Lập dàn ý viết content hoàn chỉnh với ChatGPT (5 bước)

Bạn muốn lập dàn ý viết content? Dưới đây là cách sử dụng ChatGPT để xây dựng dàn ý một cách hoàn chỉnh và đầy đủ nhất cho mọi chủ đề, mọi website mà một Copy Writer cần biết.

Sự ra đời của ChatGPT, hệ thống chatbot tích hợp AI do OpenAI dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn GPT-3.5, khiến cho những người yêu thích công nghệ, giới lập trình IT và cộng đồng Content Marketing cực kỳ phấn khích.

Tuy nhiên, trong khi mọi người còn đang tìm hiểu làm thế nào để tạo tài khoản ChatGPT tại Việt Nam, thì tôi đã dành nhiều thời gian để tự nghiên cứu phương pháp sử dụng công cụ AI này cho công việc của mình.

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ những cách mà tôi đã ứng dụng hệ thống chatbot này để lập dàn ý viết content và tạo các văn bản chất lượng cao một cách nhanh chóng cho blog Digital Marketing của mình.

Lưu ý: Những nội dung về cách lập dàn ý để viết content hấp dẫn bằng ChatGPT dưới đây đều được tôi trình bày chi tiết trong khóa học SEO cơ bản tại Nha Trang – Buổi 3 (Content Writing), bạn có thể lưu ý để đặt câu hỏi hoặc nhờ hỗ trợ trong quá trình học nhé.

Cách đơn giản để lên cấu trúc lập dàn ý cho một bài viết bằng ChatGPT trong 1 bước (không khuyến khích)

Cách nhanh nhất để tạo dàn ý cho một bài viết bằng công cụ ChatGPT chính là trực tiếp yêu cầu hệ thống đưa ra kết quả mà bạn mong muốn với một câu lệnh chi tiết và đầy đủ.

Chẳng hạn, tôi đã thử yêu cầu ChatGPT “Write an outline within 500 words about how to plan an email marketing strategy” để thử lập dàn ý cho một bài viết về cách lên kế hoạch cho chiến lược Email Marketing.

ChatGPT đã nhanh chóng tạo ra dàn ý tóm tắt khi được yêu cầu
ChatGPT đã nhanh chóng tạo ra dàn ý tóm tắt khi được yêu cầu

Kết quả khá tốt, vì tôi đã nhận được một bản tóm tắt gồm 8 bước của quá trình lập chiến lược Email Marketing, kèm theo đó là thông tin ngắn gọn những thứ mà tôi nên làm ở từng bước.

Tuy nhiên, nếu dừng lại ở đây, có thể bạn đang bỏ lỡ rất nhiều ý tưởng mà mình có thể đưa vào trong bài viết, do đó, tôi khuyến khích bạn áp dụng quy trình 5 bước sử dụng ChatGPT để lập dàn ý cho content như sau.

Quy trình chuẩn 5 bước lập dàn ý viết content với ChatGPT

Bước #1: Tạo ngữ cảnh để ChatGPT hiểu chính xác về chủ đề mà bạn muốn nói đến

Đây là bước đầu tiên bạn cần thực hiện nhằm giúp AI trong ChatGPT hiểu về ngữ cảnh có liên quan đến chủ đề chính mà bạn muốn nói đến là gì.

Ví dụ, nếu tôi muốn bắt đầu lập dàn ý cho chủ đề chính là Dịch vụ Quảng cáo địa phương của Google (còn gọi là Google Local Service Ads), tôi sẽ đưa ra yêu cầu đầu tiên cho ChatGPT như thế này: “Do you know about Google Local Service Ads?“.

Đúng như kỳ vọng, ChatGPT đã đưa ra những thông tin cơ bản liên quan đến dịch vụ Google LSA mà tôi mong muốn, do đó, khi tôi sử dụng từ viết tắt là LSA thay vì Local Service Ads, ChatGPT vẫn hiểu và đưa ra những phản hồi chính xác như hình dưới đây:

Tạo ngữ cảnh ban đầu để ChatGPT hiểu rõ chủ đề chính mà bạn đang nói đến là gì
Tạo ngữ cảnh ban đầu để ChatGPT hiểu rõ chủ đề chính mà bạn đang nói đến là gì

Đối với yêu cầu đầu tiên này, bạn nên mô tả càng chi tiết càng tốt, vì có một số thuật ngữ đa nghĩa mà nếu không giải thích cụ thể, AI sẽ đưa ra những câu trả lời sai lệch so với ý tưởng của bạn.

Chẳng hạn, khi tôi sử dụng từ viết tắt Google LSA ngay trong lần trao đổi đầu tiên, ChatGPT đã hiểu sai ý của tôi và đưa ra câu trả lời về Latent Semantic Analysis (Phân tích ngữ nghĩa tiềm ẩn) thay vì Local Service Ads.

ChatGPT có khả năng hiểu sai ý mà bạn muốn nói nếu yêu cầu đầu tiên mà bạn đưa ra không rõ ràng
ChatGPT có khả năng hiểu sai ý mà bạn muốn nói nếu yêu cầu đầu tiên mà bạn đưa ra không rõ ràng

Do đó, việc giúp AI của ChatGPT hiểu được ý tưởng của bạn là điều cực kỳ quan trọng nếu bạn không muốn nhận những thông tin không chính xác.

Một khi đã ChatGPT đã xác định được nội dung chính, nó sẽ tạo headline cho đoạn hội thoại này để giúp bạn dễ dàng theo dõi nội dung đã trao đổi trong tương lai, và bạn cũng có thể thay đổi lại tiêu đề này cho phù hợp với mình.

ChatGPT tự động tạo headline cho đoạn hội thoại nhằm giúp bạn dễ dàng follow trong tương lai
ChatGPT tự động tạo headline cho đoạn hội thoại nhằm giúp bạn dễ dàng follow trong tương lai

Bước #2: Yêu cầu ChatGPT đề xuất các khía cạnh có liên quan đến chủ đề chính

Sau khi bạn chắc chắn rằng ChatGPT đã hiểu đúng chủ đề chính mà bạn muốn nói đến là gì, giờ là lúc tìm kiếm những ý tưởng có liên quan đến chủ đề chính để bắt đầu lập dàn ý cho bài viết.

Trong ví dụ bên trên, tôi muốn ChatGPT gợi ý các khía cạnh có liên quan đến chủ đề dịch vụ Google LSA, do đó, tôi đã gửi yêu cầu “10 relevant topics of Google LSA“, và công cụ đã đưa ra hàng loạt chủ đề có liên quan trong nháy mắt như sau:

  • Cách đăng ký Google Local Services Ads;
  • Cách tối ưu quảng cáo LSA;
  • Làm thế nào để theo dõi hiệu suất quảng cáo LSA;
  • Cách quản lý ngân sách quảng cáo LSA;
  • Cách xử lý các đánh giá tiêu cực trong quảng cáo LSA;
  • Các ví dụ tốt nhất về cách sử dụng quảng cáo LSA;
  • ……
Tìm các khía cạnh có liên quan cho chủ đề chính
Tìm các khía cạnh có liên quan cho chủ đề chính

Nếu muốn mở rộng danh sách các chủ đề có liên quan, chỉ cần yêu cầu ChatGPT tiếp tục công việc của mình với các yêu cầu đại loại như “add 10 more” hay “add 5 more other topics of LSA“, nhờ đó, bạn có thể sẽ nhận được hàng tấn ý tưởng khác nhau cho nội dung của mình nếu chủ đề rộng.

Khi ChatGPT cạn ý tưởng, nó sẽ thông báo cho bạn biết về điều đó, và đề nghị bạn tự mình tìm kiếm thêm những ý tưởng mới từ các kênh khác.

Wow, quá tuyệt vời đúng không?

Thay vì tốn thời gian để phân tích, nghiên cứu từ khóa và nhóm các từ khóa có cùng chủ đề, bây giờ bạn đã có một công cụ vô cùng hữu ích để ngay lập tức đưa ra các chủ đề có liên quan.

Sau khi đã có danh sách các ý tưởng về chủ đề có liên quan, giờ là lúc kiểm tra và điều chỉnh lại danh sách để có một dàn ý tổng quát hoàn hảo.

Bước #3: Kiểm tra, loại bỏ các thông tin không chính xác hoặc kết hợp các khía cạnh tương tự nhau

ChatGPT không phải là cỗ máy biết tuốt như Google, do đó, bạn sẽ cần kiểm tra lại tính chính xác và độ tin cậy (fact-checking) cũng như liệu có ý tưởng nào bị trùng lặp hoặc tương tự nhau hay không.

Trong ví dụ ở trên, tôi đã yêu cầu ChatGPT liệt kê các chủ đề có khả năng bị trùng lặp bằng câu lệnh “check and tell me some topics that can be duplicated with the others“, và công cụ đã đưa ra danh sách các chủ đề có thể bị lặp lại hoặc tương tự nhau như sau:

  • Cách sử dụng LSA để nhắm mục tiêu theo các từ khóa cụ thể;
  • Cách sử dụng LSA để nhắm mục tiêu theo các vị trí cụ thể;
  • Cách sử dụng LSA để nhắm mục tiêu theo các nhóm nhân khẩu học cụ thể;
  • Cách sử dụng LSA để nhắm mục tiêu theo các thiết bị cụ thể;
  • Cách sử dụng LSA để nhắm mục tiêu theo các ngôn ngữ cụ thể;
  • ……
Một số khía cạnh bị trùng lặp được ChatGPT chỉ ra
Một số khía cạnh bị trùng lặp được ChatGPT chỉ ra

Bên cạnh đó, có thể bạn sẽ nhận được khá nhiều thông tin sai lệch trong danh sách ý tưởng mà ChatGPT đưa ra, chẳng hạn như cách sử dụng LSA để nhắm mục tiêu theo vị trí đặt quảng cáo trên Youtube.

Theo thông báo từ Google, quảng cáo LSA chỉ hiển thị trên Google Search, do đó, việc tìm hiểu cách sử dụng LSA để quảng cáo trên Youtube là hoàn toàn vô nghĩa.

Nói chung, bạn sẽ cần thực hiện quy trình fact-check nhằm loại bỏ mọi đề xuất vô nghĩa hoặc không chính xác nếu không muốn biến bài viết của mình thành một tin rác.

Bây giờ, bạn đã có danh sách các chủ đề quan trọng nhất sẽ đề cập trong bài viết của mình, giờ là lúc tìm kiếm ý tưởng để viết cho mỗi chủ đề nhỏ này.

Bước #4: Yêu cầu ChatGPT liệt kê các ý chính trong mỗi khía cạnh

Tương tự với bước 2, bạn sẽ yêu cầu ChatGPT đưa ra các ý tưởng cho mỗi chủ đề con trong danh sách của mình.

Ví dụ, tôi muốn biết mình nên viết những thông tin gì khi nói về cách tối ưu quảng cáo LSA, do đó tôi đặt câu hỏi “How to optimize LSA ads“, và công cụ ChatGPT đã đưa ra rất nhiều đề xuất khác nhau mà tôi có thể sử dụng, chẳng hạn như:

  • Lựa chọn đúng nhóm chuyên mục;
  • Tối ưu hóa thông tin Google My Business (tên cũ của Google Business Profile hiện nay);
  • Quản lý và phản hồi các đánh giá của khách hàng;
  • ……
Lặp lại bước 2 để tìm các ý tưởng cho từng chủ đề mà bạn vừa tìm được
Lặp lại bước 2 để tìm các ý tưởng cho từng chủ đề mà bạn vừa tìm được

Lặp lại quá trình này đối với mọi chủ đề trong bài viết, bạn sẽ có danh sách những ý tưởng về thông tin mà mình có thể đưa vào trong bài viết, và đừng quên liệt kê chúng trong dàn ý content của mình.

Đừng quên việc lọc, làm sạch và xác thực thông tin (tương tự như bước 3) để đảm bảo bạn có những ý tưởng chính xác nhất trước khi chuyển sang giai đoạn viết content sau này.

Xem thêm: 4 bước viết content evergreen để lên Top Google

Bước #5: Phân tích Content Gap Analysis để bổ sung thêm các ý tưởng mới cho dàn ý

Mặc dù quá trình lập dàn ý cho nội dung bài viết đã hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng vì một nhược điểm của ChatGPT chính là không nhận biết được các sự kiện sau năm 2021, do đó, bạn vẫn cần đến quy trình phân tích Content Gap Analysis để đảm bảo không bỏ lỡ bất kỳ thông tin nào đã hoặc đang diễn ra trong thời gian gần đây.

Tôi sẽ không nói nhiều về phân tích Content Gap ở đây, vì tôi đã nói về nó rất chi tiết và đầy đủ để ở bài viết “Content Gap Analysis: Hướng dẫn phân tích hoàn chỉnh A-Z“, trong đó có nói về 5 cách tìm khoảng trống nội dung, kèm theo đó là một số video hướng dẫn chi tiết cách thực hiện phân tích khoảng trống nội dung.

Bằng cách áp dụng đầy đủ 5 bước của quá trình lập dàn ý viết content nói trên, bạn đã có cho mình một hệ thống cấu trúc những ý tưởng và chủ đề quan trọng cần được đề cập trong một bài viết trước khi bước sang giai đoạn sáng tạo nội dung hữu ích chất lượng cao cho website.

Bên cạnh việc sử dụng ChatGPT để lâp dàn ý, bạn còn có thể dùng nó để:

  • Tìm ý tưởng để xây dựng nội dung trang web.
  • Viết tiêu đề cho nội dung.
  • Viết meta description (thẻ mô tả) chuẩn SEO.
  • Viết nội dung tóm tắt cho một bài viết.

Ngoài ra, bạn còn có thể yêu cầu ChatGPT lập dàn ý bằng tiếng Việt, nhưng tôi không khuyến khích bạn sử dụng bởi nó khá lởm, cũng như tốc độ tạo văn bản rất chậm.

Những điểm hạn chế cần lưu ý khi sử dụng Chat GPT để lập dàn ý

Như bạn có thể thấy, quá trình viết outline cho nội dung bằng công cụ ChatGPT không hoàn toàn suôn sẻ bởi một số hạn chế sau:

  • AI của ChatGPT không nhận biết được thông tin chính xác.
  • Văn bản tạo ra thường bị trùng lặp nội dung.
  • Cung cấp thông tin không có các nguồn dẫn chứng.
  • Các số liệu trong văn bản hoàn toàn không thể kiểm chứng được (có khả năng được ngụy tạo ngẫu nhiên).
  • Một số văn bản được tạo ra vô nghĩa.
  • Không thể cập nhật các sự kiện mới nhất diễn ra sau năm 2021.
  • Một số thông tin đưa ra tương đối đơn giản nếu không được hỏi chuyên sâu.

Tóm lại về cách lập dàn ý bài viết bằng ChatGPT

Tôi đã hướng dẫn bạn hoàn chỉnh cách sử dụng ChatGPT để tìm ý tưởng mới cho chủ đề và lập dàn ý viết content.

Bên cạnh những ưu điểm mà ChatGPT mang lại, bạn cũng cần phải thận trọng khi sử dụng các văn bản tự động mà chatbot AI này tạo ra, bởi dù sao đây cũng chỉ là sản phẩm đang trong giai đoạn thử nghiệm và phát triển, tức phiên bản chưa hoàn thiện.

Bây giờ nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về ChatGPT hay cách lập dàn ý bằng công cụ này, hãy để lại ý kiến của mình trong phần bình luận dưới đây nhé.

5/5 (1 Review)

Vũ Đăng Chung

Xin chào, tôi là một freelancer chuyên về SEO Marketing. Tôi đã dành 4 năm để làm công việc Digital Marketing và viết Content tại các công ty thuộc nhiều lĩnh vực như làm đẹp & thẩm mỹ, thiết bị công nghiệp, thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến... trước khi chuyển sang làm SEO full-stack từ năm 2016. Cần liên hệ tôi? Vui lòng gửi yêu cầu đến địa chỉ email: chung250190@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *