Schema Markup là gì? Cách test nhanh dữ liệu cấu trúc trên website

Schema Markup là một kỹ thuật nâng cao để tạo dữ liệu có cấu trúc cho website. Dưới đây là cách thêm & kiểm tra dữ liệu cấu trúc trên website có bị lỗi hay không.

Trong SEO, dữ liệu có cấu trúc (Structured Data) là gì?

Dữ liệu có cấu trúc, tiếng Anh gọi là Structured Data hoặc Schema Markup (hay Đánh dấu lược đồ), là một loại dữ liệu được trình bày dưới dạng HTML và được sắp xếp theo các quy chuẩn của Schema.org, giúp các công cụ tìm kiếm như Google dễ dàng hiểu được những nội dung chính trên website và nhấn mạnh nó cho người dùng.

Ví dụ, bạn có thể đã từng bắt gặp một số dữ liệu có cấu trúc được trình bày một cách đặc biệt trên Google Search như hình dưới đây.

Ví dụ về dữ liệu có cấu trúc trên Google Search
Ví dụ về dữ liệu có cấu trúc trên Google Search

Trong ví dụ này, bạn sẽ thấy một trang web hiển thị loại dữ liệu có cấu trúc dạng đánh giá sản phẩm, và một trang web khác hiển thị dạng câu hỏi thường gặp.

Để hiểu thêm về phần này, trong video dưới đây, bạn hãy hơn 8 phút để xem thử Google nói gì về dữ liệu có cấu trúc nhé:

Code HTML của dữ liệu cấu trúc được trình bày như thế nào?

Tùy theo từng loại dữ liệu có cấu trúc, cách trình bày đoạn mã code cho dữ liệu cấu trúc có thể sẽ rất khác nhau.

Ví dụ, dưới đây là đoạn code dữ liệu có cấu trúc dạng FAQ mà tôi đang sử dụng trong bài viết này, trong đó có mô tả về 2 câu hỏi và phần trả lời cho từng câu:

<script type="application/ld+json">
{
	"@context":"https://schema.org",
	"type":"FAQPage",
	"mainEntity":
	[{
		"@type":"Question",
		"name":"Schema.org là gì?",
		"acceptedAnswer":
		{
			"@type":"Answer",
			"text":"Schema.org là một liên minh hợp tác được thành lập bởi các công ty hàng đầu thế giới về công cụ tìm kiếm, bao gồm Google, Microsoft, Yahoo và Yandex."
		}
	},
	{
		"@type":"Question",
		"name":"Dữ Liệu Cấu Trúc Có Phải Là Yếu Tố Trong Thuật Toán Xếp Hạng Google Không?",
		"acceptedAnswer":
		{
			"@type":"Answer",
			"text":"Không, việc sử dụng dữ liệu cấu trúc trên website của bạn không có bất kỳ ảnh hưởng trực tiếp nào đến thuật toán xếp hạng Google."
		}
	}
	]
}
</script>

Trong khi đó, với loại dữ liệu cấu trúc dạng Table, tôi sẽ trình bày nó dưới dạng bảng biểu giống như dưới đây:

Ví dụ về dữ liệu có cấu trúc dạng dataset
Ví dụ về dữ liệu có cấu trúc dạng dataset

Google sử dụng dữ liệu có cấu trúc như thế nào?

Google sử dụng dữ liệu có cấu trúc trên trang web để hiểu về nội dung trang web, thu thập dữ liệu nhanh chóng, đồng thời sử dụng các dữ liệu đó để kích hoạt các tính năng đặc biệt trên trang kết quả tìm kiếm.

Ví dụ, dưới đây là cách mà dữ liệu có cấu trúc How-to hiển thị trên Google.

Ví dụ về dữ liệu có cấu trúc How-to đối với trang web Wikihow
Ví dụ về dữ liệu có cấu trúc How-to đối với trang web Wikihow

Tuy nhiên, một điều bạn cần lưu ý rằng, mặc dù trang web của bạn đã được thêm dữ liệu có cấu trúc thành công, nhưng Google đã nói rằng không có gì chắc chắn các dữ liệu cấu trúc đó sẽ được hiển thị trên Google Search.

Nói cách khác, sẽ có trường hợp ngày hôm nay dữ liệu có cấu trúc được hiển thị đối với trang web của bạn, nhưng nó sẽ không xuất hiện trong những ngày tiếp theo.

Rõ ràng, bạn hoàn toàn không thể kiểm soát khả năng hiển thị của dữ liệu có cấu trúc, hay Schema Markup, vậy liệu có cần thiết để cài đặt nó vào trang web hay không?

Chắc chắn, câu trả lời sẽ là: .

Vì sao Schema Markup quan trọng đối với SEO?

Những trang web sử dụng Schema Markup thường có tỷ lệ CTR cao hơn so với các trang web không có dữ liệu cấu trúc, đồng nghĩa với việc trang web của bạn thu hút nhiều lượt truy cập hơn.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, vai trò quan trọng nhất của Schema Markup là giúp các công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn về nội dung trên trang web của bạn, từ đó nhanh chóng lập chỉ mục và dễ dàng xếp hạng trang web của bạn hơn.

Schema Markup giúp các công cụ tìm kiếm nhanh chóng thu thập dữ liệu và hiểu nội dung trên trang web của bạn
Schema Markup giúp các công cụ tìm kiếm nhanh chóng thu thập dữ liệu và hiểu nội dung trên trang web của bạn

Bên cạnh đó, nó là cơ hội để bạn gia tăng khả năng cung cấp thông tin hữu ích cho khách hàng một cách linh hoạt hơn, nhờ đó tạo ra sức hút lớn hơn cho trang web của mình.

Nói chung, Schema Markup rất quan trọng đối với các website, đặc biệt trong thời điểm mà Google đang ngày càng siết chặt hơn việc hiển thị các snippet trên công cụ tìm kiếm do việc lạm dụng tràn lan trong quá khứ.

Nói cách khác, chỉ những trang web có chất lượng nội dung tốt, tuân thủ các nguyên tắc của Google và được xếp hạng cao mới có khả năng được phép hiển thị dữ liệu cấu trúc trên SERP.

Nhược điểm của Schema Markup

Một trong những nhược điểm lớn nhất của Schema Markup chính là việc khó kiểm soát khả năng hiển thị của dữ liệu cấu trúc khi người dùng tìm kiếm trên Google.

Nói đơn giản, bạn sẽ không biết liệu trang web mới tạo của mình có được hiển thị bất kỳ dữ liệu cấu trúc nào hay không, hoặc khi nào các phần mở rộng đó sẽ bị ẩn.

Bên cạnh đó, việc khởi tạo và chèn dữ liệu cấu trúc vào website đòi hỏi bạn phải có kiến thức một chút về mã HTML và hiểu về ý nghĩa, cách sử dụng các từ vựng trong đoạn mã Schema Markup.

Do đó, nó được xếp vào nhóm các kỹ thuật SEO nâng cao, và nếu bạn là người bắt đầu làm SEO, sẽ mất một khoảng thời gian kha khá để có thể hiểu và sử dụng nó một cách hiệu quả.

Vậy những ai có thể sử dụng Schema Markup?

Nói chung, những người thích hợp nhất để sử dụng Schema Markup là:

  • Những người là SEO có kinh nghiệm
  • Người quản lý website được đào tạo hoặc có tìm hiểu về HTML
  • Nhân viên thiết kế website

Ngược lại, nếu bạn đang học hỏi về SEO căn bản, bạn nên dành thời gian để tìm hiểu về những hoạt động SEO khác không yêu cầu kiến thức IT.

Giới thiệu 30+ loại dữ liệu có cấu trúc phổ biến nhất được Google hỗ trợ tại Việt Nam

Hiện nay, Google đang hỗ trợ khoảng 30+ loại dữ liệu có cấu trúc đối với các website tại Việt Nam, bao gồm:

Các loại Schema Markup phổ biến nhất dùng cho các website tại Việt Nam
Loại Schema MarkupMục đích sử dụng
ArticleDùng để thông báo các trang web dạng tin tức, blog
BreadcrumbDùng để xác định vị trí của trang web trong sơ đồ cấu trúc website
CarouselDùng để show danh sách các khóa học, công thức nấu ăn, phim ảnh hoặc các quán ăn
CourseDùng để cung cấp thông tin chi tiết về tên khóa học, người/đơn vị cung cấp khóa học và mô tả ngắn về khóa học đó
TableDùng để mô tả các dữ liệu có trong một bảng biểu trên trang web
Education Q&ADùng để hiển thị các câu hỏi và trả lời bằng tiếng Anh trên các trang web có flashcard, hoặc trang web hỏi đáp chỉ có duy nhất 1 câu hỏi và nhiều câu trả lời do người dùng gửi
Employer Aggregate RatingDùng để hiển thị bảng xếp hạng nhà tuyển dụng
Estimated salaryDùng để hiển thị mức lương dự kiến và mức lương trung bình đối với một loại công việc ở một khu vực xác định dựa trên mô tả công việc, bằng cấp, yêu cầu công việc và một số yếu tố khác
EventDùng để thông báo tin tức về các sự kiện đang hoặc sẽ diễn ra
Fact CheckDùng cho các trang web xác thực thông tin quyền sở hữu của người khác
FAQDùng để hiển thị các câu hỏi và câu trả lời liên quan đến một chủ đề xác định
How-toDùng để đánh dấu một trang web chứa nội dung về cách thực hiện một công việc hoặc một tác vụ nào đó
Image LicenseDùng để đánh dấu bản quyền các hình ảnh được đăng trên Google Image
Job PostingDùng để hiển thị nội dung công việc đang tuyển dụng
Learning VideoDùng để hiển thị các video giáo dục bằng tiếng Anh
Local BusinessDùng để hiển thị thông tin doanh nghiệp phù hợp với truy vấn tìm kiếm
LogoDùng để hiển thị logo biểu trưng cho doanh nghiệp
Math solverDùng để hiển thị cách giải chi tiết cho một bài toán cụ thể
MovieDùng để show thông tin chi tiết về một bộ phim như tên, đạo diễn, diễn viên, các hình ảnh trong phim…
Practice problemDùng để hiển thị nội dung bằng tiếng Anh liên quan đến các vấn đề trong quá trình thực hành dành cho học sinh, sinh viên và giáo viên.
ProductHiển thị các thông tin liên quan đến sản phẩm như giá bán, tình trạng tồn kho, đánh giá xếp hạng, chính sách giao hàng…
Q&ADùng cho các trang web chỉ có một câu hỏi và theo sau đó là các câu trả lời do khách truy cập đăng tải
RecipeHiển thị thông tin về công thức nấu ăn như nguyên liệu, các bước nấu, thông tin dinh dưỡng…
Review snippetHiển thị thông tin đánh giá về một sản phẩm cụ thể như điểm trung bình từ nhiều đánh giá của người dùng
Sitelinks search boxHiển thị khung tìm kiếm ngay bên dưới kết quả tìm kiếm của Google Search cho phép tìm các nội dung có trong website
Software appHiển thị thông tin chi tiết về một ứng dụng như tên app, giá bán, nền tảng cài đặt, đánh giá
VideoHiển thị thông tin về video như mô tả, hình thumbnail, ngày đăng, thời lượng…

Các loại định dạng của dữ liệu có cấu trúc được Google hỗ trợ

Google Search hiện đang hỗ trợ ba loại định dạng Schema Markup như sau: JSON-LD, MicrodataRDF.

Tuy nhiên JSON-LD là loại định dạng được Google thích nhất và khuyến nghị tất cả các website sử dụng thay vì 2 loại còn lại, do đó, dưới đây tôi sẽ tập trung giới thiệu cho bạn những thông tin quan trọng liên quan đến định dạng JSON-LD.

JSON-LD là gì?

Về cơ bản, JSON-LD là định dạng dữ liệu được đơn giản hóa nhằm giúp cho người dùng dễ dàng trong việc đọc hiểu, khởi tạo và sử dụng nó.

JSON-LD là gì?
JSON-LD là gì?

Nói chung, JSON-LD được xem là định dạng dữ liệu lý tưởng cho môi trường lập trình, dịch vụ Web REST và cơ sở dữ liệu phi cấu trúc như Apache CouchDB và MongoDB.

Xét ở góc độ SEO website, JSON-LD là cách tốt nhất để bạn thêm dữ liệu có cấu trúc mà không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến trang web của mình trong trường hợp dữ liệu không hợp lệ.

Cách tạo dữ liệu có cấu trúc loại JSON-LD cho website

Sử dụng các plugin hỗ trợ Schema Markup cho website WordPress (Dễ nhất)

Sử dụng các loại Schema plugin trên nền tảng WordPress là phương pháp dễ nhất để bạn tự động tạo một số loại dữ liệu có cấu trúc phổ biến cho trang web của mình. một cách nhanh chóng

Tùy thuộc vào từng loại plugin, bạn có khả năng thêm một hoặc nhiều dữ liệu cấu trúc khác nhau, chẳng hạn như, plugin Schema Pro cho phép bạn chèn đến 17 loại schema như hình dưới đây.

Các loại dữ liệu cấu trúc có thể được thêm vào website thông qua plugin Schema Pro trên WordPress
Các loại dữ liệu cấu trúc có thể được thêm vào website thông qua plugin Schema Pro trên WordPress

Ngoài ra, các công cụ hỗ trợ SEO Content trên WordPress như Yoast SEO hay Rank Math SEO cũng có chức năng hỗ trợ tạo một số loại Schema Markup cơ bản.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng được với các website WordPress, còn với các website sử dụng nền tảng khác, bạn buộc phải sử dụng hai phương pháp tiếp theo nếu muốn thêm Schema Markup loại JSON-LD vào trang web của mình.

Sử dụng công cụ hỗ trợ tạo Schema Markup

Có một số công cụ giúp những bạn không rành về HTML có thể tự tạo Schema Markup cho website của mình, và tôi khuyến khích bạn sử dụng một trong các công cụ dưới đây:

Google Schema Markup Helper

Công cụ hỗ trợ tạo Schema của Google là công cụ đầu tiên mà tôi sử dụng khi bắt đầu học về dữ liệu có cấu trúc.

Công cụ này sẽ hỗ trợ bạn thao tác qua 3 bước: Nhập trang, Gắn thẻ dữ liệuXem HTML.

Bước #1: Nhập trang web

Bạn sẽ được yêu cầu lựa chọn loại dữ liệu cấu trúc muốn tạo, và điền URL của trang web mà bạn muốn chèn.

Nhập thông tin về trang web cần tạo Schema Markup
Nhập thông tin về trang web cần tạo Schema Markup

Lưu ý, nếu trang web của bạn chỉ khả dụng ở Local Host, hoặc chưa được xuất bạn, công cụ Markup Helper cho phép bạn nhập mã code HTML của trang web đó thay vì nhập URL.

Bước 2: Gắn thẻ dữ liệu

Ở bước này, Google sẽ load trang web của bạn, và bạn sẽ bắt đầu đánh dấu các dữ liệu theo hướng dẫn.

Gắn thẻ dữ liệu cho các thông tin trên trang web
Gắn thẻ dữ liệu cho các thông tin trên trang web

Cụ thể, bạn chỉ cần bôi đen hoặc click vào phần thông tin cần được đánh dấu, và chọn loại thành phần tương ứng với thông tin đó, Google sẽ tự động tạo mã HTML JSON-LD cho bạn.

Bạn cần đánh dấu đầy đủ tất cả các thành phần mà Google gợi ý để nhận được mã HTML hoàn chỉnh nhất có thể.

Bước 3: Xem HTML

Ở bước này, bạn có thể xem trước đoạn code HTML cần chèn vào trang web giống như hình dưới đây.

Xem mã HTML vừa được tạo
Xem mã HTML vừa được tạo

Lưu ý

Công cụ này sẽ giúp bạn dễ dàng làm quen với Structured Data, nhưng còn rất nhiều thiếu sót, do đó, nếu thực sự muốn tạo Schema để chèn vào website, tôi khuyến khích bạn nên sử dụng công cụ JSON-LD Schema Markup Generator của Technical SEO (link: https://technicalseo.com/tools/schema-markup-generator/).

Khác với công cụ Markup Helper của Google, công cụ này đòi hỏi bạn nhập thủ công vào một số trường được thiết kế sẵn.

Ưu điểm của công cụ của Schema Markup Generator chính là hướng dẫn rất chi tiết từng bước để một người lần đầu tiên tiếp xúc với công cụ cũng có thể dễ dàng sử dụng thông qua 3 bước.

Đặc biệt, ở bước 3, bạn có thể kiểm tra mã HTML JSON-LD của loại Schema mình vừa tạo, và có button copy để nhanh chóng chèn vào trang web HTML của mình.

Nói chung, đây là công cụ được tôi sử dụng rất nhiều để tạo dữ liệu cấu trúc trước khi chuyển sang sử dụng plugin WordPress.

Tự tạo code HTML để mô tả Structured Data (Khó nhất)

Chà, bạn đang đọc đến phần cam go nhất rồi đây.

Để có thể tự tạo code HTML dùng cho Structured Data, bạn sẽ cần phải hiểu khá nhiều về nó.

Đối với những bạn đang tập làm theo phương pháp thủ công này, tôi khuyến khích bạn nên sử dụng các đoạn code HTML từ các website đã được hiển thị dữ liệu cấu trúc trên Google Search, hoặc tham khảo các code HTML mẫu loại JSON-LD dùng cho các ví dụ trên Schema.org hoặc tại Google Help Center.

Ví dụ về code HTML mẫu cho Artical Schema Markup trên Google Help Center
Ví dụ về code HTML mẫu cho Artical Schema Markup trên Google Help Center

Dựa vào đó, bạn sẽ tùy chỉnh đoạn code lại cho phù hợp với trang web của mình, sau đó sử dụng các công cụ để kiểm tra lại tính hợp lệ của code HTML mô tả dữ liệu cấu trúc đó.

Căn cứ vào báo cáo của các công cụ này, bạn sẽ biết những lỗi nào đang xảy ra cần phải khắc phục, hoặc những vấn đề nào được khuyến nghị cải thiện để hoàn thiện đoạn code.

Cách thêm code JSON-LD vào website WordPress

Đối với phương pháp sử dụng plugin, code JSON-LD sẽ tự động được thêm vào website nên bạn không cần phải thực hiện thao tác này.

Trong khi đó, nếu bạn sử dụng 2 phương pháp tạo code JSON-LD không dùng plugin, bạn sẽ cần thực hiện các bước sau để chèn code dữ liệu cấu trúc loại JSON-LD vào website WordPress.

  • Bước #1: Truy cập vào phần chỉnh sửa bài viết (hoặc chỉnh sửa trang) trong Admin.
Truy cập vào phần chỉnh sửa bài viết trên WordPress
Truy cập vào phần chỉnh sửa bài viết trên WordPress
  • Bước #2: Chuyển sang tab văn bản để xem bài viết dưới dạng HTML
Chuyển qua tab Văn bản để xem bài viết dưới dạng HTML
Chuyển qua tab Văn bản để xem bài viết dưới dạng HTML
  • Bước #3: Dán đoạn code JSON-LD đã chuẩn bị sẵn vào phần cuối bài viết, sau đó bấm nút Cập nhật (hoặc Đăng, nếu bài viết chưa được xuất bản trước đó).
Chèn code JSON-LD vào cuối bài viết, sau đó nhấn nút Cập nhật hoặc Đăng
Chèn code JSON-LD vào cuối bài viết, sau đó nhấn nút Cập nhật hoặc Đăng

Vậy là bạn đã hoàn thành việc chèn code JSON-LD vào một bài viết trên WordPress (cách làm tương tự với 1 trang WordPress).

Lưu ý rằng, các bước tôi đang hướng dẫn ở đây áp dụng khi bạn sử dụng công cụ soạn thảo văn bản cổ điển của WordPress.

Nếu bạn sử dụng công cụ soạn văn bản Gutenberg, cách làm có chút thay đổi, nhưng vị trí đặt code JSON-LD vẫn không thay đổi (ở cuối bài viết).

Cách kiểm tra tình trạng dữ liệu có cấu trúc trên trang web

Bây giờ, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là làm thế nào bạn biết rằng dữ liệu có cấu trúc được thêm vào trang web đang hoạt động chính xác?

Các công cụ kiểm tra dữ liệu cấu trúc trên website

Cách nhanh nhất chính là sử dụng các công cụ kiểm tra dữ liệu cấu trúc được khuyến nghị bởi Google, bao gồm:

Cả hai công cụ này đều cho ra kết quả khá giống nhau, nhưng tôi khuyên bạn nên sử dụng công cụ Schema Markup Validator, bởi nó cho kết quả nhanh chóng hơn so với việc bạn sử dụng công cụ của Google.

Công cụ Schema Markup Validator trên Schema.org
Công cụ Schema Markup Validator trên Schema.org

Làm thế nào để sử dụng?

Để sử dụng, bạn nhập URL trang web hoặc code HTML cần kiểm tra dữ liệu cấu trúc, đợi một lát để xem kết quả đánh giá từ công cụ.

Dưới đây là kết quả đánh giá từ Công cụ kiểm tra kết quả nhiều định dạng của Google.

Kết quả kiểm tra bằng Công cụ kiểm tra kết quả nhiều định dạng của Google
Kết quả kiểm tra bằng Công cụ kiểm tra kết quả nhiều định dạng của Google

Còn đây là kết quả từ Schema Markup Validator.

Kết quả kiểm tra dữ liệu cấu trúc trên Schema Markup Validator
Kết quả kiểm tra dữ liệu cấu trúc trên Schema Markup Validator

Cách đọc kết quả trên các công cụ kiểm tra Structured Data của website

Nói chung báo cáo của cả 2 công cụ đều rất trực quan và dễ hiểu, và bạn sẽ dễ dàng biết được liệu có lỗi hay cảnh báo trong dữ liệu cấu trúc được thêm vào website của mình hay không.

Nếu các công cụ không thông báo bất kỳ lỗi (error) hay cảnh báo (warning) nào, điều đó nghĩa là dữ liệu cấu trúc trên trang web được kiểm tra là hợp lệ.

Ngược lại, nếu có lỗi xảy ra, công cụ sẽ chỉ rõ loại dữ liệu nào đang bị lỗi giống như hình dưới đây.

Ví dụ về thông báo lỗi dữ liệu cấu trúc trên công cụ kiểm tra của Google
Ví dụ về thông báo lỗi dữ liệu cấu trúc trên công cụ kiểm tra của Google

Trong trường hợp dữ liệu cấu trúc bị lỗi, chắc chắn nó sẽ không được hiển thị trên kết quả tìm kiếm Google.

Ngược lại nếu dữ liệu cấu trúc bị lỗi không nghiêm trọng, các công cụ chỉ đưa ra cảnh báo giống như hình dưới đây.

Cảnh báo về dữ liệu cấu trúc chưa hoàn thiện trên Công cụ kiểm tra nhiều định dạng của Google
Cảnh báo về dữ liệu cấu trúc chưa hoàn thiện trên Công cụ kiểm tra nhiều định dạng của Google

Lúc này, dữ liệu cấu trúc vẫn có khả năng được kích hoạt trên Google Search, nhưng phần bị cảnh báo có khả năng không được hiển thị hoặc chỉ hiển thị một phần.

Vậy làm thế nào để khắc phục các lỗi Schema Validator Error?

Bạn nên xem bài viết của tôi về cách khắc phục các lỗi Schema Markup phổ biến nhất để biết thêm chi tiết nhé.

Cách theo dõi Schema Markup trên Google Search Console

Sau khi website đã được thu thập dữ liệu và lập chỉ mục thành công, bạn có thể kiểm tra các Schema Markup đã được Google Search Console ghi nhận trong phần Tính năng nâng cao.

Kiểm tra báo cáo về dữ liệu có cấu trúc trong phần Tính năng nâng cao của Google Search Console
Kiểm tra báo cáo về dữ liệu có cấu trúc trong phần Tính năng nâng cao của Google Search Console

Danh sách được hiển thị trong phần tính năng nâng cao cũng chính là các loại dữ liệu cấu trúc đã được ghi nhận.

Ví dụ, trong hình trên, bạn có thể thấy rằng website của tôi đã được ghi nhận các loại dữ liệu cấu trúc như sau:

  • AMP;
  • Đường dẫn (Breadcrumb);
  • Sự kiện (Event);
  • Câu hỏi thường gặp (FAQ);
  • Bài đăng việc làm (Job Posting);
  • Đoạn trích đánh giá (Aggregate Rating);
  • Hộp tìm kiếm liên kết trang web (Sitelinks search box);
  • và Video.

Nhìn chung, nếu bạn đã xác thực dữ liệu có cấu trúc thành công bằng các công cụ mà tôi đề cập bên trên trước khi yêu cầu Google thu thập dữ liệu, như vậy bạn sẽ không gặp phải bất kỳ vấn đề nào ở phần này.

Tham khảo thêm: Những nguồn tài liệu hữu ích về Schema Markup

Để tìm hiểu thêm các kiến thức về dữ liệu cấu trúc (hay Schema Markup), tôi khuyến khích bạn đọc thêm các nguồn tài liệu tham khảo sau;

Tóm lại về Schema Markup

Như vậy, bạn đã tìm hiểu được những thông tin từ cơ bản đến nâng cao về Schema Markup.

Bạn đã biết được Schema Markup là gì, tầm quan trọng của Schema Markup trong SEO cũng như các loại Schema phổ biến nhất đối với các website tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tôi cũng đã giới thiệu cho bạn những cách để tạo dữ liệu cấu trúc cho website, và cách chèn nó vào một trang website WordPress như thế nào cho hiệu quả.

Điều quan trọng nhất mà bạn cần nhớ ở đây chính là bạn cần sử dụng các công cụ kiểm tra dữ liệu có cấu trúc để xác thực tính hợp lệ của nó, vì nếu dữ liệu cấu trúc bị lỗi, nó chẳng khác nào một đoạn code thừa làm giảm hiệu quả hoạt động của trang web.

Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về Schema Markup hay dữ liệu có cấu trúc, hãy dành chút thời gian để xem qua các câu hỏi thường gặp dưới đây hoặc để lại ý kiến của mình trong phần bình luận nhé.

Câu hỏi thường gặp về Đánh dấu Lược đồ và Structured Data

Schema.org là gì?

Schema.org là một liên minh hợp tác được thành lập bởi các công ty hàng đầu thế giới về công cụ tìm kiếm, bao gồm Google, Microsoft, Yahoo và Yandex.

Mục đích thành lập của Schema.org là nhằm tạo ra, duy trì và quảng bá các loại dữ liệu có cấu trúc để những người phát triển website áp dụng, từ đó mang lại các trải nghiệm tốt nhất cho người dùng trên các công cụ tìm kiếm.

Vì sao dữ liệu cấu trúc không được hiển thị dù đã được thêm chính xác vào website?

Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất khiến dữ liệu có cấu trúc trên trang web của bạn không được hiển thị trên Google Seach dù đã được test và xác nhận bởi công cụ Kiểm tra kết quả nhiều định dạng của Google hoặc Schema Validator của Schema.org:

  • Dữ liệu có cấu trúc bị đánh giá là không mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng, dựa trên lịch sử tìm kiếm, vị trí địa lý và loại thiết bị.
  • Dữ liệu có cấu trúc không phù hợp với nội dung chính của trang web và có khả năng gây hiểu lầm cho người dùng.
  • Dữ liệu có cấu trúc bị sử dụng sai mục đích theo cách mà các công cụ hỗ trợ kiểm tra Schema Markup không thể phát hiện ra.
  • Trang web của bạn không đáp ứng được các nguyên tắc về chất lượng trang web để hiển thị dữ liệu có cấu trúc mà Google đã đặt ra.

Dưới đây là một số nguyên tắc liên quan đến chất lượng trang web có thể ảnh hưởng đến khả năng hiển thị dữ liệu có cấu trúc trên Google Search:

  • Đảm bảo trang web tuân thủ các Nguyên tắc về chất lượng dành cho quản trị viên website.
  • Đảm bảo thông tin được cập nhật mới nhất.
  • Cung cấp nội dung nguyên bản và hữu ích do bạn hoặc người dùng trên trang web của bạn tạo ra.
  • Không dùng Schema Markup khi thông tin không trùng khớp với những gì được đưa ra trong phần nội dung HTML của website.
  • Không dùng Schema Markup cho các thông tin không liên quan hoặc có thể gây hiểu lầm, ví dụ sử dụng các đánh giá thuộc loại pha-ke (fake) giả mạo, hoặc các nội dung không phải là trọng tâm chính của trang web.
  • Không sử dụng Schema Markup nhằm mục đích đánh lừa người dùng, mạo danh các tổ chức hoặc cá nhân khác, hoặc xuyên tạc thông tin nào đó.
  • Các thông tin trong dữ liệu có cấu trúc phải tuân thủ các nguyên tắc bổ sung và chính sách dành riêng cho từng loại.

Dữ liệu cấu trúc có phải là yếu tố trong thuật toán xếp hạng Google không?

Không, việc sử dụng dữ liệu cấu trúc trên website của bạn không có bất kỳ ảnh hưởng trực tiếp nào đến thuật toán xếp hạng Google.

Tuy nhiên, nó sẽ giúp cải thiện tỷ lệ nhấp chuột (CTR) vào website, đồng thời giúp Google có thể hiểu tốt hơn nội dung trên trang thông qua các dữ liệu được tóm tắt thông qua Schema Markup.

Code HTML có phải là dữ liệu cấu trúc không?

Không, HTML chỉ là một loại dữ liệu bán cấu trúc (semi-structured data), bởi vì chúng ta có thể sắp xếp các loại dữ liệu khác nhau trong các thẻ tag.

Dữ liệu có cấu trúc khác gì với dữ liệu phi cấu trúc?

Dưới đây là bảng so sánh một số điểm khác biệt giữa dữ liệu có cấu trúc (Structured Data) và dữ liệu phi cấu trúc (Unstructured Data):

Sự khác biệt giữa dữ liệu có cấu trúc và dữ liệu phi cấu trúc
Structured DataUnstructured Data
Là loại dữ liệu định lượng, rất cụ thểLà loại dữ liệu định tính
Thường được lưu trữ ở những định dạng được xác định từ trước, ví dụ như ngày giờThường lưu trữ ở định dạng gốc của nó, chẳng hạn như nội dung của một bài viết
Rất dễ tìm kiếm và phân tíchĐòi hỏi trải qua nhiều công đoạn xử lý trước khi phân tích
Cấu trúc được xác định trướcCó nhiều định dạng khác nhau

Làm thế nào để chuyển đổi từ dữ liệu phi cấu trúc sang dữ liệu có cấu trúc?

Việc chuyển đổi từ dữ liệu phi cấu trúc sang dữ liệu có cấu trúc trong SEO bao gồm 3 bước:

  • B1: Lọc & làm sạch dữ liệu phi cấu trúc, ví dụ, loại bỏ các thông tin không cần thiết, và chỉ giữ lại các thông tin được yêu cầu.
  • B2: Lựa chọn loại dữ liệu có cấu trúc phù hợp (thường là JSON-LD) và nhập các thông tin vào các trường tương ứng.
  • B3: Tổng hợp thành một thực thể, VD: một đoạn code HTML tổng hợp chứa đầy đủ các thông tin cần thiết.
5/5 (1 Review)

Vũ Đăng Chung

Xin chào, tôi là một freelancer chuyên về SEO Marketing. Tôi đã dành 4 năm để làm công việc Digital Marketing và viết Content tại các công ty thuộc nhiều lĩnh vực như làm đẹp & thẩm mỹ, thiết bị công nghiệp, thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến... trước khi chuyển sang làm SEO full-stack từ năm 2016. Cần liên hệ tôi? Vui lòng gửi yêu cầu đến địa chỉ email: chung250190@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *