Nghiên cứu từ khóa trong SEO

Bạn đã tìm hiểu một số kiến thức cơ bản về SEO và cách vận hành của các công cụ tìm kiếm như Google, Bing. Bài viết này sẽ đi sâu hơn vào một trong những khía cạnh quan trọng nhất của SEO, đó là nghiên cứu từ khóa.

Nghiên cứu từ khóa (Keyword Research) trong SEO | Ychoc.com

Trong phần nghiên cứu từ khóa này, chúng ta sẽ tìm hiểu từ khóa là gì, và cách lựa chọn từ khóa bằng cách sử dụng checklist với 5 tiêu chí đơn giản.

Từ khóa trong SEO là gì?

Từ khóa (keyword) là những từ và cụm từ mà mọi người dùng để nhập vào công cụ tìm kiếm để tìm thấy những gì mà họ đang tìm kiếm.

Ví dụ: Nếu bạn đang có nhu cầu tìm kiếm về cách làm bánh mì, bạn có thể tìm kiếm với các cụm từ cụ thể như “cách làm bánh mì mè đen Hàn Quốc bằng nồi chiên không dầu“, hoặc chỉ đơn giản là “cách làm bánh mì“.

Từ khóa cực kỳ quan trọng đối với SEO, vì nó đặt toàn bộ nền móng cho việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Mục tiêu cơ bản của SEO là xếp hạng các trang của bạn cho các từ khóa mà đối tượng mục tiêu hoặc khách hàng của bạn đang tìm kiếm. Nếu bạn không được xếp hạng cho các từ khóa thực sự được tìm kiếm, thì công sức SEO mà bạn đã bỏ ra trở nên vô nghĩa.

Như vậy, nghiên cứu từ khóa là quá trình tìm kiếm các từ khóa mà mọi người đang nhập vào các công cụ tìm kiếm, và chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu về quá trình này trong khóa học nghiên cứu từ khóa cũng như các bài viết về SEO sắp tới.

Dưới đây, bạn sẽ tìm hiểu làm thế nào để bạn có thể thực sự chọn được những từ khóa có giá trị để nhắm mục tiêu SEO.

Các tiêu chí để lựa chọn từ khóa phù hợp nhất?

Để lựa chọn được từ khóa phù hợp nhất cho mục tiêu SEO, Ychoc cung cấp một checklist gồm 5 tiêu chí đơn giản để lọc ra những từ khóa một cách hiệu quả nhất như sau:

#1: Từ khóa có nhu cầu tìm kiếm hay không?

Điều đầu tiên bạn cần kiểm tra đó là liệu từ khóa của bạn có nhu cầu tìm kiếm hay không.

Nhu cầu tìm kiếm thể hiện khối lượng tìm kiếm hàng tháng được thực hiện cho một từ khóa.

Bạn có thể đo lường tiêu chí này với số liệu thường được gọi là khối lượng tìm kiếm (search volume). Để tra cứu khối lượng tìm kiếm cho một từ khóa, bạn có thể sử dụng nhiều công cụ khác nhau như Google Keyword Planner, Keywordtool.io, Ahref hoặc SEMRush.

Ví dụ, từ khóa “đào tạo SEO” có khối lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng khoảng 33.100 tại Việt Nam.

Khối lượng tìm kiếm của từ khóa Đào tạo SEO | Ychoc.com

Tuy nhiên, một phần lớn lưu lượng tìm kiếm có thể không được chuyển đổi thành lưu lượng truy cập vì Google cung cấp sẵn một số tiện ích giúp người dùng dễ dàng xem nội dung trực tiếp trên trang kết quả tìm kiếm, chẳng hạng như chức năng “Đoạn trích nổi bật“.

Đó là lý do vì sao bạn cần xem xét tiêu chí thứ hai, đó là tiềm năng về lưu lượng truy cập của chủ đề.

#2: Từ khóa có tiềm năng lưu lượng truy cập hay không?

Tiềm năng lưu lượng truy cập là tổng lưu lượng truy cập bạn có thể nhận được nếu bạn xếp hạng đầu cho từ khóa nhất định.

Trong một nghiên cứu của Ahref về 3 triệu từ khóa, họ nhận thấy rằng, trung bình, trang xếp hạng cao nhất được xếp hạng cho gần 1.000 từ khóa khác trong top 10. Như vậy, trong khi bạn chỉ đang tối ưu hóa các trang của mình cho một từ khóa chính, các trang đó có thể được xếp hạng với hàng trăm từ khóa khác có liên quan.

Nghiên cứu của Ahrefs cho thấy Top #1 Google được xếp hạng đồng thời cho hơn 1000 từ khóa trong top 10 | Ychoc.com

Do đó, tiềm năng lưu lượng truy cập của một cụm từ khóa thực sự có thể cao hơn lưu lượng tìm kiếm hàng tháng của nó.

Đây chính là lý do vì sao lưu lượng truy cập tiềm năng trở thành một số liệu đáng tin cậy hơn nhiều so với lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng.

Tuy nhiên, chọn từ khóa chỉ dựa trên số liệu không phải là tiêu chí duy nhất, do đó, 2 tiêu chí tiếp theo được đưa ra để giúp bạn lập kế hoạch từ khóa hoàn thiện hơn.

#3: Đánh giá tiềm năng thương mại của từ khóa hoặc chủ đề

Tiềm năng thương mại thể hiện giá trị của một từ khóa đối với doanh nghiệp của bạn. Giá trị thực sự của từ khóa phụ thuộc vào thị trường ngách cũng như mô hình kinh doanh của bạn.

Vì thế, cách đơn giản nhất để đánh giá tiềm năng thương mại của một từ khóa chính là cho điểm số theo thang điểm từ 1-3 (hoặc một thang điểm bất kỳ tùy theo nhu cầu của bạn) đối với các từ khóa mà bạn đang nghiên cứu. Số điểm càng cao chứng tỏ từ khóa hoặc chủ đề đó càng quan trọng đối với doanh nghiệp của bạn.

Ví dụ, giả sử bạn đang có một website kinh doanh mỹ phẩm, và cách bạn kiếm tiền chính là bán các loại mỹ phẩm nhập khẩu Hàn Quốc làm từ thảo dược thiên nhiên. Như vậy, xét về tiềm năng thương mại, những chủ đề giúp bạn giới thiệu sản phẩm một cách tự nhiên cho khách truy cập sẽ có giá trị kinh doanh cao nhất. Do đó, những người đang tìm kiếm thông tin với từ khóa “mua kem dưỡng thảo mộc Hàn Quốc” có khả năng sẵn sàng mua hàng ngay và luôn. Vì thế, cụm từ khóa này có giá trị kinh doanh là 3.

Một từ khóa khác như “kem dưỡng thảo mộc tốt nhất” cũng sẽ có liên quan đến trang web của bạn, tuy nhiên người tìm kiếm chưa biết nên mua sản phẩm của hãng nào, dù họ cũng có khả năng sẽ mua ngay. Bạn có thể viết một bài đánh giá tổng hợp các loại kem dưỡng thảo mộc, sau đó liên kết trở lại với trang sản phẩm của mình để đưa khách đến gần hơn với thao tác mua hàng. Do đó, cụm từ khóa này có điểm là 2.

Bây giờ, một từ khóa khác là “kem dưỡng thảo mộc là gì” sẽ rất khó để bạn lồng ghép nội dung giới thiệu sản phẩm mà bạn đang bán. Tuy nhiên, nó là một cách để bạn thu hút được lưu lượng truy cập có liên quan đến website. Do đó, cụm từ khóa này có điểm là 1, và có mức độ ưu tiên thấp nhất.

Trong khi đó, những cụm từ khóa được cho điểm 0 là những cụm từ khóa bạn nên bỏ qua, vì nó không ảnh hưởng đến khả năng bán hàng của bạn. Do đó, những cụm từ như “kem dưỡng thảo mộc trong phim ABC” không cần phải đưa vào danh sách từ khóa của bạn, vì nó không liên quan gì đến hoạt động kinh doanh của bạn ngoại trừ một thực tế rằng đó là một khía cạnh thú vị của bộ phim.

#4: Liệu bạn có thể giải quyết mục đích tìm kiếm của người dùng hay không?

Câu hỏi này đã được đề cập ở phần đầu bài viết này, nhưng Ychoc sẽ tiếp tục nói đến vì nó cực kỳ quan trọng.

Ví dụ, đối với truy vấn “máy pha cà phê“, các trang đầu tiên đều là các trang TMĐT. Điều này cho thấy mục đích của người tìm kiếm đang có nhu cầu mua hoặc ít nhất là có khả năng sẽ mua các loại máy pha cà phê khác nhau. Vì thế, trừ khi bạn thực sự có khả năng tạo ra bài viết giới thiệu một hoặc vài loại máy pha cà phê nào đó, nếu không bạn sẽ không có khả năng được xếp hạng đối với truy vấn này.

Top website theo từ khóa Máy pha cà phê trên Google | Ychoc.com

#5: Liệu bạn có khả năng được xếp hạng cho từ khóa của mình hay không?

Khối lượng tìm kiếm, tiềm năng lưu lượng truy cập và tiềm năng thương mại của từ khóa hoàn toàn không có ý nghĩa gì nếu bạn không có khả năng xếp hạng cho từ khóa của mình trong tương lai không xa.

Để hiểu về độ khó xếp hạng cho một từ khóa nhất định, bạn sẽ cần một chút phân tích và thực hành.

Trên thực tế, hầu hết các công cụ hỗ trợ SEO nổi tiếng đều cung cấp cho bạn tính năng kiểm tra độ khó xếp hạng của từ khóa, và tùy vào từng công cụ, tên gọi của tiêu chí này có thể khác nhau như Ranking Difficulty, SEO Difficulty hay Search Difficulty.

Dựa trên 5 tiêu chí này, công việc của bạn là lựa chọn các từ khóa phù hợp nhất để đưa vào file kế hoạch từ khóa, từ đó đánh giá liệu chủ đề mà bạn đang nhắm tới có đủ lưu lượng truy cập và có giá trị kinh doanh xứng đáng với công sức SEO của bạn hay không? Đây là câu hỏi bạn nên tự hỏi mình trước khi tạo ra một website với mục đích xếp hạng các từ khóa trong danh sách.

Độ khó xếp hạng của từ khóa | Ychoc.com

Sau khi nghiên cứu từ khóa, bạn cần xác định mục đích tìm kiếm của người dùng với từng truy vấn.

Mục đích tìm kiếm

Mặc dù đã đề cập trong bài viết trước đó, nhưng Ychoc vẫn muốn dành thời gian để giải thích cụ thể nó là gì, và cách sử dụng nó trong hoạt động nghiên cứu từ khóa. Lý do là vì nếu trang web của bạn không phù hợp với ý định của người tìm kiếm, thì bạn có thể sẽ không được xếp hạng cho từ khóa đó, dù cho bài viết của bạn có chứa rất nhiều từ khóa này.

Vậy mục đích tìm kiếm là gì?

Như bạn đã biết:

Mục đích tìm kiếm thể hiện lý do đằng sau truy vấn của người tìm kiếm.

Nhiệm vụ của bạn là đưa ra các thông tin phù hợp với mục đích của người tìm kiếm, và đây là công việc bắt buộc phải làm để các công cụ tìm kiếm như Google thấy rằng trang của bạn hoàn toàn đáp ứng được mục tiêu của họ, chính là cung cấp các kết quả phù hợp nhất cho bất kỳ truy vấn nhất định nào.

Mặc dù điều này nghe có vẻ như bạn chỉ đang cố gắng làm mọi cách để hài lòng Google, nhưng những gì bạn thực sự đang làm chính là tìm hiểu những gì bạn cần làm để đáp ứng mục đích tìm kiếm của người dùng.

Cách để bạn xác định mục đích tìm kiếm của người dùng cũng thường khá dễ thực hiện. Tất cả những gì bạn cần làm chính là xem và phân tích top website đầu tiên trong trang kết quả tìm kiếm. Các kết quả xếp hạng hàng đầu là minh chứng rõ ràng nhất để hiểu mục đích tìm kiếm của người dùng, bởi vì Google hiểu những gì người tìm kiếm muốn thấy, có lẽ tốt hơn bất kỳ ai khác.

Một công thức gồm 3 bước đơn giản được gọi là 3C mà bạn có thể sử dụng để phân tích mục đích tìm kiếm của người dùng, đó là Content type, Content formatContent angle.

  • Content type (loại nội dung): thường được phân loại thành các bài viết tin tức, video, trang sản phẩm, trang danh mục, và trang đích. Ví dụ: loại trang chủ đạo cho truy vấn “nồi inox bếp từ tốt nhất” là trang bài viết tin tức review sản phẩm.
  • Content format (định dạng nội dung): thường được áp dụng chủ yếu cho các bài viết tin tức và trang đích. Một số định dạng nội dung cho bài viết tin tức mà bạn thường gặp chính là “cách làm“, “hướng dẫn từng bước“, “danh sách review” và bài viết thể hiện quan điểm. Đối với định dạng của trang đích, bạn sẽ thường gặp các dạng như công cụ tính toán hoặc danh sách công cụ hỗ trợ. Quay lại với ví dụ về “nồi inox bếp từ tốt nhất“, bạn sẽ thấy rằng tất cả các website dẫn đầu đều thuộc loại danh sách review, chủ yếu vì cụm từ “tốt nhất” trong truy vấn ngụ ý rằng cần phải thực hiện một phép so sánh.
  • Conten angle (khía cạnh nội dung): còn được hiểu là lợi ích, về cơ bản, là lý do tại sao người tìm kiếm nên truy cập vào trang của bạn. Đối với truy vấn “nồi inox bếp từ tốt nhất“, bạn sẽ thấy phần lớn các bài đăng đều tập trung vào khía cạnh “thương hiệu“, dựa trên yếu tố tên nhà sản xuất xuất hiện ở phần mô tả của trang web. Một khía cạnh khác xuất hiện ở đây chính là thời gian thực hiện so sánh, thể hiện qua thông tin về năm hiện tại trên tiêu đề của một số trang web. Tuy nhiên, khía cạnh thời gian này ít có tính nhất quán, vì một số trang web không chứa yếu tố năm vẫn được xếp hạng ở những vị trí cao.

Để giúp bạn hiểu rõ hơn về mục đích tìm kiếm của người dùng, hãy cùng theo dõi các ví dụ về cách sử dụng công thức 3C như dưới đây.

Cách sử dụng công thức 3C để xác định mục đích của người tìm kiếm

Ví dụ #1: Phân tích mục đích tìm kiếm đối với truy vấn “cách viết bài chuẩn SEO”

Loại nội dung chủ đạo đối với truy vấn này là bài viết blog tin tức. Trong đó, bạn cũng sẽ thấy rằng các hướng dẫn cách viết bài SEO dưới dạng video hướng dẫn cũng xuất hiện trong trang kết quả tìm kiếm. Điều này gợi ý rằng chúng ta có thể dành thời gian tạo đồng thời các bài viết blog tin tức và video hướng dẫn phương pháp viết bài SEO chuẩn để có thể được xếp hạng đồng thời ở nhiều vị trí khác nhau.

Đối với định dạng nội dung, rõ ràng các trang web này đều ở dạng hướng dẫn. Bản chất của một trang web hướng dẫn sẽ cần có quy trình từng bước, và đó cũng có khả năng là trình tự nội dung mà bạn muốn đưa vào trang web. Bạn có thể xác nhận lại điều này bằng cách thực sự truy cập vào một số trang xếp hạng đầu.

Phân tích mục đích tìm kiếm đối với truy vấn "cách viết bài chuẩn SEO" | Ychoc.com

Xét về khía cạnh nội dung, có vẻ như việc chèn thêm khung thời gian hiện tại “năm 202x” và một con số thống kê như “35 check list, 5 bước, 9 bước” sẽ là một cách tiếp cận phù hợp cho chủ đề này.

Ví dụ #2: Phân tích ý định của người tìm kiếm đối với truy vấn “máy sấy quần áo”

Đối với truy vấn này, phần lớn loại nội dung của các trang web là trang danh mục của các website thương mại điện tử. Điều này gợi ý rằng khi người tìm kiếm sử dụng truy vấn “máy sấy quần áo“, có khả năng họ đang có nhu cầu mua sản phẩm. Bên cạnh đó, Google còn gợi ý các bài viết PR báo chí từ các trang báo chính thống lớn tại Việt Nam trong mục “Tin bài hàng đầu“, cũng như các video giới thiệu sản phẩm. Vì vậy, bạn có thể lựa chọn phương án PR truyền thông kết hợp link building để gia tăng cơ hội dẫn dắt khách hàng đến trang sản phẩm của mình.

Phân tích mục đích tìm kiếm đối với truy vấn "Máy sấy quần áo" | Ychoc.com

Bây giờ, vì lý do định dạng nội dung chỉ áp dụng cho các trang blog tin tức hoặc trang đích, trong khi các trang hiện tại là trang chuyên mục của website TMĐT, do đó, bạn không thể áp dụng phân tích định dạng nội dung cho các website này.

Về khía cạnh nội dung, yếu tố nổi bật trong các tiêu đề bài viết chính là giá cả, chẳng hạn như “giá rẻ“, “trả góp 0%“.

OK, Ychoc đã giới thiệu cho bạn một số ví dụ về cách xác định mục đích tìm kiếm, nếu có bất kỳ thắc mắc về cách phân tích, đừng quên để lại comment bên dưới bài viết này nhé.

Tiếp theo đây, hãy cùng Ychoc tìm các từ khóa tốt nhất cho website của bạn nhé.

Cách tìm từ khóa SEO tốt nhất cho trang web của bạn

Trong phần này, Ychoc sẽ hướng dẫn bạn cách nghiên cứu và tìm từ khóa cho trang web dựa vào những kiến thức bạn đã học được từ đầu bài viết đến giờ.

Nghiên cứu từ khóa là gì?

Nghiên cứu từ khóa là quá trình tìm kiếm các từ khóa mà mọi người đang sử dụng để tìm kiếm thông tin trên các công cụ tìm kiếm.

Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu từ khóa có thể chia thành hai bước chính, đó là: tạo ý tưởng từ khóa, và xác nhận xem những từ khóa đó có đáng để bạn theo đuổi hay không.

Hai bước của hoạt động nghiên cứu từ khóa

Bước #1: Tạo ý tưởng từ khóa

Để tạo ý tưởng từ khóa, bạn cần sử dụng ít nhất một công cụ nghiên cứu từ khóa.

Công cụ nghiên cứu từ khóa hiển thị cho bạn thông tin chi tiết về các từ khóa như khối lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng, độ khó của từ khóa, và các số liệu SEO khác. Ngoài ra, các công cụ này cũng giúp bạn khám phá các chủ đề tiềm năng có thể xem xét để đưa vào kế hoạch SEO website của bạn.

Hiện nay, có rất nhiều công cụ trên mạng, và bạn tự do lựa chọn bất kỳ công cụ nào mà mình muốn. Một số công cụ miễn phí, và một số yêu cầu trả phí trước khi sử dụng. Và trong bài viết này, Ychoc sử dụng công cụ Keyword ideas của Ubersuggest.

OK, giả sử rằng website chúng ta đang nghiên cứu là một blog review về thiết bị di động đã qua sử dụng, và mô hình kinh doanh của blog này chính là sử dụng tiếp thị liên kết – Affiliate Marketing – để tạo ra doanh thu. Điều này nghĩa là họ quảng bá sản phẩm của website khác, và khi ai đó nhấp vào một trong các liên kết trên web để mua hàng, chủ website sẽ nhận được hoa hồng.

Bước đầu tiên chính là tạo ra một danh sách các từ khóa hạt giống ban đầu.

Bước #1.1: Tạo danh sách các từ khóa hạt giống

Từ khóa hạt giống (seed keyword) là một từ khóa rộng liên quan đến thị trường ngách của bạn.

Như vậy, Ychoc sẽ sử dụng công cụ “Keyword ideas” để thêm một vài từ khóa hạt giống cho website review thiết bị mobile cũ. Các từ khóa hạt giống này có thể là “laptop cũ“, “máy tính cũ” và “smartphone cũ“.

Báo cáo từ công cụ ý tưởng từ khóa của Ubersuggest đưa ra 758 từ khóa gợi ý dựa trên các từ khóa hạt giống mà Ychoc đã nhập vào, đồng thời cho biết khối lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng, độ khó của từ khóa cũng như một vài chỉ tiêu SEO khác.

Bây giờ, không phải tất cả 758 từ khóa trong danh sách này đều phù hợp với trang web của bạn, do đó, 5 tiêu chí để lựa chọn từ khóa SEO hiệu quả nhất trong phần đầu bài viết này sẽ được áp dụng để loại bỏ các từ khóa không phù hợp.

Bước #1.2: Lựa chọn từ khóa

Nếu bạn đã quên, Ychoc nhắc lại 5 tiêu chí khi lựa chọn từ khóa gồm có:

  • Nhu cầu tìm kiếm
  • Tiềm năng truy cập website
  • Khả năng thương mại
  • Khả năng đáp ứng được mục đích tìm kiếm
  • Độ khó để được xếp hạng top Google

Vì vậy, khi tạo ý tưởng từ khóa, Ychoc sẽ sử dụng 4 tiêu chí đầu tiên. OK, giờ là lúc download file excel của báo cáo ý tưởng từ khóa từ công cụ Keyword ideas để thuận tiện cho việc lọc dữ liệu.

Một điều cần lưu ý là vì tiếng Việt thuộc loại ngôn ngữ đặc biệt, do đó, bạn cần chuyển đổi file excel sang mã Unicode để hiển thị được chính xác từ khóa. Nếu bạn chưa biết cách chuyển đổi, hãy bình luận dưới bài viết này để được Ychoc hướng dẫn chi tiết nhé.

Bây giờ, chúng ta xem qua danh sách ý tưởng từ khóa và bắt đầu đánh dấu một số chỗ trong file.

  • Đầu tiên, chúng ta cần tìm những từ khóa có nhu cầu tìm kiếm. Ychoc sẽ đặt bộ lọc filter và chọn những từ khóa có khối lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng từ 300 trở lên. Danh sách của chúng ta thu gọn chỉ còn 91 ý tưởng từ khóa, do đó, chúng ta sẽ dễ dàng lọc bằng cách thủ công cho các bước sau.
  • Điểm tiếp theo trong danh sách này là kiểm tra xem liệu chúng có tiềm năng thu hút lượng truy cập vào website hay không, vì không phải tất cả lượt tìm kiếm đều chuyển đổi thành lượt click. Sau tất cả, điều chúng ta muốn chính là lưu lượng truy cập chứ không phải lượt tìm kiếm. Để kiểm tra tiềm năng lưu lượng truy cập của một chủ đề, bạn cần xem các trang xếp hạng đầu và ước lượng chúng nhận được bao nhiêu lượt truy cập. Ví dụ, đối với từ khóa “laptop cũ“, Top #1 Google thu hút khoảng 6.500 lượt click, Top #2 Google thu hút gần 4.000 lượt click…
  • Tiếp theo là tiềm năng thương mại của từ khóa, đánh giá khả năng mang lại giá trị cho doanh nghiệp của bạn. Bạn cần tự đánh giá từ khóa đó có phù hợp với website của bạn hay không, và những người tìm kiếm bằng truy vấn đó có phải là đối tượng mục tiêu mà bạn đang nhắm đến hay không.
  • Đồng thời với việc kiểm tra tiềm năng thương mại, bạn cần tự hỏi bản thân xem liệu bạn hoặc trang web của bạn có khả năng đáp ứng được mục đích tìm kiếm của người dùng hay không. Như bạn có thể thấy, đối với từ khóa “laptop cũ”, hầu hết các trang web xếp hạng đầu đều là trang danh mục TMĐT. Điều này chứng tỏ người tìm kiếm đang muốn mua sản phẩm, và nó xứng đáng đạt điểm tiềm năng thương mại là 3. Tuy nhiên, website của chúng ta thuộc thể loại blog review thiết bị công nghệ cũ, do đó trang web có thể không trực tiếp bán laptop cũ. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta không thể tạo được trang danh mục TMĐT, và do đó, rất khó để trang web của bạn có thể đáp ứng được mục đích tìm kiếm của người dùng.

Tóm lại, vì từ khóa “laptop cũ” không đáp ứng được các tiêu chí trong checklist mà chúng ta đã đưa ra, do đó, Ychoc quyết định loại bỏ từ khóa này ra khỏi danh sách.

Bây giờ, nhiệm vụ của bạn là làm công việc tương tự đối với các từ khóa còn lại trong danh sách. Chúng ta sẽ phân tích một từ khóa khác nằm trong danh sách này, đó là từ khóa “mua laptop cũ ở đâu uy tín“.

  • Nó có khối lượng tìm kiếm trung bình cao (1.300 lượt/tháng), và nếu search trên Google, bạn sẽ thấy những trang web xếp hạng đầu thu hút khoảng 30 lượt truy cập/tháng. Không tệ, đối với một thị trường ngách như thế này.
  • Về tiềm năng thương mại, từ khóa này sẽ có giá trị là 2 vì trang web của chúng ta kiếm tiền bằng cách đánh giá và đề xuất sản phẩm. Từ khóa này không trực tiếp đề cập về sản phẩm, nhưng bạn vẫn có thể lồng ghép các đánh giá sản phẩm để chứng minh địa chỉ bán hàng uy tín.
  • Đối với mục đích tìm kiếm, đây là các trang web thuộc loại bài viết tin tức, định dạng top list, và khía cạnh nội dung nổi bật chính là khu vực địa lý như “TPHCM, Hà Nội” và thời gian đăng tải của bài viết. Bạn có thể quan sát dễ dàng các thông tin này trong phần tiêu đề về mô tả của trang web.

Như vậy, từ khóa “mua laptop cũ ở đâu uy tín” đã thỏa mãn 4/5 tiêu chí trong checklist sơ bộ. Do đó, Ychoc sẽ đưa nó vào danh sách từ khóa mục tiêu.

Với tổng cộng 91 từ khóa trong danh sách này (và có thể nhiều hơn nếu bạn tổng hợp từ khóa từ nhiều nguồn khác nhau), việc lọc từ khóa theo các bước như trên có thể tốn khá nhiều thời gian.

Do đó, Ychoc có một mẹo để giúp bạn cải thiện tốc độ lọc danh sách từ khóa phù hợp, và sẽ được trình bày trong những bài viết sắp tới.

Bây giờ một nhược điểm của việc sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa là danh sách các ý tưởng từ khóa thường bị giới hạn trong các từ và cụm từ có chứa từ khóa hạt giống mà bạn đã đưa ra ban đầu.

Trên thực tế, có những từ khóa chất lượng khác nhưng không nhất thiết phải bao gồm từ khóa hạt giống. Vậy, làm thế nào để bạn có thể tìm ra chúng?

Cách tốt nhất để tìm những từ khóa này chính là xem các trang thu hút nhiều lưu lượng tìm kiếm nhất trên website của đối thủ cạnh tranh. Lý do là vì nếu như đối thủ cạnh tranh của bạn đang xếp hạng cao cho những từ khóa có nhiều lưu lượng truy cập tìm kiếm, thì chắc chắn bạn cũng muốn đạt được như họ, phải không nào?

Khi nói về đối thủ cạnh tranh, không nhất thiết bạn chỉ tập trung vào các đối thủ cạnh tranh kinh doanh trực tiếp. Thay vào đó, “đối thủ” bạn nhắm tới là những trang web đang xếp hạng cao cho các từ khóa mục tiêu của bạn.

Để tìm các đối thủ này, Ychoc sẽ sử dụng chức năng “Search by website” trên Ubersuggest, và với mỗi từ khóa, bạn sẽ tìm ra được những website đang dẫn đầu lưu lượng truy cập. Ví dụ, đối với từ khóa “mua laptop cũ ở đâu uy tín”, đối thủ cạnh tranh hàng đầu là toplist.vn, top10tphcm.com, top247.vn…

Bây giờ, nhiệm vụ của bạn là chuyển sang chức năng “Top Pages by Traffic” trên Ubersuggest, và nhập tên miền website của các đối thủ cạnh tranh này. Báo cáo sẽ cho bạn thấy những trang web mang lại lượng truy cập nhiều nhất cho đối thủ cạnh tranh của bạn.

Nghiên cứu từ khóa của đối thủ cạnh tranh | Ychoc.com

Ví dụ, bài viết “Top 10 trung tâm sửa chữa máy tính/laptop uy tín nhất tại TPHCM” thu hút nhiều lượ truy cập nhất cho website Toplist.vn với hơn 7.500 lượt truy cập mỗi tháng tại Việt Nam, trong đó, từ khóa mang lại nhiều traffic nhất cho trang web này là “sủa laptop” với hơn 900 lượt truy cập mỗi tháng.

Top keyword của Toplist | Ychoc.com

Những thông tin này bạn sẽ không thấy trong chức năng “Keyword ideas“, vì nó không chứa từ khóa hạt giống mà Ychoc đã đưa ra ban đầu. Do đó, đối với mỗi đối thủ cạnh tranh, bạn chỉ cần lướt qua các báo cáo này, tìm kiếm các chủ đề hoặc từ khóa tiềm năng, sau đó tạo thêm ý tưởng từ khóa và áp dụng 4 tiêu chí đầu tiên trong checklist để tìm ra các từ khóa phù hợp nhất.

Tóm lại, ý tưởng từ khóa rất phong phú, và với phương pháp nghiên cứu từ khóa như trên, chắc chắn bạn sẽ rất bận rộn để cập nhật lại danh sách từ khóa mục tiêu theo định kỳ.

Nhưng câu chuyện về nghiên cứu từ khóa chưa chấm dứt, vì vẫn còn một tiêu chí thứ 5 trong danh sách, đó là khả năng xếp hạng ở Top Google của từ khóa, hay nói cách khác, chính là độ khó xếp hạng của từ khóa.

Bước #2: Cách xác định độ khó xếp hạng của một từ khóa

Trong phần này, Ychoc sẽ hướng dẫn bạn cách xác định độ khó SEO của một từ khóa. Điều này sẽ giúp bạn hiểu việc xếp hạng cao cho các từ khóa mục tiêu sẽ khó như thế nào.

Chi tiết về nội dung này, bạn vui lòng xem tiếp tại bài viết: Độ khó từ khóa: Cách xác định khả năng xếp hạng của keyword

Câu hỏi thường gặp về nghiên cứu từ khóa

Câu hỏi #1: Công cụ nghiên cứu từ khóa tốt nhất hiện nay là gì?

Ahrefs, SEMRush, Ubersuggest, KWfinders, Keywordtool.io… là những công cụ nghiên cứu từ khóa được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Dù bạn sử dụng công cụ nào, thì điều quan trọng là cần có phương pháp phân tích từ khóa hiệu quả, vì nó là thứ làm cho công cụ hỗ trợ keyword research của bạn trở nên đáng giá.

Câu hỏi #2: Kỹ thuật nghiên cứu từ khóa tốt nhất trong SEO là gì?

Theo tôi, một trong những kỹ thuật nghiên cứu từ khóa tốt nhất chính là sự kết hợp giữa 3 yếu tố:

  • Công cụ hỗ trợ tìm ý tưởng từ khóa cung cấp đầy đủ các thông số SEO của một từ khóa (VD: khối lượng tìm kiếm, độ khó xếp hạng, độ khó quảng cáo,…).
  • 5 tiêu chí để lựa chọn từ khóa tốt nhất cho SEO.
  • Công thức 3C (Content type – Content format – Content angle) để phân tích mục đích tìm kiếm của người dùng.

Khi nghiên cứu về từ khóa, có nhiều phương pháp kỹ thuật để giúp bạn phân tích và tìm ra những từ khóa SEO tốt nhất, giúp cải thiện thứ hạng website cũng như mang lại giá trị cho doanh nghiệp. Một kỹ thuật càng phân tích sâu và chi tiết, nó sẽ càng mang lại giá trị cho chiến lược tối ưu hóa công cụ tìm kiếm của bạn sau này.

Câu hỏi #3: Nên dùng công cụ nghiên cứu từ khóa miễn phí nào để lựa chọn được từ khóa phù hợp?

Theo tôi, phiên bản miễn phí của các công cụ Ahrefs, KWfinders và Ubersuggest sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tìm kiếm từ khóa SEO tốt nhất. Trong khi đó, công cụ gợi ý từ khóa Keywordtool.io sẽ giúp bạn mở rộng ý tưởng từ khóa cũng như ý tưởng cho bài viết SEO của mình.

Câu hỏi #4: Những công cụ nghiên cứu từ khóa trả phí nào tốt nhất?

Theo tôi, Ahrefs là công cụ nghiên cứu từ khóa trả phí tốt nhất thế giới hiện nay, nhưng mức giá để sử dụng công cụ này quá cao. Do đó, tôi đang sử dụng phiên bản trả phí của Ubersuggest như một giải pháp thay thế hiệu quả với mức giá được xem là rẻ nhất trong số các Paid SEO tools tốt nhất thế giới hiện nay.

5/5 (1 Review)

Vũ Đăng Chung

Xin chào, tôi là một freelancer chuyên về SEO Marketing. Tôi đã dành 4 năm để làm công việc Digital Marketing và viết Content tại các công ty thuộc nhiều lĩnh vực như làm đẹp & thẩm mỹ, thiết bị công nghiệp, thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến... trước khi chuyển sang làm SEO full-stack từ năm 2016. Cần liên hệ tôi? Vui lòng gửi yêu cầu đến địa chỉ email: chung250190@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *