Báo cáo ngành F&B VN 2023: Thị trường Thực phẩm & Đồ uống phát triển ra sao?

Báo cáo ngành F&B Việt Nam 2023 bao gồm số liệu thống kê từ GSO, Statista & ý kiến chuyên gia về xu hướng phát triển thị trường thực phẩm & đồ uống đến 2027.

Trong báo cáo Vietnam F&B Industry Report 2022, bạn đã xem qua xu hướng phát triển của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam dựa trên các số liệu của Kantar và Tổng Cục Thống Kê tính đến tháng 10/2022.

Tuy nhiên, có rất nhiều biến động về kinh tế, xã hội đã diễn ra trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển của thị trường, do đó, hãy xem qua một vài số liệu thống kê được tôi tổng hợp từ GSO và Statista cho ngành năm ngành F&B tại Việt Nam năm 2023 và dự đoán tình hình phát triển đến năm 2027.

Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bảo hộ bản quyền nội dung trên DMCA ngày 28/04/2023 (Link đăng ký: https://www.dmca.com/r/ge1qqe1), vui lòng trích dẫn nguồn và kèm link bài viết nếu muốn đăng tải lại thông tin trên website khác.

Tình hình kinh tế xã hội Việt Nam năm 2023

Các chỉ số kinh tế cơ bản

So với Q1/2022, tình hình kinh tế Việt Nam đầu năm 2023 có khởi sắc hơn khi GDP Q1/2023 cao hơn 3.32% nhờ vào sự tăng trưởng ở khối ngành Nông lâm ngư nghiệp và khối ngành Dịch vụ, trong khi khối ngành Công nghiệp Xây dựng bị suy giảm nhẹ.

Mặc dù vậy, các số liệu thống kê về tốc độ tăng trưởng GDP theo Quý của Việt Nam từ năm 2018 đến nay cho thấy kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại, do hệ quả từ tác động của dịch Covid-19, chiến sự giữa Nga – Ukraine và lạm phát.

Biểu đồ tăng trưởng GDP Việt Nam từ Q1/2021 đến Q1/2023 so với cùng kỳ năm trước (Nguồn dữ liệu: Tổng Cục Thống Kê; Nguồn hình ảnh: Ychoc.com)
Biểu đồ tăng trưởng GDP Việt Nam từ Q1/2021 đến Q1/2023 so với cùng kỳ năm trước (Nguồn dữ liệu: Tổng Cục Thống Kê; Nguồn hình ảnh: Ychoc.com)

Điều này cũng khiến cho chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh trong Q1/2023, cao hơn 4.18% so với cùng kỳ năm trước, tác động rất lớn đến khả năng chi tiêu mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam trong giai đoạn đầu năm 2023.

Thống kê % thay đổi CPI của Việt Nam từ Q1/2021 đến Q1/2023 (Nguồn hình ảnh: Ychoc.com)
Thống kê % thay đổi CPI của Việt Nam từ Q1/2021 đến Q1/2023 (Nguồn hình ảnh: Ychoc.com)

Tổng quan tình hình thị trường F&B Việt Nam năm 2023

F&B là viết tắt của cụm từ Food And Beverage, thường được gọi là ngành Thực phẩm & Đồ uống, ám chỉ mảng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dùng để ăn uống (không bao gồm thuốc men và các loại thực phẩm chức năng hấp thụ qua đường tiêu hóa).

Theo báo cáo Q1/2023 của Tổng Cục Thống Kê, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành đồ uống cao hơn 27.3% so với Quý 1/2022, giảm từ mức tăng trưởng 74.8% ở thời điểm Q3/2022 so với cùng kỳ năm trước.

Điều này cho thấy thị trường đồ uống đã mất động cơ tăng trưởng mạnh từ hoạt động mở cửa nền kinh tế sau dịch Covid-19, và ngành sản xuất đồ uống của Việt Nam đang có xu hướng quay lại với mốc tăng trưởng ở thời kỳ trước dịch.

% thay đổi chỉ số sản xuất công nghiệp theo quý của ngành đồ uống so với cùng kỳ năm trước, giai đoạn từ Q1/2018 - Q1/2023 (Nguồn: GSO, Ychoc.com)
% thay đổi chỉ số sản xuất công nghiệp theo quý của ngành đồ uống so với cùng kỳ năm trước, giai đoạn từ Q1/2018 – Q1/2023 (Nguồn: GSO, Ychoc.com)

Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành thực phẩm Việt Nam ở quý 1/2023 cao hơn 3.4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng ở thời điểm trước dịch Covid-19.

% thay đổi chỉ số sản xuất công nghiệp theo quý của ngành thực phẩm so với cùng kỳ năm trước, giai đoạn từ Q1/2018 - Q1/2023 (Nguồn: GSO, Ychoc.com)
% thay đổi chỉ số sản xuất công nghiệp theo quý của ngành thực phẩm so với cùng kỳ năm trước, giai đoạn từ Q1/2018 – Q1/2023 (Nguồn: GSO, Ychoc.com)

Điều này cho thấy hoạt động sản xuất thực phẩm đang gặp một số vấn đề khó khăn, mà nguyên nhân chính có thể đến từ việc yếu tố lạm phát tăng cao khiến cho nhu cầu tiêu thị của thị trường bị giảm sút, đồng thời đẩy chi phí sản xuất lên mức cao.

Xét trong phạm vi khu vực Đông Nam Á, quy mô thị trường F&B Việt Nam năm 2022 ở mức 26 tỉ USD, so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á

Ngành F&B bao gồm những phân khúc nào?

Phân khúc thị trường thực phẩm trong ngành F&B

Thị trường thực phẩm trong ngành F&B ám chỉ hoạt động kinh doanh tất cả các loại thực phẩm giúp bổ sung giá trị dinh dưỡng cho cơ thể, bao gồm cả thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến.

Thị trường thực phẩm được chia thành 13 phân khúc như sau:

  • Sản phẩm từ sữa & Trứng: bao gồm các sản phẩm từ động vật, chẳng hạn như sữa, trứng và các sản phẩm làm từ sữa của động vật có vú và các sản phẩm phi động vật, chẳng hạn như sản phẩm thay thế sữa. Phân khúc này được chia thành sáu phân khúc nhỏ bao gồm sữa, sản phẩm thay thế sữa, sữa chua, pho mát, trứng và các sản phẩm từ sữa và trứng khác.
  • Thịt: bao gồm các sản phẩm động vật, chẳng hạn như thịt lợn, thịt gia cầm và các sản phẩm không chứa thịt, chẳng hạn như sản phẩm thay thế thịt. Phân khúc này được chia thành ba phân khúc nhỏ, gồm có thịt tươi, thịt chế biến và sản phẩm thay thế thịt.
  • Cá & Hải sản: bao gồm các sản phẩm làm từ cá và hải sản. Phân khúc này được chia thành ba phân khúc nhỏ, gồm có cá tươi, hải sản tươi sống và cá & hải sản chế biến.
  • Trái cây và Hạt: bao gồm các loại trái cây và hạt ăn được. Phân khúc này được chia thành ba phân khúc nhỏ: trái cây tươi, trái cây chế biến và đông lạnh, và các loại hạt.
  • Rau củ: bao gồm các loại rau ăn được. Phân khúc này được chia thành hai phân khúc nhỏ, gồm có rau tươi, rau chế biến và rau đông lạnh.
  • Bánh mì & Ngũ cốc: bao gồm các loại bánh nướng làm từ bột nhào và các sản phẩm làm từ ngũ cốc thường được sử dụng như một phần của bữa ăn chính. Phân khúc này được chia thành năm phân khúc nhỏ, gồm có bánh mì, mì ống, gạo, ngũ cốc ăn sáng và các sản phẩm ngũ cốc khác.
  • Dầu và Chất béo: bao gồm cả dầu ăn và chất béo làm từ động vật và thực vật. Phân khúc này được chia thành bốn phân khúc nhỏ, gồm có bơ, bơ thực vật, dầu ăn và các loại dầu & chất béo khác.
  • Nước sốt & Gia vị: bao gồm các nguyên liệu bổ sung được sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm và được chia thành ba phân khúc nhỏ, gồm có tương cà, các loại nước sốt khác, gia vị và thảo mộc ẩm thực.
  • Thực phẩm tiện lợi: bao gồm thực phẩm chế biến sẵn và các bữa ăn đòi hỏi ít nỗ lực để chuẩn bị. Phân khúc này được chia thành hai phân khúc nhỏ, súp và bữa ăn sẵn.
  • Chất phết và Chất làm ngọt: bao gồm các thực phẩm dạng đặc sệt dùng để quét (phết) lên thực phẩm và nguyên liệu tạo độ ngọt cho thực phẩm hoặc đồ uống. Phân khúc này được chia thành hai phân khúc nhỏ, gồm có chất phết và chất làm ngọt.
  • Bánh kẹo & Đồ ăn vặt: bao gồm hai phân khúc nhỏ là bánh kẹo và đồ ăn nhẹ.
  • Thức ăn trẻ em: bao gồm các loại thực phẩm chỉ dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Thức ăn cho vật nuôi: bao gồm thức ăn chỉ dành cho vật nuôi.

Phân khúc thị trường đồ uống trong ngành F&B

Thị trường đồ uống trong ngành F&B đề cập đến việc sản xuất các loại đồ uống có cồn và không cồn, bao gồm nước, nước ngọt, nước ép trái cây, trà, cà phê, bia, rượu vang, rượu mạnh và đồ uống có cồn khác.

Thị trường đồ uống được chia thành ba phân khúc chính như sau:

  • Đồ uống có cồn: bao gồm tất cả các loại đồ uống có cồn được sản xuất bằng phương pháp lên men hoặc chưng cất. Phân khúc này được chia thành năm phân khúc nhỏ, gồm có bia, rượu mạnh, rượu vang, rượu không làm từ nho hoặc ngũ cốc, và Hard Seltzer.
  • Đồ uống không cồn: bao gồm tất cả các loại đồ uống không chứa cồn, nhưng loại trừ các loại đồ uống nóng như cà phê, trà, cacao.
  • Đồ uống nóng: bao gồm các loại cà phê, trà và ca cao cần sử dụng nước nóng để pha chế trước khi uống. Phân khúc này không bao gồm các loại thức uống đóng chai có nguồn gốc từ trà, cà phê và ca cao.

Dự báo xu hướng phát triển ngành thực phẩm Việt Nam từ 2023 – 2027

Dự báo doanh thu từ phân khúc thực phẩm của Việt Nam

Theo dự báo của Statista, thị trường thực phẩm của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt mức 96.47 tỉ USD, tăng 9% so với năm 2022, và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2023 – 2027 đạt khoảng 8.22%/năm.

Du báo doanh thu ngành thực phẩm Việt Nam từ năm 2014 - 2022 và dự báo từ 2023 - 2027 (Nguồn: Statista, 03/2023)
Du báo doanh thu ngành thực phẩm Việt Nam từ năm 2014 – 2022 và dự báo từ 2023 – 2027 (Nguồn: Statista, 03/2023)

Như vậy, doanh thu của ngành thực phẩm Việt Nam nhỏ hơn khoảng 14.4 lần so với thị trường Trung Quốc, khi thị trường này được dự báo sẽ đạt mức 1.388 ngàn tỉ USD vào năm 2023.

Trong số các phân khúc của ngành thực phẩm Việt Nam, phân khúc Bánh kẹo và Đồ ăn nhẹ chiếm tỉ trọng lớn nhất là 14.6%, với khối lượng thị trường đạt khoảng 14.13 tỉ USD trong năm 2023.

Lưu ý rằng, doanh thu đến từ mảng bán thực phẩm trực tuyến chỉ chiếm khoảng 1.2% tổng doanh thu của ngành, nói cách khác, người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích mua sắm thực phẩm tại các cửa hàng, siêu thị bán lẻ hiện đại và chợ truyền thống thay vì đặt hàng online.

Dưới đây là bảng so sánh ngành thực phẩm Việt Nam so với các quốc gia Đông Nam Á khác:

Dự báo doanh thu ngành thực phẩm của 11 quốc gia Đông Nam Á trong năm 2023 (Nguồn: Statista, 03/2023)
Quốc giaDoanh thu 2023Tăng trưởng so với 2022Tốc độ gia tăng trung bình hàng năm, 2023 – 2027
Việt Nam96.47 tỉ USD9%8.22%
Lào6.745 tỉ USD11.2%6.18%
Campuchia8.55 tỉ USD10%7.17%
Indonesia289.3 tỉ USD9.3%6.11%
Malaysia51.08 tỉ USD9.2%7.95%
Myanmar26.99 tỉ USD14.7%13.28%
Brunei819.3 triệu USD4.3%3.17%
Philippines134.6 tỉ USD11.2%7.07%
Singapore10.1 tỉ USD2.2%1.95%
Thái Lan70.7 tỉ USD8.3%5.23%
Timor-Leste675.9 triệu USD14.3%8.01%

Nếu so sánh trong phạm vi Đông Nam Á, ngành thực phẩm Việt Nam đang xếp thứ ba (sau Indonesia và Philippines), tốc độ tăng trưởng dự kiến so với 2022 xếp thứ tám, và tốc độ phát triển thị trường bình quân (CAGR) đến năm 2027 xếp thứ hai so với các quốc gia trong khu vực.

Để tìm hiểu chi tiết về xu hướng phát triển của 13 thị trường nhỏ trong phân khúc Thực phẩm của Việt Nam, hãy xem bài viết: Báo cáo ngành thực phẩm Việt Nam 2023 và xu hướng đến 2027

Dự báo doanh thu từ phân khúc Đồ uống của Việt Nam

Theo số liệu tháng 3/2023 của Statista, doanh thu thị trường đồ uống của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt mức 27.121 tỉ USD, trong đó, phân khúc Đồ uống không cồn và Đồ uống nóng đóng góp tỷ trọng cao nhất (lần lượt là 37.7% và 36.7%), và cũng là hai phân khúc có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Cụ thể, theo dự báo, phân khúc Đồ uống không cồn sẽ đạt mức doanh thu 10.22 tỉ USD trong năm 2023, cao hơn 10.4% so với năm 2022, và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2023 – 2028 đạt 6.28%/năm.

Dự báo doanh thu từ phân khúc thị trường Đồ uống không cồn tại Việt Nam năm 2023 (Nguồn: Statista, 03/2023)
Dự báo doanh thu từ phân khúc thị trường Đồ uống không cồn tại Việt Nam năm 2023 (Nguồn: Statista, 03/2023)

Trong khi đó, phân khúc Đồ uống nóng sẽ đạt doanh thu 9.96 tỉ USD vào năm 2023, cao hơn 10% so với doanh thu 2022, và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 2023 đến 2028 là 3.93%.

Dự báo doanh thu từ phân khúc thị trường Đồ uống nóng tại Việt Nam năm 2023 (Nguồn: Statista, 06/2022)
Dự báo doanh thu từ phân khúc thị trường Đồ uống nóng tại Việt Nam năm 2023 (Nguồn: Statista, 06/2022)

Ngược lại, phân khúc Đồ uống có cồn dự kiến sẽ đạt doanh thu 6.941 tỉ USD trong năm 2023, giảm 1.4% so với năm 2022, chủ yếu do tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP của chính phủ khiến người tiêu dùng Việt Nam ngần ngại tiêu thụ các loại rượu bia để tránh bị xử phạt.

Dự báo doanh thu từ phân khúc thị trường Đồ uống có cồn tại Việt Nam năm 2023 (Nguồn: Statista, 01/2023)
Dự báo doanh thu từ phân khúc thị trường Đồ uống có cồn tại Việt Nam năm 2023 (Nguồn: Statista, 01/2023)

Bên cạnh đó, hoạt động tăng cường kiểm soát việc tuân thủ các quy định phòng cháy chữa cháy tại Việt Nam từ năm 2022 vẫn đang được các cơ quan nhà nước tiếp tục triển khai, khiến hàng loạt quán karaoke, quán bar và vũ trường ngừng hoạt động, tác động rất lớn đến khả năng tiêu thụ các loại đồ uống có cồn.

Tóm lại về báo cáo ngành F&B Việt Nam 2023

Như vậy, bạn đã xem qua các số liệu thống kê về ngành F&B Việt Nam và dự báo của các chuyên gia về xu hướng phát triển của thị trường này từ năm 2023 đến năm 2027.

Dữ liệu thống kê trong bài viết này được tôi tổng hợp chủ yếu từ website của Tổng Cục Thống Kê và đánh giá của các chuyên gia phân tích từ Statista nhằm đảm bảo độ tin cậy và tính chính xác của nguồn thông tin.

Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về báo cáo ngành F&B Việt Nam năm 2023, hãy để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.

>> Xem thêm: Báo cáo thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam 2023

5/5 (1 Review)

Vũ Đăng Chung

Xin chào, tôi là một freelancer chuyên về SEO Marketing. Tôi đã dành 4 năm để làm công việc Digital Marketing và viết Content tại các công ty thuộc nhiều lĩnh vực như làm đẹp & thẩm mỹ, thiết bị công nghiệp, thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến... trước khi chuyển sang làm SEO full-stack từ năm 2016. Cần liên hệ tôi? Vui lòng gửi yêu cầu đến địa chỉ email: chung250190@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *