Bạn muốn phân tích SWOT của Samsung trong năm 2023? Dưới đây là bản phân tích S-W-O-T của Samsung Electronics, gồm điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội & thách thức của công ty công nghệ lớn thứ ba thế giới này.
Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bảo hộ bản quyền nội dung trên DMCA (Xem chi tiết tại đây), vui lòng trích dẫn nguồn kèm link nếu muốn sử dụng lại thông tin và đăng tải trên website khác.
Tổng quan về công ty Samsung Electronics
Công ty TNHH điện tử Samsung là một công ty con thuộc tập đoàn Samsung, là công ty công nghệ có doanh thu lớn thứ ba thế giới, sau Apple và Alphabet (công ty mẹ của Google).
Công ty điện tử Samsung (sau đây gọi tắt là Samsung) chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng, các thiết bị viễn thông, chất bán dẫn và thiết bị gia dụng, là nhà sản xuất điện thoại smartphone, chip, TV và tủ lạnh lớn nhất thế giới.
Dưới đây là một số thông tin cơ bản về Samsung Electronics mà bạn cần nắm:
Tên công ty | Samsung Electronics Co., Ltd. |
---|---|
Ngày thành lập | 13/01/1969 |
Lĩnh vực hoạt động | Điện tử tiêu dùng, thiết bị viễn thông, chất bán dẫn, thiết bị gia dụng |
Phạm vi hoạt động | 79 quốc gia |
Trụ sở chính | Suwon, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc |
Doanh thu (2022) | 244.2 tỉ USD |
Lợi nhuận (2022) | 34. tỉ USD |
Nhân viên (2022) | 290 ngàn |
Công ty mẹ | Samsung Group |
Đối thủ cạnh tranh chính | Apple, Nokia, Intel, LG, Sony, Texas Instruments Inc., Lenovo, Hewlett-Packard, Haier, Midea, SK, Western Digital và các công ty sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị viễn thông, chất bán dẫn và thiết bị gia dụng khác. |
Ma trận SWOT của Samsung
Điểm mạnh | Điểm yếu |
---|---|
|
|
Cơ hội | Thách thức |
|
|
Phân tích SWOT của Samsung 2023
Các điểm mạnh của Samsung
S1: Sở hữu một trong những danh mục bằng sáng chế lớn nhất thế giới
R&D là điều kiện then chốt để các công ty thành công trong lĩnh vực công nghệ, bởi càng đầu tư nhiều cho hoạt động nghiên cứu phát triển, doanh nghiệp càng có cơ hội sáng tạo và đổi mới, từ đó mang lại những giá trị tốt nhất cho nhu cầu của khách hàng.
Theo báo cáo bán niên năm 2022 của Samsung, công ty hiện đang có 3 cấp độ R&D giúp đảm bảo khả năng phát triển bền vững cho doanh nghiệp, gồm có R&D cho hoạt động kinh doanh (tầm nhìn 1 – 2 năm), R&D cho công nghệ trung và dài hạn (tầm nhìn 3 – 5 năm), và R&D cho các công nghệ lõi được xem là hạt giống của tương lai.
Các trung tâm R&D của Samsung được rải khắp 15 quốc gia trên toàn cầu với tổng cộng 22 trung tâm, trong đó có đến 7 trung tâm chuyên về hoạt động nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) đặt tại Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Anh và Nga.
Cũng trong báo cáo này, Samsung cho biết họ đã chi gần 12178 tỉ Won cho hoạt động R&D chỉ trong nửa năm 2022, mức chi này tương đương gần 54% ngân sách đầu tư cho cả năm 2022 và gần 82% ngân sách đầu tư năm 2017, thời điểm mà Samsung được đánh giá là công ty có mức đầu tư R&D cao thứ hai trên thế giới.
Nhưng rõ ràng các hoạt động R&D này đang mang lại hiệu quả kinh doanh cho Samsung, khi tỉ lệ chi phí trên doanh thu ngày càng giảm, mặc dù ngân sách đầu tư đang có xu hướng gia tăng qua các năm, theo thống kê trong bảng dưới đây:
Nửa năm 2022 | 12178 tỉ Won |
---|---|
Tỉ lệ chi phí trên doanh thu 2022 (tạm tính) | 7.9% |
Năm 2021 | 22596 tỉ Won |
Tỉ lệ chi phí trên doanh thu 2021 | 8.1% |
Năm 2020 | 21229 tỉ Won |
Tỉ lệ chi phí trên doanh thu 2020 | 9% |
Việc gia tăng ngân sách R&D cũng giúp Samsung đi đầu trong việc tạo ra các sản phẩm mới, chẳng hạn như:
- Ra mắt TV 8K mỏng, độ phân giải cực cao dựa trên đèn LED mini.
- Ra mắt Máy giặt Grande AI 24kg có chu trình chăm sóc thú cưng.
- Tạo ra DRAM LPDDR5X, loại DRAM đầu tiên trên thế giới dành cho mobile.
- Tạo ra chip Exynos 2200, dòng chip cao cấp dùng cho mobile.
- Ra mắt IC bảo mật vân tay đơn chip S3B512C dùng cho thẻ thanh toán sinh trắc học.
- … và còn rất nhiều công nghệ mới khác.
Đặc biệt, Samsung cũng là doanh nghiệp dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế được cấp mới trong năm 2022 tại Mỹ, cao hơn gần 1.8 lần so với công ty đang xếp thứ hai là IBM.
Xếp hạng | Công ty | Số lượng 2022 | So với 2021 |
---|---|---|---|
1 | Samsung | 8513 | 0% |
2 | IBM | 4743 | -44% |
3 | LG | 4580 | 5% |
4 | Toyota | 3056 | 11% |
5 | Canon | 3046 | -10% |
6 | TSMC | 3038 | 8% |
7 | Huawei | 3023 | 3% |
8 | BOE Technology | 2725 | 27% |
9 | RTX | 2684 | 0% |
10 | Qualcom | 2656 | 22% |
Một doanh nghiệp càng sở hữu nhiều bằng sáng chế, doanh nghiệp đó càng có sức mạnh bảo vệ những yếu tố đổi mới sáng tạo khỏi bị đối thủ sao chép, và Samsung là doanh nghiệp có số lượng bằng sáng chế đăng ký tại Mỹ cao nhất thế giới, mang lại cơ sở pháp lý vững chắc để đối phó với các hành vi xâm phạm bản quyền.
Cụ thể, Samsung đang nắm trong tay hơn 223 ngàn bằng sáng chế được đăng ký trên khắp thế giới, trong đó phần lớn được đăng ký tại Mỹ, Hàn Quốc và Châu Âu và Trung Quốc.
Mỹ | 86870 |
---|---|
Hàn Quốc | 50043 |
EU | 42230 |
Trung Quốc | 20606 |
Nhật Bản | 9122 |
Khác | 14250 |
Tổng cộng | 223121 |
Điều này cho thấy vị thế cạnh tranh hàng đầu của Samsung tại các thị trường mà công ty đang hoạt động.
S2: Dẫn đầu ngành tại hầu hết các thị trường mà công ty hoạt động
Samsung là công ty công nghệ lớn thứ ba thế giới về doanh thu trong năm 2022, và là doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như:
- Sản xuất & kinh doanh TV LCD: Samsung là nhà sản xuất TV màn hình LCD lớn nhất thế giới với 19% thị phần, chiếm gần 1/5 doanh số bán TV toàn cầu trong năm 2022, bỏ xa các đối thủ đang xếp thứ hai và thứ ba là LG và TCL (Nguồn: Statista, Market share of leading LCD TV manufacturers worldwide from 2019 to 2022 by sales volume).
- Sản xuất & kinh doanh NAND flash memory: Samsung là công ty sản xuất bộ nhớ flash NAND lớn nhất thế giới trong Q3/2022, chiếm 31.4% thị phần toàn cầu, cao hơn đối thủ xếp thứ hai là Kioxia với 20.6% thị phần (Nguồn: Statista, NAND flash manufacturers revenue share worldwide from 2010 to 2022 by quarter).
- Sản xuất & kinh doanh smartphone: Samsung tiếp tục là thương hiệu smartphone bán chạy nhất thế giới kể từ năm 2021 với 259.6 triệu chiếc điện thoại đã bán ra trong năm 2022, cao hơn đối thủ Apple đang xếp ở vị trí thứ hai với 224.7 triệu chiếc (xem bảng dưới đây).
Thời điểm | Samsung | Apple |
---|---|---|
Q4/2022 | 58.3 | 70 |
Q3/2022 | 64.3 | 49.2 |
Q2/2022 | 62.5 | 46.5 |
Q1/2022 | 74.5 | 59 |
Tổng cộng 2022 | 259.6 | 224.7 |
Q4/2021 | 69 | 81.5 |
Q3/2021 | 69.3 | 48 |
Q2/2021 | 57.6 | 48.9 |
Q1/2021 | 76.6 | 59.5 |
Tổng cộng 2021 | 272.5 | 237.9 |
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị phần smartphone của Samsung đã chiếm hơn 22% thị trường toàn cầu (xem bảng dưới đây).
1H22 | 22.6% |
---|---|
Năm 2021 | 20% |
Năm 2020 | 19.6% |
Nhờ vào vị thế dẫn đầu, Samsung có thể thực hiện quyền lực thống trị thị trường của mình đối với các nhà cung cấp linh kiện, các đại lý phân phối và thậm chí là cả các đối thủ cạnh tranh.
Chẳng hạn, Samsung đang kiếm được rất nhiều lợi nhuận từ việc cung cấp tấm nền OLED cho Apple để lắp đặt trên các mẫu iPhone từ năm 2017.
Dù Apple rất muốn loại bỏ sự lệ thuộc vào Samsung thông qua việc nghiên cứu tự sản xuất các tấm nền riêng dùng cho thiết bị của mình, nhưng thất bại liên tiếp trong việc phát triển khiến Samsung Display vẫn tiếp tục là nhà cung cấp OLED panel lớn nhất cho Apple.
S3: Uy tín & độ nhận diện thương hiệu hàng đầu
Samsung là một trong những thương hiệu có giá trị và dễ nhận biết nhất trên thế giới, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự thành công của nó trong ngành công nghiệp sản xuất smartphone và TV.
Theo thống kê của Interbrand, thương hiệu của Samsung có giá trị thứ 5 trên thế giới trong năm 2022 với mức định giá gần 87.7 tỉ USD.
Giá trị thương hiệu có liên quan chặt chẽ đến sự công nhận và danh tiếng của thương hiệu, và thông thường, thương hiệu càng có giá trị thì càng được công nhận trên toàn thế giới.
Nhờ giá trị thương hiệu của mình, Samsung đã xây dựng uy tín và độ tin cậy đối với khách hàng, từ đó, tạo dựng lòng trung thành và gia tăng doanh số bán hàng.
S4: Ngân sách truyền thông tiếp thị khổng lồ
Samsung là một trong các công ty đầu tư mạnh nhất cho hoạt động truyền thông tiếp thị trên toàn cầu, bằng chứng là trong 6 tháng đầu năm 2022, Samsung đã chi gần 2865 tỉ Won cho hoạt động quảng cáo, tăng 28.5% so với cùng kỳ năm 2021.
Việc đầu tư mạnh cho hoạt động quảng cáo truyền thông giúp các sản phẩm của Samsung trở nên nổi bật hơn, và người dùng sẵn lòng chi tiền để sở hữu các sản phẩm gắn logo của Samsung hơn.
Mặt khác, các chiến dịch quảng cáo mở rộng cũng giúp Samsung dễ dàng đẩy các mẫu sản phẩm mới vào thị trường hơn, nhờ đó, doanh số bán các dòng sản phẩm như đồng hồ đeo tay hay smartphone luôn được duy trì ở mức cao.
S5: Năng lực sáng tạo và đổi mới sản phẩm
Samsung từ lâu đã được xem là một công ty sáng tạo có khả năng sản xuất các sản phẩm được thiết kế tốt và thân thiện với môi trường, được chứng minh bằng nhiều giải thưởng mà công ty đã nhận được trong những năm qua.
Bên cạnh đó, Samsung cũng được công nhận là một trong các công ty tuân thủ cam kết sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường kể từ năm 2009 đến nay, với hai Giải thưởng Đối tác của năm 2022 ENERGY STAR từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) và Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE).
Rất ít các công ty nhận được nhiều giải thưởng về đổi mới và thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường như Samsung, điều này giúp nâng cao uy tín của công ty, tăng nhận thức về thương hiệu và doanh số bán hàng.
S6: Tích hợp theo chiều dọc và gia công sản xuất
Đây là lợi thế áp dụng chủ yếu cho mảng sản xuất smartphone của Samsung, khi công ty tập trung tối ưu các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiếp thị và bán các mẫu điện thoại mang thương hiệu của mình.
Không giống như các nhà phát triển điện thoại thông minh khác như Apple, OPPO hay Xiaomi, Samsung tự sản xuất chip, bộ xử lý, màn hình và pin dùng cho các mẫu smartphone của mình.
Đây là những thành phần quan trọng nhất để tạo ra một smartphone, nhờ đó, Samsung đã cắt giảm phần lớn chi phí để sản xuất ra một chiếc smartphone hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, các thiết bị của Samsung cũng là những thiết bị đầu tiên nhận được các thành phần tốt nhất trong ngành, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của công ty.
Công ty cũng liên tục tìm cách giảm chi phí sản xuất bằng cách chuyển công việc sản xuất và lắp ráp sang những quốc gia có chi phí thấp như Ấn Độ hay Việt Nam, và nếu chi phí sản xuất tại quốc gia đó gia tăng, Samsung sẽ tiếp tục chuyển hoạt động sản xuất một lần nữa sang quốc gia khác, như cách họ đã làm với Trung Quốc.
Nói chung, tích hợp theo chiều dọc giúp Samsung bán sản phẩm của mình với giá vừa phải trong khi vẫn duy trì tỷ suất lợi nhuận hoạt động chấp nhận được, và rất ít đối thủ cạnh tranh có được khả năng làm như vậy.
Các điểm yếu của Samsung
W1: Nhắm đến tất cả các phân khúc thị trường smartphone cùng một lúc
Samsung định vị bản thân là nhà sản xuất smartphone cho toàn bộ các phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân, do đó, sản phẩm của Samsung trải dải từ những dòng smartphone đắt tiền có giá vài chục triệu đồng như Z Fold4, S22 đến những dòng điện thoại giá rẻ dưới 5 triệu đồng như A03 giá 3.490.000 đồng hay A13 giá 4.690.000 đồng.
Chiến lược này giúp Samsung dễ dàng có được thị phần lớn nhất, nhưng bù lại, họ vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ mọi phân khúc mà mình nhắm đến, đồng thời chi phí sản xuất cũng gia tăng do yếu tố dàn trải.
Ví dụ, ở phân khúc cao cấp, đối thủ lớn nhất của Samsung là Apple với các dòng iPhone, iPad cao cấp rất được thị trường ưa chuộng, và số lượng smartphone Apple đã bán ra trong năm 2022 tương đương hơn 86% tổng số smartphone mà Samsung đã bán.
Trong khi đó, ở phân khúc tầm trung và giá rẻ, các dòng điện thoại của OPPO, Xiaomi, Vivo và đặc biệt là Redmi đang chiếm ưu thế hơn nhờ cấu hình tương đương nhưng giá rẻ hơn Samsung.
Nói cách khác, chiến lược nhắm đến mọi phân khúc của Samsung đang tạo ra yếu điểm khó khắc phục cho chính công ty này.
W2: Sự lệ thuộc hoàn toàn vào hệ điều hành của Google
Tất cả các mẫu smartphone và máy tính bảng của Samsung đều sử dụng hệ điều hành Android, cho thấy sự lệ thuộc hoàn toàn của Samsung vào Google.
Tất nhiên, Samsung đã từng có ý định thoát khỏi sự lệ thuộc này bằng cách phát triển hệ điều hành riêng cho mình với tên gọi Tizen vào năm 2015, nhưng hệ điều hành này đã chính thức bị khai tử vào năm 31/12/2021 khi không thể cạnh tranh được với Android và iOS.
Thậm chí, ngay cả khi Samsung muốn giảm lệ thuộc vào hệ điều hành Android của Google bằng cách đầu tư vào hệ điều hành Fuchsia năm 2021, thì đó vẫn là một nền tảng khác do Google phát triển.
Nói cách khác, Samsung rất dễ bị tổn thương nếu Google thay đổi bất kỳ chính sách nào liên quan đến bản quyền sử dụng hệ điều hành cho smartphone mà không có phương án nào để khắc phục ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, Samsung không phải là công ty duy nhất sử dụng hệ điều hành của Google, mà các đối thủ của Samsung cũng đang sử dụng Android cho các mẫu smartphone của mình.
Điều này khiến cho giao diện và cách sử dụng smartphone của Samsung không có gì khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh.
Ngoài ra, việc sử dụng One UI – hệ điều hành Android đã được Samsung chỉnh sửa – khiến tính ổn định của smartphone Samsung bị giảm sút bởi những sự cố xảy ra sau quá trình tích hợp giữa phần cứng với hệ điều hành.
Không những thế, Samsung không thể chủ động cung cấp các bản vá lỗi bảo mật cho khách hàng, mà phải đợi cập nhật chính thức từ Google, khiến cho Samsung mất khả năng kiểm soát đối với thời gian phát hành các bản cập nhật trên thiết bị của mình.
Đặc biệt, sự lệ thuộc vào nền tảng Android Google cũng khiến Samsung mất doanh thu từ việc cung cấp các ứng dụng di động, bởi hầu như toàn bộ khách hàng sử dụng smartphone Android đều mua và cài đặt các ứng dụng thông qua cửa hàng Google Play, thay vì từ kho ứng dụng của Samsung.
Các cơ hội của Samsung
O1: Thị trường IoT đang phát triển mạnh
Theo Gartner, IoT (Internet of Things hay Internet vạn vật) là mạng lưới các đối tượng vật lý chứa công nghệ nhúng để giao tiếp và cảm nhận hoặc tương tác với trạng thái bên trong của chúng hoặc môi trường bên ngoài.
Nói cách khác, bất kỳ thiết bị nào có thể được kết nối thông qua Wifi hay Bluetooth đều được gọi là thiết bị IoT.
Theo thống kê của Statista và TransformaInsight năm 2022, thị trường IoT đã đạt quy mô 182 tỉ USD vào năm 2020, và dự báo sẽ tăng hơn gấp 3 lần vào năm 2030, vượt mức 621 tỉ USD.
Cũng theo báo cáo này, phân khúc người tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 35% vào năm 2020, và dự kiến sẽ tăng lên mức 45% vào năm 2030, trong đó, smartphone là thiết bị được sử dụng phổ biến nhất để kết nối các thiết bị IoT.
Cơ hội này rất phù hợp với Samsung, bởi công ty đang là nhà sản xuất hàng đầu các thiết bị sử dụng trong gia đình như smartphone, TV, smartwatch, máy tính bảng, laptop, máy ảnh, máy quay phim, thiết bị gia dụng, hệ thống an ninh và nhiều sản phẩm khác có thể dễ dàng tích hợp chức năng kết nối Internet.
Nói cách khác, Samsung đang có cơ hội đáng kể để nâng tầm vị thế của mình trên toàn thế giới nói chung và trong lĩnh vực công nghệ nói riêng.
O2: Huawei đang bị chính phủ các quốc gia ngăn chặn cung cấp hạ tầng 5G
Mạng 5G đã chính thức xuất hiện từ năm 2022, và các doanh nghiệp viễn thông trên toàn cầu đã và đang tích cực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho mạng viễn thông thế hệ mới này.
Huawei từ lâu được xem là doanh nghiệp lớn nhất thế giới trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông cho các quốc gia, tuy nhiên, công ty này đang bị Mỹ và các nước đồng minh ngăn chặn tham gia vào thị trường 5G bằng hàng loạt các cáo buộc chính trị và lệnh cấm vận.
Điều này giúp cho Samsung có cơ hội thực sự để thay thế Huawei và trở thành doanh nghiệp cung cấp hạ tầng viễn thông 5G lớn nhất thế giới.
Trên thực tế, Samsung đã phối hợp với TELLUS để xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G tại Canada, một đồng minh thân cận của Mỹ, và đang được rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới cân nhắc xem xét thay thế cho Huawei để trở thành nhà cung cấp hạ tầng viễn thông 5G cho thị trường nội địa.
O3: Nhu cầu về trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói trong các thiết bị gia đình đang gia tăng
Samsung là nhà cung cấp các thiết bị thông minh dùng trong gia đình hàng đầu thế giới, do đó, công ty sẽ dễ dàng trong việc cung cấp các thiết bị phụ trợ giúp khách hàng tăng cường khả năng kiểm soát các thiết bị trong nhà với mức độ tương thích cao nhất.
Bên cạnh đó, điều này cũng mang lại một cơ hội khác cho Samsung, bởi khách hàng có xu hướng sử dụng một nền tảng để quản lý mọi thiết bị khác, do đó, họ sẽ ưu tiên lựa chọn các thiết bị của Samsung để sử dụng trong nhà, thay vì mua sản phẩm từ nhiều thương hiệu khác nhau và mất công quản lý trên đa nền tảng.
Nói cách khác, Samsung có khả năng tạo ra được một hệ sinh thái riêng cho mình, tương tự như cách mà Apple hay Google đang thực hiện.
Các nguy cơ của Samsung
T1: Các mẫu thiết bị smartphone trên thị trường ngày càng giống nhau, cả về phần cứng lẫn phần mềm
Ngày nay, rất khó để phân biệt các mẫu smartphone giữa các thương hiệu nếu khách hàng không nhìn thấy logo thương hiệu, bởi kiểu dáng, mẫu mã, cấu hình của các dòng smartphone trên thị trường đều đang sao chép lẫn nhau.
Thậm chí, ngay cả hệ điều hành trên các mẫu điện thoại thông minh cũng đều xuất phát từ Android của Google (ngoại trừ iPhone, iPad đang sử dụng iOS), nên trải nghiệm người dùng trên các mẫu điện thoại này là gần như y hệt như nhau.
Mặc dù Samsung đã chỉnh sửa Android thành One UI trước khi cài đặt lên smartphone của mình, nhưng điều đó là không đủ để tạo ra sự khác biệt trong góc nhìn của người dùng.
Chính vì thế, khi chức năng và kiểu dáng giữa các sản phẩm đều tương tự nhau, những khách hàng không có lòng trung thành đối với thương hiệu sẽ có xu hướng lựa chọn những thiết bị có giá rẻ hơn, và đây là điểm bất lợi lớn nhất đối với Samsung.
T2: Tăng cường cạnh tranh ở hầu hết các thị trường mà Samsung hoạt động
Tốc độ tăng trưởng của thị trường thiết bị nghe nhìn và smartphone đã và đang chậm lại, và trên thực tế, Samsung đang vấp phải cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ khác ở những thị trường đang phát triển.
Điều này càng khó khăn hơn khi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chiến sự giữa Nga – Ukraine và sự sụp đổ của hàng loạt các công ty tài chính lớn trên thế giới như ngân hàng SVB, Signature Bank, Silvergate Bank, các công ty tiền điện tử như Genesis, Blockfi, FTX, Celsius Network…
Theo báo cáo bán niên 2022 của Samsung, nhu cầu về TV tiếp tục duy trì đà suy giảm từ mức 213.54 triệu đơn vị của năm 2021 xuống còn 208.79 triệu đơn vị vào năm 2022 do sự bất ổn định của nguồn cung ứng nguyên liệu, đứt gãy chuỗi logistics toàn cầu, đồng thời lạm phát tăng cao do chiến tranh Nga – Ukraine gây ra.
Trong khi đó, nhu cầu của thị trường smartphone giảm nhẹ từ mức 1.36 tỉ đơn vị năm 2021 xuống còn 1.3 tỉ đơn vị năm 2022 do sự bất ổn về địa chính trị lẫn lạm phát, còn thị trường máy tính bảng cũng giảm nhẹ từ mức 180 triệu đơn vị năm 2021 xuống còn 170 triệu đơn vị vào năm 2022.
Với tình hình chiến sự quốc tế và lạm phát kinh tế dự báo vẫn còn kéo dài trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trong khi các đối thủ khác đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông quảng bá, thì Samsung chắc chắn sẽ phải đề phòng nếu không muốn đánh mất thị phần của mình vào tay những đối thủ cạnh tranh khác.
T3: Ảnh hưởng thương hiệu từ các vụ kiện vi phạm bằng sáng chế
Mặc dù là công ty sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất tại Mỹ và là một trong các công ty có nhiều bằng sáng chế nhất thế giới, nhưng Samsung vẫn bị vướng vào các vụ kiện vi phạm bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ.
Chẳng hạn, tháng 03/2022, công ty MPEG LA tại Đức kiện Samsung đã vi phạm danh mục bằng sáng chế có liên quan đến tiêu chuẩn mã hóa video kĩ thuật số HEVC, được sử dụng trong các sản phẩm mã hóa – giải mã video trên Internet, truyền hình, các thiết bị thu phát và sử dụng di động.
Nhìn vào lịch sử, Samsung cũng đã từng nhiều lần bị xử thua kiện do vi phạm bằng sáng chế của các công ty công nghệ khác, ví dụ như trả 1 tỉ USD cho Apple vào năm 2012, hay bị xử thua kiện tại Trung Quốc và phải bồi thường cho Huawei số tiền 11.6 triệu USD.
Nhìn chung, các bằng sáng chế, đặc biệt là bằng sáng chế trong lĩnh vực phần mềm và thiết kế, thường khá mơ hồ và dễ bị vi phạm, do đó, công ty vi phạm sẽ phải trả một khoản tiền rất lớn để bồi thường thiệt hại do vi phạm bản quyền nếu bị thua kiện.
Vì vậy, không có gì đảm bảo Samsung sẽ không bị vướng vào các vụ kiện vi phạm bằng sáng chế trong tương lai, tạo ra một nguy cơ rõ ràng về vấn đề thiệt hại tài chính đối với công ty.
Tóm lại về phân tích SWOT của Samsung
Như vậy, bạn đã tìm hiểu qua các điểm mạnh, điểm yếu của Samsung, cũng như hình dung được những cơ hội và thách thức mà công ty này có thể đối mặt từ năm 2023 trở đi.
Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về bản phân tích SWOT của Samsung của tôi, hãy để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.
>> Xem thêm: Phân tích SWOT của Apple