Bạn đang tìm hiểu thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam? Xem ngay báo cáo Vietnam Online Food Delivery Market 2023 & dự báo xu hướng đến 2027 của Statista, Momentum Works, IMARC…
Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bảo hộ nội dung trên DMCA (Link đăng ký: https://www.dmca.com/r/dejx2g2), vui lòng trích dẫn nguồn kèm link bài viết nếu muốn sử dụng lại thông tin để đăng tải trên website khác.
Dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến là gì?
Giao đồ ăn trực tuyến (còn gọi là Online Food Delivery hay đặt đồ ăn trực tuyến) là ngành dịch vụ được ra đời từ sự kết hợp giữa dịch vụ ăn uống, kinh doanh hàng tạp hóa và dịch vụ giao hàng tại nhà, trong đó khách hàng đặt đơn hàng thông qua một nền tảng như website hoặc ứng dụng di động và đợi các đơn vị vận chuyển giao hàng đến địa chỉ của mình.
Các hình thức kinh doanh của dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến
Thị trường dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến được chia thành hai nhóm dịch vụ chính, bao gồm dịch vụ giao bữa ăn và dịch vụ giao hàng tạp hóa.
- Dịch vụ giao bữa ăn (Meal Delivery): là dịch vụ vận chuyển các món ăn và đồ uống đã được chế biến sẵn cho khách hàng có nhu cầu sử dụng ngay. Dịch vụ này có thể được cung cấp trực tiếp bởi các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống như nhà hàng, quán ăn (ví dụ: The Pizza Company, Pizza Hut, Pizza\’s Domino…), hoặc được cung cấp bởi một nền tảng giao hàng trung gian có liên kết với các đối tác đang kinh doanh dịch vụ ăn uống (ví dụ: GrabFood, ShopeeFood, Baemin…).
- Dịch vụ giao hàng tạp hóa (Grocery Delivery): là dịch vụ vận chuyển các loại thực phẩm ăn uống chưa qua chế biến, hàng gia dụng, sản phẩm chăm sóc cá nhân và các mặt hàng tiêu dùng trong gia đình khác. Tại Việt Nam, thị trường này chủ yếu là sự cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển cho các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm, cùng với đó là hệ thống các siêu thị đang cung cấp dịch vụ đặt hàng trực tuyến như Coop Mart, Bách Hóa Xanh.
Giới thiệu thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại các quốc gia Đông Nam Á
SEA Online Food Delivery Market: Tổng quan thị trường giao đồ ăn trực tuyến Đông Nam Á đầu năm 2023
Theo báo cáo thị trường giao đồ ăn trực tuyến năm 2023 của Momentum Works, tính đến cuối năm 2022, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của các nền tảng giao đồ ăn trực truyến tại Đông Nam Á chỉ tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 16.3 tỉ USD.
Ba thị trường đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng GMV của ngành giao đồ ăn trực tuyến Đông Nam Á là Philippines, Malaysia và Việt Nam, nhờ vào sự tăng cường hoạt động chiếm lĩnh thị trường của Grab và ShopeeFood.
Ngược lại, ba thị trường giao đồ ăn trực tuyến lớn nhất tại Đông Nam Á gồm có Indonesia, Thái Lan và Singapore chứng kiến sự suy giảm về tổng giá trị hàng hóa.
Cụ thể, tại Singapore, nhu cầu ăn uống tại chỗ tăng lên sau khi thị trường mở cửa thị trường trở lại, còn tại Thái Lan, việc chính phủ rút trợ cấp từ sau tháng 10 cũng như tình hình lũ lụt đóng vai trò quan trọng khiến nhu cầu đặt đồ ăn trực tuyến bị suy giảm.
Bên cạnh đó, trong số các thương hiệu giao đồ ăn trực tuyến, Grab là thương hiệu dẫn đầu tại thị trường Việt Nam và Malaysia, đóng góp đến 54% tổng giá trị hàng hóa của toàn bộ các thị trường tại Đông Nam Á, và cũng là thương hiệu duy nhất tăng trưởng liên tục trong vòng 3 năm, từ 2020 đến 2022, với lượng tiền mặt thanh khoản lớn nhất (5.6 tỉ USD).
Dự báo xu hướng phát triển thị trường Online Food Delivery Đông Nam Á từ năm 2023 – 2027
Theo báo cáo ASEAN Online Food Delivery của Statista vào tháng 8/2023, các chuyên gia đưa ra dự báo xu hướng phát triển của thị trường dịch vụ giao hàng trực tuyến Đông Nam Á trong giai đoạn từ năm 2023 – 2027 như sau:
- Kết thúc năm 2023, thị trường giao đồ ăn trực tuyến Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt doanh thu 30.12 tỉ USD, tăng 26.6% so với cùng kỳ năm trước, và tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2023 – 2027 là 17.25%, đạt 56.92 tỉ USD năm 2027.
- Trong khi đó, mảng dịch vụ giao hàng tạp hóa sẽ chiếm tỉ trọng lớn nhất với giá trị thị trường dự kiến đạt 18.79 tỉ USD vào cuối năm 2023, và sẽ đạt mức tăng trưởng 28.8% vào năm 2024.
- Mặc dù vậy, doanh thu dự kiến năm 2023 của thị trường Đông Nam Á chỉ bằng 7.6% so với Trung Quốc, khi thị trường đông dân nhất thế giới được dự đoán sẽ đạt mức doanh thu lên đến 395.5 tỉ USD.
- Theo dự báo, trong năm 2023 trung bình mỗi người dân Đông Nam Á sẽ chi 167.2 USD (trên dưới 4 triệu đồng) cho dịch vụ giao hàng tạp hóa.
- Đến năm 2027, phân khúc dịch vụ giao bữa ăn sẽ có lượng người dùng đạt khoảng 162.1 triệu người.
Dưới đây là một số dự báo của chuyên gia về tình hình doanh thu thị trường giao hàng trực tuyến giữa các quốc gia Đông Nam Á trong giai đoạn từ 2023 – 2027:
Quốc gia | Doanh thu 2023 (dự kiến) | Tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước | CAGR 2023 – 2027 |
---|---|---|---|
Việt Nam | 1.93 tỉ USD | 29.5% | 15.29% |
Thái Lan | 3.79 tỉ USD | 27.2% | 13.46% |
Cambodia | 134.6 triệu USD | 23.6% | 21.44% |
Singapore | 1.46 tỉ USD | 13.2% | 7.91% |
Lào | 182.6 triệu USD | 27.7% | 24.26% |
Brunei | 42.21 triệu USD | 1.7% | 5.41% |
Malaysia | 2.31 tỉ USD | 22.2% | 14.28% |
Indonesia | 16 tỉ USD | 30.8% | 20.03% |
Timor-Leste | 9.62 triệu USD | 30.7% | 23.65% |
Philippines | 3.83 tỉ USD | 17.1% | 13.07% |
Myanmar | 449.7 triệu USD | 26.9% | 23.79% |
Như vậy, tổng doanh thu dự kiến của thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam trong năm 2023 xếp thứ 5 giữa các quốc gia Đông Nam Á, sau Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia, nhưng có tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước xếp thứ 3 và tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép giai đoạn 2023 – 2027 chỉ xếp sau Indonesia.
Với quy mô dân số nằm trong top đầu Đông Nam Á, Việt Nam đang cho thấy nhiều tiềm năng để thúc đẩy sự phát triển của thị trường giao đồ ăn trực tuyến trong những năm tiếp theo.
Báo cáo thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam 2023 & dự báo xu hướng phát triển đến năm 2027
Vietnam Online Food Delivery Market 2023: Tổng quan thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam
Theo báo cáo của tập đoàn IMARC, quy mô thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đã đạt mức 727.9 triệu USD vào năm 2022, và được thúc đẩy bởi một số yếu tố sau đây:
- Sự tiện lợi & dễ tiếp cận.
- Sự đa dạng về các loại thực phẩm trên các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến.
- Nhu cầu cải thiện hiệu quả hoạt động của nhà bán hàng.
- Nhu cầu khắc phục tính bất ổn khi phục vụ khách hàng qua telesale & bán hàng trực tiếp.
- Giảm bớt gánh nặng của việc tự xây dựng hệ thống quản lý đơn hàng trực tuyến.
- Nhân khẩu học.
Sự tiện lợi & dễ tiếp cận
Yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam là sự tiện lợi và dễ dàng tiếp cận.
Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số cũng như tác động từ các biện pháp giãn cách xã hội của chính phủ trong thời kỳ dịch Covid-19 khiến cho hành vi người tiêu dùng đang dần thay đổi, từ đó giúp định hình lại vai trò và giá trị của thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam.
Ngoài ra, thực phẩm được đặt hàng thông qua các trang web và ứng dụng trực tuyến mang đến cho khách hàng sự tiện lợi và mức độ minh bạch cao hơn, khi họ có thể so sánh thực đơn và giá cả của các nhà hàng khác nhau đối với loại thực phẩm yêu thích của mình, và dễ dàng lựa chọn được nơi cung cấp được những loại thực phẩm đó với giá tốt hơn.
Sự đa dạng về các loại thực phẩm trên các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến
Nhiều nền tảng giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đang cung cấp đa dạng các lựa chọn cho người tiêu dùng, từ các món ẩm thực truyền thống của Việt Nam, đến các loại thực phẩm của phương Tây, ẩm thực Châu Á cùng nhiều món ăn khác.
Nói cách khác, khách hàng không cần phải di chuyển nhiều nơi nhưng vẫn có thể lựa chọn được những món ăn phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của mình, đồng thời có cơ hội tìm hiểu thêm những món ăn mới lạ khác, từ đó thúc đẩy nhu cầu chung về dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam.
Nhu cầu cải thiện hiệu quả hoạt động của dịch vụ ăn uống
Nâng cao hiệu quả của các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống là một động lực chính khác của thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam.
Bằng cách mở rộng thêm các đơn đặt hàng trực tuyến, các nhà hàng, quán ăn hoặc siêu thị có thể tối ưu được thời gian lao động của nhân viên bằng cách giảm thời gian tiếp nhận đơn hàng qua điện thoại, thay vào đó tập trung nhiều hơn vào khâu phục vụ và chăm sóc khách hàng đang đang dùng bữa tại chỗ.
Ngoài ra, trong những thời điểm không có khách hàng trực tiếp, các đơn hàng trực tuyến sẽ giúp mang lại doanh số để doanh nghiệp có thể duy trì bộ máy hoạt động của mình.
Khắc phục một số vấn đề của telesale & bán hàng trực tiếp
Thông qua hệ thống đặt hàng và giao hàng trực tuyến, cơ sở dữ liệu của khách hàng được tạo ra và cập nhật đầy đủ hơn, giúp doanh nghiệp dễ dàng xác định các nhóm khách hàng khác nhau dựa trên tần suất đặt hàng, sở thích và và nội dung đơn đặt hàng của họ.
Bên cạnh đó, hệ thống đơn hàng trực tiếp giúp chuẩn hóa quy trình tiếp nhận và xử lý đơn hàng, tránh những vấn đề tiềm ẩn có thể khiến khách hàng hủy đơn hàng như thời gian chờ đặt hàng hay phong cách phục vụ không đồng nhất của các nhân viên tiếp nhận đơn hàng.
Giảm bớt gánh nặng của việc tự xây dựng hệ thống quản lý đơn hàng trực tuyến
Việc xây dựng một hệ thống đặt hàng và giao hàng trực tuyến không hề đơn giản vì doanh nghiệp có thể phải chịu thêm chi phí cho việc phát triển, cài đặt, bảo trì và marketing cho nền tảng đó, do đó chủ doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên hợp tác với các nền tảng giao hàng trực tuyến trung gian để cắt giảm chi phí và nguồn lực.
Yếu tố nhân khẩu học
Hiện nay, nhóm tuổi từ 15 đến 64 chiếm phần lớn dân số Việt Nam và cũng là nhóm nhân khẩu học quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường giao đồ ăn trực tuyến trong nước.
Các thương hiệu giao đồ ăn trực tuyến phổ biến nhất tại Việt Nam
Theo báo cáo của Statista về các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến được nhiều người sử dụng nhất năm 2022, ShopeeFood là nền tảng Food Delivery được nhiều người sử dụng nhất, tiếp đến là GrabFood, Baemin, Gojek và các thương hiệu khác.
Tên ứng dụng | Tỉ lệ người sử dụng |
---|---|
ShopeeFood | 58% |
GrabFood | 48% |
Baemin | 36% |
Gojek | 24% |
LoShip | 7% |
BeFood | 7% |
Thương hiệu khác | 13% |
Lưu ý rằng danh sách này chỉ bao gồm các nền tảng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến của bên thứ ba, chưa tính đến các dịch vụ do chính nhà bán hàng tự xây dựng và quản lý.
Xu hướng phát triển thị trường giao hàng trực tuyến tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027
Theo Statista, thị trường giao hàng trực tuyến tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027 sẽ phát triển theo các xu hướng sau:
Xu hướng chung của thị trường giao hàng trực tuyến Việt Nam
- Doanh thu thị trường giao đồ ăn trực tuyến của Việt Nam dự kiến đạt 1.93 tỷ USD vào năm 2023, cao hơn 29.5% so với năm 2022, và CAGR giai đoạn 2023 – 2027 là 15.29%, tương đương mức doanh thu 3.41 tỉ USD vào năm 2027.
- Phân khúc chiếm tỉ trọng lớn nhất của thị trường giao hàng trực tuyến tại Việt Nam là phân khúc giao hàng tạp hóa với khối lượng thị trường dự kiến là 1,39 tỷ USD vào năm 2023, và sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu 27,3% vào năm 2024.
- Tuy nhiên, doanh thu của thị trường Việt Nam năm 2023 sẽ tương đương với 0.49% doanh thu của thị trường lớn nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc.
Xu hướng phát triển của phân khúc dịch vụ giao bữa ăn trực tuyến (Meal Delivery) tại Việt Nam
- Doanh thu dự kiến của phân khúc giao bữa ăn trực tuyến tại Việt Nam dự kiến đạt 538.4 triệu USD vào năm 2023, cao hơn 19.4% so với cùng kỳ năm trước, và CAGR giai đoạn 2023 – 2027 là 5.93%, tương đương mức doanh thu 678 triệu USD vào năm 2027.
- Khi so sánh với thị trường Trung Quốc, mức doanh thu của phân khúc giao bữa ăn trực tuyến tại Việt Nam thấp hơn 315 lần.
- Tỷ lệ thâm nhập dự kiến của người dùng trong phân khúc này là 16.1% vào năm 2023, và đạt mức 19% vào năm 2027, tương đương số lượng người dùng khoảng 19.5 triệu người vào năm 2027.
- Doanh thu trung bình trên đầu người của phân khúc này dự kiến sẽ đạt 33.44 USD.
- Theo dự báo, trong phân khúc dịch vụ giao bữa ăn trực tuyến, phần lớn doanh thu được đóng góp từ dịch vụ giao hàng trực tiếp của nhà hàng (Restaurant Delivery) với tỉ trọng khoảng 78.6% vào năm 2023, còn lại là doanh thu từ các nền tảng giao hàng trung gian. Đến năm 2027, Restaurant Delivery vẫn là hoạt động mang lại doanh thu lớn nhất cho phân khúc giao bữa ăn trực tuyến tại Việt Nam.
- Trong khi đó, dịch vụ giao bữa ăn thông qua nền tảng của bên thứ ba (Platform Delivery) trong năm 2023 dự kiến sẽ tăng trưởng 19.1% so với cùng kỳ năm trước, và CAGR giai đoạn 2023 – 2027 sẽ đạt khoảng 5.48%. Tỉ lệ thâm nhập người dùng trong năm 2023 của Platform Delivery cũng sẽ đạt 2.9% vào năm 2023, và tăng lên mức 3.5% vào năm 2027 (tương đương khoảng 3.5 triệu người).
- Bình quân doanh thu trên đầu người của mảng Platform Delivery năm 2023 là 39.66 USD, trong khi đó, đối với mảng Restaurant Delivery là khoảng 28.76 USD.
Xu hướng phát triển của phân khúc dịch vụ giao hàng tạp hóa (Grocery Delivery) tại Việt Nam
- Doanh thu dự kiến của phân khúc giao hàng tạp hóa trực tuyến tại Việt Nam dự kiến đạt 1.39 tỉ USD vào năm 2023, cao hơn 35% so với cùng kỳ năm trước, và CAGR giai đoạn 2023 – 2027 là 18.49%, tương đương mức doanh thu 2.74 tỉ USD vào năm 2027.
- Khi so sánh với thị trường Trung Quốc, mức doanh thu của phân khúc giao hàng tạp hóa trực tuyến tại Việt Nam thấp hơn 162.7 lần.
- Tỷ lệ thâm nhập dự kiến của người dùng trong phân khúc này là 14% vào năm 2023, và đến năm 2027, số lượng người dùng khoảng 19.8 triệu người.
- Doanh thu trung bình trên đầu người của phân khúc này dự kiến sẽ đạt 99.68 USD vào năm 2023.
- Trong phân khúc giao hàng tạp hóa, mảng Retail Delivery (giao hàng bán lẻ) sẽ chiếm tỉ trọng lớn nhất với giá trị thị trường dự kiến là 0.86 tỉ USD vào năm 2023, tương đương 61.9% tổng doanh thu, tiếp theo mảng Quick Commerce (thương mại nhanh) với tỉ trọng 37.8%, còn lại là doanh thu từ mảng Meal Kit Delivery (giao hàng thực phẩm sơ chế).
- Đối với mảng Retail Delivery, dự kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm là 18.75% trong giai đoạn từ 2023 – 2027, tức sẽ đạt khoảng 1.71 tỉ USD vào năm 2027. Tỉ lệ thâm nhập người dùng của mảng này sẽ đạt 9.2% vào năm 2023, và tăng lên mức 12.7% vào năm 2027, tương đương số lượng người dùng đạt khoảng 13 triệu người.
- Trong khi đó, theo dự báo, mảng Quick Commerce sẽ đạt doanh thu 525.1 triệu USD vào năm 2023, tăng 39.8% so với cùng kỳ năm trước, và tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm giai đoạn 2023 – 2027 đạt 18.29%. Tỉ lệ thâm nhập người dùng của mảng Quick Commerce dự kiến sẽ đạt khoảng 7.2% vào năm 2023, và tăng lên mức 10.1% vào năm 2027 (tương đương 10.3 triệu người dùng).
Tóm lại về báo cáo thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam 2023 – 2027
Như vậy, bạn đã xem qua các số liệu thống kê quan trọng nhất của Momentum Works, Statista và IMARC về tình hình thị trường Online Food Delivery tại Đông Nam Á nói chung và thị trường dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến của Việt Nam nói riêng, cũng như dự báo của các chuyên gia về xu hướng phát triển của thị trường này trong giai đoạn 2023 – 2027.
Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về báo cáo Vietnam Online Food Delivery, hãy để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.
>> Xem thêm:
- Báo cáo ngành F&B Việt Nam 2023
- Vietnam Foodservice Report: Báo cáo ngành dịch vụ ăn uống tại Việt Nam 2023
- Báo cáo ngành thực phẩm Việt Nam 2023 & xu hướng đến 2027