Bạn muốn phân tích đối thủ cạnh tranh? Dưới đây là 7 bước phân tích website của đối thủ cạnh tranh giúp bạn lập kế hoạch Digital Marketing hiệu quả.
Muốn đánh bại đối thủ cạnh tranh, điều quan trọng nhất là bạn phải hiểu rõ các đối thủ của mình đang hoạt động như thế nào, hiệu quả ra sao.
Nhưng làm thế nào để biết chính xác đối thủ của mình đang làm gì?
Trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách theo dõi hoạt động Digital Marketing của đối thủ cạnh tranh thông qua 7 bước phân tích các dữ liệu liên quan đến webiste của họ.
Lưu ý: Bài viết này đã được đăng ký bảo hộ bản quyền nội dung trên DMCA (Link đăng ký: https://www.dmca.com/r/4xk3x6k), vui lòng trích dẫn nguồn kèm link http://ychoc.com/seo-marketing/phan-tich-website-doi-thu-canh-tranh/ nếu muốn đăng tải lại thông tin trên website khác.
#1: Xác định các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực mà bạn đang hoạt động
Xác định đối thủ cạnh tranh trực tiếp luôn luôn là bước đầu tiên trong quá trình phân tích đối thủ cạnh tranh, và công cụ miễn phí tốt nhất giúp bạn xác định những đối thủ này trên Internet chính là Google.
Dựa vào Google, bạn sẽ biết được 3 loại đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình trên Internet, gồm có:
- Đối thủ cạnh tranh hàng đầu tại địa phương.
- Đối thủ cạnh tranh hàng đầu về quảng cáo.
- Đối thủ cạnh tranh hàng đầu về xếp hạng không phải trả tiền.
Hãy cùng đi sâu vào từng loại đối thủ cạnh tranh và những thông tin mà bạn cần quan tâm.
Đối thủ cạnh tranh hàng đầu tại địa phương
Ví dụ, bạn đang cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp tại Nha Trang, hãy truy cập vào Google và tìm kiếm với cụm từ \”vệ sinh công nghiệp Nha Trang\”, bạn sẽ thấy trang kết quả tìm kiếm Google được hiển thị tương tự như sau.
Trong phần bản đồ địa phương (còn gọi là Local Pack), bạn sẽ tìm thấy thông tin của 3 doanh nghiệp hàng đầu được Google khuyến nghị, gồm có:
- Tên doanh nghiệp trên Internet;
- Lĩnh vực hoạt động;
- Đánh giá tổng thể của khách hàng về doanh nghiệp này, và đánh giá nổi bật nhất (nếu có);
- Số hotline, website;
- Thời gian làm việc;
- Vị trí trên bản đồ.
Nếu doanh nghiệp của bạn không nằm trong Top 3 địa điểm hàng đầu trên Google Maps, điều này nghĩa là cả 3 doanh nghiệp được xếp hạng nói trên đều là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của bạn.
Những thông tin nào bạn cần quan tâm?
- Tên của doanh nghiệp: Google cho phép bạn tạo một địa điểm với tên gọi tùy chỉnh sao cho phù hợp nhất với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, các công ty có xu hướng đặt tên địa điểm chứa tên sản phẩm hoặc dịch vụ chủ lực của mình.
- Số lượng review: Nếu địa điểm càng nhận được nhiều đánh giá tích cực từ khách hàng, nó càng có cơ hội lọt vào Top 3 Google Maps.
- Số điểm đánh giá trung bình: Trên thang điểm 5, nếu địa điểm có số điểm càng cao, nó càng dễ lên Top.
Mẹo: Xây dựng chiến lược SEO Local hợp lý và áp dụng các phương pháp hay nhất để tối ưu hóa kết quả tìm kiếm tại địa phương.
Đối thủ cạnh tranh hàng đầu về xếp hạng không phải trả tiền
Về mặt chiến lược Digital Marketing trong dài hạn, các website nằm trong Top 10 kết quả không phải trả tiền đầu tiên trên Google là những đối thủ cạnh tranh chính thức của bạn trên Internet.
Lưu ý rằng, với mỗi chủ đề khác nhau, đối thủ cạnh tranh của bạn cũng sẽ khác nhau, do đó, bạn hãy liệt kê tất cả các sản phẩm và dịch vụ của mình, sau đó thử tìm kiếm chúng trên Google xem có những trang web nào khác được xếp hạng trong Top 10 Google Organic Search.
Ví dụ, nếu bạn đang bán các căn hộ chung cư tại Nha Trang, hãy tìm trên Google với từ khóa \”bán chung cư Nha Trang\”, bạn sẽ tìm ra những website cũng đang cung cấp thông tin bất động sản giống bạn như Batdongsan hay Nhatot.
Mẹo: Nếu có quá nhiều sản phẩm hay dịch vụ khác nhau, bạn nên sử dụng các công cụ hỗ trợ tìm kiếm website có cùng chủ đề như chức năng Similar Websites trên Ubersuggest hay chức năng Organic Competitors trên Ahrefs.
Đối thủ cạnh tranh hàng đầu về quảng cáo
Khu vực phía trên bản đồ địa phương của Google chính là khu vực dành cho quảng cáo Google Ads, và đôi khi, bạn sẽ thấy quảng cáo xuất hiện ở phía dưới danh sách xếp hạng không phải trả tiền.
Quảng cáo Google Ads là một phần không thể thiếu đối với bất kỳ chiến dịch Digital Marketing nào, nhất là khi bạn vừa khởi nghiệp hoặc muốn đạt mục tiêu doanh số trong ngắn hạn.
Do đó, bạn sẽ cần xác định những đối thủ cạnh tranh nào đang chạy quảng cáo trên Google, và mức độ cạnh tranh về mặt quảng cáo cao hay thấp.
Ví dụ, bạn muốn xác định đối thủ cạnh tranh về quảng cáo máy rang cà phê 5kg, hãy tìm trên Google với từ khóa \”máy rang cà phê 5kg\”, bạn sẽ thấy kết quả tương tự như sau:
Nếu nhấp vào quảng cáo, bạn sẽ được đưa đến trang đích (landing page) của quảng cáo, và trong trường hợp này là trang chuyên mục sản phẩm của một website chuyên bán máy rang cà phê.
Vậy đâu là những thông tin mà bạn cần quan tâm khi tìm hiểu đối thủ cạnh tranh về mặt quảng cáo?
3 thông tin bạn cần lưu ý khi phân tích đối thủ cạnh tranh quảng cáo gồm có:
- Từ khóa kích hoạt quảng cáo: Thông thường, chỉ những từ khóa có tính thương mại cao mới được lựa chọn để làm từ khóa quảng cáo, do đó, nếu một từ khóa không hiển thị được quảng cáo trên Google ngay cả khi bạn đã tắt các ứng dụng chặn quảng cáo, nó có thể không phải là từ khóa mà bạn nên quảng cáo.
- Nội dung trên mẫu quảng cáo: Tiêu đề và mô tả của quảng cáo cần có sự liên quan chặt chẽ đến từ khóa kích hoạt quảng cáo, do đó, nếu bạn thấy rằng một quảng cáo của đối thủ kích hoạt từ khóa nhưng nội dung mẫu quảng cáo chưa được tối ưu, bạn sẽ có khả năng tiết kiệm được rất nhiều chi phí quảng cáo.
- Nội dung trên trang đích của quảng cáo: Nội dung trên trang đích cần được tối ưu dành riêng cho quảng cáo, và phải có liên quan chặt chẽ đến từ khóa kích hoạt quảng cáo lẫn nội dung của mẫu quảng cáo.
Lưu ý rằng, Google Keyword Planner và các công cụ nghiên cứu từ khóa hàng đầu như Ahrefs, SEMRush hay Ubersuggest đều có chức năng thống kê dữ liệu liên quan đến từ khóa quảng cáo, bạn có thể sử dụng chúng để tìm hiểu một số thông tin chuyên sâu hơn như mức độ cạnh tranh về quảng cáo, giá thầu quảng cáo hay số lần tìm kiếm trung bình hàng tháng.
Ngoài ra, bạn có thể phân tích tổng thể chiến lược quảng cáo của một đối thủ cạnh tranh bằng cách sử dụng chức năng theo dõi Paid Search trên Ahrefs mà tôi sẽ giới thiệu trong phần #5 của bài viết này.
#2: Phân tích chiến lược Marketing tổng thể cho website của đối thủ cạnh tranh
Khi đã xác định được các đối thủ cạnh tranh chính, giờ là lúc phân tích các hoạt động Digital Marketing tổng thể để đánh giá điều gì tạo nên sức mạnh cho trang web của họ.
Chẳng hạn, trong ví dụ dưới đây, tôi đã sử dụng công cụ Ubersuggest để tìm kiếm đối thủ cạnh tranh cho website của mình và thấy rằng Lptech.asia là đối thủ cạnh tranh lớn nhất, mặc dù lưu lượng truy cập của đối thủ này đã bị suy giảm khá nhiều kể từ tháng 4/2022.
Kéo xuống dưới 1 chút, bạn sẽ thấy một số thống kê so sánh giữa web4s và website mục tiêu, bao gồm:
- Từ khóa chung (Common Keywords): bao gồm những từ khóa mà cả hai website đã được xếp hạng trong Top 100 của Google.
- Từ khóa còn thiếu (Keyword Gap): bao gồm những từ khóa mà website đối thủ đã được xếp hạng, nhưng website mục tiêu thì chưa.
- Lưu lượng dự kiến (Estimated Traffic): tức ước tính số lượng truy cập trung bình hàng tháng vào website của đối thủ.
- Liên kết ngược (Backlinks): tức tổng số backlink mà website đó đang có.
Không dừng lại ở đó, nếu phân tích sâu hơn, tôi còn biết được rất nhiều thông tin khác về đối thủ web4s như:
- Các trang thu hút được nhiều lưu lượng truy cập nhất.
- Các trang nhận được nhiều backlink nhất.
- Các trang được chia sẻ nhiều nhất trên MXH Facebook, Pinterest, Reddit.
- Các từ khóa mang lại nhiều lượt truy cập nhất.
- Các doamin mang lại những backlink chất lượng nhất.
Bây giờ, đã đến lúc đào sâu hơn vào các dữ liệu mà bạn vừa thu thập được về đối thủ cạnh tranh, bắt đầu từ việc phân tích các từ khóa mà đối thủ đã được xếp hạng.
#3: Phân tích danh sách từ khóa được xếp hạng của website đối thủ cạnh tranh
Bằng cách sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa, bạn có thể theo dõi các từ khóa không phải trả tiền của bất kỳ website nào.
Ở đây, tôi sẽ tiếp tục sử dụng Ubersuggest cho việc phân tích danh sách từ khóa của web4s thông qua chức năng Keywords by Traffic, từ đó, tìm hiểu những từ khóa nào đang hoạt động hiệu quả nhất.
Khi nhìn vào báo cáo này, tôi sẽ tập trung vào nội dung của ba cột sau:
- Cột KEYWORDS: Liệt kê các từ khóa mà website đối thủ đã được xếp hạng.
- Cột SEO DIFFICULTY: Phản ánh độ khó SEO của từ khóa. Tôi sẽ biết được liệu mình cần đầu tư nhiều hay ít công sức để vượt qua đối thủ.
- Cột EST. VISITS: Những từ khóa này mang lại bao nhiêu lưu lượng truy cập cho website của đối thủ cạnh tranh.
Nói chung, các từ khóa tôi lựa chọn sẽ theo tiêu chí:
- Phù hợp với sản phẩm, dịch vụ mà tôi đang cung cấp.
- Độ khó SEO ở mức thấp.
- Lưu lượng truy cập ở mức cao.
Không dễ để tìm ra được những từ khóa phù hợp với các yêu cầu này, và bạn sẽ cần kinh nghiệm làm việc trong thị trường cùng với một số các tiêu chí phân loại nhằm sắp xếp mức độ ưu tiên của các từ khóa.
Lưu ý: Kết quả trong báo cáo này chỉ là phỏng đoán của các công cụ, không phải là kết quả thực sự mà website đối thủ đang có được. Bạn không nên lệ thuộc quá nhiều vào các giá trị được liệt kê trong báo cáo.
#4: Phân tích các trang web có hiệu suất cao nhất của đối thủ cạnh tranh
Để tìm ra các chủ đề được nhiều người quan tâm nhất trên website của đối thủ cạnh tranh, chúng ta sẽ cần dùng đến chức năng thống kê các trang web có hiệu suất cao nhất, và chức năng này được gọi là Top Pages by Traffic nếu bạn đang sử dụng Ubersuggest.
Tương tự như bước 3, tôi chỉ cần nhập website của web4s vào khung tìm kiếm và nhận báo cáo về những trang web có lưu lượng truy cập cao nhất như hình dưới đây.
Nếu nhấp vào nút View All bên cạnh số lượng truy cập dự kiến của trang web (ở đây là 614), tôi sẽ nhận được các từ khóa mà trang web của đối thủ đang được xếp hạng, cũng như thứ hạng hiện tại của trang web theo từng từ khóa.
Mẹo: Nếu muốn theo dõi thứ hạng của nhiều từ khóa theo thời gian, bạn có thể sử dụng tính năng Rank Tracking trên Ubersuggest hoặc tính năng Rank Tracker trên Ahrefs.
Bằng cách sử dụng chức năng này, tôi sẽ tìm thấy những từ khóa có cùng chủ đề để phục vụ cho hoạt động viết content sau này.
#5: Phân tích quảng cáo của website đối thủ cạnh tranh
Để phân tích quảng cáo Google Ads của đối thủ cạnh tranh, bạn có thể sử dụng thống kê Paid Search trong chức năng Site Explorer của Ahrefs.
Ví dụ, dưới đây là thống kê Paid Search của website Grammarly.com bằng công cụ Ahrefs:
Bạn có thể thấy số lượng từ khóa mà Grammarly đang chạy quảng cáo là khoảng 7 ngàn từ, và nó mang lại khoảng 799 ngàn lượt truy cập thông qua quảng cáo.
Nếu kéo xuống một chút, bạn sẽ thấy lịch sử quảng cáo trên Google của Grammarly như hình dưới đây:
Rõ ràng, mức độ đầu tư quảng cáo của Grammarly trong giai đoạn đầu Q1/2023 đang ở mức thấp hơn so với cùng kỳ Q1/2022, và rất nhiều quảng cáo đã bị cắt giảm trong giai đoạn từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023.
Bên cạnh đó, nhìn vào biểu đồ, tỉ lệ quảng cáo vào tháng 3/2023 của Grammarly cũng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (ước tính mức chênh lệch khoảng 3 – 3.5 lần).
Nếu bật dữ liệu Organic traffic, bạn sẽ thấy được mối tương quan về lưu lượng truy cập giữa quảng cáo trả phí và kết quả không phải trả tiền như hình dưới đây:
Dựa vào biểu đồ, có thể đánh giá vào những thời điểm lưu lượng truy cập không phải trả tiền bị giảm sút, Grammarly thường đẩy mạnh ngân sách cho quảng cáo để duy trì độ phủ thương hiệu trên thị trường.
Chưa dừng lại ở đó, điểm tốt nhất của công cụ Ahrefs khi phân tích quảng cáo của đối thủ chính là cho phép tìm kiếm những quảng cáo có chứa từ khóa hoặc liên quan đến một chủ đề nào đó.
Chẳng hạn, dưới đây là danh sách những quảng cáo có chứa cụm từ \”plagiarism\” của Grammarly.
#6: Phân tích chiến lược PR truyền thông của website đối thủ cạnh tranh
Theo bản quyền sáng chế của Google về Xếp hạng trang dựa trên dữ liệu thực thể, độ nổi tiếng của một thực thể được thể hiện qua số lượng website đề cập đến thực thể đó trên Internet.
Nói cách khác, một thương hiệu càng được đề cập nhiều trên Internet, thương hiệu đó càng nổi tiếng trong góc nhìn của Google, và việc phân tích mức độ nổi tiếng của đối thủ cạnh tranh trên Internet sẽ giúp bạn tìm hiểu chiến lược PR truyền thông tổng thể (bao gồm cả chiến lược xây dựng liên kết) của đối thủ đang hoạt động như thế nào.
Ví dụ, tôi muốn phân tích mức độ nổi tiếng của Bách Hóa Xanh trên Internet, tôi sẽ lên Google và sử dụng 2 truy vấn tìm kiếm có cấu trúc như sau:
\”Bách Hóa Xanh\” -site:bachhoaxanh.com -site:thegioididong.com -site:dienmayxanh.com -site:nhathuocankhang.com
hoặc:
\”Bachhoaxanh\” -site:bachhoaxanh.com -site:thegioididong.com -site:dienmayxanh.com -site:nhathuocankhang.com
Các truy vấn nói trên sẽ giúp tôi tìm tất cả các trang web đề cập đến thương hiệu hoặc website của Bách Hóa Xanh, không bao gồm các trang web cùng thuộc hệ thống công ty.
Chẳng hạn, với truy vấn đầu tiên, tôi sẽ tìm thấy khoảng 1.71 triệu trang web đề cập đến Bách Hóa Xanh như hình dưới đây:
Tôi sẽ lướt qua danh sách những trang web này, tìm kiếm những website có đề cập đến thương hiệu Bách Hóa Xanh nhưng chưa đề cập đến thương hiệu của mình, từ đó có phương án liên hệ truyền thông trên các kênh đó.
Bằng cách này, tôi có thể đạt hiệu ứng truyền thông tương tự như những gì mà website của Bách Hóa Xanh đang nhận được từ chiến dịch PR trực tuyến của họ.
#7: Phân tích chiến thuật xây dựng backlink của website đối thủ cạnh tranh
Khi website của đối thủ cạnh tranh có chỉ số Domain Rating hoặc Domain Authority cao hơn website của bạn, đó có thể là một tín hiệu tốt cho thấy việc phân tích hồ sơ backlink của đối thủ sẽ giúp bạn tìm ra đâu là những backlink chất lượng cao mà bạn cần cố gắng đạt được.
Để bắt đầu phân tích hồ sơ backlink của đối thủ cạnh tranh, hãy sử dụng một công cụ SEO có hỗ trợ chức năng Backlink Checker hoặc Backlink Analytics để tìm ra danh sách tất cả các backlink mà đối thủ đang có.
Ví dụ, thống kê trên công cụ Ubersuggest cho thấy Bachhoaxanh.com đã nhận được tổng cộng hơn 461 ngàn banklink từ 4423 website khác nhau (xem hình dưới đây).
Trong danh sách những website này, tôi thấy rằng Bachhoaxanh.com đang nhận được một số backlink chất lượng cao, chẳng hạn như backlink từ trang Medium.com thông qua một bài viết giới thiệu các dòng sản phẩm tương ớt Chinsu.
Vì Medium là một nền tảng cho phép người dùng tự tạo nội dung, do đó, tôi sẽ tự tạo tài khoản Medium miễn phí và tiến hành đăng tải các bài viết trên nền tảng này để có các backlink tương tự Bachhoaxanh.com.
Mẹo: Trong những ví dụ trên, tôi xem Bachhoaxanh.com là một website của đối thủ cạnh tranh có hiệu suất hàng đầu. Nếu bạn muốn tìm thấy những phân tích chuyên sâu hơn về doanh nghiệp này, hãy xem bài viết của tôi về chiến lược SEO Marketing của Bách Hóa Xanh.
Bên cạnh đó, tôi còn có thể so sánh hồ sơ backlink của nhiều đối thủ cạnh tranh khác nhau, và ưu tiên xây dựng liên kết trên những kênh được nhiều đối thủ cạnh tranh sử dụng.
Tóm lại về phân tích website đối thủ cạnh tranh
Phân tích website đối thủ cạnh tranh cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin quan trọng về chiến lược Content Marketing và PR truyền thông mà đối thủ cạnh tranh đang sử dụng, mà những thông tin này rất khó để bạn có được thông qua những phương pháp nghiên cứu Marketing thông thường.
Lưu ý rằng cách phân tích website của đối thủ được tôi hướng dẫn trong bài viết này không chỉ áp dụng được đối với những doanh nghiệp ở vị thế thách thức thị trường, mà nó còn phù hợp với những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường muốn bảo vệ vị thế của mình khỏi những kẻ theo sau.
Ngoài ra, bên cạnh việc phân tích website của đối thủ cạnh tranh, bạn có thể phân tích các hoạt động truyền thông mạng xã hội mà đối thủ đang thực hiện để tìm hiểu cách mà họ tương tác với khách hàng của mình.
Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về việc phân tích website của đối thủ cạnh tranh, hãy dành chút thời gian để xem qua một số câu hỏi thường gặp dưới đây hoặc để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.
Câu hỏi thường gặp về phân tích website của đối thủ cạnh tranh
Tôi có thể sử dụng Google Analytics để phân tích website của đối thủ cạnh tranh được không?
Không, mặc dù Google Analytics là một trong những công cụ miễn phí tốt nhất giúp bạn phân tích website của mình, nhưng nó không thể giúp bạn phân tích website của đối thủ, vì bạn không thể cài đặt mã theo dõi của Google Analytics lên website của đối thủ cạnh tranh nếu không được sự cho phép của họ.
Tôi có thể kiểm tra lưu lượng truy cập vào website của đối thủ cạnh tranh được không?
Bạn có thể ước tính lưu lượng truy cập vào website của đối thủ cạnh tranh bằng cách sử dụng các công cụ SEO như Ahrefs, SEMRush, Ubersuggest hay SimilarWeb.
Phương pháp ước tính lưu lượng truy cập của các công cụ này dựa vào thứ hạng của website trên Google Search đối với các từ khóa cụ thể, từ đó suy đoán lưu lượng truy cập mà trang web đó có thể nhận được dựa trên lưu lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng của các từ khóa đó.
Lưu ý, số liệu này chỉ mang tính chất tương đối phục vụ cho mục đích so sánh, do đó nó có thể rất khác biệt so với dữ liệu được báo cáo trong thực tế.
Những công cụ nào thường được sử dụng để phân tích website của đối thủ cạnh tranh?
Ahrefs, SEMRush, Ubersuggest, Majestic, SimilarWeb, MOZ… là những công cụ phổ biến nhất thế giới, thường được các chuyên gia về SEO và Digital Marketing sử dụng khi cần phân tích website của đối thủ cạnh tranh.