Phân tích ma trận SWOT của Vinamilk (Dữ liệu 2023)

Bản phân tích ma trận SWOT của Vinamilk đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu của công ty & các cơ hội, thách thức mà nó phải đối mặt từ môi trường kinh doanh.

Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bảo hộ nội dung trên DMCA (Xem chi tiết tại đây), vui lòng trích dẫn nguồn kèm link bài viết nếu muốn đăng tải lại thông tin trên website khác.

Một số thông tin cơ bản về ngành sữa Việt Nam 2023

Theo dữ liệu của Euromonitor và ước tính của Vinamilk, ngành sữa Việt Nam có quy mô khoảng 5 tỷ USD và nhiều động lực để tăng trưởng như sau:

  • Các công ty sữa nội địa đang chiếm ưu thế hơn doanh nghiệp nước ngoài đối với thị trường sữa tại Việt Nam, trong đó Vinamilk là thương hiệu dẫn đầu thị phần toàn ngành sữa Việt.
  • Số lượng đàn bò sữa tại Việt Nam cũng đang tăng ổn định qua các năm, từ mức 331 ngàn con năm 2020 lên 375 ngàn con năm 2021.
  • Ngành hàng sữa bột có quy mô lớn nhất nhưng thị trường đang bão hòa nên tiềm năng phát triển thị trường không cao.
  • Ngành hàng sữa tươi cũng nằm trong nhóm có quy mô lớn nhất, nhưng vẫn còn khả năng phát triển trong những năm tiếp theo.
  • Sữa đặc có quy mô ngành hàng bằng khoảng 50 – 60% so với sữa bột và sữa tươi, nhưng tiềm năng phát triển cao hơn một chút so với sữa bột.
  • Trong khi đó, sữa chua mặc dù là ngành hàng có quy mô nhỏ nhất, nhưng tiềm năng phát triển thị trường ở mức cao nhất, hơn hẳn sữa tươi, sữa đặc và sữa bột.

Còn theo thống kê của Statista về ngành thực phẩm năm 2023:

  • Ước tính quy mô ngành sữa Việt Nam (bao gồm sữa, các sản phẩm thay thế sữa và yogurt) trong năm 2023 đạt khoảng hơn 4.72 tỷ USD, trong đó doanh thu từ sữa chiếm tỉ trọng cao nhất (khoảng 82%).
  • Dự kiến doanh thu từ thị trường sữa tại Việt Nam cao hơn 11.1% so với năm 2022, và tốc độ tăng trưởng thị trường sữa đạt khoảng 8.62%/năm trong giai đoạn từ năm 2023 – 2028.
  • Dự kiến doanh thu từ thị trường các sản phẩm thay thế sữa đạt khoảng 73 triệu USD trong năm 2023, cao hơn 14.1% so với năm trước, và tăng trưởng trung bình 17.15%/năm trong giai đoạn 2023 – 2028.
  • Dự kiến doanh thu từ thị trường sữa chua đạt khoảng 0.77 tỷ USD trong năm 2023, cao hơn 8.7% so với năm 2022, và tăng trưởng bình quân 8.3%/năm trong giai đoạn 2023 – 2028.

Tổng quan về Vinamilk

Tên đầy đủ Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam
Loại doanh nghiệp Công ty Cổ phần
Tổng giám đốc Mai Kiều Liên
Năm thành lập 1976
Trụ sở Số 10 Tân Trào, Phường Tân Phú, Quận 7, TPHCM
Số lượng nhân viên 9758 người (31/03/2023)
Mã cổ phiếu VNM
Vốn hóa thị trường 6 tỷ USD (HOSE, 06/2023)
Giá trị thương hiệu 2.8 tỷ USD (Forbes Vietnam)
Doanh thu 2022 60.074 ngàn tỷ đồng
Lợi nhuận sau thuế TNDN 2022 8.578 ngàn tỷ đồng
Đối thủ cạnh tranh chính FrieslandCampina – Nestle – TH True Milk – Nutifood – Abbott Nutrition – Hanoimilk – Vinasoy – VitaDairy – Yakult
Sản phẩm chính Sữa tươi – Sữa bột – Thực phẩm ăn dặm – Sữa chua – Sữa đặc – Sữa thực vật – Nước giải khát – Kem – Đường – Phô mai

Vinamilk được thành lập từ năm 1976, dựa trên sự sáp nhập của 3 nhà máy sữa của chế độ cũ bao gồm: Nhà máy sữa Thống Nhất, Nhà máy sữa Trường Thọ, và Nhà máy sữa Bột Dielac.

Vào thời điểm thành lập, Vinamilk là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trước khi được cổ phần hóa trong giai đoạn 2003 – 2006 và được niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE.

Hiện nay, theo báo cáo của AC Nielsen năm 2022, Vinamilk đang là thương hiệu sữa có thị phần lớn nhất Việt Nam với khối lượng tài sản khổng lồ, trong đó bao gồm:

  • Đàn bò sữa 140 ngàn con được chăn nuôi tại 15 trang trại.
  • 16 nhà máy với dây chuyền sản xuất hiện đại.
  • Mạng lưới phân phối rộng khắp với 230 ngàn điểm bán hàng lớn nhỏ.

Nhờ vậy, Vinamilk đã xây dựng cho mình hệ thống danh mục sản phẩm rất rộng với 250 mã SKU, và xếp thứ 36 trong bảng xếp hạng doanh thu các công ty sữa trên toàn thế giới.

Những yếu tố được cân nhắc khi phân tích SWOT của Vinamilk

Khi phân tích SWOT Analysis cho Vinamilk, mọi yếu tố từ môi trường vĩ mô, vi mô và nội bộ của doanh nghiệp sẽ được đưa ra cân nhắc và được xếp loại vào nhóm điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội hay thách thức.

Trong số đó, điểm mạnh và điểm yếu của Vinamilk được đánh giá dựa trên các yếu tố bên trong doanh nghiệp, chúng có thể được kiểm soát và chỉ thay đổi khi Vinamilk điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Ví dụ, nếu Vinamilk có khả năng liên tục tạo ra những dòng sản phẩm sữa mới chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, phù hợp với nhu cầu của thị trường, và nó có thể được xem là một điểm mạnh của doanh nghiệp.

Ngược lại, nếu một yếu tố nào đó khiến Vinamilk phải duy trì chính sách hạn chế các chương trình khuyến mãi cho khách hàng, điều này chắc chắn sẽ làm giảm sức hút của sản phẩm và khiến cho doanh số bán hàng bị sụt giảm, do đó yếu tố đó được xem là điểm yếu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, các cơ hội và thách thức của Vinamilk được đánh giá dựa trên các yếu tố vĩ mô cũng như yếu tố trong ngành mà Vinamilk đang hoạt động.

  • Các yếu tố từ môi trường vĩ mô được thường được chia thành bảy nhóm khác nhau, gồm có Chính trị – Kinh tế – Văn hóa xã hội – Công nghệ – Pháp luật – Môi trường tự nhiên – Luật pháp (gọi tắt là PESTEL hay PESTLE). Ví dụ, các chính sách ưu đãi của chính phủ về thuế nhập khẩu đã được ký duyệt và chuẩn bị có hiệu lực trong tương lai có thể là một cơ hội cắt giảm chi phí sản xuất đối với các doanh nghiệp như Vinamilk.
  • Các yếu tố từ môi trường ngành có thể được chia thành 6 nhóm cơ bản, bao gồm Khách hàng – Đối thủ cạnh tranh – Nhà cung cấp – Đối tác trung gian – Cộng đồng – Nhà đầu tư. Chẳng hạn, đối thủ cạnh tranh đang có xu hướng tăng cường ngân sách quảng cáo sữa trên các kênh truyền thông chắc chắn là thách thức đối với Vinamilk.

Nói chung, dù là yếu tố vĩ mô hay yếu tố ngành, Vinamilk cũng không thể trực tiếp điều chỉnh và kiểm soát chúng, do đó doanh nghiệp có thể triển khai các chiến lược để nắm bắt cơ hội từ thị trường, nhưng đồng thời phải lường trước những tác động tiêu cực do các thách thức tạo ra vào bất kỳ thời điểm nào.

>> Xem thêm: Chiến lược Digital Marketing của Vinamilk

Dựa trên các cơ sở nói trên, dưới đây tôi sẽ đưa ra bảng phân tích ma trận SWOT của Vinamilk trong năm 2023.

Bảng ma trận S-W-O-T của Vinamilk 2023

Bảng phân tích ma trận SWOT của Vinamilk năm 2023
Strengths Weaknesses
  • Chuỗi giá trị tích hợp bền vững.
  • Dẫn đầu về danh mục sản phẩm.
  • Thương hiệu hàng đầu, chiếm thị phần lớn nhất ngành sữa tại Việt Nam.
  • Sở hữu hệ thống kênh phân phối đa kênh lớn nhất Việt Nam.
  • Xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia khác.
  • Bộ máy nhân sự lãnh đạo và hệ thống quản trị doanh nghiệp được đánh giá cao.
  • Niềm tin của nhà đầu tư Vinamilk đang bị suy giảm.
  • Ngân sách quảng cáo, nghiên cứu thị trường tiếp tục bị cắt giảm do doanh thu chạm đáy.
  • Hoạt động sáng tạo nội dung lệ thuộc quá mức vào Video Marketing.
Opportunities Threats
  • Chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm thúc đẩy sản xuất được áp dụng từ Q2/2023.
  • Chính sách kích cầu bằng cách giảm thuế VAT.
  • Tốc độ gia tăng dân số được phục hồi bằng thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19.
  • Nhu cầu sử dụng mạng xã hội tăng cao, đặc biệt là các nền tảng chia sẻ video.
  • FED đang tăng dần lãi suất ngân hàng, gây áp lực lên lãi suất điều hành tại Việt Nam.
  • Chi phí sinh hoạt gia tăng khiến người tiêu dùng cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề chi tiêu.
  • Khủng hoảng kinh tế sau dịch Covid-19 khiến các kênh phân phối giảm lượng hàng tồn kho.

Bảng phân tích Vinamilk SWOT Analysis 2023 có gì nổi bật?

Điểm mạnh của Vinamilk

Chuỗi giá trị tích hợp bền vững, thân thiện với môi truòng

Điểm mạnh đầu tiên của Vinamilk cần được nhắc đến chính là chuỗi giá trị tích hợp được xây dựng theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Vinamilk đang là doanh nghiệp sở hữu đàn bò có quy mô lớn nhất Việt Nam với tổng số lượng 140 ngàn con, trong đó gồm 40 ngàn con bò được nuôi tại 14 trang trại chuẩn quốc tế, cùng với 6 ngàn hợp đồng độc quyền thu mua sữa bò từ các hộ nông dân.

Nhờ đó, Vinamilk chủ động 100% về nguồn cung ứng sữa tươi nguyên liệu để đảm bảo năng lực sản xuất liên tục trên quy mô lớn.

Bên cạnh đó, Vinamilk cũng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất để gia tăng năng suất sữa và tỷ lệ tự cung ứng, nhờ đó đàn bò 40 ngàn con của Vinamilk có thể đáp ứng được 50% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu, tương đương với số lượng 100 ngàn con bò thông qua các hợp đồng thu mua sữa từ nông dân.

Các công nghệ nổi bật đang được Vinamilk áp dụng tại các trang trại chăn nuôi bò gồm có:

  • Phần mềm Kaizala: thông báo cho người nông dân về chất lượng sữa, giá sữa nhằm tăng cường hiệu quả trao đổi thông tin, từ đó giúp nông dân cập nhật tin tức nhanh chóng, kịp thời để có các biện pháp nâng cao chất lượng sữa, giá bán và thu nhập.
  • Hệ thống quản lý khẩu phần (DTM Daily TMR Manager Software Advanced): Giúp đo lường và đảm bảo chất lượng thức ăn cho đàn bò theo độ tuổi và từng giai đoạn phát triển.
  • Hệ thống phần mềm bảo trì: Giúp quản lý và lập kế hoạch vận hành hiệu quả cho hơn 60 xe cơ giới cùng 300 trang thiết bị máy móc tại các trang trại.
  • Hệ thống vắt sữa quy mô lớn & Hệ thống kiểm soát sức khỏe và hoạt động bằng chip điện tử: Giúp Vinamilk xác định, thu thập và quản lý dữ liệu một cách tự động.
  • Máy đẩy thức ăn tự động (Lely Juno): Tự động đẩy thức ăn và phát nhạc cho bò thư giãn trong khi ăn.

Ngoài ra, các trang trại của Vinamilk còn được thiết kế và hoạt động theo các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường, giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn lực sản xuất, đảm bảo cung cấp nguyên liệu chất lượng cho nhà máy sữa, và nâng cao tiêu chuẩn đầu ra cho sản phẩm của mình, chẳng hạn như:

  • Trang trại Green Farm tại Quảng Ngãi với công suất 4 ngàn con bò trên quy mô 100 hecta, vốn đầu tư 30 triệu USD.
  • Hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001, và 5.14% lượng nước sử dụng là kết quả của việc vận hành kinh tế tuần hoàn.
  • Luân canh trên đất chăn nuôi, đồng thời sử dụng phân bón hữu cơ thay cho các loại phân hóa học và phân vô cơ để giảm thiểu chất thải ra môi trường.
  • Hệ thống khí sinh học sử dụng tại tất cả các trang trại của Vinamilk nhằm tái sử dụng chất thải và giảm lượng cacbon phát thải ra môi trường.
  • Hệ thống pin năng lượng mặt trời được lắp đặt tại các trang trại để tiết kiệm điện và tăng cường sử dụng năng lượng xanh.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều công nghệ tự động hóa từ Châu Âu được Vinamilk áp dụng để tối ưu hóa chất lượng sữa và chi phí sản xuất như: dây chuyền sản xuất theo công nghệ Đức, Ý, Thụy Sĩ; công nghệ sấy phun Niro của Đan Mạch; hệ thống kiểm soát hàng tồn kho và tổn thất hư hỏng của Oracle…

Dẫn đầu về danh mục sản phẩm

Tại Việt Nam, Vinamilk đang dẫn đầu các doanh nghiệp sữa về số lượng các dòng sản phẩm làm từ sữa với 250 mã SKU, chia thành 12 nhóm sản phẩm khác nhau, giúp công ty có thể tiếp cận đa dạng các nhóm đối tượng ở mọi tầng lớp, mọi độ tuổi và mọi mức thu nhập.

Đây là điểm mạnh giúp Vinamilk luôn duy trì thị phần của mình tại thị trường Việt Nam.

Thương hiệu hàng đầu, chiếm thị phần lớn nhất ngành sữa tại Việt Nam

Báo cáo của Vinamilk cho thấy có đến 9/10 hộ gia đình tại Việt Nam đang sử dụng sản phẩm của công ty này, nói cách khác độ phủ thương hiệu Vinamilk đang ở mức rất cao, nhờ đó nó dễ dàng xây dựng lòng trung thành với thương hiệu cho khách hàng của mình, đồng thời tạo ra áp lực lớn lên các đối thủ cạnh tranh trong việc truyền thông tiếp thị và củng cố thị phần.

Bên cạnh đó, năm 2022, Vinamilk được tạp chí Forbes Việt Nam định giá thương hiệu ở mức 2.8 tỷ USD (khoảng 700 tỷ đồng), còn Brand Finance cũng xếp hạng Vinamilk nằm trong Top 3 doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu được định giá cao nhất, chỉ xếp sau Viettel và VNPT.

Với lợi thế của người dẫn đầu khi chiếm hơn 50% thị phần thị trường sữa tại Việt Nam, Vinamilk nắm trong tay quyền chủ động trong mối quan hệ đối tác với các nhà cung cấp trong nước để tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Sở hữu hệ thống kênh phân phối đa kênh lớn nhất Việt Nam

Vinamilk có mạng lưới kênh phân phối trải khắp Việt Nam với đầy đủ 3 loại hình phân phối:

  • Kênh truyền thống (GT): gồm 200 nhà phân phối độc quyền, 210 ngàn điểm bán lẻ tại các cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống cùng với khoảng 650 cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt và 60 cửa hàng Mộc Châu Milk.
  • Kênh hiện đại (GT): gồm 8 ngàn điểm bán lẻ tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi.
  • Kênh trực tuyến (OL): có gian hàng trực tuyến trên 8 nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam như website bán hàng trực tuyến của Giấc Mơ Sữa Việt, Shopee, Lazada, Facebook…

Lợi thế này giúp Vinamilk dễ dàng quảng bá thương hiệu và đưa sản phẩm đến từng hộ gia đình dù họ đang ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam.

Xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia khác

Vinamilk tập trung xuất khẩu các loại sữa bột và sữa đặc sang hơn 50 quốc gia khác tại thị trường Trung Đông và Đông Nam Á, đóng góp đến 8% tổng doanh thu cho tập đoàn.

Việc xuất khẩu sang nhiều quốc gia cho thấy sản phẩm của Vinamilk có thể đáp ứng tốt tiêu chuẩn của nhiều nước trên thế giới, đồng thời giúp công ty xây dựng giá trị thương hiệu trên toàn cầu, từ đó dễ dàng hơn trong việc xâm nhập các thị trường mới.

Không chỉ xuất khẩu trực tiếp, Vinamilk còn trực tiếp thành lập doanh nghiệp sản xuất sữa tại nước ngoài để tập trung phục vụ cho thị trường ở quốc gia sở tại, chẳng hạn như công ty Angkor Milk tại Campuchia (chiếm 2% doanh thu) hay Driftwood tại Mỹ (chiếm 5% doanh thu).

Bộ máy nhân sự lãnh đạo và hệ thống quản trị doanh nghiệp được đánh giá cao

Nhân sự lãnh đạo của Vinamilk bao gồm rất nhiều người có kinh nghiệm làm việc trong công tác quản lý điều hành doanh nghiệp, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, cũng như gắn bó lâu dài với công ty qua nhiều giai đoạn phát triển trong lịch sử.

Chính vì thế, Vinamilk luôn nằm trong Top các công ty tại Việt Nam được đánh giá cao về bộ máy quản trị doanh nghiệp, chẳng hạn như:

  • 2 lần liên tiếp nằm trong Top 3 công ty niêm yết tại Việt Nam có điểm Quản trị công ty cao nhất.
  • 7 năm liền nằm trong Top 10 Doanh nghiệp phát triển bền vững lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam.
  • Giải thưởng Global CSR 2021 cho Doanh nghiệp có chương trình cộng đồng tốt nhất và Doanh nghiệp có sản phẩm vì cộng đồng xuất sắc nhất.
  • Giải thưởng ACES 2021 cho Doanh nghiệp hướng về cộng đồng nhất của Châu Á.

Điểm yếu

Niềm tin của nhà đầu tư Vinamilk đang bị suy giảm

Mặc dù là thương hiệu chiếm thị phần lớn nhất, nhưng lợi thế này được tạo ra nhờ Vinamilk xây dựng danh mục sản phẩm rất rộng với 250 mã SKU khác nhau.

Nói cách khác, Vinamilk đang dàn trải nguồn lực của mình ra rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau, khiến cho việc chiếm thêm thị phần trở nên khó khăn hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh ở nhóm dưới.

Áp lực tăng trưởng rất lớn này đã khiến giá cổ phiếu của Vinamilk liên tục giảm sút kể từ năm 2021 đến nay mặc dù chỉ số VN-Index vẫn đang tăng trưởng, từ đó làm cho giá trị vốn hóa thị trường của công ty bị giảm thêm 1 tỷ USD chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2023.

Vốn hóa thị trường thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư đối với sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai, do đó điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào Vinamilk đang bị giảm sút nghiêm trọng.

Ngân sách quảng cáo, nghiên cứu thị trường tiếp tục bị cắt giảm do doanh thu chạm đáy

Mặc dù chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường, nhưng dữ liệu cho thấy Vinamilk đang dần đánh mất thị trường vào tay các đối thủ cạnh tranh, mà một trong những nguyên nhân chính dẫn đến điều này chính là vì sự giảm sút trong hoạt động quảng cáo và nghiên cứu thị trường.

Nguyên nhân khiến ban lãnh đạo Vinamilk quyết định cắt giảm chi phí quảng cáo và nghiên cứu thị trường có thể là do lợi nhuận của Vinamilk trong những năm gần đây bị giảm sút liên tục, thậm chí lần đầu tiên trượt xuống dưới mốc 9 ngàn tỷ đồng vào năm 2022, thấp nhất trong vòng 7 năm qua.

\"Lợi

Tuy nhiên, chính sách này có thể được xem là một điểm yếu của Vinamilk, vì đối với thị trường thực phẩm nói riêng và ngành hàng tiêu dùng nhanh nói chung, các doanh nghiệp sản xuất cần phải liên tục nghiên cứu thị hiếu của khách hàng cũng như thúc đẩy thông tin liên tục đến với khách hàng nếu muốn duy trì và phát triển thị phần trên thị trường.

Với việc cắt giảm khoảng 51 tỷ đồng chi phí cho hoạt động quảng cáo và nghiên cứu thị trường trong Q1/2023 so với Q1/2022, có thể thấy khả năng thị phần của Vinamilk sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2023.

Chi phí cho hoạt động quảng cáo, nghiên cứu thị trường của Vinamilk từ năm 2019 – 2022 (Nguồn: Báo cáo tài chính của Vinamilk qua các năm)
Năm 2022 1.198 ngàn tỷ
Năm 2021 1.233 ngàn tỷ
Năm 2020 1.44 ngàn tỷ
Năm 2019 2.1 ngàn tỷ

Hoạt động sáng tạo nội dung lệ thuộc quá mức vào Video Marketing

Khi nói về điểm yếu của Vinamilk, chắc chắn phải nói đến sự lệ thuộc quá mức của doanh nghiệp này vào hoạt động truyền thông quảng cáo thông qua video.

Vinamilk đầu tư rất nhiều ngân sách cho hoạt động sáng tạo video và quảng cáo chúng trên các kênh truyền thông đại chúng như TV, Youtube, tuy nhiên, việc quá chú trọng vào video khiến Vinamilk dường như quên mất rằng đối tượng khách hàng mục tiêu của mình đã và đang sử dụng rất nhiều kênh khác nhau để thu thập thông tin như Google, website.

Điều này đồng nghĩa với việc Vinamilk đang dồn rất nhiều nguồn lực cho một phương pháp truyền thông duy nhất với chi phi cực kỳ đắt đỏ, trong khi ngân sách quảng cáo và nghiên cứu thị trường đang ngày càng bị giảm sút, dẫn đến việc suy giảm khả năng tiếp cận thị trường.

Cơ hội

Chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm thúc đẩy sản xuất được áp dụng từ Q2/2023

Những cơ hội rõ rệt đầu tiên của Vinamilk đến từ các chính sách quản lý kinh tế của chính phủ Việt Nam trong năm 2023.

Kể từ đầu năm 2023, chính phủ Việt Nam bắt đầu áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm kích thích năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nhờ đó, lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất đã giảm liên tục cho đến nay.

Đối với một doanh nghiệp có tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn ở mức hơn 32% như Vinamilk, đây là một cơ hội rất lớn giúp doanh nghiệp này giảm gánh nặng về lãi vay, từ đó có thêm nguồn tiền để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chính sách kích cầu bằng cách giảm thuế VAT

Bên cạnh cơ hội giảm gánh nặng về lãi vay, Vinamilk còn có cơ hội thúc đẩy doanh số bán hàng trong năm 2023, nhờ vào việc chính phủ và Quốc hội đã đồng ý cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho rất nhiều ngành nghề khác nhau, bao gồm cả các sản phẩm mà Vinamilk đang sản xuất.

Với việc thuế VAT chính thức giảm từ 10% xuống còn 8% kể từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023, giá bán các mặt hàng dinh dưỡng như sữa tươi, sữa bột chắc chắn sẽ giảm xuống, nhờ đó các công ty sữa như Vinamilk có cơ hội đẩy mạnh doanh thu trong nửa cuối năm 2023.

Tốc độ gia tăng dân số của Việt Nam được phục hồi bằng thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19

Là doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm dinh dưỡng thiết yếu cho mọi người, khả năng phát triển thị trường trong dài hạn của Vinamilk phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ gia tăng dân số của quốc gia.

Do đó, khi tốc độ tăng dân số của Việt Nam năm 2022 bắt đầu tăng trở lại lên mức 0.9% bằng với thời điểm trước dịch Covid-19, Vinamilk sẽ có cơ hội gia tăng doanh số bán hàng của mình trong những năm tiếp theo.

Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đang gia tăng qua các năm

Theo báo cáo We Are Social Vietnam 2023, tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng Internet đã tăng lên mức 79.1%, tăng 6% so với năm trước đó, giúp Vinamilk có cơ hội nhanh chóng truyền tải các thông điệp, tin tức, sự kiện và chương trình ưu đãi đến với người tiêu dùng trong nước.

Cũng theo báo cáo này, Google, Youtube và Facebook là những kênh thu hút được nhiều lưu lượng truy cập nhất tại Việt Nam, tuy nhiên, Vinamilk chỉ mới tập trung vào Youtube thông qua các chiến dịch Video Marketing.

Chính vì thế, Vinamilk có rất nhiều cơ hội để tiếp cận khách hàng trên Internet nếu có sự đầu tư tương xứng với tiềm năng phát triển của Google và Facebook tại Việt Nam.

Một trong những cách giúp Vinamilk tận dụng cơ hội này chính là học hỏi phương pháp Digital Marketing của Unilever để thu hút khách hàng tiềm năng đến với website Cleanipedia của mình.

Xem thêm: Cleanipedia & Chiến lược SEO Marketing của Unilever

Thách thức

FED đang tăng dần lãi suất, gây áp lực lên tỷ giá ngoại tệ và lãi suất điều hành tại Việt Nam

Thách thức đầu tiên mà Vinamilk phải đối mặt chính là những hệ quả tiêu cực do chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang – FED.

Nhằm kiềm chế lạm phát tại Mỹ, FED đã liên tục tăng lãi suất từ đầu năm 2023 đến nay, khiến cho đồng USD trở nên có giá trị hơn khi so sánh với đồng tiền của quốc gia khác.

Nói cách khác, đối với những hợp đồng thanh toán quốc tế sử dụng đồng USD, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn so với trước đó.

Đây là vấn đề nghiêm trọng, bởi Vinamilk nhập khẩu rất nhiều từ nước ngoài, trong đó có bột sữa nguyên liệu và đường, những thành phần thiết yếu nhất để sản xuất sữa bột, do đó có thể làm gia tăng chi phí sản xuất và giá thành của sản phẩm.

Trong khi đó, công cụ thường được chính phủ Việt Nam sử dụng nhất khi muốn giữ tỷ giá hối đoái ổn định chính là điều chỉnh lãi suất điều hành, vì vậy có thể làm lãi suất cho vay trong nước tăng trở lại, từ đó làm gia tăng chi phí lãi vay của các doanh nghiệp đang đi vay ngân hàng như Vinamilk.

Chi phí sinh hoạt gia tăng khiến người tiêu dùng cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề chi tiêu

Chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam đã gia tăng liên tục trong những năm gần đây, điều này khiến cho chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng tại Việt Nam đã gia tăng đáng kể.

Theo kết quả khảo sát hành vi người tiêu dùng của McKinsey năm 2023, người dân Việt Nam đang có xu hướng tiết kiệm tiền nếu sản phẩm không phải là mặt hàng thực sự thiết yếu, và họ cũng cân nhắc kỹ lưỡng hơn về các giá trị mà mình nhận được trước khi cân nhắc các yếu tố về chất lượng và tính bền vững.

Chính vì thế, điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với Vinamilk, bởi chất lượng và tính bền vững là những yếu tố hàng đầu được công ty cam kết, trong khi ngân sách đầu tư cho hoạt động khuyến mãi, bán hàng, quảng cáo và nghiên cứu thị trường lại đang bị giảm bớt do các vấn đề về doanh thu và lợi nhuận gây ra.

Khó khăn kinh tế sau dịch Covid-19 khiến các kênh phân phối giảm lượng hàng tồn kho

Một thách thức khác đối với Vinamilk trong năm 2023 chính là việc điều tiết, cân bằng lượng hàng tồn kho và nhu cầu sản xuất.

Thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều đang chịu tác động mạnh bởi suy thoái kinh tế do dịch Covid-19 gây ra, trong đó có các kênh trung gian phân phối của Vinamilk, và các đơn vị này phải thực hiện việc cắt giảm lượng hàng tồn kho.

Kết quả là lượng hàng tồn kho của Vinamilk đã tăng lên vào tháng 01/2023, trong khi nhu cầu tiêu thụ sữa Vinamilk trên thị trường chưa có tín hiệu phục hồi tích cực, vì thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của Vinamilk trong nửa cuối năm 2023.

Phân tích SWOT của Vinamilk: Quan điểm của tôi

Như vậy, bạn đã xem qua bản phân tích chi tiết ma trận SWOT của Vinamilk dựa trên các dữ liệu mới nhất của năm 2023, từ đó có thể tự mình xây dựng một số nhóm giải pháp về mặt chiến lược cho doanh nghiệp này.

Theo tôi, trong ngắn hạn, Vinamilk nên tập trung vào các nhóm giải pháp về bán hàng và truyền thông tiếp thị để củng cố và khôi phục lại thị phần đã đánh mất vào tay đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như xây dựng chiến lược Content Marketing để tiếp cận khách hàng qua website hay tăng cường ngân sách cho hoạt động khuyến mãi, quảng cáo và nghiên cứu thị trường.

Trong khi đó, chiến lược dài hạn của Vinamilk cần tập trung vào việc tôi ưu hóa danh mục sản phẩm nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường, bên cạnh đó cần khôi phục lại niềm tin cho nhà đầu tư bằng các cam kết và kế hoạch phát triển bền vững trong tương lai.

Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về ma trận SWOT của Vinamilk, hãy để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.

Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *