Marketing Brief là gì? Cách viết Marketing Brief hoàn chỉnh & link tải các mẫu brief đẹp, đơn giản

Marketing Brief là gì? Cách viết Marketing Brief hoàn chỉnh & link tải các mẫu brief đẹp, đơn giản

Brief rất quan trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các Marketing Agency. Cùng tìm hiểu Marketing Brief là gì & cách tạo ra một bản Brief chuẩn xác nhé.

Brief là khái niệm rất quen thuộc với những người làm trong lĩnh vực Marketing, đặc biệt, các Marketing Agency thường cố gắng tạo ra một bản Marketing Brief hoàn chỉnh nhất có thể để chuẩn bị các chiến dịch IMC cho khách hàng.

Vậy Marketing Brief là gì?

Marketing Brief là văn bản chứa các thông tin tổng hợp tóm tắt đầy đủ yêu cầu của khách hàng đối với một chiến dịch Marketing cần triển khai.

Có hai loại Marketing Brief chính là Communication Brief và Creative Brief.

  • Communication Brief: là bản brief do bộ phận kinh doanh của agency tạo ra để làm việc với khách hàng của mình.
  • Creative Brief: là bản brief sử dụng trong nội bộ Marketing Team hoặc Marketing Agency, do các thành viên trong nội bộ đưa ra và có sự giám sát, phê duyệt của quản lý bộ phận.

Vì sao Marketing Brief quan trọng?

Marketing Brief rất quan trọng bởi nó là cơ sở để những người làm Marketing dễ dàng hiểu được nhu cầu của khách hàng là gì, từ đó có thể xây dựng được các chiến lược và kế hoạch triển khai đáp ứng đúng yêu cầu.

Đặc biệt, khi một chiến dịch Marketing trải qua nhiều bước và cần sự hỗ trợ từ nhiều bộ phận khác nhau, Marketing Brief giúp tất cả những người phụ trách như SEO, Content Writer hay Designer cùng nhìn về một mục tiêu giống nhau, nhờ đó đảm bảo thông điệp Marketing được truyền tải đồng bộ và quá trình phối hợp giữa các bộ phận sẽ diễn ra một cách suôn sẻ, trơn tru.

Ai tạo ra Marketing Brief?

Team Marketing trong nội bộ doanh nghiệp

Trong những doanh nghiệp quy mô lớn, ngoài các cuộc họp trực tiếp hoặc gián tiếp, Marketing Brief được xem là công cụ trao đổi thông tin tiêu chuẩn giữa bộ phận Marketing và các bộ phận, phòng ban khác.

Khi có nhu cầu triển khai chiến dịch Marketing, các bộ phận trong doanh nghiệp như bán hàng, nhân sự, sản xuất thường được yêu cầu điền đầy đủ thông tin vào một bản brief theo mẫu do team Marketing tạo ra.

Sau đó, bản brief này được chia sẻ cho các thành viên trong team Marketing cũng như được gửi cho Ban lãnh đạo doanh nghiệp để làm cơ sở đối chiếu và đánh giá hiệu quả triển khai.

Marketing Agency

Nếu doanh nghiệp có nhu cầu thuê dịch vụ từ một agency về Marketing, bộ phận kinh doanh (Account) của agency sẽ là bên phụ trách điền Marketing Brief sau khi đã trao đổi và thống nhất quan điểm với khách hàng, bởi họ là người hiểu rõ nhất về cách điền brief cách thức trao đổi thông tin với bộ phận triển khai.

Đương nhiên, trước khi chính thức triển khai, bản brief này sẽ được khách hàng xét duyệt để đảm bảo rằng không có bất kỳ sai sót nào về mục tiêu và nhiệm vụ cần thực hiện.

Quy trình làm việc với Marketing Brief

Dưới đây là quy trình 6 bước làm việc và tương tác với Marketing Brief:

  • Bước 1: Người viết brief sẽ tải file template từ kho lưu trữ như OneDrive, Google Drive, server nội bộ hoặc sử dụng biểu mẫu trực tuyến.
  • Bước 2: Người viết brief sẽ trao đổi thông tin với khách hàng hoặc bộ phận có nhu cầu về tầm nhìn và mục tiêu cần đạt được, sau đó điền tóm tắt các thông tin quan trọng vào file brief.
  • Bước 3: File brief sẽ được gửi đến Creative Team hoặc bộ phận phụ trách Marketing để xem xét các phương án chi tiết về hoạt động, ngân sách, thời gian, nhân sự nhằm đạt được mục tiêu của khách hàng.
  • Bước 4: Nếu có bất kỳ thông tin nào cần làm rõ hoặc điều chỉnh, Creative Team sẽ trao đổi lại với người viết brief và hoàn thiện lại bản brief.
  • Bước 5: Dự án bắt đầu được khởi động với sự tham gia của các nhân sự quản lý dự án để đảm bảo các công việc diễn ra đúng tiến độ, trong phạm vi cho phép và phù hợp với ngân sách đã đặt ra.
  • Bước 6: Sau khi dự án đã hoàn thành, các bên sẽ nghiệm thu các sản phẩm đã được triển khai dựa trên file brief để chắc chắn mọi thứ đã được thực hiện chính xác.

Cách viết Marketing Brief hoàn chỉnh

Dưới đây, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách viết một bản Marketing Brief hoàn chỉnh với đầy đủ tất cả các nội dung cần thiết, bao gồm ví dụ minh họa cho từng phần.

Client Overview

Đây là phần mô tả tổng quan về khách hàng, bao gồm các thông tin cơ bản như họ là ai, làm trong lĩnh vực gì, hoạt động ở đâu, tầm nhìn sứ mệnh là gì…

Điều này rất quan trọng, nhất là khi bạn đang làm việc cho một Marketing Agency vốn có rất nhiều khách hàng làm trong các lĩnh vực khác nhau và thậm chí có thể trùng tên với nhau.

Ví dụ, bạn có thể viết như sau:

“Công ty ABC chuyên kinh doanh các loại máy lạnh có thương hiệu với giá rẻ tại Nha Trang, giúp mọi người dễ dàng sở hữu các thiết bị làm mát có độ bền cao với chi phí phù hợp với thu nhập tại địa phương.

Lưu ý rằng tùy thuộc vào từng doanh nghiệp và tình hình thực tế, phần Client Overview có thể sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp với nhu cầu sử dụng, thậm chí là được loại bỏ hoàn toàn nếu như đó là yêu cầu từ bộ phận khác trong cùng công ty.

Project Name

Bạn cần đặt tên cho dự án cần triển khai để phân biệt dự án này với các dự án khác.

Việc đặt tên dự án nghe có vẻ không quan trọng, nhưng nó có thể giúp mọi người dễ dàng hơn trong việc tập trung vào công việc chính cần thực hiện, nhất là khi tên dự án có chứa các lời kêu gọi hành động (Call To Action).

Ví dụ, với công ty bán máy lạnh nói trên, bạn có thể đặt tên dự án Marketing như “Sale to khỏi lo” hay đơn giản hơn là “Máy lạnh Nha Trang giá rẻ“.

Contact

Thông tin liên lạc luôn được đính kèm trong file Marketing Brief để đảm bảo các bên dễ dàng liên hệ được với người tạo brief và khách hàng.

Các thông tin liên hệ chủ yếu là họ tên, chức vụ, bộ phận, số điện thoại, email và địa chỉ liên hệ.

Project Summary

Đây là phần tóm tắt nội dung và mục đích triển khai dự án Marketing.

Khác với thông tin của phần Client Overview, nội dung trong phần Project Summary không phải là việc lặp lại những thứ như lịch sử hình thành hay sao chép nội dung trong trang giới thiệu công ty của khách hàng.

Thay vào đó, bạn cần suy nghĩ kỹ hơn về các câu hỏi sau đây:

  • Trước đây khách hàng đã từng triển khai chiến dịch tương tự hay chưa?
  • Vì sao khách hàng muốn triển khai chiến dịch trong giai đoạn này?
  • Thị trường đang diễn ra như thế nào và chiến dịch này sẽ mang lại hiệu quả gì?

Ví dụ, bạn có thể viết phần Project Summary như sau:

Công ty đã từng thuê dịch vụ Local SEO cho mảng máy lạnh âm trần tại Nha Trang từ tháng 01 – 06/2024 và đã đạt được Top 1 cho các từ khóa địa phương gắn với thương hiệu như “máy lạnh âm trần Daikin Nha Trang”. Tuy nhiên, các từ khóa ngành về máy lạnh vẫn chưa lên Top Google Local Search, trong khi đây là dòng sản phẩm được nhiều người sử dụng nhất. Hiện nay, các đối thủ cạnh tranh hàng đầu về các từ khóa ngành chưa đầu tư nhiều về mặt SEO, do đó, theo dự kiến, chiến dịch Local SEO mới nhất sẽ đưa website công ty vào Top các website hàng đầu trên Google Local Search.

Objectives / Goals

Đây là phần tóm tắt các mục tiêu cần đạt được của dự án là gì.

Thông thường, mục tiêu của chiến dịch Marketing sẽ chia thành 2 nhóm chính, bao gồm các mục tiêu hướng đến doanh thu và các mục tiêu về xây dựng thương hiệu.

Nhưng dù mục tiêu của khách hàng nằm trong nhóm nào, bạn cần đảm bảo rằng chúng phải giải thích được ngắn gọn mục đích của dự án, phương pháp và đối tượng mục tiêu mà dự án cần nhắm đến.

Ví dụ, bạn có thể viết mục tiêu Marketing trong bản brief dành cho công ty ABC nói trên như sau:

Trong vòng 6 tháng tiếp theo sẽ đưa website của công ty lên Top Google Search với các từ khóa “máy lạnh Nha Trang giá rẻ”, “vệ sinh máy lạnh Nha Trang” và các từ khóa thương hiệu máy lạnh tại Nha Trang. Kết quả được báo cáo bằng công cụ Google Search Console.

Target Audience

Nhìn chung, đối tượng mục tiêu là phân khúc thị trường mà khách hàng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho người dùng của mình.

Bạn cần nêu rõ đối tượng mục tiêu mà dự án cần nhắm đến là gì, và nếu có thể, hãy chia đối tượng mục tiêu thành thành nhóm chính và các nhóm phụ.

Việc phân chia cụ thể nhóm đối tượng mục tiêu giúp Marketing Team dễ dàng khám phá các ý tưởng sáng tạo giúp mang lại hiệu quả tốt hơn cho từng nhóm đối tượng.

Các thông tin cần làm rõ khi mô tả về nhóm đối tượng mục tiêu gồm có:

  • Nhân khẩu học: giúp hiểu rõ chính xác người dùng của doanh nghiệp là ai, bao gồm các đặc điểm như độ tuổi, thu nhập, trình độ học vấn, dân tộc, nghề nghiệp.
  • Hành vi: bao gồm thói quen mua hàng, xu hướng mua hàng và lịch sử mua hàng, từ đó giúp làm rõ người dùng đang ở đâu trong hành trình mua hàng.
  • Tâm lý học: mô tả cách người dùng đánh giá như thế nào về thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp.
  • Vị trí địa lý: mô tả chính xác phạm vi hoạt động của đối tượng mục tiêu, nhờ đó giúp định giá các vị trí quảng cáo ở thị trường cần nhắm đến.

Ví dụ, bạn có thể viết phần mô tả đối tượng mục tiêu cho công ty bán máy lạnh ABC như sau:

Cặp đôi mới cưới, trong độ tuổi từ 22 – 35 tuổi, sinh sống ổn định tại Nha Trang, đang đi làm tại các công ty địa phương. Họ thường sử dụng Facebook để kết nối với bạn bè, người thân, đồng thời cập nhật các xu hướng mới nhất và đáp ứng nhu cầu làm việc. Họ đang ở trong giai đoạn thể hiện tình yêu mãnh liệt, thường xuyên dành thời gian cho nhau sau giờ làm việc để có thể những kỷ niệm đẹp về hôn nhân. Họ quen thuộc với việc thanh toán bằng tiền mặt và chuyển khoản ngân hàng, nhưng chưa quen với việc sử dụng thẻ tín dụng.

Competitors

Bạn cần xác định các đối thủ cạnh tranh chính của doanh nghiệp là ai, từ đó có thể đưa ra các phương án chưa từng được sử dụng, hoặc tiếp tục cải thiện và phát huy hiệu quả từ một chiến dịch tương tự đã triển khai trước đó.

Bạn cần liệt kê ngắn gọn những ưu nhược điểm của đối thủ cạnh tranh, đâu là sự khác biệt khi so với thương hiệu của doanh nghiệp, và những khía cạnh mà bạn có thể tận dụng để phát huy hiệu quả của dự án.

Xem thêm: 7 bước phân tích website của đối thủ cạnh tranh khi lập kế hoạch Digital Marketing

Ví dụ, dưới đây là mô tả một đối thủ cạnh tranh về SEO của doanh nghiệp máy lạnh tại Nha Trang:

Công ty XYZ cũng đang bán các sản phẩm máy lạnh thương hiệu như công ty ABC. Họ đã từng triển khai các hoạt động SEO cho mảng máy lạnh như viết content chuẩn SEO, mua backlink, và hiện đang xếp ở Top 1 Google với từ khóa “máy lạnh Nha Trang giá rẻ”. Tuy nhiên, các nội dung của XYZ về chủ đề “máy lạnh giá rẻ tại Nha Trang”  được viết rất sơ sài, thiếu hình ảnh và video minh họa, cũng như sử dụng các backlink kém chất lượng từ những nguồn thiếu uy tín.

Key Message

Đây là phần mô tả về thông điệp Marketing của dự án, và nó có thể cũng là phần khó khăn nhất để viết bởi vì mỗi người có thể sẽ nghĩ đến một thông điệp khác nhau.

Để viết key message, bạn cần mô tả về phương pháp khắc phục điểm đau (pain point) của người dùng, trải nghiệm của họ khi không còn điểm đau, và các lợi ích khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Ví dụ, hãy xem mẫu key message năm 2024 của Microsoft Azure dưới đây:

Mẫu Key Message của dịch vụ Microsoft Azure
Mẫu Key Message của dịch vụ Microsoft Azure

Trong ví dụ này, các thành phần trong key message của dịch vụ Azure được phân chia như sau:

  • Phương pháp khắc phục điểm đau:latest technologies announced at Microsoft Build“.
  • Trải nghiệm của người dùng:great AI app“.
  • Lợi ích khi sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp:pay-as-you-go pricing“, “cancel anytime“, “try Azure free for up to 30 days“.

Attitude

Phần này nêu các đặc điểm về phong cách và giọng điệu được sử dụng để truyền tải thông điệp Marketing.

Bạn cần xác định một số tính từ phù hợp để những người trong nhóm sáng tạo có thể viết ra những mẫu quảng cáo đáp ứng đúng ngữ cảnh, trong khi những người ở khâu thiết kế đồ họa và quay dựng video có thể lựa chọn được màu sắc, âm thanh chuẩn xác.

Các tính từ này được xác định tùy thuộc vào đối tượng mục tiêu cần nhắm đến là ai, chẳng hạn một số đối tượng là chủ doanh nghiệp thích các ngôn ngữ trang trọng, trong khi những người trẻ tuổi có thể thích sử dụng các tiếng lóng hơn những nhóm đối tượng khác.

Marketing Strategy

Phần này nêu tóm tắt về các hoạt động được dùng trong dự án Marketing, chẳng hạn như công ty bán máy lạnh ABC nói trên có thể kết hợp các hoạt động viết content, PR báo chí, mua backlink và Social Media Marketing khi cần triển khai hoạt động Local SEO.

Deliverables

Liệt kê những thứ mà doanh nghiệp cần bàn giao cho agency hoặc Marketing team để chuẩn bị cho chiến dịch như hình ảnh, khẩu hiệu chiến dịch, video, brochure, website, thông cáo báo chí…

Mandatories

Nêu các thông tin bắt buộc phải có trong chiến dịch như logo, số điện thoại, website, sản phẩm, thông tin bản quyền, tuyên bố miễn trừ trách nhiệm…

Schedule

Mô tả lịch trình triển khai theo dự kiến, những mốc thời gian quan trọng và các mốc thời gian hoàn thành.

Budget

Mô tả ngân sách Marketing cho chiến dịch, có thể chia nhỏ thành các khoản ngân sách cho từng hoạt động Marketing cần triển khai.

Smartsheet – Nguồn cung cấp mẫu Marketing Brief đẹp và miễn phí

Smartsheet là nền tảng trực tuyến chuyên chia sẻ các tài liệu PDF, Word, Excel và Power Point, trong đó bao gồm cả các mẫu Marketing Brief, Creative Brief  được thiết kế đẹp, bắt mắt và miễn phí.

Ưu điểm lớn nhất của các file brief trên Smartsheet chính là việc nó có kèm các hướng dẫn chi tiết để bạn nhanh chóng chỉnh sửa và hoàn thiện file theo nhu cầu sử dụng của mình.

Link download:

Tóm lại

Như vậy, bạn đã tìm hiểu xong về Marketing Brief, từ các thông tin cơ bản như định nghĩa, tầm quan trọng đến cách tạo file Marketing Brief hiệu quả.

Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về Marketing Brief, hãy để lại ý kiến trong phần bình luận của bài viết này nhé.

* Thông tin liên hệ:

  • DỊCH VỤ DIGITAL MARKETING Y CHÓC
  • Địa chỉ: 26 Trần Quý Cáp, P. Vạn Thắng, TP. Nha Trang, Khánh Hòa, Việt Nam, 650000
  • Hotline: 0909.144.990
  • Email: chung250190@gmail.com
  • Website: Ychoc.com
  • Bản đồ hướng dẫn đường đi:

0/5 (0 Reviews)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *