Tổng hợp kiến thức cơ bản về Facebook Marketing, từ định nghĩa, phân loại, cách triển khai, phương pháp đo lường hiệu quả, các công cụ hỗ trợ & nhiều thứ khác.
Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bảo hộ nội dung trên DMCA (Xem chi tiết tại đây), vui lòng trích dẫn nguồn kèm link bài viết nếu muốn đăng tải lại trên website khác.
Theo báo cáo Digital Marketing 2024 của We Are Social, Facebook là nền tảng mạng xã hội lớn nhất Việt Nam hiện nay với 72.7 triệu người dùng, trong khi tổng dân số Việt Nam ở thời điểm đầu năm 2024 là 99.19 triệu người.
Điều này khiến cho Facebook Marketing trở thành một trong những phương pháp hấp dẫn nhất để thúc đẩy khả năng nhận diện thương hiệu và bán hàng.
Tuy nhiên, nếu bạn là người chưa có kinh nghiệm về Digital Marketing, việc xây dựng chiến lược và triển khai các hoạt động Marketing trên Facebook có thể trở nên phức tạp và rối rắm.
Vì thế, dưới đây, tôi sẽ dành thời gian để giải thích những thông tin quan trọng nhất về mà một người mới bắt đầu như bạn cần biết về Facebook Marketing cũng như đưa ra những ví dụ thực tế để minh họa.
Facebook Marketing là gì?
Facebook Marketing là hình thức quảng bá thông tin về sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu trên Facebook nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng mục tiêu thông qua các phương thức miễn phí hoặc trả phí.
Nói đơn giản hơn, các hoạt động Facebook Marketing được triển khai nhằm gia tăng lưu lượng truy cập vào các nội dung trên fanpage Facebook và thúc đẩy người dùng Facebook tương tác với các nội dung đó.
Tầm quan trọng của Facebook Marketing
Nhìn chung, nếu chiến lược Facebook Marketing của bạn được chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn có thể mang lại những trải nghiệm tích cực cho khách hàng của mình, từ đó nâng cao cơ hội bán hàng, xây dựng lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu, mở rộng phạm vi tiếp cận sang những phân khúc thị trường mới, và còn nhiều lợi ích khác.
Dưới đây, tôi sẽ chỉ ra những lý do chính khiến Facebook Marketing đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp của bạn:
Cải thiện độ phủ thương hiệu trên Internet
Trên lý thuyết, chỉ cần có đủ ngân sách, một chiến dịch Facebook Marketing có thể giúp thương hiệu của bạn ngay lập tức tiếp cận đến 72.7 triệu người tại Việt Nam, và thậm chí là một số lượng khổng lồ người dùng trên thế giới nếu bạn đang nhắm đến cả thị trường quốc tế.
Báo cáo của We Are Social 2024 cho biết người dùng dành nhiều thời gian lướt Facebook nói riêng và sử dụng mạng xã hội nói chung để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như giữ liên lạc với người thân và bạn bè, đọc tin tức, xem live stream, mua sắm, tìm kiếm ý tưởng mới…
Như vậy, thương hiệu của doanh nghiệp có cơ hội được hiển thị ở tất cả các giai đoạn trong hành trình khách hàng, từ đó đạt được những mục tiêu kinh doanh và Marketing đã đặt ra ban đầu.
Thúc đẩy quá trình đổi mới và sáng tạo nội dung của doanh nghiệp
Để thông điệp Marketing được đẩy mạnh trên Facebook, bạn cần xác định đâu là những chủ đề được cộng đồng quan tâm, những hình thức nội dung nào mang lại tương tác nhiều nhất, những thông tin nào khiến người đọc trở nên hào hứng nhất…
Chính vì vậy, bạn cần phải liên tục nắm bắt các xu hướng viral mới, khám phá những khía cạnh nội dung độc đáo chưa từng được phát hiện trước đây, và thậm chí là trình bày lại nội dung theo cách không ai ngờ tới.
Từ đây, quá trình đổi mới và sáng tạo nội dung của doanh nghiệp sẽ được cải tiến và nâng cấp nhằm đáp ứng những yêu cầu mới, giúp bạn nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của mình khi so sánh với các đối thủ khác.
Khám phá sâu hơn về chân dung và hành vi của khách hàng mục tiêu
Facebook Insights cung cấp nhiều thông tin về hiệu suất hoạt động của fanpage cũng như sở thích của đối tượng mục tiêu, và bạn có thể sử dụng những dữ liệu này để tùy chỉnh lại chiến lược Content Marketing nhằm cải thiện tỷ lệ tương tác, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tăng cường trải nghiệm mua sắm của họ.
Gia tăng doanh số bán hàng trực tuyến
Một số ngành nghề có thể tận dụng Facebook nhằm gia tăng doanh thu bán hàng của mình, đặc biệt vào những thời điểm quan trọng trong năm như Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, Giáng sinh, Valentine…
Chẳng hạn, khi Temu, sàn thương mại điện tử từ Trung Quốc, quyết định thâm nhập vào thị trường Việt Nam cuối năm 2024, doanh nghiệp đã quyết định rằng người dùng Facebook tại quốc gia này đóng vai trò quan trọng nhất, và đã chi rất nhiều tiền để quảng cáo và chạy khuyến mãi trên nền tảng này.
Mặc dù trong giai đoạn này Temu đang gặp vấn đề về tính pháp lý, nhưng chiến dịch Facebook Marketing nói trên đã tạo ra sự bùng nổ về lượng người dùng cũng như khiến các kênh truyền thông lớn nhỏ tại Việt Nam rất nhiều lần nhắc đến thương hiệu này.
Dễ dàng đo lường tính hiệu quả
Giống như các hoạt động Digital Marketing khác, bạn có thể dễ dàng đo lường tính hiệu quả của các chiến dịch Facebook Marketing thông qua các chỉ số trong báo cáo quản lý fanpage và tài khoản Meta Business Suite.
Đặc biệt, dữ liệu trong các báo cáo này được cung cấp theo thời gian thực, do đó, bạn có thể biết chính xác chiến dịch Marketing trên Facebook của mình đã đạt được những kết quả gì ngay tại thời điểm xem báo cáo.
Thậm chí, bằng cách cài đặt mã Meta Pixel (trước đây gọi là Facebook Pixel) trên những nền tảng bên ngoài như website, bạn có thể theo dõi và đo lường mức độ tương tác và khả năng chuyển đổi khi người dùng từ bên ngoài chuyển sang hoạt động trên Facebook.
Nhược điểm của Facebook Marketing
Tính cạnh tranh cao
Hầu như mọi doanh nghiệp tại Việt Nam đều có chiến lược Facebook Marketing cho riêng mình, do đó, gần như chắc chắn bạn sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ khác trên toàn quốc, bao gồm cả những tập đoàn, công ty hàng đầu trong ngành.
Ví dụ, nếu bạn sở hữu một thương hiệu cà phê mới ra mắt, rất có thể chiến dịch quảng cáo Facebook của bạn sẽ phải cạnh tranh với các quảng cáo từ những doanh nghiệp hàng đầu về cà phê tại Việt Nam như NesCafe, Trung Nguyên hay Highland Coffee.
Điều này có thể khiến khả năng tiếp cận khách hàng mục tiêu của bạn trên Facebook bị giảm xuống, đồng thời làm gia tăng chi phí Marketing trên nền tảng này.
Chính sách hoạt động trên Facebook nghiêm ngặt nhưng không rõ ràng
Nếu chiến dịch Digital Marketing cho website của bạn trên Google gặp vấn đề, bạn gần như sẽ biết chính xác mình cần làm gì để khắc phục sự cố, nhưng nếu Facebook thông báo fanpage của bạn có vấn đề, rất khó để bạn xác định nguyên nhân gây ra lỗi bởi Facebook không nói rõ lý do vì sao.
Facebook có cơ chế bảo vệ người dùng rất nghiêm ngặt khỏi các trường hợp lừa đảo, lạm dụng hoặc vi phạm pháp luật, nhưng đôi khi, fanpage của bạn có thể vướng phải các trường hợp bị phạt mà không rõ nguyên nhân.
Điều này thể hiện rất rõ khi Facebook cập nhật thuật toán của mình, hoặc vào các thời điểm nhạy cảm như bầu cử tổng thống Mỹ hay có dịch bệnh trên toàn cầu, với hàng loạt các fanpage và hội nhóm Facebook bị xóa mà không có bất kỳ dấu hiện cảnh báo trước.
Dựa trên tương tác, sở thích thay vì nhu cầu thật sự
Facebook thúc đẩy các nội dung tiềm năng dựa trên yếu tố tương tác và sở thích của các bên liên quan, do đó, bạn có thể gặp trở ngại trong việc nhắm chính xác vào những nhóm đối tượng đang thực sự có nhu cầu tìm hiểu và mua sắm sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng này.
Chính vì vậy, trừ khi khách hàng sử dụng công cụ tìm kiếm của Facebook (tỉ lệ này không nhiều), nếu không quảng cáo công thức nấu ăn của bạn có thể sẽ được hiển thị với những người không có nhu cầu nấu nướng như tôi chẳng hạn.
Các định dạng nội dung được sử dụng cho chiến lược Facebook Marketing
Chiến lược Facebook Marketing của bạn có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng nội dung mà bạn sử dụng, đặc biệt nếu bạn chọn được định dạng nội dung phù hợp với thị hiếu của đối tượng mục tiêu.
Nhìn chung, các định dạng nội dung trên Facebook mà bạn có thể sử dụng thường được chia thành 4 loại như sau:
- Văn bản: là loại nội dung chỉ bao gồm chữ và không chứa các yếu tố động bên trong nó, chẳng hạn như một status, một thông báo hoặc một câu hỏi nào đó dành cho người đọc. Nội dung bằng văn bản có thể chứa hoặc không chứa các liên kết (URL) để người xem có thể nhấp vào và chuyển sang một trang khác.
- Hình ảnh: là nội dung bao gồm các ảnh chứa thông tin về sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu của bạn. Trong phần lớn trường hợp, nội dung bằng hình ảnh thường được kết hợp với văn bản mô tả để giải thích rõ hơn hoặc gợi sự tò mò cho người xem về những gì thể hiện trong ảnh. Ngược lại một số bức ảnh được sử dụng để tạo sự thích thú cho người xem khi họ đọc nội dung bằng văn bản.
- Video: là những thước phim giúp người xem hiểu rõ hơn về sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu trên thực tế. Video Marketing trên Facebook có thể dài hoặc ngắn, nhắm đến những chủ đề thú vị như phỏng vấn, demo sản phẩm, hoạt hình hay các mẹo hữu ích. Lưu ý: Livestream cũng là một hình thức Marketing bằng video.
- Online game: là các trò chơi trực tuyến được phát hành trên Facebook cho phép người dùng tham gia và tương tác với những sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu được lồng ghép sẵn trong game. Loại nội dung này không phổ biến trong các chiến dịch Facebook Marketing bởi chi phí thực hiện cao và chỉ phù hợp với một vài nhóm khách hàng nhỏ, do đó, hầu như chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính và/hoặc công nghệ mới sử dụng.
Facebook Marketing bao gồm những hoạt động nào?
Một số người nhầm lẫn rằng Facebook Marketing chỉ bao gồm quảng cáo trên Facebook, nhưng trên thực tế, Facebook Marketing còn rất nhiều hoạt động khác như Content Marketing, livestream, tổ chức sự kiện, Influencer Marketing…, và bạn nên phối hợp đồng thời các hoạt động này cùng với việc chọn lựa loại nội dung thích hợp để đạt hiệu quả truyền thông tốt nhất.
Dưới đây là các hoạt động Facebook Marketing phổ biến nhất thường được mọi người sử dụng:
Content Marketing: Sáng tạo nội dung độc đáo và hữu ích
Nội dung độc đáo, mới lạ, hữu ích và hợp xu thế là yếu tố cốt lõi để thu hút và giữ chân đối tượng mục tiêu trên Facebook, trong đó, nội dung bằng video và hình ảnh được sử dụng nhiều nhất trong bất kỳ chiến dịch Marketing Facebook nào.
Do đó, công việc đầu tiên của người làm Facebook Marketing chính là sáng tạo ra những nội dung hấp dẫn để lôi kéo sự chú ý của độc giả, và các gợi ý về cách tạo nội dung của Meta dưới đây có thể sẽ giúp quá trình sáng tạo nội dung của bạn trở nên hiệu quả hơn:
- Xác định và xây dựng bộ nhận diện thương hiệu để sử dụng trong các tài liệu Marketing.
- Kết hợp đồng thời video và hình ảnh để mang lại kết quả tốt hơn.
- Đơn giản hóa và cắt giảm chi phí sản xuất nội dung Marketing.
- Giữ cho nội dung văn bản rõ ràng, đúng trọng tâm.
- Nếu một yếu tố đã phát huy hiệu quả, hãy áp dụng nó cho các chiến dịch tương tự.
Meta Ads
Meta Ads là hoạt động Facebook Marketing được rất nhiều người sử dụng bởi nó đơn giản, dễ thực hiện và mang lại tác dụng nhanh chóng.
Hiện nay, Meta Ads cho phép quảng cáo của bạn hiển thị trên Facebook và các nền tảng có liên quan, bao gồm Instagram, Messenger và Whatsapp, với khả năng nhắm mục tiêu theo các tiêu chí cụ thể như vị trí địa lý, độ tuổi, mối quan tâm, hành vi…
Để triển khai các chiến dịch quảng cáo Meta Ads hiệu quả, bạn cần chuẩn bị những kiến thức cơ bản, từ cơ chế xếp hạng nội dung, cách thức đấu giá quảng cáo, đến cách viết nội dung quảng cáo hay và cuốn hút.
Facebook Seeding
Seeding là phương pháp Marketing thúc đẩy cộng đồng một cách khéo léo để họ cùng trao đổi theo chiều hướng có lợi về sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của doanh nghiệp.
Theo đó, nếu bạn biết cách khơi gợi chủ đề một cách tự nhiên và khéo léo, chắc chắn hình thức Marketing này vẫn sẽ mang lại những hiệu quả và giá trị tích cực như sau:
- Miễn phí (ngoại trừ công sức và thời gian thực hiện).
- Cộng đồng dễ dàng tiếp nhận thông tin về sản phẩm, dịch vụ .
- Thu hút lưu lượng truy cập cho fanpage và các nền tảng khác.
Ngược lại, seeding Facebook cũng có một số nhược điểm lớn, bao gồm:
- Dễ bị nhận diện và tạo ra hiệu ứng tiêu cực, vì người dùng Facebook đã quá quen thuộc với hình thức này.
- Dễ trở thành hình thức spam nếu không chuẩn bị nội dung một cách kỹ lưỡng.
- Tốn nhiều công sức và thời gian vì thực hiện thủ công.
- Đòi hỏi phải am hiểu về thị trường và sản phẩm.
Nhìn chung, để hạn chế nhược điểm của hình thức Facebook Marketing này, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Không sử dụng tài khoản ẩn danh khi gợi ý chủ đề.
- Không đăng cùng chủ đề trên nhiều group Facebook khác nhau.
- Không sử dụng các tool tự động gửi bài hàng loạt.
- Luôn chuẩn bị bản đồ nội dung (topical map) kỹ lưỡng.
- Chuẩn bị kiến thức chuyên sâu về sản phẩm, dịch vụ.
Video Marketing
Video mang lại tính trực quan, dễ hiểu cho người xem, do đó, các cá nhân và tổ chức đang kinh doanh trên Facebook thường sử dụng các chiến dịch Video Marketing nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Để tạo video hấp dẫn đối với người xem, Meta đã đưa ra một số gợi ý cho bạn như sau:
- Tạo video cho màn hình dọc.
- Thêm nhạc nền và âm thanh sống động cho video.
- Không đặt các nội dung quan trọng của video (như khuôn mặt, văn bản, sản phẩm…) ở khu vực 15% trên cùng và 35% dưới cùng của màn hình.
- Nếu chèn chữ vào video, hãy đảm bảo sử dụng font chữ đơn giản, dễ đọc, nêu bật nội dung chính và không che khuất những hình ảnh chính trên video.
- Nêu bật thông điệp trong 3 giây đầu tiên của video.
Phát sóng trực tiếp
Là hình thức cải tiến của Video Marketing, livestreaming cho phép người dùng tương tác hai chiều với kênh Facebook theo thời gian thực, nhờ đó, bạn có thể nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của người xem và đưa ra những thông tin mà khách hàng đang mong muốn.
Việc chuẩn bị cho một buổi livestream trực tiếp trên Facebook phức tạp và khó khăn hơn so với việc biên tập và đăng tải một video lên nền tảng này bởi nó đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa đội quay phim và diễn giả, do đó, bạn cần chẩn bị kỹ lưỡng về mặt nội dung chương trình và các yếu tố kỹ thuật.
Tổ chức sự kiện
Tổ chức sự kiện là một trong những hoạt động Facebook Marketing lâu đời và được rất nhiều doanh nghiệp có quy mô từ lớn đến nhỏ sử dụng.
Sự kiện trên Facebook rất đa dạng, từ một buổi livestream, cuộc thi, bình chọn đến các sự kiện tặng quà (giveaways), và mỗi hình thức đều có khả năng mang lại lượng tương tác và traffic cho fanpage nói riêng và các kênh bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp nói chung.
Ví dụ, VPBank từng tổ chức cuộc thi điền ô chữ trên Facebook vào tháng 06/2023, và bài đăng về cuộc thi này đã thu hút 6.3 ngàn lượt bình luận cùng 3.9 ngàn lượt chia sẻ.
Influencer Marketing (KOL, KOC)
Influencer Marketing chắc chắn là một trong những hình thức Marketing mà bạn không thể bỏ qua khi muốn tiếp cận khách hàng mục tiêu trên Facebook.
Nhờ cộng đồng người hâm mộ đông đảo, các influencer trên Facebook có thể thay mặt doanh nghiệp truyền tải thông tin về sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu một cách nhanh chóng và có tính thuyết phục.
Không có mức chi phí cố định khi thuê các influencer Facebook, mà nó tùy thuộc vào độ nổi tiếng của influencer đó thông qua số lượng người theo dõi và tương tác với các nội dung mà người đó đã đăng tải trên kênh của mình.
Nội dung do người dùng tự tạo
Chiến lược thúc đẩy nội dung do người dùng tự tạo thường được các doanh nghiệp lớn sử dụng nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng với tốc độ nhanh chóng bằng cách tạo ra một yếu tố có tính lan truyền (viral) cao.
Ví dụ, Coca-Cola cho phép in tên người dùng trên vỏ lon nước ngọt năm 2011, và sự kiện này đã tạo được sự lan truyền mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới khi người dùng chia sẻ hàng loạt khoảnh khắc chụp hình cùng với lon nước ngọt gắn tên mình hoặc các cụm từ đặc biệt.
Các bước cơ bản để xây dựng kế hoạch Facebook Marketing
Để xây dựng chiến lược Facebook Marketing, bạn nên áp dụng theo quy trình bao gồm năm bước như sau sau:
- Xác định mục đích và mục tiêu của chiến dịch Facebook Marketing.
- Xác định thông điệp Marketing.
- Xây dựng ngân sách Marketing.
- Lựa chọn các hoạt động Facebook Marketing phù hợp.
- Xây dựng các chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả của chiến dịch Facebook Marketing.
Bước #1: Xác định mục đích và mục tiêu của chiến dịch Facebook Marketing
Trước khi triển khai bất kỳ hoạt động Facebook Marketing nào, bạn cần biết lý do vì sao mình cần làm những hoạt động đó, và kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả gì sau khi thực hiện.
Thông thường, bất kỳ chiến dịch Facebook Marketing nào cũng đều nhắm đến một trong hai (hoặc cả hai) mục đích dưới đây:
- Xây dựng thương hiệu: giúp mọi người hiểu rõ hơn về sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu, xây dựng uy tín, niềm tin cho khách hàng tiềm năng, cũng như gia tăng giá trị cho tài sản vô hình của doanh nghiệp.
- Thúc đẩy doanh số: giúp gia tăng số lượng đơn hàng trong một thời điểm nhất định, hoặc mở rộng danh sách khách hàng tiềm năng.
Từ đó, bạn sẽ xây dựng mục tiêu SMART cho chiến dịch Marketing trên Facebook đáp ứng đủ các tiêu chí Cụ thể (Specific), Có thể đo lường (Measurable), Có thể đạt được (Attainable), Có liên quan (Relevant) và Có khung thời gian phù hợp (Time-bound).
Ví dụ, nếu bạn muốn khách hàng biết rằng mình vừa khai trương một chi nhánh tại Nha Trang, bạn có thể chạy chiến dịch Facebook Marketing với một mục tiêu cụ thể như “thu hút được 10 ngàn lượt tương tác trong vòng 30 ngày từ những người dùng Facebook từ 18 – 35 tuổi đang sinh sống trong bán kính 10km quanh địa điểm của mình“.
Bước #2: Xây dựng thông điệp Marketing
Dựa vào mục tiêu đã được xác định ở bước 1, tiếp theo bạn cần tạo ra thông điệp cho chiến dịch Facebook Marketing của mình, tức là bạn cần tìm kiếm những giá trị nổi bật mà khách hàng có thể nhận được khi sử dụng sản phẩm dịch vụ của bạn.
Ví dụ, nếu bạn muốn thu hút khách hàng đến quán cà phê mới mở của mình, bạn cần biết quán cà phê đó có những thứ gì khiến khách hàng sẵn sàng dành thời gian để ghé qua, và khiến những yếu tố đó trở nên nổi bật khi chạy chiến dịch Marketing trên Facebook.
Nếu làm tốt, thông điệp Marketing có thể khiến người xem trở nên phấn khích và quan tâm, ngược lại, nó có thể khiến toàn bộ chiến dịch Facebook Marketing của bạn trở thành rác thải bất kể bạn đầu tư bao nhiêu công sức, thời gian và tiền bạc cho chiến dịch này.
Chính vì thế, hãy đảm bảo bạn hiểu rõ về khách hàng mục tiêu của mình trước khi xây dựng thông điệp Marketing, bằng cách phân tích kỹ chân dung khách hàng mục tiêu và hành trình khách hàng.
Bước #3: Lựa chọn các hoạt động Facebook Marketing phù hợp
Bây giờ là lúc bạn chọn ra những hoạt động Facebook Marketing cần thiết để đạt mục tiêu mà bạn đã đề ra, dựa trên khả năng của đội Marketing nội bộ hoặc năng lực của các Marketing Agency mà bạn có thể tiếp cận.
Lưu ý rằng chiến dịch của bạn có thể chỉ bao gồm một hoạt động duy nhất hoặc kết hợp nhiều hoạt động khác nhau, điều quan trọng là bạn phải đảm bảo thông điệp Marketing được trình bày rõ ràng, dễ hiểu và thống nhất ở mọi hoạt động.
Bên cạnh đó, mỗi hoạt động Facebook Marketing cần có nội dung triển khai cụ thể, bao gồm:
- Thời gian thực hiện là khi nào?
- Nhân sự thực hiện là ai?
- Họ làm công việc gì?
Bước #4: Xây dựng ngân sách Marketing
Ngân sách Facebook Marketing nhiều hay ít tùy thuộc vào năng lực tài chính, ngành nghề kinh doanh và mục tiêu Marketing mà bạn đã xác định trước đó, tuy nhiên, bạn có thể ước tính ngân sách dựa trên doanh thu của tháng trước đó, từ đó, tiếp tục phân bổ ngân sách cho từng hoạt động cụ thể, .
Ví dụ, nếu tháng trước đó doanh số bán hàng của bạn là 200 triệu đồng, như vậy bạn có thể trích khoảng 3 – 5% (tương đương 6 – 10 triệu đồng) để bổ sung cho ngân sách Facebook Marketing, trong đó bao gồm 3 triệu đồng để chạy quảng cáo Facebook Ads, và 3 triệu còn lại dùng để thuê KOL.
Bước #5: Xây dựng các chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả của chiến dịch Facebook Marketing
Cuối cùng, bạn cần xác định các chỉ số dùng để đánh giá hiệu quả của chiến dịch Marketing trên Facebook, cũng như các công cụ dùng để theo dõi và đo lường các chỉ số đó.
Tùy thuộc vào từng hoạt động cụ thể, bạn sẽ có những chỉ số phù hợp để đánh giá hiệu quả thực hiện, và dưới đây là các chỉ số thường được sử dụng:
- Số lượt tiếp cận (Reach): Tức số lượng người dùng Facebook nhìn thấy thông tin về bạn.
- CPC: Là số tiền trung bình bạn phải trả cho mỗi lượt nhấp vào quảng cáo Facebook.
- CPM: Là chi phí trung bình bạn phải thanh toán cho mỗi 1000 lần quảng cáo Facebook được hiển thị.
- Số lượng tương tác: Là tổng số hành động mà người dùng Facebook đã thực hiện khi nhìn thấy thông tin của bạn, bao gồm like, share, comment, follow, tin nhắn…
- Tỷ lệ tương tác (Engagement Rate): Phản ánh mức độ người dùng quan tâm đến nội dung mà bạn đã đăng trên Facebook, được tính bằng tỷ lệ trung bình giữa số lượng tương tác và số lượng bài đăng Facebook trong một khoảng thời gian nhất định.
Các chỉ số này có thể được theo dõi bằng cách truy cập vào công cụ quản lý fanpage hoặc trong Trình quản lý quảng cáo của Meta.
Các công cụ hỗ trợ Marketing trên Facebook
Việc triển khai Facebook Marketing cho doanh nghiệp của bạn có thể tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực nếu bạn không áp dụng các phương pháp tự động hóa, do đó, bạn có thể quan tâm đến việc tìm hiểu và sử dụng một số công cụ giúp nâng cao hiệu quả triển khai chiến dịch Facebook Marketing của mình.
Ngày nay, có rất nhiều loại công cụ Facebook Marketing được cung cấp trên thị trường, một vài trong số đó là các công cụ miễn phí, và còn lại là các phần mềm trả phí, nhưng nhìn chung chúng được chia thành các loại như sau:
- Phần mềm quản lý nội dung trên Facebook: bao gồm các công cụ giúp bạn tự động cập nhật nội dung cho trang fanpage của mình. Các công cụ phổ biến bao gồm Buffer, SocialPilot, Hootsuite…
- Phần mềm thiết kế ảnh Facebook: bao gồm các công cụ giúp bạn tạo ra những hình ảnh ấn tượng để chia sẻ trên Facebook, chẳng hạn như Canva, Photoshop, Adobe Illustrator…
- Phần mềm biên tập, chỉnh sửa video Facebook: gồm các công cụ giúp tạo ra các đoạn phim hấp dẫn để đăng trên Facebook và Reels như Filmora, Adobe Premiere, Capcut…
- Phần mềm hỗ trợ quảng cáo Facebook: gồm các công cụ giúp nâng cao hiệu quả cho chiến dịch Facebook Ads của bạn, như Meta Ad Library, Facebook Audience Insights, Facebook Ads Performance Grader…
- Phần mềm chăm sóc khách hàng trên Facebook: gồm các công cụ giúp bạn dễ dàng tương tác và trao đổi với khách hàng trên Facebook như Messenger, Rignite, LiveAgent…
Ngoài ra, bạn cũng nên áp dụng các phương pháp tăng tương tác cho fanpage Facebook hoặc cân nhắc sử dụng thêm các phần mềm hỗ trợ tăng tương tác Facebook nếu muốn nhanh chóng đạt số lượng tương tác mục tiêu trong thời gian ngắn.
Tham khảo thêm về Facebook Marketing
Để bạn có cơ hội tìm hiểu sâu hơn các kiến thức về Facebook Marketing từ các chuyên gia truyền thông tiếp thị hàng đầu trên thế giới, dưới đây tôi sẽ đề xuất một số nguồn tham khảo hữu ích mà bạn không nên bỏ qua.
Các blog kiến thức về chủ đề Facebook Marketing
Blog của Klient Boost
Klient Boost là một Marketing Agency nổi tiếng trên thế giới, và họ đã tạo ra rất nhiều bài viết hữu ích có liên quan đến Facebook Marketing trên blog của mình.
Nội dung trên blog đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau, từ lý thuyết cơ bản về Facebook Ads đến các kỹ thuật quảng cáo nâng cao, vì thế bất kể bạn là người mới tập làm quen với Facebook Marketing hay đã có nhiều kinh nghiệm vềSocial Marketing đều có thể đọc để nâng cao kiến thức.
- Link blog Facebook Marketing của Klient Boost: https://www.klientboost.com/facebook/
Blog của Adscook
Adscook là công cụ trực tuyến cho phép bạn áp dụng kỹ thuật A/B Testing để tạo ra nhiều phiên bản quảng cáo Facebook.
Nó cũng có riêng một blog chuyên đề cập đến các kiến thức về Facebook Marketing, từ cách tối ưu hóa ngân sách quảng cáo, các chiến lược nhắm mục tiêu, và cả kiến thức về kỹ thuật A/B Testing cho Facebook Ads.
- Link blog Facebook Marketing của Adscook: https://adscook.com/blog/
Blog của AdEspresso
AdEspresso có một trang blog về chủ đề Facebook Marketing cực kỳ hữu ích với những kiến thức quan trọng về Facebook Marketing, cũng như các tin tức mới cập nhật có liên quan đến mạng xã hội này.
- Link blog Facebook Marketing của AdEspresso: https://adespresso.com/blog/
Blog của AdLeaks
Tương tự, blog Facebook của AdLeaks cung cấp các mẹo hữu ích giúp bạn có thể tối ưu hóa các chiến dịch quảng cáo Facebook của mình.
Các trang web chuyên thống kê chỉ số Facebook Marketing
Nếu bạn cần số liệu thống kê về Facebook Marketing để phục vụ cho công việc của mình, hãy theo dõi thông tin từ các tragn web dưới đây:
- Bài viết 24 Facebook statistics marketers should know của Sprout Social.
- Bài viết 45 Facebook Statistics Marketers Need to Know của Hootsuite.
- Bài viết 100+ Must-Know Facebook Statistics for Marketers của Webfx.
- Trang web thống kê dữ liệu về Facebook Advertising và Marketing của Statista.
Khóa học Facebook Marketing
Bạn có thể đăng ký tham gia các khóa học về Facebook Ads từ các nền tảng hàng đầu như sau:
- Các khóa học miễn phí từ Meta BluePrint: Xem tại đây
- Các khóa học online về Facebook Marketing trên Udemy: Xem tại đây
- Các khóa học Facebook Marketing cấp chứng chỉ trên Coursera: Xem tại đây
Kết luận
Như vậy, tôi đã giới thiệu cho bạn các kiến thức cơ bản về Facebook Marketing, từ định nghĩa, phân loại đến quy trình và các công cụ hỗ trợ nâng cao hiệu quả.
Ngoài ra, tôi cũng chia sẻ những tài liệu tham khảo và các khóa học hữu ích về chủ đề Marketing trên Facebook nhằm giúp cho bạn có được những kiến thức toàn diện nhất phục vụ cho công việc của mình.
Lưu ý rằng, vì Meta luôn cập nhật thuật toán của mình nhằm nâng cao trải nghiệm và cung cấp các tính năng mới cho người dùng, do đó, bạn cần phải liên tục tìm hiểu những kiến thức và tin tức mới nhất nhằm đảm bảo không bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh khác.
Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về Facebook Marketing, hãy dành chút thời gian để xem qua một số câu hỏi thường gặp dưới đây hoặc để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.
Câu hỏi thường gặp
Làm thế nào để tạo fanpage Facebook?
Facebook có hướng dẫn rất chi tiết về cách tạo fanpage Facebook trên thiết bị di động và trên PC, bạn có thể xem tại đây để biết thêm chi tiết nhé.
Làm thế nào để thúc đẩy hiệu quả của chiến dịch Facebook Marketing?
Để nâng cao hiệu quả của một chiến dịch Facebook Marketing, bạn cần chuẩn bị hệ thống nội dung chất lượng cao cho fanpage của mình, đồng thời phối hợp nhiều hoạt động Facebook Marketing khác nhau để tăng cường hiệu quả tiếp cận và truyền tải thông điệp Marketing để đối tượng mục tiêu.
Điều quan trọng nhất là bạn cần đưa ra các khía cạnh nổi bật nhất của sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng quan tâm nhất, và lồng ghép nó vào thông điệp Marketing ở các vị trí đặc biệt để khách hàng dễ dàng nhìn thấy nhất.
Làm thế nào để tôi thực hành các kỹ thuật Facebook Marketing?
Bạn có thể nâng cao kỹ năng Facebook Marketing bằng cách tự tạo cho mình một fanpage Facebook và áp dụng ngay các phương pháp Marketing trên Facebook mà tôi đã đề cập trong bài viết này.
Ngoài Facebook Marketing, tôi có thể làm gì để tiếp cận khách hàng mục tiêu?
Facebook Marketing chỉ là một trong số rất nhiều phương pháp giúp bạn tiếp cận khách hàng mục tiêu, và bạn có thể áp dụng thêm các phương pháp hiệu quả khác như Google Marketing, SEO, PR hay Email Marketing để đạt mục tiêu của mình.