Fintech Marketing là gì? Vai trò của Marketing đối với các startup Fintech? Dưới đây là Top10+ chiến lược Marketing cho công ty Fintech khởi nghiệp năm 2023.
Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bảo hộ nội dung trên DMCA (Xem chi tiết tại đây), vui lòng trích dẫn nguồn kèm link bài viết nếu muốn đăng tải lại trên website khác.
Fintech là gì?
Fintech là viết tắt của Financial Technology, ám chỉ các công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực tài chính nhằm cạnh tranh với các phương pháp kinh doanh tài chính truyền thống.
Vậy cụm từ “công ty Fintech” nên được hiểu thế nào cho đúng?
Công ty Fintech là một thuật ngữ dành cho các công ty IT tham gia vào hoạt động cung cấp và phát triển các công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành tài chính.
Điều này rất khác với việc một công ty tài chính ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh của mình, khi đó, họ vẫn được gọi là các công ty tài chính thay vì chuyển thành các công ty Fintech.
Vậy Marketing là gì trong lĩnh vực Fintech?
Trong lĩnh vực Fintech, Marketing được hiểu là hoạt động truyền thông tiếp thị nhằm giúp các công ty Fintech xây dựng và quảng bá thương hiệu của mình, đồng thời thu hút sự quan tâm của các khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực tài chính.
Ví dụ, một công ty Fintech chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử liên kết với các ngân hàng sẽ muốn quảng bá thương hiệu dịch vụ của mình đến giới trẻ trên mạng xã hội, hoặc hiển thị quảng cáo xen giữa các buổi livestream trên các nền tảng phát video trực tiếp.
Vì sao các công ty trong lĩnh vực Fintech cần một chiến lược Marketing?
Bất kỳ công ty nào, kể cả các công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech, cũng cần đến một chiến lược truyền thông tiếp thị nhằm đạt được 2 mục tiêu Marketing quan trọng là: Xây dựng thương hiệu và Nâng cao doanh số.
Nhu cầu sử dụng Internet tăng mạnh trong năm 2022, cùng với các đại dịch mới trên toàn cầu đã đẩy mạnh sự ra đời của các công ty Fintech, và kết quả là hàng loạt các dịch vụ cùng ứng dụng Fintech được ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu khổng lồ đó.
Tuy nhiên, liệu có phải ai sử dụng được Internet thì cũng sẽ dùng được các ứng dụng Fintech?
Tôi đoán là không.
Bằng chứng là theo thống kê về thị trường Digital và nhu cầu sử dụng Internet tại Việt Nam trong năm 2022, số lượng người dùng Internet đã đạt mức 98.56 triệu người, nhưng chỉ có 58% những người trong độ tuổi từ 16 – 64 sử dụng Internet để mua sắm online.
Điều này cho thấy rằng hoạt động Marketing trong lĩnh vực Fintech vẫn còn rất nhiều công việc phải làm, đặc biệt là đối với các công ty mới khởi nghiệp trong năm 2023.
Vậy các công ty Fintech nhận được lợi ích gì khi Marketing?
Dưới đây là 4 lợi ích lớn nhất mà một công ty Fintech có thể thu được khi thực hiện các hoạt động Marketing:
- Tiếp cận được khách hàng tiềm năng mới: Hiện nay, hầu như bất kỳ ai cũng sẽ có nhu cầu làm việc với các tổ chức tài chính, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Với Marketing, bạn sẽ khám phá được các tiềm năng thị trường chưa được khai thác cũng như đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính của khách hàng.
- Giáo dục khách hàng tốt hơn: Các ứng dụng và dịch vụ Fintech là cách nhanh nhất giúp cộng đồng học hỏi và hiểu rõ hơn về sự tiện lợi mà các công nghệ mới mang lại cho cuộc sống hàng ngày.
- Xây dựng lòng tin với khách hàng đối với thương hiệu: Bạn không chỉ muốn tìm kiếm khách hàng mới, mà còn muốn giữ chân các khách hàng đã và đang sử dụng dịch vụ Fintech của mình. Nói cách khác, bạn sẽ cần tạo ra sự tin tưởng cho khách hàng đối với thương hiệu của mình.
- Thu thập & xây dựng nền tảng dữ liệu về khách hàng: Thế mạnh của lĩnh vực Fintech cho phép bạn, những người làm việc trong ngành, có thể dễ dàng thu thập, phân tích, khám phá và tổng hợp các dữ liệu từ khách hàng và thậm chí có thể tổng hợp chúng thành Big Data để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.
Những khó khăn lớn nhất khi Marketing cho một công ty Fintech
Khó khăn lớn nhất đối với các công ty Fintech chính là nguồn vốn, nhưng thách thức lớn nhất đối với việc Marketing cho các công ty Fintech chính là làm thế nào để giữ chân khách hàng.
Theo nghiên cứu, những người làm Marketing cho các ứng dụng Fintech trên toàn cầu đã tiêu tốn đến 3 tỷ USD trong năm 2020, và chỉ riêng quý 1 năm 2021 đã tốn đến 1.2 tỷ USD.
Cách thức Marketing chung nhất của các công ty khởi nghiệp Fintech về hoạt động thanh toán điện tử chính là cung cấp chiết khấu lớn, hoàn tiền cho mỗi giao dịch nhằm có được các khách hàng mới.
Nhờ đó, trong thời gian còn áp dụng chương trình ưu đãi, lượng khách hàng đăng ký có thể tăng lên rất nhanh.
Nhưng khi các chương trình vừa hết hiệu lực, hoặc các đối thủ cạnh tranh khác tung ra các gói ưu đãi tốt hơn, khách hàng sẽ không ngần ngại xóa ứng dụng đang dùng để chuyển sang các ứng dụng mới nhằm thu được lợi ích lớn nhất.
Ví dụ, trong năm 2020, trung bình tỷ lệ xóa các ứng dụng về tài chính trên toàn cầu ở mức 35.5%, và trung bình các công ty tài chính tiêu tốn đến 80 ngàn USD cho những người gỡ cài đặt ứng dụng mà không thu lại được lợi ích gì.
Chính vì thế, thu hút và giữ chân khách hàng là những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với các chiến lược Marketing cho công ty Fintech, và chỉ những chiến lược phù hợp mới có thể giúp các công ty trong ngành giảm chi phí chuyển đổi khách hàng cũng như kéo dài giá trị vòng đời của một khách hàng (CLV – Customer Lifetime Value).
Nói chung, để Marketing hiệu quả cho lĩnh vực Fintech, những người làm nghề truyền thông tiếp thị cần phải có sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu và tình hình tài chính của khách hàng mục tiêu.
Dưới đây, tôi sẽ giới thiệu các chiến lược Marketing hiệu quả nhất cho công ty Fintech cùng các ví dụ cụ thể và một số mẹo hữu ích nhất.
10+ chiến lược Marketing đang mang lại hiệu quả cho các startup Fintech trong năm 2023
#1: Đặt trọng tâm vào yếu tố Giáo dục
Mặc dù tỷ lệ người dùng các ứng dụng di động có thể ở mức rất cao, nhưng rất ít người trong số đó tự nhận mình là người hiểu rõ về các ứng dụng tài chính, đặc biệt là các ứng dụng về Blockchain, tiền điện tử, cho vay ngang hàng hay các ứng dụng tư vấn về chứng khoán.
Do đó, chiến lược Marketing của bạn nên tập trung vào việc hướng dẫn, giáo dục người tiêu dùng về các khía cạnh khác nhau của lĩnh vực tài chính, và làm thế nào để có thể khai thác tiềm năng tài chính thông qua việc sử dụng các dịch vụ của bạn.
Một số hoạt động Marketing hỗ trợ cho việc training, giáo dục khách hàng gồm có:
- Tạo các video ngắn, dễ hiểu và triển khai Video Marketing bằng cách chia sẻ chúng lên trên mọi nền tảng mà khách hàng của bạn đang hoạt động, VD: Youtube, Facebook, Tiktok, website, ứng dụng của bạn…
- Thường xuyên tạo ra những nội dung hữu ích ưu tiên người dùng nhằm xây dựng thương hiệu của bạn thông qua việc lên Top Google ở các chủ đề về tài chính mà khách hàng đang quan tâm. Nói cách khác, bạn cần đến SEO Marketing.
- Thiết kế website với kích thước chuẩn, đặc biệt ưu tiên thân thiện với những người dùng thiết bị di động, vì người Việt Nam đang dành hơn 6.5 giờ mỗi ngày để truy cập Internet trong năm 2022.
#2: Nhắm đến các lí do về xã hội và môi trường
Giới trẻ thuộc thế hệ Millennials (hay Gen Y) và Gen Z đã và đang đóng góp nhiều tiền hơn bất kỳ thế hệ nào trong thời kỳ đại dịch, chứng minh cho sức mạnh về kinh tế và sự hào phóng, chia sẻ khó khăn của nhóm khách hàng Fintech này.
Bên cạnh đó, đây cũng là những nhóm khách hàng có tỷ lệ tương tác với các thương hiệu trên mạng xã hội cao nhất.
Chính vì thế, nếu công ty Fintech của bạn được xây dựng dựa trên một lý do ý nghĩa nào đó, hãy chia sẻ nó cho khách hàng.
Ví dụ, nếu dịch vụ của bạn mang lại sự giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đừng ngần ngại đưa nó lên website hoặc các kênh truyền thông mạng xã hội của bạn.
Đặc biệt hoạt động Marketing của bạn sẽ càng đạt hiệu quả cao hơn nếu bạn cho người dùng của mình biết rõ họ đã và đang đóng góp bao nhiêu cho các hoạt động giúp ích xã hội và môi trường.
Chẳng hạn, Michele Parmelee, một quản lý cấp cao tại Deloitte đã phát biểu trên Forbes rằng: Những tổ chức không phù hợp với các giá trị của thế hệ Millennial và Gen-Z sẽ có nguy cơ bị mất ưu thế đối với tập khách hàng khổng lồ và ngày càng có sức ảnh hưởng này.
#3: Khai thác các cơ hội tiềm năng với khách hàng hiện tại
Có hàng tấn các ứng dụng Fintech đang hoạt động tại Việt Nam, và rất nhiều người đang có sẵn một vài ứng dụng trong thiết bị của họ, nhưng phần lớn các khách hàng tại Việt Nam vẫn ưa chuộng hình thức thanh toán bằng tiền mặt.
Vì sao?
Đơn giản là vì họ không biết mình có thể làm được những gì với những ứng dụng mà họ đang có.
Chính vì thế, bạn cần gửi thông báo thông qua chức năng Notification trên thiết bị di động, hoặc gửi email định kỳ cho những việc mà họ có thể làm với ứng dụng của bạn.
Ví dụ, bạn có thể gửi thông báo về cách thanh toán tiền điện nước vào cuối tháng thông qua ứng dụng, hoặc gửi email giới thiệu chi tiết về một tính năng hấp dẫn vừa được cập nhật trên nền tảng Fintech.
Điều cần lưu ý rằng, dù bạn làm theo hình thức nào, thì cũng đừng quên khuyến khích khách hàng thử nghiệm ứng dụng, chẳng hạn như cho phép khách hàng trải nghiệm các tính năng đặc biệt trong thời gian giới hạn (tương tự với các hoạt động sampling).
#4: Khám phá các thị trường chưa được khai thác
Bằng cách nhắm đến các thị trường chưa được phục vụ, bạn có thể mở rộng phạm vi tiếp cận của mình.
Ví dụ, bạn có biết rằng ngay cả những người ăn xin tại Trung Quốc cũng có mã QR trên ứng dụng WeChat Pay hoặc AliPay để nhận tiền hỗ trợ từ người khác, trong khi tại Việt Nam, điều này còn quá mới mẻ và chưa được phổ biến?
Theo thống kê, những quốc gia đang phát triển như Việt Nam có tỉ lệ download các ứng dụng trung bình cao hơn 70% so với mức trung bình ở các quốc gia phát triển.
Điều này cho thấy những cơ hội phát triển mới đối với các ứng dụng Fintech trong lĩnh vực tín dụng phi ngân hàng và phi chính thức (tức hoạt động kinh doanh không cần đăng ký).
#5: Thể hiện sự đồng cảm với khách hàng
Fintech là một trong những lĩnh vực dịch vụ nhận được nhiều lời khiếu nại và phàn nàn nhất.
Tuy nhiên, đứng dưới vai trò là một người làm Marketing lĩnh vực Fintech, chắc chắn bạn không thể làm ngơ trước những lời khiếu nại từ người tiêu dùng.
Lý do là vì nếu lời phàn nàn của khách hàng không được giải quyết, họ sẽ lan truyền thông tin tiêu cực trên mạng xã hội và thậm chi là cả những kênh báo chí lớn.
Vào những thời điểm này, chiến lược Marketing tốt nhất dành cho bạn chính là thể hiện sự đồng cảm với những trải nghiệm tiêu cực mà họ đang gặp phải trong quá trình sử dụng nền tảng của bạn.
Bạn cần một nhóm những người phụ trách các kênh mạng xã hội lớn tại thị trường để thường xuyên theo sát mọi diễn biến có liên quan đến thương hiệu của mình nhằm đảm bảo các vấn đề được xử lý ngay lập tức.
Bạn có thể chuẩn bị sẵn các mẫu kịch bản phổ biến nhất để có phương án phản hồi khách hàng nhanh chóng, điều này sẽ giúp ngăn chặn các diễn biến bất lợi đối với giá trị thương hiệu của bạn.
#6: Xây dựng sự tin cậy cho khách hàng
Hầu hết các ứng dụng Fintech hiện nay đều áp dụng các hệ thống KYC hoặc eKYC để xác thực danh tính người dùng, tránh các trường hợp làm giả tài khoản phục vụ cho các mục đích xấu.
Điều này đòi hỏi người dùng cần gửi mọi giấy tờ cần thiết qua Internet và ký điện tử vào các thủ tục cần thiết, hoặc thậm chí là cần phải chụp hình khuôn mặt của mình.
Chính vì thế, yếu tố bảo mật và an toàn là điều cốt lõi mà bất kỳ nền tảng Fintech nào cũng cần phải cam kết và thực hiện đúng.
Vậy làm thế nào để bạn thuyết phục được khách hàng của mình rằng nền tảng dịch vụ mà bạn đang cung cấp đảm bảo được sự an toàn và đáng để họ tin tưởng?
Dưới đây là một số cách thực hiện:
- Cho khách hàng thấy rõ các chứng nhận tiêu chuẩn an toàn mà nền tảng của bạn đã gặt hái được. Ví dụ, website của Onepay có nêu rõ việc nền tảng của họ nhận được giấy phép trung gian thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng như các chứng chỉ bảo mật PCI DSS hoặc mã hóa theo giao thức TLS…
- Minh bạch về tất cả các gói cước và mọi khoản phí phát sinh, cũng như các lợi ích cụ thể mà khách hàng nhận được.
- Tránh sử dụng các thuật ngữ khó hiểu, hoặc trong trường hợp bạn không thể dùng từ ngữ nào khác, hãy lý giải nó bằng những từ ngữ dễ hiểu hơn.
- Thông báo cho người dùng về chính sách bảo mật và điều khoản sử dụng, đặc biệt là nếu nền tảng của bạn chia sẻ dữ liệu với các bên thứ ba.
#7: Tìm USP của bạn và tập trung quảng bá về nó
USP (hay Unique Selling Point) là những ưu điểm nổi bật tạo ra sự khác biệt giữa dịch vụ của bạn với dịch vụ của tất cả các đối thủ cạnh tranh khác.
Nói cách khác, USP là ưu điểm rõ ràng nhất được khách hàng và cộng đồng công nhận, khiến cho nó trở thành lý do mà họ lựa chọn sử dụng dịch vụ của bạn.
Ví dụ, tính năng cho vay ngang hàng là sự khác biệt giữa các nền tảng Fintech hiện đại so với dịch vụ cho vay của các ngân hàng truyền thống, nhưng nó không phải là USP của bạn, bởi vì hiện nay có quá nhiều công ty Fintech đang cung cấp giải pháp này.
Tuy nhiên, nếu bạn tập trung vào yếu tố cho vay ngang hàng với mức lãi suất thấp, được nhà nước công nhận, đó có thể được xem là một trong các USP của bạn, bởi phần lớn các nền tảng P2P hiện nay đang hoặc động thiếu kiểm soát, và thường có dấu hiệu của tội “Cho vay nặng lãi”.
#8: Quà tặng tri ân khách hàng
Quà tặng tri ân khách hàng là một trong những động lực mạnh nhất giúp thúc đẩy doanh số bán hàng.
Ví dụ, Paypal, một trong những nền tảng Fintech lớn nhất thế giới đang áp dụng chính sách tặng 10 USD cho mỗi khách hàng đăng ký mới, và tặng thêm 10 USD nếu khách hàng giới thiệu thêm một người khác sử dụng dịch vụ.
Nói cách khác, Paypal đã chi 20 USD cho mỗi khách hàng mới, kết quả là tốc độ tăng trưởng của họ luôn nằm ở mức từ 7 – 10%.
Paypal có thể là một nền tảng lớn, vốn mạnh, nhưng điều đó không có nghĩa rằng công ty Fintech tại Việt Nam của bạn không thể làm được điều tương tự.
Dưới đây là một số hoạt động mà bạn có thể làm để nhắm đến những kết quả tương tự Paypal:
- Hoàn tiền cho mỗi giao dịch của khách hàng;
- Tặng tiền hoặc quà cho bất kỳ khách hàng mới nào;
- Tặng ưu đãi khi khách hàng hiện tại giới thiệu thêm người mới;
- Tặng thưởng khi khách hàng đạt được một dấu mốc ấn tượng nào đó;
- Hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng để có các chương trình ưu đãi dành riêng cho khách hàng đang sử dụng dịch vụ;
- ……
#9: Chiến lược tiếp thị thông qua các ứng dụng (In-app Promotion)
Đối với các nền tảng Fintech trên thế giới, điều này có thể không xa lạ, nhưng chắc chắn nó là điều mà những người làm Marketing công ty Fintech tại Việt Nam vẫn chưa làm quen được.
In-app Promotion (hay tiếp thị trong ứng dụng) là một loại chiến lược Marketing trong đó thương hiệu hoặc sản phẩm, dịch vụ của bạn sẽ xuất hiện bên trong một ứng dụng nào đó.
Ứng dụng được lựa chọn để Marketing thương hiệu hoặc dịch vụ Fintech của bạn có thể là chính bản thân ứng dụng mà bạn đang phát triển, hoặc có thể là những ứng dụng khác cho phép quảng cáo.
Một ví dụ rõ nét nhất cho hoạt động In-app Promotion chính là dịch vụ quảng cáo Google Admob.
Với nền tảng Google Admob, nội dung quảng cáo của bạn có thể sẽ được xuất hiện trong bất kỳ những ứng dụng Android hoặc iOS nào đã đăng ký và tích hợp quảng cáo Admob.
Đặc biệt, bạn có thể trở thành nhà quảng cáo trên các nền tảng kiếm tiền online (monetization network) như Tapjoy, Unity Ads, MoPub, InMobi…
Ưu điểm của các nền tảng này chính là việc nó yêu cầu người dùng thực hiện một số thao tác nhất định để được nhận thưởng hoặc tiếp tục sử dụng các ứng dụng yêu thích của mình, chẳng hạn như:
- Download ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng trực tuyến như Google Play, App Store;
- Xem video quảng cáo;
- Tạo tài khoản trong ứng dụng mới;
- Vượt qua phần hướng dẫn (Tutorials) trong ứng dụng mới;
- … và còn rất nhiều hoạt động khác mà bạn có thể áp dụng.
Như vậy, tiếp thị trong ứng dụng – hay In-app Promotion – là một trong các giải pháp Marketing tốt nhất giúp bạn đồng thời đạt được nhiều mục tiêu khác nhau như:
- Thu hút được khách hàng mới;
- Giáo dục khách hàng về các tính năng mà nền tảng của bạn đang cung cấp;
- Quảng bá thương hiệu thông qua Video Marketing;
- Thu hút sự chú ý từ bạn bè, người thân của các khách hàng hiện tại.
#10: Sử dụng các phương tiện truyền thông mạng xã hội
Theo dữ liệu mà Kepios công bố trên Datareportal.com, tính đến đầu năm 2022, Việt Nam có 76.95 triệu người đang sử dụng mạng xã hội, tương đương 78.1% dân số quốc gia, nghĩa là cứ 10 người thì có gần 8 người sử dụng mạng xã hội.
Vì thế, các phương tiện truyền thông xã hội là một giải pháp rất tốt để bạn tiếp cận khách hàng mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, việc triển khai Marketing mạng xã hội thực sự không dễ như khi nói.
Một thực tế cho thấy, có thể fanpage của bạn có nhiều người theo dõi, nhưng hầu như các bài đăng của bạn không nhận được bất kỳ lượt tương tác nào.
Một trong những lý do phổ biến nhất chính là vì nội dung bài đăng chưa đủ hấp dẫn, do đó, bạn cần có một chiến lược thông minh để thu hút sự tương tác từ cộng đồng đang sử dụng mạng xã hội.
Một số điều bạn cần làm như sau:
- Trước hết, xác định loại nội dung mà người dùng đang muốn xem trên từng nền tảng mạng xã hội. Ví dụ, trên Tiktok, các nội dung liên quan đến động vật, nhảy nhót, ca hát… là những xu hướng được quan tâm nhiều nhất. Nhưng trên Linkedin, các báo cáo số liệu thống kê hoặc đồ họa thông tin (infographic) mới được tương tác và chia sẻ cao.
- Tiếp theo, hãy tạo hoặc sử dụng lại các nội dung phù hợp với xu hướng trước khi chia sẻ nó trên mạng xã hội.
- Hợp tác với những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (Influencer, KOL, KOC…) để tiếp cận những người đang theo dõi trên các kênh này.
- Chạy các quảng cáo trực tuyến trên mạng xã hội để tiếp cận nhanh chóng một lượng lớn khách hàng tiềm năng.
- Triển khai các nghiên cứu, khảo sát về nhu cầu, hành vi của người dùng trên mạng xã hội có liên quan đến bạn.
- Thu thập, xây dựng các lời chứng thực (testimotionals) từ những khách hàng đã và đang sử dụng dịch vụ của bạn.
Lưu ý, dù ở nền tảng MXH nào, bạn cũng cần các cơ chế để thu hút khách hàng tiềm năng, ví dụ, những lời kêu gọi hành động (CTA – Call To Action) mạnh mẽ và truyền cảm hứng, hoặc các ưu đãi hấp dẫn nhằm khuyến khích khách hàng tương tác với các thông tin mà bạn đang tải trên MXH.
Bởi vì, dù bạn đang làm gì, thì mục tiêu Marketing tối thượng vẫn là thu hút và giữ chân khách hàng.
Ngoài ra, nếu bạn sử dụng đa nền tảng, bạn sẽ cần các công cụ để quản lý tất cả các mạng xã hội ở cùng một nơi nhằm cắt giảm thời gian và nguồn lực.
Một số công cụ quản lý MXH tốt nhất mà bạn có thể tham khảo như: Hootsuite, SocialBee, Crowdfire hoặc Buffer.
#11: Cá nhân hóa hoạt động giao tiếp
Ngày nay, cá nhân hóa các phương thức giao tiếp với khách hàng đã trở thành một trong những điều cốt lõi của hoạt động Marketing lĩnh vực tài chính.
Ví dụ, dưới đây là một Email Marketing mà tôi nhận được từ một ngân hàng đang có app Fintech tại Việt Nam.
Như bạn có thể thấy, cách sử dụng ngôn từ cũng như việc dùng tên riêng trong email mang lại cảm giác thân mật hơn, giống như tôi đang nói chuyện với một người trên thực tế chứ không phải là đọc một cuốn sách hướng dẫn sử dụng.
Nhìn chung, lợi thế của các nền tảng Fintech là việc dễ dàng thu thập và phân loại dữ liệu của khách hàng, nhờ đó, các công ty có thể hiểu chính xác hơn về nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính của khách hàng.
Các dữ liệu có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như CRM, mạng xã hội…
Việc còn lại là áp dụng các dữ liệu đó vào hoạt động Marketing nhằm cá nhân hóa phương thức giao tiếp giữa bạn và khách hàng.
Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn cá nhân hóa kênh giao tiếp:
- Phân khúc khách hàng tiềm năng hoặc khách hàng hiện tại dựa trên các yếu tố khác nhau như nhân khẩu học, sở thích, thói quen, hành vi,…
- Gọi khách hàng bằng thông tin của họ như tên, tuổi, địa chỉ… và đề cập đến những thứ mà họ đã sử dụng như sản phẩm mà khách hàng quan tâm, những trang đã truy cập… trong tin nhắn hoặc email của bạn.
- Sử dụng các biểu mẫu được thiết kế riêng biệt cho từng nhóm phân khúc khách hàng.
- Áp dụng A/B Test để tìm ra loại định dạng nội dung phù hợp nhất với nhóm khách hàng.
- Sử dụng một số nền tảng CRM có chức năng tự động tương tác dựa trên hành vi người dùng như Hubspot CRM, LeadSquare CRM hoặc tại Việt Nam có nền tảng CRM LadiFlow.
#12: ASO – Tối ưu hóa kho ứng dụng
Tối ưu hóa kho ứng dụng (ASO – App Store Optimization) ám chỉ việc cải thiện khả năng hiển thị của ứng dụng trong các cửa hàng ứng dụng trực tuyến nhằm tăng tỷ lệ chuyển đổi ứng dụng để nhận được nhiều lượt tải xuống hơn.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi gần như 100% các nền tảng Fintech đều xây dựng cho mình các ứng dụng dành cho thiết bị di động, và đưa chúng lên các cửa hàng ứng dụng nhằm dễ dàng thu hút sự chú ý cũng như xây dựng sự tin cậy cho người dùng.
Tại Việt Nam, các cửa hàng ứng dụng phổ biến nhất là App Store đối với các ứng dụng iOS và Google Play Store dành cho ứng dụng Android.
Đây là một trong những chiến lược Marketing mà gần như bất kỳ công ty Fintech nào cũng cần phải quan tâm, vì nó tác động trực tiếp đến việc thu hút khách hàng mới, cũng như mang lại cơ hội cải thiện doanh số bán hàng nếu được triển khai đúng cách.
Dưới đây là một số hoạt động mà bạn cần nắm để triển khai ASO cho các app Fintech:
- Thiết lập chiến lược ASO một cách rõ ràng
- Nghiên cứu từ khóa phù hợp
- Lựa chọn tên gọi độc đáo cho ứng dụng
- Điền đầy đủ các thông tin chi tiết theo chính sách của từng kho ứng dụng
- Thử nghiệm A/B Test cho các bản demo của ứng dụng
- Chuẩn bị ảnh chụp màn hình ứng dụng và các video trải nghiệm ứng dụng
- Địa phương hóa ngôn ngữ trong ứng dụng tùy thuộc vào thị trường mà bạn đang nhắm đến
- Chăm sóc khách hàng, khuyến khích họ để lại đánh giá sản phẩm
- Xử lý và phản hồi tất cả các ý kiến đánh giá của khách hàng, bất kể đó là đánh giá tích cực hay tiêu cực.
Tóm lại về Fintech Marketing
Fintech là một trong các lĩnh vực đang trong xu hướng bùng nổ tại Việt Nam, đặc biệt là khi mà thị trường Internet vẫn chưa quen với việc sử dụng các phương thức thanh toán điện tử hoặc các dịch vụ tài chính trực tuyến.
Bên cạnh đó, việc có quá nhiều các ứng dụng Fintech trên thị trường cũng đang tạo ra một số bất lợi cho người dùng, vì họ không thể cài đặt tất cả các ứng dụng trên thiết bị của mình.
Mặc dù vậy, điều này có thể giải quyết được bằng một nền tảng Fintech khác cho phép tổng hợp tất cả các nền tảng riêng lẻ với nhau, nhằm giúp người dùng tận dụng tối đa các tiện ích mà họ có thể nhận được từ mọi nền tảng mà không cần phải xóa ứng dụng.
Ngoài ra, Marketing cho lĩnh vực Fintech tại Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, và rất nhiều dự án Fintech đang ở giai đoạn gọi vốn đầu tư, do những người thiếu kinh nghiệm trong hoạt động truyền thông Marketing vận hành.
Do đó, tôi hy vọng 10+ chiến lược Marketing cho công ty Fintech đã đề cập trong bài viết này sẽ giúp những bạn đang làm truyền thông tiếp thị cho ngành tài chính công nghệ có một định hướng phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp hơn.
Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về chiến lược Fintech Marketing, hãy xem qua một số câu hỏi thường gặp ở bên dưới hoặc để lại câu hỏi của bạn trong phần bình luận bài viết nhé.
Câu hỏi thường gặp về Marketing cho công ty Fintech
Một số ví dụ về nền tảng Fintech phổ biến tại Việt Nam
- Ứng dụng tín dụng hoặc cho vay trực tuyến
- Ứng dụng Mobile Banking
- Ứng dụng thanh toán di động
- Blockchain và tiền điện tử
- Ứng dụng bảo hiểm
- Ngân hàng Online
- ……
Làm thế nào để các công ty Fintech quảng bá sản phẩm dịch vụ?
Một số hoạt động Marketing giúp các công ty Fintech quảng bá nền tảng của mình gồm có:
- In-app promotion (VD: Tapjoy, Admob, InMobi, MoPub…)
- Quảng cáo trực tuyến (VD: Google Ads, Facebook Ads, Linkedin Ads,…)
- Email Marketing
- Video Marketing (VD: Youtube, Tiktok)
- Wifi Marketing
- Truyền thông mạng xã hội
- SEO
- ……
Marketing cho công ty Fintech có khó không?
Về cơ bản, marketing cho một công ty Fintech không có gì khác biệt so với việc Marketing cho các ngành kinh doanh khác.
Tuy nhiên, việc giữ chân các khách hàng hiện tại trở nên khó khăn nhiều đối với các công ty Fintech, bởi vì sự tiện lợi của các thiết bị di động cho phép khách hàng dễ dàng xóa ứng dụng cũ và cài đặt ứng dụng mới gần như ngay lập tức.
Marketing cho lĩnh vực Fintech cần học những gì?
Sự khác biệt của hoạt động Marketing cho lĩnh vực Fintech chính là bên cạnh các kiến thức và kỹ năng thông thường về Marketing, đặc biệt là Digital Marketing, thì bạn còn phải là người có kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính, cũng như thấu hiểu được nhu cầu và hành vi của khách hàng mục tiêu.
Một số từ khóa có liên quan đến Marketing cho công ty Fintech
Fintech Marketing 2022 | Chiến lược Marketing công ty Fintech |
Xu hướng Marketing lĩnh vực Fintech | Ngân sách Marketing của công ty Fintech |
Chiến dịch Marketing Fintech | Fintech Marketing trends |
Fintech Marketing budget | Phân khúc khách hàng Fintech |
Fintech Customer Segmentation | Chuyển đổi khách hàng Fintech |