IMC plan là gì? Các mẫu IMC Plan template chuẩn 2023 (PDF/Word/Excel, Free download)

Bạn đang tìm hiểu IMC plan là gì? Dưới đây là link download free 7+ IMC Plan Template (Word/PDF) & hướng dẫn cách lập kế hoạch IMC chuẩn cho 2023 (6 bước).

IMC plan là thứ mà những người làm truyền thông tiếp thị, đặc biệt là Digital Marketing, cần phải xây dựng nếu muốn thu được thành công trong dài hạn.

Nói cách khác, hiệu quả của tất cả các chiến dịch Marketing đều phụ thuộc vào kế hoạch IMC mà bạn đã chuẩn bị.

Tuy nhiên, ngoại trừ giai đoạn đầu năm 2004, khi khái niệm IMCTruyền thông tiếp thị tích hợp – vừa du nhập vào Việt Nam, tầm quan trọng của nó đã nhanh chóng bị bỏ quên, đến mức chỉ có những sinh viên đại học mới sử dụng cụm từ này (theo báo cáo Google Trends năm 2022).

Mức độ quan tâm của người dùng tại Việt Nam về chủ đề "Truyền thông tiếp thị tích hợp" giai đoạn từ năm 2004 - 2022 (Nguồn: Google Trends, 06/12/2022)
Mức độ quan tâm của người dùng tại Việt Nam về chủ đề “Truyền thông tiếp thị tích hợp” giai đoạn từ năm 2004 – 2022 (Nguồn: Google Trends, 06/12/2022)

Bên cạnh đó, số lượng các kênh truyền thông và Marketing đã gia tăng đến mức nhiều hơn bao giờ hết, khiến cho những người bắt đầu tìm hiểu về IMC trở nên bối rối và hoang mang.

Nhưng vấn đề nào cũng có cách xử lý, dưới đây bạn sẽ tìm thấy được những thông tin quan trọng nhất của chủ đề truyền thông tiếp thị tích hợp bao gồm:

  • Khái niệm IMC là gì;
  • Tầm quan trọng của IMC;
  • Các loại công cụ IMC hiện nay
  • Các bước xây dựng IMC Plan;
  • Những lưu ý khi lập kế hoạch IMC;
  • Các ví dụ minh họa của IMC Plan;
  • Các mẫu IMC Plan (kèm link download).

OK, chúng ta sẽ bắt đầu với khái niệm của IMC trong Marketing.

IMC là gì trong Marketing?

Năm 1999, Philip Kotler đã đưa ra một định nghĩa quan trọng về IMC (viết tắt của Intergrated Marketing Communication, còn gọi là Truyền thông tiếp thị tích hợp) như sau:

IMC là khái niệm trong đó một công ty tích hợp và phối hợp cẩn thận nhiều kênh truyền thông của mình để đưa ra một thông điệp rõ ràng, nhất quán và hấp dẫn về tổ chức và các sản phẩm của công ty (Nguồn: Researchgate, 2018).

Đến năm 2003, ông đưa ra một cách tiếp cận mới hơn về IMC, trong đó nhìn nhận tất cả các phương pháp Marketing của doanh nghiệp cần đặt trên quan điểm của khách hàng.

Vì sao IMC quan trọng?

Ngày nay, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sử dụng nhiều kênh Marketing khác nhau để tiếp cận khách hàng mục tiêu của mình, và tất nhiên, càng sử dụng nhiều kênh tiếp thị truyền thông khác nhau (tức tiếp thị đa kênh – Multi-channel Marketing), bạn càng có cơ hội tăng độ phủ thương hiệu của mình và xây dựng nhận thức cho khách hàng.

Điều quan trọng ở đây là làm thế nào để hoạt động tiếp thị đa kênh của bạn diễn ra một cách đồng bộ nhằm đạt được các mục tiêu Marketing chiến lược đã đề ra, và đó là lúc IMC thể hiện tác dụng của mình.

Có 4 lý do chủ yếu khiến cho IMC quan trọng đối với doanh nghiệp như sau:

Trước hết, khách hàng cần trải nghiệm nhất quán trong suốt hành trình mua hàng của mình

Một khách hàng có thể trải qua toàn bộ quá trình mua hàng trong vòng một ngày (VD: quần áo, thực phẩm…), nhưng cũng có trường hợp kéo dài lên đến một vài năm (VD: mua xe, bất động sản…).

Điều này có liên quan đến phễu tiếp thị (Marketing Funnel hay phễu Marketing), mô tả cách mà mọi người trở thành khách hàng kể từ thời điểm lần đầu tiên có nhận thức về thương hiệu đến khi mua hàng.

Cách hoạt động của phễu Marketing
Cách hoạt động của phễu Marketing

Nhiệm vụ của người làm Marketing chính là đưa càng nhiều người dùng lên đầu phễu càng tốt, cũng như hạn chế tối đa sự thất thoát giữa các giai đoạn.

Trên thực tế, đây là nhiệm vụ rất phức tạp, và tính nhất quán của thông điệp Marketing lẫn khả năng nhận diện thương hiệu dễ dàng là những yếu tố cốt lõi giúp trải nghiệm mua sắm của khách hàng trở nên thông suốt và liền mạch.

Trong số các giai đoạn của phễu Marketing, IMC thể hiện vai trò lớn nhất trong quá trình tạo nhận thức và hướng dẫn khách hàng chuyển sang các giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai, IMC giúp xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp

Rõ ràng, bạn sẽ cố gắng truyền tải đúng thông điệp Marketing vào đúng thời điểm, nhưng chìa khóa của hoạt động xây dựng thương hiệu nằm ở việc đính kèm tất cả các thông tin liên lạc với các bộ nhận diện thương hiệu nhằm tạo ra sự khác biệt.

Thành phần phổ biến nhất trong bộ nhận diện thương hiệu chính là logo bởi mỗi doanh nghiệp hầu như chỉ có một logo duy nhất, nhưng nó không phải tất cả.

Nói chung, ngoài logo, bạn nên xây dựng cho mình khoảng 3 – 5 yếu tố nhận diện thương hiệu, và chúng có thể là:

  • Màu sắc;
  • Phông chữ;
  • Linh vật;
  • Hình ảnh người đại diện;
  • ……

Thứ ba, IMC giúp sử dụng hiệu quả ngân sách Marketing cho từng kênh tiếp thị

IMC khiến bạn phải suy nghĩ cẩn thận về những kênh Marketing mà mình đang sử dụng cũng như cách sử dụng chúng.

Ngày nay, có rất nhiều cách khác nhau để bạn tiếp cận thị trường online và offline, nhưng trừ khi bạn đang bán một loại mặt hàng phổ thông và đại trà, còn lại bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng về lựa chọn kênh Marketing của mình.

Chẳng hạn, nếu bạn đang kinh doanh B2B hoặc các mặt hàng thiết bị công nghiệp nặng, hầu như Tiktok không thể mang lại cho bạn bất kỳ lợi ích nào.

Bên cạnh đó, trong khả năng nguồn lực của mình, bạn nên gia tăng độ phủ của mình trên mọi kênh tiếp thị lẫn các phương tiện truyền thông có liên quan, mặc dù tôi biết rằng nói thì dễ hơn làm, đặc biệt khi hầu hết các công ty đều bị hạn chế về nguồn lực.

Nói chung, cách phân bổ ngân sách lý tưởng nhất chính là 60% để xây dựng thương hiệu và 40% cho việc thúc đẩy doanh số bán hàng.

Bạn có thể dành 60% ngân sách Marketing của mình cho các kênh chuyên về branding (như quảng cáo hiển thị, TV ads, PR…) và 40% còn lại cho các kênh giúp tăng doanh số (như quảng cáo Google Search, quảng cáo Re-Marketing…).

Bạn cũng không cần lo lắng về việc mục tiêu marketing giữa các kênh có thể bị trùng lặp, bởi đó là điều hoàn toàn bình thường khi một hoạt động Marketing giúp tăng doanh số cũng có thể sử dụng để xây dựng thương hiệu và ngược lại.

Cuối cùng, IMC tăng cường khả năng phối hợp giữa các kênh Marketing

Khi bạn truyền thông tiếp thị đúng cách, các kênh Marketing có khả năng hỗ trợ lẫn nhau để giúp thương hiệu của bạn trở nên mạnh hơn nhờ vào hiệu ứng bánh đà (Flywheel Effect), một khái niệm được phổ biến nhờ vào Rand Fishkin.

Ví dụ, công ty Marketing agency của Neil Patel trở nên nổi tiếng nhờ vào hiệu quả tổng hợp từ hoạt động truyền miệng (World-of-Mouth Marketing), tiếp thị nội dung (Content Marketing) và SEO.

Ví dụ thực tế về chiến lược IMC của doanh nghiệp

Wise.com, một doanh nghiệp kinh doanh tiền điện tử là ví dụ điển hình cho sự phối hợp nhịp nhàng giữa các hoạt động Marketing khác nhau trong một chiến lược IMC tổng thể.

Bất kể bạn nhìn thấy thương hiệu của họ ở kênh truyền thông tiếp thị nào, bạn cũng sẽ dễ dàng nhận ra yếu tố nhận diện thương hiệu với logo Wise, màu xanh đặc trưng cùng thông điệp mà công ty cam kết về tỷ giá trao đổi tốt nhất và không có chi phí ẩn cho các dịch vụ chuyển tiền và trao đổi tiền.

Wise sử dụng màu xanh đặc trưng của mình khắp tất cả các kênh mà nó xuất hiện
Wise sử dụng màu xanh đặc trưng của mình khắp tất cả các kênh mà nó xuất hiện

Trong chiến dịch PR “Pay Us Back”, Wise cũng giữ nguyên các yếu tố và thông điệp của mình:

Ngay cả quảng cáo trực tuyến, Wise vẫn đưa ra thông điệp nhất quán cho dịch vụ của mình:

Mẫu quảng cáo Google của Wise
Mẫu quảng cáo Google của Wise

Các loại công cụ IMC

Khi tìm hiểu về IMC và Truyền thông tiếp thị tích hợp, chắc chắn bạn cần phải quan tâm đến các loại công cụ của nó.

Hiện nay, có 6 loại công cụ IMC đang được giảng dạy ở bậc đại học của Việt Nam, gồm có:

  • Quảng cáo (Advertising);
  • Bán hàng cá nhân (Personal selling);
  • Marketing trực tiếp (Direct Marketing);
  • Tài trợ (Sponsorships);
  • Khuyến mại (Sale Promotions);
  • Quan hệ công chúng (Public Relation).

Quảng cáo

Trước đây quảng cáo là hình thức truyền thông phi cá nhân hóa có trả phí, nhưng giờ đây, với sự phát triển của các công nghệ AI được tích hợp trong các nền tảng quảng cáo, công cụ IMC này đã có thể được cá nhân hóa và hiển thị chính xác nội dung mà mỗi người dùng đang tìm kiếm.

Một trong những nền tảng quảng cáo cá nhân hóa điển hình và được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam chính là Google Ads.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng các loại hình quảng cáo phi cá nhân hóa đã biến mất, chẳng hạn như quảng cáo OOH, quảng cáo TV hoặc các loại ấn phẩm quảng cáo vẫn còn đang tiếp tục được sử dụng.

Bán hàng cá nhân

Bán hàng cá nhân là hoạt động tương tác trực tiếp với người dùng cuối nhằm mục đích bán hàng và thuyết phục khách hàng mua sản phẩm.

Đây là một trong những công cụ IMC hiệu quả nhất bởi vì khách hàng có thể thật sự tương tác với các nhân viên bán hàng để giải quyết vấn đề của mình ngay lập tức, đồng thời nhân viên có thể thay đổi nội dung quảng cáo sao cho phù hợp với người nghe và tập trung xây dựng mối quan hệ lâu dài với họ.

Marketing trực tiếp

Gần giống với bán hàng cá nhân, đây là hình thức mà doanh nghiệp giao tiếp trực tiếp với người dùng cuối thông qua các kênh liên lạc trực tiếp như email, điện thoại, tin nhắn SMS, ứng dụng chat trực tuyến hay gửi thư trực tiếp.

Quan hệ công chúng

Là hoạt động truyền thông dựa trên việc cộng đồng chia sẻ ý kiến tích cực của họ về doanh nghiệp.

Hình thức phổ biến nhất của loại công cụ IMC này chính là doanh nghiệp đăng bài viết PR trên báo chí dưới góc độ của bên thứ ba như khách hàng, cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức khác.

Khuyến mại

Là những ưu đãi trong ngắn hạn để thúc đẩy khách hàng ra quyết định mua sắm, chẳng hạn như voucher, coupon, hàng dùng thử, bốc thăm trúng thưởng, giảm giá hay bất kỳ các hỗ trợ nào dùng để kích thích mua hàng.

Tài trợ

Là sự kết hợp giữa khuyến mại và quan hệ công chúng, trong đó doanh nghiệp cung cấp các hỗ trợ cho một tổ chức, cá nhân hoặc sự kiện để đổi lấy những đánh giá tích cực từ cộng đồng.

Quy trình 5 bước lập kế hoạch cho chiến dịch IMC

#1: Xác định khách hàng mục tiêu từ dữ liệu hành vi của họ

Kế hoạch IMC nên bắt đầu với những gì mà đối tượng mục tiêu đã và đang thực hiện, bởi các dữ liệu về hành vi thường mang lại kết quả tốt hơn so với các dữ liệu về nhân khẩu học.

Mặc dù vậy, dữ liệu về nhân khẩu học vẫn được sử dụng để giúp phân khúc các dữ liệu về hành vi thành các nhóm chi tiết hơn.

Ví dụ, khi bước vào giai đoạn xác định khách hàng mục tiêu, bạn cần làm rõ các khách hàng của bạn đang làm gì, cách họ thực hiện các hành động và lịch sử tương tác với sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của mình.

Sau đó, dựa trên các yếu tố nhân khẩu học để chia nhỏ tập khách hàng theo độ tuổi, vị trí, giới tính hay thu nhập.

Sau khi đã tạo ra các tệp khách hàng, giờ là lúc thực hiện một số phân tích cơ bản như SWOT, phân tích đối thủ cạnh tranh (Competitor Analysis) hay phân tích khoảng trống (Gap Analysis) để tìm ra các ngách thị trường mà bạn có thể chiếm lĩnh với chiến lược truyền thông tiếp thị của mình.

#2: Phân tích SWOT & phân tích đối thủ cạnh tranh

Phân tích SWOT được sử dụng phổ biến trong các tài liệu chiến lược kinh doanh hoặc chiến lược Marketing của doanh nghiệp, kể cả các bản kế hoạch IMC, bởi tính đơn giản và dễ thực hiện của nó.

Đây là phương pháp giúp bạn đánh giá nhanh chóng các yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, từ đó xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến thương hiệu của bạn.

Tuy nhiên, theo Harvard Business Review, nhược điểm của phân tích SWOT chính là việc đơn giản hóa quá mức loại và mức độ của 4 yếu tố nói trên, đồng thời bỏ qua các điểm mạnh và điểm yếu của các công ty khác có thể ảnh hưởng đến thương hiệu của bạn.

Ngoài ra, một số nhược điểm khác của SWOT gồm có;

  • Không có trọng số để đánh giá tầm quan trọng giữa các yếu tố.
  • Mơ hồ, bởi nó chỉ thể hiện một chiều sự tác động của một yếu tố lên thương hiệu, trong khi trên thực tế, nó có thể vừa là điểm mạnh và là điểm yếu, hoặc vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với thương hiệu.
  • Mang tính chất chủ quan, bởi nó thể hiện sự thiên vị của các cá nhân đứng ra thu thập dữ liệu và phân tích.

Chính vì thế, bạn cần áp dụng thêm một số phân tích mở rộng nhằm hạn chế các điểm yếu của mô hình SWOT, và một trong số đó chính là phân tích đối thủ cạnh tranh.

Theo Hubspot, 12 bước của quá trình phân tích đối thủ cạnh tranh gồm có:

  • Bước 1: Xác định đối thủ cạnh tranh của bạn là ai.
  • Bước 2: Xác định các sản phẩm, dịch vụ mà đối thủ cạnh tranh của bạn đang cung cấp.
  • Bước 3: Nghiên cứu các chiến thuật và kết quả bán hàng của đối thủ cạnh tranh.
  • Bước 4: Phân tích giá và các ưu đãi mà đối thủ đang cung cấp.
  • Bước 5: Đảm bảo bạn đang cung cấp phí vận chuyển cạnh tranh.
  • Bước 6: Phân tích cách đối thủ cạnh tranh đang truyền thông tiếp thị cho sản phẩm dịch vụ của họ.
  • Bước 7: Lưu ý chiến lược Content Marketing của đối thủ.
  • Bước 8: Tìm hiểu công nghệ mà đối thủ đang sử dụng là gì.
  • Bước 9: Phân tích mức độ tương tác với nội dung mà đối thủ cạnh tranh đã tạo ra.
  • Bước 10: Quan sát cách họ quảng bá nội dung.
  • Bước 11: Nhìn vào độ phủ thị trường, chiến lược và nền tảng mạng xã hội của họ.
  • Bước 12: Kết hợp với phân tích SWOT

Bước tiếp theo, bạn sẽ bắt đầu xây dựng mục tiêu truyền thông tiếp thị cho chiến dịch IMC.

#3: Lập mục tiêu truyền thông và Marketing cho chiến dịch IMC

Ở bước này, bạn sẽ đặt mục tiêu mà mình muốn đạt được thông qua chiến dịch IMC.

Các mục tiêu có thể nhắm đến thương hiệu hoặc doanh số, nhưng điều quan trọng là bạn cần phải đảm bảo việc xây dựng mục tiêu Marketing theo nguyên tắc SMART, tức là:

  • Mục tiêu cụ thể, chi tiết và được diễn giải một cách rõ ràng.
  • Mục tiêu có thể đo lường được bằng các công cụ thích hợp và có thể tiếp cận được một cách dễ dàng.
  • Mục tiêu có thể đạt được nếu bạn nỗ lực và tận dụng hiệu quả các nguồn lực được cho phép.
  • Mục tiêu có tính thực tiễn, giải quyết những vấn đề mà hoạt động truyền thông tiếp thị của doanh nghiệp đang phải đối mặt.
  • Mục tiêu phải được thực hiện trong một khoảng thời gian giới hạn, phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

Dựa trên các mục tiêu đã đề ra, bạn sẽ tiến hành đưa ra các ý tưởng truyền thông tiếp thị và cụ thể hóa chúng bằng các chiến lược và chiến thuật Marketing.

#4: Xây dựng chiến lược và chiến thuật Marketing

Như tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết này, các chiến lược và chiến thuật Marketing trong IMC cần được phát triển một cách đồng bộ, nhất quán với nhau dựa trên quan điểm của khách hàng.

Điều quan trọng ở đây chính là không nhất thiết bạn phải sáng tạo ra một chiến lược hoàn toàn mới mẻ hay tham gia vào một xu hướng đang trending trên mạng xã hội, thay vào đó, chỉ cần bạn lựa chọn cẩn thận và sử dụng những kênh truyền thông tiếp thị nào thực sự phù hợp và có thể giúp bạn đạt được mục tiêu đã đề ra.

#5: Quyết định & cân đối ngân sách

Ngân sách cho chiến dịch IMC là tổng hợp của tất cả các khoản ngân sách cho từng hoạt động truyền thông tiếp thị cụ thể.

Thông thường, mỗi doanh nghiệp đều có một hạn mức ngân sách đầu tư hàng tháng nhất định cho IMC, nên mặc dù có thể bạn muốn đầu tư mạnh cho một hoạt động Marketing nào đó, nhưng điều này sẽ làm giảm ngân sách cho những hoạt động khác.

Vì vậy, bạn cần cân đối ngân sách đầu tư cho từng hoạt động tiếp thị truyền thông sao cho tiết kiệm và hợp lý nhất.

Bước cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng để bạn hoàn thiện bản kế hoạch IMC của mình chính là việc mô tả cách đánh giá và đo lường hiệu quả của chiến dịch IMC, đồng thời đưa ra các phương án backup (còn gọi là Plan B) để dự phòng các rủi ro có thể xảy ra.

#6: Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá, đo lường và dự phòng rủi ro

Việc mô tả các tiêu chuẩn để đánh giá và đo lường rất đơn giản, bởi vì bạn đã có các mục tiêu Marketing theo nguyên tắc SMART cũng như hiểu rõ về cách theo dõi kết quả từ các hoạt động Marketing mà bạn đề xuất.

Điều ít người làm Marketing để ý ở bước này chính là việc xây dựng kế hoạch dự phòng rủi ro nếu có sự cố xảy ra.

Ví dụ, bạn muốn triển khai Influencer Marketing bằng KOL, nhưng bạn sẽ làm gì nếu KOL đó bị dính “phốt” hoặc sử dụng content bẩn để kiếm tiền?

Nếu chuẩn bị sẵn các phương án backup, bạn sẽ hạn chế tối đa các tác động tiêu cực có thể ảnh hưởng đến hiệu quả IMC khi các sự cố ngoài ý muốn xảy ra, dù có thể không ngăn chặn được 100%.

Trên đây là 6 bước chuẩn trong quy trình lập kế hoạch cho chiến dịch IMC, nhưng nó không phải là quy trình duy nhất mà bạn bắt buộc phải tuân theo.

Chẳng hạn, bạn cũng có thể tạo ra một file IMC plan theo quy trình gồm 7 bước như sau:

  • Thấu hiểu đối tượng mục tiêu;
  • Thiết lập ngân sách;
  • Xác định USP của thương hiệu;
  • Xây dựng phương pháp truyền thông tiếp thị: bao gồm việc lựa chọn nền tảng, xây dựng thông điệp, cách thức thực hiện và các kênh khuyến mại.
  • Đảm bảo tính nhất quán trong thông điệp và nhận diện thương hiệu
  • Liệt kê các chỉ số quan trọng để đánh giá tính hiệu quả.
  • Thực thi, kiểm tra và điều chỉnh.

Những lưu ý trong quá trình xây dựng kế hoạch cho chiến dịch IMC

Nguyên tắc phối hợp truyền thông tiếp thị

Để một chiến dịch IMC phát huy tối đa hiệu quả của nó, tất cả các kênh truyền thông tiếp thị và quy trình làm việc đều phải được vạch ra và phối hợp một cách cẩn thận, dưới sự theo dõi của các phòng ban và hệ thống bán hàng/Marketing cũng như phải phù hợp với chiến lược kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp.

Ba yếu tố chiến lược có ảnh hưởng tích cực đến một hệ thống truyền thông tiếp thị hiệu quả và mạnh mẽ gồm có:

  • Tính liên kết với thương hiệu: tập trung vào lời cam kết của doanh nghiệp sẽ sử dụng tất cả các nguồn lực cần thiết liên quan đến thương hiệu nhằm đảm bảo cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh và phù hợp nhất cho khách hàng của mình.
  • Tính liên kết với khách hàng: tập trung vào việc điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
  • Ngân sách tùy chỉnh: tập trung vào việc liên kết các hoạt động truyền thông tiếp thị với các mục tiêu về tài chính trong từng giai đoạn nhằm đạt được hiệu quả Marketing và bán hàng cao nhất.

Khi tất cả các hoạt động truyền thông tiếp thị phù hợp với ba yếu tố chiến lược nói trên, chiến dịch IMC có thể sẽ đạt phạm vi tiếp cận khách hàng mục tiêu lớn nhất, trong khi đảm bảo yêu cầu tối ưu hóa về chi phí cũng như đạt tỷ suất lợi nhuận ROI cao nhất.

Các chiến thuật Marketing đặc biệt trong IMC Plan

SEO – Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm

SEO (viết tắt của Search Engine Optimization) là một trong các chiến thuật Marketing đặc biệt quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào ở mọi lĩnh vực kinh doanh và mọi quy mô.

Khi triển khai SEO, mục tiêu hàng đầu chính là thu hút được lưu lượng truy cập chất lượng cao từ các công cụ tìm kiếm thông qua việc cung cấp các nội dung hữu ích ưu tiên người dùng phối hợp với các hoạt động tối ưu trên trang và ngoài trang.

Ưu điểm của SEO chính là bạn sẽ có được các lưu lượng truy cập miễn phí nhờ việc lên Top Google Organic Search, nhưng hai nhược điểm lớn nhất của nó chính là tốn nhiều thời gian để mang lại hiệu quả, cũng như đòi hỏi việc đầu tư nghiêm túc cho hoạt động Content Marketing.

ASO – Tối ưu hóa kho ứng dụng di động

ASO (viết tắt của App Store Optimization) tương tự với SEO, nhưng nó là chiến thuật Marketing dành riêng cho các sản phẩm là ứng dụng di động.

Nói cách khác, nếu bạn không tạo ra một ứng dụng di động cho thương hiệu của mình, bạn không thể sử dụng ASO.

Mục tiêu của ASO chính là đưa ứng dụng di động lên Top các kho ứng dụng di động, để nó luôn nằm trong danh sách ứng dụng được đề xuất hoặc trendy.

Chiến thuật ASO có thể mang lại hiệu quả rất nhanh chóng trong vòng vài ngày kể từ khi triển khai, nhưng đôi khi, nó sẽ mất hàng tháng trời nếu phải cạnh tranh với những ứng dụng phổ biến hàng đầu.

Quảng cáo PPC trực tuyến

Quảng cáo PPC trực tuyến là chiến thuật Marketing hàng đầu mà gần như 100% các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đều sử dụng cho các chiến dịch IMC của mình.

Quảng cáo PPC mang lại hiệu quả rất nhanh, và chỉ cần bạn còn ngân sách đầu tư cho nó, thì thương hiệu của bạn sẽ tiếp tục được xuất hiện trước mắt của khách hàng mục tiêu.

Mặt khác, bạn có thể sử dụng quảng cáo PPC để xây dựng thương hiệu hoặc gia tăng doanh số bán hàng tùy theo nhu cầu của mình.

Tại Việt Nam, những nền tảng quảng cáo PPC trực tuyến phổ biến và hiệu quả nhất là Google Ads và Facebook Ads.

Mẫu kế hoạch truyền thông tiếp thị tích hợp dạng thu gọn

Bất kể bạn đang tập trung vào Digital Marketing hay một chiến thuật Marketing cụ thể nào đó, thì một mẫu kế hoạch IMC thu gọn sẽ giúp bạn dễ dàng theo dõi toàn bộ kế hoạch truyền thông tiếp thị tích hợp của mình.

Mẫu IMC Plan Template thu gọn
Mẫu IMC Plan Template thu gọn

Điều bạn cần làm đối với mẫu IMC plan này rất đơn giản, chính là điền chi tiết nội dung theo hướng dẫn của từng phần, bao gồm:

  • Tóm tắt IMC plan;
  • Phân tích thị trường (gồm phân tích đối thủ cạnh tranh & phân tích SWOT);
  • Xác định đối tượng mục tiêu;
  • Định vị giá trị thương hiệu;
  • Xác định USP;
  • Mô tả chiến lược sáng tạo;
  • Liệt kê các công cụ và chiến thuật Marketing;
  • Xây dựng ngân sách cho từng chiến thuật;
  • Đặt lịch trình;
  • Đánh giá.

Dưới đây là link download miễn phí mẫu kế hoạch truyền thông tích hợp thu gọn:

Định dạng Excel (.xlsx) | Định dạng Word (.docx) | Định dạng PDF

Mẫu tóm tắt IMC plan cả năm

Mẫu tóm tắt IMC plan này dùng để tổng hợp các kế hoạch truyền thông tiếp thị hàng tháng, hàng quý và cả năm, trong đó mỗi tháng được chia thành các tuần nhỏ hơn để kế hoạch trở nên chi tiết.

Mẫu kế hoạch IMC Plan Master
Mẫu kế hoạch IMC Plan Master

Bạn có thể sử dụng mẫu này kết hợp với các công thức Excel để tạo thành file IMC plan master dùng cho mọi trường hợp.

Download mẫu IMC Plan Master cho cả năm: Tải file Excel (.xlsx)

IMC Budget Plan Template – Mẫu xây dựng ngân sách cho chiến dịch IMC

Mẫu IMC Budget Plan  Template sẽ giúp bạn nhanh chóng vạch ra một kế hoạch phân bổ ngân sách cho chiến dịch IMC của mình.

Mẫu IMC Budget Plan Template của SmartSheet
Mẫu IMC Budget Plan Template của SmartSheet

Download mẫu IMC Budget Plan Template của Smartsheet (file Excel) tại đây

Mẫu tiểu luận: Lập kế hoạch IMC hoàn chỉnh cho siêu thị Kmart

Đây là kế hoạch truyền thông tiếp thị tích hợp do Stephanie Marchant, hiện là Cố vấn học thuật của trường Georgia Highlands College, thực hiện vào năm 2013.

Nhắm vào nhóm đối tượng mục tiêu là nữ giới trong độ tuổi từ 18 – 45, tác giả đã thực hiện phân tích SWOT và trình bày kế hoạch chi tiết bao gồm các chiến lược Marketing, sáng tạo, truyền thông mạng xã hội, quan hệ công chúng, cùng với các đề xuất về Marketing trực tiếp và khuyến mại.

Sau đó, sơ đồ flowchart về lịch trình triển khai và kế hoạch phân bổ ngân sách hoàn chỉnh được trình bày trong kế hoạch IMC, và cuối cùng là các tiêu chuẩn đánh giá đo lường hiệu quả của chiến dịch

Link download PDF free tại Slideshare: Kmart Intergrated Marketing Communication Plan

Mẫu xây dựng kế hoạch IMC cho sản phẩm Toyota Prius

Đây là mẫu kế hoạch truyền thông tiếp thị tích hợp cho sản phẩm xe Toyota Prius ra mắt tại thị trường Anh quốc.

Phân tích thị trường đã định vị thị trường mục tiêu gồm hai nhóm: khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.

Dựa trên các yếu tố nhân khẩu học, tâm lý học và địa lý, phân tích SWOT đã được áp dụng, làm nền tảng cho việc đề xuất mục tiêu của chiến dịch IMC cũng như xây dựng các chiến lược sáng tạo và Marketing Mix, bao gồm: PR, Quảng cáo, Gửi thư trực tiếp, và Bán hàng cá nhân.

Cuối cùng, ngân sách cho chiến dịch được lên kế hoạch, nhưng có sự thay đổi trong dự chi ngân sách, từ khoản chi cố định 3 triệu bảng Anh hàng năm sang đề xuất chi lần lượt 4 triệu, 3 triệu và 2 triệu bảng Anh qua mỗi năm.

Khoản ngân sách đầu tư lớn nhất dành cho hoạt động quảng cáo trên TV và quảng cáo in ấn.

Link download PDF free tại Slideshare: Toyota Prius Intergrated Marketing Communication Plan 2003

Tóm lại về IMC Plan cho doanh nghiệp

Như vậy, bạn đã tìm hiểu qua những kiến thức quan trọng nhất về IMC và Truyền thông tiếp thị tích hợp.

Một số điểm quan trọng nhất mà bạn cần nhớ gồm có:

  • IMC tác động phần lớn đến giai đoạn nhận thức về thương hiệu.
  • Xây dựng chân dung đối tượng mục tiêu và phân tích insight một cách thấu đáo và kỹ lưỡng.
  • Mục tiêu Marketing trong kế hoạch IMC cần đảm bảo nguyên tắc SMART.
  • Do giới hạn về nguồn lực doanh nghiệp, không phải mọi hoạt động truyền thông tiếp thị đều có thể đưa vào IMC Plan, nhưng bạn cần có sự hiện diện nổi bật ở bất kỳ kênh Marketing và truyền thông nào mà bạn đang sử dụng.

Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về kế hoạch IMC, hãy dành chút thời gian xem qua một số câu hỏi thường gặp dưới đây hoặc để lại ý kiến trong phần bình luận của bài viết này nhé.

Câu hỏi thường gặp về lập kế hoạch IMC cho công ty

IMC Plan là gì?

IMC plan là bản kế hoạch tổng thể đề cập đến sự phối hợp nhiều hoạt động truyền thông và Marketing khác nhau nhằm giúp doanh nghiệp đưa ra thông điệp nhất quán, rõ ràng và thu hút về thương hiệu và sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Chiến lược IMC là gì?

Chiến lược IMC là loại chiến lược đưa các hoạt động Marketing đang hoạt động riêng lẻ sang cách hoạt động liên kết và bổ trợ lẫn nhau.

Nhược điểm của IMC là gì?

  • Chi phí cao: Việc triển khai đồng thời hàng loạt các hoạt động truyền thông Marketing rất tốn kém bởi các chi phí cho việc sáng tạo, sản xuất và phân phối nội dung.
  • Thách thức giữa toàn cầu hóa và địa phương hóa: Một chiến dịch truyền thông tại Việt Nam có thể sẽ không hiệu quả nếu áp dụng tương tự tại Trung Quốc và ngược lại, do sự khác biệt về văn hóa, công nghệ, chính trị và hàng loạt các yếu tố địa phương khác.
  • Quá nhiều thông tin: Rất nhiều người làm Marketing mắc sai lầm khi tạo ra hàng tấn nội dung khác nhau để chia sẻ người dùng khiến cho họ bị quá tải thông tin.
  • Khó khăn trong việc đo lường ROI: Quá nhiều kênh truyền thông tiếp thị trong một chiến dịch IMC dẫn đến việc chứng minh hiệu quả của từng kênh trở nên phức tạp và đầy thách thức.
  • Không dành cho mọi doanh nghiệp: Do hạn chế về nguồn lực, một chiến dịch IMC có thể không phù hợp với các doanh nghiệp quy mô nhỏ hoặc các startup khởi nghiệp.

Mục tiêu chính của IMC là gì?

Mục tiêu chính của IMC là đảm bảo khách hàng nhận được cùng một loại thông điệp khi họ tương tác với thương hiệu của công ty dù theo nhiều cách khác nhau.

5/5 (1 Review)

Vũ Đăng Chung

Xin chào, tôi là một freelancer chuyên về SEO Marketing. Tôi đã dành 4 năm để làm công việc Digital Marketing và viết Content tại các công ty thuộc nhiều lĩnh vực như làm đẹp & thẩm mỹ, thiết bị công nghiệp, thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến... trước khi chuyển sang làm SEO full-stack từ năm 2016. Cần liên hệ tôi? Vui lòng gửi yêu cầu đến địa chỉ email: chung250190@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *