law firm effectively with our easy-to-follow guide, including tips on SEO, branding and more.“
Rất ấn tượng phải không?
Toàn bộ nội dung chính của bài viết đều được tóm gọn trong 160 ký tự đầu tiên, đồng thời, nó có tính kích thích trí tò mò của độc giả khá cao.
Tóm lại, ChatGPT xứng đáng nhận 5/5 điểm, và cũng là công cụ tạo content bằng AI tốt nhất xét ở khía cạnh viết meta description cho bài viết.
Tổng hợp đánh giá: Công cụ viết content bằng AI nào tốt nhất hiện nay?
Như vậy, qua việc đánh giá 3 khía cạnh quan trọng của một bài viết, tôi có thể khẳng định rằng ChatGPT là công cụ viết content bằng AI tốt nhất hiện nay, bởi chất lượng văn bản mà nó tạo ra cực kỳ xuất sắc, hơn hẳn Rytr, WriAI hay các công cụ AI Writing khác như Copy.ai, Tiengviet.io.
Ưu điểm tốt nhất của ChatGPT chính là nó không bị giới hạn trong yêu cầu đầu vào, ngược lại, nếu bạn đưa ra yêu cầu càng chi tiết, nội dung mà bạn nhận được sẽ càng phù hợp và chất lượng.
Ngoài ra, ChatGPT còn có khả năng lưu trữ và tạo nội dung dựa trên lịch sử hội thoại, nhờ đó, càng trao đổi nhiều với ChatGPT, bạn nhận thấy câu trả lời mình nhận được càng chi tiết và chuyên sâu hơn.
Đặc biệt, ChatGPT hoàn toàn có thể hiểu cũng như có thể tạo ra nội dung bằng tiếng Việt một cách trôi chảy và thông suốt giống như tiếng Anh, mặc dù tốc độ tạo văn bản bằng tiếng Việt chậm hơn đáng kể so với khi viết nội dung bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, ChatGPT vẫn còn một số nhược điểm lớn mà bạn cần lưu ý khi sử dụng nó để tạo content cho website hoặc xây dựng nội dung cho chiến lược Content Marketing của mình.
Nhược điểm khi viết content bằng AI của ChatGPT
Một số nhược điểm lớn nhất của ChatGPT gồm có:
- Thứ nhất, tính chính xác và độ tin cậy của thông tin. Nhìn chung, bạn có thể tin vào các thông tin và kiến thức cơ bản do ChatGPT đưa ra, nhưng phải cực kỳ cẩn thận với những thông tin liên quan đến số liệu thống kê hoặc dữ liệu lịch sử.
- Thứ hai, văn phong viết của AI vẫn còn máy móc, rập khuôn. Nếu đã thử nghiệm với nhiều chủ đề hoặc nhiều câu hỏi khác nhau trong cùng một chủ đề, bạn sẽ thấy ChatGPT có xu hướng lặp đi lặp lại một kiểu viết bài nhất định.
- Thứ ba, thiếu quan điểm cá nhân trong câu trả lời. Mặc dù những câu trả lời của ChatGPT thể hiện sự tự tin rất cao, nhưng người đọc sẽ không nhìn thấy cá tính hoặc quan điểm cá nhân trong những câu trả lời này.
- Thứ tư, có thể bị phạt bởi Google. Ngoại trừ một số trường hợp cụ thể, Google không cho phép những nội dung được tạo tự động bằng công cụ, do đó, việc sử dụng ChatGPT để tạo 100% nội dung cho bài viết là hoạt động vi phạm chính sách của Google.
- Thứ năm, dữ liệu bị giới hạn trước năm 2021. Các dữ liệu mà ChatGPT sử dụng đều được tạo ra trước năm 2021, do đó, tính đến thời điểm tôi xuất bản bài viết này, ChatGPT không có khả năng tự mình đưa ra thông tin về những sự kiện từ năm 2021 trở đi.
- Thứ sáu, API của ChatGPT chưa được thương mại hóa. Hiện chỉ có một số rất ít các tập đoàn trên thế giới tiếp cận được với API của ChatGPT và tích hợp chúng vào hệ thống của mình.
Xem thêm: 6 điều cần lưu ý khi sử dụng ChatGPT để viết content SEO
Chi phí sử dụng ChatGPT để viết content?
Hiện nay, ChatGPT đang trong giai đoạn beta thử nghiệm, vì thế, nó miễn phí với người dùng ở các quốc gia trong danh sách hỗ trợ của OpenAI.
Mặc dù Việt Nam không nằm trong danh sách hỗ trợ, bạn vẫn có thể đăng ký và tạo acc ChatGPT miễn phí nếu làm theo các bước hướng dẫn của tôi trong bài viết này.
Các ứng dụng hữu ích của ChatGPT dành cho Content Writer
- Lập dàn ý cho bài viết
- Viết tiêu đề chính cho bài viết
- Viết thẻ mô tả và thẻ tiêu đề chuẩn SEO
- Viết content hay và hấp dẫn cho website
- Viết đoạn giới thiệu (intro) cho bài viết
- Viết email marketing
- Viết CV xin việc
- Viết nội dung quảng cáo Google Ads, Facebook Ads, Twitter Ads, Linkedin Ads, Instagram Ads…
- Viết câu hỏi phỏng vấn
- Viết nội dung mô tả công việc
- Tạo nội dung cho Landing Page
- Viết nội dung cho bài đăng mạng xã hội.
- Viết mô tả sản phẩm
- Viết tiểu sử tác giả
- Hỏi và đáp kiến thức cơ bản
- Viết cốt truyện, kịch bản
- Dòng giới thiệu và dòng tiêu đề
- Viết lời chứng thực (testimonial) và đánh giá review
- Chỉnh sửa lỗi chính tả trong bài viết.
- Tóm tắt nội dung của một bài viết
- ……
Các giải pháp AI Writing Tool thay thế cho ChatGPT
ChatGPT hiện đang là chatbot AI tạo văn bản thông minh nhất với nền tảng mô hình ngôn ngữ GPT-3.5, do đó, nếu bạn muốn các giải pháp thay thế trong trường hợp không thể sử dụng được ChatGPT, thì các công cụ tạo văn bản dựa trên GPT-3 sẽ là lựa chọn không tồi.
Một số công cụ AI Text Generator miễn phí và trả phí dựa trên GPT-3 mà bạn có thể tham khảo gồm:
- You.com – Công cụ tìm kiếm bằng AI thay thế cho Google.
- Jasper AI
- Rytr.ai
- ChibiAI
- Copysmith
- Kafkai
- ……
Tóm lại về công cụ viết content bằng AI tốt nhất
ChatGPT là một công cụ tạo nội dung tự động dựa trên các công nghệ tiên tiến về trí tuệ nhân tạo, do đó, không có gì bất ngờ khi nó là nhà vô địch cho cuộc cạnh tranh về sáng tạo nội dung bằng AI.
Đừng quên rằng nền tảng của ChatGPT hiện tại chỉ mới là GPT-3.5, phiên bản thử nghiệm chưa hoàn thiện, do đó, một khi GPT-4 được ra mắt, rất có thể nó sẽ được ứng dụng để nâng cấp chất lượng của ChatGPT lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên, với sự bùng nổ nhanh chóng của các mô hình ngôn ngữ lớn, điều này chưa chắc còn đúng trong tương lai không xa, chẳng hạn như vẫn còn Megatron-Turing Natural Language Generation (MT-NLG) của NVIDIA với hơn 530 tỷ thông số so với 175 tỷ thông số của ChatGPT.
Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về AI Writing Tool tốt nhất hiện nay, hãy để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.