SEO là gì? 3 yếu tố xếp hạng Google quan trọng nhất hiện nay

SEO không phải là khái niệm mới tại Việt Nam, nhưng hơn 90% người làm Marketing chưa hiểu rõ hoặc nắm vững cách triển khai chiến lược tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, một trong những hoạt động Digital Marketing quan trọng nhất hiện nay. Bài viết này sẽ giúp học sinh, sinh viên Marketing và những người mới bắt đầu tìm hiểu về Online Marketing nắm những kiến thức cơ bản về SEO trước khi thực hiện tối ưu hóa website.

Kiến thức cơ bản về SEO | Ychoc.com

Đầu tiên, SEO là gì vậy?

Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (hay Search Engine Optimization – SEO) là quá trình tối ưu hóa nội dung để được hiển thị ở các vị trí miễn phí trên trang kết quả của các công cụ tìm kiếm (viết tắt là SERP).

SEO là gì | Ychoc.com

Khi tìm hiểu về SEO, bạn sẽ dành phần lớn thời gian để học các kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng có liên quan đến những hoạt động sau:

  • Nghiên cứu từ khóa (Keyword research): Làm thế nào để tìm và lựa chọn từ khóa SEO hiệu quả nhất và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và website của bạn. Nghiên cứu từ khóa cũng đặt nền tảng cực kỳ quan trọng cho hoạt động tối ưu hóa trên trang.
  • Tối ưu hóa trên trang (On-page SEO): Làm thế nào để tối ưu hóa các trang trên website của bạn để chúng được xếp hạng cao cho các từ khóa nhất định.
  • Xây dựng liên kết (Link building): Còn được gọi là tối ưu hóa ngoài trang hay Off-page SEO, là một trong những tiêu chí xếp hạng nổi bật và quan trọng nhất của Google đã được chứng minh và Google xác nhận về khả năng cải thiện thứ hạng cao hơn trong trang kết quả tìm kiếm.
  • SEO kỹ thuật (Technical SEO): Bao gồm những kiến thức cơ bản về kỹ thuật tối ưu hóa website của bạn và bảo trì website.

Sự khác biệt giữa SEO và quảng cáo trả tiền (paid ads) chính là SEO liên quan đến xếp hạng “không phải trả tiền”, có nghĩa là bạn không phải trả tiền để có mặt trong trang kết quả tìm kiếm. Nói cách khác, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm có nghĩa là chỉnh sửa, sắp xếp một phần nội dung trên website của bạn và tối ưu hóa nó để các công cụ tìm kiếm như Google tự động hiển thị nó ở đầu trang khi ai đó tìm kiếm nội dung nào đó.

Ví dụ, khi người tìm kiếm nhập truy vấn “game offline cho PC”, họ có thể đang muốn tìm danh sách hoặc các bài viết đánh giá về những game offline hay nhất cho PC. Chính vì thế, nếu bạn đã viết một bài review về top những tựa game PC hay nhất dành cho những người muốn chơi game offline, bạn sẽ muốn mọi người nhìn thấy bài viết này khi tìm với truy vấn trên, đặc biệt ở vị trí cao nhất trong danh sách các chỉ mục tìm kiếm được trả về.

SEO hoạt động như thế nào?

Chúng ta có thể nói sơ qua một chút về cách mà SEO hoạt động. Nếu đây là lần đầu tiên bạn tìm hiểu về SEO, thì việc bạn tra cứu thông tin về SEO trên các công cụ tìm kiếm như Google là điều hoàn toàn dễ hiểu, và hầu như 100% người dùng Internet khác cũng sẽ làm như vậy.

Tuy nhiên, Google không phải là nơi lưu trữ sách báo như thư viện, mà nó lưu trữ các bản sao của các website trên toàn thế giới. Khi bạn tìm kiếm với một truy vấn, Google sẽ lọc tất cả dữ liệu mà nó đã lập chỉ mục, từ đó cố gắng trả về các kết quả phù hợp nhất.

SEO hoạt động như thế nào | Ychoc.com

Như vậy, công việc của SEO chính là chứng minh cho Google (và các công cụ tìm kiếm khác) thấy rằng trang web của bạn chính là một trong những kết quả tốt nhất mà nó đang tìm kiếm.

Tầm quan trọng của SEO? Tại sao bạn nên tập trung vào SEO trong khi có rất nhiều phương thức tiếp thị truyền thông khác?

Có 3 điều quan trọng nhất thu hút những người làm Marketing đến việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, và theo Ychoc.com, chính 3 điều này làm cho SEO trở thành nguồn cung cấp lưu lượng truy cập website tốt nhất cho bạn.

#1: Không giống như quảng cáo trả tiền, lưu lượng truy cập nhờ SEO hoàn toàn miễn phí

Chính xác là vậy, bạn hoàn toàn không cần phải trả cho Google bất kỳ một khoản chi phí nào để được hiển thị nội dung trong danh sách các kết quả tìm kiếm hàng đầu. Google sẽ tự động làm việc đó, miễn sao giúp cho người dùng tìm được chính xác thứ mà họ đang cần.

#2: Khi bạn xếp hạng cao, lưu lượng truy cập vào website thường ổn định

Các phương thức tiếp thị truyền thông khác như quảng cáo trả tiền, social networking thường tạo ra lưu lượng truy cập đột biến, nhưng sau đó hiệu quả giảm dần hoặc biến mất đột ngột nếu bạn ngừng chi tiền cho các hoạt động này.

Trong khi đó, lưu lượng tìm kiếm trên các công cụ như Google, Bing là kết quả của việc người dùng tích cực tìm kiếm thông tin, và thông thường lưu lượng tìm kiếm một chủ đề nhất định thường có tính nhất quán theo tháng.

#3: Bạn có cơ hội tiếp cận một lượng khán giả rất lớn chỉ có thể tiếp cận được bằng SEO

Tính đến tháng 10 năm 2019, thế giới có gần 4.39 tỷ người dùng Internet, và gần 4 tỷ người trong số đó đang sử dụng Google. Đó là lý do vì sao trên thế giới, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm là một ngành công nghiệp trị giá đến 80 tỷ USD, và những người làm Marketing từ mọi tầng lớp xã hội đều đang theo đuổi nó ngày nay.

Mọi người đều muốn doanh nghiệp của mình được khách hàng tìm kiếm và khám phá, và SEO là cách hoàn hảo để giúp họ làm điều đó.

Cách Google hoạt động ảnh hưởng như thế nào đến SEO?

Khi nói về cách mà các công cụ tìm kiếm như Google hoạt động, có hai phần mà chúng ta cần tìm hiểu:

Thu thập thông tin và lập chỉ mục

Đây là hai hoạt động giúp các công cụ tìm kiếm như Google khám phá website của bạn và tạo chỉ mục tìm kiếm.

Để thu thập thông tin, Google sử dụng trình thu thập thông tin (tức web crawler software, còn gọi là Google Bot) để thu thập các thông tin có sẵn được công khai từ khắp các website trên Internet. Google bot sẽ bắt đầu thu thập dữ liệu từ một danh sách các URL đã biết (được gọi là seed). Sau đó, chúng theo dõi các siêu liên kết (hyperlinks) trên các trang đó và thu thập tiếp dữ liệu từ các trang mới được phát hiện.

Thu thập thông tin & lập chỉ mục Google | Ychoc.com

Quá trình này diễn ra liên tục, cho phép Google bot thu thập được rất nhiều thông tin khác nhau. Từ đó, chúng sẽ chuyển các dữ liệu này về máy chủ của Google để chuẩn bị thêm vào chỉ mục tìm kiếm (tức search index) của Google. Và những chỉ mục đó là những gì mà những người như bạn hay tôi đang tìm kiếm khi nhập một truy vấn trên Google.

Bây giờ, nếu bạn đang tìm kiếm một thứ gì đó và giả sử Google trả về mọi kết quả liên quan đến các từ có trong truy vấn của bạn, thì bạn sẽ nhận được một danh sách cực kỳ hỗn loạn. Do đó, Google (hay các công cụ tìm kiếm khác) đã tự xây dựng một thuật toán xếp hạng cho riêng mình để giúp bạn xử lý danh sách tìm kiếm đó.

Thuật toán xếp hạng của Google

Google có hàng trăm tiêu chí xếp hạng, và họ thực hiện các chỉnh sửa đối với thuật toán của mình từ 500 đến 600 lần mỗi năm. Vì vậy, thật sự không ai biết chính xác các thuật toán của Google hoạt động như thế nào.

Thuật toán Google | Ychoc.com

Tuy nhiên, Google cũng cung cấp một số manh mối và một số tài liệu hướng dẫn giúp bạn hiểu rõ hơn về các yếu tố quan trọng nhất. Ngoài ra, một số các công ty hàng đầu thế giới về Digital Marketing như Ahref, SEMRush hay MOZ đã thực hiện các nghiên cứu để kiểm tra kỹ hơn về các yếu tố này.

Hiện nay, có hơn 200 tiêu chí xếp hạng được liệt kê, và nhiều tiêu chí trong số đó chỉ là suy đoán dựa trên kết quả thống kê, nhưng Ychoc muốn đề cập đến một số yếu tố quan trọng nhất mà bạn cần phải hiểu từ quan điểm cơ bản

Các yếu tố xếp hạng quan trọng nhất của Google

#1: Liên kết ngược

Liên kết ngược (hay backlink) là các liên kết từ một trang web trên website này đến website khác. Trên trang Cách hoạt động của thuật toán tìm kiếm, Google đã nói rằng:

Nếu các trang web nổi bật khác về chủ đề này có liên kết đến trang, đó là một dấu hiệu tốt cho thấy thông tin có chất lượng cao.

Cách đơn giản nhất để hiểu về giá trị của một backlink đó là xem mỗi backlink là một phiếu bầu. Khi một trang web nhận được một liên kết ngược, về cơ bản, nó mang ý nghĩa là một trang web khác đã xác nhận nội dung trên trang đó. Càng có nhiều “phiếu bầu” từ các nguồn website đáng tin cậy, thì sự tín nhiệm đối với trang web đó càng cao.

Liên kết ngược (Backlink) | Ychoc.com

Một nghiên cứu do Ahref thực hiện đã nghiên cứu tác động của các liên kết ngược đến lưu lượng truy cập và tìm thấy mối tương quan tích cực rõ ràng giữa các liên kết ngược từ các trang web duy nhất (reffering domain) và lưu lượng truy cập hữu cơ không phải trả tiền (organic traffic) của một trang.

#2: Mục đích tìm kiếm

Mục đích tìm kiếm (search intent) đại diện cho lý do ẩn đằng sau truy vấn của người tìm kiếm.

Công việc của Google là trả về các kết quả phù hợp nhất cho bất kỳ truy vấn nhất định nào. Vì thế, bạn có thể khám phá mục đích tìm kiếm của người dùng bằng cách xem qua top các trang xếp hạng hàng đầu cho truy vấn mà bạn muốn xếp hạng.

Ví dụ: Nếu bạn muốn tìm kiếm “SEO Marketing”, bạn sẽ thấy rằng kết quả tìm kiếm chủ yếu là các bài đăng trên blog kiến thức nội dung giới thiệu định nghĩa về SEO Marketing. Do đó, nếu Ychoc thử và xếp hạng trang khóa học SEO do Ychoc đang cung cấp, như vậy trang web của Ychoc không phù hợp với mục đích tìm kiếm, kết quả là trang khóa học này không được xếp hạng.

Bây giờ, nếu bạn thay đổi truy vấn thành “khóa học SEO”, bạn sẽ thấy rằng các trang đang thống trị trên những kết quả tìm kiếm hàng đầu sẽ là các trang cung cấp khóa học liên quan đến SEO, vì thế, nếu Ychoc thử xếp hạng trang kiến thức cơ bản về SEO Marketing, như vậy kết quả là trang web của Ychoc cũng không được xếp hạng do không phù hợp với mục đích tìm kiếm của bạn.

Khái niệm về mục đích tìm kiếm là một khái niệm rất quan trọng mà bạn cần tìm hiểu, do đó Ychoc sẽ chia thành 3 bước đơn giản để bạn có thể sử dụng để xác định mục đích tìm kiếm cho bất kỳ truy vấn nào.

#3: Nội dung có chiều sâu

Công cụ tìm kiếm được tạo thành từ các phần mềm máy tính. Vì thế, thực sự các công cụ tìm kiếm không thể đọc và hiểu văn bản như con người. Tuy nhiên, Google đã đổ hàng tỷ USD vào việc tạo ra các công nghệ tinh vi để có thể hiểu nội dung ở một mức độ nhất định.

Nhưng để Google hiểu được, công việc của bạn với tư cách là nhà sáng tạo nội dung chính là cung cấp ngữ cảnh cho chủ đề.

Nội dung có chiều sâu | Ychoc.com

Ví dụ, nếu bạn tìm kiếm với truy vấn “cách lái ô tô”, bạn sẽ thấy các trang web chủ yếu đề cập đến những thứ như thắt dây an toàn, làm quen với bàn đạp ga và phanh, điều chỉnh chỗ ngồi, điều chỉnh gương chiếu hậu, và rất nhiều thứ khác mà những người lần đầu tiên tập lái xe có thể không biết.

Về cơ bản, bạn sẽ muốn trả lời truy vấn của người tìm kiếm một cách tốt nhất có thể, và theo lẽ tự nhiên, nó sẽ tạo ra những nội dung có chiều sâu. Nhưng cần lưu ý rằng không phải lúc nào chiều sâu của nội dung cũng chuyển thành độ dài văn bản.

Ví dụ, một truy vấn như “cách tắt nguồn Iphone 13” không cần một câu trả lời dài. Trên thực tế, câu trả lời nổi bật hàng đầu chỉ có 59 ký tự, nhưng đã đủ để giải quyết truy vấn của người tìm kiếm từ đầu đến cuối.

Chiến lược SEO: Phân biệt mũ đen và mũ trắng

Bây giờ, dựa trên những yếu tố xếp hạng trên, có nhiều phương pháp tối ưu hóa khác nhau nhằm mục đích cải thiện thứ hạng của một trang web. Một số người mong muốn đi con đường ngắn nhất để đạt được thành công, một số người khác chọn phương án phát triển bền vững. Điều này dẫn chúng ta đến hai trường phái SEO, đó là SEO mũ đen và SEO mũ trắng.

Phân biệt chiến lược SEO mũ đen và mũ trắng | Ychoc.com

Những người thực hiện SEO mũ đen có xu hướng sử dụng các chiến thuật bẩn như nhồi nhét từ khóa, văn bản ẩn hoặc spam liên kết để xếp hạng nhanh chóng. Nó có thể hoạt động trong thời gian ngắn hạn và giúp bạn có một số lưu lượng truy cập vào trang web của mình, nhưng sau một thời gian, Google sẽ phạt và thậm chí đưa trang web của bạn vào danh sách đen.

Dưới đây là các chiến lược SEO mũ đen thường được sử dụng nhất:

  • Nội dung trùng lặp: Khi người làm SEO mũ đen cố gắng xếp hạng cho một từ khóa nhất định, họ có thể sao chép một nội dung trên trang web và chèn vào khắp những nơi khác trong website để từ khóa xuất hiện càng nhiều càng tốt. Google chắc chắn sẽ phạt các trang web làm điều này.
  • Nhồi nhét từ khóa và văn bản vô hình: Nhiều năm trước, chức năng liên kết chân trang (footer links) là một yêu cầu bắt buộc phải có đối với những website mới được khởi tạo. Chức năng này cho phép chủ website chèn vào hàng loạt từ khóa neo (anchor text) được gắn các đường dẫn (link) đến bài viết mà họ muốn được xếp hạng. Không những thế, rất nhiều người làm SEO mũ đen đã điều chỉnh để làm cho footer link có cùng màu với background của website. Chiến lược này sẽ đưa bạn vào danh sách đen rất nhanh chóng. Điều tương tự cũng xảy ra đối với việc nhồi nhét các từ khóa tại những vị trí mà nó đáng lẽ không được xuất hiện.
  • Che giấu và chuyển hướng: Chiến lược SEO mũ đen lạm dụng chức năng chuyển hướng bằng cách mua một loạt các tên miền có nhiều từ khóa và hướng tất cả lưu lượng truy cập đến một trang web duy nhất.
  • Mua hoặc trao đổi backlink kém chất lượng: Trong vòng 24 giờ, số lượng liên kết ngược trỏ về website của bạn gia tăng đột biến. Đây là một điều bất thường đối với Google, và có khả năng website của bạn sẽ dính án phạt từ Google.

Trong khi đó, SEO mũ trắng là cách để xây dựng một doanh nghiệp trực tuyến bền vững. Nếu bạn làm SEO theo cách này, bạn sẽ tập trung vào đối tượng khách hàng mục tiêu của mình. Bạn sẽ cố gắng cung cấp cho họ nội dung tốt nhất có thể và làm cho nó dễ dàng truy cập bằng cách chơi theo quy tắc của công cụ tìm kiếm.

Có một khái niệm khác được gọi là chiến lược SEO mũ xám. Điều này nghĩa là các hoạt động tối ưu hóa không hoàn toàn minh bạch như chiến lược SEO mũ trắng, nhưng nó cũng không quá mức lạm dụng các kỹ thuật để thao túng thứ hạng của trang kết quả tìm kiếm. Với chiến lược SEO mũ xám, bạn không cố gắng đánh lừa các công cụ tìm kiếm, nhưng bạn đang nỗ lực để đạt được một số lợi thế nào đó so với các trang web khác.

Tóm tắt kiến thức cơ bản về SEO

  • SEO là một hoạt động Digital Marketing, trong đó, người làm Marketing tối ưu lại nội dung trên trang web để được xếp hạng cao trên trang kết quả tìm kiếm của Google. Mọi người nỗ lực làm SEO nhằm mục đích đưa trang web của họ lên vị trí cao nhất khi người dùng tìm kiếm với một truy vấn phù hợp.
  • Nguyên tắc hoạt động cơ bản của SEO chính là làm cho các công cụ tìm kiếm thấy rằng trang web của bạn chính là thứ mà người dùng đang tìm kiếm.
  • SEO không tốn chi phí, mang lại lưu lượng truy cập ổn định kể cả khi ngừng đầu tư trong một khoảng thời gian, và mang lại cơ hội tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiềm năng đang sử dụng các công cụ tìm kiếm.
  • Google bot thu thập thông tin, sau đó chuyển dữ liệu về máy chủ Google, và trải qua công đoạn xử lý của thuật toán tìm kiếm trước khi được hiển thị cho người tìm kiếm.
  • Các yếu tố xếp hạng quan trọng nhất gồm có: liên kết ngược, mục đích tìm kiếm và chiều sâu của nội dung.
  • Các chiến lược SEO mũ đen rất dễ bị phát hiện và nhận án phạt từ Google, trong khi các chiến lược mũ trắng là cách bền vững nhất để phát triển website trong dài hạn. Chiến lược mũ xám nằm giữa ranh giới giữa mũ đen và mũ trắng, không hoàn toàn minh bạch nhưng ít có khả năng bị phạt hơn chiến lược mũ đen.
5/5 (1 Review)

Vũ Đăng Chung

Xin chào, tôi là một freelancer chuyên về SEO Marketing. Tôi đã dành 4 năm để làm công việc Digital Marketing và viết Content tại các công ty thuộc nhiều lĩnh vực như làm đẹp & thẩm mỹ, thiết bị công nghiệp, thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến... trước khi chuyển sang làm SEO full-stack từ năm 2016. Cần liên hệ tôi? Vui lòng gửi yêu cầu đến địa chỉ email: chung250190@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *