6 điều cần lưu ý khi sử dụng ChatGPT để viết content SEO

Sử dụng ChatGPT để SEO là một ý tưởng rất khả thi và hấp dẫn, nhưng hãy lưu ý 6 điều này khi viết content bằng ChatGPT nếu muốn an toàn trước thuật toán Google.

Trong khi rất nhiều người còn chưa biết hoặc đang tìm hiểu ChatGPT là gì, những người làm SEO Marketing như tôi đã nhìn thấy được tiềm năng to lớn của nó đối với việc xây dựng nội dung website chuẩn SEO.

Lý do rất dễ hiểu: Chất lượng nội dung mà công cụ AI này tạo ra thật sự rất tuyệt vời.

Tuy nhiên, nếu bạn đang có ý định dùng nó này cho công việc Content Writing của mình, hãy tìm hiểu kỹ những thông tin dưới đây nếu không muốn bị các công cụ tìm kiếm như Google trừng phạt.

Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bảo hộ bản quyền nội dung trên DMCA (Xem chi tiết tại đây), vui lòng trích dẫn nguồn kèm link bài viết nếu muốn sử dụng thông tin trong bài viết của tôi để đăng tải trên những website khác.

Vì sao ChatGPT có thể tạo ra content chất lượng cao?

ChatGPT do OpenAI phát triển là biến thể của InstructGPT dựa trên nền tảng của GPT-3.5, là một loại máy học (machine learning) được gọi là Large Learning Model với 175 tỷ thông số, có khả năng phản hồi và xử lý các yêu cầu phức tạp ngay lập tức (VD: viết tiểu luận, trả lời câu hỏi, tạo văn bản…)

ChatGPT không được đào tạo nhằm mục đích thực hiện một tác vụ cụ thể nào đó, tuy nhiên, với những kiến thức đã được huấn luyện, nó có thể hiểu và sử dụng chúng cho nhiều mục đích khác nhau, tương tự như cách mà con người học hỏi kiến thức.

Nhờ vào khả năng này, ChatGPT có thể nhận yêu cầu hoặc hướng dẫn từ người dùng, từ đó có thể tạo ra một bài tiểu luận về hầu hết mọi chủ đề và trình bày theo cách mà nó được hướng dẫn.

Ví dụ, khi tôi thử yêu cầu ChatGPT liệt kê 5 cách thực hiện một công việc nào đó, nó đã thực hiện một cách chính xác như những gì mà tôi mong muốn.

Nói cách khác, tôi hoàn toàn có thể yêu cầu ChatGPT thay mình tạo ra nội dung cho một chủ đề cụ thể nhằm cắt giảm thời gian và công sức viết bài.

Tuy nhiên ChatGPT vẫn đang được tiếp tục phát triển, bởi vì nó vẫn còn rất nhiều điểm hạn chế, do đó, nếu bạn muốn sử dụng hệ thống AI này cho các dự án SEO của mình, hãy cẩn trọng với 6 điều dưới đây.

6 điều cần biết về ChatGPT

#1: ChatGPT không đáng tin cậy trong việc tạo ra những nội dung chính xác

ChatGPT có thể tạo ra văn bản cho hầu hết các chủ đề bởi kiến thức và dữ liệu mà nó được huấn luyện dựa trên các văn bản phổ thông.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của ChatGPT chính là nó không quan tâm đến độ chính xác của văn bản được tạo ra, bởi vì nó chỉ được huấn luyện để phỏng đoán các chữ sẽ xuất hiện tiếp theo trong một câu thuộc một đoạn văn về một chủ đề nhất định.

Nói cách khác, văn bản mà ChatGPT tạo ra có thể tạo cảm giác hợp lý và liền mạch khi đọc, nhưng rất nhiều trường hợp nó tạo ra những nội dung vô nghĩa hoặc không chính xác với dữ liệu thực tế.

Đây là điều cực kỳ quan trọng mà bất kỳ ai quan tâm đến việc viết content chất lượng phải thật sự cẩn thận, bởi tính chính xác và đáng tin cậy của văn bản là yếu tố trọng tâm trong số 4 yếu tố của nguyên tắc Double-EAT (hay EEAT) mà Google đã đưa ra vào cuối năm 2022.

#2: ChatGPT được lập trình để tránh một số loại nội dung

Nếu bạn đang xây dựng website với những nội dung bất hợp pháp, bạo lực hoặc thúc đẩy sự thù ghét, chắc chắn ChatGPT không phải là công cụ phù hợp để hỗ trợ bạn xuất bản nội dung.

Cụ thể, khi tôi hỏi ChatGPT về những chủ đề nào nó không thể thảo luận, tôi đã nhận được câu trả lời như sau:

“However, I am not programmed to engage in discussions that promote hate, violence, or illegal activities.”

Đối với tôi, đây là một điểm cộng rất lớn vì những chủ đề như vậy xứng đáng bị loại bỏ hoàn toàn khỏi Internet (và cả trong xã hội thực tế), tuy nhiên, nó có thể là một nỗi thất vọng lớn đối với những người có nhu cầu viết nội dung cho các chủ đề tương tự với tình dục lành mạnh hoặc phản ánh bạo lực gia đình.

#3: ChatGPT chưa được cập nhật các sự kiện ở hiện tại

Một hạn chế khác của ChatGPT chính là nó không nhận biết được các sự kiện xảy ra sau năm 2021, theo xác nhận của đội ngũ phát triển tại OpenAI.

Nói cách khác, bạn không thể yêu cầu ChatGPT tạo ra những loại content mang tính chất thời sự hoặc mới diễn ra gần đây, chẳng hạn như các thay đổi trong thuật toán Google năm 2022.

ChatGPT không biết về các sự kiện sau năm 2021 (Nguồn: OpenAI, 22/12/2022)
ChatGPT không biết về các sự kiện sau năm 2021 (Nguồn: OpenAI, 22/12/2022)

#4: Được lập trình để tạo ra những phản hồi mang tính chất trung lập

ChatGPT được lập trình để cung cấp các thông tin hữu ích, trung thực và vô hại, như mong muốn của các nhà phát triển.

Đây có thể là điều tốt, nhưng nó cũng khiến cho việc tạo ra những nội dung mang ý kiến hoặc quan điểm cá nhân trở nên bất khả thi nếu hệ thống không được chỉ dẫn một cách rõ ràng.

Nói đơn giản, nó cũng giống với việc bạn bắt buộc phải cầm lái và chỉ dẫn cho chiếc xe đi theo con đường mà mình mong muốn, nếu không, nó sẽ chỉ chạy theo tuyến đường an toàn mà nhà sản xuất đã đưa ra.

#5: Bạn phải đưa ra các yêu cầu rất cụ thể và chi tiết

Để ChatGPT tạo ra những nội dung có chất lượng cao, nguyên bản và có quan điểm cụ thể, bạn phải mô tả yêu cầu của mình một cách rất chi tiết.

Ví dụ, khi tôi đưa ra một yêu cầu chung chung, chẳng hạn như so sánh Omnichannel Marketing và Multilevel Marketing, hệ thống đưa ra các câu trả lời cũng rất chung chung, trong đó các khía cạnh được liệt kê một cách sơ bộ, khái quát.

Tuy nhiên, nếu tôi đặt câu hỏi về việc so sánh 2 hình thức Marketing này ở góc độ chi phí, tôi nhận được câu trả lời chi tiết hơn, tập trung hơn vào sự khác biệt về chi phí dùng cho các hoạt động Marketing ở mỗi hình thức.

Nói chung, rất nhiều người cũng sẽ đưa ra các yêu cầu chung chung cho một chủ đề nào đó, do đó, nếu bạn không muốn bị trùng lặp nội dung, hãy hướng dẫn ChatGPT bằng những yêu cầu thật chi tiết và cụ thể.

#6: Google có thể phát hiện nội dung do ChatGPT tạo ra nhờ vào watermark ẩn

Trong buổi nói chuyện tại Câu lạc bộ Effective Altruist của Đại học Texas tại Austin, Scott Aaronson, nhà nghiên cứu tại OpenAI đã nói về sự an toàn của AI, trong đó đề cập đến một dự án tạo ra watermark ẩn nằm bên trong các văn bản do các mô hình văn bản như GPT (nền tảng của ChatGPT) tạo ra.

Theo đó, Scott đã giải thích watermark ẩn được chèn một cách bí mật vào trong văn bản do GPT tạo ra trong cách lựa chọn từ ngữ, và những người nắm giữ khóa bảo mật có thể dựa vào các dấu hiệu này để xác định văn bản đó được tạo một cách tự động.

Điều này được đánh giá là bước tiến nhằm ngăn chặn vấn đề đạo văn, mặc dù bạn vẫn có khả năng “hack” để vượt qua hàng rào bảo mật đó (như tôi sẽ trình bày ở những phần tiếp theo dưới đây).

Tuy nhiên, cuộc chiến giữa hack và chống hack luôn diễn ra, và không có gì đảm bảo rằng các thủ thuật lẩn tránh thuật toán Google của bạn sẽ mãi mãi được an toàn.

Viết content chuẩn SEO bằng ChatGPT như thế nào cho an toàn?

Như đã nói, Google có thể phát hiện ra nội dung được tạo tự động bởi AI nhờ vào các bản nâng cấp thuật toán và watermark ẩn, tuy nhiên, vẫn có cách để bạn lách qua khe cửa hẹp này và phát huy lợi thế mà ChatGPT mang lại cho công việc SEO.

Đầu tiên, Google cho phép meta description được tạo tự động bằng ChatGPT

Trong hướng dẫn cách viết meta description, Google đã nói rằng “việc dùng chương trình để tạo đoạn mô tả là một cách làm phù hợp và nên áp dụng” nếu các website tổng hợp nội dung từ cơ sở dữ liệu (VD: các trang so sánh thông số kỹ thuật của sản phẩm).

Nói cách khác, sử dụng ChatGPT để tạo meta description tối ưu không vi phạm chính sách của Google.

Thứ hai, sử dụng ChatGPT để lấy ý tưởng về nội dung mới

Đối với những người làm SEO, ý tưởng về nội dung trên website thường được xây dựng nhờ vào các công cụ nghiên cứu từ khóa như Ahrefs, Ubersuggest, SEMRush hay MOZ.

Tuy nhiên, ChatGPT sẽ là một công cụ hỗ trợ tìm kiếm content idea rất tuyệt vời, bởi nó giống như một phiên bản khác của Wikipedia hay Google, nơi mà bạn có thể tìm thấy những thông tin có liên quan nhất về mọi chủ đề.

Ví dụ, khi bạn muốn tìm ý tưởng nội dung cho trang web về kem dưỡng ẩm, bạn có thể yêu cầu ChatGPT liệt kê các chủ đề phổ biến nhất có liên quan đến kem dưỡng ẩm, và công cụ này sẽ cho ra một bản danh sách không thể chê vào đâu được, tương tự như kết quả mà tôi đã nhận được trong hình dưới đây.

Sử dụng ChatGPT để tìm ý tưởng nội dung
Sử dụng ChatGPT để tìm ý tưởng nội dung

Thứ ba, sử dụng ChatGPT để lập dàn ý cho bài viết

Cũng giống với cách tìm ý tưởng nội dung mới, bạn chỉ cần yêu cầu ChatGPT liệt kê những thông tin có liên quan nhất với một chủ đề, kết quả nhận được chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.

Quay lại với ví dụ trên, giả sử tôi muốn lập dàn ý cho bài viết “How to choose the right moisturizer for your skin type”, tôi sẽ đặt yêu cầu cho ChatGPT đại loại như “List top 10 information that I should know to choose the right moisturizer for my skin type”, và ChatGPT đã đưa ra một dàn ý như hình dưới đây.

Sử dụng ChatGPT để lập dàn ý viết content cho chủ đề về kem dưỡng ẩm
Sử dụng ChatGPT để lập dàn ý viết content cho chủ đề về kem dưỡng ẩm

Thứ tư, dịch thuật các nội dung do ChatGPT tạo ra

Các nội dung do ChatGPT tạo ra chắc chắn đã được đánh dấu bằng watermark ẩn, nhưng chỉ cần dành thời gian để dịch thuật nội dung bằng các công cụ tự động như Google Translate, đồng thời bỏ một chút công sức để biên tập lại ngôn từ và nội dung, bạn sẽ có được những content cực kỳ chất lượng và nguyên bản mà không lo đến thuật toán của Google.

Thứ năm, chỉ dùng ChatGPT cho những chủ đề đã được đề cập trước năm 2021

Bạn đã biết ChatGPT không nhận biết được những sự kiện sau năm 2021, vậy thì chỉ cần sử dụng nó để tạo nội dung và tìm ý tưởng cho các chủ đề hoặc sự kiện đã diễn ra trước năm 2021 là được.

Ví dụ, blog của tôi đang tập trung vào chủ đề Digital Marketing và SEO, do đó, với những nội dung liên quan đến vấn đề học thuật (chẳng hạn Digital Marketing là gì, phân tích SWOT là gì…), tôi sẽ sử dụng ChatGPT để tìm ý tưởng, lập dàn ý và tạo văn bản.

Trong khi đó, đối với những chủ đề đòi hỏi tính mới mẻ và thời sự cao hơn, chẳng hạn như các tính năng nổi bật của Mastodon, tôi sẽ giữ các phương thức sáng tạo nội dung kiểu truyền thống của mình.

Tóm lại về việc ứng dụng ChatGPT cho SEO và Content Marketing

Nói chung, ChatGPT không chỉ hữu ích với dân lập trình, mà nó còn có tiềm năng rất lớn để ứng dụng vào các dự án SEO và Content Marketing.

Điều quan trọng ở đây là làm thế nào để bạn có thể sử dụng nó một cách an toàn và hợp lệ, bởi ChatGPT vẫn có rất nhiều hạn chế như tôi đã đề cập bên trên.

Tuy nhiên, bạn có thể khắc phục được những hạn chế đó nếu áp dụng 5 cách mà tôi đã hướng dẫn trong bài viết này.

Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến việc ứng dụng ChatGPT vào SEO và Content Marketing, hãy để lại ý kiến của mình trong phần bình luận dưới đây nhé.

Xem thêm: Cách sử dụng ChatGPT để viết content evergreen

5/5 (1 Review)

Vũ Đăng Chung

Xin chào, tôi là một freelancer chuyên về SEO Marketing. Tôi đã dành 4 năm để làm công việc Digital Marketing và viết Content tại các công ty thuộc nhiều lĩnh vực như làm đẹp & thẩm mỹ, thiết bị công nghiệp, thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến... trước khi chuyển sang làm SEO full-stack từ năm 2016. Cần liên hệ tôi? Vui lòng gửi yêu cầu đến địa chỉ email: chung250190@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *