Xem qua 7+ yếu tố xếp hạng quan trọng nhất 2023 mà Google đã xác nhận & 40+ sai lầm nghiêm trọng trong danh sách 200+ Google Ranking Factors của BacklinkO.
Khi bạn bắt đầu tìm hiểu về SEO, thì thứ đầu tiên bạn cần quan tâm chính là danh sách các yếu tố ảnh hưởng đến thuật toán xếp hạng của Google.
BacklinkO đã liệt kê hẳn một danh sách hơn 200 yếu tố xếp hạng Google, và danh sách này phổ biến đến mức hàng trăm website tại Việt Nam sử dụng công cụ dịch thuật tự động của Google để sao chép lại nội dung từ nó và đăng tải lên website của mình như hình dưới đây:
Tuy nhiên, điểm khó chịu từ việc theo dõi danh sách này chính là việc các yếu tố được xếp hạng rất lộn xộn, trong khi đó, bên cạnh một số yếu tố đã được xác nhận thì một số khác vẫn còn đang tranh cãi, và những thứ còn lại là những \”yếu tố\” rất kỳ lạ, vô căn cứ, hoặc chỉ là cách diễn đạt khác của một yếu tố đã nói đến trước đó.
Do đó, dưới đây tôi đã tổng hợp, lọc và sắp xếp lại danh sách này thành 2 nhóm chính như sau:
- Các yếu tố xếp hạng Google quan trọng nhất;
- Các yếu tố ít tác động đến xếp hạng Google;
- Các yếu tố ảnh hưởng gián tiếp đến thứ hạng của trang web.
Bắt đầu nhé.
Các yếu tố xếp hạng Google quan trọng nhất
#1: Nội dung phù hợp với mục đích tìm kiếm của người dùng
Năm 2015, Google đã nói rằng mục đích của truy vấn tìm kiếm là một tín hiệu xếp hạng rất mạnh, nghĩa là nếu nội dung của bạn có chất lượng cao, thì nó vẫn có khả năng được xếp hạng cao ngay cả khi có thiếu sót về các yếu tố xếp hạng khác.
Tầm quan trọng của việc tạo ra những nội dung chất lượng cao phù hợp với mục đích tìm kiếm đã được Google thể hiện bằng hành động thông qua hàng loạt các bản update thuật toán trong năm 2022, như bản cập nhật Spam Update, bản cập nhật thuật toán lõi hay bản cập nhật Helpful Content.
Có rất nhiều khía cạnh phản ánh chất lượng của một nội dung, nhưng Google cũng đã đưa ra một số gợi ý nhằm giúp bạn sáng tạo nội dung một cách tốt hơn như:
Nội dung toàn diện, bao phủ nhiều khía cạnh của chủ đề
Khi nói về một chủ đề, thông tin được đưa ra cần phải có giá trị, đầy đủ và toàn diện, và người xem có thể sử dụng những thông tin đó để giải quyết triệt để vấn đề mà họ đang quan tâm.
Ví dụ, nếu người dùng đang tìm kiếm về một loại máy bơm dùng để xử lý nước thải, bên cạnh việc cung cấp danh sách các loại máy bơm xử lý nước thải, bạn cũng cần đưa ra nhưng thông tin khác có liên quan như:
- Hướng dẫn sử dụng;
- So sánh ưu nhược điểm giữa từng loại;
- Chính sách bảo hành, sửa chữa;
- Chính sách phân phối, giao hàng;
- Cách lắp ráp vào hệ thống;
- ……
Nội dung phải nguyên bản
Nội dung được xem là chất lượng nếu nó do bạn tự thực hiện việc tổng hợp thông tin, phân tích, nghiên cứu hoặc báo cáo, hay nói cách khác, nó phải có tính nguyên bản.
Nói cách khác, những thông tin mà bạn đưa ra cần đảm bảo rằng chúng chưa từng được đề cập đến trong dữ liệu chỉ mục của Google.
Ví dụ, khi nhận ra rằng chủ đề chiến lược B2B Marketing 2023 chỉ xoay quanh khía cạnh xu hướng tiếp thị doanh nghiệp trong năm 2023, tôi đã tạo ra một bài viết hướng dẫn các bước lập kế hoạch Marketing B2B, cũng như các chiến thuật tiếp thị doanh nghiệp khả thi nhất mà người xem có thể áp dụng cho riêng mình.
Nói cách khác, nội dung của tôi đã mang lại góc nhìn mới mẻ, độc đáo mà chắc chắn người xem chưa từng nhìn thấy khi họ tìm kiếm về chủ đề này.
Nội dung phải chuyên sâu
Theo thống kê của BacklinkO, tính chuyên sâu của nội dung có mối tương quan chặt chẽ với thứ hạng của một trang web, trong đó, nội dung càng chuyên sâu sẽ càng có thứ hạng cao trên Google.
Nói cách khác, tính chuyên sâu của nội dung là một trong những yếu tố xếp hạng của Google, hay ít nhất, nó được xem là phù hợp với các tín hiệu mà hệ thống Google sử dụng để xếp hạng trang web, theo như giải thích của Google năm 2020.
Lưu ý: Từ ngày 15/12/2022, nguyên tắc EAT đã được Google nâng cấp thành EEAT (còn gọi là nguyên tắc Double-EAT).
Một nội dung được đánh giá là có chất lượng khi nó đi sâu vào việc giải thích cụ thể, rõ ràng cho chủ đề đang được nói đến.
Ví dụ, khi bạn đề cập về công thức nấu món cơm chiên trứng, người dùng có thể hình dung quy trình nấu nướng gồm 3 bước chính gồm có:
- Bước 1: Chuẩn bị cơm trắng và trứng gà
- Bước 2: Chiên cơm đến khi ráo nước
- Bước 3: Cho trứng và gia vị vừa đủ vào chảo cơm chiên, tiếp tục đảo đều đến khi hoàn tất.
Tuy nhiên, nội dung của bạn sẽ càng có tính chuyên sâu hơn nếu bạn nêu rõ hơn về cách nấu món ăn này, chẳng hạn như:
- Loại gạo nào ngon nhất để làm món cơm chiên trứng?
- Cách chọn loại trứng gà ngon nhất để chiên cơm?
- Nấu cơm như thế nào để khi chiên cơm không bị nhão?
- Sử dụng loại chảo nào để cơm chiên không bị bám dính ở đáy chảo?
- ……
Bằng cách giải thích rõ các thông tin, bạn sẽ giúp người dùng giải quyết vấn đề một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng viết nội dung chuyên sâu không phải là viết lan man, bởi vì người dùng không thích cách mà bạn đối xử với họ như một đứa trẻ không biết gì.
Nội dung phải đáng tin cậy và chính xác
Một nội dung không chất lượng nếu tác giả hoặc những người cung cấp thông tin không phải là người có chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm trong vấn đề mà họ đang đề cập, bởi nó là tín hiệu cho thấy nội dung thiếu sự tin cậy.
Điều này cũng giống như việc một người làm kinh doanh đi tư vấn những thông tin về việc khám chữa bệnh, bởi vì bản thân người tư vấn không có bằng cấp chuyên môn trong lĩnh vực y tế, do đó, rất khó để thuyết phục người khác rằng những lời khuyên mà họ đưa ra đáng để tin tưởng và làm theo.
Bên cạnh đó, tính chính xác của nội dung rất quan trọng đối với việc xếp hạng, đặc biệt khi bạn đang hoạt động trong các lĩnh vực thuộc nhóm YMYL (Your Money or Your Life), tức những chủ đề có tác động lớn đến sức khỏe, ổn định tài chính, sự an toàn và hạnh phúc của độc giả.
Nội dung phải ưu tiên người dùng
Thuật ngữ \”person-first content\” lần đầu tiên xuất hiện khi Google ra mắt bản cập nhật Helpful Content Update năm 2022, trong đó nói rằng Google đánh giá cao những nội dung được tạo ra nhằm phục vụ cho người dùng, đồng thời hạ thấp giá trị của những nội dung được xuất bản vì mục đích thu hút lưu lượng truy cập từ công cụ tìm kiếm.
Để đánh giá nội dung của mình có tuân theo nguyên tắc ưu tiên con người hay không, hướng dẫn của Google đã gợi ý một số câu hỏi, và nếu đáp án là Có cho mọi câu hỏi, đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang đi đúng hướng.
Các câu hỏi như sau:
- Có đối tượng mục tiêu hoặc đối tượng hiện hữu nào cho doanh nghiệp hoặc trang web của bạn sẽ nhận thấy nội dung của bạn hữu ích khi họ trực tiếp truy cập vào hay không?
- Nội dung của bạn có trình bày rõ ràng thông tin chuyên môn thực tiễn và kiến thức chuyên sâu (ví dụ: kiến thức chuyên môn xuất phát từ việc thực sự sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ hay ghé thăm một địa điểm) hay không?
- Trang web của bạn có mục đích chính hoặc trọng tâm không?
- Sau khi đọc nội dung, có ai đó cảm thấy họ đã nắm được đủ thông tin về một chủ đề để giúp họ đạt được mục tiêu không?
- Liệu người đọc nội dung của bạn có cảm thấy hài lòng không?
Nội dung phải được cập nhật kịp thời
Freshness là một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng của một nội dung, bởi vì một thông tin mới hoặc vừa được cập nhật là tín hiệu cho thấy nó có thể phù hợp với nhu cầu hiện tại của người dùng.
Chẳng hạn, khi đề cập đến du lịch Nha Trang, trước đây, các trang web đặt tour hoặc review du lịch đều nói đến tour du lịch đảo Bình Ba ở Cam Ranh.
Tuy nhiên, kể từ năm 2022, tour du lịch này đã bị cấm hoàn toàn, do đó, trong những năm tiếp theo, nếu không loại bỏ hoặc ghi chú những thông tin mới nhất về tour du lịch Bình Ba, bài viết của bạn sẽ bị đánh giá là kém chất lượng.
Nội dung phải có liên quan, phù hợp về địa điểm và nổi bật
Relevance (tính liên quan), Distance (khoảng cách) và Prominence (sự nổi bật) là các yếu tố xếp hạng Google đã được xác nhận trong hướng dẫn về Local Search của Google.
Theo đó, Google đã nói rằng:
\”Kết quả tìm kiếm tại địa phương chủ yếu dựa trên mức độ liên quan, khoảng cách và mức độ nổi bật. Chúng tôi kết hợp các yếu tố này để tìm ra kết quả phù hợp nhất cho nội dung tìm kiếm của bạn. Ví dụ: các thuật toán của chúng tôi có thể quyết định rằng một doanh nghiệp ở xa bạn có nhiều khả năng cung cấp đúng loại sản phẩm/dịch vụ mà bạn đang tìm hơn so với một doanh nghiệp ở gần bạn. Khi đó, thứ hạng của doanh nghiệp ở xa sẽ cao hơn trong kết quả tìm kiếm tại địa phương.\”
Nội dung được trình bày phù hợp, rõ ràng và dễ hiểu
Một trang web được viết cẩu thả, vội vàng, sai chính tả và cấu trúc ngữ pháp… (gọi chung là các lỗi về định dạng bài viết) là dấu hiệu cho thấy sự thiếu đầu tư về mặt chất lượng của nội dung.
Bên cạnh đó, một nội dung khiến người đọc bị phân tâm bởi các thông tin ngoài lề như quảng cáo hay không hiển thị rõ ràng trên các thiết bị di động phổ biến cũng không được Google đánh giá cao.
#2: Các chỉ số thiết yếu trên trang (Core Web Vitals)
Năm 2021, trong chương trình Ask Me Anything được phát trực tiếp trên Youtube, John Mueller của Google đã xác nhận Core Web Vitals là một yếu tố xếp hạng quan trọng, mặc dù tầm quan trọng của nó thấp hơn so với chất lượng nội dung.
Cụ thể, John đã nói rằng Core Web Vitals có ảnh hưởng đến thứ hạng trang web, nhưng mức độ liên quan cũng đóng một vai trò rất quan trọng, do đó, nếu trang web A nhanh hơn trang web B, nhưng trang web B phù hợp hơn với truy vấn của người dùng, thì trang web B vẫn được xếp hạng cao hơn trang web A.
Đặc biệt, nếu muốn thấy sự cải thiện rõ rệt về thứ hạng, các trang web cần chuyển từ mức \”Cần cải thiện\” sang mức \”Tốt\”, ngược lại, các trang web đang ở mức \”Tốt\” sẽ khó nhìn thấy sự thay đổi thứ hạng nếu tốc độ của nó tăng lên rất ít.
Ba chỉ số được đánh giá trong Core Web Vitals gồm có:
- Largest Contentful Paint (LCP): Đo thời gian cần thiết để tải hình ảnh hoặc khối văn bản lớn nhất trong chế độ xem.
- First Input Delay (FID): Đo thời gian cần thiết để trình duyệt phản hồi khi người dùng tương tác với trang (nhấp vào nút, nhấn, v.v.).
- Cumulative Layout Shift (CLS): Đo độ ổn định hình ảnh để xác định xem có sự thay đổi lớn nào về nội dung trên màn hình trong khi các phần tử đang tải hay không.
Các chỉ số này bị ảnh hưởng bởi khá nhiều yếu tố mang tính chất kỹ thuật như:
- Tốc độ tải trang;
- Sử dụng chứng chỉ bảo mật SSL / HTTPS;
- Thân thiện với thiết bị di động;
- Trải nghiệm trên trang của người dùng;
- Bố cục trang web;
- ……
Để kiểm tra các đánh giá về Core Web Vitals cho trang web của mình, bạn có thể sử dụng công cụ Pagespeed Insight hoặc xem trực tiếp trong tài khoản Google Search Console của mình.
#3: Liên kết nội bộ (Internal Link)
Liên kết nội bộ là một yếu tố quan trọng trong thuật toán xếp hạng Google, và điều này đã được Google xác nhận trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua nhiều tuyên bố của các nhân viên Google cũng như các tài liệu hướng dẫn SEO Google.
Cụ thể, Gary Illyes, Giám đốc Sunshine and Happiness tại Google, đã nói rằng các liên kết nội bộ trong breadcrumb được xem như các liên kết bình thường trong quá trình tính toán PageRank.
>> Xem thêm: Breadcrumb là gì?
Ngoài ra, các tài liệu hướng dẫn SEO do Google cung cấp đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống phân cấp nội bộ hợp lý và tự nhiên.
Bên cạnh đó, trong một sự kiện Hangout năm 2018, khi được hỏi rằng việc thay đổi anchor text cho liên kết nội bộ có ảnh hưởng đến thứ hạng trang web hay không, John Mueller đã nói rằng nếu anchor text hữu ích hơn cho người dùng, thì nó cũng sẽ có ích cho việc thu thập dữ liệu của Google.
Cũng trong năm 2018, John đã nói trên Twitter rằng việc ưu tiên lập chỉ mục bản mobile của một trang web có liên quan đến sự thay đổi đáng kể thứ hạng của trang web đó nếu như phiên bản mobile của nó thiếu đi những nội dung cần thiết cho việc xếp hạng (bao gồm liên kết nội bộ, hình ảnh,…).
Probably not. But if your mobile site doesn\’t have all of the content you need for ranking (including internal links, images, etc), then that could have an effect.
— John Mueller is mostly not here ???? (@JohnMu) September 27, 2018
Nói chung, có rất nhiều bằng chứng xác thực cho thấy liên kết nội bộ là một yếu tố xếp hạng Google, do đó, bạn cần quan tâm đến:
- Số lượng các liên kết nội bộ trỏ đến trang web.
- Chất lượng của các liên kết nội bộ trỏ đến trang web.
#4: Liên kết ngược (Backlink / Inbound Link)
Cùng với các liên kết nội bộ, Backlink (hay Inbound Link) là một trong những yếu tố xếp hạng Google quan trọng nhất, bởi thuật toán PageRank của Google hoạt động dựa trên các liên kết.
Trong phần mô tả thuật toán xếp hạng tìm kiếm của mình, Google đã nói về cách đánh giá chất lượng một trang web như sau: Nếu các trang web nổi bật khác liên kết đến trang (tức backlink), nó là một dấu hiệu tốt chứng minh thông tin đó rất đáng tin cậy.
Tuy nhiên, trong sự kiện Hangout trên Youtube năm 2021 (xem chi tiết dưới đây), John Mueller cũng nói rằng số lượng backlink không phải là yếu tố xếp hạng, bởi vì thuật toán của Google hoạt động theo cách rất khác, so với việc dựa vào số lượng backlink hay số lượng tên miền giới thiệu (referral domain).
Nói cách khác, bạn có thể tạo ra hàng triệu backlink từ hàng trăm ngàn tên miền giới thiêu, nhưng Google có thể bỏ qua toàn bộ chúng.
Điều quan trọng đối với Google khi nói về backlink chính là mức độ liên quan của từng liên kết với trang web mà nó hướng tới, và đó là một tín hiệu mạnh đối với Google trong quá trình xử lý liên kết đó.
Ví dụ, một liên kết đặt trên một trang báo lớn sẽ được Google đánh giá là quan trọng ngay cả khi đó là liên kết duy nhất mà trang web đó có được.
Tóm lại, theo quan điểm của Google, chất lượng backlink quan trọng hơn số lượng của nó, và một số yếu tố góp phần tạo ra một backlink chất lượng như:
- Mức độ uy tín của website đặt backlink;
- Mức độ liên quan giữa phần văn bản xung quanh backlink và nội dung trang web mà nó hướng đến;
- Văn bản neo (Anchor text) của backlink;
- PageRank của trang web đặt backlink;
- Mức độ tự nhiên của các external link trên trang web đặt backlink;
- Backlink thuộc loại Dofollow;
- ……
#5: Thuật toán RankBrain
Năm 2016, Andrey Lipattsev đã nói rằng RankBrain là một trong ba yếu tố xếp hạng quan trọng nhất của Google, bên cạnh chất lượng nội dung và liên kết, và nó vẫn còn đang đóng vai trò rất quan trọng cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, khác với các yếu tố xếp hạng khác, RankBrain không phải là thứ mà bạn có thể nói rõ ràng về cách làm thế nào để tối ưu hóa nó, bởi vì nó là một thuật toán AI được tạo ra để mang lại khả năng trả lời cho các truy vấn tìm kiếm mơ hồ, tức những truy vấn chưa bao giờ được thực hiện trong quá khứ.
Bên cạnh đó, không giống với những tin đồn, RankBrain không dựa trên tương tác của người dùng với một trang web, mà nó dựa trên tương tác của người dùng với công cụ tìm kiếm, theo như giải thích của Gary Illyes.
#6: Tính thân thiện với thiết bị di động (Mobile-Friendliness)
Tính thân thiện với thiết bị di động cũng là một yếu tố xếp hạng rất quan trọng, theo tuyên bố của Google trong một bài đăng trên blog năm 2016.
Cụ thể, Google nói rằng tính thân thiện với thiết bị di động đã được sử dụng như là một tín hiệu xếp hạng kể từ năm 2015, và bản cập nhật mới được tung ra nhằm gia tăng tính hiệu quả của yếu tố xếp hạng này, từ đó giúp người dùng có thể tìm thấy nhiều trang web có liên quan và thân thiện với thiết bị di động.
Đặc biệt, trong năm 2020, Google cũng đã loại bỏ Googlebot cho máy tính để bàn, và thay thế nó bằng trình thu thập thông tin trên thiết bị di động.
Tuy nhiên, Google cũng nhắc nhở rằng mặc dù tính thân thiện với thiết bị di động quan trọng đối với việc xếp hạng, nhưng Google vẫn ưu tiên các kết quả tìm kiếm phù hợp với mục đích tìm kiếm của người dùng hơn.
Nói cách khác, nếu trang web của bạn có thiết kế không thân thiện với thiết bị di động, nhưng nó chứa thông tin hữu ích phù hợp với mục đích mà người dùng đang tìm kiếm hơn những trang web khác, thì nó vẫn sẽ được xếp hạng cao trong kết quả tìm kiếm Google.
#7: Sự nổi bật của từ khóa (Keyword Prominence)
Sự nổi bật của từ khóa là một trong các yếu tố xếp hạng Google đã được xác nhận bởi Matt Cuts năm 2011 lẫn John Mueller năm 2021.
Matt đã nói rằng, việc đề cập đến từ khóa một hoặc hai lần đầu tiên là điều hoàn toàn có thể giúp ích cho thứ hạng trang web, nhưng đừng làm dụng điều đó, bởi vì nhắc lại nó liên tục bảy tám lần sẽ không giúp trang web thăng hạng.
Trong khi đó, John đưa ra lời khuyên rằng nếu có thứ gì đó mà bạn muốn Google biết rằng mình đang nói về nó, thì hãy làm cho nó càng nổi bật càng tốt, thay vì chỉ đề cập đến nó ở bên dưới.
Nói cách khác, bạn cần sử dụng từ khóa trong tiêu đề, thẻ tiêu đề, các tiêu đề phụ, chú thích của hình ảnh, nhằm giúp cho người dùng và Google hiểu rằng trang web của bạn đang nói về chủ đề nào đó.
Các yếu tố ít tác động đến xếp hạng Google
Mức độ mới mẻ của nội dung
Nội dung mới là một yếu tố xếp hạng Google và được nhấn mạnh kể từ khi hệ thống lập chỉ mục Caffein ra đời vào năm 2010.
Theo Google, mức độ mới mẻ (freshness) của nội dung được chia thành 3 loại:
- Các sự kiện gần đây hoặc các chủ đề nóng.
- Các sự kiện lặp đi lặp lại thường xuyên.
- Cập nhật thường xuyên.
Mặc dù vậy, trong tài liệu Search Quality Evaluator Guidelines (Hướng dẫn cho người đánh giá chất lượng tìm kiếm), Google đã nói rằng \”Freshness is generally less of a concern for Page Quality rating\”.
Điều này ám chỉ rằng mức độ mới mẻ gần như không ảnh hưởng đến việc đánh giá chất lượng của một trang web, đồng nghĩa với việc nó có tác động rất ít đến thứ hạng trang web trên Google.
Thẻ tiêu đề
Thẻ tiêu đề là một trong các yếu tố xếp hạng đã được John Mueller từ Google xác nhận trong video đăng tải trên Youtube vào năm 2016.
Tuy nhiên, theo John, dù thẻ tiêu đề giúp Google hiểu rõ hơn về nội dung trang web, nhưng vai trò của nó không quá lớn trong việc cải thiện xếp hạng giống như hiệu quả mà nó mang lại trong quá khứ.
Để giải thích rõ hơn cho điều này, trong video đăng trên Youtube năm 2021, John đã nói như sau:
\”… Tinh chỉnh tiêu đề và thẻ meta giúp chúng tôi dễ dàng nhận ra nội dung thực sự trên một trang hơn, nhưng nó sẽ không thay đổi đáng kể khả năng hiển thị tổng thể của trang web.\”
Mặc dù vậy, việc tạo ra một thẻ tiêu đề cũng không phải là vấn đề phức tạp nếu như bạn đưa nó vào quy trình tối ưu SEO Onpage và làm tốt ngay từ ban đầu, và một lợi ích nhỏ cũng có thể tạo ra được sự khác biệt nếu lĩnh vực của bạn có sự cạnh tranh SEO ở mức độ lớn.
URL
Theo John Mueller, URL là một yếu tố xếp hạng rất nhỏ, chỉ có tác dụng khi Google tìm thấy một trang web chưa từng được thu thập dữ liệu trước đây.
Khi đó, Google sẽ căn cứ vào các từ khóa bên trong URL để hiểu rõ hơn về nội dung của trang web đó.
Tuy nhiên, khi trang web đó đã được thu thập dữ liệu hoàn chỉnh, URL chỉ còn đóng vai trò là một ID nhận diện giúp phân biệt các trang web với nhau, và không còn vai trò nào khác trong việc cải thiện thứ hạng.
Các yếu tố ảnh hưởng gián tiếp đến thứ hạng của trang web
Backlink Nofollow, Sponsored và UGC
Google đã thông báo trong bài blog nói về thuộc tính Nofollow năm 2019 rằng các thuộc tính như Nofollow, UGC hay Sponsored không phải là yếu tố xếp hạng trực tiếp trong thuật toán tìm kiếm của mình.
Tuy nhiên, các liên kết mang những thuộc tính này vẫn có thể chứa nhiều thông tin giá trị giúp Google cải thiện chức năng tìm kiếm, chẳng hạn như đánh giá mối quan hệ giữa Anchor text và nội dung của trang web được liên kết.
Danny Sullivan cũng xác nhận rằng các backlink thuộc loại Nofollow, Sponsored hay UGC sẽ không chuyển PageRank cho trang web của bạn, nhưng các liên kết này vẫn có ý nghĩa như một lời gợi ý cho Google rằng: Đang có thông tin nào đó hữu ích trên trang web được liên kết đến.
In the past, as the post explains, we just wouldn\’t use the links at all. The change meant we\’d consider them if there was some usefulness to be found, though the hint means aren\’t likely to give them as much, if any, weight.
— Danny Sullivan (@dannysullivan) June 1, 2022
Lịch sử hoạt động của tên miền
Trong một video Youtube năm 2014, khi trả lời cho câu hỏi \”How can I research a domain that I may want to purchase?\”, Matt Cuts (khi đó là Trưởng nhóm Webspam của Google) đã hàm ý rằng lịch sử hoạt động trong quá khứ của một domain có thể ảnh hưởng khá lớn đến việc xếp hạng một trang web trong hiện tại.
Điều này nghĩa là nếu một website đã có lịch sử vi phạm chính sách của Google, nó cũng giống như một cái hố sâu và bạn sẽ mất nhiều thời gian để lấp đầy khoảng trống trong hố trước khi nó trở về như bình thường.
Chính vì thế, những ai có ý định mua tên miền cũ vì mục đích SEO cần phải thực sự cẩn trọng trong việc kiểm tra xem liệu website đó có từng bị dính án phạt từ thuật toán của Google trong quá khứ hay không, bởi trong một số trường hợp nhất định, các hình phạt này có thể sẽ chuyển sang chủ sở hữu mới.
Tên miền khớp chính xác
Tên miền khớp chính xác từ khóa (Exact Match Domain, viết tắt là EMD) không phải là yếu tố xếp hạng trong thuật toán của Google, hay nói đơn giản hơn, EMD không giúp bạn cải thiện thứ hạng của trang web.
Ví dụ, việc sở hữu tên miền bommang.vn sẽ không giúp bạn tăng thứ hạng cho từ khóa \”bơm màng\”.
Lợi ích duy nhất mà EMD mang lại cho bạn chính là khả năng cải thiện tỷ lệ nhấp CTR khi họ tìm kiếm với truy vấn đó, bởi nó gợi ý những nội dung trên trang web đang xoay quanh chủ đề mà họ đang tìm kiếm.
Tuy nhiên, nếu website của bạn đang sử dụng EMD nhưng có chất lượng nội dung thấp, chắc chắn nó sẽ bị phạt bởi bản cập nhật Google EMD Update ra mắt năm 2012.
Từ khóa trong thẻ tiêu đề, tiêu đề và tiêu đề phụ
Mặc dù thẻ tiêu đề là một yếu tố xếp hạng đã được Google xác nhận, nhưng việc chèn từ khóa vào trong thẻ H1 (cũng như các thẻ từ H2 – H6) sẽ không trực tiếp giúp cải thiện thứ hạng nội dung của trang web.
Vì sao?
Nói đơn giản, tương tự như việc bạn dễ dàng spam các tương tác trên website của mình bằng các thủ thuật mũ đen, việc chèn từ khóa vào thẻ H1 quá dễ thực hiện cũng như không mang lại các giá trị thực sự cho người dùng.
Chính vì thế, liệu Google có nên xếp hạng cho một trang web chỉ vì nó có từ khóa trong thẻ H1 hay không?
Rõ ràng là không.
Tuy nhiên, lý do lớn nhất của việc sử dụng từ khóa trong thẻ H1 là vì bản thân nội dung của từ khóa cũng gợi ý cho người dùng về một chủ đề cụ thể, do đó, nó có thể giúp cho nội dung của thẻ tiêu đề trở nên rõ ràng hơn.
Tóm lại, bạn nên tạo các thẻ tiêu đề có nội dung rõ ràng, phù hợp và có liên quan, và một trong những cách đơn giản nhất là sử dụng từ khóa trong thẻ H1.
Từ khóa LSI
Từ khóa ngữ nghĩa (hay LSI keyword) không phải là yếu tố xếp hạng của Google, theo xác nhận của John Mueller trên Twitter năm 2019.
There\’s no such thing as LSI keywords — anyone who\’s telling you otherwise is mistaken, sorry.
— John Mueller is mostly not here ???? (@JohnMu) July 30, 2019
Điều này nghĩa là việc sử dụng đa dạng từ khóa LSI trong một trang web không giúp ích cho việc tăng thứ hạng trang web đối với một từ khóa cụ thể nào.
Tuy nhiên, từ khóa LSI sẽ giúp gia tăng chất lượng nội dung trên trang web bằng cách cung cấp thêm nhiều ngữ cảnh có liên quan đến chủ đề mà bạn đang nói đến, từ đó, một trang web có thể được xếp hạng với hàng chục từ khóa khác nhau.
Ví dụ, bài viết về chủ đề báo cáo thị trường Digital Việt Nam của tôi hiện đang được xếp hạng với hơn 50 từ khóa khác nhau, và rất nhiều trong số chung nằm trong Top 3 Google Search.
Cách tốt nhất để sử dụng từ khóa LSI chính là đưa nó vào trong tất cả các thành phần nội dung trên trang web, bao gồm:
- Tiêu đề, thẻ tiêu đề và thẻ mô tả của trang web.
- Intro (đoạn tóm tắt bài viết).
- Nội dung chính của bài viết.
- Các văn bản thay thế (ALT text) của hình ảnh.
Văn bản thay thế (ALT text) và Siêu dữ liệu (Metadata) của hình ảnh
Hiện nay, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc các thông tin của hình ảnh dưới dạng siêu dữ liệu và văn bản thay thế có phải là yếu tố xếp hạng trên Google Search hay không.
Tuy nhiên, tôi chắc chắn một điều rằng Metadata và ALT text là các yếu tố xếp hạng trên Google Image đã được xác nhận bởi John Mueller và Matt Cuts, và thậm chí Google còn tạo ra hẳn một trang hướng dẫn dành riêng cho SEO Image tại đây.
Chính vì thế, để cải thiện thứ hạng trang web trên Google Image, bạn cần tối ưu văn bản thay thế cũng như các thành phần khác của hình ảnh, gồm có:
- Dữ liệu có cấu trúc
- Chất lượng của hình ảnh
- Dung lượng của hình ảnh
- Kích thước của hình ảnh
- Tiêu đề, chú thích và tên file ảnh
- Định dạng hình ảnh
- Thiết lập chế độ responsive cho hình ảnh
Liên kết bên ngoài (external link) chất lượng
Liên kết bên ngoài không phải là yếu tố xếp hạng của Google, đó là hàm ý mà John Mueller đã đề cập trong video Youtube năm 2016 khi nói rằng chúng \”không phải là một yếu tố xếp hạng cụ thể\”.
Tuy nhiên, John cũng nói thêm rằng các liên kết bên ngoài vẫn có thể đóng góp giá trị cho nội dung của trang web, do đó, về mặt nào đó, các liên kết này sẽ làm gia tăng chất lượng nội dung thông qua những bài viết có liên quan từ những nguồn thông tin đáng tin cậy bên ngoài.
Nói cách khác, những liên kết bên ngoài chất lượng sẽ gián tiếp cải thiện thứ hạng của trang web nếu nó được sử dụng đúng cách như:
- Trích dẫn thông tin từ những nguồn thực sự có thẩm quyền và độ tin cậy trong ngành.
- Trình bày thông tin một cách công bằng, không thiên vị cho người đọc.
- Các thông tin trích dẫn đã được xác thực.
- Cho phép người đọc có cơ hội xác minh thông tin nếu họ muốn.
Đa phương tiện (Media)
Đa phương tiện (hình ảnh, video, âm thanh, podcast…) không phải là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến xếp hạng Google của trang web, tuy nhiên, chúng là mang lại sự hỗ trợ to lớn cho chất lượng nội dung của trang web, yếu tố đã được xác nhận là có tác động trực tiếp và lớn nhất đến thứ hạng trang web.
Liên kết bị hỏng (404 error / Broken link)
Thông thường, một liên kết hỏng không ảnh hưởng gì đến thứ hạng một trang web nếu như nó được tải thành công, nhưng nếu có một trang web khác liên kết đến nó, đây là một tín hiệu cảnh báo về chất lượng nội dung trên trang web đặt liên kết nội bộ.
Như tôi đã đề cập bên trên, liên kết nội bộ được xem là một liên kết thông thường, do đó, nó có khả năng chuyển PageRank cho một trang web nội bộ khác.
Tuy nhiên, vì bạn đang liên kết đến một trang web không còn tồn tại, do đó, theo nguyên tắc tính toán PageRank, lượng PageRank chuyển đến trang web này đã bị mất đi.
Nói cách khác, các đường liên kết 404 làm cho PageRank của trang web gốc bị mất đi, vì vậy, nó thực sự có ảnh hưởng tiêu cực đến thứ hạng của trang web đó.
Trang tiếp thị liên kết (Affiliate Page) sao chép
Theo Chính sách về Nội dung rác của Google, khi trang web của bạn là một trang tiếp thị liên kết có nội dung sao chép từ một trang web khác nhưng không cung cấp thêm bất kỳ giá trị bổ sung nào so với trang gốc, Google sẽ cân nhắc tổng thể website của bạn và có thể đánh giá đây là một loại nội dung rác.
Thông tin liên hệ trên website
John Mueller đã nói rằng thông tin liên hệ không phải là thứ mà Google tập trung vào để xếp hạng trang web, do đó, nó chắc chăn không phải là một yếu tố xếp hạng.
Tuy nhiên, thông tin liên hệ có liên quan mật thiết đến bộ tiêu chuẩn E-A-T, thứ được Google cân nhắc khi đánh giá chất lượng nội dung trên trang web, do đó, việc đề cập đầy đủ thông tin liên hệ trên website hay thậm chí có riêng các trang tiểu sử cho các tác giả sẽ rất hữu ích cho việc xếp hạng trang web một cách gián tiếp.
Xuất bản nội dung thường xuyên
John Mueller đã xác nhận trên Twitter năm 2018 rằng việc xuất bản nội dung thường xuyên không làm cho Google ưu ái hơn website này hơn những website khác.
Tuy nhiên, việc xuất bản các nội dung mang tính chất thời sự, trendy và được nhiều người quan tâm sẽ là yếu tố then chốt giúp một trang web được ưu tiên xếp hạng cao hơn những trang web khác.
Cập nhật nội dung kịp thời
Tương tự với việc xuất bản nội dung thường xuyên, việc cập nhật các nội dung bị lỗi thời sẽ giúp duy trì (hoặc thậm chí cải thiện) thứ hạng trang web một cách gián tiếp thông qua việc liên tục nâng cao chất lượng của nội dung.
Đặc biệt, điều này càng có ý nghĩa hơn đối với những nội dung được Google đánh giá rằng yếu tố \”mới mẻ\” đóng vai trò quan trọng đối với truy vấn của người dùng.
Dữ liệu có cấu trúc (Structured Data)
Dữ liệu có cấu trúc hay còn gọi là Schema Markup không phải là yếu tố xếp hạng của Google và nó không giúp cải thiện thứ hạng website, theo xác nhận của John Mueller năm 2018.
There\’s no generic ranking boost for SD usage. That\’s the same as far as I remember. However, SD can make it easier to understand what the page is about, which can make it easier to show where it\’s relevant (improves targeting, maybe ranking for the right terms). (not new, imo)
— John Mueller is mostly not here ???? (@JohnMu) April 2, 2018
Ngoài ra, Danny Sullivan cũng khẳng định lại trong năm 2020 rằng, việc sử dụng dữ liệu cấu trúc chỉ là tùy chọn bổ sung, và nó không có tác động đến thứ hạng của trang web.
Yesterday, a concern was raised that calorie information was required for recipes to be included in or to rank well for Google Search. This is not the case. Moreover, structured data like this has no impact on ranking in web search. This thread has more we hope eases concerns…
— Google SearchLiaison (@searchliaison) January 16, 2020
Mặc dù vậy, dữ liệu cấu trúc vẫn mang lại rất nhiều giá trị cho website của bạn, bao gồm:
- Làm nổi bật đoạn trích kết quả tìm kiếm cho trang web của bạn.
- Trang web có thể xuất hiện đối với các truy vấn tìm kiếm có thể có liên quan nhưng hiện tại bạn chưa được xếp hạng.
- Tăng tỷ lệ tương tác trên trang.
Tóm lại về Google Ranking Factor
Như vậy, bạn đã xem qua danh sách các yếu tố có tác động trực tiếp và gián tiếp đến thứ hạng trang web trên Google.
Các yếu tố trong danh sách của tôi đã được kiểm chứng và xác nhận bởi những nhân viên và cựu nhân viên của Google như John Mueller, Matt Cuts, Danny Sullivan hay Gary Illyes, do đó, nó có tính tin cậy và độ xác thực cao hơn nhiều so với các website khác.
Bây giờ, nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào có liên quan đến Google Ranking Factors, hãy dành chút thời gian để xem qua các câu hỏi thường gặp dưới đây hoặc để lại ý kiến của mình trong phần bình luận của bài viết này nhé.
Câu hỏi thường gặp về các yếu tố xếp hạng của Google
Tốc độ tải trang (Page Speed) có phải yếu tố xếp hạng Google không?
Đúng, Page Speed là một chỉ số quan trọng trong Core Web Vitals, và là một yếu tố xếp hạng trang web đã được Google xác nhận kể từ năm 2010.
Những năm tiếp theo, tuyên bố này vẫn còn chính xác, bằng chứng là năm 2018, Google đã đưa tốc độ trang web thành một trong những yếu tố xếp hạng cho kết quả tìm kiếm trên thiết bị di động.
Ở thời điểm hiện tại, tốc độ trang không còn được tính là một tín hiệu xếp hạng riêng lẻ, mà nó đã được thay thế bằng một tín hiệu khác được gọi là trải nghiệm người dùng (User Experience), nhằm \”tránh những trùng lặp không cần thiết\” trong thuật toán Google, theo phản hồi của John Mueller năm 2021.
We try to avoid unnecessary duplication in our code, so i would assume this replaces the previous speed ranking factors.
— John Mueller is mostly not here ???? (@JohnMu) July 21, 2021
Vì sao BacklinkO mắc sai lầm nghiêm trọng khi lập danh sách 200+ yếu tố xếp hạng Google?
BacklinkO lập danh sách 200+ yếu tố xếp hạng Google nhưng phần lớn trong số đó được tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn nhưng không có sự kiểm chứng, dẫn đến việc tạo ra ngộ nhận hoặc thông tin sai lệch cho người đọc.
Ví dụ, BacklinkO nói rằng các tín hiệu tương tác trên trang như thời gian trên trang, tỷ lệ nhấp chuột hay tỷ lệ thoát là yếu tố xếp hạng Google, nhưng John Mueller từ Google đã phủ nhận tất cả các yếu tố này.
Ngoài ra, BacklinkO trích dẫn lại các kết luận sai lầm từ kết quả nghiên cứu, chẳng hạn như báo cáo của SEMRush về yếu tố xếp hạng Google hàng đầu.
Nói chung, có khá nhiều thông tin gây hiểu lầm trong danh sách các yếu tố xếp hạng Google của BacklinkO, do đó, tôi sẽ dành thời gian để giải thích rõ hơn trong các câu hỏi ngay bên dưới đây.
Độ tuổi của tên miền (Domain age) có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, domain age không phải là ranking factor trong thuật toán của Google theo như xác nhận của John Mueller trên Twitter năm 2019.
No, domain age helps nothing.
— John Mueller is mostly not here ???? (@JohnMu) July 5, 2019
Trên thực tế, chẳng có lý do nào thuyết phục để nói rằng độ tuổi của một tên miền là bằng chứng cho một trang web có chất lượng nội dung hữu ích ưu tiên người dùng cao hơn một trang web khác.
Điều này cũng đúng khi nói về độ tuổi của trang web, tức một trang web lâu đời hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc nó được xếp hạng cao hay không.
Từ khóa trong domain hoặc subdomain có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, từ khóa trong domain hay subdomain không phải là yếu tố xếp hạng của Google, được xác nhận gián tiếp bởi John Mueller trong một video Youtube thuộc chủ đề \”Ask Google Webmasters\” đăng tải năm 2020.
Khi trả lời cho câu hỏi: \”Liệu một domain .job có giúp cải thiện thứ hạng cho trang web về tuyển dụng hay không?\” của một người dùng Twitter, John đã nói rằng:
\”In short, no. You don’t get a special bonus like that from having a keyword in your top-level domain.\”
Nói cách khác, thêm từ khóa vào tên miền cấp cao sẽ không giúp bạn nhận được bất kỳ ưu ái đặc biệt nào để cải thiện xếp hạng trang web trên Google.
Thông tin website đăng ký trên WhoIs có ảnh hưởng đến xếp hạng Google không?
Không, WhoIs Information không phải là yếu tố xếp hạng Google, do đó, dù bạn thiết lập thông tin WhoIs ở chế độ công khai hay bảo mật thì thứ hạng trang web cũng không bị ảnh hưởng, theo như xác nhận của John Mueller năm 2019 trên Twitter.
No, feel free to use the privacy settings as you want them.
— John Mueller is mostly not here ???? (@JohnMu) April 3, 2019
Ngoài ra, một số người làm SEO thắc mắc rằng nếu chủ sở hữu website đã từng bị dính án phạt bởi thuật toán Google thì liệu website được đăng ký trên WhoIs mang thông tin của họ có bị ảnh hưởng hay không.
Ví dụ, website cũ của bạn đã từng vi phạm chính sách của Google trong quá khứ, nhưng website mới của bạn có chất lượng nội dung vượt trội, vậy Google có lý do chính đáng nào để hạ thấp nội dung của nó và đưa những trang web kém chất lượng khác lên đầu?
Rõ ràng, đây là điều bất khả thi, và nó khẳng định lại một lần nữa rằng thông tin website trên WhoIs hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến xếp hạng của trang web trên Google.
Phần đuôi tên miền (tức TLD hay Domain Expansion) có phải yếu tố xếp hạng Google không?
Không, phần đuôi tên miền (.com, .edu, .vn…) không phải là yếu tố xếp hạng, do đó, nó không mang lại bất kỳ tác động tích cực hoặc tiêu cực nào đến thứ hạng của trang web.
Một số ý kiến cho rằng các tên miền quốc gia như .vn, .cn hay .us sẽ giúp gia tăng khả năng xếp hạng cho các nội dung phục vụ cho thị trường đó, và hạn chế khả năng xếp hạng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, đây là điều hoàn toàn không chính xác, vì lý do giống như tôi đã giải thích trong phần trả lời về từ khóa trong domain và subdomain.
Thẻ mô tả (meta description) có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, thẻ mô tả không phải là yếu tố xếp hạng Google, theo như nội dung một bài viết trên Blog Trung tâm Tìm kiếm của Google năm 2009.
Đến năm 2020, John Mueller trên Twitter đã tái khẳng định lại rằng mặc dù thẻ mô tả có thể được sử dụng cho đoạn trích hiển thị trên kết quả tìm kiếm (còn gọi là search result snippet), nhưng nó không được sử dụng để xếp hạng nội dung trang web.
Mật độ từ khóa (keyword density) có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, mật độ từ khóa, tương tự với thuật ngữ TFIDF, không phải là yếu tố xếp hạng của Google, theo như xác nhận của Matt Cuts trong một video Youtube từ năm 2011.
Theo Matt, khi một từ khóa được sử dụng lần đầu tiên trong bài viết, nó sẽ có hiệu quả đóng góp giá trị cho nội dung, nhưng những lần tiếp theo khi nó được sử dụng lại, thì nó gần như sẽ không còn mang lại giá trị nào nữa.
Như vậy, nếu áp dụng một tỷ lệ nhất định cho từ khóa trong bài viết, hãy coi chừng bạn rơi vào cái bẫy của thuật ngữ \”nhồi nhét từ khóa\” (keyword stuffing).
Ngoài ra, năm 2019, John Mueller trong sự kiện trực tuyến mang tên English Google Webmaster Central office-hours hangout năm 2019 cũng đã tái khẳng định điều này khi nói về thuật ngữ TF-IDF.
Cụ thể, trong video này, John nói rằng: TF-IDF là một số liệu khá cũ, và đã có rất nhiều thứ phát triển trong những năm qua.
Điều này ám chỉ rằng trong quá khứ, nó đã từng là một yếu tố, nhưng bây giờ thì không.
Lý do là vì Google có nhiều phương án tốt và hiệu quả hơn trong việc đánh giá một trang web (VD: word vectors, cosine similarity hay các phương pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên khác), trong khi TFIDF là một thứ công nghệ đã quá lạc hậu.
Nói chung, nếu bạn tìm thấy bất kỳ hướng dẫn SEO nào đề cập đến khái niệm keyword density, mật độ từ khóa hay TFIDF, hãy bỏ qua, vì chúng không phải là Google Ranking Factor.
Độ dài nội dung (Content length) có phải yếu tố xếp hạng Google hay không?
Không, Google không xếp hạng nội dung trang web dựa trên độ dài của nó, do đó, đây không phải là một yếu tố xếp hạng, theo xác nhận của John Mueller trên Twitter năm 2018.
I agree with you & Mihai :). Word count is not indicative of quality. Some pages have a lot of words that say nothing. Some pages have very few words that are very important & relevant to queries. You know your content best (hopefully) and can decide whether it needs the details.
— John Mueller is mostly not here ???? (@JohnMu) July 24, 2018
John nói rằng số từ trong một bài viết không phải là dấu hiệu cho thấy của yếu tố chất lượng trong bài viết, bởi vì có những trang có rất ít từ nhưng nó rất quan trọng và liên quan đến truy vấn tìm kiếm.
Và trên Reddit năm 2019, John đã nhấn mạnh rằng số chữ trong một bài viết (cách nói khác của content length) không phải là yếu tố xếp hạng, và bạn cần tự bảo vệ mình khỏi những rắc rối liên quan đến thuật ngữ này.
Mục lục (Table Of Contents) có phải là yếu tố xếp hạng Google hay không?
Không, mục lục không phải là yếu tố xếp hạng Google, mặc dù nó mang lại một số lợi ích cho trải nghiệm trên trang của người dùng.
Vì sao như vậy?
Một lần nữa, vấn đề lạm dụng các yếu tố xếp hạng lại được đề cập tới ở đây, và bất kỳ yếu tố nào dễ dàng cho việc thao túng thuật toán tìm kiếm Google cũng sẽ bị bỏ qua.
Nói cách khác, ngay cả khi mục lục là yếu tố xếp hạng Google, thì cũng sẽ không có bất kỳ sự khác biệt nào trong xếp hạng trang web, bởi gần như 100% website ngày nay đều có tính năng mục lục, và nếu website của bạn làm từ mã nguồn mở như WordPress, chỉ mất 1 phút để cài đặt và kích hoạt các plugin tự động tạo mục lục cho bài viết.
Hai lợi ích duy nhất mà mục lục mang lại cho trang web của bạn chính là:
- Giúp người dùng dễ dàng định hướng đến phần nội dung mà họ quan tâm;
- và Có thể kích hoạt chức năng nâng cao cho đoạn trích hiển thị trên kết quả tìm kiếm.
AMP (Accelerated Mobile Pages) có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, John Mueller đã xác nhận rằng AMP không phải là yếu tố xếp hạng, theo như một tweet được đăng tải vào năm 2017.
AMP isn\’t a ranking factor; if you decide to disable it, make sure to redirect appropriately.
— John Mueller is mostly not here ???? (@JohnMu) January 25, 2017
Ngoài ra, trong tài liệu hướng dẫn về AMP, Google cũng khẳng định nó \”không phải là một yếu tố xếp hạng\”, mặc dù tốc AMP giúp đẩy nhanh tốc độ tải trang, một trong các yếu tố xếp hạng thuộc bộ tiêu chuẩn Core Web Vitals.
Nội dung trùng lặp (Duplicate Content) có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, trong sự kiện Google SEO office-hours trên Youtube năm 2021, John Mueller đã khẳng định rằng nội dung trùng lặp không phải là một yếu tố xếp hạng tiêu cực.
Một trong những quan điểm sai lầm khi nói về Duplicate Content chính là việc lặp lại nội dung trên nhiều trang khiến cho trang web bị xếp hạng thấp hơn trên Google.
John nói rằng việc trùng lặp nội dung nhất định trên các trang web là điều hoàn toàn bình thường, do đó, nếu toàn bộ trang web đều là bản copy của một trang web nào đó, thì Google sẽ chọn ra một trang trong số đó để lập chỉ mục như mọi trang web bình thường khác.
Thẻ Rel = Canonical có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, thẻ rel = canonical không phải là yếu tố xếp hạng Google, vì canonical là một chỉ dẫn giúp Google hiểu rằng nội dung trùng lặp với một trang web khác, từ đó sẽ xếp hạng trang web gốc thay vì trang web trùng lặp.
Nói cách khác, nếu một trang web không có thẻ rel = canonical thì cũng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến thứ hạng của nó trên Google nếu nội dung của nó được lập chỉ mục.
Những nội dung ẩn trên thiết bị di động có được lập chỉ mục không?
Theo giải thích của nhân viên Google trong video đăng tải trên Youtube vào năm 2017, những nội dung ẩn trên thiết bị di động vẫn có thể được lập chỉ mục nếu nó là nội dung quan trọng.
Nội dung ẩn sau các tab hoặc nút \”Xem thêm\” có bị xem là kỹ thuật spam không?
Không, trong một video Youtube năm 2014, Matt Cuts đã xác nhận các nội dung ẩn nhưng cho phép người dùng xem được bằng cách nhấn vào một nút nào đó (như nhấn và tab hoặc nút \”Xem thêm\”) không phải là nội dung spam nếu nó được tạo ra vì lợi ích của người đọc.
Matt nói rằng kỹ thuật này rất phổ biến ngày nay, ví dụ như khi bạn xem nội dung trên Wikipedia phiên bản dành cho thiết bị di động, các nội dung được chia thành nhiều tab nhỏ, và người dùng có thể xem bất kỳ nội dung nào họ muốn bằng cách nhấp vào tab tương ứng.
Điều này mang lại trải nghiệm tốt cho người xem, và chính bản thân người xem cũng mong muốn điều đó, vì thế, nếu trang web của bạn cũng đang làm điều tương tự, như vậy không có gì phải lo lắng về việc Google sẽ hạ thấp thứ hạng của trang web.
Số lượng liên kết ngoài có phải là yếu tố ảnh hưởng đến thứ hạng?
Câu trả lời là: Còn tùy thuộc vào cách triển khai liên kết trên trang web của bạn có tự nhiên hay không.
Nếu bạn sử dụng liên kết bên ngoài vì được trả tiền để làm điều đó, hãy đánh dấu những liên kết đó là Sponsored hoặc Nofollow.
Bên cạnh đó, hãy đảm bảo rằng mọi liên kết trên trang web đều nhắm vào mục đích mang lại giá trị bổ sung cho người đọc nhằm giúp họ hiểu thêm về nội dung của bạn, chứ không phải nhằm mục đích chuyển PageRank (còn gọi là Link Juice) cho một trang web khác.
Nếu đáp ứng được những điều này, bạn không cần lo lắng về việc liệu mình có đang sử dụng quá nhiều liên kết bên ngoài hay không.
Chỉ số thẩm quyền tên miền (Domain Authority) có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, Domain Authority là một chỉ số do MOZ đặt ra, và trong tài liệu hướng dẫn về Domain Authority, MOZ cũng đã xác nhận rằng Domain Authority không phải là yếu tố xếp hạng trong thuật toán tìm kiếm Google.
Chỉ số đánh giá tên miền (Domain Rating) có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, Domain Rating là chỉ số do Ahrefs đặt ra mang ý nghĩa tương tự như chỉ số Domain Authority của MOZ, nó không phải là yếu tố xếp hạng Google, bởi vì Google xác nhận rằng họ \”không có bất kỳ thứ gì gọi là điểm thẩm quyền của website\” trong sự kiện trực tuyến Google Webmaster Central office-hours cuối năm 2016.
Bản thân Ahrefs cũng tuyên bố rằng \”không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các công cụ tìm kiếm sử dụng Domain Rating cho việc xếp hạng\”.
Độ dài của URL có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, URL là một yếu tố xếp hạng rất rất nhỏ trong thuật toán Google, nhưng độ dài của URL hoàn toàn không phải là yếu tố xếp hạng của Google, theo tuyên bố của John Mueller trong video Youtube dưới đây.
John nói rằng bản thân URL được sử dụng để làm ID nhận dạng một trang web, không quan trọng nó dài bao nhiêu, do đó, nó hoàn toàn không ảnh hưởng đến thứ hạng của trang web đó.
Lý do bạn cần giữ nó dưới 1000 ký tự chỉ đơn giản là vì nó giúp người dùng dễ dàng theo dõi hơn.
Vị trí của một trang web trong cấu trúc website có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, tương tự với độ dài URL, vị trí của một trang web trong cấu trúc website không phải là yếu tố xếp hạng, vì John Mueller đã nói rằng:
\”… Vì vậy, tóm lại, khi nói đến thứ hạng tìm kiếm, độ dài URL cũng như số lượng dấu gạch chéo đều không quan trọng.\”
Từ khóa trong URL có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, từ khóa trong URL không phải là yếu tố xếp hạng Google, bất kể từ khóa đó nằm trong tên miền, phần mở rộng của tên miền hay slug URL.
Vì sao?
Như đã trình bày ở trên, John Mueller nói rằng đối với Google, URL chỉ là một mã ID giúp Google phân biệt trang web này với trang web khác, do đó, bất kể bạn có đưa từ khóa vào URL hay không, thứ hạng của trang web cũng sẽ hoàn toàn không thay đổi.
Danh sách dạng HTML có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Google chưa từng xác nhận thông tin này, tuy nhiên, dựa trên việc những người quản lý website có thể dễ dàng spam kỹ thuật này trong bài viết của mình, gần như chắc chắn đây không phải là yếu tố xếp hạng của Google.
Sitemap có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, trong đoạn tweet phản hồi năm 2019, Gary Illyes đã xác nhận rằng việc sử dụng sitemap XML không mang lại bất kỳ điểm tích cực hoặc tiêu cực nào đối với thứ hạng trang web (ít nhất là theo hướng trực tiếp).
Tên miền chưa sử dụng (Parked Domain) có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, Parked Domain không phải là yếu tố xếp hạng Google, hay nói cách khác, dù bạn sở hữu 1000 Parked Domain và chuyển hướng chúng về website hiện tại, thì trang web của bạn cũng không hề có sự thay đổi nào về thứ hạng trên công cụ tìm kiếm.
Lý do?
Khi bạn chuyển hướng một tên miền cũ sang tên miền mới, tên miền cũ chỉ tồn tại khoảng 1 – 3 tuần trên hệ thống lập chỉ mục của Google trước khi bị xóa bỏ hoàn toàn khỏi kết quả tìm kiếm, do đó, nó không phải là một yếu tố bền vững.
Ngoài ra, Parked Domain rất dễ bị spam, và nó đã từng được sử dụng với tư cách là một trong những kỹ thuật SEO mũ đen trong quá khứ, do đó, Google đã liệt kê nó vào danh sách Link Scheme của mình.
Thời gian ngừng hoạt động (Downtime) của trang web
Thời gian ngừng hoạt động của trang web không phải là một yếu tố xếp hạng, bởi vì Matt Cuts đã nói trên Youtube vào năm 2013 rằng đây thực chất chỉ là một vấn đề về kỹ thuật, không phải là vấn đề mà thuật toán Google có thể xem là sự cố về chất lượng.
Tương tự, John Mueller cũng nói trên Reddit vào năm 2021 rằng nếu một trang web bị giảm hoặc mất thứ hạng vì ngừng hoạt động, nó sẽ khôi phục lại như cũ sau một hoặc hai tuần.
Vị trí máy chủ (host location) có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Hiện nay, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy Google sử dụng vị trí của máy chủ để xếp hạng trang web, tuy nhiên, vị trí của máy chủ có thể ảnh hưởng đến tốc độ tải trang của người dùng, theo đó, địa chỉ IP của người dùng càng gần với máy chủ, tốc độ tải trang sẽ càng nhanh.
Ví dụ, nếu hai website có cùng nội dung, nhưng một cái có máy chủ tại Việt Nam, còn cái kia đặt ở máy chủ Singapore, như vậy, nếu truy vấn tìm kiếm liên quan đến một địa phương tại Việt Nam, khả năng cao chính là Google sẽ ưu tiên hiển thị nội dung từ website đặt tại Việt Nam thay vì Singapore.
HTTPS có phải yếu tố xếp hạng Google không?
Đúng, trong bài đăng trên blog của mình năm 2014, Google đã khẳng định HTTPS là một yếu tố xếp hạng, bởi vì \”bảo mật là một vấn đề được Google ưu tiên hàng đầu\”.
Để áp dụng được HTTPS cho website của mình, bạn cần mua các chứng chỉ bảo mật SSL.
EAT có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, Danny Sullivan đã khẳng định rằng EAT không phải là yếu tố xếp hạng của Google, bởi vì nó không phải là thứ gì đó mang tính chất kỹ thuật có thể đo đạc chính xác giống như tốc độ tải trang.
Is E-A-T a ranking factor? Not if you mean there\’s some technical thing like with speed that we can measure directly.
We do use a variety of signals as a proxy to tell if content seems to match E-A-T as humans would assess it.
In that regard, yeah, it\’s a ranking factor.
— Danny Sullivan (@dannysullivan) October 11, 2019
Tuy nhiên, Google sử dụng rất nhiều tín hiệu tương đồng khác nhằm đánh giá một nội dung có phù hợp với nguyên tắc EAT giống như cách mà con người xem xét chất lượng nội dung đó.
Do đó, bạn có thể sử dụng EAT như là một yếu tố thay thế cho các tín hiệu mà Google đang dùng.
EEAT có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, tiêu chuẩn EEAT là một nâng cấp của tiêu chuẩn EAT (bổ sung thêm Experience, tức trải nghiệm của người dùng), và Google đã xác nhận rằng nó không ảnh hưởng trực tiếp đến xếp hạng trang web trên trang kết quả tìm kiếm.
Điều hướng Breadcrumb có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, Breadcrumb không phải là yếu tố xếp hạng của Google, bởi về bản chất Breadcrumb chỉ là công cụ được Google sử dụng để thu thập dữ liệu các liên kết nội bộ cũng như hiển thị dữ liệu cấu trúc trên trang kết quả tìm kiếm, theo như tuyên bố của John Mueller năm 2021.
Nói cách khác, vai trò của breadcrumb không có gì khác biệt so với sitemap XML trên website, và như bạn đã biết, sitemap cũng không phải là yếu tố xếp hạng Google.
Điều này nghĩa là một website có thể không cần đến breadcrumb, và trong trường hợp bạn sử dụng nó, thì vị trí đặt breadcrum cũng không bắt buộc (tức đặt ở đâu cũng được, kể cả ở footer).
Video Youtube có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, video Youtube giúp làm tăng hiệu quả tương tác trên trang, nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy việc thêm video vào trang web sẽ giúp cải thiện thứ hạng của trang web đó.
Thời gian trên trang (Dwell Time) có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, thời gian trên trang (còn gọi là Time On Site) là một tín hiệu tương tác trên trang, do đó, nó không phải là yếu tố xếp hạng Google bởi vì nó rất dễ bị thao túng bằng các kỹ thuật spam.
Tỷ lệ thoát (Bounce Rate) có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, tỷ lệ thoát là một tín hiệu tương tác trên trang, do đó, mặc dù tỷ lệ thoát cao có thể là dấu hiệu cho thấy nội dung không phù hợp với mục đích tìm kiếm, nhưng nó không phải là yếu tố xếp hạng Google bởi vì nó rất dễ bị thao túng bằng các kỹ thuật SEO mũ đen.
Tỷ lệ nhấp chuột (CTR – Click Through Rate) có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, CTR là một tín hiệu tương tác trên trang, do đó, mặc dù CTR cao có thể là dấu hiệu cho thấy người dùng bị hấp dẫn bởi nội dung trang web trên trang kết quả tìm kiếm, nhưng nó không phải là yếu tố xếp hạng Google bởi vì nó rất dễ bị thao túng bằng các kỹ thuật SEO mũ đen (như hành vi mua traffic user hay tự nhấp vào trang web của mình).
Pogo-sticking có phải yếu tố xếp hạng của Google không?
Không, Pogo-sticking là một tín hiệu tương tác trên trang gần giống với bounce rate, do đó, nó không phải là yếu tố xếp hạng Google, theo xác nhận của John Mueller trong video dưới đây.
Code Google Analytics (GA) và Google Search Console (GSC) trên trang web có thể giúp cải thiện thứ hạng Google không?
Không, GA và GSC chỉ là các công cụ giúp theo dõi hiệu quả hoạt động của trang web, do đó, nó hoàn toàn không liên quan gì đến thứ hạng của trang web trên Google.
Mặc dù vậy, việc sử dụng GA và GSC có thể giúp bạn phân tích và xây dựng các chiến dịch Content Marketing hiệu quả dựa trên dữ liệu hiệu suất hoạt động của website.
Đánh giá của người dùng (User Review) có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, Google đã nhiều lần khẳng định đánh giá tích cực hoặc tiêu cực của user không phải là yếu tố xếp hạng, và Danny Sullivan đã nhắc lại điều đó trên Twitter năm 2021 như sau:
No
— Danny Sullivan (@dannysullivan) June 19, 2021
Số lượng tên miền giới thiệu (referral domain) có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Google chỉ xem backlink từ các tên miền giới thiệu chất lượng là yếu tố xếp hạng, và bỏ qua tất cả các backlink từ những website không liên quan.
Số lượng backlink từ mỗi domain có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Không, Google chỉ quan tâm đến mức độ liên quan giữa trang web đặt backlink và trang của bạn, không quan tâm đến số lượng backlink mà bạn có từ domain đó.
Nói cách khác, dù bạn có 1000 backlink từ website A, nhưng Google có thể chỉ ghi nhận 1 backlink chất lượng và loại bỏ toàn bộ các backlink còn lại.
Website sử dụng chung địa chỉ IP (hay dịch vụ Shared Hosting) có ảnh hưởng đến xếp hạng Google không?
Không, bạn có thể sử dụng các dịch vụ Shared Hosting hoặc dùng chung địa chỉ IP cho website của mình, và nó hoàn toàn không ảnh hưởng đến thứ hạng trang web, theo xác nhận của John Mueller vào năm 2018.
Văn bản neo (Anchor text) có phải là yếu tố xếp hạng Google không?
Đúng, Anchor text là một trong các yếu tố xếp hạng của Google, vì tối ưu Anchor text là một trong các phương pháp SEO hay nhất được Google đưa ra trong tài liệu hướng dẫn SEO cho người mới bắt đầu.
Mặc dù vậy, vai trò của anchor text đã bị giảm đi đáng kể từ khi thuật toán Penguin ra mắt năm 2012, bởi Google muốn chống lại các chiến thuật SEO mũ đen thông qua backlink.
Backlink từ domain .edu hay .gov có giúp ích cho việc xếp hạng Google không?
Nếu xét ở góc độ backlink chất lượng đơn thuần, thì câu trả lời là: Có.
Tuy nhiên, trong video từ năm 2010 dưới đây, Matt Cuts đã khẳng định rằng việc xây dựng backlink từ website có phần đuôi tên miền là .edu hay .gov sẽ không mang lại bất kỳ giá trị cộng thêm nào so với các website có tên miền cấp cao (TLD) khác như .info, .net hay .com.
Đặt backlink ở sidebar hoặc footer có ảnh hưởng đến thứ hạng trang web không?
Không, thuật toán của Google được thiết lập để tự động bỏ qua các backlink đặt ở những vị trí bất thường như sidebar, footer hay nằm trong các đoạn văn bản có nội dung không liên quan đến trang web được liên kết đến, do đó các backlink này không giúp cải thiện thứ hạng của trang web.
Tốc độ xây dựng liên kết (Link Velocity) có phải yếu tố xếp hạng Google không?
Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy tốc độ xây dựng liên kết là yếu tố xếp hạng của Google, và thậm chí Gary Illyes của Google còn gọi Link velocity là một thuật ngữ bịa đặt khi phản hồi một câu hỏi về tốc độ liên kết trên Reddit.
Tương tự, khi nói về tốc độ xây dựng liên kết, John Mueller cho biết: Không quan trọng một trang web nhận được bao nhiêu liên kết trong một khoảng thời gian, điều cốt lõi ở đây là những liên kết đó có chất lượng và được tạo ra một cách tự nhiên hay không.
Backlink Wikipedia có giúp cải thiện SEO hay không?
Không, nếu điều đó không mang lại những giá trị bền vững và có ích trong dài hạn cho website của bạn.
Cụ thể, John Mueller đã nói rằng việc tạo ngẫu nhiên backlink trên Wikipedia không mang lại bất kỳ giá trị SEO cho website của bạn, khi trả lời cho câu hỏi \”Làm thế nào để kiếm backlink trên Wikipedia?\” trên Reddit năm 2020.
Rõ ràng, những hành động của cộng đồng SEO trong hàng chục năm qua nhằm mục tiêu có được backlink từ Wikipedia đã tạo ra một tín hiệu nguy hiểm khiến Google ngay lập tức ám chỉ việc tạo ra những liên kết không tự nhiên, thay vì đề cập đến khía cạnh xây dựng backlink vì lợi ích của cộng đồng.
Do đó, nếu bạn muốn kiếm được lợi ích từ Wikipedia, hãy thực hiện như một người bình thường chưa từng biết đến SEO.
Mua bán, trao đổi liên kết có giúp cải thiện thứ hạng trang web không?
Có, mua bán hoặc trao đổi liên kết sẽ mang lại các backlink như bạn mong muốn để cải thiện thứ hạng trang web, và chừng nào thuật toán của Google chưa phát hiện ra hành vi này, thì nó vẫn sẽ tiếp tục được xem là các backlink chất lượng.
Số lượng backlink từ một tên miền duy nhất có ảnh hưởng đến SEO không?
Không, Matt Cuts đã xác nhận rằng nếu một backlink xuất hiện nhiều lần trên một domain (tức site-wide backlink), nó sẽ chỉ được tính là một liên kết duy nhất, do đó, nó không thúc đẩy hay gây tác động tiêu cực đến hiệu quả SEO của bạn.
Lưu lượng truy cập trực tiếp (Direct Traffic) có phải yếu tố xếp hạng Google không?
Không, lưu lượng truy cập trực tiếp là một yếu tố rất dễ bị spam, khó theo dõi cũng như xác minh, do đó, tôi chắc chắn 100% nó không phải là yếu tố xếp hạng của Google.
Nhiều tin đồn đã được đưa ra về việc liệu đây có phải yếu tố xếp hạng hay không, nhất là khi SEMRush đã xuất bản một báo cáo vào năm 2021 và nói rằng lưu lượng truy cập trực tiếp là yếu tố xếp hạng hàng đầu trên Google Search.
Không những thế, BacklinkO còn góp phần làm cho tin đồn này ngày càng lan rộng khi đưa trích dẫn lại thông tin này và đưa nó vào danh sách 200 yếu tố xếp hạng Google của mình.
Hãy tưởng tượng, nếu tin đồn này là đúng, vậy bạn có nghĩ rằng trang web của mình sẽ được lên Top Google nếu dành thời gian mỗi ngày chỉ để fake IP và nhấn F5 để tải lại nội dung trang hay không?
Tóm lại, Direct Traffic sẽ không bao giờ là yếu tố xếp hạng Google (hoặc cho đến khi nào Google chính thức lên tiếng xác nhận về điều này).
Thẩm quyền chủ đề (Topical Authority) có phải yếu tố xếp hạng Google không?
Hiện nay, không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Google sử dụng thứ được gọi là Topical Authority trong thuật toán của mình, tương tự như Domain Authority hay Domain Rating.
Nhiều người đã đi tìm kiếm lời giải đáp cho câu hỏi \”Does Topical Authority a Google ranking factor?\”, tuy nhiên, tất cả câu trả lời đều đến từ cộng đồng SEO, và chưa có bất kỳ bình luận chính thức nào từ Google.