SEO giúp sản phẩm hiển thị ở các vị trí tốt nhất trên Shopee & Google. Dưới đây, tôi sẽ hướng dẫn những cách SEO sản phẩm trên Shopee để đưa sản phẩm lên Top danh mục tìm kiếm & tăng khả năng chốt đơn.
Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bảo hộ nội dung trên DMCA (Xem chi tiết tại đây), vui lòng trích dẫn nguồn kèm link bài viết nếu muốn đăng tải lại trên website khác.
Theo báo cáo E-commerce Q2/2024 của Younet ECI, Shopee là nền tảng TMĐT lớn nhất tại Việt Nam hiện nay với thị phần 71.4%, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh khác như Tiktok Shop, Lazada và Tiki.
Với lượng người dùng truy cập đông đảo (trung bình khoảng 120 triệu lượt/tháng), Shopee tạo ra khoảng 62.38 ngàn tỉ đồng doanh thu, và là nơi tập trung hầu hết các cá nhân, doanh nghiệp đang kinh doanh sản phẩm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc có quá nhiều nhà bán hàng tham gia vào nền tảng Shopee khiến cho sự cạnh tranh gia tăng đáng kể, và mỗi nhà bán hàng phải tự trang bị cho mình những kiến thức căn bản về các phương pháp Digital Marketing trên Shopee để dễ dàng thu hút sự quan tâm của khách hàng hơn.
Dưới đây, tôi sẽ hướng dẫn cho bạn về SEO Shopee, một trong những phương pháp Digital Marketing hiệu quả nhất để đưa sản phẩm lên Top danh mục tìm kiếm trên sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam này.
Vậy SEO Shopee là gì?
SEO Shopee là quá trình cải thiện chất lượng thông tin của sản phẩm và gian hàng trên Shopee, giúp khách hàng dễ dàng tìm thấy sản phẩm trong trang kết quả khi tìm kiếm bằng các từ khóa có liên quan đến sản phẩm đó.
Ví dụ, bạn đang bán cà phê Arabica rang xay, bạn sẽ muốn Shopee đề xuất gian hàng và sản phẩm của mình nằm trong top kết quả tìm kiếm khi khách hàng search với các từ khóa như “cà phê arabica“, “cà phê rang xay“… giống như hình dưới đây:
SEO Shopee mang những nét đặc trưng của hoạt động SEO E-commerce và SEO tổng thể, tuy nhiên, do những tính năng đặc thù riêng biệt, vì thế một số kỹ thuật và phương thức trong SEO E-commerce có thể không áp dụng được vào quá trình SEO Shopee (tôi sẽ giải thích rõ hơn ở những phần tiếp theo).
SEO Shopee mang lại những lợi ích gì?
Lợi ích lớn nhất của SEO Shopee chính là các sản phẩm và gian hàng của bạn có thể lên Top danh mục tìm kiếm của Shopee.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều lợi ích rõ rệt hơn có thể bạn chưa biết khi áp dụng chiến lược Digital Marketing này, gồm có:
- Tiếp cận khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn;
- Tăng doanh số bán hàng trên Shopee;
- Gia tăng uy tín và độ tin cậy của sản phẩm và thương hiệu.
Dưới đây là lý do vì sao SEO Shopee làm được những điều này.
Tiếp cận khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn
Hoạt động SEO Shopee giúp sản phẩm và thương hiệu của bạn dễ dàng tiếp cận với khách hàng mục tiêu hơn thông qua việc thúc đẩy thứ hạng của chúng trên trang kết quả tìm kiếm của Shopee và Google.
Theo tài liệu “Hành Trình Trải Nghiệm Khách Hàng Trên Shopee” do chính nền tảng này phát hành, sau khi nhận biết về một sản phẩm thông qua quảng cáo, tiếp thị liên kết, mạng xã hội và truyền miệng, khách hàng sẽ bắt đầu quá trình tìm hiểu thông tin về sản phẩm đó trên 2 kênh là Trang sản phẩm (gồm trang danh mục và trang chi tiết sản phẩm), Google và các cuộc thảo luận trên mạng xã hội.
Như vậy, việc sản phẩm của bạn chiếm được những thứ hạng cao nhất trên Shopee và Google sẽ là một trong những điều kiện cần thiết nhất để các điểm chạm khách hàng (customer touchpoints) quan trọng được hình thành, từ đó giúp khách hàng có cơ hội để cân nhắc về sản phẩm thông qua việc theo dõi các review đánh giá và lời tư vấn từ bạn.
Tăng doanh số bán hàng trên Shopee
SEO Shopee giúp gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng mục tiêu, từ đó, nó cũng nâng cao khả năng chốt đơn của bạn nếu như sản phẩm của bạn nhận được nhiều review đánh giá tích cực cũng như bạn đầu tư kỹ lưỡng cho quá trình tư vấn cho khách hàng.
Mẹo: Các review tích cực có thể đến từ phần ý kiến đánh giá sản phẩm của những khách hàng đã mua sản phẩm trên Shopee, từ các trang web chuyên review sản phẩm hoặc thậm chí là từ những lời truyền miệng của những người xung quanh. Hãy cố gắng đạt được càng nhiều review tích cực càng tốt nếu bạn muốn bán được hàng!
Gia tăng uy tín và độ tin cậy của sản phẩm và thương hiệu
Nếu một sản phẩm nhận nhiều phản hồi tiêu cực từ khách hàng, rất khó để nó xuất hiện trên Top tìm kiếm của Shopee.
Do đó, việc sản phẩm của bạn dẫn đầu các trang tìm kiếm của Shopee sẽ là một trong những dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy cộng đồng khách hàng đang quan tâm và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm đó cũng như khả năng cung ứng hàng hóa của bạn.
Điều này giúp bạn xây dựng được uy tín thương hiệu và dễ dàng hơn trong việc xây dựng lòng trung thành của khách hàng trong tương lai.
Phần tiếp theo, tôi sẽ hướng dẫn bạn những cách hiệu quả để áp dụng SEO cho gian hàng Shopee của bạn, từ việc tối ưu hóa thông tin gian hàng, cải thiện chất lượng thông tin sản phẩm đến các kỹ thuật nâng cao khác.
Những yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng sản phẩm và Shop trên Shopee
Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến vị trí sản phẩm trong trang danh mục sản phẩm và trang kết quả tìm kiếm sản phẩm trên Shopee:
- Từ khóa có nằm trong tên shop, mô tả shop, tên sản phẩm và mô tả của sản phẩm hay không.
- Thông tin chi tiết của sản phẩm có đầy đủ hay không.
- Mô tả sản phẩm có độc đáo và hữu ích với trải nghiệm của khách hàng hay không.
- Hình ảnh có đầy đủ và rõ ràng hay không.
- Video sản phẩm có cuốn hút hay không.
- Sản phẩm có nhận được nhiều tương tác (lượt xem, lượt review, lượt bình luận) từ khách hàng hay không.
- Sản phẩm có đang khuyến mãi hay không.
- Sản phẩm có lịch sử bán hàng tốt hay không.
- Gian hàng có phải là Shopee Mall hay không.
- Sản phẩm có được gắn tag đặc biệt như Yêu thích, Yêu thích + hay không.
- Lịch sử hoạt động của gian hàng tốt hay không.
- Gian hàng có bị Sao quả tạ hay không.
- Gian hàng có được điểm đánh giá tốt hay không.
- Gian hàng có nhận được nhiều bình luận tích cực hay không.
Lưu ý: Có khả năng còn rất nhiều yếu tố xếp hạng khác mà Shopee chưa tiết lộ cho mọi người biết (nhằm bảo vệ tính khách quan của công cụ xếp hạng sản phẩm).
Từ đây, bạn có thể hình dung ra những thành phần cần được tối ưu hóa trong quá trình SEO Shopee, gồm có:
- Thông tin về Shop.
- Thông tin sản phẩm.
- Các chỉ số tương tác của Shop (follow, like, view, chat…).
- Các chỉ số về hiệu quả bán hàng (doanh số, review, rating, Sao Quả Tạ…).
- Xếp hạng của Shop.
- … và còn một số yếu tố khác.
Cách SEO sản phẩm trên Shopee từ cơ bản đến nâng cao
Dựa vào các yếu tố xếp hạng nói trên, dưới đây bạn sẽ được tìm hiểu các phương pháp để SEO trên Shopee hiệu quả nhất, bao gồm:
3 cách tối ưu thông tin gian hàng Shopee
#1: Thêm từ khóa vào tên gian hàng trên Shopee
Từ khóa là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công hay thất bại của một chiến dịch SEO Shopee, do đó, bạn cần nghiên cứu từ khóa kỹ lưỡng và thêm chúng vào tên gian hàng của mình.
Để tìm các từ khóa phù hợp để thêm vào tên gian hàng, cách đơn giản nhất là hãy sử dụng công cụ gợi ý từ khóa của Shopee và tìm kiếm những cụm từ có liên quan chặt chẽ nhất với các sản phẩm mà bạn đang cung cấp.
Quay lại ví dụ ở phần đầu bài viết này, nếu bạn đang kinh doanh sản phẩm là các loại cà phê Arabica như cà phê hòa tan, cà phê rang xay nguyên chất, cà phê hạt rang… hãy thử nhập các từ khóa như “cà phê arabica“, “cafe arabica“, “arabica” hoặc “arabica coffee” vào khung tìm kiếm trên Shopee.
Dựa vào từ khóa mà bạn nhập, hệ thống sẽ đề xuất những từ khóa có liên quan nhất để bạn tham khảo tương tự như hình dưới đây:
Lặp lại quá trình này, bạn sẽ có một danh sách khá nhiều các từ khóa có liên quan, từ đó hãy chọn ra một từ khóa được nhiều khách hàng tìm kiếm nhất để đưa vào tên Shop của mình.
Như vậy, Shop của bạn sẽ có tên đại loại như “Cà phê Arabica nguyên chất ABC” hay “ABC – Cafe Arabica nguyên chất“.
Mẹo: Độ dài tối đa của tên Shop là 30 ký tự, do đó hãy tham khảo cách đặt tên của các đối thủ cạnh tranh hàng đầu trên Shopee để có thêm ý tưởng về từ khóa phù hợp với gian hàng của bạn.
Nếu bạn vẫn băn khoăn về cách nghiên cứu từ khóa cho Shopee, hãy đăng ký tham gia Khóa học bán hàng trên Shopee của Y Chóc để được tôi chia sẻ chi tiết cách thức thực hiện nhé.
#2: Cập nhật đầy đủ phần mô tả Shop với các từ khóa quan có liên quan
Sau khi đã đặt tên Shop, bạn sẽ cần cập nhật đầy đủ thông tin cho phần mô tả Shop để giúp khách hàng hiểu rõ hơn về các sản phẩm và thương hiệu mà bạn đang kinh doanh.
Theo đó, những thông tin mà bạn nên cân nhắc bổ sung vào phần mô tả Shop bao gồm:
- Thông tin về xuất xứ sản phẩm và các thị trường mà bạn đang cung cấp.
- Thời gian làm việc của Shop.
- Link website chính thức và/hoặc fanpage.
- 1 – 2 từ khóa có liên quan đến sản phẩm. Chẳng hạn, nếu trước đó bạn đã sử dụng từ khóa “cà phê Arabica” trong tên Shop, hãy sử dụng lại nó cùng với 1 từ khóa có liên quan khác như “cafe Arabica” trong phần mô tả Shop.
Ví dụ, dưới đây là nội dung mô tả Shop được đánh giá là chuẩn SEO mà bạn có thể tham khảo và ứng dụng:
Mẹo: Độ dài phần mô tả Shop được giới hạn tối đa 500 ký tự, do đó bạn chỉ nên sử dụng các cụm từ thật sự quan trọng và mô tả chính xác nhất về sản phẩm của mình.
#3: Tạo từng gian hàng riêng biệt cho từng nhóm sản phẩm
Một kỹ thuật SEO Shopee rất hiệu quả nhưng ít người biết chính là bạn có thể tạo ra nhiều gian hàng khác nhau để tối ưu hóa cho từng nhóm sản phẩm nhất định.
Theo quy định của Shopee dành cho người bán, người dùng được phép tạo nhiều gian hàng khác nhau miễn sao chúng được đăng ký bằng các số điện thoại khác nhau và không trùng lặp về sản phẩm.
Do đó, nếu bạn có nhiều dòng sản phẩm khác nhau, hãy tạo ra nhiều gian hàng và mỗi gian hàng chỉ đăng bán các sản phẩm trong nhóm đó.
Ví dụ, nếu bạn đang kinh doanh nhiều dòng sản phẩm về cà phê như cà phê Arabica rang xay, cà phê Arabica hạt rang, cà phê hòa tan Robusta…, bạn được phép tạo ra nhiều shop với tên gọi khác nhau dựa theo từng dòng sản phẩm như:
- Cà phê Arabica rang xay ABC;
- Cà phê Arabica hạt rang ABC;
- Cà phê hòa tan Robusta ABC;
- …
Sau đó, hãy áp dụng lại các kỹ thuật #1 và #2 mà tôi đã đề cập bên trên để tối ưu hóa mô tả cho từng Shop và các gian hàng của bạn sẽ có khả năng được Shopee đề xuất cao hơn hẳn khi bạn chỉ tạo một gian hàng duy nhất dùng chung cho tất cả các sản phẩm.
Sau khi đã tối ưu hóa xong phần mô tả Shop, tiếp theo bạn sẽ cần cải thiện chất lượng nội dung sản phẩm để đảm bảo các trang chi tiết sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn SEO Onpage.
7 cách tối ưu hóa nội dung sản phẩm trên Shopee
#4: Đặt tên sản phẩm chứa từ khóa kèm theo các thông số tóm tắt
Tên sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả SEO trên Shopee và sâu xa hơn là SEO Google, và những sản phẩm không đặt tên sản phẩm chuẩn SEO sẽ khó lên Top Shopee lẫn Google hơn các sản phẩm còn lại.
Thực tế cho thấy, rất nhiều nhà bán hàng chưa được đào tạo về SEO cũng như chưa từng xem qua các tài liệu hướng dẫn cách đăng sản phẩm chuẩn SEO do Shopee cung cấp, do đó, họ thường đặt tên sản phẩm theo cảm tính của mình.
Chẳng hạn như, thay vì đặt tên sản phẩm là “[Mê Trang] Cà phê rang xay Arabica (A) – Túi bột 500g” hoặc “Cà phê Arabica rang xay Mê Trang (A) – Túi bột 500g“, nhà bán hàng lại đặt tên như hình dưới đây:
Hiện nay, Shopee gợi ý rằng bạn nên đặt tên sản phẩm theo một số tiêu chuẩn sau:
- Độ dài tên sản phẩm tối đa là 80 ký tự, bao gồm các thông tin cơ bản như thương hiệu, phân loại, màu sắc, kiểu dáng.
- Thêm từ khóa đã lựa chọn ban đầu vào tên sản phẩm.
- Đặt tên sản phẩm trùng khớp với tên được in trên bao bì (nếu có).
- Chèn tên thương hiệu của Shop vào phần đầu của tiêu đề sản phẩm (nếu có).
Chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy cách đặt tên như gợi ý của Shopee thực sự có thể giúp sản phẩm lên Top Shopee, bởi kết quả tìm kiếm còn tùy thuộc vào lịch sử lướt Shopee của người dùng cũng như các yếu tố liên quan đến trải nghiệm mua sắm của khách hàng, tuy nhiên, vì nó vẫn phù hợp với tiêu chuẩn SEO Google, do đó, bạn nên làm theo hướng dẫn trên của Shopee.
Nói cách khác, bạn nên đặt tên sản phẩm theo cấu trúc sau đây: [Từ khóa] + [Thương hiệu sản phẩm] + [Model/SKU] – [Thông số 1] + [Thông số 2] +…
#5: Viết mô tả sản phẩm chứa thông tin hữu ích và độc đáo
Một thói quen xấu của các nhà bán hàng là sao chép thông tin từ nhà sản xuất mà không trải qua khâu biên tập nội dung, điều này khiến các mô tả sản phẩm giống nhau đến mức gây bối rối cho hệ thống xếp hạng của cả Shopee lẫn Google, và kết quả là không có sản phẩm nào nằm trong Top của trang tìm kiếm.
Vì thế, bạn cần tập thói quen viết nội dung sáng tạo cho phần mô tả sản phẩm, ngay cả khi có rất nhiều nhà bán hàng khác đang bán cùng một loại sản phẩm với bạn.
Điều này giúp Shopee và Google dễ dàng đánh giá mức độ hữu ích của thông tin sản phẩm mà bạn đang cung cấp đối với trải nghiệm mua sắm của khách hàng, và có thể cân nhắc đưa sản phẩm đó lên các vị trí cao hơn so với đối thủ cạnh tranh.
Dưới đây là một số nội dung bạn nên có trong phần mô tả chi tiết về sản phẩm để được đánh giá là hữu ích:
- Lợi ích của việc sử dụng sản phẩm.
- Cấu tạo, thành phần của sản phẩm
- Mô tả chi tiết về các tính năng nổi bật của sản phẩm.
- Hướng dẫn sử dụng.
- Cách bảo trì, bảo quản.
Đặc biệt, đừng bao giờ quên chèn các từ khóa có liên quan vào phần mô tả sản phẩm, bởi chúng sẽ giúp hệ thống Shopee đánh giá sản phẩm của bạn có liên quan đến thứ mà khách hàng đang tìm kiếm.
Ngoài ra, việc chèn từ khóa vào nội dung mô tả sản phẩm cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc SEO Google, giống như cách Google đánh giá chất lượng của một trang web thông thường.
Tuy nhiên, đừng spam từ khóa trong phần mô tả, thay vào đó, hãy đa dạng hóa từ khóa để tăng cơ hội được xếp hạng cao với nhiều từ khóa khác nhau.
Ví dụ, với từ khóa chính trong tiêu đề sản phẩm là “cà phê rang xay Arabica nguyên chất“, bạn có thể sử dụng thêm các từ khóa có liên quan như “cà phê Arabica rang mộc“, “cafe Arabica“, “cà phê chè“, “cà phê rang xay“… để làm cho nội dung trở nên độc đáo và không gây nhàm chán cho khách hàng.
Mẹo: Độ dài tối đa cho phần mô tả sản phẩm là 3000 ký tự, và bạn nên sử dụng hết phạm vi mà Shopee cho phép. Mặt khác, bạn nên sử dụng công cụ gợi ý từ khóa trên Shopee và các công cụ Keyword Research phổ biến như Ahrefs, Ubersuggest, SEMRush, Google Keyword Planner… để mở rộng thêm nhiều ý tưởng từ khóa có liên quan khác.
#6: Điền đầy đủ thông số kỹ thuật của sản phẩm
Rất nhiều nhà bán hàng bỏ sót hoặc điền không đầy đủ các thông số kỹ thuật, thuộc tính được hệ thống Shopee đưa ra trong phần Thông tin chi tiết của sản phẩm vì nghĩ rằng chúng không quan trọng, hoặc đã được đề cập trong phần nội dung mô tả sản phẩm.
Tuy nhiên, việc điền đầy đủ nội dung của phần này sẽ giúp thông tin sản phẩm được tối ưu hóa theo một cấu trúc mà hệ thống Shopee và Google quy định sẵn, từ đó giúp các nền tảng này nhận diện tốt hơn về mức độ liên quan giữa sản phẩm và nhu cầu tìm kiếm của khác hàng.
Tùy thuộc vào từng ngành hàng, các nội dung trong phần Thông tin chi tiết có thể thay đổi, tuy nhiên, nhiệm vụ của bạn là phải điền đầy đủ, chính xác và chi tiết nhất tất cả các trường thông tin trong phần này, kể cả những thuộc tính không bắt buộc phải điền.
Ví dụ, sản phẩm thuộc danh mục Cà phê có 21 thuộc tính mà bạn cần điền, chẳng hạn như thương hiệu, xuất xứ, hạn sử dụng, tên nhà sản xuất… giống như hình dưới đây:
#7: Cập nhật chính xác thông tin vận chuyển của sản phẩm
Phần đông những nhà bán hàng trên Shopee không điền chính xác thông tin kích thước, trọng lượng của sản phẩm sau khi được đóng gói để giao cho đơn vị vận chuyển.
Điều này sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến hiệu quả SEO sản phẩm (thường là theo hướng tiêu cực), bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
Ví dụ, một sản phẩm nếu nhập chính xác thông tin đóng gói vận chuyển sẽ có trọng lượng 0.8 kg, và khách hàng có thể được freeship nếu họ áp dụng voucher hoặc mã giảm giá, tuy nhiên, vì bạn nhập thông số kích thước hoặc trọng lượng lớn hơn thực tế (chẳng hạn như 1.5 kg) nên khách hàng có thể phải trả thêm chi phí cho phần bị chênh lệch đó (tức 0.7 kg).
Nếu khách hàng nhận được hàng và phát hiện ra trọng lượng thực tế không tương xứng với phí vận chuyển, có khả năng sản phẩm của bạn sẽ bị đánh giá 1 sao, nhận bình luận tiêu cực và thậm chí là bị giảm thứ hạng trên trang kết quả tìm kiếm.
#8: Sử dụng hình ảnh sản phẩm rõ ràng, chi tiết và có độ phân giải cao
Hình ảnh là yếu tố bắt buộc phải có đối với mọi sản phẩm, và nó có ảnh hưởng không chỉ đến khả năng xếp hạng của sản phẩm trên Shopee và Google, mà còn đến khả năng chốt sale của bạn.
Nói đơn giản, một sản phẩm có hình ảnh bắt mắt, chân thực, thể hiện rõ cấu tạo, tính năng và lợi ích mang lại cho khách hàng sẽ dễ thuyết phục được khách hàng hơn những sản phẩm sử dụng ảnh mờ, nhòe hoặc không rõ ràng về công dụng.
Để tối ưu phần hình ảnh sản phẩm trên Shopee, có một số nguyên tắc mà bạn cần tuân thủ như sau:
- Đăng tải hình ảnh có tỉ lệ kích thước phù hợp. Shopee cho phép bạn lựa chọn một trong hai tỉ lệ hình ảnh (1:1 hoặc 3:4), và tùy thuộc vào loại sản phẩm, bạn có thể thay đổi sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. Lưu ý rằng, ảnh bìa luôn luôn có tỉ lệ là 1:1.
- Hình ảnh chất lượng cao, rõ nét. Tương tự, Shopee cho phép đăng ảnh có kích thước tối thiểu là 500 x 500 pixel, nhưng không có giới hạn tối đa về kích thước hay dung lượng. Do đó, hãy luôn đăng tải những bức ảnh có kích thước lớn và rõ nét, trong đó phần diện tích sản phẩm chiếm tỉ lệ ít nhất là 70% tổng diện tích của bức ảnh. Theo kinh nghiệm của tôi, ảnh có kích thước tối thiểu 1000 x 1000 pixel sẽ mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
- Sử dụng tối đa số lượng hình ảnh được phép đăng cho mỗi sản phẩm. Hiện nay, Shopee cho phép mỗi sản phẩm được đăng tải tối đa 1 ảnh bìa và 9 ảnh phụ có cùng tỉ lệ kích thước, vậy thì chẳng có lý do gì để bạn không sử dụng hết chúng.
- Sử dụng định dạng ảnh PNG thay vì JPG. Mặc dù Shopee cho phép đăng tải cả 2 loại định dạng này, nhưng vì ảnh PNG thuộc loại định dạng ảnh nén không mất dữ liệu (lossless compression), do đó các chi tiết của sản phẩm trên ảnh không bị nhòe đi khi phóng to hơn.
- Chèn ảnh vào phần mô tả sản phẩm (nếu có). Một số Shop nhất định được bổ sung thêm tính năng chèn ảnh vào phần mô tả của sản phẩm, do đó, nếu bạn thuộc nhóm ưu tiên này, hãy luôn nhớ thêm ảnh vào các vị trí quan trọng và cần thiết nhất để minh họa cho các thông tin về sản phẩm.
#9: Luôn đăng tải video giới thiệu cho mọi sản phẩm
Video giúp khách hàng có cái nhìn trực quan hơn về sản phẩm, từ các chi tiết, cấu tạo, chức năng đến cách vận hành và sử dụng sản phẩm.
Do đó, nếu khách hàng nhìn thấy sản phẩm của bạn thực sự hoạt động tốt như những gì được thể hiện trong video, chắc chắn họ sẽ dễ dàng bị thuyết phục và ra quyết định mua hàng thay vì những sản phẩm khác.
Dưới đây là một vài thông số của video giới thiệu sản phẩm mà bạn cần nắm trong quá trình SEO trên Shopee bao gồm:
Định dạng video | MP4 |
---|---|
Độ phân giải video | Tối đa 1280 x 1280 pixel |
Độ dài video | Từ 10 – 60 giây |
Dung lượng video | Tối đa 30 Mb |
Vị trí hiển thị | Trước các ảnh sản phẩm |
#10: Cải thiện các chỉ số hiệu quả hoạt động của shop
Trong phần các yếu tố xếp hạng sản phẩm và Shop trên Shopee, tôi đã đề cập qua một vài chỉ số phản ánh hiệu quả hoạt động kinh doanh của Shop như: Số lượng đơn hàng thành công; Số lượng đơn hàng bị hoàn trả do lỗi của shop; Số lượng đơn hàng giao trễ; Thời gian phản hồi tin nhắn của khách hàng…
Shopee sử dụng các chỉ số này để đánh giá mức độ uy tín của một shop đang hoạt động, từ đó cân nhắc liệu có nên đưa các sản phẩm của Shop đó lên Top hay không, chính vì thế, chúng có vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược SEO Shopee và ảnh hưởng lớn đến khả năng thành công hay thất bại khi triển khai chiến dịch.
Việc cải thiện các chỉ số hiệu quả hoạt động của gian hàng trên Shopee đòi hỏi các kỹ thuật và phương pháp khác nhau tùy thuộc vào chỉ số đó là gì (tôi sẽ hướng dẫn ở phần kỹ thuật SEO Shopee nâng cao), tuy nhiên, tôi chắc chắn độ uy tín của bạn sẽ đạt mức cao nếu thực hiện tốt các công việc sau đây:
- Tích cực trả lời mọi tin nhắn của khách hàng trong thời gian sớm nhất, ngay cả khi đó là một câu hỏi, lời phàn nàn hoặc lời cảm ơn của khách hàng.
- Đảm bảo tất cả các sản phẩm đang bán luôn có hàng trong kho.
- Đóng gói, giao hàng đúng tiêu chuẩn và trong thời gian quy định của Shopee.
- Bán sản phẩm đúng mẫu mã, chủng loại đã đăng trên Shopee.
- Giao đúng sản phẩm trong đơn hàng.
- Thường xuyên tự tạo chương trình khuyến mãi cũng như tham gia tích cực vào các chương trình khuyến mãi do Shopee tổ chức.
- Tận dụng các tính năng trong phần Kênh Marketing như Flash Sale, Xu, Mã giảm giá, Combo khuyến mãi, Tiếp thị liên kết…
- Trở thành Shopee Mall và Shop Yêu Thích.
5 điều không nên làm trong quá trình SEO Shopee
#11: Không được để trống hoặc viết sơ sài cho phần mô tả shop và chi tiết sản phẩm
Mặc dù không nhiều khách hàng để ý đến phần mô tả shop, nhưng nó lại quan trọng đối với hệ thống đánh giá xếp hạng của Shopee.
Do đó, việc để trống phần mô tả shop sẽ khiến gian hàng Shopee của bạn rất khó được tìm thấy khi khách hàng tìm kiếm bằng các từ khóa có liên quan.
#12: Không được spam từ khóa trong mô tả shop, tiêu đề sản phẩm và mô tả sản phẩm
Sẽ là sai lầm nếu bạn cho rằng càng nhiều từ khóa xuất hiện trong nội dung thì nó sẽ càng có cơ hội được xếp hạng cao trên Shopee.
Ngược lại, những sản phẩm và gian hàng chứa quá nhiều từ khóa mà không có nội dung hữu ích cho khách hàng sẽ bị hệ thống đánh giá thấp về mặt chất lượng thông tin, và sẽ khó lên Top hơn những sản phẩm được chèn từ khóa hợp lý.
#13: Không thêm hashtag và các biểu tượng cảm xúc vào mô tả shop
Đừng quên rằng độ dài phần mô tả Shop tối đa chỉ có 500 ký tự, do đó việc thêm hashtag và biểu tượng cảm xúc vào phần mô tả shop không giúp ích cho quá trình SEO, ngược lại nó tiêu tốn tài nguyên khiến bạn mất đi khoảng trống để đưa ra những thông tin hữu ích cho khách hàng.
#14: Không chèn link bán hàng từ các nền tảng TMĐT khác
Chính sách của Shopee cho phép bạn chèn link giới thiệu về doanh nghiệp và fanpage mạng xã hội, nhưng không cho phép bạn chèn các đường link dẫn đến những nền tảng bán hàng khác như Lazada, Tiki, Tiktok Shop…
Vì thế, việc thêm link của các sàn TMĐT khác vào mô tả Shop hoặc mô tả sản phẩm có thể khiến bạn nhận các hình phạt từ Shopee.
Các kỹ thuật SEO Shopee nâng cao khác
Bạn chỉ nên áp dụng các phương pháp SEO Shopee nâng cao dưới đây sau khi đã làm tốt những cách mà tôi đề cập bên trên, bởi chúng sẽ yêu cầu bạn đầu tư nhiều hơn về mặt chi phí và công sức thực hiện.
- Quảng cáo nội sàn Shopee: Quảng cáo nội sàn là hình thức hiển thị quảng cáo sản phẩm của bạn ở các vị trí nhất định trên Shopee, chẳng hạn như trang chủ hay trang kết quả tìm kiếm sản phẩm. Theo kinh nghiệm của tôi, đây là phương pháp hiệu quả nhất để nhanh chóng gia tăng các chỉ số hiệu quả hoạt động bán hàng trên Shopee.
- Google Ads: Shopee cho phép bạn chạy các chiến dịch quảng cáo mua sắm bằng Google Ads hiệu quả hơn nhờ việc hợp tác ra mắt tính năng Google Ads with Shopee (GAS) từ cuối năm 2020. Để áp dụng được tính năng này, bạn cần có tài khoản Google Ads được tích hợp với gian hàng Shopee, hoặc bạn có thể tự mình triển khai quảng cáo Google Ads theo cách thông thường nếu gian hàng chưa được Shopee phê duyệt để sử dụng tính năng nói trên. (Tham khảo thêm: Khóa học Google Ads cơ bản cho người mới)
- Facebook Ads: Tương tự như Google Ads, bạn cũng có thể sử dụng quảng cáo Facebook Ads để gia tăng các chỉ số bán hàng của mình. Để gia tăng tính hiệu quả của chiến dịch quảng cáo sản phẩm trên Shopee bằng Facebook Ads, bạn nên áp dụng thêm các phương pháp gia tăng traffic cho fanpage mà tôi đã hướng dẫn.
- Viết blog: Đây là một trong những phương pháp dựa vào Content Marketing để giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm, và khi đã tin tưởng vào những giá trị mà sản phẩm mang lại, họ có thể truy cập vào các đường link trong bài viết để chuyển sang Shopee mua hàng. (Tham khảo thêm: Cách viết content hay cho blog)
- Tạo backlink: Xây dựng backlink là một trong các phương pháp SEO website hiệu quả nhất giúp trang web lên Top Google Search, và nó hoàn toàn có thể được áp dụng cho gian hàng Shopee của bạn. Nhờ đó, sản phẩm của bạn sẽ thu hút được thêm một lượng lớn traffic từ Google, giúp cải thiện các chỉ số tương tác cũng như cải thiện cơ hội bán hàng. Điều quan trọng là bạn cần biết cách xây dựng backlink chất lượng để không bị phạt bởi thuật toán của Google.
Shopee cho phép bạn chèn link vào phần mô tả Shop, tuy nhiên, bạn không nên thêm link bán hàng của các nền tảng TMĐT khác như Lazada, Tiki hay Tiktok Shop nếu không muốn đối mặt với chế độ kiểm duyệt khắt khe của Shopee.
Một số nguồn tài liệu tham khảo khác về cách SEO trên Shopee
Dưới đây, tôi sẽ liệt kê một số nguồn tài liệu hữu ích khác về phương pháp SEO sản phẩm trên Shopee mà bạn có thể tham khảo thêm:
Shopee UNI
Shopee UNI là trang web tổng hợp hầu hết những kiến thức quan trọng về cách kinh doanh trên Shopee, trong đó bao gồm những lời khuyên chính thức từ Shopee nhằm giúp bạn tăng doanh số bán hàng và tiếp cận được nhiều khách hàng mục tiêu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy một số video, các câu hỏi thường gặp và tài liệu PDF hướng dẫn chi tiết cách sử dụng các tính năng trên Shopee, vì thế, hãy dành nhiều thời gian để xem qua tất cả các nội dung này, thậm chí là trước khi bạn chính thức đăng bán sản phẩm trên Shopee.
Link chính thức của Shopee UNI: https://banhang.shopee.vn/edu/home
Các video trên Youtube
Trên Youtube có rất nhiều video nói về cách bán hàng hiệu quả trên Shopee, từ cơ bản đến nâng cao.
Mặc dù phần lớn các nội dung khá giống nhau, nhưng nếu biết cách tìm kiếm video bằng những từ khóa đặc biệt, bạn sẽ tìm thấy những thông tin rất hữu ích.
Ví dụ, dưới đây là một số video Youtube của Bjorn Gan mà tôi đề xuất cho bạn:
- How to Improve Product Ranking in Shopee & Lazada:
- 3 Quick Tips for Running Effective Shopee Ads to Increase Your Sales:
- Why should You Avoid using Shopee Ads? Beginners Must Know:
Tóm lại
Như vậy, tôi đã hướng dẫn những phương pháp SEO sản phẩm trên Shopee tốt nhất để sản phẩm của bạn dễ dàng tiếp cận khách hàng mục tiêu hơn cũng như nâng cao khả năng chốt đơn hàng, bao gồm:
- Thêm từ khóa vào tên gian hàng trên Shopee.
- Cập nhật đầy đủ phần mô tả Shop với các từ khóa quan có liên quan.
- Tạo từng gian hàng riêng biệt cho từng nhóm sản phẩm.
- Đặt tên sản phẩm chứa từ khóa kèm theo các thông số tóm tắt.
- Viết mô tả sản phẩm chứa thông tin hữu ích và độc đáo.
- Điền đầy đủ thông số kỹ thuật của sản phẩm.
- Cập nhật chính xác thông tin vận chuyển của sản phẩm.
- Sử dụng hình ảnh sản phẩm rõ ràng, chi tiết và có độ phân giải cao.
- Luôn đăng tải video giới thiệu cho mọi sản phẩm.
- Cải thiện các chỉ số hiệu quả hoạt động của shop.
- Chạy quảng cáo Google Ads, Facebook Ads và quảng cáo nội sàn trên Shopee.
- Viết blog.
- Xây dựng backlink.
Từ đây, bạn nên áp dụng chúng ngay cho Shop của mình, nhưng đừng quên thực hiện theo thứ tự từ những cách cơ bản, dễ thực hiện đến những phương pháp nâng cao.
Ngoài ra, tôi cũng đã chỉ ra một số điều bạn không nên làm trong quá trình SEO Shopee nói riêng và kinh doanh bán hàng trên Shopee nói chung nếu không muốn lãng phí tài nguyên, công sức và tiền bạc của mình, bao gồm:
- Không được để trống hoặc viết sơ sài cho phần mô tả shop và chi tiết sản phẩm.
- Không được spam từ khóa trong mô tả shop, tiêu đề sản phẩm và mô tả sản phẩm.
- Không thêm hashtag và các biểu tượng cảm xúc vào mô tả shop.
- Không chèn link bán hàng từ các nền tảng TMĐT khác.
Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về cách SEO trên Shopee, hãy để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.
Xem thêm: Cách tăng follower cho gian hàng Shopee