B2B Content Marketing là gì? Chiến lược tiếp thị nội dung hiệu quả cho doanh nghiệp B2B

Hãy tìm hiểu B2B Content Marketing là gì, tầm quan trọng của nó đối với doanh nghiệp B2B & chiến lược tiếp thị nội dung hiệu quả cho các sản phẩm dịch vụ B2B.

Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bảo hộ bản quyền nội dung trên DMCA (Xem chi tiết tại đây), vui lòng trích dẫn nguồn kèm link bài viết nếu muốn đăng tải lại trên website khác.

B2B Content Marketing là gì?

B2B Content Marketing là một mảng nhỏ của B2B Marketing, bao gồm việc sản xuất và phân phối nội dung hướng đến các doanh nghiệp khác nhằm xây dựng nhận thức về thương hiệu, gia tăng lưu lượng truy cập, khách hàng mục tiêu và doanh số bán hàng cho các công ty hoặc cá nhân kinh doanh lĩnh vực B2B.

Content Marketing giúp những người làm B2B giáo dục khách hàng mục tiêu của mình, từ đó giúp họ tin tưởng và lựa chọn giải pháp của doanh nghiệp khi đến thời điểm đưa ra quyết định mua hàng.

Các hình thức B2B Content Marketing phổ biến nhất gồm có viết blog, sản xuất podcast, Email Marketing và Infographic.

Vì sao Content Marketing quan trọng đối với các doanh nghiệp B2B?

Theo thống kê của Statista, 30% những người hoạt động trong mảng truyền thông tiếp thị đồng ý rằng Content Marketing là hoạt động mang lại tỉ suất sinh lợi (ROI) cao nhất so với bất kỳ hoạt động Digital Marketing nào khác.

\"Biểu

Bên cạnh đó, tài liệu State of Inbound Marketing Trends 2022 của Hubspot cũng khẳng định rằng, Content Marketing là một trong ba chiến lược Marketing tốt nhất cho các thương hiệu B2B.

Trên thực tế, các chuyên gia Marketing đều đồng ý rằng tiếp thị nội dung mang lại nhiều lợi ích nổi bật cho doanh nghiệp B2B, bao gồm:

  • Tăng lưu lượng truy cập cho các kênh truyền thông của doanh nghiệp, như website, fanpage, video channel. Khách hàng không thích xem quảng cáo, nhưng họ thích tìm hiểu các thông tin giúp nâng cao kiến thức và giải quyết được vấn đề của mình. Do đó, khách hàng có xu hướng truy cập nhiều hơn vào các trang chia sẻ thông tin liên quan đến ngành nghề mà họ đang hoạt động.
  • Tăng chỉ số ROI. Khách hàng B2B mua hàng dựa trên mức độ thấu hiểu về giải pháp và uy tín của thương hiệu, và Content Marketing giúp doanh nghiệp B2B giải quyết triệt để những yêu cầu này. Bằng cách giáo dục và cung cấp thông tin hữu ích cho khách hàng B2B, doanh nghiệp có khả năng giữ chân họ tìm hiểu kỹ hơn các giải pháp mà mình đưa ra, đồng thời có cơ sở vững chắc để thuyết phục khách hàng lựa chọn thương hiệu của mình thay vì các đối thủ khác.
  • Xây dựng lòng trung thành cho khách hàng B2B. Khi khách hàng B2B tìm thấy những thông tin phù hợp với nhu cầu của mình, họ có xu hướng đào sâu hơn những nội dung có liên quan. Bằng cách triển khai chiến lược B2B Content Marketing, doanh nghiệp có thể dẫn dắt khách hàng tìm hiểu đầy đủ mọi khía cạnh cho vấn đề của mình, và từng bước tạo dựng niềm tin cho khách hàng vào thương hiệu.
  • Tăng uy tín và độ tin cậy cho thương hiệu B2B. Content Marketing giúp doanh nghiệp B2B truyền thông cho khách hàng về các giải thưởng mà mình đã đạt được, đánh giá của bên thứ ba về chất lượng của sản phẩm dịch vụ, đồng thời giúp thương hiệu doanh nghiệp nằm trên Top Google đối với các chủ đề có liên quan. Chiến lược tiếp thị nội dung càng hiệu quả, độ uy tín và tin cậy của thương hiệu B2B càng cao.

B2B Content Marketing có gì khác so với B2C Content Marketing?

Hai điểm tạo ra sự khác biệt giữa chiến lược B2B Content Marketing và B2C Content Marketing gồm có:

B2B có nhiều nhóm đối tượng ra quyết định hơn B2C

Về cơ bản, quá trình ra quyết định mua hàng B2B chịu sự ảnh hưởng bởi nhiều nhóm đối tượng khác nhau, và đa phần trường hợp, người ra quyết định mua hàng không phải là người trực tiếp sử dụng sản phẩm dịch vụ.

Ví dụ, nhân viên kỹ thuật là người trực tiếp vận hành các loại trang thiết bị trong nhà máy, nhưng tổng giám đốc hoặc giám đốc sản xuất mới là người phê duyệt cho việc mua sắm các loại máy móc này.

Do đó, chiến lược B2B Content Marketing không chỉ nhắm đến đối tượng là nhân viên vận hành, mà nó còn phải có đủ thông tin giúp cho nhân viên vận hành thuyết phục các bên có liên quan khác mua sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp B2B.

Trong khi đó, khách mua hàng B2C thường cũng là người trực tiếp sử dụng.

Động cơ mua hàng của B2B dựa trên giá trị thay vì sự bốc đồng của B2C

Phần lớn trường hợp, khách hàng B2B quyết định mua sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên giá trị mà họ nhận được, cụ thể hơn là cách mà bạn giúp họ giải quyết được vấn đề.

Nói cách khác, bạn cần chứng minh giá trị mà mình đang cung cấp phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của khách hàng thông qua nội dung của mình.

Bạn cũng sẽ phải thể hiện mình là người am hiểu về vấn đề mà khách hàng B2B đang đối mặt, nắm rõ thông tin về sản phẩm mà mình đang bán, và sản phẩm dịch vụ của bạn đã giúp cho các doanh nghiệp khác như thế nào.

Trong khi đó, đối với B2C, động cơ mua hàng của khách hàng thường mang tính chất bốc đồng, bộc phát, ví dụ khi mua các sản phẩm về thời trang, game, thực phẩm, đồ dùng tiện ích trong nhà…

Cách triển khai chiến lược Content Marketing cho B2B theo phương pháp của Ychoc

Chiến lược B2B Content Marketing của bạn có hiệu quả hay không phụ thuộc vào bạn đang bán thứ gì, bán cho ai và mục tiêu bạn đang nhắm đến là gì.

Trên thực tế, cách mà tôi đang áp dụng khi tư vấn và thực hiện các dự án Content Marketing cho các doanh nghiệp B2B tại Việt Nam chính là tập trung xây dựng nội dung liên quan đến các chủ đề đảm bảo tiềm năng về mặt xếp hạng, lưu lượng truy cập và khả năng kinh doanh.

Cụ thể như sau:

#1: Tìm kiếm các chủ đề B2B có liên quan và có tiềm năng lưu lượng truy cập

Khi thực thi chiến lược B2B Content Marketing, nội dung của bạn cần phải được xuất hiện trước mắt của khách hàng B2B mới được xem là đạt hiệu quả, và cách tốt nhất để làm điều này chính là đưa nó lên Top Google.

Để một nội dung của trang web được xếp hạng cao trên Google, bạn có thể lựa chọn quảng cáo hoặc SEO dựa trên những chủ đề mà khách hàng mục tiêu của mình đang tìm kiếm.

Dưới đây là các bước giúp bạn tìm ra những chủ đề này:

  • Truy cập vào bất kỳ công cụ hỗ trợ nghiên cứu từ khóa nào. Bạn có thể tự mình cập nhật đầy đủ danh sách các công cụ phổ biến nhất bằng cách tìm kiếm trên Google với từ khóa \”keyword research tool\”.
  • Nhập một vài chủ đề phổ biến nhất có liên quan đến website hoặc thị trường ngách của bạn. VD, nếu bạn đang bán các loại máy rang cà phê, bạn có thể thử với các cụm từ như \”rang cà phê\”, \”máy rang cafe\” hay \”coffee roaster\”.
  • Lọc và lấy các chủ đề thực sự liên quan đến sản phẩm dịch vụ hoặc thương hiệu của bạn. VD, nếu bạn là đại diện cho một thương hiệu máy rang cà phê X nào đó, bạn sẽ cần phải loại bỏ các chủ đề chứa thương hiệu của đối thủ cạnh tranh.

Lưu ý rằng, bạn không cần phải loại bỏ các chủ đề có lưu lượng tìm kiếm thấp ra khỏi danh sách bởi vì chúng có thể là những chủ đề mang lại khách hàng thực sự cho bạn (do bản chất của B2B có ít lưu lượng tìm kiếm hơn rất nhiều so với B2C).

Thay vào đó, bạn sẽ cần một số các tiêu chí khác để lọc ra những chủ đề mà khách hàng tiềm năng đang tìm kiếm.

#2: Kiểm tra tiềm năng thương mại của chủ đề B2B

Trên lý thuyết, bạn sẽ muốn bao quát tất cả các chủ đề có liên quan đến ngành nghề của mình để đảm bảo \”nhầm còn hơn bỏ sót\”, vì khác với B2C, mỗi khách hàng B2B đều cực kỳ có giá trị đối với doanh nghiệp của bạn.

Tuy nhiên, với hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam, nguồn lực bị giới hạn luôn luôn là điểm yếu không thể khắc phục, do đó, bạn sẽ cần ưu tiên các chủ đề có thể mang lại lượng khách hàng tiềm năng và khách hàng thực sự, ít nhất là trong ngắn hạn.

Chính vì thế, hãy phân loại tiềm năng thương mại của từng chủ đề trong danh sách theo gợi ý trong bảng dưới đây:

Bảng phân chia trọng số theo tiềm năng thương mại của chủ đề
Trọng số Ý nghĩa Ví dụ
3 Sản phẩm dịch vụ mà bạn cung cấp là giải pháp tốt nhất cho vấn đề của khách hàng. \”Máy rang cà phê 5kg\”, vì nó đề cập chính xác loại máy rang cà phê mà bạn đang bán.
2 Sản phẩm dịch vụ mà bạn cung cấp có thể giúp giải quyết một phần, nhưng không hẳn sẽ xử lý triệt để vấn đề của khách hàng. \”Cách rang cà phê\”, vì một số phương pháp rang cà phê không áp dụng được cho sản phẩm của bạn.
1 Sản phẩm dịch vụ mà bạn cung cấp có thể chỉ liên quan rất ít. \”Cách pha chế cà phê\”, vì rang cà phê bằng máy chỉ là một trong số rất nhiều phương pháp pha chế cà phê.
0 Chủ đề hoàn toàn không liên quan đến sản phẩm dịch vụ của bạn. \”Cách rang cà phê bằng chảo\”, vì bạn đang bán máy rang cà phê, không phải chảo dùng để rang cà phê.

Bằng cách đánh trọng số cho tất cả các chủ đề mà bạn nhận được ở bước #1, bạn sẽ có được danh sách các chủ đề B2B cần ưu tiên xây dựng nội dung trong ngắn hạn (3 điểm) và trong dài hạn (0 – 1 điểm).

#3: Phân tích khả năng xếp hạng của chủ đề B2B

Một số chủ đề B2B khó được xếp hạng hơn những chủ đề khác, đây là điều hoàn toàn dễ hiểu vì trang kết quả tìm kiếm của Google bị giới hạn số lượng vị trí có thể hiển thị.

Mặc dù điều này không có nghĩa rằng bạn phải tránh hoàn toàn các chủ đề khó được xếp hạng (nhất là các chủ đề có tiềm năng thương mại cao), nhưng bạn sẽ cần tính đến thứ tự ưu tiên các chủ đề nên được xây dựng nội dung trước.

Nói cách khác, một chủ đề có tiềm năng xếp hạng là khi bạn có thể lọt vào Top 3 trang web hàng đầu với các nguồn lực hiện tại của mình.

Để biết về khả năng xếp hạng trong Top 3 Google của mình, bạn hãy xem xét trang kết quả tìm kiếm và đánh giá 3 tiêu chí:

  • Số lượng và chất lượng backlink;
  • Sức mạnh thẩm quyền tổng thể của website;
  • Tính thẩm quyền theo chủ đề của website;
  • Chất lượng nội dung.

Tôi sẽ làm rõ từng tiêu chí ngay sau đây:

Số lượng & chất lượng của backlink

Backlink rất quan trọng đối với xếp hạng website B2B vì đây là một trong những yếu tố xếp hạng hàng đầu của Google.

Nói cách khác, nếu các trang web của đối thủ nhận được nhiều backlink chất lượng, bạn sẽ rất khó để cạnh tranh với chúng.

Để kiểm tra số lượng backlink của một trang web, một trong những cách đơn giản nhất là bạn hãy cài đặt và kích hoạt add-on Ubersuggest miễn phí trên Chrome.

Sau khi được kích hoạt, add-on này sẽ hiển thị một số thông tin về website trong Top 10, bao gồm cả số lượng backlink liên kết đến trang web được xếp hạng như ví dụ trong hình dưới đây.

\"Kiểm

Tuy nhiên, lưu ý rằng cũng như bất kỳ công cụ Backlink Checker nào khác, add-on Ubersuggest chỉ cho bạn biết số lượng backlink liên kết đến trang web và một vài thông số cơ bản về các website đặt backlink, do đó bạn có thể sẽ cần sử dụng đến công cụ Backlink Quality Checker để ước tính chất lượng backlink.

Sức mạnh thẩm quyền tổng thể của website B2B

Sức mạnh thẩm quyền của website, hay còn gọi là Website Authority, là một khái niệm SEO ám chỉ sức mạnh tổng thể của một website, được những người làm SEO sử dụng để ước tính khả năng website đó được xếp hạng cao trên Google hay không.

Hai loại chỉ số Website Authority thường được sử dụng nhiều nhất để đánh giá độ khó xếp hạng của một website B2B trên Google là Domain Authority và Domain Rating.

Để kiểm tra Domain Rating của một website B2B, bạn có thể sử dụng công cụ Backlink Checker của Ahrefs, hoặc sử dụng add-on Ubersuggest mà tôi đã đề cập bên trên để kiểm tra chỉ số Domain Authority như hình dưới đây:

\"Kiểm

Tính thẩm quyền theo chủ đề của website B2B

Tính thẩm quyền theo chủ đề của website, hay còn gọi là Topical Authority, là một khái niệm SEO phản ánh sức mạnh của website đó đối với một chủ đề cụ thể.

Khi giải thích về bản cập nhật Nội dung hữu ích (Helpful Content Update) năm 2022, Google đã hướng dẫn cách xác định website của bạn có đang đi đúng hướng với cách tiếp cận ưu tiên con người hay không bằng cách trả lời một số câu hỏi, trong đó có một câu như sau:

\”Does your site have a primary purpose or focus?\” – Google Helpful Content Update 2022

Nói cách khác, nếu website B2B của bạn có một chủ đề trọng tâm (tức Topical Authority theo chủ đề được đánh giá ở mức cao), bạn sẽ có cơ hội cạnh tranh các vị trí trên Top Google khi xuất bản các bài viết nói về chủ đề đó.

Ví dụ, nếu phần lớn nội dung trên website của bạn nói về chủ đề Digital Marketing cho B2B, như vậy một bài viết mới nói về các chiến lược B2B Digital Marketing sẽ dễ lên Top Google hơn một bài viết nói về chủ đề Trade Marketing.

Hiện nay, chưa có nghiên cứu cụ thể nào giúp xác định Topical Authority theo chủ đề của một website, nhưng bạn có thể sử dụng công thức tính Traffic Share để đánh giá sơ bộ sức mạnh thẩm quyền của website theo chủ đề đó:

Topical Authority = (Lưu lượng truy cập thông qua các từ khóa về một chủ đề) x 100% / (Tổng lưu lượng truy cập của trang web)

Chất lượng nội dung

Nội dung có chất lượng tốt nhất là nội dung cung cấp nhiều giá trị hơn trong thời gian ngắn hơn.

Đối với lĩnh vực B2B, dưới đây là một số câu hỏi bạn cần trả lời để đánh giá chất lượng nội dung của các trang web hàng đầu trên Google:

  • Nó có cung cấp thông tin chính xác và mới nhất không?
  • Liệu nó có được viết bởi một chuyên gia trong ngành, hoặc chứa đựng những nội dung được cung cấp bởi các chuyên gia hay không?
  • Nó có chứa thông tin độc đáo, không thể tìm thấy ở các website khác hay không?
  • Nó có bao quát đầy đủ các khía cạnh khác nhau của chủ đề đó hay không?
  • Nó có cung cấp thông tin chuyên sâu hay không?
  • Nó có cung cấp trải nghiệm thực tế cho người đọc hay không?
  • Nó có được trình bày và định dạng đúng không?

Nếu các trang web hàng đầu còn thiếu sót một vài yếu tố nói trên, bạn sẽ có cơ hội vượt lên trên bằng cách khắc phục những điểm yếu đó của đối thủ.

Sau khi phân tích xong, hãy cho điểm tiềm năng xếp hạng của từng chủ đề theo hướng dẫn trong bảng dưới đây:

Điểm Ý nghĩa
3 Rất dễ lên Top
2 Dễ lên Top
1 Khó lên Top
0 Rất khó lên Top

#4: Lập kế hoạch content B2B & bắt đầu tạo nội dung

Bây giờ, bạn đã có một danh sách các chủ đề B2B đáp ứng được tiềm năng lưu lượng truy cập, tiềm năng thương mại và tiềm năng xếp hạng, đã đến lúc đưa chúng vào kế hoạch content B2B và bắt đầu tạo nội dung cho từng chủ đề.

Một số lưu ý khi tạo nội dung cho các chủ đề B2B như sau:

Phù hợp với mục đích tìm kiếm của khách hàng B2B

Google muốn đem lại kết quả tốt nhất cho người dùng, do đó, nó liên tục xác định lý do vì sao người sử dụng truy vấn tìm kiếm (tức mục đích tìm kiếm của người dùng), và dựa vào đó để xếp hạng các trang web theo thứ tự liên quan nhất.

Nói cách khác, nếu bạn muốn website B2B của mình xếp hạng cao trên Google, nội dung của bạn phải đáp ứng được mục đích tìm kiếm của khách hàng B2B, và bạn có thể xác định được điều này bằng cách phân tích các trang web hàng đầu trên Google Search và trả lời các câu hỏi sau:

  • Loại nội dung phổ biến trong Top 10 là gì? Chúng là bài viết trong blog tin tức, hay trang chi tiết sản phẩm, hay trang chuyên mục sản phẩm, hay là thể loại trang web nào khác?
  • Cách trình bày nội dung trong các trang web này là gì? Chúng là Top list, hay hướng dẫn thực hiện, hay công thức nấu ăn, hay được trình bày dưới dạng nào khác?
  • Khía cạnh nổi bật của nội dung là gì? Những yếu tố nào khiến khách hàng B2B quan tâm đến nội dung mà bạn cung cấp.

Ví dụ, nếu tôi muốn tạo một bài viết cho chủ đề \”cách rang cà phê bằng máy\”, bằng cách trả lời 3 câu hỏi nói trên, tôi sẽ có được thông tin như sau:

  • Loại nội dung: bài đăng trong blog tin tức.
  • Cách trình bày nội dung: hướng dẫn từng bước cách rang cà phê.
  • Khía cạnh nổi bật: Cảm nhận về kết quả của hạt cà phê sau khi rang, như \”hương vị đúng chuẩn\”, \”thơm ngon\”.

Bao quát toàn bộ chủ đề

Kết quả tốt nhất cho một truy vấn tìm kiếm thường là trang web với nội dung bao gồm mọi thứ mà khách hàng B2B muốn tìm kiếm.

Dưới đây là 4 cách bạn có thể sử dụng để tìm kiếm các chủ đề con tiềm năng để đưa vào trong nội dung của mình:

  • Dựa vào các bài viết của đối thủ cạnh tranh hàng đầu. Nhìn vào các tiêu đề phụ của từng bài viết và so sánh chúng với các bài viết khác, nếu bạn phát hiện có sự trùng lặp về nội dung giữa các tiêu đề phụ này thì đó có thể là thông tin quan trọng mà bạn cần đưa vào nội dung của mình.
  • Tìm kiếm các chủ đề phổ biến có liên quan mà các trang web hàng đầu đang được xếp hạng trên Google.
  • Tìm các nội dung trong phần \”Mọi người cũng hỏi\” (People Also Ask) trên Google.
  • Tìm các chủ đề trong phần \”Tìm kiếm liên quan\” ở cuối trang Google Search.

Ví dụ, nếu muốn lên Top với chủ đề \”bơm màng hóa chất\”, một số chủ đề con mà bạn có thể đưa vào bài viết của mình gồm có:

  • Danh sách các mẫu máy bơm màng hóa chất
  • Lợi ích của bơm màng hóa chất
  • Ứng dụng của bơm màng hóa chất
  • … và còn nhiều thông tin quan trọng khác.

Đảm bảo tính độc đáo cho nội dung

Tạo ra những nội dung phù hợp với mục đích tìm kiếm của khách hàng B2B là điều quan trọng, nhưng bạn sẽ không muốn tạo ra nội dung trùng lặp với những gì đã có sẵn, bởi nó không mang lại giá trị bổ sung nào cho khách hàng doanh nghiệp, và có nguy cơ bị Google giảm mức độ ưu tiên khi xế hạng, theo nội dung của bằng sáng chế năm 2020 do Google đăng ký.

Nói cách khác, bạn cần tạo ra thứ gì đó độc đáo cho bài viết của mình, chưa từng được đề cập trong bất kỳ trang web nào khác.

Ví dụ, với chủ đề \”B2B Content Marketing\”, thay vì tạo ra một bài viết hướng dẫn chung chung với các lý thuyết Marketing mà bạn thường thấy, tôi đã bổ sung các ví dụ minh họa thực tế cũng như chi tiết các bước triển khai trong bài viết này, cùng với các công cụ mà bạn có thể sử dụng để nâng cao hiệu quả cho chiến lược tiếp thị nội dung của mình.

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những nội dung nguyên bản cho chủ đề của mình, dưới đây là một vài mẹo hữu ích mà bạn có thể sử dụng:

  • Mô tả lại kinh nghiệm thực tế của cá nhân. Bất kể bạn đã làm thành công hay không thành công, điều này sẽ giúp khách hàng doanh nghiệp có thêm những góc nhìn mới lạ về chủ đề.
  • Phỏng vấn các chuyên gia trong ngành. Hãy tiếp cận và thu thập ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực B2B mà bạn đang hoạt động, hoặc nhờ họ đóng góp ý kiến cho bài viết của bạn.
  • Khảo sát cộng đồng. Các cuộc khảo sát như Brandsvietnam thường thực hiện trên Linkedin cũng là cách để tạo ra những nguồn thông tin hấp dẫn cho chủ đề.
  • Tự nghiên cứu. Hãy tự mình nghiên cứu về chủ đề và đăng tải các kết quả sau nghiên cứu vào bài viết của mình.
  • Tìm kiếm các quan điểm trái chiều. Phân tích các ý kiến trái ngược với những gì mọi người thường tin vào.

#5: Quảng bá nội dung đến khách hàng B2B

Nếu khách hàng doanh nghiệp không tìm thấy bài viết của bạn, tức là chiến lược B2B Content Marketing của bạn gần như bị phá sản.

Thay vào đó, hãy quảng bá nội dung của mình đến càng nhiều khách hàng mục tiêu càng tốt, và dưới đây là một số cách mà bạn có thể sử dụng:

Gửi Newsletter định kỳ hàng tuần

Nếu bạn có sẵn danh sách các khách hàng B2B, đừng ngần ngại gửi bản tin hàng tuần cho họ, vì đó là cách trực tiếp nhất để nội dung của bạn nhanh chóng đến với khách hàng.

Xây dựng thương hiệu cá nhân trên Linkedin

Theo Hubspot, phần lớn các thương hiệu B2B đều có thể sử dụng Linkedin và nhận thấy rằng nó mang lại hiệu quả.

David Fallarme, một chuyên gia tư vấn Marketing trên Linkedin, đã nói rằng:

Hầu hết mọi người bắt đầu sử dụng Linkedin và bị ám ảnh về những gì họ sẽ xuất bản trên nền tảng này. Điều này khiến họ mất hàng giờ, thậm chí là vài ngày, vài tuần để cuối cùng xuất bản ra một cái gì đó. Sau đó, vì hầu như không nhận được bất kỳ tương tác nào cho bài viết của mình nên họ ngừng xuất bản nội dung trên Linkedin.

Theo chuyên gia này, để bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân trên Linkedin từ con số không, bạn cần tương tác với những nội dung khác trước khi thu hút được tương tác cho nội dung của mình.

Nói cách khác, bạn cần bắt đầu tìm và thêm những người có liên quan đến bạn hoặc đối tượng mục tiêu của bạn, đồng thời cũng đăng ký theo dõi một vài người có ảnh hưởng trong thị trường ngách của mình, sau đó sử dụng chức năng \”People also viewed\” để xem danh sách những người khác mà Linkedin đề xuất.

Đây thường là những người đăng bài thường xuyên, điều đó có nghĩa là bạn sẽ tiếp xúc với nhiều nội dung trong thị trường ngách của mình.

Sau khi theo dõi khoảng 10 – 15 Influencer trong ngành, bạn nên xây dựng thói quen viết trên LinkedIn của mình bằng cách nhận xét về các bài đăng của họ bất cứ khi nào đăng nhập, vì nó mang lại một số lợi ích cho bạn như sau:

  • Đầu tiên, nó rèn luyện bộ não của bạn rằng việc đăng bài trên LinkedIn không có gì đáng sợ.
  • Thứ hai, mỗi nhận xét bạn để lại hôm nay sẽ cung cấp những ý tưởng mới cho nội dung của riêng bạn trong tương lai.
  • Thứ ba, khi bạn để lại những nhận xét chu đáo cũng như trả lời nhận xét của những người khác, những người đang theo dõi người đó sẽ truy cập hồ sơ của bạn và gửi/chấp nhận các yêu cầu kết nối của bạn.

Nói chung, tất cả những điều này làm tăng cơ hội khi bạn đăng nội dung nào đó trên LinkedIn, nội dung đó sẽ hướng đến đối tượng mục tiêu của bạn, chứ không giống như kiểu bạn đang độc thoại nội tâm.

Tái xuất bản nội dung thành nhiều định dạng khác nhau

Một nội dung được xuất bản dưới nhiều định dạng khác nhau sẽ giúp bạn tăng cơ hội tiếp cận thêm nhiều khách hàng B2B mới.

Ví dụ, bạn vừa đăng tải một video về cách sửa lỗi máy bơm màng khí nén trên Youtube, hãy biến nội dung trong video thành một bài viết trong blog tin tức để tiếp cận thêm các khách hàng doanh nghiệp đang tìm kiếm nội dung trên Google.

Tạo ra các nội dung có thể được chia sẻ

Backlink rất quan trọng đối với việc xây dựng uy tín cho thương hiệu B2B cũng như khả năng xếp hạng cao trên Google Search, nhưng việc kiếm được các backlink chất lượng cao không hề dễ dàng, đặc biệt là khi bạn là một thương hiệu mới hoặc không nổi tiếng.

Điều tệ nhất bạn có thể làm lúc này chính là mua backlink hoặc trao đổi liên kết với website khác, nhưng các hành vi này bị cấm theo chính sách của Google.

Vậy làm thế nào để kiếm được các backlink chất lượng?

Trong lĩnh vực B2B Content Marketing, bạn sẽ cần đến các mồi nhử liên kết (link bait).

Link bait, còn gọi là mồi liên kết, là những nội dung được tạo ra nhằm thu hút các cá nhân khác liên kết hoặc chia sẻ lại nội dung đó trên nhưng nền tảng khác.

Ví dụ, bài viết về báo cáo Digital Việt Nam năm 2023 của tôi là một dạng link bait, nó giúp tôi nhận được các liên kết từ các website khá uy tín như Haravan hay Cổng thông tin tư vấn doanh nghiệp của tỉnh Trà Vinh.

Sau đó, bằng cách thêm các liên kết nội bộ vào trong bài viết link bait, tôi sẽ tăng cơ hội được xếp hạng cao cho các bài viết mục tiêu của mình.

Chạy quảng cáo

Nếu chiến lược B2B Digital Marketing của bạn được phê duyệt một khoản ngân sách quảng cáo dư dả một chút, hãy sử dụng chúng để quảng bá cho các nội dung của mình.

Các nền tảng quảng cáo hiệu quả cho lĩnh vực B2B tại Việt Nam gồm có Google Ads (bao gồm cả Google Search, Youtube, Gmail), Facebook Ads và Linkedin Ads.

Đương nhiên, nếu chi phí quảng cáo trên các nền tảng lớn quá đắt đỏ, bạn nên cân nhắc đổi sang các mạng quảng cáo nhỏ hơn hoặc các hình thức quảng cáo khác để tiết kiệm chi phí.

Case study thành công với chiến lược B2B Content Marketing tại Việt Nam

Có rất nhiều nền tảng B2B thành công với chiến lược B2B Content Marketing, và Haravan là một trong những nền tảng đó.

Giới thiệu chung

Haravan là nền tảng dịch vụ bán hàng trực tuyến cho các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh trên Internet.

\"Trang

Một vài chỉ số chính

Dưới đây là số liệu thống kê về website Haravan mới nhất năm 2023, theo báo cáo của công cụ Ubersuggest:

  • Domain Authority: 40
  • Số lượng tên miền giới thiệu: 9537
  • Ước tính lưu lượng truy cập tự nhiên trung bình hàng tháng: Hơn 159 ngàn
  • Số lượng từ khóa được Google xếp hạng: 15430

Chiến lược Content Marketing cho B2B của nó tốt ở điểm nào?

Xét về hoạt động B2B Content Marketing, Haravan được xem là một trong những ví dụ tốt nhất về sự thành công với đa dạng các loại hình tiếp thị nội dung như blog kiến thức, khóa học miễn phí, hướng dẫn miễn phí, hội thảo miễn phí, tài liệu ebook miễn phí…

Tuy nhiên, tôi muốn đi sâu hơn vào một khía cạnh mà Haravan đang làm rất hiệu quả, chính là blog chia sẻ kiến thức tại Học viện Haravan.

Các bài viết trong blog chia sẻ kiến thức của học viện Haravan có hai đặc điểm chung như sau:

  • Thứ nhất, nó tập trung vào các kiến thức kinh doanh online dành cho những người mới bắt đầu. Chẳng hạn, bất kỳ ai khi bắt đầu bán hàng trực tuyến đều cần phải tìm hiểu về cách chạy quảng cáo Google hiệu quả, và Haravan có một bài viết hướng dẫn cơ bản cho người mới, từ bước tạo tài khoản đến cách tối ưu chiến dịch quảng cáo.
  • Thứ hai, các chủ đề có khối lượng tìm kiếm rất nhiều trên Google. VD, truy vấn \”chạy quảng cáo Google\” nhận được hơn 18 ngàn lượt tìm kiếm trung bình hàng tháng tại Việt Nam. Điều này giúp cho bài viết của Haravan nhận được hơn 11 ngàn lượt truy cập từ Google.

Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trang web Học viện Haravan thu hút được hơn 94 ngàn lượt truy cập trung bình hàng tháng, chiếm hơn 59% tổng lưu lượng truy cập vào website.

\"Thống

Làm thế nào để đạt được thành công tương tự như Haravan?

Blog là một trong những hình thức Content Marketing phổ biến nhất, do đó, chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua phương pháp tiếp thị nội dung này nếu đang kinh doanh trong lĩnh vực B2B.

Tuy nhiên, đừng nên tạo nội dung cho mọi chủ đề, mà hãy tập trung vào những thứ mà khách hàng B2B tiềm năng của bạn đang tìm kiếm.

Ví dụ, bạn có một trang web thiết kế nội thất và những chủ đề khách hàng có thể quan tâm là \”thiết kế nội thất phòng khách\”, \”thiết kế nội thất phòng ngủ\” và \”thiết kế phòng bếp\”.

Các bước bạn cần làm như sau:

  • Bước #1: Truy cập vào một công cụ nghiên cứu từ khóa như Ahrefs, Ubersuggest hoặc SEMRush, sau đó nhập một hoặc một vài từ khóa phổ biến nhất trong ngành để tìm kiếm các chủ đề có liên quan. Ở đây, tôi sẽ chọn từ \”thiết kế\” làm từ khóa hạt giống của mình, và nhập nó vào công cụ Ubersuggest.
\"Nhập
  • Bước #2: Chuyển sang tab Related, sau đó trong phần Keyword Filters, tôi sẽ chọn các chủ đề có chứa cụm từ mục tiêu, chẳng hạn như thêm từ khóa \”ngủ\” vào mục Include Keywords, sau đó nhấn nút Apply. Như vậy, tôi sẽ nhận được các kết quả liên quan đến thiết kế nội thất cho phòng ngủ (khoảng 233 kết quả).
\"Lọc
  • Bước #3: Xuất danh sách các từ khóa này thành file CSV, sau đó tiếp tục thay bằng chủ đề khác vào phần Include Keywords, chẳng hạn như \”khách\”, đồng thời đưa từ khóa \”ngủ\” vào phần Exclude Keywords để loại trừ khả năng bị trùng lặp từ khóa.
\"Tìm
  • Bước 4: Lặp lại bước 2 và bước 3 đến khi tìm hiểu xong mọi chủ đề có liên quan đến sản phẩm dịch vụ B2B mà bạn đang kinh doanh.
  • Bước 5: Đánh trọng số cho từng chủ đề theo tiềm năng thương mại của chúng.
  • Bước 6: Kiểm tra tiềm năng xếp hạng của từng chủ đề dựa trên việc phân tích các đối thủ hàng đầu, bao gồm: backlink (cả số lượng và chất lượng), sức mạnh thẩm quyền tổng thể, topical authority, khả năng đáp ứng mục đích tìm kiếm và chất lượng nội dung. Dựa vào đó, tiến hành thêm điểm tiềm năng xếp hạng cho từng chủ đề.
  • Bước 7: Bắt đầu lập kế hoạch viết content B2B, triển khai và quảng bá nội dung đến khách hàng doanh nghiệp mục tiêu.

Tóm lại về chiến lược B2B Content Marketing cho doanh nghiệp

Như vậy, bạn đã tìm hiểu đầy đủ về chiến lược Content Marketing cho B2B, từ khái niệm B2B Content Marketing là gì đến quy trình triển khai cho doanh nghiệp nhằm mục tiêu xây dựng thương hiệu và gia tăng doanh số bán hàng.

Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về chủ đề này, hãy dành chút thời gian để xem qua một số câu hỏi thường gặp dưới đây hoặc để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.

Một số câu hỏi thường gặp

B2B Content Marketing nghĩa là gì?

B2B Content Marketing là một chiến lược trong Digital Marketing bao gồm việc sáng tạo, chia sẻ và quảng bá những nội dung được thiết kế riêng dành cho nhóm đối tượng là khách hàng doanh nghiệp, với mục tiêu chính là xây dựng nhận thức về thương hiệu và tìm kiếm những khách hàng mới.

Ví dụ về B2B Content Marketing

Shopify là một nền tảng thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến, và công ty phát triển đa dạng các hình thức tiếp thị nội dung để tiếp cận những nhà bán hàng trên thị trường như: blog, podcast, khóa học miễn phí, hướng dẫn miễn phí…

Nội dung số cho B2B là gì?

Nội dung số cho B2B (tiếng Anh gọi là B2B Digital Content) là những nội dung được tạo ra trên nền tảng kỹ thuật số với mục đích cung cấp thông tin cho đối tượng là khách hàng doanh nghiệp.

Các loại nội dung số phổ biến cho B2B gồm có: website bán hàng B2B, video hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm dịch vụ B2B, podcast phỏng vấn các chuyên gia trong ngành, các infographic tổng hợp thông tin trong ngành, các tài liệu ebook về sản phẩm dịch vụ, các báo cáo chuyên ngành…

Những nền tảng tốt nhất cho chiến lược B2B Content Marketing của doanh nghiệp

Dưới đây là một số nền tảng phù hợp nhất cho các doanh nghiệp tại Việt Nam muốn triển khai chiến lược B2B Content Marketing:

  • Linkedin: Mạng xã hội dành cho những doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu và tìm kiếm đối tác tiềm năng.
  • Youtube: Nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới, nơi phần đông nhân sự từ các doanh nghiệp truy cập để tìm kiếm các hướng dẫn sử dụng và giải pháp khắc phục sự cố cho các sản phẩm, dịch vụ mà họ đang sử dụng.
  • Website doanh nghiệp: Nơi khách hàng B2B tìm thấy các thông tin chính thức từ nhà bán hàng hoặc NSX.
  • Facebook: Việc xây dựng và quảng bá các nội dung B2B trên Facebook mang lại cơ hội tiếp cận với nhóm đối tượng khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam đang sở hữu fanpage tương tác với khách hàng trên nền tảng này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *