Phân tích SWOT của Apple 2023 | Apple SWOT Analysis

Bài viết này trình bày cách phân tích SWOT cho Apple, từ đó giúp bạn học cách sử dụng công cụ SWOT Analysis trong Marketing hiệu quả và thực tế nhất.

Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bảo hộ bản quyền nội dung trên DMCA (Link đăng ký: https://www.dmca.com/r/59787py), vui lòng trích dẫn nguồn kèm link http://ychoc.com/cach-phan-tich-swot-analysis-case-study-apple/ nếu muốn sử dụng lại thông tin và đăng tải lên website khác.

Vì sao chọn Apple để thực hiện phân tích SWOT Analysis?

Apple Inc. là một trong những thương hiệu toàn cầu thành công nhất trên thế giới nhờ việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hàng đầu, bên cạnh đó là việc luôn đi tiên phong về sự đổi mới, cùng với khả năng tạo ra các xu hướng độc lạ.

Chính vì thế, Apple là một trong những công ty thường được sử dụng để làm ví dụ minh họa cho việc ứng dụng các kỹ thuật phân tích Marketing, trong đó có phân tích SWOT.

Dưới đây, hãy cùng tìm hiểu cách sử dụng công cụ SWOT để phân tích tình hình của một doanh nghiệp thông qua ví dụ của Apple, bắt đầu bằng một số thông tin tổng quan về công ty này.

Tổng quan về Apple Inc.

Dưới đây là một số thông tin tổng quan về Apple năm 2023:

Công ty Apple Inc.
Giám đốc điều hành Tim Cook
Năm thành lập 1976
Trụ sở chính Cupertino, California, Mỹ
Nhân viên (đầu 2023) 164.000
Loại công ty Công ty đại chúng
Mã cổ phiếu AAPL
Vốn hóa thị trường (02/2023) 2.38 ngàn tỉ USD
Doanh thu 2022 394.32 tỉ USD
Lợi nhuận 2022 99.8 tỉ USD
Giá trị thương hiệu (2022, Statista) 355.1 tỉ USD
Sản phẩm & Dịch vụ Máy vi tính, Phần mềm, Điện thoại, Đồng hồ, Máy tính bảng, Công nghệ đám mây, Phụ kiện, Nền Tảng Âm Nhạc, Thanh toán không dùng tiền mặt
Đối thủ cạnh tranh chính Microsoft, Lenovo, Google, Samsung, Toshiba, Dell, Sony, HP, Acer, Netflix, Disney, Amazon, Paypal, CitiBank, YouTube

Ma trận S-W-O-T của Apple

Apple SWOT Matrix 2023: Ma trận S-W-O-T của Apple
Điểm mạnh Điểm yếu
  • Là thương hiệu giá trị nhất thế giới.
  • Mang tính biểu tượng toàn cầu.
  • Công nghệ hàng đầu.
  • Thương hiệu được lựa chọn trong lĩnh vực lập trình và sáng tạo.
  • Đầu tư mạnh cho R&D.
  • Phát triển mạnh về dịch vụ.
  • Phát triển Liam – Robot tái chế thiết bị Apple.
  • Hệ sinh thái độc đáo.
  • Năng lực độc quyền.
  • Mạng lưới kinh doanh trên toàn cầu.
  • Giá thành cao.
  • Ít khuyến mãi.
  • Tham gia vào các lĩnh vực thiếu năng lực cạnh tranh
  • Các sản phẩm khó tương thích với nền tảng của bên thứ ba.
  • Phần mềm Parental Control trên thiết bị Apple chưa hoạt động tốt
Cơ hội Thách thức
  • Tập khách hàng có lòng trung thành cao.
  • Đích đến mơ ước của những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ.
  • Xu hướng sử dụng công nghệ xanh.
  • Xu hướng sử dụng thiết bị đeo thông minh.
  • Tiềm năng kinh doanh từ Ấn Độ.
  • Nhiều đối tác lớn nhỏ của Apple không đồng tình với chính sách chia sẻ 30% doanh thu.
  • Quy định về sử dụng cổng sạc USB-C để bảo vệ môi trường.
  • Xung đột Nga – Ukraine.
  • Dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn bị dập tắt tại Trung Quốc.
  • AirTags đang bị sử dụng cho mục đích xấu.
  • Hàng giả, hàng fake thương hiệu Apple chưa được kiểm soát.
  • Cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ hàng đầu khác.
  • Rủi ro giảm bớt tính bảo mật theo yêu cầu của chính phủ Mỹ.

Phân tích SWOT của Apple cho năm 2023

Dưới đây là thông tin chi tiết về các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của Apple trong năm 2023.

Điểm mạnh của Apple – Strengths

Dưới đây là một số điểm mạnh của Apple mà tôi đã thống kê và tổng hợp:

Là thương hiệu giá trị nhất thế giới

Theo thống kê của Statista, Apple là thương hiệu giá trị nhất năm 2022 với 355.1 tỉ USD, cao hơn mức 254.2 tỉ USD của Amazon, thương hiệu xếp thứ hai.

Tương tự, Interbrand cũng đánh giá Apple là thương hiệu dẫn đầu thế giới với giá trị thương hiệu đạt 482.215 tỉ USD vào đầu năm 2023, tăng 18% so với năm 2022, bỏ xa mức 278.288 tỉ USD của Microsoft xếp thứ hai và 274.819 tỉ USD của Amazon xếp thứ ba.

\"10

Nhìn chung, việc có lợi thế dẫn đầu về mặt thương hiệu giúp Apple được hưởng nhiều đặc quyền trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, từ mối quan hệ với khách hàng đến các đối tác kinh doanh và các tổ chức cộng đồng trên toàn cầu.

Mang tính biểu tượng của toàn cầu

Apple là một trong các công ty đáng tin cậy nhất khi nói về các thiết bị thông minh được cá nhân hóa, và lượng khách hàng của nó vẫn đang tăng đều đặn mỗi năm với tốc độ chóng mặt.

Công nghệ hàng đầu

Apple đã từng là công ty đầu tiên ra mắt những mẫu thiết bị di động sáng tạo nhất làm thay đổi hành vi người dùng toàn thế giới như iPhone, iPad, AirPod, và nó vẫn đang tiếp tục thống trị về một số lĩnh vực công nghệ mới nhất, chẳng hạn như công nghệ 5G (nguồn: CNBC, 2023) hay smart watch (Statista, 2023).

Thương hiệu được lựa chọn trong lĩnh vực lập trình và sáng tạo

Microsoft là nền tảng phổ biến nhất thế giới, nhưng MacOS mới là nền tảng được sử dụng nhiều nhất cho lĩnh vực lập trình.

Bên cạnh đó, các chuyên gia làm việc trong các lĩnh vực sáng tạo như thiết kế trực quan, hoạt hình, sản xuất video hay các hoạt động sáng tạo khác rất ưa chuộng các mẫu máy Mac Pro hay iMac vì chúng có hiệu suất làm việc tốt và tính ổn định cao.

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà Apple tập trung vào các mẫu thiết bị dành cho công việc thay vì nhắm đến nhóm đối tượng đại trà như các công ty sản xuất máy tính khác.

Đầu tư mạnh về lĩnh vực R&D

Apple là hình mẫu cho việc tập trung tâm huyết vào việc phát triển sản phẩm, bởi công ty đầu tư thực hiện rất nhiều các nghiên cứu tỉ mỉ và chuyên sâu nhằm thấu hiểu nhu cầu của khách hàng cũng như xác định và tạo ra xu hướng thị trường.

Ví dụ, tính đến 31/12/2022, Apple đã chi 27.654 tỉ USD cho hoạt động R&D của mình, tăng gần 20% so với năm 2021, theo công bố của MacroTrends.

Phát triển mạnh hơn về dịch vụ

Apple từ lâu đã xây dựng rất nhiều dịch vụ khác nhau xoay quanh các sản phẩm cốt lõi của mình, và chúng có vai trò ngày càng quan trọng trong chính sách phát triển kinh doanh của công ty.

Chẳng hạn, Q1/2023 trong năm tài chính của Apple kết thúc vào ngày 31/12/2022 đã ghi nhận doanh thu kỷ lục của mảng dịch vụ khi đạt mức 20.77 tỉ USD, tăng thêm 6.4% so với năm trước đó và cao hơn mức dự báo của các chuyên gia, dù nền kinh tế vĩ mô đang bất ổn cũng như các khó khăn về nguồn cung ứng.

\"Biểu

Bên cạnh đó, Apple cũng đang mở rộng thêm hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên các nền tảng do công ty cung cấp.

Liam – Robot tái chế thiết bị Apple

Liam là loại robot tái chế do Apple tạo ra nhằm tháo dỡ các thành phần trong thiết bị iPhone, bởi vì hầu hết các linh phụ kiện trong iPhone đều có thể tái chế để sử dụng cho các sản phẩm mới, từ đó giúp Apple giảm bớt được sự lệ thuộc vào nguồn cung ứng nguyên vật liệu sản xuất iPhone.

Hệ sinh thái độc đáo

Nhắc đến Apple là phải nhắc đến hệ sinh thái khép kín với các sản phẩm dịch vụ mang hơi hướng của sự độc quyền như kho ứng dụng Apple App Store, iCloud hay hệ điều hành iOS.

Apple đã tự xây dựng cho mình một hệ thống các sản phẩm và dịch vụ tương hỗ cho nhau nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, dựa trên các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về tính bảo mật do công ty đặt ra.

Chính vì vậy, những khách hàng sử dụng sản phẩm của Apple thường sẽ sử dụng luôn các dịch vụ khác trong hệ sinh thái Apple để đảm bảo hiệu quả cao nhất, khác hẳn với cách làm của các đối thủ cạnh tranh như Google hay Samsung.

Năng lực độc quyền

Công nghệ là nơi các công ty vừa là đối thủ cạnh tranh vừa là đối tác của nhau, do đó, với vị thế của thương hiệu dẫn đầu thị trường, Apple có khả năng ép buộc các đối tác của mình phải tuân thủ chính sách mà công ty đặt ra, đồng thời dễ dàng thao túng hoặc loại bỏ các công ty có quan điểm bất đồng với mình.

Để dễ hình dung, hãy xem cách Apple khiến Meta (chủ sở hữu Facebook) thiệt hại 10 tỉ USD chỉ bằng cách thay đổi chính sách bảo mật vào 02/2022, và Meta hoàn toàn không thể thay đổi được quyết định của Apple dù đã đâm đơn kiện ra tòa án.

Hay ví dụ khác, năm 2020, Apple loại bỏ thẳng tay game Fornite của hãng Epic Games ngay sau khi hãng game lên tiếng phản đối về tỷ lệ ăn chia doanh thu 30% là quá cao, khiến cho Epic Games mất doanh thu khoảng 26 triệu USD mỗi tháng vì khách hàng trên iOS không còn được phép truy cập vào dịch vụ game này.

Mạng lưới kinh doanh trên toàn cầu

Apple là thương hiệu được rất nhiều người yêu thích công nghệ trên toàn cầu ưa chuộng, do đó hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có kênh phân phối chính thức của Apple, ngoại trừ một số quốc gia như Nga, Cuba, Triều Tiên, Syria hay Sudan.

Điểm yếu của Apple – Weaknesses

Giá thành cao

Gần như mọi sản phẩm và dịch vụ của Apple có giá rất cao đến mức có thể liệt kê vào nhóm hàng xa xỉ, do đó, chúng chắc chắn không dành cho những người có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Ít khuyến mãi

Bằng việc tạo ra sự lệ thuộc của khách hàng vào các sản phẩm dịch vụ của mình, Apple tin rằng mình không cần chi tiêu quá nhiều cho hoạt động truyền thông quảng cáo so với các hãng đối thủ, cũng như không cần phải thực hiện những chương trình khuyến mãi giá sốc để kích cầu thị trường.

Tham gia vào các lĩnh vực thiếu năng lực cạnh tranh

Apple đang tham gia vào các mảng dịch vụ mới như livestreaming, dịch vụ thanh toán thẻ tín dụng… và cạnh tranh với các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường như Netflix, Disney, Paypal…

Điều này cũng tương tự như thất bại của Apple khi nhảy vào mảng bản đồ trực tuyến để cạnh tranh với gã khổng lồ Google Map, bởi vì cơ bản Apple vốn không có lợi thế cạnh tranh ở những lĩnh vực này.

Các sản phẩm khó tương thích với các nền tảng của bên thứ ba

Apple tạo ra hệ sinh thái độc quyền và bắt buộc bên thứ ba tuân thủ các quy định của mình thay vì tham gia luật chơi chung, do đó, trái ngược với các đối thủ cạnh tranh như Google hay Samsung, các sản phẩm Apple hầu như không thể tương thích với sản phẩm của bên thứ ba nếu nó không được xây dựng một phiên bản dành riêng cho Apple.

Phần mềm Parental Control trên thiết bị Apple chưa hoạt động tốt

Parental Control là ứng dụng trên Apple cho phép phụ huynh kiểm soát việc sử dụng thiết bị của con cái, nhưng trên thực tế, nó chưa hoạt động đúng với những gì mà những người làm bố mẹ đang kỳ vọng bởi những lỗ hổng kỹ thuật khiến con cái có thể dễ dàng vượt qua tầm quản lý của ứng dụng này.

Cơ hội của Apple – Opportunities

Tập khách hàng có lòng trung thành cao

Apple tập trung rất nhiều vào chất lượng sản phẩm, ngay cả khi điều đó làm gia tăng giá thành sản xuất, chính vì thế, những khách hàng đang sử dụng các sản phẩm Apple đều có lòng trung thành rất cao đối với thương hiệu.

Theo kết quả khảo sát của Morgan Stanley được đăng trên CNET, tỷ lệ giữ chân khách hàng của Apple lên đến 92%, nghĩa là gần như mọi khách hàng đang sử dụng thương hiệu Apple đều sẵn sàng tiếp tục chi nhiều tiền hơn để mua sắm các sản phẩm của thương hiệu này thay vì chuyển sang các sản phẩm tương tự của đối thủ cạnh tranh để tiết kiệm chi phí.

Đích đến mơ ước của những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ

Những chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực công nghệ thường lựa chọn tự mình khởi nghiệp hoặc tham gia vào các doanh nghiệp tốt nhất thế giới.

Với vị thế một trong những công ty hàng đầu thế giới về công nghệ, Apple luôn nằm trong danh sách ưu tiên nộp hồ sơ ứng tuyển của các chuyên gia, làm nền tảng để tận dụng hàng loạt cơ hội kinh doanh tiềm năng khác.

Xu hướng sử dụng công nghệ xanh

Các chính sách phát triển kinh tế xã hội của chính phủ các quốc gia đang tập trung vào yếu tố \”xanh\”, thân thiện môi trường, do đó, các công nghệ hoặc sản phẩm dịch vụ mới đáp ứng được các yêu cầu này chắc chắn sẽ được chính phủ và cộng đồng ủng hộ.

Xu hướng sử dụng thiết bị đeo thông minh

Khách hàng ngày càng sử dụng nhiều các loại thiết bị di động thông minh để thay thế cho máy tính, laptop hay TV vốn dĩ rất cồng kềnh, chẳng hạn như vòng tay theo dõi nhịp tim, đồng hồ smart watch, loa di động thông minh…

Tiềm năng kinh doanh từ Ấn Độ

Ấn Độ là quốc gia có dân số gần như ngang bằng Trung Quốc, và dù Apple chỉ mới xâm nhập vào thị trường này nhưng Tim Cook đã nhìn thấy tiềm năng phát triển thị trường trong tương lai khi lượng người dùng Android chuyển sang iOS tăng cao kỷ lục, và Apple đang dẫn đầu phân khúc smartphone cao cấp tại đây.

Thách thức của Apple – Threats

Nhiều đối tác lớn nhỏ của Apple không đồng tình với chính sách chia sẻ 30% doanh thu

Apple nổi tiếng với hệ sinh thái độc đáo của riêng mình, nhưng điều này cũng rất dễ khiến Apple rơi vào vị thế cạnh tranh độc quyền và vướng vào các tranh cãi về mặt pháp lý liên quan đến vấn đề cạnh tranh, trong số đó có chính sách chia sẻ 30% doanh thu tạo ra thông qua ứng dụng từ Apple App Store.

Do đó, Apple cũng liên tục bị các đối tác kiện tụng liên quan đến mức phí tương đương 30% doanh thu thông qua ứng dụng trên Apple App Store, cũng như hành vi ngăn chặn các ứng dụng sử dụng cổng thanh toán của bên thứ ba thay vì của Apple.

Quy định sử dụng cổng sạc USB-Type C để bảo vệ môi trường

Vì mục tiêu bảo vệ môi trường, nhiều tổ chức chính phủ trên toàn thế giới như EU vừa yêu cầu các tập đoàn công nghệ, bao gồm cả Apple, phải sử dụng cổng sạc USB-Type C để người dùng có cơ hội tái sử dụng các cổng sạc cũ, từ đó giúp cắt giảm rác thải công nghệ, tiết kiệm nguyên vật liệu sản xuất.

Điều này nghĩa là Apple có nguy cơ bị cắt giảm doanh số bán sạc lightning, một trong những thiết bị phụ kiện cực kỳ quan trọng đối với hệ sinh thái của công ty, cũng như phải thay đổi hệ thống dây chuyền sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan sở tại.

Xung đột Nga – Ukraine

Mặc dù đã chính thức ngừng bán sản phẩm tại Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này trong lãnh thổ của Ukraine, nhưng Apple vẫn đối diện các nguy cơ được tạo ra từ hệ quả của cuộc chiến.

Chẳng hạn, Trung Quốc là một trong những thị trường chủ lực của Apple, nhưng quan điểm chính trị của Trung Quốc về cuộc chiến Nga – Ukraine đang làm Mỹ, EU và các quốc gia đồng minh lo ngại, dẫn đến nguy cơ Trung Quốc bị cấm vận về mặt kinh tế như Nga đang hứng chịu.

Điều này có thể khiến Trung Quốc trở thành thị trường lớn tiếp theo sau Nga mà Apple có thể phải từ bỏ để tuân thủ các chính sách mà chính phủ đưa ra.

Dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn bị dập tắt tại Trung Quốc

Như đã nói, Trung Quốc mang lại doanh số lớn cho Apple qua các năm, nhưng chính sách cứng rắn của chính phủ Trung Quốc trong việc đối phó với dịch Covid-19 đã khiến doanh thu bán sản phẩm của Apple tại thị trường đông dân nhất thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong giai đoạn từ 2019 – 2022.

Đầu tháng 02/2023, mặc dù các cơ quan y tế của Trung Quốc thông báo rằng dịch Covid-19 sắp kết thúc khi số ca nhiễm mới và tử vong đang trong xu hướng giảm, nhưng Apple chắc chắn cần phải theo dõi sát sao những tháng tiếp theo trong năm 2023 trước khi tuyên bố Covid-19 tại Trung Quốc không còn là nguy cơ đối với công ty.

AirTags đang bị sử dụng cho các mục đích xấu

AirTags giúp khách hàng tìm kiếm thiết bị Apple bị thất lạc qua kết nối Bluetooth, nhưng những kẻ xấu đang lợi dụng tính năng này để đánh cắp ô tô cũng như theo dõi người khác.

Mặc dù Apple nói rằng ứng dụng Find My có thể thông báo khi có thiết bị lạ theo dõi, tuy nhiên đây không phải là giải pháp hiệu quả về dài hạn để ngăn chặn việc AirTags bị sử dụng sai mục đích.

Hàng giả, hàng fake thương hiệu Apple chưa được kiểm soát

Là thương hiệu nổi tiếng và sản phẩm luôn nằm trong Top bán chạy nhất, Apple cũng phải đối mặt với tình trạng hàng nhái, hàng giả.

Ví dụ, theo thông tin trên báo Thanh Niên cuối tháng 02/2023, sản phẩm Apple Watch Ultra với giá bán khoảng 18 triệu đang bị nhái rất nhiều trên các sàn TMĐT tại Việt Nam với giá bán từ 500K đến hơn 1 triệu đồng, kiểu dáng giống hệt bản gốc.

Cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ hàng đầu khác

Cạnh tranh luôn tồn tại trong kinh doanh, nhưng lĩnh vực công nghệ mới là nơi thực sự chứng kiến tính cạnh tranh cao nhất.

Chẳng hạn, Google, Microsoft đều đã tham gia vào cuộc đua công nghệ AI với sự ra đời của Google Bard hay Bing AI Chatbot dựa trên các mô hình ngôn ngữ lớn hiện đại nhất, nhưng Apple vẫn chưa có bất kỳ động thái nào tương tự để bắt kịp xu hướng mới.

Việc chậm chân hơn đối thủ hoặc chậm thay đổi có thể khiến Apple rơi vào trường hợp khó khăn như Nokia trước đây.

Rủi ro giảm bớt tính bảo mật theo yêu cầu của chính phủ Mỹ

Apple luôn đề cao tính bảo mật, do đó, các sản phẩm như iPhone được rất nhiều người coi trọng sự riêng tư sử dụng, bao gồm cả giới tội phạm.

Trong quá khứ và cả hiện tại, Apple đã và đang chịu nhiều sức ép từ chính phủ Mỹ để mở khóa iPhone thông qua cửa hậu (backdoor) để tìm bằng chứng phạm tội, nhưng điều này khiến Apple có thể vi phạm chính sách bảo mật do chính mình đưa ra bởi làm lộ thông tin cá nhân của khách hàng.

Tóm lại về Apple SWOT Analysis

Dựa vào các phân tích về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của Apple ở thời điểm đầu năm 2023, tôi tin rằng bạn đã hình dung được cách lập một bảng phân tích ma trận SWOT tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, bạn hoàn toàn có thể nâng cấp và cải thiện chất lượng cho bảng phân tích SWOT của Apple bằng cách phân tích sâu hơn và xây dựng các ma trận IFE và ma trận EFE của Apple để đánh giá mức độ quan trọng của từng yếu tố trước khi đưa vào mô hình SWOT.

Ngoài ra, nếu bạn vẫn muốn tiếp tục phát triển thêm chiến lược Marketing cho Apple trong năm 2023, điều cần làm tiếp theo sau khi đã lập ma trận SWOT của Apple chính là phát triển các cặp giải pháp chiến lược S-O, S-T, W-O, W-T để tạo ra ma trận TOWS.

Bây giờ, nếu bạn có câu hỏi liên quan đến cách sử dụng công cụ SWOT Analysis nói chung và cách phân tích ma trận SWOT cho Apple nói riêng, hãy để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.

Xu hướng tìm kiếm liên quan đến mô hình SWOT của Apple

  • Điểm mạnh của Apple
  • Cơ hội của Apple trong năm 2023 là gì?
  • Đối thủ cạnh tranh của Apple là gì?
  • Chiến lược SO của Apple trong năm 2023 là gì?
  • Ví dụ về ma trận IFE của Apple
  • Ví dụ về ma trận EFE của Apple

Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *