Tiêu chuẩn tối ưu SEO Onpage mới nhất bao gồm 7 nhóm yếu tố SEO có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến xếp hạng Google mà bạn cần kiểm tra và cải thiện liên tục, bên cạnh việc thỏa mãn ý định tìm kiếm của khách hàng.
Việc đáp ứng mục đích tìm kiếm của người dùng (user search intent) luôn là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp đến thứ hạng của một trang web.
Nhưng việc xây dựng nội dung có chất lượng tốt nhất là chưa đủ, vì còn hơn 200 yếu tố khác có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến xếp hạng Google của một website, và một phần trong số các yếu tố được được gọi là SEO Onpage – tối ưu trên trang.
Một điều may mắn cho bạn là hầu hết việc cải thiện chất lượng SEO Onpage của một trang web có thể được thực hiện chính xác như tên gọi của nó, chính là ngay trên trang web đó.
Vậy SEO Onpage là gì?
SEO Onpage là kỹ thuật tối ưu một số các thành phần của trang web tuân theo các phương pháp hay nhất mà Google đã đưa ra để cải thiện các yếu tố xếp hạng trên chính trang đó.
>>> Xem thêm: SEO Onpage là gì?
Điều này khác với SEO Offpage hoặc link building (tức xây dựng liên kết), có thể giúp trang web xếp hạng tốt hơn bằng cách xây dựng quyền hạn tổng thể của trang web.
Nhưng vì sao chúng ta cần phải thực hiện SEO Onpage?
Tầm quan trọng của SEO Onpage
Như tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết này, bạn có thể mất nhiều thời gian để viết content cho một trang web, nhưng điều đó không đủ để nâng cao cơ hội xếp hạng ở Top Google.
Nói cách khác, bạn cần kết hợp thêm việc triển khai tối ưu Onpage và Offpage nhằm tạo sự vượt trội về chất lượng cũng như độ uy tín tổng thể của toàn bộ website.
Thế nhưng, SEO Offpage (thường gọi là Link building hay xây dựng liên kết) là một chiến lược dài hơi, tốn tiền, và thường chỉ dành cho các công ty dư dả ngân sách Marketing PR và đặt backlink trên các website khác.
Điều này đồng nghĩa với việc tham gia cuộc chiến Offpage này không hề dễ dàng, đặc biệt là khi doanh nghiệp của bạn chỉ mới vừa chen chân vào thị trường.
Do đó, vai trò của SEO Onpage càng trở nên quan trọng hơn, vì bạn có thể kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến xếp hạng trang web hoàn toàn một cách dễ dàng bằng cách điều chỉnh hầu hết mọi thứ ngay trên website của mình.
Vậy khi nào bạn có thể thực hiện tối ưu SEO Onpage?
Bạn nên bắt đầu tối ưu SEO Onpage ngay từ những ngày đầu tiên sau khi website hoàn thành việc thiết kế.
Vì sao?
Bạn cần biết rằng không phải lúc nào việc điều chỉnh những yếu tố này cũng đem lại các kết quả rõ ràng, một số yếu tố trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến xếp hạng website, trong khi một số khác lại có ảnh hưởng gián tiếp.
Nhưng thông thường, sẽ mất một khoảng thời gian (ít nhất là từ 1 – 2 ngày) để bạn có thể bắt đầu nhận thấy những thay đổi về xếp hạng trang web sau khi thực hiện tối ưu Onpage.
Do đó, để tiết kiệm công sức và thời gian, bạn nên bắt đầu triển khai tối ưu các yếu tố Onpage ngay từ thời điểm bắt đầu xây dựng cấu trúc trang web như tạo danh mục cho website, thiết kế hình ảnh banner, viết content cho trang web,…
Một khi đã làm tốt ngay từ thời điểm ban đầu, công việc còn lại của SEO Onpage rất đơn giản, chính là cập nhập nội dung trang web sao cho đảm bảo luôn hữu ích cho người dùng và tối ưu lại các liên kết nội bộ trong website.
Những ai nên xây dựng SEO Onpage?
Có thể nói rằng: Hầu như tất cả các website đều cần phải làm hoạt động này, bất kể bạn đang kinh doanh ngành nghề gì, ngân sách Marketing bao nhiêu, hay đội ngũ nhân sự có bao nhiêu người.
Điểm khác biệt giữa những người nên làm và không nên làm SEO Onpage chính là cách mà họ trả lời hai câu hỏi dưới đây:
- Họ có mong muốn được xếp hạng cao trên Google hay không?
- và Họ có muốn tiết kiệm chi phí để quảng cáo Google Ads hay không?
Nếu bất kỳ câu trả lời nào là Có, vậy thì SEO Onpage chắc chắn sẽ nằm trong danh sách các công việc mà họ cần thực hiện mỗi ngày.
Để giúp bạn hình dung các công việc cần thực hiện mỗi ngày, dưới đây, tôi sẽ giới thiệu cho bạn 7 nhóm tiêu chuẩn tối ưu SEO Onpage nhằm cải thiện điểm chất lượng của một trang web, từ đó giúp nâng cao thứ hạng website trên Google.
Tiêu chuẩn SEO Onpage #1: Tối ưu tiêu đề (title), thẻ (tag) và URL
Tiêu đề bài viết, thẻ tiêu đề, thẻ mô tả và URL của bài viết đều được tối ưu hóa sẽ có tác động tích cực rất lớn đến cách mà Google và người dùng hiểu trang web của bạn, nhờ đó bài đăng của bạn sẽ được cải thiện thứ hạng đáng kể.
Tối ưu URL
Giữ URL càng ngắn càng tốt
URL càng tối giản càng tốt nhưng phải đảm bảo vẫn chứa từ khóa, đồng thời cung cấp cho cả Google và người dùng một ngữ cảnh chính xác về vị trí bài viết của trong website của bạn.
Một số công cụ SEO Onpage Check uy tín như Rank Math SEO còn gợi ý rằng, độ dài của toàn bộ URL không nên vượt quá 75 ký tự.
URL có chứa từ khóa, nhưng tránh nhồi nhét từ khóa
Những người mới học làm SEO thường gặp vấn đề với việc lựa chọn URL tối ưu nhưng lại rơi vào bẫy tối ưu URL quá mức cần thiết.
Ví dụ, bài viết của bạn nói về \”cách viết bài chuẩn SEO\”, như vậy, bạn không nên đặt URL cho bài viết này kiểu như www.trangweb.com/viet-bai-chuan-seo-cach-viet-bai-seo-chuan-nhat.
Thay vào đó, bạn nên chọn một URL ngắn gọn và tối ưu vừa đủ, chẳng hạn như www.trangweb.com/viet-bai-chuan-seo.
Bên cạnh đó, không cần thiết mọi URL phải khớp chính xác với tiêu đề bài viết hoặc từ khóa mà bạn muốn đẩy top, mà bạn có thể sử dụng các biến thể của từ khóa chính để làm URL cho bài viết.
Thêm chuyên mục vào URl để tránh tối ưu quá mức
Một website có cấu trúc tốt sẽ giúp bạn dễ dàng tạo ngữ cảnh cho một trang web con bên trong nó.
Ví dụ, trang web của bạn chuyên về cho thuê nhà đất tại Nha Trang, bạn có thể tạo một URL có dạng như www.trangweb.com/nha-trang/cho-thue-nha-dat.
Nhìn vào URL trên, người dùng và Google đều hiểu rằng họ đang xem một trang web có nội dung về cho thuê bất động sản ở Nha Trang mà không phải tại TPHCM hay Đà Nẵng.
Bạn cũng có thể xem thêm các phương pháp đặt URL hay nhất của MOZ tại đây, trong đó Rand Fishkin có đề cập đến việc cân bằng giữa các URL có thể đọc được và các URL không thể đọc được.
Loại bỏ các từ không quan trọng trong URL
Bạn nên loại bỏ các từ không quan trọng như \”và\”, \”những\”, \”các\”, \”bao nhiêu\” hoặc các từ tương tự ra khỏi URL để tối giản độ dài của nó, miễn sau URL sau khi được rút gọn vẫn giữ nguyên được ý nghĩa của nó.
Tối ưu thẻ H1 và tiêu đề bài viết
Từ khóa chính nằm ở phần đầu của tiêu đề
Tiêu đề bài viết (khác với thẻ tiêu đề) là một trong những phần quan trọng nhất của bài viết đối với cả người đọc và Google. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn đặt từ khóa ở phần đầu của tiêu đề.
Ví dụ, tôi muốn tạo một bài viết về chủ đề chiến lược B2B Marketing cho doanh nghiệp, do đó từ khóa chính mà tôi muốn nhắm đến là \”b2b marketing\”.
Như vậy, các tiêu đề bài viết mà tôi có thể nghĩ tới có thể như sau:
- Top10+ chiến lược B2B Marketing cho doanh nghiệp bất động sản;
- Chiến lược B2B Marketing: Hướng dẫn hoàn chỉnh A-Z;
- Chiến lược B2B Marketing cho doanh nghiệp;
- …….
Tiêu đề bài viết đặt trong thẻ H1
Trong source code trang web, từ khóa chính của trang web cần phải đặt trong thẻ <H1>, điều này làm cho nó trở thành phần văn bản nổi bật nhất trên trang giúp nhấn mạnh nội dung chính của bài viết.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý rằng mặc dù các thẻ H1 không ảnh hưởng trực tiếp đến SEO, nhưng kích thước của tiêu đề bài viết cũng rất quan trọng.
Do đó, dù Google đã nói rằng họ không quan tâm đến việc bạn có nhiều thẻ H1 hay không, nhưng trên thực tế, việc tạo ra nhiều thẻ H1 sẽ tạo ra hàng loạt các tiêu đề có cùng kích thước, từ đó khiến cho người đọc không hiểu được đâu là trọng tâm của bài viết.
Tối ưu thẻ tiêu đề (meta title)
Tạo ra thẻ tiêu đề có nội dung giống với tiêu đề bài viết
Thẻ tiêu đề của bài viết là những gì sẽ được hiển thị trong SERP (Search Engine Result Page – Trang kết quả của Công cụ Tìm kiếm), do đó, cách viết thẻ tiêu đề tối ưu nhất chính là dựa trên tiêu đề của bài viết.
Duy trì kích thước của thẻ tiêu đề trong phạm vi 600 pixel
Không có vấn đề gì nếu thẻ tiêu đề giống hệt với tiêu đề của bài viết, nhưng bạn cần biết rằng Google có giới hạn chiều rộng 600 pixel đối với thẻ tiêu đề.
Do đó, để tiêu đề của bạn được hiển thị hoàn hảo nhất trên SERP, bạn hãy sử dụng các công cụ hỗ trợ kiểm tra tiêu đề bài viết như: plugin Rank Math SEO trên WordPress hoặc công cụ Title Tag Preview Tool trên MOZ.
Xây dựng nội dung của thẻ tiêu đề thật ấn tượng để thu hút lượt click
Một điều cần lưu ý là bạn đang muốn lôi kéo sự chú ý của người dùng khi nằm trong Top 10 kết quả Google, do đó, bạn cần làm cho thẻ tiêu đề thật nổi bật và hấp dẫn để thúc đẩy người dùng click vào nó.
Vậy làm thế nào để thực hiện được điều đó?
Dưới đây, tôi sẽ hướng dẫn một số cách viết thẻ tiêu đề chuẩn SEO để thu hút lượt click cho trang web:
Chứa tên thương hiệu
Nếu bạn sở hữu một thương hiệu nổi tiếng, hãy đưa tên thương hiệu đó vào trong thẻ tiêu đề vì nó sẽ mang lại sự tin tưởng cho người dùng (nhưng đừng quên giới hạn 600px của thẻ tiêu đề).
Giữ cho nội dung luôn được cập nhật
Đối với các chủ đề có tính xu hướng, bạn nên đưa thông tin về năm tháng trong thẻ tiêu đề để gia tăng tỉ lệ nhấp chuột CTR. VD: năm 2024, quý 4/2024,…
Thông tin về một giải pháp thay thế
Nếu tất cả các trang web trong Top Google đều nói về một thứ, vậy thì một tiêu đề nói về giải pháp thay thế cho thứ đó sẽ giúp trang web của bạn trở nên nổi bật hơn hẳn các đối thủ khác.
Nhấn mạnh về tốc độ, sự nhanh chóng
Hãy giải thích cho người dùng biết họ sẽ có thể đạt được kết quả nhanh chóng như thế nào nếu xem bài viết của bạn.
VD: sử dụng các cụm từ như “trong 30s” hoặc “dưới 1 phút” trong các truy vấn như “cách thực hiện” hoặc “cách kiếm tiền”.
Thêm số hoặc dung lượng
Các thẻ tiêu đề có chứa số 10 có khả năng nhận được nhiều lượt click nhất, tiếp đến là các số 5, 15 và 7.
Gợi ý về hướng dẫn đầy đủ nhất
Người dùng luôn muốn biết tất cả mọi thứ, do đó một cách khác để viết thẻ tiêu đề mà không sử dụng số đếm chính là sử dụng các cụm từ như \”Hướng dẫn đầy đủ\”, \”Hướng dẫn toàn tập\” hay \”tất tần tật\” trong thẻ tiêu đề.
Nhiều thông tin hơn đối thủ cạnh tranh
Cách tạo ra một thẻ tiêu đề nổi trội hơn đối thủ cạnh tranh chính là cung cấp nhiều thông tin hơn những thứ đang được xếp hạng.
Nhưng lưu ý rằng không phải tất cả các chủ đề đều phải chứa nhiều nội dung trong thẻ tiêu đề, ngược lại một số chủ đề được viết ngắn gọn sẽ tạo ra sự nổi bật hơn và thu hút nhiều lượt truy cập hơn.
Giá thấp hơn
Không phải mọi chủ đề đều có thể đưa yếu tố giá cả vào trong thẻ tiêu đề.
Nhưng đối với những thị trường cạnh tranh chủ yếu về giá cả, hãy nhấn mạnh các cụm từ về giá như \”giá rẻ nhất\”, \”chỉ từ 10k/món\” hay \”dưới 100 ngàn\”… để lôi kéo người dùng nhấp vào.
Tỷ lệ click chuột (CTR) có phải là yếu tố xếp hạng không?
Có rất nhiều tranh luận trong cộng đồng những người làm SEO, nhưng xét về tính hợp lý, một trang web có tỷ lệ CTR cao nghĩa là có nhiều lượt truy cập đến nó, và đó là thứ mà bạn nhắm đến khi làm Content Marketing.
Tiêu chuẩn SEO Onpage #2: Tối ưu khu vực phía trên màn hình đầu tiên (Above the fold)
\”Above the fold\” là thuật ngữ ám chỉ các nội dung nằm ở phạm vi 1/3 trên cùng của trang web được hiển thị trên màn hình của người dùng sau khi trình duyệt đã tải xong nội dung trang web.
Đây là khu vực quan trọng cần được tối ưu vì nó là phần nội dung được người dùng nhìn thấy đầu tiên khi truy cập vào trang web của bạn.
Tên và hình đại diện của trang web
Tiêu đề và các hình đại diện cho trang web (như banner trang chủ, ảnh đại diện của bài viết) thường là những nội dung đầu tiên người dùng sẽ nhìn thấy sau khi truy cập một liên kết từ Google.
Thiết kế hình ảnh và giao diện nhất quán với thương hiệu của bạn
Hãy đảm bảo rằng banner hình ảnh và văn bản trong trang web được thiết kế sao cho đồng bộ với tính cách thương hiệu của bạn.
Mặt khác, các trang web bên trong website nên sử dụng chung một kiểu thiết kế để đảm bảo sự hài hòa, cân bằng.
Cân nhắc sử dụng ảnh động để tạo sự nổi bật cho trang web
Một trong những cách nhanh nhất để tạo ấn tượng đối với người dùng khi họ truy cập vào trang web của bạn chính là sử dụng các ảnh động (định dạng .gif) cho banner ảnh đại diện.
Nên ưu tiên sử dụng các ảnh động độc quyền, chất lượng cao, thay vì sử dụng các kho ảnh động miễn phí như Pexels hoặc Unsplash, dù có thể bạn sẽ cắt giảm được một khoản chi phí nào đó cho doanh nghiệp của mình.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Liệu Google có quan tâm đến việc trang web của bạn sử dụng các hình ảnh đã có sẵn trên những trang khác hay không?
Câu trả lời là: Không (ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại), dù rằng Google cũng nói rằng họ có thể cân nhắc việc này trong tương lai.
Tuy nhiên, đối với một số lĩnh vực, nếu khách hàng cảm thấy bạn đang sử dụng hình ảnh giả mạo, họ sẽ thoát khỏi trang web của bạn ngay lập tức, từ đó làm gia tăng tỉ lệ thoát trang và làm giảm độ tin cậy của website.
Lưu ý rằng, việc sử dụng ảnh động nên được cân nhắc kỹ lưỡng, vì thông thường, các file hoạt ảnh có dung lượng lớn hơn nhiều so với các file ảnh tĩnh.
Giảm kích thước và dung lượng hình ảnh trên website
Tốc độ tải trang là một yếu tố xếp hạng quan trọng được Google nhấn mạnh khi giới thiệu Core Web Vital trong Google Search Console, do đó, các hình ảnh có kích thước lớn có thể làm chậm tốc độ tải trang.
Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng các file ảnh có định dạng .webp, .jpg hoặc .jpeg thay vì sử dụng các định dạng file ảnh dung lượng cao như .png hay .gif.
Tác giả
Ưu tiên đăng tải các bài viết của các tác giả đáng tin cậy tạo ra
Bạn không cần thiết phải đề cập đến tên tác giả cho mọi trang web, nhưng đối với các chủ đề bị chi phối bởi thuật toán Google Medic, yếu tố tác giả được xem là dấu hiệu đáng tin cậy cho bài viết đó, vì nó giúp người đọc hình dung được mức độ chuyên môn của bài viết.
Lưu ý rằng, việc chỉ liệt kê tên tác giả là không đủ, vì có khả năng người đọc hoàn toàn chưa biết gì về lĩnh vực này.
Do đó, bạn cần phải cho người dùng biết lý do tại sao tác giả được xem là chuyên gia đáng tin cậy, và cách đơn giản nhất chính là bổ sung phần tiểu sử của tác giả ở đầu hoặc cuối bài viết, hoặc liên kết tên tác giả đến một trang web mô tả chi tiết về tiểu sử của họ.
Đây là một phần quan trọng trong nguyên tắc EEAT hay Double-EAT, đại diện cho các yếu tố Trải nghiệm (Experience) – Chuyên sâu (Expertise) – Thẩm quyền (Authoritativeness) – Tin cậy (Trust) được Google sử dụng nhưng các tín hiệu xếp hạng trang web rất quan trọng trong thuật toán của mình.
Liệt kê hoặc liên kết đến trang tiểu sử của tác giả
Như đã nói ở trên, bạn có thể liệt kê tiểu sử của tác giả ở phần đầu hoặc cuối trang web, hoặc chèn một liên kết trỏ đến trang web chuyên viết về tiểu sử của tác giả.
Ngày đăng
Thêm ngày đăng vào trang web để thể hiện độ mới của bài viết
Ở phần trên, tôi đã nói đến việc thêm yếu tố thời gian vào thẻ tiêu đề bài viết để thúc đẩy người dùng truy cập vào trang web, và điều này cũng đúng với ngày đăng tải của bài viết.
Bạn cũng cần lưu ý rằng không phải mọi bài đăng trên blog đều cần ngày tháng, nhưng điều này rất quan trọng trong một số ngành, chẳng hạn như tin tức báo chí.
Nếu bạn chưa tin, thì hãy xem qua video về \”Query deserves freshness\” của Google được đăng tải trên Youtube dưới đây, trong đó có giải thích rằng đối với một số ngành thì nội dung \”được làm mới\” hoặc mới hoàn toàn có vai trò rất quan trọng đối với việc xếp hạng.
Tóm lại, bạn nên sử dụng SERP để làm hướng dẫn cho việc xây dựng một nội dung có khả năng được xếp hạng cao.
Nếu tất cả các đối thủ cạnh tranh của bạn đều tập trung vào việc sản xuất nội dung mới hoàn toàn, thì bạn cũng nên làm như vậy, vì những trang web có chứa thông tin cũ, lỗi thời sẽ không có người quan tâm, từ đó sẽ làm bạn bị rớt hạng.
Đảm bảo nội dung luôn được cập nhật
Chỉ cập nhật ngày tháng cho bài viết thực sự không đủ để giúp bạn duy trì và cải thiện thứ hạng trang web, mà điều quan trọng hơn chính là bạn cần cập nhật cả nội dung của trang web để duy trì yếu tố \”hợp thời thượng\”.
Ví dụ, hãy tưởng tượng một bài viết được bạn xuất bản từ năm 2018, thì việc chỉnh sửa ngày đăng thành ngày hiện tại nhưng nội dung vẫn sử dụng các thống kê lỗi thời trong quá khứ sẽ hoàn toàn không giúp ích gì cho bạn.
Đừng sử dụng công cụ tự động cập nhật ngày tháng
Trước đây, người dùng đã cố gắng thao túng yếu tố \”mới\” của bài viết bằng cách cập nhật chúng tự động bằng các công cụ.
Tuy nhiên, Google đã nói rằng điều này sẽ gây hại cho trang web của bạn về lâu dài, vì về cơ bản, Google không còn tin rằng ngày tháng của bạn báo hiệu sự mới mẻ.
Điều này được thể hiện trong một bằng sáng chế vào năm 2011 rằng khi thay đổi ngày và cập nhật nội dung, bạn cần cập nhật một lượng đáng kể để Google nhận ra bài đăng của bạn là “mới”.
Mặc dù điều này đã bị Moz bác bỏ phần nào vào năm 2015, nhưng trang web của bạn sẽ không tốt hơn nếu chỉ đơn giản là thay đổi ngày trên một bài đăng, vì câu hỏi đặt ra ở đây là: Giá trị mà trang web đó cung cấp cho người dùng là gì?
Tối ưu Breadcrumb và Danh mục
Hiển thị danh mục và breadcrumb cho phép người dùng truy cập vào các trang khác trong website
Nói một cách đơn giản, trang web của bạn cần hiển thị các danh mục để có thể lôi kéo người dùng nhấp qua nhiều bài đăng hơn nếu họ muốn xem thêm những gì bạn đã viết về một chủ đề cụ thể.
Hiển thị danh mục và breadcrumb để Google có thể hiểu cấu trúc trang web
Có một chút khác biệt giữa danh mục và breadcrumb, nhưng về cơ bản chúng phục vụ cùng một mục đích, đó là định hướng người dùng. Nó cũng giúp giải thích cho Google cách trang web của bạn được cấu trúc.
Breadcrumbs thường được sử dụng trong các trang web thương mại điện tử để chỉ định những thứ như lịch sử duyệt web (trang bạn đã nhấp vào trước đó), phân loại sản phẩm và phân cấp trang web (hiển thị vị trí của bạn trong cấu trúc trang web).
Mô tả ngắn của bài viết
Đoạn giới thiệu cần tạo sự chú ý cho người đọc
Điều kinh khủng nhất mà người dùng có thể làm chính là truy cập trang web của bạn và sau đó rời đi ngay lập tức mà không xem tiếp các nội dung bên dưới hoặc click vào bất kỳ thứ gì khác trrong trang web.
Điều đó cho Google biết rằng người dùng nghĩ rằng trang web của bạn không phải là thứ phù hợp nhất cho truy vấn của họ.
Do đó, điều quan trọng là bạn cần thu hút sự chú ý của người dùng bằng một đoạn mô tả ngắn ở phần đầu của trang web.
Đảm bảo từ khóa chính nằm trong đoạn mở đầu
Bạn cần chắc chắn đưa từ khóa chính vào phần đầu của đoạn văn đầu tiên nhằm đảm bảo rằng người dùng và Google sẽ nhìn thấy nó sớm nhất, vì thông thường, thông tin ở vị trí càng cao trên trang thì Google càng xem trọng nó.
Tiêu chuẩn SEO Onpage #3: Tối ưu nội dung chính của bài viết
Đây là nơi bạn cung cấp các thông tin chi tiết cho người dùng.
Hãy tập trung vào việc đáp ứng mục đích tìm kiếm của người dùng, đồng thời trình bày tốt hơn các đối thủ cạnh tranh đang được xếp hạng ở Top Google.
Đáp ứng mục đích tìm kiếm của người dùng
Điều đầu tiên cần xem xét là nội dung trang web của bạn có phù hợp với mục đích tìm kiếm của người dùng hay không.
Trong trường hợp bạn chưa từng nghe về mục đích tìm kiếm của người dùng, thì dưới đây là cách hiểu tốt nhất của nó: Mục đích tìm kiếm thể hiện lý do đằng sau truy vấn của người tìm kiếm.
Bây giờ, để xác định mục đích tìm kiếm của người dùng, trong một số trường hợp, bạn chỉ cần nhìn vào truy vấn tìm kiếm là có thể suy ra được, nhưng đa phần trường hợp bạn cần dựa vào các kết quả tìm kiếm trên SERP.
Sử dụng SERP để khám phá mục đích tìm kiếm của người dùng
Bạn có thể sử dụng SERP để xác định những nội dung cần đưa vào bài viết cũng như cách bố trí các nội dung đó.
Chẳng hạn, nếu bạn thấy nhiều quảng cáo và trang sản phẩm xếp hạng cho một từ khóa cụ thể, thì rất có thể người dùng đang trong giai đoạn lựa chọn sản phẩm để mua hàng.
Trong khi đó, nếu bạn thấy các trang web hàng đầu Google có nhiều bài viết kiểu như \”Top 11 nơi bán ABC tốt nhất\” hay \”Hướng dẫn chi tiết cách thực hiện XYZ\” thì rất có khả năng người dùng đang nhắm tới một mục tiêu rất khác.
Bạn cũng có thể sử dụng công thức 3C để xác định mục đích tìm kiếm của người dùng, và nên phân tích kỹ lưỡng chúng, vì việc cung cấp các thông tin không phù hợp với ý định tìm kiếm của khách hàng là một trong những lý do hàng đầu khiến trang web của bạn không được xếp hạng.
Công thức 3C bao gồm 3 khía cạnh chính để khám phá mục đích tìm kiếm của người dùng:
- C1 = Content type (Loại nội dung). Bạn cần xác định loại nội dung nào trong số 5 loại nội dung sau đang chiếm tỉ lệ đa số trên bảng xếp hạng Google, bao gồm: chi tiết sản phẩm, chuyên mục, tin tức, video hay là một trang landing page.
- C2 = Content format (Định dạng nội dung). Hãy phân tích xem nội dung trong các trang web được xếp hạng đang trình bày theo dạng nào. Đó là một trang nói về \”cách làm\”, hay nói về \”review trải nghiệm\”, hay là một trang liệt kê các thông tin kiểu Top 10?
- C3 = Content angle (Yếu tố làm nổi bật nội dung). Nhìn vào thẻ tiêu đề và nội dung bài viết trong các trang web được xếp hạng, bạn cần khám phá đâu là những thông tin được nhắc đến nhiều nhất. Liệu đó là sự cạnh tranh về giá bán, hay nó là tên những thương hiệu nổi tiếng trong ngành?
Làm rõ được 3C cũng đồng nghĩa với việc bạn đã tạo ra cho mình một bộ tiêu chuẩn cơ bản nhất để so sánh, đánh giá chất lượng nội dung trên trang web của mình.
Xác định mục đích tìm kiếm của người dùng bằng cách phân tích từ khóa
Ngoài việc áp dụng công thức 3C, bạn còn có thể phân tích mục đích tìm kiếm của người dùng bằng cách phân loại từ khóa.
Thông thường, từ khóa được phân thành ba loại chính như sau:
- Từ khóa thông tin: giúp người dùng tổng hợp thông tin về một vấn đề nào đó, chẳng hạn như \”chi phí để sử dụng bếp từ\”, hoặc \”danh sách tỉnh thành tại TPHCM\”.
- Từ khóa định hướng: giúp người dùng định vị địa điểm cần đến, chẳng hạn như \”công ty thiết kế website tại Nha Trang\”, hay \”cửa hàng bán điện thoại cũ rẻ nhất TPHCM\”.
- Từ khóa thương mại: giúp người dùng chọn được thứ cần mua ngay lập tức, ví dụ như \”khóa học SEO Nha Trang\” hay \”thiết kế website giá rẻ tại Phú Yên\”.
Nhìn chung, căn cứ vào truy vấn tìm kiếm, bạn sẽ phải xác định liệu người dùng đang cần thông tin, muốn định vị địa điểm hay mua hàng, từ đó tiến hành xây dựng một trang web chứa các thông tin phù hợp với ý định tìm kiếm đó.
Tuy nhiên, tôi khuyến khích bạn sử dụng công thức 3C để xác định mục đích tìm kiếm của người dùng, vì nó cho bạn một cái nhìn rõ ràng và chi tiết hơn về tiêu chuẩn nội dung mà trang web của bạn cần đạt được.
Bây giờ, đã đến lúc để bạn tiến hành tạo ra một bài viết tốt hơn đối thủ cạnh tranh.
Tạo bài viết tốt chất lượng hơn đối thủ cạnh tranh
Bài viết chất lượng hơn không có nghĩa là phải dài hơn đối thủ
Hãy luôn nghĩ về cách làm thế nào để nâng cao giá trị thông tin cung cấp cho người dùng, nhưng nó không đồng nghĩa với việc bạn phải tạo ra một bài viết dài hơn.
Bạn cần nhớ rằng: Độ dài của bài viết không phải là một yếu tố xếp hạng.
Thông thường, một bài viết dài là hệ quả được hình thành sau khi bạn tạo ra một bài viết chất lượng, chứa nhiều giá trị hữu ích cho người đọc.
Do đó, hãy nghĩ về chất lượng thông tin của bạn, không phải là số lượng chữ trong bài viết.
Đôi khi một trang web được đánh giá là chất lượng hơn khi nó chứa thông tin mới hơn các trang web khác, cũng có lúc, nó chỉ đơn giản là trang web đó liệt kê nhiều thứ hơn những gì mà đối thủ của nó đang có.
Vượt trội hơn đối thủ cạnh tranh
Một lần nữa, tôi cần nhắc bạn rằng không phải lúc nào bạn cũng cần phải tạo ra một bài viết dài hơn để cải thiện thứ hạng cho trang web.
Trong một số trường hợp, bạn chỉ cần cập nhật lại các số liệu đã bị lỗi thời trong bài viết là đủ.
Trong trường hợp khác, nếu đối thủ đang sử dụng hình ảnh, bạn có thể nâng cấp nội dung hơn bằng cách sử dụng ảnh động hoặc video.
Nếu đối thủ đã làm video, bạn có thể bổ sung podcast vào trang web của mình.
Nói chung, tất cả đều quy về những thứ mà khách hàng đang muốn nhìn thấy (tức mục đích tìm kiếm) và xây dựng nội dung cho nó theo cách phù hợp và độc đáo nhất.
Tiêu chuẩn SEO Onpage #4: Tối ưu văn bản trên trang
Với lượng thông tin hữu ích mà bạn đang có, bây giờ là lúc để bạn tập trung vào việc tái cấu trúc nội dung thông qua việc thêm từ khóa hoặc sử dụng các tiêu đề phụ cho bài viết.
Sử dụng tiêu đề phụ trong bài viết
Sử dụng từ khóa chính trong thẻ H2 và các từ khóa liên quan khác trong các thẻ heading từ H2 đến H6
Khi bạn viết bài, hãy sử dụng các tiêu đề phụ từ H2 đến H6 để làm rõ ràng các thông tin cần truyền tải đến người đọc.
Cần lưu ý rằng các tiêu đề phụ nên chứa các từ khóa chính và các từ khóa có liên quan đến nội dung chính của bài viết.
Trả lời các câu hỏi mà người dùng có thể quan tâm
Người dùng có thể sẽ có rất nhiều thắc mắc về một chủ đề, do đó, công việc của bạn là dự đoán các câu hỏi này và đưa ra câu trả lời tốt nhất cho nó.
Một trong những phương pháp hay nhất để xác định câu hỏi mà người dùng quan tâm chính là sử dụng chức năng Mọi người cũng hỏi (People also ask) trên Google.
Bất kỳ câu hỏi nào có liên quan đến chủ đề mà bạn đang nhắm tới đều có thể được đưa vào trong bài viết, nhờ đó, người dùng sẽ ở lại trang web của bạn lâu hơn mà không cần chuyển sang nơi khác để tìm câu trả lời.
Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là:
Điều gì sẽ xảy ra nếu những câu hỏi mà bạn thấy trong phần People also Ask không có ý nghĩa hoặc lặp đi lặp lại?
Nếu bạn tự tin rằng thông tin trong bài viết đã giải thích rõ cho những câu hỏi này rồi, thì không cần thiết phải giải quyết chúng thêm một lần nữa, vì mục tiêu bạn cần nhắm đến là phục vụ người dùng chứ không phải Google.
Đôi khi, một vài câu hỏi có tính chất gượng ép hoặc không liên quan để nội dung mà bạn đang nhắm tới, vậy thì chỉ cần bỏ qua và tìm những câu hỏi khác.
Cách chèn từ khóa vào bài viết
Thêm từ khóa vào vị trí thích hợp trong bài viết
Trong bất kỳ bài viết nào, bạn cũng sẽ dành sự ưu tiên cho một từ khóa nào đó, và muốn nó xuất hiện xuyên suốt trong toàn bộ bài đăng của mình.
Một số người làm Content Marketing và công cụ hỗ trợ SEO đề xuất thứ được gọi là Mật độ từ khóa (Keyword Density), và gán nó cho một tỉ lệ phần trăm nào đó được xem là tối ưu nhằm xác định số lần cần xuất hiện của một từ khóa trong toàn bộ bài viết.
Nhưng rất tiếc, không hề có một tỉ lệ vàng nào để trả lời cho câu hỏi: Mật độ từ khóa tối ưu nhất là bao nhiêu?
Lý do rất đơn giản là vì Google hoàn toàn không có bất kỳ khái niệm gì về cái gọi là Mật độ từ khóa, và thuật toán xếp hạng của Google cũng không hề chứa yếu tố Keyword Density.
Do đó, việc tự cưỡng ép chèn từ khóa vào bài viết theo một tỉ lệ nhất định nào đó hoàn toàn không giúp ích cho việc cải thiện thứ hạng tìm kiếm của trang web.
Nói cách khác, điều bạn cần tập trung chính là: Duy trì sự tự nhiên của bài viết, và chỉ thêm từ khóa vào đúng vị trí mà nó cần phải xuất hiện.
Sử dụng từ khóa chính và từ khóa liên quan
Từ khóa chính là từ khóa mà bạn muốn trang web được xếp hạng, do đó, hầu như chắc chắn từ khóa chính sẽ phải xuất hiện ít nhất vài lần trong bài viết của bạn.
Thế nhưng, điều này không có nghĩa trang web của bạn chỉ được xếp hạng duy nhất với một từ khóa.
Theo nghiên cứu của Ahrefs, các trang Top#1 Google cũng được xếp hạng với gần 1000 từ khóa khác có liên quan đến từ khóa chính.
Điều này gợi ý cho chúng ta về một tiêu chuẩn SEO Onpage, đó là phải sử dụng các từ khóa liên quan (Relevant keyword) đến từ khóa chính.
Ví dụ, nếu bạn viết một bài về kinh doanh bất động sản, bạn nên sử dụng thêm các từ khóa như \”mua bán nhà đất\”, \”bán biệt thự\”, \”mua nhà liền kề\”…
Vậy làm thế nào để bạn có thể tìm ra những từ khóa như vậy?
Dưới đây là một vài cách để bạn tìm ra các từ khóa liên quan và từ khóa ngữ cảnh:
- Sử dụng công cụ Google Autocomplete.
- Sử dụng chức năng People also ask trên Google.
- Phân tích trang web của đối thủ cạnh tranh.
- Các công cụ SEO tốt nhất như SEMRush, MOZ, Ahrefs, Ubersuggest…
Sử dụng từ khóa ngữ cảnh
Khi thêm các từ khóa có liên quan một phần đến bối cảnh của văn bản, mọi người thường gọi nó là từ khóa ngữ cảnh (LSI keyword), bắt nguồn từ kỹ thuật Lập chỉ mục ngữ nghĩa tiềm ẩn (LSI, viết tắt của Latent Semantic Index).
Tuy nhiên, chúng ta thường hiểu sai về mục đích sử dụng từ khóa LSI trong bài viết.
Mặc dù Google thích các chủ đề liên quan đến ngữ nghĩa trong các bài đăng, nhưng họ hoàn toàn không sử dụng LSI trong các thuật toán của mình, hay nói cách khác, từ khóa LSI không phải là yếu tố cải thiện xếp hạng của một trang web.
Thay vào đó, việc sử dụng từ khóa LSI sẽ giúp mở rộng danh sách các từ khóa mà một trang web được xếp hạng, từ đó giúp gia tăng khả năng tiếp cận người dùng.
Do đó, từ khóa LSI vẫn được tôi và các chuyên gia SEO hàng đầu thế giới khuyên là nên sử dụng trong bài viết.
Một trong những cách ứng dụng từ khóa LSI chính là viết các bài viết về chủ đề tương tự với từ khóa chính.
Nhưng cần lưu ý rằng việc sử dụng từ khóa LSI cần được giữ ở mức vừa phải, việc lạm dụng quá mức sẽ khiến trang web của bạn trở thành một thư rác gửi cho người đọc với, như đã được nêu trong hướng dẫn của Google về từ khóa không liên quan.
Cải thiện mức độ dễ đọc hiểu của trang web
Viết đơn giản nhưng súc tích
Cấp độ đọc hiểu của một trang web không phải là yếu tố xếp hạng trong thuật toán của Google, nhưng việc nâng cao mức độ dễ đọc hiểu của văn bản trong trang web sẽ giúp bạn phục vụ người đọc tốt hơn.
Chính vì thế, một số plugin hỗ trợ SEO trên WordPress như Yoast hay Rank Math hoặc một số công cụ trực tuyến khác có phần đánh giá mức độ đọc hiểu của bài viết.
Thông tin thêm: Một nghiên cứu trên các trang web trực tuyến liên quan đến sức khỏe cho thấy rằng bất cứ thứ gì trên trình độ đọc lớp 7 đều làm tăng thêm “khả năng hiểu sâu sắc”.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên viết một cách đơn giản, súc tích, cung cấp lượng thông tin đủ cho người đọc như thể họ chưa biết gì, nhưng cũng đừng xem họ là một kẻ ngu khi phải giải thích tất cả mọi thứ từ nhỏ đến lớn.
Tránh các thuật ngữ
Bạn cũng cần lưu ý rằng việc sử dụng các thuật ngữ khó hiểu, xa lạ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến người xem, và điều đó chỉ khiến họ thoát khỏi trang web của bạn nhanh chóng.
Nói cách khác, bạn cần hạn chế tối đa sử dụng các thuật ngữ, từ viết tắt nếu không cần thiết để giữ chân người đọc càng lâu càng tốt.
Sử dụng các đoạn văn ngắn
Câu hỏi: Bạn đọc hết tất cả các chữ hay chỉ đọc lướt khi truy cập vào một trang web?
Theo một nghiên cứu từ Nielsen Norman Group, chỉ 16% người dùng đọc từng từ trên bài viết của bạn, nói cách khác, một người bình thường hầu như sẽ không đọc toàn bộ nội dung trên trang.
Do đó, bạn có thể giải quyết việc này bằng cách:
Chia thành các đoạn văn ngắn (từ 1 – 2 câu/đoạn) hoặc liệt kê dạng ý có gạch đầu dòng
Bạn có thể giúp người dùng đọc lướt nội dung trên trang một cách có tổ chức và hiệu quả hơn thông qua những thay đổi rất nhỏ trong quá trình viết bài.
Điều này sẽ giúp người đọc có thời gian để hiểu và ghi nhớ thông tin, từ đó làm cho mỗi lượt truy cập vào website của bạn trở nên đáng giá hơn.
Các thủ thuật được sử dụng ở đây gồm có:
- Tách nội dung lớn thành các phần nhỏ hơn.
- Sử dụng các đoạn văn nhỏ gồm một đến hai câu.
- Sử dụng các dấu gạch đầu dòng để liệt kê.
Sử dụng nhiều hơn tiêu đề phụ cấp thấp
Tiêu đề phụ giúp người đọc nhanh chóng hiểu tóm tắt ý nghĩa của một đoạn văn bản sẽ được trình bày bên dưới.
Chính vì thế, đôi khi họ không cần thiết phải đọc toàn bộ nội dung văn bản bên dưới nhưng vẫn có thể nắm bắt được ý chính mà người người viết muốn truyền đạt.
Việc phân cấp tiêu đề phụ cũng giúp người đọc và Google hiểu rõ hơn cấu trúc của nội dung, cũng như biết được đâu là phần nội dung tổng quát, đâu là nội dung chi tiết giải nghĩa cho nó.
Tiêu chuẩn SEO Onpage #5: Tối ưu hình ảnh
Sử dụng hình ảnh được tối ưu trong bài viết là một phần quan trọng đến mức nó được tách ra thành một tiêu chuẩn tối ưu SEO Onpage riêng biệt.
Không chỉ là chọn những bức ảnh hoặc thiết kế phù hợp, có một số điều quan trọng khác mà bạn cũng cần phải xem xét như sau.
Đăng hình ảnh
Sử dụng hình ảnh trong bài viết là một cách tuyệt vời để chia nhỏ nội dung của bạn và tránh tạo ra những bức tường văn bản khổng lồ.
Một điều cần lưu ý, trước khi đăng bất kỳ hình ảnh nào, hãy đảm bảo rằng nó đã được nén sao cho kích thước và dung lượng nhỏ nhất có thể nhưng không làm giảm chất lượng của hình ảnh (chi tiết được nêu trong các tiêu chuẩn dưới đây).
Sử dụng văn bản thay thế
Văn bản thay thế là một thành phần quan trọng đối với hình ảnh, vì nó là một yếu tố xếp hạng trong thuật toán Google Hình ảnh, đồng thời giúp Google hiểu sâu hơn về nội dung bài đăng của bạn, cũng như là chìa khóa cho khả năng tiếp cận.
Vậy nên điền nội dung gì cho phần văn bản thay thế?
Hãy mô tả tốt nhất cho thông tin chứa bên trong hình ảnh và sử dụng từ khóa phù hợp (nhưng không nhồi nhét từ khóa).
Nén file hình ảnh
Kích thước file ảnh rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tải trang, từ đó tác động trực tiếp đến thứ hạng của trang web.
Nếu bạn sử dụng WordPress, tôi khuyên bạn nên cài đặt một vài plugin hỗ trợ tối ưu hình ảnh, gồm có:
- Autoptimize: hỗ trợ nén file ảnh, thêm chức năng Lazy Loading (tải chậm) cho file ảnh trên trang web
- Performance Lab: hỗ trợ tự động tạo file ảnh định dạng .webp khi tải file jpeg, đồng thời lưu trữ màu chủ đạo cho hình ảnh và tạo nền giữ chỗ với màu đó.
Ngoài ra, tôi cũng sử dụng chức năng Save for Web (Legacy) trên phần mềm Photoshop CC 2020 (hoặc các phiên bản cao hơn) để tạo ra các file ảnh nén với chất lượng tốt nhất.
Dưới đây là một số tiêu chuẩn đối với file ảnh được sử dụng:
- Đối với ảnh thông thường: .jpeg
- Đối với ảnh có đồ họa phức tạp: .png (hạn chế)
- Đối với ảnh động, hoạt ảnh: .gif
Hạn chế sử dụng hình ảnh trùng lặp
Bạn cũng nên quan tâm đến việc chia sẻ hình ảnh sang các trang web khác, vì nó giúp gia tăng độ tin cậy cho website của bạn.
Do đó, một số tiêu chuẩn đối với phần này gồm có;
- Nên sử dụng ảnh độc quyền.
- Hạn chế sử dụng hình ảnh trùng lặp, thay vào đó, có thể sử dụng ảnh chụp nhiều góc độ khác nhau để tạo ra sự đa dạng.
- Chèn logo vào hình ảnh.
- Thêm một liên kết vào hình ảnh để người xem có thể tìm ra được bài viết gốc của bạn.
Sử dụng infographic
Infographic được xem là một trong những loại \”nội dung có thể được chia sẻ\”.
Nếu mục đích của bài viết nhắm tới việc xây dựng liên kết, thì việc sử dụng infographic trở thành một trong những tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu để thúc đẩy số lượng backlink cho trang web đó.
Ưu điểm của infographics chính là nó cung cấp một giải pháp nhanh chóng, hiệu quả và gia tăng giá trị cho các website khác trong việc cung cấp nội dung hữu ích cho độc giả của họ.
Trong video dưới đây, bạn có thể xem chi tiết tầm quan trọng của infographic và cách mà nó mang lại hiệu quả cho trang web của bạn:
Tiêu chuẩn SEO Onpage #6: Tối ưu chiều rộng & kích thước trang web
Mỗi phần nội dung trên trang web đều phải được tối ưu, kể cả chiều rộng và kích thước của trang web.
Tối ưu chiều rộng bài viết
Ngay cả chiều rộng của một trang web cũng có thể có tác động đến cách mà người dùng tương tác với nó.
Nói chung, bề rộng trang web càng nhỏ càng tốt (nhưng đừng nhỏ quá).
Giữ chiều rộng bài viết khoảng 700-800 pixel
Theo tôi, kích thước phần nội dung bài viết tốt nhất nên duy trì ở phạm vi tối đa 800 pixel, bạn có thể dễ dàng thấy được điều đó khi xem bài viết này của tôi.
Vì sao?
Trong bài viết Responsive web design basics trên Web.dev, các tác giả Pete LePage và Rachel Andrew từ Google đã nói rằng:
\”Classic readability theory suggests that an ideal column should contain 70 to 80 characters per line (about 8 to 10 words in English)\”
Tạm dịch: Lý thuyết về khả năng đọc cổ điển gợi ý rằng một cột lý tưởng nên chứa 70 đến 80 ký tự trên mỗi dòng (khoảng 8 đến 10 từ trong tiếng Anh).
Nói cách khác, độ rộng của cột nên dao động trong khoảng từ 700 – 800px là hợp lý.
Mỗi dòng chỉ nên có từ 50 – 65 ký tự
Theo tiêu chuẩn, mỗi dòng trong một trang web bằng tiếng Anh có độ dài tối ưu nhất trong khoảng 50 – 65 ký tự.
Lý do là dòng càng dài thì người đọc càng khó tập trung theo dõi vị trí của họ khi chuyển sang dòng tiếp theo.
Sử dụng cỡ chữ tối ưu từ 18 – 22 pixel
Theo kết quả nghiên cứu, khả năng đọc và hiểu gia tăng ở khi cỡ chữ nằm trong khoảng từ 18–22 điểm.
Điều này đã được tôi áp dụng cho trang web của mình, và bạn có thể thấy font chữ thông thường trong bài viết này là 20px nhờ vào công cụ Kiểm tra trong Google Chrome.
Tiêu chuẩn tối ưu khi ngắt dòng
Mỗi đoạn văn nên dài tối đa không quá 4-5 dòng
Thành thật mà nói, không có tiêu chuẩn cố định cho độ dài của mỗi đoạn văn.
Do đó, có một số trang web sẽ khuyên bạn nên kết thúc đoạn văn khi nó đã được từ 4 đến 5 dòng.
Đối với tôi, một đoạn văn có độ dài tối ưu khi nó nằm trong phạm vi từ 2 đến 4 dòng, vì thế, phần lớn các đoạn văn trong bài viết này chỉ khoảng từ 2 đến 3 dòng.
Nhưng vì sao bạn nên đặt ra tiêu chuẩn giới hạn cho số dòng của mỗi đoạn văn trong website?
Lý do là vì người dùng sẽ cảm thấy chán nản khi đọc các khối văn bản quá lớn (ít nhất là đối với tôi và một số chuyên gia SEO khác), nên một đoạn văn bản ngắn sẽ có tác dụng duy trì sự tập trung và hứng thú cho người đọc.
Phóng to kích thước hoặc đổi màu chữ của đoạn văn nổi bật
Rõ ràng, nếu bạn muốn nhấn mạnh một ý nào đó, cách đơn giản nhất là hãy phóng to cỡ chữ của nó hơn so với bình thường, cũng như đổi nó sang màu chữ khác để gây ấn tượng cho người xem.
Tiêu chuẩn SEO Onpage #7: Tối ưu tốc độ & liên kết
Tốc độ tải trang và liên kết là một trong những yếu tố xếp hạng quan trọng nhất của thuật toán Google, do đó, hãy tìm cách tăng tốc độ tải trang cũng như cải thiện các liên kết trong và ngoài trang web.
Cải thiện tốc độ tải trang
Trang web tải dưới 2 giây được xem là tối ưu
Năm 2010, Google đã nói rằng tốc độ trang là một yếu tố xếp hạng.
Vào năm 2018, họ nhấn mạnh tầm quan trọng của tốc độ trang trên thiết bị di động.
Trên thực tế, trong một bài đăng từ blog Think With Google, họ nói rằng các trang web tải dưới 1 giây sẽ cải thiện đến 90% so với một trang web mất đến 5 giây để tải xong.
Chính vì thế, hãy sử dụng các công cụ kiểm tra tốc độ tải trang như Pagespeed Insights hay Pingdom để hiểu trang web của bạn tải nhanh đến mức độ nào, và cố gắng duy trì tốc độ tải trang dưới 2 giây.
Ngoài ra, một số chiến thuật tối ưu Onpage mà bạn có thể áp dụng để cải thiện tốc độ trang web gồm có:
Giảm thiểu các mã code thừa
Xóa mã thừa khỏi HTML, CSS hoặc JavaScript của bạn bằng cách sử dụng HTMLMinifier hoặc CSSNano.
Ngoài ra, Google cũng có liệt kê một số công cụ tiện ích để hỗ trợ việc này, bạn có thể tham khảo tại đây.
Nén file
Giữ kích thước của tất cả các file trên website càng nhỏ càng tốt, bao gồm HTML, CSS và JavaScript, bằng cách sử dụng phần mềm nén mà Google đề xuất hoặc chức năng nén file được tích hợp sẵn trong các hosting Cpanel.
Tối ưu hóa hình ảnh
- Sử dụng hình ảnh có kích thước chuẩn.
- Sử dụng định dạng .jpeg hoặc .webp cho các file ảnh tải lên website.
- Nén file ảnh để kích thước không vượt quá 100 kb/ảnh.
Cắt giảm chuyển hướng
Nhiều chuyển hướng có thể gây ra quá nhiều yêu cầu HTTP, điều này sẽ làm cho trang web của bạn bị dừng lại.
Cải thiện thời gian phản hồi máy chủ của bạn
Để khắc phục sự cố phản hồi máy chủ của bạn, Google khuyên bạn nên xác định các điểm khó khăn bằng cách chú ý đến Time To First Byte (TTFB) , biểu thị thời gian cần thiết để trình duyệt của người dùng nhận được byte đầu tiên của nội dung trang.
Core Web Vitals
Bộ tiêu chuẩn Core Web Vitals (Các chỉ số thiết yếu về trang web) của Google là một tập hợp số liệu cụ thể đo lường các yếu tố khác nhau của trải nghiệm người dùng trên trang web.
Mặc dù Google xem xét nhiều số liệu khác nhau để đánh giá khả năng sử dụng của trang web của bạn, nhưng các chỉ số trong Core Web Vitals là những thứ được cho là quan trọng nhất.
Bạn có thể kiểm tra điểm số của mình cho từng mục trong Google Search Console ở phần Các tính năng nâng cao.
Vì Core Vitals sẽ tác động trực tiếp đến thứ hạng (dù mức độ ảnh hưởng của nó vẫn đang được tranh luận), điều quan trọng là bạn phải hiểu các chỉ số đó là gì (được Google giải thích tại đây) và cách khắc phục.
Nhìn chung, Core Web Vitals bao gồm:
LCP – Phần nội dung có kích thước lớn nhất
Nói một cách đơn giản, đây là thời gian cần thiết để phần lớn nhất của trang web tải xong.
Theo chuẩn Google, LCP cần phải hoàn thành trong vòng tối đa 2,5 giây khi người dùng bắt đầu tải trang lần đầu tiên.
FID – Độ trễ đầu vào đầu tiên
Đây là khoảng thời gian để bạn có thể bắt đầu nhấp vào bất kỳ thứ gì trên trang web và trình duyệt web phản ứng lại với thao tác của bạn.
Để đạt điểm cao ở phần này, các trang của bạn cần FID từ 100 mili giây trở xuống.
CLS – Dịch chuyển bố cục tích lũy
Phần này xem xét lượng nội dung bị di chuyển trong khi tải trang.
Nói chung, website của bạn đạt tiêu chuẩn khi các trang có CLS từ 0,1 trở xuống.
Bây giờ, không có bất kỳ giải pháp cố định nào cho các vấn đề xảy ra khi LCP, FID và CLS không đạt chuẩn, nhưng bạn có thể thực hiện một số phương pháp sau để cải thiện chất lượng điểm Core Web Vitals như sau:
- Thiết lập Lazy Loading cho hình ảnh trên trang web. Nếu bạn có nhiều hình ảnh trên website WordPress, hãy cân nhắc lựa chọn một plugin hỗ trợ tải chậm như Autoptimize hay WP Rocket.
- Thiết lập sẵn chiều rộng, chiều cao và tỉ lệ co của hình ảnh. Điều này sẽ giúp cải thiện chỉ số CLS khi ngăn không cho hình ảnh di chuyển phần văn bản xung quanh sau khi tải xong.
- Dọn dẹp CSS hoặc Javascript chặn hiển thị. Một plugin như WP Rocket sẽ giúp nâng cao thời gian tải trang web bằng cách tối ưu hóa phân phối CSS và tránh những trình chặn có thể khiến các yếu tố quan trọng tải chậm hơn những trình chặn khác.
Liên kết nội bộ
Liên kết nội bộ đang bị đánh giá thấp tầm quan trọng, mặc dù nó là một trong những yếu tố xếp hạng hàng đầu trên Google, và nó cũng rất dễ kiểm soát vì nằm trực tiếp trên website của bạn.
Google cũng dựa vào các liên kết nội bộ để xem và lập chỉ mục các trang trên website của bạn.
Liên kết nội bộ có thể được thực hiện bằng 2 cách:
- Liên kết đến các bài đăng nội bộ khác;
- hoặc Liên kết từ các bài đăng nội bộ khác.
Một số điều cần làm để tối ưu liên kết nội bộ trong website gồm có:
Nhắm mục tiêu ít nhất 2-3 liên kết nội bộ
Không có một quy tắc chuẩn về số lượng liên kết nội bộ mà bạn nên có trên trang, tuy nhiên, nhìn chung, nếu bài viết của bạn càng dài thì càng nên sử dụng nhiều liên kết nội bộ.
Và mục tiêu bạn nên đặt ra là cứ mỗi bài đăng sẽ nhắm đến hai hoặc ba bài viết khác trên website của bạn.
Nhưng đâu là bài viết nên được liên kết?
Chà, không có câu trả lời cố định cho câu hỏi này, nhưng bạn có thể sử dụng phương pháp chèn liên kết nội bộ của Ahrefs như trong video dưới đây:
Liên kết đến các bài viết nội bộ khác
Để tìm một trang nội bộ phù hợp để liên kết đến văn bản neo (anchor text) trong bài viết mới, tốt nhất là bạn nên tìm kiếm theo cấu trúc truy vấn như sau:
site: ychoc.com + từ khóa cần tìm
Trong trường hợp bạn chưa biết văn bản neo là gì, thì nó là phần text được gạch chân mà bạn sử dụng khi liên kết đến các trang khác (cả trang web nội bộ và trang web bên ngoài).
Đối với liên kết nội bộ, bạn luôn muốn sẽ cần xây dựng ngữ cảnh phù hợp với văn bản liên kết của mình.
Nhờ vậy, văn bản bạn chọn làm anchor text sẽ giúp cho Google biết tài nguyên đó nói về điều gì.
Dưới đây, tôi sẽ chỉ cho bạn hai phương pháp tốt nhất để lựa chọn văn bản neo cho liên kết nội bộ.
- Thay đổi anchor text qua mỗi bài. Quá nhiều trang sử dụng cùng một anchor text nhìn có vẻ giống như spam đối với Google.
- Thêm bối cảnh phù hợp xung quanh anchor text. Hãy đảm bảo đoạn văn chứa anchor text có liên quan mật thiết với anchor text đó để giúp Google hiểu rõ hơn về ngữ cảnh và giá trị của trang web được liên kết đến.
Liên kết từ các bài viết nội bộ khác
Tương tự, bạn sẽ muốn tìm các trang cũ để chèn liên kết đến bài viết mới của mình, và cách làm cũng giống như cách liên kết đến các bài viết nội bộ khác mà tôi vừa đề cập ở trên.
Nhưng một lần nữa, tôi cần nhắc bạn rằng không nên chỉ liên kết đến một bài đăng duy nhất, thay vào đó, hãy đa dạng liên kết nhằm tạo sự kết nối chặt chẽ giữa các trang web với nhau.
Liên kết bên ngoài
Đa phần, bạn sẽ muốn tuân theo các nguyên tắc tương tự đối với liên kết bên ngoài mà bạn thực hiện đối với liên kết nội bộ, bao gồm:
- Xây dựng bối cảnh xung quanh văn bản liên kết
- Lựa chọn các trang web bên ngoài có nội dung tốt nhất để liên kết đến văn bản neo.
Dưới đây là một số tiêu chuẩn dành cho liên kết bên ngoài:
Liên kết đến các nguồn có liên quan và có độ tin cậy cao
Liên kết đến các trang có thẩm quyền đã được chứng minh là giúp cải thiện xếp hạng trong một số trường hợp, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn chăm chăm liên kết với hàng tấn trang khác nhau và trông chờ nó mang lại hiệu quả.
Nguyên tắc ở đây là: Các liên kết phải trỏ đến các nguồn có độ tin cậy cao trong ngành, nhưng đừng thêm chúng chỉ vì bạn cần một liên kết bên ngoài.
Nhắm đến 2-3 liên kết bên ngoài cho mỗi bài viết
Một nghiên cứu cho thấy trung bình các trang web hàng đầu đều có khoảng 5 liên kết bên ngoài, và khi đặt liên kết bên ngoài, bạn nên thiết lập để mở trang web đó trong một cửa sổ khác để không bị mất lượt truy cập.
SEO Onpage Check: Top5+ công cụ SEO tốt nhất để kiểm tra website tối ưu On-page hay chưa
Một trong những cách dễ dàng nhất để kiểm tra liệu bạn đã tối ưu SEO Onpage tốt hay chưa, chính là việc sử dụng các công cụ SEO có chức năng audit website.
Dưới đây, tôi sẽ giới thiệu cho bạn Top5+ công cụ SEO Onpage Check tốt nhất (theo quan điểm của tôi) mà bạn nên tham khảo.
Plugin Rank Math SEO cho website WordPress
Rank Math SEO là một trong những plugin tốt nhất để hỗ trợ bạn kiểm tra hoạt động SEO Onpage cho một trang web.
Với công cụ Rank Math, bạn có thể kiểm tra tình trạng tối ưu hiện tại của một bài viết hoặc một trang web bất kỳ, đồng thời nhận các đề xuất cần khắc phục để cải thiện điểm chất lượng trên trang sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn SEO Onpage mới nhất.
Có thể nói, Rank Math là công cụ SEO tốt nhất dành cho những người bắt đầu tập làm SEO và Content Marketing.
Các tính năng hỗ trợ SEO Onpage nổi bật của Rank Math
- Kiểm tra mức độ tối ưu Onpage đối với từ khóa chính và tối đa 4 từ khóa bổ sung
- Kiểm tra chất lượng tối ưu một số yếu tố trên trang web như: thẻ tiêu đề, thẻ mô tả, URL, hình ảnh, tiêu đề bài viết…
- Đề xuất giải pháp để cải thiện điểm chất lượng trên trang web, VD: điều chỉnh độ dài URL, chèn thêm từ khóa vào thẻ tiêu đề, sử dụng các thẻ sub-heading trong bài viết,…
- Hỗ trợ chèn lược đồ Article cho bài viết.
- Hỗ trợ kiểm tra khả năng chia sẻ trên mạng xã hội.
- Tích hợp chức năng IndexNow giúp bài viết được index nhanh chóng trên các công cụ tìm kiếm.
- Tự động tạo sitemap cho toàn bộ trang web
- … và rất nhiều chức năng nổi trội khác.
Ưu điểm của Rank Math
- Dễ sử dụng, giao diện trực quan, thích hợp cho người mới bắt đầu.
- Đánh giá điểm chất lượng trên thang điểm 100 nên dễ theo dõi.
- Các đề xuất, gợi ý được trình bày rõ ràng, chi tiết, đồng thời có giải thích các thuật ngữ liên quan trong trường hợp bạn muốn tìm hiểu chi tiết.
- Liên tục được cập nhật tính năng mới.
- Phiên bản miễn phí được trang bị hầu như đầy đủ mọi chức năng mà người làm SEO và Content Marketing cần dùng.
Nhược điểm của Rank Math
- Chức năng Content AI đắt đỏ, có thể được thay thế bằng các công cụ khác.
- Một số tiêu chuẩn tối ưu Onpage không phải là yếu tố xếp hạng thuật toán của Google (VD: Keyword Density, Word Count…).
- Chỉ mới hỗ trợ cho WordPress, chưa có bản tương thích với các nền tảng website khác.
Công cụ Rank Math SEO giá bao nhiêu?
Hiện nay, Rank Math đang có cả phiên bản miễn phí với đầy đủ các chức năng quan trọng nhất, và phiên bản trả phí với 3 gói dịch vụ như sau:
- Gói Pro: giá KM 59$/năm, nhận được 15 tín dụng Content AI miễn phí, theo dõi thứ hạng 500 từ khóa, mở rộng tính năng thêm lược đồ cho trang web.
- Gói Business: giá KM 199$/năm, nhận được 125 tín dụng Content AI miễn phí, theo dõi thứ hạng 10.000 từ khóa, mở rộng tính năng thêm lược đồ cho trang web, hỗ trợ cho 100 website client.
- Gói Agency: giá KM 499$/năm, nhận được 600 tín dụng Content AI miễn phí, theo dõi thứ hạng 50.000 từ khóa, mở rộng tính năng thêm lược đồ cho trang web, hỗ trợ cho 500 website client.
Đánh giá công cụ Rank Math
- WordPress: điểm trung bình 4,9 / 5 sao (gần 5.000 lượt bình chọn)
Plugin Yoast SEO cho website WordPress
Yoast SEO là một trong các plugin SEO nổi tiếng hiệu quả và lâu đời trên nền tảng WordPress (và cả nền tảng Shopify).
Tương tự như Rank Math SEO, công cụ Yoast cung cấp hầu hết các chức năng mà những người làm SEO Onpage cần sử dụng, đồng thời cung cấp những giải pháp giúp chủ website cải thiện chất lượng tối ưu trên trang.
Điểm khác biệt giữa Yoast và Rank Math chính là việc hỗ trợ đánh giá một số yếu tố mà nền tảng còn lại không có, cũng như cách đánh giá chất lượng tổng thể của một trang web được trình bày dưới những hình thức khác nhau (vơi Rank Math là thang điểm trên 100, và với Yoast là icon cảm xúc vui buồn).
Ưu điểm của Yoast SEO
- Đánh giá chất lượng SEO Onpage dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau.
- Đề xuất giải pháp hỗ trợ cụ thể, rõ ràng.
- Giao diện trực quan, dễ theo dõi.
- Bản miễn phí tương đối đủ chức năng cần thiết để kiểm tra mức độ tối ưu Onpage của trang web.
- Tích hợp thêm nhiều plugin khác nhằm cải thiện điểm chất lượng của trang web.
Nhược điểm của Yoast SEO
- Cách đánh giá bằng biểu tượng cảm xúc chưa rõ ràng
Chi phí để sử dụng Yoast SEO là bao nhiêu?
Tương tự như Rank Math SEO, công cụ Yoast có cả phiên bản miễn phí và các gói trả phí tùy thuộc vào loại chức năng mà bạn muốn thêm vào website.
Đánh giá chất lượng Yoast SEO
- WordPress: điểm trung bình 4,8 / 5 sao (với hơn 27 ngàn lượt bình chọn)
Công cụ Site Audit trên Ubersuggest
Và đây là một trong những công cụ hỗ trợ tối ưu SEO Onpage tốt nhất thuộc dạng \”Ngon – Bổ – Rẻ\” mà tôi muốn giới thiệu cho bạn – Ubersuggest.
Được phát triển bởi Neil Patel, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về SEO và Digital Marketing, công cụ Ubersuggest cung cấp hàng tấn chức năng khác nhau, được chia thành nhiều nhóm, và một trong những chức năng được quan tâm nhất chính là Site Audit.
Với Site Audit, bạn chỉ cần nhập domain website hoặc URL của một trang web nào đó, công cụ sẽ hiển thị ra kết quả đánh giá chất lượng cho toàn bộ website hoặc chỉ riêng một trang web, đồng thời chỉ ra những yếu tố Onpage chưa được tối ưu, cách giải quyết cũng như những đề xuất bổ sung giúp bạn tối đa hóa điểm chất lượng của trang web.
Ưu điểm của công cụ Site Audit trên Ubersuggest
- Dễ sử dụng, dễ theo dõi ngay cả với những người mới bắt đầu.
- Có phiên bản miễn phí cung cấp tương đối đủ các thông tin giúp bạn tối ưu hóa trang web
- Có thể kết hợp với hàng loạt công cụ khác để tối đa hóa hiệu quả của SEO Onpage, chẳng hạn như: công cụ nghiên cứu từ khóa – Keyword Ideas, tìm ý tưởng phát triển nội dung – Content Ideas, phân tích đối thủ cạnh tranh – Similar Websites,…
- Phiên bản trả phí giá rẻ, tiết kiệm đến 80-90% so với các công cụ tương tự như SEMRush hay Ahrefs.
Nhược điểm của công cụ Site Audit
- Phiên bản miễn phí bị giới hạn nhiều chức năng.
- Chưa hỗ trợ bằng tiếng Việt.
- Đôi khi, một số dữ liệu chưa được cập nhật kịp thời hoặc bị lỗi hiển thị dữ liệu.
Chi phí để sử dụng Ubersuggest
Bạn có thể đăng ký tài khoản miễn phí để sử dụng hầu hết các chức năng, trong đó có cả Site Audit.
Tuy nhiên, nếu muốn xem đầy đủ thông tin, tôi khuyến khích bạn sử dụng gói trả phí 1 lần giá 120$ dành cho cá nhân (cũng là gói dịch vụ mà tôi đang sử dụng).
Đánh giá chất lượng của Ubersuggest
- G2: điểm trung bình 4,2 / 5 sao
- GetApp: điểm trung bình 4,5 / 5 sao
- Trustradius: điểm trung bình 8,3 / 10 điểm
- Trustpilot: điểm trung bình 4,3 / 5 sao
Ngoài ra, còn một số công cụ SEO Onpage Check khác mà bạn cũng có thể sử dụng, bao gồm:
- Công cụ Site Audit trên Ahrefs
- Công cụ On Page SEO Checker của SEMRush
- Add-on SEOquake trên trình duyệt web Chrome, Microsoft Edge, Opera và Firefox
Lưu ý: Quy tắc vàng đối với tiêu chuẩn tối ưu On-page SEO
Tạo một bài viết được tối ưu hóa dựa theo các phương pháp hay nhất về SEO Onpage có vẻ như là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng hãy tưởng tượng thành quả sẽ đạt được khi bạn nhận được những lượt truy cập quý giá từ người dùng.
Ngoài ra, nếu bạn đang muốn thêm một tính năng tốt cho SEO nhưng sẽ làm tổn hại đến trải nghiệm người dùng, vậy thì hãy dừng lại điều đó ngay.
Ngày nay, mục đích tạo ra trang web chính là bạn tạo ra thứ gì đó tuyệt vời cho người dùng, do đó, hãy ưu tiên đặt trọng tâm vào những giá trị mà người dùng đang cần, đồng thời tìm mọi cách để cải thiện chất lượng bài viết sao cho vượt trội hơn đối thủ cạnh tranh.
Bạn cũng đừng ngại thử nghiệm và vượt qua các ranh giới đã được quy chuẩn hóa, vì đó là cách mà những nội dung tuyệt vời thực sự được tạo ra.
Trong trường hợp bài viết của bạn không được xếp hạng, hãy quay lại danh sách này và điều chỉnh cho phù hợp.
Và hãy nhớ rằng mọi thứ luôn thay đổi, các tiêu chuẩn tối ưu SEO Onpage trong bài viết này có thể bị thay thế bởi những bản cập nhật thuật toán của Google, vì thế, hãy bấm tổ hợp phím Ctrl + D để lưu lại bài viết này và thường xuyên đọc nó, vì tôi sẽ thường xuyên bổ sung những thông tin mới rất hữu ích cho bạn.
Câu hỏi thường gặp về tiêu chuẩn SEO Onpage
Bộ tiêu chuẩn tối ưu SEO Onpage gồm những gì?
7+ nhóm yếu tố SEO Onpage cần được tối ưu gồm có:
- Tối ưu tiêu đề (title), thẻ (tag) và URL;
- Tối ưu khu vực phía trên màn hình đầu tiên (Above the fold);
- Tối ưu nội dung chính của bài viết;
- Tối ưu văn bản trên trang;
- Tối ưu hình ảnh;
- Tối ưu chiều rộng & kích thước trang web;
- Tối ưu tốc độ & liên kết.
Mật độ từ khóa như thế nào để tối ưu SEO Onpage?
Như tôi đã đề cập, việc tối ưu SEO Onpage không liên quan đến mật độ từ khóa (hay keyword density).
Điều này tức là không có bất kỳ thứ gì gọi là mật độ từ khóa cho bài 700-800 từ, và bất kỳ ai gợi ý cho bạn rằng nên duy trì một tỷ lệ mật độ từ khóa nào đó (chẳng hạn 1-3%) đều đang mắc sai lầm.
Nên sử dụng công cụ check SEO Onpage nào?
Một số công cụ check SEO Onpage miễn phí mà bạn có thể sử dụng như:
- Plugin Rank Math SEO cho website WordPress;
- Yoast SEO cho WordPress;
- Công cụ Site Audit trên Ubersuggest;
- ……