Từ khóa nhận sai trang đích: Lý do & cách khắc phục sự cố

Từ khóa nhận sai trang đích: Lý do & cách khắc phục sự cố

Sai mục đích tìm kiếm & xung đột từ khóa là 2 lý do chính khiến từ khóa nhận sai trang đích. Vậy khắc phục sự cố Google xếp hạng nhầm trang web cho từ khóa mục tiêu như thế nào? Xem hướng dẫn của tôi trong bài viết dưới đây.

Hầu như bất kỳ SEOer nào cũng từng gặp phải tình trạng “tối ưu một đằng, xếp hạng một nẻo”.

Ví dụ, bạn muốn trang chuyên mục sản phẩm lên Top với từ khóa “máy pha cà phê” giống như các sàn TMĐT đang làm, nhưng trên Google Search lại hiển thị trang bài viết tin tức.

Rõ ràng điều này sẽ ảnh hưởng đến chiến lược Digital Marketing của bạn, tuy nhiên, hậu quả của nó không đến mức nghiêm trọng như những gì mà các trang web hướng dẫn SEO trên Internet đang phóng đại.

Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bản quyền nội dung trên DMCA (Link đăng ký: https://www.dmca.com/r/17ekzm5), vui lòng trích dẫn nguồn kèm link bài viết nếu bạn muốn đăng tải lại trên những kênh khác.

2 nguyên nhân chính khiến từ khóa nhận sai trang đích trên Google

Nội dung trên trang web mục tiêu không phù hợp với mục đích tìm kiếm của người dùng

Google phần lớn dựa vào mục đích tìm kiếm của người dùng (user search intent) để xếp hạng các trang web trên trang kết quả tìm kiếm, tuy nhiên, vì trang web mục tiêu của bạn bị đánh giá là không phù hợp với search intent nên Google lựa chọn một trang web khác mà nó cho rằng phù hợp hơn để xếp hạng.

Nội dung bị trùng lặp

Khi bạn tạo ra các trang web có nội dung tương tự như nhau, bạn sẽ khiến Google trở nên bối rối trong việc lựa chọn trang web phù hợp để xếp hạng.

Trong nhiều trường hợp, Google sẽ hiển thị đồng thời 2 trang dưới dạng một trang chính và một trang phụ (là trang được thụt lề vào bên trong) để người dùng tự lựa chọn, nhưng cũng có lúc Google chỉ hiển thị một trang duy nhất, và đó là thời điểm mà sự cố xếp hạng sai trang xảy ra.

Các nguyên nhân sâu xa hơn

Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân sâu xa hơn khiến một từ khóa nhận sai trang đích, chẳng hạn như:

  • Sai sót trong khâu nhóm từ khóa theo chủ đề. Một vài từ khóa mang ý nghĩa giống nhau, nhưng bạn tạo nội dung riêng biệt cho từng từ khóa thay vì gộp chúng lại với nhau thành một bài viết duy nhất. Kết quả là tình trạng trùng lặp nội dung xuất hiện.
  • Sai sót trong việc xây dựng nội dung cho bài viết chính và bài viết phụ. Bài viết chính (thường gọi là bài viết trụ cột hay pillar page) thường có nội dung bao quát các khía cạnh khác nhau của chủ đề đang được nói đến, nhưng bạn đang biến các bài viết phụ trở thành các bài viết chính khi nhồi nhét quá nhiều thông tin vào bên trong bài viết phụ thay vì tập trung phân tích chuyên sâu về một khía cạnh của chủ đề.
  • Sử dụng cùng một anchor text cho nhiều trang web khác nhau. Google căn cứ vào nội dung của anchor text cùng với rất nhiều yếu tố khác để đánh giá mức độ phù hợp của một trang web với một từ khóa. Tuy nhiên, có thể bạn đang sử dụng cùng một từ khóa (hoặc một vài từ khóa có liên quan về mặt ngữ nghĩa) cho nhiều trang web khác nhau, khiến Google nhầm lẫn khi lựa chọn trang web tốt nhất để xếp hạng.
  • Sai sót trong việc chọn anchor text cho các liên kết. Việc hiểu sai mục đích tìm kiếm của từ khóa cũng có thể khiến bạn chọn nhầm anchor text giữa bài viết chính và bài viết phụ, từ đó “bơm” anchor text quá nhiều cho trang web không phù hợp cũng có thể khiến cho Google hiểu nhầm khi lựa chọn trang web phù hợp.

Lưu ý rằng, một số SEOer nói rằng thứ tự đăng bài viết có thể khiến Google xếp hạng nhầm trang, bạn sẽ thấy rằng điều này không có cơ sở nếu dành nhiều thời gian để tìm hiểu chuyên sâu về cách Google xếp hạng trang web.

Nói cách khác, bạn có thể lựa chọn đăng bài viết chính trước bài viết phụ (hoặc ngược lại) mà vẫn đảm bảo xếp hạng đúng trang web mục tiêu nếu như mỗi bài viết giải quyết đúng mục đích tìm kiếm của khách hàng.

Từ khóa nhận sai trang đích: Cơ hội và nguy cơ

Theo triết học, bất kỳ điều gì cũng có 2 mặt, và việc Google xếp hạng nhầm trang web cho từ khóa mục tiêu cũng tạo ra những cơ hội và nguy cơ cho bạn.

Trước hết, hãy bắt đầu với một số nguy cơ khi từ khóa nhận sai trang đích trên Google:

Từ khóa nhận sai trang đích: Nguy cơ

4 nguy cơ có thể xảy ra bao gồm:

Giảm tỷ lệ CTR của website

Khi khách hàng mục tiêu nhận thấy tiêu đề và mô tả của trang web trên Google Search không như kỳ vọng, họ có xu hướng bỏ qua những trang web này, khiến cho tỷ lệ CTR của website giảm xuống.

Giảm tỷ lệ chuyển đổi (Conversion rate)

Ngay cả khi khách hàng đã truy cập vào trang web đó, khả năng cao họ sẽ thất vọng khi nội dung không giống như những gì họ kỳ vọng, dẫn đến việc họ sẽ thoát khỏi trang web để chuyển sang những trang khác phù hợp hơn.

Nói cách khác, bạn đang đánh mất khách hàng tiềm năng vào tay đối thủ cạnh tranh.

Giảm hiệu quả SEO

Một trang web không được khách hàng đánh giá cao về chất lượng nội dung sẽ dễ dàng bị rớt hạng và rất khó cạnh tranh các vị trí trên Top Google nếu không được khắc phục.

Và nếu phần lớn các trang trong website của bạn mắc phải sự cố này, bạn sẽ rất khó tạo dựng được uy tín đối với Google bởi vì hầu như không có nội dung nào trên website của bạn được xếp hạng cao.

Giảm độ phủ thương hiệu trên Internet

Đương nhiên rồi, thứ hạng trang web càng thấp, thương hiệu của bạn càng ít có cơ hội xuất hiện trước mắt khách hàng, giống như việc bạn đang treo bảng quảng cáo ở các ngóc ngách ít người nhìn thấy trên đường phố.

Nhìn vào những nguy cơ này, bạn có lý do chính đáng để lo lắng, nhưng thực tế mà nói, chúng hầu như không có cơ hội để tạo ra những tác động tiêu cực đến website của bạn, trừ khi bạn không biết gì về SEO, không thường xuyên theo dõi hiệu suất hoạt động của trang web và không biết đọc kết quả từ các báo cáo trên Google Search Console hay Google Analytics.

Lý do là vì ngay sau khi trang web vừa được lập chỉ mục trên Google (nhanh thì khoảng 2 – 3 giờ, chậm thì khoảng 12 – 24 giờ kể từ khi bạn submit URL trên Google Search Console), bạn đã có thể xác định ngay liệu trang web đó có đang gặp phải tình trạng từ khóa nhận sai trang đích hay không.

Ngược lại, việc Google nhận sai trang đích đối với từ khóa mục tiêu còn mang lại cho bạn một vài cơ hội SEO khá tốt như sau:

Google xếp hạng nhầm trang web: Cơ hội

2 cơ hội tốt nhất (theo quan điểm của tôi) mà bạn nhận được từ sự cố Google xếp hạng nhầm trang web như sau:

Giúp dễ dàng xác định mục đích tìm kiếm cho trang web mục tiêu

Trang web bị xếp hạng nhầm vì Google tin rằng nó phù hợp với từ khóa mà người dùng đang sử dụng để tìm kiếm, vậy thì chỉ cần xem lại nội dung trên trang web đó, bạn đã có thể xác định được mục đích tìm kiếm đối với từ khóa này.

Tăng cơ hội được xếp hạng cùng lúc 2 trang web trên Google

Nhiều người nói rằng việc xếp hạng 2 trang web cùng lúc trên Google là tín hiệu xấu cho thấy hiện tượng Keyword Cannibalization (còn được gọi là “xung đột từ khóa” hay “ăn thịt từ khóa”), tuy nhiên, với tôi, đó là cơ hội giúp tôi tăng hạn chế khả năng cạnh tranh của các đối thủ, đồng thời gia tăng độ phủ thương hiệu của mình.

Hãy tưởng tượng, 2/10 trang web hàng đầu Google Search thuộc về website của tôi, như vậy tôi đã loại bớt 1 đối thủ cạnh tranh ra khỏi cuộc chiến giành khách hàng, nhất là khi tình hình kinh doanh trên thị trường ngày càng khó khăn hơn do ai ai cũng đầu tư vào SEO.

Tất nhiên, những thứ trên chỉ được xem là cơ hội nếu bạn nhận diện được lỗi Google xếp hạng nhầm trang và có phương án xử lý nhanh chóng.

Những yếu tố giúp bạn nhận diện một trang web đang bị xếp hạng nhầm

Bằng cách theo dõi các báo cáo hiệu suất trong Google Search Console hoặc Google Analytics, bạn sẽ xác định được một trang web có thể đang được Google xếp hạng nhầm từ khóa nếu chúng có ít nhất một dấu hiệu dưới đây:

Trang web nhận được nhiều lưu lượng truy cập nhưng không có chuyển đổi

Trừ khi bạn tạo ra một trang web nhằm mục đích cung cấp thông tin thuần túy cho những người quan tâm đến chủ đề nhất định mà không cần người xem chuyển đổi thành khách mua hàng, nếu không, rất có thể đây là trang web bị Google xếp hạng nhầm.

Bạn có thể biết được khách truy cập có mua hàng hay không bằng cách gắn thêm các thẻ theo dõi chuyển đổi (conversion tracking tag) vào các trang thanh toán, nút mua hàng hoặc nút gọi tư vấn.

Các từ khóa mà trang web đó đang được xếp hạng không có ý nghĩa về mặt kinh doanh hoặc chiến lược thương hiệu

Ví dụ, bạn chỉ đang kinh doanh máy rang cà phê công suất lớn dùng cho sản xuất công nghiệp, nhưng tất cả các từ khóa mà trang web của bạn được xếp hạng đều tương tự như “máy rang cà phê mini“, “máy rang cà phê công suất nhỏ” hay “máy rang cà phê gia đình“, như vậy tức là trang web của bạn đang có vấn đề về mặt nội dung.

Vậy làm thế nào để giải quyết tình trạng Google xếp hạng sai trang web?

Dưới đây, tôi sẽ hướng dẫn bạn các bước rất đơn giản để xử lý trường hợp này.

8 bước đơn giản để xử lý sự cố từ khóa nhận sai trang đích

Bước 1: Lựa chọn lại trang web mục tiêu cần được xếp hạng cho từ khóa

Trước khi thực sự tiến hành các bước khắc phục sự cố Google xếp hạng sai trang web, bạn cần xác định rõ đâu mới là trang web mục tiêu cần được xếp hạng.

Nó có thể là trang chuyên mục, trang landing page, trang chi tiết sản phẩm hoặc trang bài viết tin tức, tùy thuộc vào cách bạn phân tích SERP của Google.

Bước 2: Kiểm tra tình trạng lập chỉ mục của trang web mục tiêu

Trong một số trường hợp, trang web mục tiêu không được lập chỉ mục ngay cả khi Google đã thu thập dữ liệu, do đó, bạn cần đảm bảo rằng trang web mục tiêu đã được index chính xác nếu muốn nó được xếp hạng.

Bước 3: Xác định lại mục đích tìm kiếm của khách hàng

Khách hàng muốn xem nội dung những nội dung nào, được trình bày dưới hình thức nào, do ai đăng tải, tiêu đề bài viết chứa thông tin gì nổi bật… bạn cần làm rõ những khía cạnh khác nhau để xác định rõ mục đích tìm kiếm của khác hàng.

Một trong những chỉ dẫn rõ ràng nhất về mục đích tìm kiếm của khách hàng chính là đánh giá nội dung của những trang web hàng đầu trên Google (bao gồm cả trang web bị xếp hạng sai của bạn, nếu có) và tìm ra những thông tin phổ biến nhất trong những bài viết này.

Bước 4: Đảm bảo nội dung trên trang web mục tiêu phù hợp với mục đích tìm kiếm

Bạn có thể bổ sung, viết lại nội dung cho trang web mục tiêu để nó đáp ứng tốt mục đích tìm kiếm của khách hàng.

Nếu trang web bị xếp hạng sai có nội dung phù hợp, bạn thậm chí có thể sao chép nội dung của nó để đưa vào trang web mục tiêu.

Bước 5: Điều chỉnh lại nội dung trên trang web bị Google xếp hạng nhầm

Hãy kiểm tra lại nội dung trên trang web bị xếp hạng nhầm, và đảm bảo rằng nó đang hoạt động theo đúng chức năng nhiệm vụ của mình.

Nếu nó là một bài viết về giải pháp cho một sự cố, hãy tập trung vào sự cố đó thay vì giải thích lan man về các khái niệm cơ bản.

Nếu nó là một bài viết về các địa điểm hàng đầu, hãy tập trung vào việc liệt kê và đánh giá chất lượng của các địa điểm đó.

Nói chung, bạn cần chắc chắn rằng không có sự trùng lặp nội dung giữa các trang web với nhau.

Bước 6: Đảm bảo sử dụng đúng anchor text cho 1 trang web duy nhất

Một trang web có thể nhận nhiều anchor text khác nhau, nhưng bạn hãy đảm bảo rằng mỗi anchor text chỉ được sử dụng cho 1 trang web duy nhất để tránh trường hợp Google hiểu sai về nội dung trang web.

Trên thực tế, bước này chủ yếu áp dụng cho các liên kết nội bộ, vì bạn có thể chủ động 100% trong việc sửa đổi lại liên kết.

Trong khi đó, đối với backlink, việc điều chỉnh lại anchor text có thể phụ thuộc vào chính sách của đơn vị đang sở hữu trang web chứa backlink của bạn.

Bước 7: Bổ sung thêm số lượng liên kết chứa anchor text phù hợp (không bắt buộc)

Trong trường hợp bạn không có khả năng điều chỉnh lại anchor text ở bước 6 hoặc chỉ có thể điều chỉnh được 1 phần, bạn có thể cân nhắc bổ sung thêm nhiều liên kết mới chứa anchor text hướng đến trang web mục tiêu nhằm lấn át các anchor text bị sử dụng sai mục đích.

Lưu ý: Các liên kết bổ sung có thể là liên kết nội bộ hoặc backlink

Bước 8: Submit URL đã sửa đổi hoặc URL mới thông qua Google Search Console và/hoặc các công cụ Instant Indexing

Nguyên tắc bất di bất dịch: Luôn submit URL trên Google Search Console và/hoặc các công cụ ép index nhanh khác mỗi khi bạn tạo URL mới hoặc chỉnh sửa nội dung trên URL cũ.

Điều này giúp Google ghi nhận các thay đổi và bắt đầu điều chỉnh lại vấn đề xếp hạng sao cho phù hợp.

Tóm lại về sự cố Google xếp hạng sai trang web cho từ khóa mục tiêu

Như vậy, tôi đã hướng dẫn bạn đầy đủ phương pháp nhận diện lỗi từ khóa nhận sai trang đích trên Google, các nguyên nhân dẫn đến sự cố này cũng như các phương pháp nhận diện và xử lý triệt để sự cố Google xếp hạng nhầm trang web.

Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy dành chút thời gian để xem qua một số câu hỏi thường gặp dưới đây hoặc để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.

Bên cạnh đó, đừng quên rằng những kinh nghiệm xử lý các sự cố SEO tương tự như trên thường được tôi chia sẻ trong khóa học SEO cơ bản cho người mới bắt đầu, hãy liên hệ tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn chi tiết:

 

0/5 (0 Reviews)

2 bình luận trong “Từ khóa nhận sai trang đích: Lý do & cách khắc phục sự cố”

    1. Bạn check lại nguyên nhân chính gây ra sự cố là gì, và thứ hạng hiện tại của trang web là bao nhiêu? Web của mình cũng có 1 số bài viết gặp sự cố này, nhưng chủ yếu là do chuyển đổi từ subdomain sang domain chính dẫn đến các bài viết bị trùng lặp với nhau. Mình đang áp dụng cách redirect link cũ sang link mới, đồng thời đánh dấu canonical url trước khi submit lại trên GSC. Khá mất thời gian, nhưng sau khoảng 1 tháng thì GG cập nhật lại link chính xác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *