SCAMPER là phương pháp có thể giúp bạn phát triển đa dạng các ý tưởng mới cho SEO & Content Marketing. Cùng tìm hiểu SCAMPER là gì & làm thế nào để ứng dụng hiệu quả mô hình này.
Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bảo hộ nội dung trên DMCA (Xem chi tiết tại đây), vui lòng trích dẫn nguồn kèm link bài viết nếu muốn đăng tải lại trên website khác.
Nếu bạn tìm kiếm từ khóa “SCAMPER là gì” trên Google Search, hệ thống sẽ hiển thị hàng ngàn trang web khác nhau cùng nói về chủ đề này.
Tuy nhiên, ngoại trừ bài viết mà bạn đang xem ở đây, phần lớn các trang web khác mà bạn tìm thấy đều có nội dung tương tự như nhau, nghĩa là chúng chỉ đề cập một cách chung chung về khái niệm SCAMPER, các yếu tố trong phương pháp, cách ứng dụng vào kinh doanh và thậm chí là cả các ví dụ cũng giống nhau.
Điều này là minh chứng cho thấy chỉ một số ít nội dung trên Internet được đánh giá là độc đáo, chất lượng và có giá trị cao đối với người xem.
Với tư cách là một người làm SEO và Content Marketing, công việc của bạn là đảm bảo nội dung của mình nằm trong nhóm mang lại những giá trị tuyệt vời cho nhóm khách hàng mục tiêu, chứ không phải tạo ra “rác”.
Nhưng nói thì dễ hơn làm, việc tìm kiếm những ý tưởng độc đáo, mới lạ và hữu ích cho đối tượng mục tiêu không phải là điều đơn giản, ngay cả khi bạn áp dụng Mô hình đề xuất giá trị – Value Proposition Framework.
Lúc này, kỹ thuật SCAMPER sẽ là giải pháp giúp bạn dễ dàng hơn trong việc “leo” Top Google cũng như thu hút lưu lượng truy cập vào website.
Vậy SCAMPER là gì?
Theo Wikipedia, thuật ngữ SCAMPER được đề xuất bởi Alex Faickney Osborn vào năm 1953 và được phát triển thêm bởi Bob Eberle vào năm 1971 trong cuốn sách có tiêu đề “SCAMPER: Games for Imagination Development.”
Theo đó, SCAMPER được thiết kế để khuyến khích sự sáng tạo và giải quyết vấn đề, từ đó giúp tạo ra các sản phẩm mới, dựa trên các kỹ thuật dưới đây:
- Substitute (Thay thế): Thay thế một phần của sản phẩm, quy trình hoặc khái niệm bằng thứ khác, chẳng hạn như bạn có thể thay thế vật liệu truyền thống bằng các loại vật liệu hiện đại, thân thiện với môi trường.
- Combine (Kết hợp): Kết hợp hai hoặc nhiều yếu tố để tạo ra thứ gì đó mới hơn, chẳng hạn như kết hợp hai sản phẩm hoặc ý tưởng thành một giải pháp duy nhất hiệu quả hơn.
- Adapt (Thích nghi): Điều chỉnh hoặc sửa đổi để phục vụ mục đích mới hoặc để cải thiện, chẳng hạn như việc xem xét các giải pháp hiện có và tìm cách thích nghi chúng với vấn đề hiện tại. Ví dụ, bạn có thể điều chỉnh tính năng của một sản phẩm hoàn toàn không liên quan nhằm giúp cải thiện sản phẩm của mình.
- Modify (Sửa đổi): Thay đổi kích thước, hình dạng hoặc các thuộc tính khác, chẳng hạn như phóng to, thu nhỏ, hoặc thay đổi một số tính năng nhất định để tạo ra kết quả khác.
- Put-to-another-use (Sử dụng cho mục đích khác): Tìm cách sử dụng sản phẩm hoặc quy trình hiện có cho một vấn đề hoặc bối cảnh khác.
- Eliminate (Loại bỏ): Loại bỏ các phần không cần thiết hoặc cồng kềnh của sản phẩm hoặc quy trình.
- Reverse (Đảo ngược): Thay đổi thứ tự hoặc bố cục của các thành phần trong sản phẩm hoặc quy trình để khám phá những tính năng mới.
Ưu nhược điểm của kỹ thuật SCAMPER
Giống như bất kỳ kỹ thuật nào khác, SCAMPER cũng có các ưu và nhược điểm riêng mà bạn cần biết như sau:
Ưu điểm
- Phương pháp tiếp cận sáng tạo: SCAMPER cung cấp một phương pháp tiếp cận có cấu trúc nhưng sáng tạo để giúp bạn suy nghĩ ra ngoài giới hạn thông thường, từ đó tìm thấy các giải pháp sáng tạo giúp giải quyết vấn đề và tạo ra ý tưởng mới.
- Hiệu quả đã được chứng minh: SCAMPER đã được rất nhiều các cá nhân và tổ chức trên toàn thế giới áp dụng để tạo ra các ý tưởng mới cũng như cải tiến các sản phẩm và quy trình hiện có.
- Dễ áp dụng: Các khái niệm trong phương pháp SCAMPER rất đơn giản và dễ hiểu, do đó bất kỳ ai cũng có thể áp dụng cho mọi hoàn cảnh.
- Khuyến khích sự hợp tác: SCAMPER mang lại hiệu quả tốt nhất khi được sử dụng trong các đội nhóm sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Nhược điểm
- Phức tạp: Trong một số trường hợp, SCAMPER có thể khiến cho các giải pháp hoặc ý tưởng mới trở nên phức tạp hơn bằng cách đưa ra những thay đổi không cần thiết.
- Thiếu tính sáng tạo: Nếu không áp dụng một cách cẩn thận, phương pháp này có thể khiến các ý tưởng trở nên gượng ép hoặc thiếu sự sáng tạo thực sự.
- Cần thực hành: Mặc dù dễ hiểu và dễ sử dụng, nhưng bạn cần thực hành và kinh nghiệm thực tiễn để sử dụng SCAMPER một cách hiệu quả.
- Không phải giải pháp cho mọi trường hợp: Phương pháp này có thể không phù hợp với một số vấn đề, và bạn cần áp dụng những kỹ thuật khác để giải quyết hiệu quả hơn.
Khi nào cần sử dụng phương pháp SCAMPER?
SCAMPER có thể được sử dụng được bởi mọi cá nhân và tổ chức đang cần tạo ra các ý tưởng mới, cải thiện các quy trình hiện có hoặc thoát khỏi lối mòn sáng tạo.
Vì thế, nó thường được dùng cho nhiều trường hợp khác nhau, chẳng hạn như:
- Phát triển ý tưởng cho sản phẩm mới.
- Phát triển các chiến dịch Marketing sáng tạo, thiết kế quảng cáo mới hoặc thay đổi thương hiệu sản phẩm.
- Tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để giải quyết các thách thức hoặc vấn đề phức tạp.
- Tìm kiếm ý tưởng mới cho nội dung bài viết, xây dựng hình tượng nhân vật độc đáo hoặc tạo ra các cốt truyện hấp dẫn.
- Thay đổi, tối ưu hóa các quy trình hiện có, xác định tình trạng làm việc thiếu hiệu quả hoặc tạo ra cách làm việc mới.
- Khuyến khích học sinh tư duy sáng tạo và xây dựng kỹ năng giải quyết vấn đề.
- … và còn rất nhiều trường hợp khác.
Cách sử dụng kỹ thuật SCAMPER để tìm ý tưởng mới
Dưới đây là quy trình 5 bước cơ bản giúp bạn dễ dàng áp dụng kỹ thuật SCAMPER để tìm ý tưởng sản phẩm mới:
- Bước 1: Lựa chọn sản phẩm, dịch vụ, quy trình hoặc khái niệm cần cải tiến hoặc cần tìm ý tưởng sáng tạo.
- Bước 2: Liệt kê mọi thành phần, khía cạnh có liên quan đến sản phẩm cần phát triển. Ví dụ, màu sắc, kiểu dáng, thành phần cấu tạo, tính năng, tác dụng, nhân sự chế tạo…
- Bước 3: Đối chiếu với các yếu tố trong SCAMPER và trả lời các câu hỏi hướng dẫn trong từng yếu tố để đưa ra câu trả lời.
- Bước 4: Đánh giá các câu trả lời mà bạn đã có. Có câu trả lời nào khả thi hay không? Liệu bạn có thể sử dụng bất kỳ câu trả lời nào để tạo ra sản phẩm mới hoặc phát triển sản phẩm hiện tại hay không?
- Bước 5: Lựa chọn những ý tưởng hay và tiếp tục khám phá sâu hơn.
Để hiểu rõ hơn về phương pháp tạo ra các ý tưởng mới bằng kỹ thuật SCAMPER, bạn có thể tham khảo thêm video có tiêu đề “How to Generate Ideas with the SCAMPER Technique” của kênh Youtube Micheal Master:
Ngoài ra, bạn cũng có thể xem qua bài viết “Scamper: How to Use the Best Ideation Methods” của hai tác giả Rikke Friis Dam và Teo Yu Siang để hiểu thêm về các mẫu câu hỏi gợi ý khi sử dụng kỹ thuật này.
Ví dụ về các sản phẩm thực tế được tạo ra từ kỹ thuật SCAMPER?
Smart watch là ví dụ điển hình của việc áp dụng yếu tố Combine trong SCAMPER, trong đó, smart band được bổ sung thêm các tính năng liên lạc của smartphone để tạo ra sản phẩm mới.
Nhờ vậy, các mẫu smart watch từ những thương hiệu nổi tiếng như Apple Watch, Samsung Galaxy Watch, Amazfit… hầu hết đều cho phép kết nối đến smartphone, từ đó có thể nhận thông báo tin nhắn SMS, Zalo, Messenger, và thậm chí một số mẫu còn có thể nghe gọi như một chiếc smartphone thực thụ.
Ngoài ra, các trung tâm Anh ngữ hàng đầu tại Việt Nam như Wall Street English, ILA, Apollo… đều đã có nền tảng giáo dục trực tuyến tích hợp công nghệ AI, cho phép học viên có thể tự tham gia khóa học tại nhà mà vẫn đảm bảo rèn luyện được các kỹ năng tiếng Anh.
Vì sao bạn nên áp dụng SCAMPER cho SEO và Content Marketing ngay từ thời điểm này?
Trong bối cảnh của Digital Marketing hiện nay, SCAMPER có thể là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất giúp bạn lập kế hoạch Content Marketing và phát triển chiến lược SEO độc đáo cho riêng mình.
Nguyên nhân là vì từ giữa năm 2022, Google đã ra mắt bản cập nhật Nội dung hữu ích và liên tục đưa ra lời khuyên cho các website đang gặp khó khăn về SEO rằng họ nên tập trung vào độc giả và chất lượng nội dung, thông qua việc tuân thủ nguyên tắc E-E-A-T và cũng như đảm bảo các nội dung phải đảm bảo tính freshness, tức là luôn độc đáo, mới lạ, và được cập nhật.
Trong khi mọi người thường nói về những kỹ thuật SEO giúp tận dụng các tính năng cũng như khai thác các lỗ hổng trong thuật toán xếp hạng trên Google Search, xuất bản các nội dung đáp ứng mục đích tìm kiếm của khách hàng mục tiêu mới là cách tốt nhất để mang lại giá trị cho khách hàng và thúc đẩy họ chấp nhận sử dụng sản phẩm của bạn.
Điều quan trọng ở đây là nội dung mà bạn tạo ra cần phải chứa những thông tin có thể khiến độc giả phải trầm trồ và bị cuốn hút, thậm chí là khiến họ tự động chia sẻ nó cho những người xung quanh.
Do đó, SCAMPER sẽ là công cụ giúp bạn có lối suy nghĩ vượt ra khỏi những khuôn khổ thường thức, từ đó tạo ra những nội dung nổi bật và khác biệt so với phần đông trên thị trường.
Ví dụ về SCAMPER trong SEO và Content Marketing (+ mẫu câu hỏi gợi ý)
Như đã phân tích ở trên, SCAMPER hoàn toàn có thể được sử dụng cho cả các sản phẩm kỹ thuật số như blog post, bài đăng trên mạng xã hội, video, hình ảnh, podcast… hoặc các quy trình làm việc trong SEO như nghiên cứu từ khóa, xây dựng liên kết nội bộ, tối ưu hóa website…
Vì vậy, dưới đây, tôi sẽ lấy ví dụ về cách tìm kiếm ý tưởng mới từ một bài đăng trên website Y Chóc của mình thông qua kỹ thuật này.
Bước 1: Chọn bài đăng cần được cải thiện
Giả sử chủ đề được chọn là “Cách tăng traffic cho fanpage Facebook“, chủ đề này đã được tôi viết thành một bài đăng hoàn chỉnh trên website và đang xếp Top #1 trên Google Search với một số từ khóa liên quan.
Bài đăng này đã mang lại cho tôi khá nhiều lượt truy cập không phải trả tiền, do đó, tôi muốn tìm thêm những ý tưởng tương tự có thể giúp nâng cao chất lượng nội dung, mang lại giá trị hữu ích hơn cho người xem và duy trì thứ hạng cao trên Google.
Bước 2: Liệt kê các khía cạnh có liên quan đến chủ đề được chọn
Có vô số thành phần cấu tạo nên một bài viết trên website, nhưng dưới đây, tôi sẽ liệt kê những yếu tố quan trọng nhất của bài đăng nói trên:
- Văn bản: bao gồm tiêu đề bài viết, các tiêu đề phụ và nội dung chính của bài viết.
- Media: bao gồm hình ảnh và video Youtube.
- Liên kết nội bộ.
- Mục lục.
- Văn phong viết bài.
- Thông tin tác giả.
- Dữ liệu có cấu trúc.
Bước 3: Trả lời các câu hỏi hướng dẫn ứng với từng yếu tố trong kỹ thuật SCAMPER
Substitute (Thay thế)
Hãy trả lời một số câu hỏi hướng dẫn dưới đây khi áp dụng yếu tố Substitute trong SCAMPER:
- Thành phần nào có thể được thay thế để cải thiện chất lượng nội dung hoặc tạo ra nội dung mới?
- Tôi là tác giả của bài viết đó, vậy tôi có nên thuê người khác để viết lại nội dung trong bài để có chất lượng tốt hơn không?
- Tôi có thể thay thế định dạng (ví dụ: bài đăng trên blog, video, podcast) để thu hút khán giả tốt hơn không?
- Tôi có nên thay đổi nguồn thông tin của bài viết để đảm bảo nội dung được cập nhật kịp thời không?
- Tôi có nên thay thế những người có liên quan trong bài viết để gia tăng thêm uy tín và độ tin cậy cho bài viết hay không?
- Tôi có nên thay đổi tiêu đề bài viết để nó trở nên hấp dẫn đối với người xem hay không?
- Tôi có nên thay đổi kiểu chữ, cỡ chữ, màu sắc để các thông tin trở nên nổi bật hơn hay không?
- Tôi có nên thay đổi cách viết hiện tại sang một loại văn phong khác để nội dung dễ hiểu hơn đối với độc giả hay không?
Trong ví dụ vừa đề cập bên trên, tôi nhận thấy rằng mình có thể thay đổi nội dung của bài viết từ định dạng văn bản sang dạng video để gia tăng tính trực quan, dễ theo dõi của nội dung và chia sẻ chúng trên các nền tảng video như Youtube, Instagram, Linkedin và Reels.
Bên cạnh đó, tôi có thể thay đổi ngôn ngữ của bài viết từ tiếng Việt sang một ngôn ngữ khác như tiếng Anh để tiếp cận với các nhóm độc giả trên thế giới.
Ngoài ra, khi thay đổi ngôn ngữ của bài viết, tôi cũng có thể cân nhắc thuê một người có trình độ tiếng Anh tốt để đảm bảo nội dung không bị sai chính tả, đồng thời có văn phong phù hợp với cộng đồng sử dụng tiếng Anh.
Trong khi đó những thay đổi về hình thức trình bày của nội dung như font chữ, size hoặc màu sắc của văn bản có thể không cần thiết, bởi chúng hầu như không mang lại giá trị mới cho độc giả.
Combine (Kết hợp)
Hãy trả lời một số câu hỏi hướng dẫn dưới đây khi muốn áp dụng yếu tố Combine trong SCAMPER:
- Tôi có thể kết hợp hai hoặc nhiều chủ đề phổ biến để tạo thành một hướng dẫn toàn diện không?
- Tôi có thể kết hợp thêm các yếu tố đa phương tiện (ví dụ: video, infographic) với nội dung gốc để tăng cường sự tương tác hay không?
- Tôi có thể kết hợp nội dung do người dùng tạo ra với hiểu biết chuyên môn của mình không?
- Tôi có thể tích hợp các báo cáo về ngành và các cuộc phỏng vấn chuyên gia vào một nội dung duy nhất không?
Ở đây, tôi tìm thấy khá nhiều ý tưởng mới để phát triển thêm nội dung cho chiến lược Content Marketing của mình, bắt đầu từ việc bổ sung thêm hình ảnh minh họa và infographic để nội dung trở nên dễ theo dõi hơn.
Không những thế, tôi có thể bổ sung thêm các thống kê về Facebook Marketing cũng như các podcast chứa nội dung cuộc phỏng vấn những chuyên gia truyền thông mạng xã hội để gia tăng độ tin cậy của bài viết.
Thậm chí, tôi có thể kết hợp bài viết gốc với các bài viết khác như cách tạo fanpage Facebook, cách chạy quảng cáo Meta Ads, cách phát triển cộng đồng trên Facebook hay cách tối ưu hóa hình ảnh trên Facebook để tạo thành một ebook hoặc file PDF hoàn chỉnh để hướng dẫn phương pháp triển khai chiến lược Facebook Marketing cho người mới bắt đầu.
Adapt (Thích nghi)
Hãy trả lời một số câu hỏi hướng dẫn dưới đây khi muốn áp dụng yếu tố Adapt trong SCAMPER:
- Tôi có thể thay đổi thành phần nào của nội dung? Yếu tố nào trong thành phần đó có thể được thay đổi để tạo ra nội dung mới?
- Tôi có thể sử dụng lại các thông tin cốt lõi trong nội dung gốc nhưng áp dụng nó cho bối cảnh khác được không?
- Tôi có thể vay mượn ý tưởng những thông tin nào của đối thủ cạnh tranh để đưa vào nội dung của mình?
- Tôi có thể thay đổi nhóm đối tượng độc giả mục tiêu cho nội dung của mình hay không?
Quay lại ví dụ của tôi, tôi nhận thấy rằng bài viết của mình vẫn còn thiếu sót một số phương pháp đã được các website khác đề cập đến như:
- Đăng tải những nội dung có khả năng thu hút sự quan tâm của người dùng Facebook.
- Kết hợp chiến dịch Facebook Ads và Email Marketing cho các bài đăng trên Facebook.
- Tìm hiểu khách hàng mục tiêu trên Facebook thông qua Facebook Insights.
- Kêu gọi khách hàng cũ cùng tham gia theo dõi fanpage.
- …
Như vậy, số lượng các phương pháp trong bài viết của tôi có thể được nâng lên thậm chí hơn 20 cách khác nhau.
Modify (Sửa đổi)
Câu hỏi hướng dẫn:
- Tôi có thể phóng to hoặc thu nhỏ yếu tố nào đó trong nội dung của mình hay không?
- Tôi có thể thêm các tính năng bổ sung cho nội dung được không?
- Tôi có thể phóng đại/chia tách thông tin hoặc yếu tố nào đó trong nội dung của mình không/
- Tôi có thể thêm các báo cáo ngành hoặc kết quả nghiên cứu độc quyền vào nội dung của mình không?
Ví dụ, tôi có thể thêm vào bài viết của mình chức năng tự động tính tỷ lệ tương tác (Engagement Rate) của một fanpage Facebook để giúp những người làm Facebook Marketing có thể đánh giá hiệu quả sau khi áp dụng các phương pháp mà tôi đã nêu trong bài viết.
Ngoài ra, tôi cũng có thể sử dụng 2 phương pháp cuối cùng trong bài viết của mình và kết hợp thêm một số nội dung khác để tạo thành một bài viết mới với tên gọi là “Những điều cần tránh khi vận hành fanpage Facebook“.
Put-to-another-use (Sử dụng cho mục đích khác)
Câu hỏi hướng dẫn:
- Nội dung của tôi còn có thể dùng cho mục đích nào khác?
- Một chủ doanh nghiệp có khác gì với một nhân viên khi ứng dụng nội dung của tôi vào công việc không?
Ví dụ, tôi có thể dùng bài viết của mình để làm ví dụ minh họa cho bài viết về chiến lược Digital Marketing, hoặc lồng ghép nó vào một video hướng dẫn cách đăng bài viết trên website, hoặc thậm chí là một bài hướng dẫn về cách trình bày nội dung sao cho hợp lý và logic.
Eliminate (Loại bỏ)
Câu hỏi hướng dẫn:
- Có thể loại bỏ những thuật ngữ chuyên ngành hoặc ngôn ngữ phức tạp không cần thiết nào để đơn giản hóa nội dung hay không?
- Có thể cắt bớt phần nào trong nội dung mà không làm mất đi giá trị của bài viết?
- Những thành phần đa phương tiện nào không cần thiết nhưng đang làm chậm thời gian tải trang và có thể loại bỏ được?
Ví dụ, có thể tôi nên loại bỏ các đoạn code Google Adsense trên website để giảm bớt quảng cáo và thời gian tải trang cho website của mình.
Ngoài ra, tôi có thể sử dụng phiên bản AMP để thay thế cho trang web gốc nhằm loại bỏ các thành phần mà người xem không cần đến như sidebar, menu hoặc các đoạn mã javascript dư thừa, nhưng vẫn giữ nguyên 100% nội dung của bài viết.
Reverse (Đảo ngược)
Câu hỏi hướng dẫn:
- Tôi có thể trình bày kết luận hoặc các điểm chính trước để thu hút sự chú ý ngay lập tức không?
- Nội dung của tôi sẽ trông như thế nào nếu đảo ngược thứ tự thông thường (ví dụ: bắt đầu từ phần cuối)?
- Tôi có thể sắp xếp lại nội dung để theo một cấu trúc khác không?
- Tôi có thể tiếp cận nội dung theo góc nhìn của người mới bắt đầu thay vì của một chuyên gia hay không?
Ví dụ, tôi có thể đưa phần Key Takeaways và video hướng dẫn lên phần đầu của bài viết để người xem nhanh chóng nắm bài những thông tin quan trọng trong bài, thay vì đặt ở cuối bài viết như hiện tại.
Ngoài ra, tôi có thể bắt đầu bài viết bằng một tuyên bố sai sự thật hoặc trái ngược với hiểu biết của mọi người, và chứng minh rằng điều đó là không đúng thông qua các dẫn chứng chặt chẽ trong những nội dung bên dưới bài viết.
Ý kiến cá nhân của tôi
SCAMPER có thể là giải pháp cho bất kỳ ai đang làm công việc SEO và Content Marketing để tìm ra những phương pháp hoặc ý tưởng mới vừa sáng tạo vừa hiệu quả để đưa trang web lên Top Google Search.
Bằng cách liên tục trả lời các câu hỏi liên quan đến 7 yếu tố Substitute (Thay thế), Combine (Kết hợp), Adapt (Thích nghi), Modify (Sửa đổi), Put-to-another-use (Sử dụng cho mục đích khác), Eliminate (Loại bỏ) và Reverse (Đảo ngược), bạn có thể nâng cấp nội dung hiện tại hoặc tạo ra những nội dung mới hấp dẫn đối với độc giả của mình.
Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về kỹ thuật SCAMPER, hãy để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.