Link Graph là gì trong SEO? Reduced Link Graph quan trọng ra sao?

Google có thể sử dụng Link Graph để hiểu & xếp hạng các trang web. Ngoài ra, Reduced Link Graph còn giúp xác định các link farm & vô hiệu hóa backlink rác.

Bài viết về Link Graph dưới đây đã được đăng ký bảo hộ nội dung trên DMCA (Link đăng ký: https://www.dmca.com/r/le4jj79) vui lòng trích dẫn nguồn kèm link bài viết http://ychoc.com/seo-marketing/link-graph-seo/ nếu muốn đăng tải lại trên website khác.

Các chuyên gia SEO đều đồng ý rằng backlink chất lượng cao rất cần thiết đối với việc xếp hạng các trang web, bởi vì theo Chính sách về Nội dung rác trên Google tìm kiếm, \”Google dùng các đường liên kết làm một yếu tố quan trọng để xác định mức độ liên quan của các trang trên trang web\”.

Thông thường, các chỉ số của bên thứ ba như Domain Authority (DA), Domain Rating (DR) thường được sử dụng để quyết định liệu một trang web có phù hợp để đặt backlink hay không, tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp backlink không mang lại hiệu quả như kỳ vọng ban đầu mặc dù các chỉ số thống kê từ MOZ hay Ahrefs đều rất tốt.

Nhiều người nói rằng do website của bạn chưa đủ độ tin cậy (trust), tín hiệu mạng xã hội yếu, lưu lượng truy cập thấp… nhưng theo tôi, những lý do đó không chính xác, thay vào đó, nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là vì: Những website mà bạn sử dụng để đặt backlink bị đánh giá là spam, và đã bị vô hiệu hóa bởi thuật toán Google.

Tuy nhiên, ngoại trừ Google, hầu như không ai có thể nói rõ được thế nào là một website spam hay làm thế nào để nhận diện một backlink kém chất lượng, vì Google chưa bao giờ tiết lộ cụ thể thuật toán xếp hạng của mình.

Điều may mắn ở đây là chúng ta vẫn có thể tiếp cận được nội dung từ bằng sáng chế \”Producing a ranking for pages using distances in a web-link graph\” của Google, từ đó có thể phần nào xác định cách Google nhận diện và xử lý các website spam thông qua mô hình Link Graph.

Trong bài viết này, bạn sẽ tìm thấy những nội dung quan trọng về Link Graph như sau:

  • Khái niệm Link Graph trong SEO.
  • Mô hình Link Graph được mô tả như thế nào?
  • Vai trò của Link Graph đối với việc nhận diện và xử lý các website spam.
  • Link Graph có được Google sử dụng cho thuật toán xếp hạng hay không?
  • Cách xây dựng chiến lược link building theo mô hình Link Graph.

Hãy bắt đầu với việc tìm hiểu Link Graph là gì.

Link Graph là gì trong SEO?

Link Graph (hay Biểu đồ Liên kết) là một khái niệm SEO đề cập đến mô hình mối tương quan giữa các trang web trong thế giới Internet thông qua các liên kết (còn được gọi là bản đồ link), từ đó cho thấy cách các trang web được kết nối với nhau như thế nào, chủ đề của từng trang web là gì, cũng như những trang web nào được xem là spam.

Ví dụ, các trang web về Digital Marketing có xu hướng liên kết đến những trang web khác về chủ đề Digital Marketing, trong khi đó một trang web về du lịch có xu hướng liên kết đến những trang web du lịch khác.

Mô hình Link Graph được mô tả như thế nào?

Trong mô hình Link Graph, các liên kết bắt đầu từ những trang web chuyên nghiệp, có thẩm quyền và đáng tin cậy nhất trong chủ đề của nó (được gọi chung là Seed Site, trang web gốc, hay trang web hạt giống).

Các trang web được kết nối trực tiếp với các Seed Site được gọi là các trang con và cũng được xem là có thẩm quyền và đáng tin cậy, nhưng thấp hơn so với trang web gốc.

Tương tự như trên, các liên kết càng cách xa trang web gốc, tính thẩm quyền và độ tin cậy của chúng càng giảm xuống.

Để hình dung rõ hơn về mô hình Link Graph, hãy xem infographic minh họa dưới đây:

\"Mô

Dựa trên mô hình biểu đồ liên kết nói trên, Google tạo ra một thuật toán được gọi là Link Distance Ranking Algorithms (còn gọi là Thuật toán Xếp hạng Khoảng cách Liên kết) để xếp hạng các trang web dựa trên khoảng cách giữa các liên kết so với trang web gốc.

Nói đơn giản, các trang web càng gần với trang web gốc sẽ càng có khả năng được ưu tiên xếp hạng cao trên Google Search, bởi chúng có tính thẩm quyền và độ tin cậy cao hơn so với những trang web còn lại.

Vai trò của Link Graph đối với việc nhận diện & xử lý các website spam

Mô hình Link Graph có khả năng nhận diện các website spam và link farm cực kỳ hiệu quả, bởi vì các website thuộc những loại này thường liên kết với những trang web có tính thẩm quyền và độ tin cậy thấp cũng như liên kết lòng vòng lẫn nhau, do đó, khoảng cách liên kết giữa chúng với các trang web gốc rất xa.

Nói cách khác, nếu các liên kết bị thao túng bởi các kỹ thuật SEO mũ đen, đương nhiên chúng sẽ tạo ra khoảng cách kết nối đáng kể giữa các trang web spam với nhóm các trang web có độ tin cậy cao.

Trên thực tế, Google đã phát triển mô hình rút gọn của Link Graph được gọi là Biểu đồ Liên kết giảm (hay Reduced Link Graph), trong đó loại bỏ tất cả các trang web rác cũng như các đường liên kết gây nhiễu, và chỉ giữ lại các trang web có độ tin cậy trong mô hình.

Vì thế, việc mua bán backlink hoặc trao đổi liên kết với những trang web nằm ngoài Biểu đồ Liên kết giảm sẽ hoàn toàn không mang lại bất kỳ hiệu quả nào cho việc thúc đẩy thứ hạng trên Google, bất kể trang web đặt backlink có chỉ số DA hay DR cao đến mức độ nào.

Vậy Link Graph có được Google sử dụng cho thuật toán xếp hạng hay không?

Theo thường lệ, Google chưa bao giờ xác nhận liệu họ có sử dụng bất kỳ bằng sáng chế nào vào thuật toán xếp hạng của mình, do đó chúng ta sẽ không biết được mô hình Link Graph có được áp dụng cho quá trình nhận diện và xử lý các website spam hay không.

Tuy nhiên, một nghiên cứu được thực hiện năm 2007 có tiêu đề \”Đo lường sự tương đồng để phát hiện các liên kết đủ điều kiện\” (Measuring Similarity to Detect Qualified Links) phát hiện ra rằng việc loại bỏ một số loại liên kết trước khi quá trình xếp hạng bắt đầu sẽ giúp kết quả tìm kiếm ít spam hơn và chính xác hơn.

Theo tác giả nghiên cứu, kết quả tìm kiếm có thể được cải thiện bằng cách xóa các trang web không đủ điều kiện ra khỏi biểu đồ liên kết, sau đó chạy lại thuật toán xếp hạng trên các trang web còn tồn tại trong mô hình.

Điều này nghe rất giống với những gì mà Google đã từng tuyên bố về cách xử lý các liên kết rác khi ra mắt bản cập nhật cho thuật toán SpamBrain:

\”Thứ hạng có thể thay đổi do các đường liên kết rác bị vô hiệu hoá, đồng thời mọi mức uy tín mà các đường liên kết bất thường này nhận được sẽ bị mất.\” – Google Link Spam Update, 12/2022.

Cách xác định những trang web có khả năng nằm trong biểu đồ liên kết giảm

Theo mô tả trong bằng sáng chế của Google, những trang web nằm trong nhóm Seed Site cần phải đáp ứng ba tiêu chí:

  • Đáng tin cậy.
  • Bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau được cộng đồng quan tâm.
  • Được kết nối tốt với các trang khác, tức có một số lượng lớn các external link đến các nguồn nội dung chất lượng bên ngoài.

Để minh họa, Google Directory, Wikipedia và báo The New York Times là những trang web gốc sở hữu đầy đủ các đặc tính nói trên.

Tuy nhiên, Google cũng đưa ra lưu ý như sau:

\”… vì việc chọn các seed liên quan đến việc con người xác định các trang chất lượng cao này theo cách thủ công nên tổng số các seed thường bị hạn chế. Hơn nữa, có quá nhiều hạt có thể khiến các hạt được chọn dễ bị thao túng. Do đó, số lượng thực tế của bộ hạt giống được chọn bị hạn chế.\” – theo Google Patent về Link Graph.

Dựa vào những cơ sở nói trên, tôi cho rằng những trang web gốc trong nhóm Seed Site tại Việt Nam có khả năng là Wikipedia, WikiHow và các trang tin tức báo chí tổng hợp chính thống được chính phủ công nhận, chẳng hạn như:

  • Báo điện tử VOV (Domain: vov.vn) của Đài Tiếng nói Việt Nam.
  • Báo Thanh niên (Domain: thanhnien.vn) của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
  • Báo VNExpress (Domain: vnexpress.net) của Bộ Khoa học và Công nghệ.
  • Trang GenK (Domain: genk.vn) của VCCorp.
  • … và còn rất nhiều trang tin tức báo chí chính thống khác.

Việc xác định các trang web gốc có thể khá đơn giản, nhưng để xác định các trang con của chúng có thể tốn rất nhiều thời gian và công sức, bởi hiện nay chưa có công cụ nào cho phép bạn kiểm tra chính xác các external link của toàn bộ website ngoại trừ website của chính bạn.

Tóm lại về Link Graph

Không có gì đảm bảo rằng Link Graph được Google sử dụng cho thuật toán của mình, nhưng dựa trên những gì họ đã tuyên bố về cách xử lý các trang web spam và những đường liên kết bị thao túng, tôi cho rằng có khả năng rất lớn Link Graph có ảnh hưởng đến khả năng xếp hạng của các trang web trên trang kết quả tìm kiếm.

Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về Link Graph, hãy dành chút thời gian để xem qua một số câu hỏi thường gặp dưới đây hoặc để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.

Câu hỏi thường gặp về Link Graph

Vì sao Google vô hiệu hóa backlink từ những website spam?

Từ lâu, Google đã liệt kê các trang trại liên kết (link farm) và spammy website vào nhóm các đối tượng bị ảnh hưởng bởi chính sách Link Scheme (Mưu đồ liên kết), bởi chúng thao túng kết quả xếp hạng trang web và tác động tiêu cực đến trải nghiệm của người dùng khi sử dụng công cụ tìm kiếm của Google.

Chính vì thế, giải pháp của Google chính là lọc ra các website vi phạm và vô hiệu hóa khả năng chuyển điểm xếp hạng PageRank của chúng, do đó backlink đặt trên những website này sẽ không mang lại bất kỳ giá trị nào cho trang web mục tiêu.

Các trang web mua bán backlink có nằm trong mô hình Reduced Link Graph không?

Các trang web mua bán backlink không có độ tin cậy bởi chúng không rõ ràng về cơ quan chủ quản, cũng như không được liên kết bởi các trang web gốc hoặc các trang đáng tin cậy khác, do đó, gần như chúng không có cơ hội để tồn tại trong mô hình Reduced Link Graph.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *