Kích thước & độ phân giải ảnh chuẩn nhất cho website & in ấn

Tiêu chuẩn kích thước & độ phân giải ảnh tối ưu nhất là gì? Dưới đây là cách tối ưu kích thước & độ phân giải ảnh để in ấn tài liệu, thiết kế website và truyền thông mạng xã hội.

Kích thước ảnh là gì?

Kích thước ảnh (tiếng Anh gọi là photo dimensions, picture dimensions hoặc image dimensions) ám chỉ chiều dài và chiều rộng của một bức ảnh.

Đơn vị đo kích thước ảnh thường được sử dụng là pixel (đơn vị đo nhỏ nhất cấu tạo nên một bức ảnh kỹ thuật số), inch, milimet và centimet.

Ví dụ, khi tôi nói một bức ảnh có kích thước 800×600, tôi đang ám chỉ bức ảnh đó có chiều dài là 600 pixel, còn chiều rộng là 600 pixel; một tấm poster có kích thước in ấn 1.200×600 mm nghĩa là kích thước thật sự của tấm poster đó là dài 1.2 mét, và rộng 0.6 mét.

\"Ví

Như vậy, thông số kích thước ảnh càng lớn, bức ảnh đó sẽ càng to, và ngược lại.

Rất dễ hiểu đúng không?

Bây giờ, khi đề cập đến kích thước ảnh, tôi chắc chắn bạn cũng đã nghe qua cụm từ \”độ phân giải ảnh\”, vậy kích thước ảnh và độ phân giải ảnh có gì khác nhau?

Dưới đây, tôi sẽ giải thích thế nào là độ phân giải của một hình ảnh.

Độ phân giải ảnh là gì?

Theo tài liệu tại Thư viện Đại học Michigan, độ phân giải ảnh (tiếng Anh gọi là image resolution) ám chỉ số lượng điểm ảnh (pixel) trên mỗi inch của một hình ảnh, thường được gọi là PPI (viết tắt của Pixels Per Inch).

Nói cách khác, một bức ảnh có ppi càng cao nghĩa là càng có nhiều điểm ảnh trên bức ảnh đó hơn, nhờ vậy mang lại những hình ảnh chất lượng cao, sắc nét, thậm chí có thể nhìn rõ ràng đến từng chi tiết nhỏ nếu được phóng to đến một kích thước phù hợp.

Ngược lại, những bức ảnh có độ phân giải thấp (tức PPI thấp) sẽ có số điểm ảnh trên mỗi pixel thấp (thường thấy ở các bức ảnh bị phóng to), dẫn đến việc hình bị vỡ, nhòe, đôi khi làm lộ rõ các ô vuông pixel trên bức ảnh đó, giống như hình về trái thanh long ở dưới đây.

\"Hình

Nói chung, khi bạn thay đổi độ phân giải của một bức ảnh, nó cho biết bạn đang làm gia tăng hoặc giảm bớt các chi tiết bên trong bức hình đó.

Chẳng hạn, các bức hình có độ phân giải 600 ppi nghĩa là trong 1 inch có đến 600 điểm ảnh, và các tấm hình có mật độ điểm ảnh là 72 ppi nghĩa là nó chỉ có 72 điểm ảnh trong mỗi phần của bức hình đó.

Chính vì vậy, rất dễ để bạn hình dung ra các tấm ảnh 600 ppi sẽ có chất lượng sắc nét vượt trội so với các tấm ảnh 72 ppi.

Đó cũng là lý do mà khi chụp ảnh, các thợ ảnh chuyên nghiệp luôn chọn chế độ chụp ảnh có độ phân giải tối đa, vì việc làm giảm số lượng điểm ảnh (tức thu nhỏ hình ảnh) đến mà con người vẫn còn nhìn rõ ràng luôn luôn dễ dàng hơn việc gia tăng số điểm ảnh cho bức hình đó (phóng to hình ảnh).

Mối quan hệ giữa độ phân giải ảnh và kích thước ảnh?

Đến đây, bạn có thể sẽ thắc mắc: Vậy kích thước ảnh và độ phân giải ảnh có mối quan hệ gì với nhau?

Câu trả lời là: Kích thước ảnh và độ phân giải ảnh là hai yếu tố độc lập với nhau, do đó, về bản chất, chúng không có liên quan trực tiếp đến nhau.

Tuy nhiên, cả hai yếu tố này lại có ảnh hưởng quan trọng đối với một yếu tố thứ ba, chính là dung lượng file ảnh, hay còn gọi là kích thước của tập tin chứa hình ảnh (file size).

Nói cho đơn giản, dung lượng file ảnh sẽ càng lớn khi hình ảnh có độ phân giải – hay mật độ điểm ảnh – cao cũng như kích thước ảnh lớn, ngược lại, độ phân giải và kích thước ảnh thấp thì dung lượng file ảnh sẽ càng giảm.

Vì sao cần xác định kích thước và độ phân giải tối ưu cho ảnh?

Việc xác định chính xác kích thước và độ phân giải tối ưu của một bức ảnh sẽ mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích, như:

  • Hiển thị hình ảnh rõ ràng, chi tiết và sắc nét nhất cho người xem.
  • Giảm dung lượng file ảnh, giúp hình ảnh được tải nhanh hơn và ít tốn dung lượng lưu trữ của thiết bị.
  • Tương thích với thiết bị mà người dùng đang sử dụng, giúp cải thiện trải nghiệm của người dùng (UX – User Experience) theo hướng tích cực.
  • Hỗ trợ cải thiện điểm chất lượng của trang web khi tối ưu SEO Onpage.
  • ……

Do đó, hãy đảm bảo việc bạn sử dụng ảnh có kích thước và độ phân giải chuẩn nhất để ảnh được hiển thị tốt nhất cho người xem.

Một trong những mẹo để giúp bạn tìm nhanh các hình ảnh có kích thước và độ phân giải chuẩn chính là căn cứ vào tỉ lệ khung hình.

Tỉ lệ khung hình là gì?

Khái niệm

Nói đơn giản, tỉ lệ khung hình (tiếng Anh gọi là Aspect Ratio) là tỷ lệ giữa chiều rộng và chiều cao của một hình ảnh, nhờ đó, bạn sẽ hình dung ra một bức ảnh sẽ có hình dạng tổng thể như thế nào.

Ví dụ, nếu tỉ lệ khung hình là 1:1, như vậy bức ảnh đó sẽ có dạng hình vuông vì chiều rộng bằng với chiều cao, chẳng hạn như các hình ảnh có kích thước 600 x 600 pixel hoặc 1.2 x 1.2 mét là ví dụ minh họa cho một bức ảnh có tỉ lệ aspect ratio 1:1.

Một số tỉ lệ khung hình phổ biến nhất hiện nay

  • Tỷ lệ 1:1. Đây là tỷ lệ khung hình chuẩn thường được sử dụng cho những hình ảnh làm hồ sơ trên các mạng xã hội hoặc hình sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.
  • Tỷ lệ 3: 2. Tỷ lệ này thường được sử dụng trên nhiều phim và nhiếp ảnh kỹ thuật số. Đây là tỷ lệ khung hình của phim 35 mm gốc, đó là lý do tại sao nó được sử dụng rất phổ biến khi quay phim quảng cáo, phim truyền hình, phim điện ảnh hoặc chụp hình kỹ thuật số.
  • Tỷ lệ 4: 3. Đây là tỷ lệ khung hình mà một số màn hình máy tính, TV và máy ảnh kỹ thuật số sử dụng. Nếu bạn muốn tạo ra những đoạn video hoặc hình ảnh full màn hình, thì tỷ lệ khung hình 4:3 là lựa chọn tối ưu nhất.
  • Tỷ lệ 16: 9. Tỷ lệ này rất phổ biến bởi nó được áp dụng cho hầu hết các loại màn hình máy tính PC, laptop và TV màn ảnh rộng.

Tỷ lệ khung hình được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam

Dựa theo thống kê trong vòng 12 tháng gần nhất (tính đến hết tháng 7/2022) của StatCounter về thị phần trung bình của các độ phân giải màn hình tại Việt Nam, tôi đã tổng hợp các tỷ lệ khung hình phổ biến nhất hiện nay và liệt kê trong bảng sau đây:

Top 8 tỷ lệ khung hình phổ biến nhất 2022 tại Việt Nam
STT Tỷ lệ khung hình Thị phần
1 Tỷ lệ 16:9 22.08%
2 Tỷ lệ 8:5 1.32%
3 Tỷ lệ 9:16 15.48%
4 Tỷ lệ 19:39 1.91%
5 Tỷ lệ 9:19 5.09%
6 Tỷ lệ 6:13 14.63%
7 Tỷ lệ 32:71 2.36%
8 Tỷ lệ 9:20 12.83%

Tổng hợp các tiêu chuẩn chung về kích thước & độ phân giải ảnh tối ưu nhất hiện nay

Việc xác định kích thước và độ phân giải tối ưu của một hình ảnh phụ thuộc vào việc hình ảnh đó đang được sử dụng cho mục đích gì.

Nói cách khác, một bức ảnh dùng để in ấn làm tài liệu Marketing trực tiếp (VD: poster, backdrop, standee…) nên sử dụng độ phân giải ở mức cao để tránh bị nhòe khi chuyển từ dạng kỹ thuật số sang giấy in.

Trong khi đó, nếu ảnh được dùng cho mục đích hiển thị trên website hoặc trên các thiết bị nghe nhìn (VD: điện thoại di động, máy tính bảng, máy chiếu văn phòng), thì việc sử dụng các hình ảnh có độ phân giải thấp vẫn mang lại các hiệu quả cao nhất.

Dưới đây là các bảng hướng dẫn chung về tiêu chuẩn tối ưu nhất của kích thước và độ phân giải ảnh tùy theo mục đích sử dụng.

Đối với hình ảnh dùng để trình chiếu trên lớp học

Độ phân giải ảnh chuẩn nhất cho mục đích trình chiếu ở lớp học
Kích thước ảnh tối ưu Tối đa 1024×768 pixel
Độ phân giải ảnh tối ưu 102 dpi
Định dạng ảnh tốt nhất JPEG
Dung lượng file ảnh quy đổi Từ 300 – 600 kb

Đối với hình ảnh trên website

Độ phân giải ảnh chuẩn nhất cho website
Kích thước ảnh tối ưu Bề ngang tối đa 600 pixel đối với các ảnh lớn, hoặc tối đa 200 pixel đối với ảnh nhỏ (thumbnail)
Độ phân giải ảnh tối ưu 72 dpi
Định dạng ảnh tốt nhất JPEG
Dung lượng file ảnh quy đổi Từ 20 – 200 kb

Đối với ảnh dùng để in màu trên sách báo, ấn phẩm nghệ thuật

Độ phân giải ảnh chuẩn nhất cho mục đích trình chiếu ở lớp học
Kích thước ảnh tối ưu Không cố định, tùy thuộc vào mục đích sử dụng, VD: standee kích thước 0.6 x 1.2 mét.
Độ phân giải ảnh tối ưu 300 dpi
Định dạng ảnh tốt nhất EPS hoặc TIFF
Dung lượng file ảnh quy đổi Từ 6 – 10 Mb

Đối với ảnh dùng cho máy in laser thông thường

Độ phân giải ảnh chuẩn nhất cho mục đích trình chiếu ở lớp học
Kích thước ảnh tối ưu Không cố định, tùy thuộc vào mục đích sử dụng, VD: standee kích thước 0.6 x 1.2 mét.
Độ phân giải ảnh tối ưu 200 dpi
Định dạng ảnh tốt nhất EPS hoặc TIFF
Dung lượng file ảnh quy đổi Từ 2 – 3 Mb

Các bảng hướng dẫn trên đây mang tính chất tham khảo chung chung, song trong những trường hợp cụ thể, bạn sẽ cần đến các hướng dẫn chi tiết hơn để dễ dàng thiết lập thông số tối ưu cho một file ảnh.

Do đó, dưới đây tôi sẽ liệt kê một số tiêu chuẩn về kích thước và định dạng ảnh tối ưu trong một vài trường hợp phổ biến nhất.

Độ phân giải & kích thước ảnh chuẩn nhất cho máy ảnh kỹ thuật số

Các máy ảnh kỹ thuật số thường có nhiều mức thiết lập sẵn cho độ phân giải và kích thước ảnh, đồng thời các thiết lập này cũng khác nhau tùy theo loại máy ảnh đó là gì.

Dưới đây là một số mức thiết lập tiêu chuẩn khi chụp ảnh bằng máy ảnh kỹ thuật số:

Kích thước ảnh của một số hình ảnh được thiết lập sẵn trên máy ảnh kỹ thuật số
Loại thiết lập Kích thước ảnh Kích thước ảnh tối đa ở độ phân giải 300 dpi
Ảnh 4 megapixels 2272 x 1704 px 7.5 x 5.7 inch
Ảnh 3 megapixels 2048 x 1536 px 6.8 x 5 inch
Ảnh 2 megapixels 1600 x 1200 px 5.3 x 4 inch
Ảnh 1 megapixels 1024 x 768 px 3.5 x 2.5 inch

Một điều tôi khuyến khích bạn nên làm, đó là hãy sử dụng mức thiết lập cao nhất có thể để chụp ảnh, sau đó, bạn có thể sử dụng một số công cụ & phần mềm chỉnh sửa ảnh như Photoshop để thu nhỏ hình nhằm tạo ra những bức ảnh chất lượng nhất.

Tiêu chuẩn tối ưu nhất cho độ phân giải & kích thước hình ảnh khi trình chiếu trong lớp học

Khi nói về việc trình chiếu hình ảnh trong lớp học, tốt nhất bạn chỉ cần đề cập đến kích thước dài rộng (theo đơn vị pixel) của bức ảnh, và yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến kích thước ảnh trình chiếu chính là loại máy chiếu được sử dụng.

Lý do là vì mặc dù màn hình chiếu của bạn có thể được hiển thị ở mức 1800 x 1440 pixel, nhưng trên thực tế bạn sẽ không thể chiếu được hình ảnh ở mức kích thước như vậy.

Ví dụ, máy chiếu Hitachi CP-X430W có thể cho phép bạn trình chiếu ảnh ở mức tối đa là 1024 x 768 pixel, mức kích thước ảnh được xem là khá chuẩn đối với các dòng máy chiếu kỹ thuật số cao cấp ngày nay.

\"Máy

Như vậy, bất kỳ hình ảnh nào có kích thước lớn hơn 1024 x 768 pixel được bạn sử dụng cũng sẽ bị máy chiếu \”bóp\” lại.

Nói cách khác, bạn không cần thiết phải chuẩn bị những bức ảnh có bề ngang lớn hơn 1024 pixel nếu chỉ trình chiếu thông thường, trừ khi bạn có ý định phóng to các chi tiết của bức ảnh trong khi đang trình chiếu.

Trong trường hợp bạn sử dụng Powerpoint để thuyết trình, một điều bạn cần lưu ý chính là các hình ảnh có bề ngang rộng khoảng 1000 pixel nhìn khá nhỏ (hoặc không lớn như kỳ vọng) khi đưa vào file ppt hoặc pptx.

Lý do là vì phần mềm Powerpoint hiển thị hình ảnh theo kích thước của tài liệu (Document size) chứ không sử dụng đơn vị pixel.

Hãy tưởng tượng, một slide Powerpoint có kích thước 10 x 7.5 inch, như vậy một file hình ảnh có chiều ngang 10 inch và chiều cao 7.5 inch với độ phân giải 50 ppi sẽ vừa đủ để hiển thị trên màn hình Powerpoint của bạn, nhưng máy chiếu sẽ \”bóp\” nó lại thành kích thước 500 x 375 pixel.

Ngược lại, nếu bạn có một bức ảnh kích thước 4 x 3 inch với độ phân giải 300 ppi, khi đưa vào file Powerpoint chắc chắn nó sẽ có kích thước nhỏ hơn 10 x 7.5 inch, nhưng vì kích thước thực sự của bức ảnh sẽ là 1200 x 900 pixel, do đó bạn có thể thu nhỏ bức ảnh đó sao cho vừa khớp với màn hình máy chiếu mà không làm giảm chất lượng của hình ảnh.

Nói chung, trong quá trình giảng dạy, bạn cần điều chỉnh sao cho kích thước hình ảnh được trình chiếu ra bên ngoài nằm ở mức 1024 x 768 pixel là ổn nhất.

Kích thước và độ phân giải ảnh chuẩn nhất khi thiết kế website

Độ phân giải tiêu chuẩn cho hình ảnh trên website là 72 ppi (còn được goi là độ phân giải màn hình).

Tuy nhiên, với xu hướng thiết kế website responsive ngày nay, một website sẽ được hiển thị tương thích với nhiều loại thiết bị khác nhau.

Thông thường, nội dung chính của trang web sẽ được đặt trong một cột có kích thước khoảng 700 – 800 pixel, do đó, các bức ảnh có kích thước từ 400 – 600 pixel sẽ chiếm một diện tích khá lớn trên màn hình trình chiếu.

Một số bạn có thể mong muốn hình ảnh trên website được hiển thị ở mức to hơn, chẳng hạn như mức 1024 x 768 pixel, nhưng đừng quên rằng có một số người dùng vẫn đang sử dụng các loại thiết bị có kích thước màn hình ở mức 800 x 600 pixel.

Tóm lại, đối với tôi, hình ảnh trên website được xem là tối ưu nhất nếu có kích thước chiều ngang 600 pixel, chiều rộng từ 300 – 600 pixel, với độ phân giải là 72 ppi.

>> Xem thêm: Kích thước website chuẩn nhất

Các định dạng file ảnh chuẩn và phổ biến nhất hiện nay

Ngày nay, có rất nhiều định dạng ảnh khác nhau, nhưng các định dạng ảnh chuẩn và phổ biến nhất vẫn là JPEG, TIFF, EPS và GIF.

Định dạng ảnh JPEG

JPEG (hoặc .jpg) là định dạng ảnh phổ biến nhất vì nó đọc được trên cả các thiết bị PC và Macbook, đồng thời hầu như tất cả các ứng dụng chỉnh sửa ảnh đều có thể đọc và hiển thị loại định dạng ảnh này.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng JPEG là định dạng ảnh đã bị nén lại nhằm mục đích giảm dung lượng file ảnh, do đó, nó đã bị mất đi một số chi tiết ảnh trong quá trình xuất file JPEG.

Nói cách khác, bạn có thể xuất file ảnh JPEG với dung lượng chỉ còn bằng 1/10 so với ảnh gốc của nó.

Nhờ dung lượng rất nhẹ, do đó định dạng ảnh JPEG được xem là định dạng ảnh tốt nhất để sử dụng trên website và các file thuyết trình Powerpoint.

Định dạng ảnh TIFF

TIFF (hoặc .tif) là chuẩn hình ảnh không bị mất dữ liệu (ngược với JPEG), do đó nó thường có dung lượng file cao hơn rất nhiều so với các file ảnh JPEG.

Hầu hết các máy scan sẽ tự động tạo file ảnh có định dạng TIFF, do đó, TIFF là định dạng ảnh tiêu chuẩn dành cho máy scan.

Một điều nữa cần lưu ý là định dạng TIFF trên PC sẽ khác một chút so với trên máy Mac, nhưng phần lớn trường hợp thì cả PC và Mac đều có thể đọc được file .tif được xuất ra bởi hệ thống kia.

Định dạng ảnh EPS

EPS (hay .eps) về cơ bản được xem là định dạng ảnh tiêu chuẩn cho việc in ấn.

Nó cũng là định dạng ảnh không bị mất dữ liệu (mặc dù hơi khác với định dạng TIFF một chút), và cho phép các thiết bị đầu cuối khả năng kiểm soát phần lớn đối với bức ảnh.

Do đó, nếu bạn cần gửi file ảnh tới máy in để chuẩn bị in ấn, thì định dạng ảnh EPS sẽ là lựa chọn tốt nhất dành cho bạn.

Định dạng ảnh GIF

GIF (hay .gif) là định dạng ảnh được sử dụng độc quyền trên website.

Một file ảnh GIF chỉ có thể hiển thị tối đa 256 màu sắc khác nhau, do đó, nó không hiển thị tốt đối với những bức ảnh có quá nhiều màu sắc trên đó.

Bù lại, ảnh GIF hiển thị rất tốt đối với những bức ảnh có vùng màu phẳng, chẳng hạn như logo trên website, đồng thời nó cho phép hiển thị các vùng trong suốt cũng như chứa đa ảnh trong cùng một tập tin, do đó, khi đưa lên website, các file ảnh GIF mang lại hiệu ứng chuyển động.

Nói tóm lại, nếu bạn muốn tạo ảnh động hoặc hoạt ảnh cho website, thì định dạng ảnh GIF là giải pháp tốt nhất cho bạn.

Tiêu chuẩn kích thước hình ảnh trên một số mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam

Tiêu chuẩn kích thước ảnh Facebook

Ảnh chia sẻ Facebook dạng nằm ngang

Kích thước tối ưu nhất cho ảnh chia sẻ Facebook dạng nằm ngang là 1200 x 630 pixel.

Ảnh chia sẻ Facebook dạng nằm dọc

Kích thước chuẩn nhất cho ảnh chia sẻ Facebook dạng nằm dọc là 1080 x 1350 pixel.

Ảnh đại diện cho link chia sẻ trên Facebook

Kích thước hiển thị tốt nhất cho ảnh đại diện trong link chia sẻ trên Facebook là 1200 x 630 pixel.

Tuy nhiên, nếu website của bạn không thể đăng được hình với kích thước chính xác như trên, thì bạn có thể thay thế bằng các hình có chiều rộng từ 600 – 800 pixel, và tuân theo tỉ lệ khung hình là 40:21.

Ví dụ, bạn có thể đăng các ảnh có kích thước 800×420 pixel hoặc 600×315 pixel để đảm bảo hình trong link được hiển thị đầy đủ nhất.

Ảnh Facebook Stories

Kích thước tối ưu nhất là 1080 x 1920 pixel.

Kích thước ảnh đăng Facebook

Facebook khuyến nghị kích thước ảnh được chia sẻ trực tiếp cũng như ảnh đại diện cho một URL là 1200 x 630 pixel, tuy nhiên, trên thực tế, bạn có thể chèn ảnh dưới nhiều tỷ lệ kích thước khác nhau.

Nói chung, hầu hết tất cả các ảnh chia sẻ lên Facebook đều có thể xem một cách bình thường, bất kể là ảnh dọc, ảnh ngang, hay ảnh vuông, miễn sao kích thước chiều rộng của ảnh từ 500 pixel trở lên, Facebook sẽ tự động bóp chiều rộng về kích thước chính xác 500px, đồng thời điều chỉnh chiều cao của ảnh theo tỷ lệ của ảnh gốc.

Đối với các bài đăng Facebook được chèn nhiều ảnh, chúng sẽ được hiển thị dưới dạng carousel (băng chuyền), trong đó mỗi ảnh được cắt thành ảnh vuông theo tỷ lệ 1:1, đồng thời hiển thị với kích thước 300 x 300 pixel.

Tiêu chuẩn kích thước ảnh Instagram

  • Ảnh vuông được chia sẻ có kích thước tối ưu nhất là 1080 x 1080 pixel.
  • Ảnh nằm ngang được chia sẻ có kích thước tối ưu nhất là 1080 x 566 pixel.
  • Ảnh nằm dọc được chia sẻ có kích thước tối ưu nhất là: 1080 x 1350 pixel.
  • Ảnh Instagram Stories: 1080 x 1920 pixel.

Tiêu chuẩn kích thước ảnh Twitter

  • Ảnh đơn nằm ngang: 1200 x 675 pixel.
  • Đa ảnh: 1200 x 675 pixel.
  • Ảnh đại diện cho URL: 800 x 418 pixel.

Tiêu chuẩn kích thước ảnh Pinterest

Hiện nay, bạn có thể chia sẻ ảnh với mọi kích thước lên Pinterest, nhưng kích thước ảnh Pinterest chuẩn nhất được khuyến nghị là 1000 x 1500 pixel.

Tiêu chuẩn kích thước ảnh Linkedin

  • Kích thước tối ưu cho ảnh nằm ngang của trang doanh nghiệp hoặc trang hồ sơ cá nhân trên Linkedin là 1104 x 736 pixel.
  • Đối với ảnh đại diện cho URL được chia sẻ trên Linkedin, kích thước chuẩn được khuyến nghị là 1200 x 628 pixel.

Tóm lại về kích thước & độ phân giải ảnh chuẩn nhất

Một hình ảnh được hiển thị với kích thước và độ phân giải tối ưu nhất sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp của bạn.

Nó giúp khách hàng nhìn rõ được nội dung trong bức ảnh, đồng thời thể hiện được sự chuyên nghiệp, tinh tế và khéo léo của người thiết kế hình ảnh.

Bên cạnh đó, một bức ảnh chuẩn cũng sẽ có dung lượng file tối ưu nhất, giúp gia tăng tốc độ tải trang, cải thiện xếp hạng trang web, giảm lưu lượng lưu trữ trên hosting, và đặc biệt, nó tạo ra trải nghiệm người dùng tích cực nhất.

Bạn nghĩ thế nào về các tiêu chuẩn kích thước và độ phân giải ảnh tối ưu mà tôi đã đề cập đến trong bài viết này?

Đừng ngần ngại chia sẻ suy nghĩ của mình bằng cách bình luận dưới bài viết này nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *