ASO là gì? Cách tối ưu hóa kho ứng dụng chuẩn nhất 2023 (6 bước)

Tối ưu kho ứng dụng – ASO là gì? Lợi ích của việc tối ưu hóa ứng dụng trên App Store và Google Play? Dưới đây là 6 bước giúp ứng dụng của bạn để nhanh chóng lên Top các ứng dụng hàng đầu.

Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bảo hộ nội dung trên DMCA (Xem chi tiết tại đây), vui lòng trích dẫn nguồn kèm link bài viết nếu muốn đăng tải lại trên website khác.

Trong Marketing, ASO là gì?

Trong Marketing và kinh doanh:

ASO (App Store Optimization) hay tối ưu hóa kho ứng dụng là quá trình tối ưu hóa ứng dụng nhằm tăng khả năng hiển thị của ứng dụng đó trên các cửa hàng ứng dụng lớn nhằm thu hút và cải thiện số lượt tải xuống.

\"ASO

Tại Việt Nam, các hoạt động ASO thường được áp dụng cho 2 kho ứng dụng phổ biến nhất là App Store và Google Play, ngoài ra còn có các kho ứng dụng nhỏ khác như Samsung Store, Realme Store…

ASO và SEO có gì khác nhau?

Để phân biệt ASO và SEO, bạn có thể tham khảo thông tin được tôi tổng hợp trong bảng so sánh dưới đây:

Phân biệt ASO và SEO
ASO (Tối ưu hóa kho ứng dụng) SEO (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm)
Giúp tăng khả năng hiển thị ứng dụng ở các vị trí trên Top của Kho ứng dụng thông qua hoạt động Tìm kiếm hoặc Khám phá. Tăng khả năng hiển thị của website khi khách hàng tìm kiếm thông tin trên các công cụ tìm kiếm.
Tăng số lượng download không phải trả phí và giảm chi phí chuyển đổi người dùng. Thu hút lưu lượng truy cập miễn phí từ các công cụ tìm kiếm, cũng như cải thiện chi phí chuyển đổi khách hàng.
Áp dụng cho các cửa hàng ứng dụng và kho ứng dụng trực tuyến như Play Store, App Store,… Áp dụng cho các công cụ tìm kiếm như Google, Bing, Cốc Cốc, Yandex,…
Các yếu tố ảnh hưởng: Yếu tố trên metadata và yếu tố nằm ngoài metadata. Các yếu tố ảnh hưởng: Chất lượng nội dung, SEO Onpage, SEO Offpage và SEO kỹ thuật.
Các tiêu chí đánh giá: xếp hạng ứng dụng theo từ khóa, vị trí trong các bảng xếp hạng, tỷ lệ chuyển đổi thành lượt download, số lượng review đánh giá, tỷ lệ giữa tải xuống có trả phí và tải xuống miễn phí, doanh số bán hàng… Các tiêu chí đánh giá: số lượng từ khóa được xếp hạng, vị trí xếp hạng của mỗi từ khóa, số lượng backlink, tỷ lệ CTR, tỷ lệ tương tác trên trang, tỷ lệ tương tác trên mạng xã hội, doanh số bán hàng…
Phân bổ ngân sách: Đầu tư nhiều cho quảng cáo để cải thiện khả năng xếp hạng. Phân bổ ngân sách: Đầu tư nhiều cho thiết kế website, nội dung hữu ích ưu tiên người dùng và xây dựng liên kết để cải thiện khả năng xếp hạng.
Thời gian mang lại hiệu quả: Tùy thuộc vào số lượng tải xuống và tỷ lệ đánh giá tích cực, hiệu quả có thể đạt được nhanh chóng trong vòng một vài ngày hoặc lâu hơn. Thời gian mang lại hiệu quả: Ít nhất vài tháng đến vài năm để thấy rõ được hiệu quả.

Vì sao ASO rất quan trọng đối với các ứng dụng di động?

Theo thống kê của Statistia, tính đến quý 2 năm 2022, trên toàn cầu có hơn 3.5 triệu ứng dụng trên Google Play và gần 2.2 triệu ứng dụng trên App Store.

Mặc dù chưa có số liệu chính thức về các app khả dụng tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên, việc đạt các thứ hạng cao trên kho ứng dụng là một trong những KPI quan trọng nhất đối với bất kỳ nhà phát triển nào, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận và thu hút những khách hàng mới tải xuống và sử dụng các app này.

\"ASO

Hãy tưởng tượng, bạn muốn tải một game di động thuộc thể loại RPG trên Google Play về thiết bị Android của mình.

Bây giờ, có hai phương án để bạn tìm kiếm một tựa game phù hợp với mình:

  • Phương án #1: Xem các tựa game được Google Play gợi ý theo từng chủ đề trong mục Trò chơi. VD: game miễn phí phổ biến, game mô phỏng, game không cần Internet, game casual, game nhập vai,…
  • Phương án #2: Tìm kiếm bằng một từ khóa có liên quan. Ví dụ, từ khóa \”rpg\”, \”nhập vai\” hoặc tên của một tựa game nào đó.

Nếu là một người dùng phổ thông, bạn sẽ muốn kiểm tra thông tin của các tựa game đạt một số các tiêu chí như:

  • Xếp hạng cao nhất
  • Có số lượt tải nhiều nhất
  • Được nhiều đánh giá tích cực nhất
  • Hình ảnh & video bắt mắt, hấp dẫn
  • Mô tả chi tiết, đúng với nhu cầu chơi game
  • ……

Rõ ràng, đứng ở góc độ của một nhà phát triển ứng dụng, bạn sẽ kỳ vọng rằng ứng dụng của mình đáp ứng được tất cả các yêu cầu của khách hàng nhằm thúc đẩy khách hàng nhấn vào nút Cài đặt và trải nghiệm những nội dung mà bạn đã dày công xây dựng.

Vậy làm thế nào để đạt được điều đó?

ASO – hay tối ưu hóa cửa hàng ứng dụng – là câu trả lời mà các nhà phát triển ứng dụng đang tìm kiếm với hàng loạt các lợi ích tuyệt vời.

Lợi ích của việc tối ưu hóa kho ứng dụng là gì?

Các lợi ích quan trọng nhất mà ASO mang lại cho các nhà phát triển ứng dụng gồm có:

  • Tăng khả năng được hiển thị trên Top Google Search
  • Tăng khả năng được hiển thị ở Top các kho ứng dụng
  • Tiếp cận được những khách hàng tiềm năng chất lượng
  • Cắt giảm chi phí quảng bá ứng dụng
  • Giảm chi phí chuyển đổi khách hàng

Đối với những người làm Marketing, ASO là một trong những hoạt động hiệu quả nhất giúp thu hút khách hàng mới trong dài hạn và có tính bền vững nhất.

Tuy nhiên, để thực sự áp dụng được ASO cho hoạt động Marketing ứng dụng di động trên các App Store, bạn cần phải nắm được một số nguyên tắc cơ bản của quá trình tối ưu hóa kho ứng dụng.

Nguyên tắc của quá trình tối ưu kho ứng dụng là gì?

Nếu bạn đã xem qua bảng so sánh giữa ASO và SEO bên trên, bạn sẽ thấy rằng, nguyên tắc hoạt động của ASO khá tương đồng với SEO.

Đầu tiên, người dùng sẽ tìm kiếm các ứng dụng mà mình đang mong muốn với một số từ khóa có liên quan, sau đó các kho ứng dụng sẽ đưa ra các gợi ý, đề xuất phù hợp nhất với những gì mà người dùng đang tìm kiếm dựa trên các thông tin đã được ghi nhận về ứng dụng như tiêu đề, mô tả, đánh giá, số lượt tải…

Làm thế nào để user tìm và tải ứng dụng trên các App Store?

Tìm kiếm trên các kho ứng dụng là cách đơn giản nhưng rất hiệu quả để user tìm thấy được các ứng dụng phù hợp nhất với nhu cầu của mình.

Theo thống kê, có đến 70% số lượng người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm trên kho ứng dụng, và 65% số lượt tải xuống đã được thực hiện trực tiếp ngay sau khi người dùng tìm kiếm.

\"Tìm

Bên cạnh đó, vị trí xếp hạng có mối tương quan với số lượt tải xuống.

Lý do là vì xếp hạng của ứng dụng càng cao, khả năng nó được hiển thị trước mắt user càng lớn, nhờ đó gia tăng tỷ lệ impression và cả tỷ lệ CTR của ứng dụng.

Mặt khác, không giống với SEO website, người dùng cũng không dành nhiều thời gian để nghiên cứu nhiều ứng dụng trước khi tiến hành download, do đó, hầu hết lượt tải xuống sẽ tập trung ở Top 10 ứng dụng hàng đầu (hoặc có thể thấp hơn một chút).

Điều này đồng nghĩa với việc các vị trí xếp hạng cao nhất sẽ đóng vai trò then chốt đối với sự thành công của một ứng dụng.

App trend 2022: Các xu hướng ứng dụng di động mới nhất

Một số xu hướng ứng dụng di động đã và đang trên các kho ứng dụng có ảnh hưởng đến cách mà những người làm Digital Marketing triển khai ASO như sau:

Tiêu đề ứng dụng và các từ khóa bị cấm

Google Play cập nhật chính sách mới kể từ 29/09/2021 khiến cho hàng loạt các ứng dụng di động không tuân thủ chính sách phải nhận án phạt.

Đầu tiên, thay đổi lớn nhất chính là số lượng ký tự trong tiêu đề ứng dụng bị giảm còn tối đa 30 ký tự.

\"Tiêu

Ngoài ra, trong mọi thông tin về metadata cũng như quảng cáo ứng dụng, bạn không còn được phép sử dụng một số cụm từ đã từng rất phổ biến trước đây như \”tốt nhất\”, \”miễn phí\”, \”hàng đầu\”, \”mới\”, cũng như một số lời kêu gọi hành động như \”Download Now\”.

Cập nhật xếp hạng và review trên Google Play

Một sự thay đổi lớn cũng từ năm 2021 nhưng có ảnh hưởng đến xu hướng Marketing ứng dụng di động trong năm 2022 chính là việc Google cập nhật Đánh giá và Xếp hạng trên Play Store.

Theo đó, từ tháng 11/2021, người dùng di động sẽ bắt đầu nhìn thấy các xếp hạng cụ thể theo quốc gia của họ, trong khi đó, những người dùng tablet, Chromebook hoặc các thiết bị đeo khác cũng sẽ nhìn thấy các xếp hạng dành cho loại thiết bị mà họ đang sử dụng vào đầu năm 2022.

Theo Google, điều này làm tăng các trải nghiệm của người dùng, nhưng đối với những người làm Marketing, nó giống như một cơn địa chấn, bởi vì rất nhiều người đã từng chi nhiều tiền để mua các dịch vụ review đánh giá từ nước ngoài, và họ đang chứng kiến những gì mình đã đầu tư bị cuốn trôi sạch sẽ.

Để xem chi tiết về Cách xếp hạng và đánh giá ứng dụng trên Google Play, bạn có thể xem tại đây.

\"Hướng

Giảm phí dịch vụ Google Play từ năm 2022

Từ ngày 1 tháng 1 năm 2022, Google sẽ cắt giảm phí dịch vụ cho các ứng dụng bán hàng hóa hoặc cung cấp tài liệu kỹ thuật số có trả phí trên Play Store từ mức 30% xuống còn 15% đối với các nhà phát triển ứng dụng có thu nhập dưới 1 triệu USD.

\"Google

Với việc cắt giảm 50% chi phí như vậy, mức độ cạnh tranh các thứ hạng đầu trên kho ứng dụng sẽ trở nên khốc liệt hơn, vì giờ đây, các nhà phát triển sẽ có thêm một lượng ngân sách dư dả hơn để chạy quảng cáo nhằm tăng cường lượt tải ứng dụng cũng như thúc đẩy khách hàng review đánh giá bình luận.

Thay đổi về chính sách quyền riêng tư trên Google Play

Chính sách mới về quyền riêng tư trên Google Play có hiệu lực từ Quý 1 năm 2022 mang lại những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực cho các nhà phát triển ứng dụng.

Nói cách khác, một mặt, các nhà phát triển ứng dụng đã và đang cung cấp phần mô tả về quyền riêng tư một cách chi tiết, rõ ràng và chính xác sẽ nhận được nhiều sự tin tưởng hơn, cũng như có khả năng thu hút người dùng nhiều hơn.

Ngược lại, những ứng dụng đã từng chia sẻ dữ liệu người dùng với bên thứ ba sẽ bị giảm mạnh tỉ lệ chuyển đổi người dùng (UA – User Aquisition).

Bên cạnh đó, việc không có một chính sách đảm bảo an toàn đã được phê duyệt cũng sẽ khiến các nhà phát triển không được phép cung cấp thêm ứng dụng mới cũng như các bản cập nhật mới cho các ứng dụng hiện tại.

Ra mắt chức năng In-app event trên Apple Store

Chức năng In-app Event giúp nhà phát triển ứng dụng thông báo một sự kiện liên quan đến ứng dụng iOS, chẳng hạn như ngày ra mắt ứng dụng, một cuộc thi hoặc livestream trực tiếp…

\"Chức

Đây được xem là tính năng hấp dẫn đối với những người làm ASO và Marketing cho ứng dụng di động, bởi một số lợi ích mà nó mang lại như sau:

  • Tiếp cận khách hàng mới
  • Gửi thông báo đến các khách hàng hiện tại
  • Kết nối trở lại với những khách hàng cũ

Tùy chỉnh & tối ưu hóa trang sản phẩm trên Apple Store

Năm 2021, iOS 15 được ra mắt, cùng với đó, Apple Store cho phép bạn tạo ra đến 35 trang sản phẩm được tùy chỉnh theo các hình thức khác nhau để quảng bá đến khách hàng, và mỗi trang đều có URL riêng biệt để bạn dễ dàng quản lý.

Đây là một sự thay đổi rất lớn, vì Apple Search Ads cũng sẽ hỗ trợ các trang sản phẩm tùy chỉnh này.

Nhờ đó, các Marketer cho ứng dụng có thể tạo ra rất nhiều mẫu landing page khác nhau để thu hút khách hàng tải xuống và sử dụng ứng dụng của mình, hay có thể nói Apple Store đang cung cấp cho bạn một kiểu A/B Test rất hay.

Apple Store cho phép khách hàng kiểm soát dữ liệu tốt hơn

Một xu hướng không thể xấu hơn đối với những người làm Marketing ứng dụng di động, vì khách hàng đã có thể chặn các trình thu thập dữ liệu từ các ứng dụng mà không vấp phải bất kỳ trở ngại nào do những người phát triển ứng dụng tạo ra.

Nói cách khác, bạn đang đánh mất một lượng rất lớn các dữ liệu từ người dùng iOS, tương tự như cách mà Facebook đã đánh mất 13 tỉ USD hồi đầu năm 2022 (và có thể còn nhiều hơn vào cuối năm) và lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng chưa có hồi kết.

Bên cạnh đó, các nhà phát triển ứng dụng cũng phải giải trình đầy đủ và rõ ràng về cách mà họ sử dụng dữ liệu người dùng trong phần chính sách bảo mật và quyền riêng tư nếu không muốn nhận án phạt từ Apple Store.

Sự ra mắt của SKAdNetwork 3.0 thách thức các nhà quảng cáo

Cùng với iOS15, Apple cũng giới thiệu SKAdNetwork 3.0 nhằm ngăn chặn việc đánh cắp dữ liệu cá nhân cũng như can thiệp vào quyền riêng tư của người dùng.

Đây được xem là một khó khăn lớn đối với những ai đang làm Marketing thông qua các ứng dụng iOS từ năm 2022 trở đi, bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đo lường mức độ hiệu quả của quảng cáo trên các thiết bị iOS.

Đặc biệt, SKAN 3.0 chặn việc chia sẻ ID người dùng với các mạng quảng cáo khác, do đó, bạn rất khó để có thể kết nối một ID trên iOS với ID của tài khoản Google hoặc Facebook mà người dùng đang sở hữu.

Điều này khiến cho việc bạn phải lệ thuộc nhiều hơn vào nền tảng quảng cáo của Apple nếu không muốn bị bỏ sót khách hàng tiềm năng đang sử dụng các thiết bị iOS.

Sự khác biệt quan trọng của quá trình tối ưu cửa hàng ứng dụng trên Play Store và App Store

Trước khi phát triển một ứng dụng, đầu tiên bạn cần quyết định mình sẽ đưa nó lên kho ứng dụng nào.

Hầu hết các nhà phát triển sẽ chọn Google Play là kho ứng dụng đầu tiên cần ASO trước, sau đó là Apple App Store, và có thể có thểm nhiều lựa chọn khác như Huawei AppGallery, Samsung Galaxy Apps, Amazon Appstore,…

Ở đây, tôi sẽ tập trung nói về 2 kho ứng dụng lớn nhất và phổ biến nhất tại Việt Nam, đó là Google PlayApple Store.

Cả hai kho ứng dụng đều có cùng mục đích hoạt động, đó là cung cấp một giải pháp an toàn để người dùng tìm kiếm và tải các ứng dụng phù hợp cho nhu cầu sử dụng của mình.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cách thức hoạt động của Play Store và App Store giống hệt nhau.

Về quy trình xuất bản

Mặc dù cả Google và Apple đều đưa ra các tiêu chuẩn để đảm bảo các ứng dụng được xuất bản lên kho ứng dụng đạt chất lượng tốt nhất, tuy nhiên thông thường quá trình xét duyệt ứng dụng trên Apple Store có xu hướng tốn nhiều thời gian hơn trên Play Store.

Ngoài ra, việc đánh giá các từ khóa ASO ở 2 kho ứng dụng này là khác nhau, trong đó, quy trình lập chỉ mục trên Google Play cũng tương tự với Google Search, tức bạn được phép lặp từ khóa chính vài lần trên các trường yêu cầu điền thông tin dữ liệu, ngược lại, bạn không nên lặp từ khóa ở bất kỳ trường thông tin nào khi đăng ký trên App Store.

Về các yếu tố xếp hạng ứng dụng

Đối với App Store, các yếu tố ảnh hưởng đến việc xếp hạng ứng dụng quan trọng nhất bao gồm:

  • Tên ứng dụng
  • URL ứng dụng
  • Phụ đề ứng dụng
  • Trường từ khóa
  • IAP (In-app Purchase – Mua hàng trong ứng dụng)
  • In-app Event
  • Review và đánh giá
  • Các bản cập nhật
  • Số lượt tải xuống
  • Số lượng tương tác
  • Một số yếu tố ẩn khác

Đối với Google Play, các yếu tố tác động chủ yếu đến thứ hạng của ứng dụng bao gồm:

  • Tiêu đề ứng dụng
  • Mô tả ngắn
  • Mô tả chi tiết
  • IAP
  • Review và đánh giá
  • Các bản cập nhật
  • Android vitals (tương tự với Core Web Vitals)
  • Số lượt tải xuống
  • Số lượng tương tác
  • Từ khóa tìm kiếm và mức độ liên quan đến thông tin ứng dụng
  • Khối lượng tìm kiếm & độ khó xếp hạng của từ khóa
  • Lưu lượng truy cập từ các trang Khám phá do Google Play đề xuất
  • Các yếu tố ẩn khác.

Về quá trình lập chỉ mục ứng dụng (App Indexation) trên Google Search

Để lập chỉ mục cho ứng dụng iOS, bạn cần cung cấp các liên kết chung – universal links.

Trong khi đó, để ứng dụng Android được lập chỉ mục trên Google Search, bạn cần bật tính năng Android API bên trong ứng dụng.

Mặc dù vậy, cả Google Play và Apple Store đều cung cấp các tài liệu để hỗ trợ bạn trong quá trình gửi yêu cầu lập chỉ mục cho ứng dụng trên Google Search, do đó quá trình này cũng không quá phức tạp đối với những nhà phát triển ứng dụng.

Bây giờ, đã đến lúc bạn tìm hiểu về quy trình tổng quát để tối ưu hóa kho ứng dụng hiệu quả.

Làm thế nào để tối ưu hóa kho ứng dụng?

Nếu bạn là người đã quen với việc làm SEO website, chắc chắn sẽ không mất nhiều thời gian để tìm hiểu về cách triển khai ASO – tối ưu hóa cửa hàng ứng dụng.

Cụ thể, dưới đây là các bước để bạn làm ASO:

#1: Tối ưu hóa tiêu đề và phụ đề ứng dụng

Tiêu đề ứng dụng là yếu tố tạo ấn tượng đầu tiên cho người dùng.

Vai trò của tiêu đề ứng dụng cũng tương tự như tiêu đề của một bài viết trên website, thứ đã thu hút bạn và khiến bạn xem trang web này của tôi, tức nó cũng là thứ sẽ thu hút người dùng tìm đến với ứng dụng của bạn.

Theo tiêu chuẩn ASO mới nhất, tiêu đề ứng dụng trên các kho ứng dụng không được vượt quá 30 ký tự, và đặc biệt, đối với App Store, bạn tuyệt đối không nhồi nhét từ khóa vào trong tiêu đề.

Một trong những cách tốt nhất để đặt tiêu đề cho ứng dụng chính là bạn hãy học theo các ứng dụng hàng đầu như ví điện tử Momo đã làm.

\"Ví

Như vậy, giả sử tôi xuất bản một ứng dụng cho dịch vụ của mình, thì tên ứng dụng phù hợp nhất mà tôi có thể nghĩ đến là \”Ychoc: SEO & Digital Marketing\” vì nó đảm bảo đủ 30 ký tự và nói đến những giá trị cốt lõi trong dịch vụ mà tôi đang cung cấp.

Bên cạnh đó, thì phụ đề ứng dụng, phần nội dung ngay bên dưới tiêu đề, cũng có vai trò giải thích ngữ cảnh và bổ sung thêm một số thông tin quan trọng khác.

Do đó, bạn sẽ muốn đưa những ưu điểm độc đáo nhất nhằm gia tăng khả năng thuyết phục khách hàng.

#2: Tối ưu phần mô tả ứng dụng

Mô tả ứng dụng là phần có thể gây hoang mang một chút đối với những bạn mới bắt đầu tập triển khai ASO.

\"Vị

Xét về góc độ kỹ thuật của ASO, Apple App Store bỏ qua phần mô tả của ứng dụng, đồng nghĩa với việc nội dung mô tả của ứng dụng không ảnh hưởng trực tiếp đến xếp hạng ứng dụng trên kho ứng dụng của Apple (tôi đã từng đề cập bên trên).

Trong khi đó, Google Play đánh giá phần mô tả ứng dụng có vai trò quan trọng giống hệt như nội dung của một trang web.

Tuy nhiên, bạn không nên đánh giá thấp sức mạnh của phần mô tả nội dung của ứng dụng.

Mặc dù chưa đến 2% người dùng Play Store đọc toàn bộ nội dung phần mô tả, và App Store chỉ cho phép tối đa 252 ký tự để mô tả ứng dụng, tuy nhiên, đây lại là phần quan trọng nhất giúp thuyết phục người dùng tải ứng dụng, vì 30 ký tự của tiêu đề ứng dụng không thể giải thích được mọi thứ.

Do đó, một số hoạt động cần thiết để bạn tối ưu hóa phần mô tả ứng dụng gồm có:

  • Tóm tắt tất cả tính năng quan trọng nhất đối với người dùng, và giới hạn nó trong vòng 200 – 252 ký tự đầu tiên.
  • Đối với các ứng dụng trên Play Store, bạn nên áp dụng cách viết content chất lượng tương tự như khi xuất bản bài viết trên website.
  • Nghiên cứu và lựa chọn từ khóa hiệu quả nhưng tuyệt đối không nhồi nhét từ khóa.
  • Sử dụng phương pháp A/B Test nhiều lần để tìm ra loại nội dung mang lại hiệu quả cao nhất.

#3: Thêm ảnh chụp màn hình và video preview

Bên cạnh tiêu đề và phụ đề ứng dụng, thì ảnh chụp màn hình và video preview cũng là những yếu tố đầu tiên xuất hiện trước mắt người dùng.

Ưu điểm của các loại media này chính là sự trực quan, sinh động, cũng như mang lại yếu tố thuyết phục cao nhất đối với người dùng, vì nó cho họ thấy những gì thực sự có trong ứng dụng, và cách mà ứng dụng sẽ hoạt động ra sao.

Chính vì thế, đây là yếu tố có ảnh hưởng quan trọng đến tỷ lệ CTR của ứng dụng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến xếp hạng ứng dụng.

Do đó, hãy chuẩn bị các hình ảnh và video preview ứng dụng mang tính độc đáo cũng như tạo ra ấn tượng sâu sắc nhất cho người dùng, đặc biệt, hãy sử dụng hết tất cả mọi slot các kho ứng dụng cho phép bạn thêm vào.

Một số thông tin mà bạn cần lưu ý về phần này như sau:

  • Apple App Store: tối đa 10 hình (kể cả 1 video). Nếu có videon nó phải quay trực tiếp từ bên trong ứng dụng, không được phép sử dụng các video quay từ bên ngoài (VD: video một người đang cầm thiết bị). Ảnh có độ phân giải 72 DPI, định dạng PNG, JPEG hoặc RGB, không được làm trong suốt.
  • Google Play Store: tối đa 8 hình (kể cả 1 video), tối thiểu 2 hình. Nếu có video, nó sẽ được hiển thị ở vị trí đầu tiên trong danh sách. Định dạng file ảnh là JPEG hoặc PNG 24-bit, kích thước mỗi chiều từ 320 – 3840 pixel, kích thước chiều dài nhất không được lớn hơn 2 lần so với kích thước chiều còn lại.

#4: Thúc đẩy review và bình luận tích cực

Review và bình luận là các yếu tố báo hiệu mức độ phổ biến và chất lượng của ứng dụng.

Nói cách khác, nếu ứng dụng của bạn nhận nhiều đánh giá và bình luận tiêu cực, bạn chắc chắn sẽ không thể được xếp hạng trong Top các ứng dụng hàng đầu.

Vì thế, để tăng số lượng đánh giá và bình luận tích cực cho ứng dụng, bạn cần khuyến khích những người dùng hiện tại để lại ý kiến của họ về những trải nghiệm tốt đẹp nhất khi dùng ứng dụng của bạn.

Dưới đây là một số phương pháp mà bạn có thể tham khảo:

  • Đề nghị người dùng để lại đánh giá ngay bên trong ứng dụng. Thời điểm tốt nhất để thúc đẩy người dùng thực hiện việc review bình luận là khi họ vừa sử dụng một chức năng quan trọng nào đó, và/hoặc vừa đạt được một thành tích nổi bật nào đó (VD: mua hàng trong ứng dụng, lên level…). Nhưng hãy lưu ý đến tần suất gửi đề nghị đánh giá trong ứng dụng, vì các kho ứng dụng có đặt ra giới hạn về số lần mà bạn có thể gửi yêu cầu đánh giá.
  • Khuyến khích người dùng bình luận từ những kênh khác. Bạn có thể sử dụng mạng xã hội, Email Marketing, các ứng dụng OTT (VD: Zalo, Messenger, Whatsapp…) hoặc thậm chí là SMS Marketing, một trong những phương thức truyền thống nhất.
  • Tạo các trò chơi, sự kiện để thúc đẩy hành động review đánh giá. Đây chắc chắn là một trong những cách tốt nhất để gia tăng lượng bình luận, review và đánh giá. Nhưng hãy cẩn trọng, đừng để mình vi phạm chính sách của các kho ứng dụng.

#5: Quảng cáo trực tuyến – Cách nhanh nhất để tối đa hóa lượt download

Mặc dù bạn cần ASO để giảm mức độ phụ thuộc vào quảng cáo, nhưng quảng cáo trực tuyến lại là hoạt động then chốt nhất để bạn có thể đạt mục tiêu tối ưu hóa kho ứng dụng, thông qua việc đẩy nhanh số lượt ứng dụng được tải về.

Trong giai đoạn đầu, ứng dụng của bạn chắc chắn không tạo ra được độ tin cậy bởi số lượng lượt tải quá thấp.

Chính vì thế, nó cần một đòn bẩy mạnh mẽ về số lượng download trong thời gian ngắn để báo cho các kho ứng dụng biết rằng đây là một trong những ứng dụng có xu hướng được yêu thích trong thời gian sắp tới, và có khả năng trở thành một ứng dụng phổ biến được nhiều người sử dụng nếu nằm trên Top.

#6: Cải thiện tỷ lệ cài đặt sau tìm kiếm

Hãy lưu ý rằng một khi được lên Top ứng dụng xu hướng, nếu tỷ lệ cài đặt sau tìm kiếm quá thấp, có khả năng ứng dụng của bạn sẽ bị giảm thứ hạng.

Một số thống kê của AppTweak cho thấy tỷ lệ cài đặt trung bình các ứng dụng trên Apple App Store đạt khoảng 3.42%, trong đó các ứng dụng về tài chính có tỷ lệ cài đặt lên tới 8.5%, trong khi các ứng dụng về chơi cờ chỉ đạt khoảng 0.7%.

Chính vì thế, hãy dành thời gian để nghiên cứu tỷ lệ cài đặt ứng dụng đối với lĩnh vực của bạn, và làm mọi cách để cải thiện tỷ lệ đó càng cao càng tốt.

Nói cách khác, bạn cần thực hiện A/B Test liên tục đối với tất cả các yếu tố thông tin của ứng dụng, từ tiêu đề, phụ đề, mô tả ngắn, mô tả chi tiết, số lượt tải, hình ảnh, video… nói chung là tất tần tật.

Điều này sẽ giúp tăng độ phổ biến và độ uy tín của ứng dụng, từ đó giúp gia tăng tỷ lệ CTR khi người dùng nhìn thấy ứng dụng đó sau quá trình tìm kiếm.

Tóm lại về App Store Optimization

Như vậy, bạn đã có được những kiến thức và thông tin mới nhất về ASO – Tối ưu hóa cửa hàng ứng dụng.

Nhìn chung, hoạt động ASO khá giống với SEO, tức là quá trình thiết lập, chỉnh sửa và tối ưu chất lượng của ứng dụng nhằm đạt được những thứ hạng cao trên các kho ứng dụng.

Tuy nhiên, có sự khác biệt về cách thức triển khai ASO trên 2 kho ứng dụng lớn nhất Việt Nam hiện nay là Apple App Store và Google Play Store, do đó, bạn cần nghiên cứu kỹ các đặc điểm của từng kho ứng dụng này nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Một điều cần lưu ý rằng, dù bạn đang tối ưu hóa bất kỳ kho ứng dụng nào, thì ba yếu tố Tiêu đề ứng dụng, Số lượt downloadTỷ lệ bình luận tích cực đều đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xếp hạng ứng dụng, do đó, bạn cần làm mọi cách (hợp lệ) để cải thiện hiệu quả của chúng.

Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về cách thức tối ưu hóa kho ứng dụng, hãy xem một số câu hỏi thường gặp dưới đây hoặc để lại ý kiến của mình trong phần bình luận nhé.

Câu hỏi thường gặp về ASO

App Store – Kho ứng dụng – là gì?

App Store (còn gọi là cửa hàng ứng dụng hay kho ứng dụng) là một loại cửa hàng trực tuyến cho phép người dùng tìm kiếm và tải các ứng dụng về thiết bị của họ miễn phí hoặc trả phí.

Tuy nhiên, bạn cần phân biệt thuật ngữ App Store khác với Apple Store, mặc dù bản thân kho ứng dụng của Apple Store cũng mang tên là App Store.

Chuyện gì xảy ra nếu xếp hạng ứng dụng (app rating) quá thấp?

App rating (hay xếp hạng ứng dụng) là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tải ứng dụng của người dùng, do đó, app rating quá thấp sẽ khiến người dùng không tin tưởng vào chất lượng của ứng dụng, cũng như làm giảm khả năng thuyết phục họ download app để sử dụng.

App bị đánh giá 1 sao trên cửa hàng ứng dụng có thể tải được không?

Được, người dùng vẫn được phép tải các ứng dụng có xếp hạng thấp (thậm chí là 1 sao) trên các kho ứng dụng, vì cả Google Play và AppStore đều không có chính sách xóa các ứng dụng bị đánh giá thấp.

Google Play có tự động xóa các review đánh giá ứng dụng không?

Theo chính sách của Google, các đánh giá độc hại hoặc đánh giá ảo sẽ bị hệ thống chống spam trên Google Play nhận diện và loại bỏ.

Làm thế nào để cải thiện số lượng download của ứng dụng?

Để cải thiện và nâng cao số lượt tải ứng dụng, bạn nên thực hiện các hoạt động sau:

  • Thiết kế icon ứng dụng bắt mắt
  • Triển khai ASO
  • Tạo website và blog chuyên cung cấp thông tin về ứng dụng và các thông tin có liên quan
  • Chạy Video Marketing
  • Chạy quảng cáo trực tuyến
  • Tiếp thị trong các ứng dụng di động
  • Thực hiện truyền thông tiếp thị mạng xã hội
  • Khuyến khích khách hàng để lại ý kiến đánh giá và xếp hạng ứng dụng tích cực

Cách lựa chọn các từ khóa phù hợp cho chiến dịch ASO

Nghiên cứu từ khóa là cách tốt nhất để bạn lựa chọn được những từ khóa phù hợp nhất cho chiến dịch ASO của mình.

Một số công cụ hỗ trợ bạn nghiên cứu từ khóa gồm có:

  • Google Trends
  • Google Autocomplete
  • Các công cụ SEO như Ubersuggest, Ahrefs, SEMRush, Keywordtool.io…

Kích thước chuẩn cho ảnh chụp màn hình (screenshot) ứng dụng iOS đối với Iphone

Kích thước ảnh ứng dụng trên Apple App Store khi xem trên Iphone
Kích thước màn hình Kích thước ảnh (dọc) Kích thước ảnh (ngang)
6.5 inch
  • 1284 x 2778 pixel
  • 1242 x 2688 pixel
  • 2778 x 1284 pixel
  • 2688 x 1242 pixel
5.8 inch
  • 1170 x 2532 pixel
  • 1125 x 2436 pixel
  • 1080 x 2340 pixel
  • 2532 x 1170 pixel
  • 2436 x 1125 pixel
  • 2340 x 1080 pixel
5.5 inch 1242 x 2208 pixel 2208 x 1242 pixel
4.7 inch 750 x 1334 pixel 1334 x 750 pixel
4 inch 640 x 1096 pixel 1096 x 640 pixel
3.5 inch 640 x 920 pixel 920 x 640 pixel

Kích thước chuẩn cho ảnh chụp màn hình (screenshot) ứng dụng iOS đối với Ipad

Kích thước màn hình Kích thước ảnh (dọc) Kích thước ảnh (ngang)
12.9 inch 2048 x 2732 pixel 2732 x 2048 pixel
11 inch
  • 1488 x 2266 pixel
  • 1668 x 2388 pixel
  • 1640 x 2360 pixel
  • 2266 x 1488 pixel
  • 2388 x 1668 pixel
  • 2360 x 1640 pixel
10.5 inch 1668 x 2224 pixel 2224 x 1668 pixel
9.7 inch
  • 1536 x 2008 pixel (ảnh dọc, không có thanh status)
  • 1536 x 2048 pixel (ảnh dọc, có thanh status)
  • 768 x 1004 pixel (ảnh dọc, không có thanh status)
  • 768 x 1024 pixel (ảnh dọc, có thanh status)
  • 2048 x 1496 pixel (ảnh ngang, không có thanh status)
  • 2048 x 1536 (ảnh ngang, có thanh status)
  • 1024 x 748 (ảnh ngang, không có thanh status)
  • 1024 x 768 (ảnh ngang, có thanh status)

Kích thước ảnh nổi bật (Feature Graphic) cho ứng dụng trên Google Play là bao nhiêu?

Ngoài ảnh chụp màn hình, để ứng dụng của bạn trở nên nổi bật trên Google Play Store, bạn cần một video quảng bá ứng dụng (promo video) và một ảnh nổi bật (feature graphic).

Kích thước ảnh nổi bật của ứng dụng trên Google Play cần tuân theo tiêu chuẩn sau:

  • Định dạng: JPEG hoặc PNG 24-bit
  • Kích thước: 1024 x 500 pixel

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *