Quảng cáo dịch vụ địa phương: Top10+ chỉ số Google LSA quan trọng nhất

Làm thế nào để biết một chiến dịch Quảng cáo Dịch vụ Địa phương trên Google có hiệu quả hay không? Hãy kiểm tra Top10+ chỉ số Google LSA quan trọng nhất đối với bất kỳ chiến dịch quảng cáo Google Local Service Ads nào.

Quảng cáo Dịch vụ Địa phương trên Google là gì?

Quảng cáo Dịch vụ Địa phương (hay Google Local Service Ads, viết tắt là Google LSA, GLSA hoặc đơn giản là LSA) là một dịch vụ Pay Per Lead Marketing mới do Google cung cấp dành riêng cho các doanh nghiệp địa phương.

Với Google Local Service Ads, các doanh nghiệp địa phương có một phương thức tiếp thị trực tuyến mới giúp tạo ra các khách hàng tiềm năng chất lượng cao tốt hơn, nhờ đó mang lại nhiều chuyển đổi hơn so với các chiến dịch quảng cáo PPC thông thường như Google Ads hay Facebook Ads.

Cách hoạt động của Google Local Service Ads

Dưới đây là mô tả về cách hoạt động của Google LSA.

Giả sử nhà bạn đột ngột bị mất điện nhưng không phải do công ty điện lực địa phương cắt điện, và bạn cũng không biết người quen nào có khả năng sửa chữa hệ thống điện trong nhà.

Do đó phương án khả thi nhất trong thời điểm này là bạn mở smartphone của mình lên, bật kết nối Internet qua sóng 4G hoặc 5G, và tìm kiếm trên Google dịch vụ sửa chữa hệ thống điện trong nhà.

Bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy các quảng cáo đại loại như sau:

Ví dụ quảng cáo Google LSA cho dịch vụ sửa chữa điện tại Philadelphia
Ví dụ quảng cáo Google LSA cho dịch vụ sửa chữa điện tại Philadelphia

Nếu bấm vào một trong các quảng cáo bên trên, bạn sẽ thấy các thông tin chi tiết về dịch vụ sửa chữa điện do công ty đó cung cấp giống như thế này:

Chi tiết quảng cáo GLSA cho dịch vụ sửa chữa điện tại nhà của Prime Electrical Services (Ảnh: WebFX)
Chi tiết quảng cáo GLSA cho dịch vụ sửa chữa điện tại nhà của Prime Electrical Services (Ảnh: WebFX)

Nếu bạn thấy đây là dịch vụ mà mình cần tìm, chỉ cần nhấn nút gọi điện thoại trên quảng cáo, bạn sẽ được kết nối đến công ty này thông qua hệ thống tổng đài của Google.

Dựa trên cuộc gọi này, Google sẽ tính phí quảng cáo đối với công ty mà bạn vừa liên hệ.

Đó chính là cách mà Quảng cáo Googel LSA hoạt động.

Để hiểu rõ hơn về cách hoạt động của Google LSA, bạn có thể tham khảo video giới thiệu khá sinh động như sau:

Làm thế nào để Google hiển thị quảng cáo của các doanh nghiệp địa phương phù hợp nhất?

Thuật toán quảng cáo của Google dựa trên nhiều yếu tố để quyết định đâu là các doanh nghiệp phù hợp nhất cho truy vấn tìm kiếm của bạn.

Dưới đây là một vài yếu tố trong số đó:

  • Vị trí địa lý của bạn (có thể là địa chỉ IP hoặc GPS).
  • Nội dung truy vấn mà bạn đang tìm kiếm.
  • Chất lượng hồ sơ doanh nghiệp.
  • ……

Do đó, nếu bạn đang ở Florida và tìm kiếm với cụm từ “air conditioner repair”, bạn có thể thấy các Quảng cáo Dịch vụ Địa phương cho dịch vụ sửa chữa máy điều hòa không khí như dưới đây:

Ví dụ về quảng cáo Google Local Service Ads cho dịch vụ sửa chữa máy điều hòa không khí tại Florida
Ví dụ về quảng cáo Google Local Service Ads cho dịch vụ sửa chữa máy điều hòa không khí tại Florida (Ảnh: AgencyAnalytics)

Ưu điểm của các chiến dịch quảng cáo Google LSA

Dưới đây là những ưu điểm lớn nhất của Google LSA đối với các doanh nghiệp:

  • Hiển thị ở vị trí cao nhất trên Google Search (cao hơn cả các quảng cáo Google Ads hay Google Local Business).
  • Chỉ hiển thị quảng cáo của các doanh nghiệp uy tín đang ở gần vị trí của khách hàng nhất.
  • Đúng bản chất của Pay Per Lead, tức bạn chỉ thanh toán khi có khách hàng tiềm năng liên hệ đến.
  • Tỷ lệ chuyển đổi thành đơn hàng cao.
  • Tạo dựng được lòng tin với khách hàng tiềm năng.

Có thể nói, GLSA là một trong những cách hiệu quả nhất để đưa doanh nghiệp của bạn có thể lên Top Google Search mà không phải tốn quá nhiều thời gian và công sức để vật lộn với các từ khóa.

Chính vì thế, những người làm Digital Marketing như tôi rất thích công cụ quảng cáo LSA này.

Nhưng điều đáng tiếc là hiện tại dịch vụ quảng cáo Google Local Service Ads chỉ mới hỗ trợ 11 quốc gia trên toàn thế giới (tính đến tháng 8/2022), và chưa hỗ trợ Việt Nam, do đó, chúng ta chưa có điều kiện để tiếp xúc và đánh giá tính hiệu quả của công cụ này.

Do đó, trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu cho bạn Top10+ các chỉ số quan trọng nhất để đo lường hiệu suất Quảng cáo Dịch vụ Địa phương dựa trên một bài viết của tác giả Michael Okada đăng trên AgencyAnalytics.com.

Top10+ chỉ số quan trọng nhất trong báo cáo Google LSA

Dưới đây là các chỉ số Google Local Service Ads quan trọng nhất mà bạn cần lưu ý khi báo cáo về hiệu suất GLSA :

#1: Số lượng khách hàng tiềm năng được tính phí

Đây là số lượng khách hàng tiềm năng mà bạn (hoặc đối tác của bạn) đã nhận được và bị tính phí quảng cáo.

Vì sao nó quan trọng?

Nó giúp bạn theo dõi được sự thay đổi trong xu hướng tìm kiếm dịch vụ tại địa phương, từ đó giúp bạn có những quyết định về chiến lược Marketing phù hợp để thúc đẩy doanh số bán hàng.

#2: Tổng chi phí quảng cáo

Chỉ số này cho bạn biết tổng số tiền mà bạn (hoặc đối tác của bạn) đã trả cho chiến dịch thu thập khách hàng tiềm năng thông qua quảng cáo Local Service Ads trong một khoảng thời gian nhất định.

Vì sao nó quan trọng?

Nó giúp bạn ước tính ngân sách dự kiến để chạy quảng cáo Google LSA trong những giai đoạn tiếp theo (tháng, quý hoặc năm).

#3: Số lượng đặt trước

Số lượng đặt trước ám chỉ những người đã đăng ký sử dụng dịch vụ của bạn thông qua quảng cáo GLSA.

Vì sao nó quan trọng?

Bạn có thể dễ dàng ước tính được doanh thu dự kiến cho quá trình cung cấp dịch vụ, trước cả khi khách hàng thực sự thanh toán cho dịch vụ đó.

Bạn cũng sẽ thống kê được những loại dịch vụ nào được khách hàng quan tâm nhiều nhất, từ đó, có phương án dự phòng để vận hành doanh nghiệp hiệu quả, chẳng hạn như sắp xếp nhân lực để đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ không bị gián đoạn bởi các lý do như thiếu người, nhân viên nghỉ phép,…

#4: Tỷ lệ đặt trước

Tỷ lệ đặt trước là tỷ lệ giữa số lượng đặt trước dịch vụ so với tổng số khách hàng tiềm năng mà bạn bị tính phí.

Vì sao nó quan trọng?

Chỉ số này phản ánh chất lượng của quá trình tư vấn dịch vụ cho khách hàng tiềm năng, chỉ số càng cao nghĩa là bạn đang đi đúng hướng, và khách hàng rất hài lòng với những thông tin mà bạn đã cung cấp cho họ.

Nếu tỷ lệ đặt trước quá thấp, bạn cần phải nhanh chóng kiểm tra lại quy trình tư vấn khách hàng đang gặp sự cố gì để có phương án cải thiện chất lượng dịch vụ.

#5: ROAS – Lợi nhuận ròng trên Chi phí Quảng cáo

Nếu đây là lần đầu tiên bạn sử dụng hình thức Pay Per Lead này, tôi khuyên bạn nên theo dõi kỹ lưỡng ROAS (Return On Ad Spend) của mình khi bạn bắt đầu sử dụng Google Local Service Ads, đặc biệt nếu bạn đã quen với việc đặt giá PPC truyền thống hơn.

Về mặt công thức, ROAS được tính bằng tỷ lệ giữa lợi nhuận ròng có được từ hoạt động quảng cáo và tổng chi phí chi cho chiến dịch quảng cáo đó.

Đối với quảng cáo PPL Marketing như GLSA, việc tính toán chỉ số ROAS đơn giản hơn rất nhiều so với khi bạn chạy quảng cáo CPC hay CPM.

Ví dụ, khi kết thúc chiến dịch Google LSA, tổng doanh thu bạn nhận được từ việc cung cấp dịch vụ cho các khách hàng thông qua quảng cáo là 100 triệu đồng, và tổng chi phí cho chiến dịch này là 50 triệu đồng.

Như vậy, lợi nhuận ròng từ chiến dịch quảng cáo của bạn là 50 triệu đồng, và ROAS của bạn được tính như sau: ROAS = [Lợi nhuận ròng] / [Tổng chi phí] = (50 triệu) / (50 triệu) = 1

Vì sao nó quan trọng?

Về mặt ý nghĩa, tương tự với ROI hay ROE trong kinh doanh, chỉ số ROAS phản ánh mức độ hiệu quả của việc đầu tư cho hoạt động quảng cáo GLSA, nó cho biết cứ mỗi đồng chi cho quảng cáo, bạn thu về được bao nhiêu đồng lợi nhuận.

Nói cách khác, bạn sẽ mong chờ ROAS tối thiểu sẽ là một con số dương, và nó phải càng cao càng tốt.

Chẳng hạn, trong ví dụ trên, cứ mỗi đồng chi phí quảng cáo, bạn thu được 1 đồng lợi nhuận.

Do đó, nếu như ROAS của bạn quá thấp hoặc âm (dù tỷ lệ đặt trước ở mức cao), điều này nghĩa là bạn nên cân nhắc việc liệu có nên ngừng đầu tư cho hoạt động quảng cáo Google LSA nếu như không có sự thay đổi đáng kể về chiến lược kinh doanh.

Lý do là vì chi phí cho mỗi khách hàng tiềm năng từ dịch vụ quảng cáo PPL này khá cao (từ vài USD đến vài trăm USD cho mỗi khách hàng), rất khác so với mức chi phí mà bạn thường chi trả cho các hình thức quảng cáo PPC thông thường (thường dưới 20 ngàn đồng/click tại Việt Nam).

Chính vì thế, mục tiêu mà doanh nghiệp của bạn cần đặt ra chính là tối ưu hóa ROAS nhằm đạt được hiệu quả tương đương hoặc vượt trội hơn so với các hình thức quảng cáo khác.

Đối với quảng cáo Google LSA, chỉ số ROAS tối ưu là bao nhiêu?

Rất khó để nói về điều này, vì nó tùy thuộc rất nhiều vào quốc gia, lĩnh vực kinh doanh, giá bán dịch vụ và lượng thời gian mà bạn đầu tư để tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo.

#6: Tỷ lệ phản hồi

Một trong các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo GLSA chính là Tỷ lệ phản hồi.

Nói đơn giản, tỷ lệ phản hồi là tỉ lệ phần trăm số lượng cuộc gọi hoặc tin nhắn của khách hàng đến từ quảng cáo mà bạn đã trả lời.

Vì sao nó quan trọng?

Đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của tỷ lệ phản hồi, vì nó là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến xếp hạng quảng cáo của bạn.

Trong phần About Ad Ranking của Local Services Help, Google đã nói như sau: “Missed calls and unanswered message leads will negatively affect your responsiveness“.

Google giải thích về khả năng phản ứng trong thuật toán của Google LSA
Google giải thích về khả năng phản ứng trong thuật toán của Google LSA

Tạm dịch: Cuộc gọi nhỡ và tin nhắn không được trả lời sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phản ứng của bạn.

Nếu bạn chưa biết về cái gọi là “khả năng phản ứng“, thì đây là một trong các yếu tố thuộc về chất lượng hồ sơ doanh nghiệp trên Google, và được đưa vào thuật toán xếp hạng quảng cáo LSA của Google.

Điều này nghĩa là, sau khi khách hàng liên hệ, bạn (hoặc đối tác của bạn) cần trả lời khách hàng nhanh chóng, bất kể là bạn tự xử lý hay đối tác đứng ra xử lý.

Trong trường hợp bạn không thể cung cấp dịch vụ 24/7, bạn có thể thiết lập quảng cáo LSA chỉ chạy trong giờ làm việc hoặc những khung giờ mà bạn có thể phản hồi khách hàng nhanh chóng.

#7: Chất lượng dữ liệu khách hàng tiềm năng

Bạn nên theo dõi chất lượng khách hàng tiềm năng bằng cách kiểm tra xem liệu những người liên hệ bạn thông qua quảng cáo có phù hợp với khả năng đáp ứng dịch vụ của bạn hay không.

Thời lượng cuộc gọi cũng là một trong các khía cạnh giúp bạn đánh giá chất lượng khách hàng tiềm năng, trong đó, thời lượng cuộc gọi càng dài thì khách hàng tiềm năng càng đủ điều kiện.

Vì sao nó quan trọng?

Bạn cần thường xuyên đánh giá và phân loại chất lượng khách hàng tiềm năng nhằm giúp thuật toán của Google hiệu quả hơn trong việc nhắm đúng mục tiêu mà bạn đang cần.

#8: Điểm đánh giá

Điểm đánh giá của quảng cáo GLSA cũng tương tự với điểm đánh giá trên Google Business Profile, tức được thể hiện thông qua số “sao” trên tổng số 5 “sao”.

Vì sao nó quan trọng?

Điểm đánh giá là một trong những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định mua hàng, bất kể là lĩnh vực B2C hay B2B.

Theo nghiên cứu của BrightLocal năm 2022, 77% những người được khảo sát cho biết họ “luôn luôn” hoặc “thường xuyên” đọc các bài đánh giá khi lựa chọn các doanh nghiệp địa phương, và chỉ 3% trong số những họ sẽ cân nhắc lựa chọn doanh nghiệp có xếp hạng trung bình dưới 3 sao.

#9: Số lượng đánh giá

Bên cạnh số điểm đánh giá thì số lượng đánh giá một doanh nghiệp cũng là một trong các tiêu chí mà bạn cần tập trung tối ưu.

Vì sao nó quan trọng?

Càng nhiều đánh giá nghĩa là bạn càng có nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ, do đó việc nhận được các bài đánh giá từ khách hàng địa phương trên Google là rất quan trọng.

Mặt khác, ai cũng hiểu rằng việc tạo ra một vài đánh giá 5 sao trên Google sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc tạo ra hàng trăm đánh giá như vậy.

Do đó, một hồ sơ doanh nghiệp có càng nhiều đánh giá 5 sao, nó càng giúp xây dựng độ tin cậy về chất lượng dịch vụ cho những người đang cân nhắc sử dụng dịch vụ của bạn.

#10: CPL – Chi phí cho mỗi khách hàng tiềm năng

Chi phí cho mỗi khách hàng tiềm năng được tính bằng tổng chi phí đầu tư cho chiến dịch quảng cáo Google LSA chia cho tổng số lượng khách hàng tiềm năng mà bạn nhận được từ quảng cáo.

Vì sao nó quan trọng?

CPL không đơn thuần là số tiền trung bình mà bạn bỏ ra cho mỗi khách hàng tiềm năng.

Nó còn phản ánh mức độ “thiệt hại” khi bạn đầu tư cho một chiến dịch mà không thu lại được hiệu quả từ việc bán hàng.

Mặt khác, CPL cho một giai đoạn còn được xem là mức độ rủi ro khi bạn cân nhắc đến việc có nên tiếp tục triển khai quảng cáo trong giai đoạn tiếp theo hay không.

Chính vì thế, bạn sẽ luôn kỳ vọng CPL ở mức càng thấp càng tốt, nhờ đó, bạn sẽ có cơ hội tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo của mình trong khi ngân sách quảng cáo vẫn còn dư dả.

Tóm lại về các chỉ số Google LSA quan trọng nhất

Như vậy, bạn đã tìm hiểu về những chỉ số quan trọng nhất đối với một chiến dịch quảng cáo Google Local Service Ads.

Từ bây giờ, nhiệm cụ của bạn chính là tìm cách tối ưu hóa các chỉ số này nhằm cải thiện mức độ hiệu quả của chiến dịch quảng cáo, vì dù nói thế nào đi chăng nữa, Google LSA vẫn là một trong các hình thức Marketing có tỷ lệ chuyển đổi cao nhất, đồng thời cũng là hình thức quảng cáo Pay Per Lead hiếm hoi mà bạn có thể tiếp cận được trong thời gian tới.

Do đó, hãy lập kế hoạch Digital Marketing hiệu quả bằng việc kết hợp quảng cáo GLSA với các loại hình quảng cáo phổ biến khác như Google Ads, Facebook Ads hay Tiktok Ads, đồng thời thường xuyên theo dõi các chỉ số như CPL, tỷ lệ chuyển đổi, ROI…

Nếu tất cả các chỉ số này đều diễn ra đúng như bạn dự tính, vậy chứng tỏ bạn đang đi đúng hướng và hãy tiếp tục phát huy nó.

Ngược lại, đó có thể là dấu hiệu cho thấy thuật toán quảng cáo của Google đang thay đổi, hoặc Quảng cáo Dịch vụ Địa phương của bạn mất đi tính hiệu quả.

Bạn đánh giá như thế nào về các chỉ số Google LSA này? Hãy cho tôi biết ý kiến bằng cách bình luận bên dưới bài viết này nhé.

5/5 (1 Review)

Vũ Đăng Chung

Xin chào, tôi là một freelancer chuyên về SEO Marketing. Tôi đã dành 4 năm để làm công việc Digital Marketing và viết Content tại các công ty thuộc nhiều lĩnh vực như làm đẹp & thẩm mỹ, thiết bị công nghiệp, thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến... trước khi chuyển sang làm SEO full-stack từ năm 2016. Cần liên hệ tôi? Vui lòng gửi yêu cầu đến địa chỉ email: chung250190@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *