Google EEAT là gì? Các cấp độ của EEAT? Làm thế nào để tăng độ tin cậy cho website bằng Double-EAT? Dưới đây là những gì mà Google đã hướng dẫn.
Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bảo hộ nội dung trên DMCA (Xem chi tiết tại đây), vui lòng trích dẫn kèm link bài viết nếu muốn đăng tải lại trên website khác.
Vì sao Google tạo ra EEAT?
Những người làm SEO đã quá quen thuộc với khái niệm EAT, một nguyên tắc được sử dụng để giúp đánh giá liệu các kết quả trên trang Google SERP có hữu ích và phù hợp hay không.
Tuy nhiên, ngày nay, Google nhận thấy rằng việc chứng minh các trải nghiệm trực tiếp đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt, có một số trường hợp mà thông tin người dùng đang cần chính là những kinh nghiệm thực tế do một người đã thực sự trải qua cung cấp.
Ví dụ, khi nói về review đánh giá chất lượng đồ uống của một quán cà phê tại Nha Trang, bạn sẽ tin vào đánh giá của người đã trực tiếp mua đồ uống tại đây hay bài đánh giá của một người chưa từng đến Nha Trang du lịch?
Nói chung, có những trang web được đánh giá là đáng tin cậy vì được tạo ra bởi những người có nhiều kinh nghiệm trải nghiệm thực tế.
Chính vì thế, ngày 15/12/2022, Google thông báo rằng họ đã nâng cấp nguyên tắc E-A-T lên một cấp độ cao hơn được gọi là nguyên tắc E-E-A-T với sự bổ sung của yếu tố Experience.
Theo Google, nguyên tắc EEAT cũng sẽ có ích cho những nhà sáng tạo nội dung hoặc quản lý website đang tìm kiếm một phương pháp nhằm tự đánh giá chất lượng nội dung do chính họ tạo ra trong quá trình tối ưu hóa công cụ tìm kiếm.
Nguyên tắc EEAT của Google là gì?
Nguyên tắc E-E-A-T (hay còn gọi là Double-EAT hoặc EEAT) là bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng kết quả tìm kiếm dựa trên 4 yếu tố gồm: Experience (trải nghiệm), Expertise (chuyên môn), Authoritativeness (tính thẩm quyền) và Trust (tin cậy).
Trong số 4 yếu tố này, thì Tin cậy được xem là quan trọng nhất và là trọng tâm mà nguyên tắc EEAT hướng đến, theo tuyên bố của Google trong phần 3.4 của tài liệu Search Quality Evaluator Guidelines 12/2022 (Hướng dẫn đánh giá chất lượng tìm kiếm) của Google.
Nói cách khác, việc đáp ứng các yếu tố Experience, Expertise và Authoritativeness sẽ hỗ trợ rất nhiều cho yếu tố độ tin cậy, và nếu bạn vẫn đang tuân thủ đầy đủ nguyên tắc EAT như trước đây, thì bạn đã và đang đi đúng hướng tới mục tiêu xây dựng độ tin cậy cho trang web của mình.
Điều duy nhất bạn cần bổ sung ở đây chính là duy trì độ tin cậy bằng cách thể hiện những trải nghiệm trực tiếp của mình.
4 cấp độ EEAT
Để dễ dàng cho việc đánh giá chất lượng trang web, Google đã đưa ra 4 cấp độ EEAT như sau:
- EEAT thấp nhất (Lowest): Khi độc giả không thể hoặc không nên sử dụng thông tin trong nội dung chính, hoặc nếu một trang thuộc chủ đề YMYL nhưng tác giả có trình độ chuyên môn rất thấp.
- Thiếu EEAT (Lacking): Các thông tin thiếu độ tin cậy, có thể vì không có bằng chứng cho thấy tác giả có chuyên môn hay kinh nghiệm thực tế về chủ đề đang nói đến, hoặc nội dung trang web không phù hợp với chủ đề trọng tâm của website.
- EEAT cao (High): Tác giả có kinh nghiệm thực tế và thường chia sẻ trải nghiệm của họ trên MXH hoặc diễn đàn, nội dung trang web chính xác, đáng tin cậy, đề cập đa dạng các khía cạnh khác nhau của chủ đề và phù hợp với chủ đề tổng thể của website.
- EEAT rất cao (Very high): Tác giả là người nổi tiếng trong lĩnh vực, có nhiều kinh nghiệm thực tế và có thể mô tả chi tiết về những trải nghiệm của họ, nội dung cung cấp phù hợp với chủ đề tổng thể của website, có dẫn chứng rõ ràng, và được xác thực.
Nguyên tắc EEAT áp dụng cho chủ đề YMYL có gì đặc biệt?
Tùy thuộc vào mục đích của từng trang, độ tin cậy của các trang web thuộc chủ đề YMYL (Your Money or Your Life) có thể sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố kinh nghiệm hoặc trình độ chuyên môn.
Ví dụ, nếu mục đích chính của trang web là đưa ra lời khuyên hoặc cung cấp thông tin kiến thức, thì trình độ chuyên môn ở mức cao sẽ là yếu tố mang lại độ tin cậy cho trang web.
Trong một trường hợp khác, nếu người xem đang tìm kiếm sự an ủi hoặc cảm hứng từ người khác khi gặp phải các thử thách trong cuộc sống, thì lời khuyên của các chuyên gia có thể sẽ không đáp ứng được nhu cầu của độc giả, mà thay vào đó, kinh nghiệm của những người đã từng trải qua trường hợp tương tự sẽ là thứ mà độc giả quan tâm.
Để làm rõ hơn việc áp dụng EEAT cho chủ đề YMYL, Google đã đưa ra một số ví dụ cụ thể trong phần 3.1.4 như sau:
EEAT có phải yếu tố xếp hạng Google không?
Google đã xác nhận rằng nguyên tắc EEAT được tạo ra nhằm giúp những người tham gia vào việc xếp hạng tìm kiếm của Google đánh giá hiệu suất của hệ thống xếp hạng và không ảnh hưởng trực tiếp đến thứ hạng trang web.
Nói cách khác EEAT không phải là yếu tố xếp hạng Google.
Làm thế nào để áp dụng nguyên tắc E-E-A-T cho trang web?
Có thể nói, việc áp dụng nguyên tắc EEAT rất giống với những gì mà bạn đã làm với EAT.
Nói cách khác, tất cả những hoạt động xây dựng EAT cho trang web đều có thể áp dụng khi chuyển sang EEAT và bạn chỉ cần bổ sung thêm các hoạt động chứng minh kinh nghiệm thực tế của mình.
Dưới đây là 7+ cách giúp bạn ứng dụng EEAT để xây dựng website có độ tin cậy và chất lượng cao:
#1: Đề cập tác giả và sử dụng ý kiến chuyên gia bất cứ khi nào có thể
Vinmec.com là một ví dụ điển hình cho hoạt động này, như bạn có thể thấy trong bài viết dưới đây:
Bên cạnh đó, để nâng cao độ uy tín cho tác giả hoặc các chuyên gia đóng góp ý kiến, bạn có thể thu thập và hiển thị các đánh giá từ các chuyên gia khác trong ngành hoặc khách hàng
#2: Đưa ra các cam kết trách nhiệm và minh bạch về quy trình
Điều này rất quan trọng, đặc biệt là với các lĩnh vực thuộc nhóm YMYL.
Cách tốt nhất là bạn hãy hiển thị những nội dung này trên toàn trang nhằm giúp khách hàng có niềm tin vào những gì mà bạn đã tuyên bố.
#3: Đưa thông tin tác giả lên Sơ đồ tri thức (Knowledge Graph)
Một dấu hiệu nhận biết ai là chuyên gia hoặc người nổi tiếng trong ngành chính là việc thông tin của họ có được hiển thị trong Sơ đồ tri thức hay không.
Để kiểm tra, bạn có thể nhập tên của người đó (và nếu có thể) kèm theo chức danh trên Google Search để xem liệu Sơ đồ tri thức về họ có được kích hoạt hay không, như ví dụ dưới đây:
Một trong những cách đơn giản nhất để tăng khả năng hiển thị sơ đồ tri thức chính là sử dụng dữ liệu có cấu trúc loại Person, Organization hoặc Local Business, tạo hồ sơ với thông tin nhất quán trên các mạng xã hội phổ biến đồng thời hoạt động tích cực trên những nền tảng này.
#4: Loại bỏ các bình luận rác
John Mueller của Google đã xác nhận rằng các bình luận rác sẽ làm giảm chất lượng tổng thể của trang web, do đó, bạn cần kiểm soát chế độ bình luận trên trang và chỉ nên hiển thị những bình luận hữu ích có tính chất xây dựng, đặc biệt nếu website của bạn thuộc lĩnh vực YMYL.
If you publish low-quality / spammy comments as a part of your website, that\’s what people (and search engines) will use when checking out your site. What you present is what you\’ll be perceived as, regardless of where the parts come from — just like any business.
— John Mueller is mostly not here ???? (@JohnMu) February 27, 2020
#5: Thực hiện các cuộc nghiên cứu & công bố kết quả báo cáo
Đây là một trong những phương pháp xây dựng thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp tốt nhất đã và đang được các chuyên gia trên thế giới áp dụng.
Chẳng hạn, Ahrefs thường công bố các kết quả nghiên cứu về lĩnh vực SEO và Digital Marketing trên website của họ, và chúng thu hút rất nhiều lượt trích dẫn từ những website khác trong ngành.
Ví dụ, khi tôi sử dụng công cụ Ubersuggest để kiểm tra, bài viết công bố kết quả nghiên cứu về số lượng từ khóa mà một website có thể xếp hạng của Ahrefs đã được gần 800 website khác trích dẫn thông tin và tổng số lần trích dẫn là gần 1700 lần.
#6: Sử dụng media để chứng minh trải nghiệm thực tế
Cách tốt nhất để chứng minh bạn đã có kinh nghiệm về một điều gì đó chính là sử dụng media (hình ảnh, video, âm thanh…).
Thông qua media, người xem biết chính xác những gì bạn đã làm, đã cảm nhận và biết chắc chắn rằng vấn đề của họ cũng có thể được xử lý thông qua phương pháp của bạn.
Ví dụ, trong bài viết trên Brandsvietnam, tôi đã sử dụng các ảnh chụp màn hình kèm các mô tả cụ thể để hướng dẫn người đọc thực hiện từng bước các thao tác làm thế nào để SEO bằng file PDF.
#7: Tránh các nội dung được tạo tự động
Trong phần lớn trường hợp, các nội dung được tạo tự động thể hiện sự thiếu sót về mặt đầu tư cho chất lượng nội dung, do đó, nó cũng làm giảm đáng kể độ tin cậy của trang web.
Do đó, bạn nên cân nhắc loại bỏ các nội dung được tạo tự động nếu nó không mang lại giá trị bổ sung cho người xem.
Tóm lại về nguyên tắc Double-EAT của Google
Với sự ra đời của nguyên tắc Double-EAT (hay EEAT), Google càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc tạo ra một nội dung chất lượng cao, ưu tiên người dùng và phù hợp với mục đích của truy vấn tìm kiếm với hy vọng sẽ cải thiện được chất lượng của các kết quả tìm kiếm.
Có 3 điều cốt lõi mà bạn cần nhớ khi nói về EEAT, chính là:
- Kinh nghiệm thực tế trở thành một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng và độ tin cậy của trang web.
- Độ tin cậy là yếu tố trọng tâm hàng đầu, và các yếu tố còn lại cũng góp phần xây dựng độ tin cậy.
- Nó không phải là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến xếp hạng trang web trên Google.
Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy cho tôi biết bằng cách để lại ý kiến trong phần bình luận của bài viết này nhé.