Hệ thống xếp hạng Topic Authority là gì? Phương pháp SEO website tin tức

Bạn đã nghe về Topical Authority, nhưng còn Topic Authority? Hãy tìm hiểu về hệ thống xếp hạng Topic Authority của Google & cách SEO website tin tức hiện nay nhé.

Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bảo hộ bản quyền nội dung trên DMCA (Link đăng ký: https://www.dmca.com/r/2wm8mlq), vui lòng trích dẫn nguồn kèm link bài viết nếu muốn sử dụng để đăng tải lại trên website khác.

Ngày 23/05/2023, Google đã giới thiệu hệ thống xếp hạng mới có tên gọi Topic Authority dành cho các website dạng tin tức, và nó thực sự là một cải tiến rất đáng để những người làm SEO quan tâm.

Dưới đây, bạn sẽ tìm thấy những nội dung quan trọng về hệ thống News Topic Authority Ranking System của Google bao gồm:

  • Khái niệm về Google Topic Authority Ranking System.
  • Vì sao hệ thống này quan trọng?
  • Cơ chế xếp hạng nội dung của hệ thống Topic Authority.
  • Làm thế nào để website tin tức được xếp hạng cao trên Google?

OK, hãy bắt đầu với nội dung đầu tiên:

Google Topic Authority là gì?

Topic Authority là tên của một hệ thống xếp hạng trang web do Google phát triển nhằm mục đích giải quyết những thách thức chung mà người dùng Google gặp phải trong quá trình tìm kiếm thông tin liên quan đến các ấn phẩm chuyên sâu và hữu ích trong một phạm vi địa lý hoặc một lĩnh vực nào đó.

Cụ thể, hệ thống này sẽ ưu tiên hiển thị các bài viết chuyên sâu do các chuyên gia trong chủ đề được nói đến thay vì bài viết đến từ các trang web tin tức tổng hợp thông thường, mặc dù quy mô và sự nổi tiếng của các trang web do chuyên gia tham gia vận hành có thể thấp hơn nhiều so với các trang tin tức tổng hợp.

Hãy xem ví dụ từ website Ychoc.com của tôi, bạn sẽ thấy nó được xếp hạng Top 1 Google Search cho rất nhiều từ khóa liên quan đến báo cáo thị trường như hoặc đánh giá tổng quan về ngành Marketing, mặc dù có rất nhiều trang báo chí tổng hợp nổi tiếng đề cập về vấn đề này.

Lưu ý rằng mặc dù hệ thống Google Topic Authority vừa chính thức được giới thiệu vào tháng 05/2023, tài khoản Google SearchLiaison trên Twitter cũng cho biết đây không phải là hệ thống xếp hạng mới vì nó đã được sử dụng trong vài năm qua.

Topic Authority quan trọng như thế nào đối với SEO?

Ngày nay, có rất nhiều website tin tức đang hoạt động trên khắp thế giới cùng đưa tin về một chủ đề hoặc sự kiện nào đó.

Chẳng hạn, khi nói về ChatGPT hay Google Bard, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp rất nhiều tin tức chung chung có liên quan được đăng tải trên những báo tổng hợp thông tin lớn như Thanh Niên, Tuổi Trẻ hay VnExpress.

Trong khi đó, những bài viết phân tích chuyên sâu và hữu ích về công nghệ AI Writing hay các mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model) do các chuyên gia công nghệ đăng tải trên website hoặc blog cá nhân của họ sẽ ít có cơ hội tiếp cận với người xem, nếu như không có sự hỗ trợ từ thuật toán xếp hạng của Google.

Hoặc nếu một người đang tìm kiếm bài viết bình luận của một chuyên gia Marketing về một báo cáo phân tích thị trường, có khả năng họ sẽ chỉ tìm thấy các tin tức cơ bản được đăng trên báo lớn.

Chính vì thế, hệ thống Topic Authority được ra mắt sẽ cho phép người dùng Google tìm thấy nhiều bài viết phân tích chuyên sâu của các chuyên gia đang sinh sống tại địa phương hoặc trong một chủ đề nhất định nào đó, từ đó mang lại những nội dung độc đáo và phù hợp với nhu cầu của họ hơn.

Ví dụ, nếu có lũ lụt xảy ra trong khu vực mà người dùng đang sinh sống, Google sẽ ưu tiên cung cấp những bài viết từ các trang web thường xuyên đưa tin về khu vực đó.

Bên cạnh đó, hệ thống xếp hạng Topic Authority cũng giúp ưu tiên hiển thị các nội dung gốc được đăng tải bởi các trang web vốn quen thuộc với chủ đề hoặc vị trí được nói đến.

Khi hệ thống News Topic Authority của Google được triển khai, những người quản lý website có thể kỳ vọng và các kết quả như sau:

  • Các bài viết do các nhà xuất bản hoặc người sáng tạo nội dung tại địa phương tạo ra có thể tăng khả năng hiển thị khi nói về các chủ đề trong khu vực địa lý của họ.
  • Đối với những website chuyên ngành, điều tương tự cũng có thể xảy ra nếu người dùng Google tìm kiếm các từ khóa liên quan đến những nội dung hoặc chủ đề mà website đó thường xuyên đăng tải.

Hệ thống Topic Authority hoạt động thế nào?

Theo thông tin từ Google, hệ thống Topic Authority sử dụng một số tín hiệu để đánh giá yếu tố chuyên môn của bài viết trong các lĩnh vực cụ thể.

Các tín hiệu quan trọng nhất gồm có:

  • Mức độ nổi bật của một chủ đề hoặc một vị trí: Hệ thống của Google sẽ cân nhắc liệu một bài viết có liên quan đến chủ đề hoặc lĩnh vực nào đó hay không.
  • Ảnh hưởng và báo cáo gốc: Google sẽ xem xét cách các website khác trích dẫn báo cáo gốc của một trang web.
  • Uy tín của website nguồn: Google sẽ đánh giá lịch sử hoạt động của nguồn cấp thông tin về việc nó có được các nguồn uy tín khác trong ngành (chẳng hạn, website của các bộ ngành, hiệp hội chuyên gia) công nhận và đề xuất hay không.

Nghe rất giống với nguyên lý hoạt động của hệ thống xếp hạng trang web dựa trên số liệu thực thể do Google sở hữu bằng sáng chế đúng không?

Tuy nhiên, dù nó có hay không sử dụng bằng sáng chế này, thì tôi có thể khẳng định gần như 100% rằng hệ thống này có liên quan chặt chẽ đến cách Google đánh giá tính chuyên môn (Expertise) của một bài viết cũng như mức độ uy tín của chuyên gia (Authoritativeness) theo nguyên tắc EEAT.

Thực chất, hệ thống xếp hạng nội dung theo độ uy tín về chủ đề của Google – hay Topic Authority Ranking System – hoạt động rất giống với cách đánh giá yếu tố thẩm quyền theo chủ đề mà tôi đã đề cập trong bài viết nói về Topical Authority là gì.

Nói cách khác, nếu muốn tận dụng những lợi thế tuyệt vời mà hệ thống Topic Authority của Google mang lại, bạn cần tiếp tục sáng tạo những nội dung có chất lượng cao (hoặc thậm chí là xuất sắc) về các lĩnh vực, chủ đề hoặc phạm vi địa lý mà bạn hiểu rõ nhất.

Bên cạnh đó, bạn cần đẩy mạnh xây dựng mối quan hệ với những cá nhân hoặc tổ chức thực sự được công nhận là chuyên gia uy tín trong ngành hoặc nổi tiếng tại địa phương, và bạn càng nhận được nhiều “sự công nhận” (tức các backlink) từ họ, bạn sẽ càng dễ chiến thắng trong cuộc chiến cạnh tranh thứ hạng trên Google.

Lưu ý, điều này hoàn toàn khác với những backlink mà bạn đi mua từ các trang báo điện tử chính thống hoặc các trang trại liên kết (tức những website 2.0 tự gọi mình là “báo tỉnh”).

Tóm lại về hệ thống xếp hạng Google News Topic Authority

Với sự nhấn mạnh vào tính chuyên môn và địa phương hóa, chắc chắn trên trang kết quả tìm kiếm của Google sẽ có ngày càng nhiều các website báo chí chuyên ngành cũng như các bài viết tập trung vào vấn đề phân tích chuyên sâu.

Như vậy, những người làm Content Marketing cho website cần rèn luyện cho mình các kỹ năng phân tích dữ liệu, cũng như tập trung toàn lực vào việc cung cấp những nội dung hữu ích nhằm ưu tiên phục vụ các đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, thay vì nhắm đến các chủ đề được nhiều người tìm kiếm nhưng bản thân người viết không có chuyên môn.

Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về hệ thống Topic Authority của Google, hãy để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.

5/5 (1 Review)

Vũ Đăng Chung

Xin chào, tôi là một freelancer chuyên về SEO Marketing. Tôi đã dành 4 năm để làm công việc Digital Marketing và viết Content tại các công ty thuộc nhiều lĩnh vực như làm đẹp & thẩm mỹ, thiết bị công nghiệp, thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến... trước khi chuyển sang làm SEO full-stack từ năm 2016. Cần liên hệ tôi? Vui lòng gửi yêu cầu đến địa chỉ email: chung250190@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *